Thứ Sáu , 10 Tháng Năm 2024
Home / truyện ngắn / MỘT ĐÊM ĐI SĂN HEO RỪNG

MỘT ĐÊM ĐI SĂN HEO RỪNG

mot dem di san heo rung 2(2)

Nhìn đồng hồ treo trên tường, mới 2 giờ sáng, còn hơi sớm. Trời bên ngoài tối đen. Tôi dự định nằm ngủ lại. Trong nhà mọi người chắc đã ngủ say. Đêm qua anh chàng Josch một mình ngồi coi ti vi một câu chuyện tình yêu giữa cô giáo trường tiểu học với ông tướng chỉ huy trong quân đội chắc cũng đến  khoảng 11 giờ đêm mới đi ngủ. Còn ông Frank Baker, giáo sư Trường Chúa Nhật tại Hội Thánh Báptist Calvary nơi tôi vẫn đến nhóm mỗi tuần. Ông cũng là Giám đốc và chủ của một công ty làm bảng hiệu quảng cáo ở Houston nơi có hai người con trai cùng điều hành và cũng là chủ nông trang “Three B” với 150 mẫu đất trong vùng Crockett thuộc phía bắc và cách thành phố Houston  khoảng 2 tiếng rưỡi lái xe này, chắc cũng sắp sửa thức giấc vì ông thường đi ngủ sớm. Đó là thói quen của ông hễ ăn tối xong khoảng 6 giờ chiều là ngồi xem tivi một lát rồi vào phòng nằm đọc sách để dỗ giấc ngủ.

Tối qua sợ ngủ quên nên tôi đã để đồng hồ báo thức lúc 4 giờ sáng nhưng bây giờ đã thức rồi thì không ngủ ngay lại đươc. Tôi nhẹ nhàng thay đồ để không gây tiếng động rồi mở cửa sang nhà để xe lấy thêm con dao dài loại mã tấu đeo vào thắt lưng và cây roi đánh bò dài thước rưỡi đề phòng thú dữ đột xuất tấn công cùng với chiếc đèn pin cầm chắc trong tay để dò đường rồi đi nhanh ra cổng. Chiếc cổng hẹp bằng kẽm gai không khóa, chỉ cài then bằng sợi dây thung loại cột đồ trên mui xe. Ngoài kia 25 con bò cũng đang nằm ngủ, hình như chúng cũng nhắm mắt nên không con nào đứng lên theo dõi tôi đang bước lặng lẽ trong đêm khuya đi xuống thung lũng về phía bìa rừng.

Trời hôm nay không một ánh sao có lẽ vì mây sám tích tụ trên bầu trời báo hiệu trời sắp mưa. Mảnh đất bao la hàng vạn mẫu đất của ông Frank và những người chủ chung quanh tôi mới đến lần đầu ngày hôm kia nên chưa quen thuộc địa hình nhất là lần mò đi trong đêm khuya như thế này. Tôi chỉ nhớ bên trái con đường mòn là 2 cái hồ nước , phía xa xa trước mặt là rừng cây âm u mà tôi chưa có cơ hội đi vào vì hôm qua chúng tôi đi câu cá ở 2 hồ nước mênh mông hàng chục acres của người láng giềng . Tất cả mảnh đất và ao hồ ở đây đều thuộc tư nhân nên cổng vào đều có ổ khóa và khi đã câu cá lên thì không nên ném cá xuống hồ để giữ cho hồ được sạch và duy trì lượng cá tối thiểu cho nước hồ được trong xanh.

Cẩn thận soi đèn pin tìm dấu bánh xe để khỏi đi lạc nhất là dựa vào mấy ngọn đèn neon trong nhà xe sáng rực để định hướng. Tháng giêng thường là tháng lạnh nhất trong năm nhưng đêm nay dù mặc mong manh chỉ 2 chiếc jackets mỏng cũng không thấy lạnh lắm. Đây là lần thứ hai tôi đi bộ một mình giữa đêm tối mù mịt nên cũng yên tâm hơn lần đầu trên đường mòn đất cát đỏ dọc theo bờ suối với hàng cây và nhiều bụi rặm. Không có tiếng ve kêu, chó sủa hay tiếng vo ve của ruồi muỗi như ở Việt Nam. Âm thanh duy nhất nghe được là những cơn gió lướt nhẹ đưa đẩy xào xạc trên những tán lá hay ngọn cây. Cuối cùng tôi cũng kiếm được cái chòi canh dựng trên cao cách mặt đất gần một chục mét. Tôi tắt đèn pin chậm rãi nhè nhẹ leo lên cầu thang bằng sắt và khẽ mở cửa chui vào để tránh tiếng động.

Bên trong cabin tối đen như mực. Tôi bật đèn pin kiểm tra bên trong, cây súng săn vẫn còn đó. Trên kệ vẫn còn ống nhòm và mấy bình xịt thuốc trừ sâu. Tôi kéo nhẹ chiếc ghế đệm loại bàn giấy có thể ngả nghiêng một chút để ngồi thở. Không mang theo đồng hồ nhưng tôi đoán giờ này chắc khoảng gần 3 giờ sáng vì đi bộ gần 1 cây số để đến bìa rừng nơi chòi canh này đặt cách thùng máy quay hạt bắp khoảng 300 mét để dụ nai, heo rừng và đủ loại thú đến.

Trong chòi canh chiều hôm qua tôi đã để sẵn cây súng săn do ông Frank cho mượn dài như cây súng trường có gắn ống nhòm để nhắm bắn cho chính xác. Ông Frank đã lắp sẵn 4 viên đạn và còn đưa thêm 4 viên khác nhét túi dự phòng. Trước khi đi tôi hỏi nếu tôi bắn được 2 con heo rừng tôi sẽ đem về 1 con còn 1 con ông Frank và anh Josch lấy về làm thịt nhưng cả hai người đều từ chối. Rất tiếc mùa săn nai ở Mỹ đã kết thúc sau 1 tuần đầu của tháng giêng hằng năm tức là hai ngày trước khi tôi đến đây. Ông Frank chỉ săn nai đực để lấy sừng làm cảnh chứ không ăn thịt thì huống chi là heo rừng. Tối hôm qua ông đã nướng 3 miếng thịt bò mỗi miếng to và dầy bằng 2 cái bàn tay người lớn mà tôi ráng sức cũng chỉ ăn được nửa miếng . Có lẽ người Mỹ chỉ thích ăn thịt bò còn săn bắn hay câu cá chỉ là thú giải trí vì trong nhà kho tôi thấy có một tủ đông đá rất lớn có thể chứa cả một con bò nhưng bên trong không thấy một miếng thịt heo rừng, thịt nai nào cả. Hồi sáng ông còn nói bò khi già rồi ông đem cho chứ không giết làm thịt. Nếu không ai lấy thì để cho chết rồi đem chôn.

Những con bò ông nuôi trong nông trang chỉ ăn cỏ xanh và uống nước dưới hồ. Mùa đông cánh đồng cỏ héo úa nên chúng thường vềsống tập trung sát gần nhà nơi ông để sẵn 2 đống cỏ khô cách nhau vài chục mét sau nhà và gần hàng rào với hàng chục cuộn cỏ khô cao gần 2 mét xếp lớp cho ăn dần cho đến khi cỏ xanh mọc trở lai. Mỗi cuôn cỏ khô như vậy giá gần 100 đô Mỹ, to và rất nặng phải dùng máy tractor có 3 cây đinh sắt dài ở đầu để nâng lên và chở đến máng cho bò ăn. Tuy đã 80 tuổi và sống một mình nhưng tất cả công việc ông đều tự làm nhờ những chiếc xe máy cầy mua từ Mỹ, từ Russia với rất nhiều trang thiết bị chạy điên, chạy xăng, xe truck và các xe cơ giới khác.

Một tháng trước đây ông Frank còn nuôi 38 con bò đen và trắng. Loại bò ăn thịt thả rông không phải bò sữa nuôi trong chuồng để vắt sữa. Ông mới bán 13 con bê vài tuần.Theo lời ông thì người ta chỉ thích mua thịt bê khoảng 5 đến 6 tháng tuổi nên thỉnh thoảng ông giao cho một công ty đấu giá đem xe đến chở ra chợ nơi những nhà hàng đến mua, mỗi con bê con như vây ông có thể thu được khoảng 700 hoặc 800 đô Mỹ. Nhưng nếu để lớn hơn nữa giá chỉ còn được vài trăm đô thôi. Còn những con bò già nếu trừ các chi phí như chuyên chở, công xẻ thit… thì thu về vỏn vẹn chỉ được ít chục đô.

Sáng hôm qua ông Frank chở tôi đi một vòng chỉ cho xem những mảnh đất bị heo rừng tàn phá. Thói quen của chúng là ngày ngủ đêm đi tìm những gốc cây dưới đất để đào lên ăn. Điều này khiến tôi nhớ đến những người thiểu số ở gần Phước Tuy, Bình Giả sau khi họ tái định cư thành xóm nhỏ nằm sát cạnh khu dân cư người kinh. Những người đàn ông đi chân đất ban ngày vào rừng đốn củi và đào củ rừng sâu dưới đất cả mét làm lương thực. Những củ rừng này chỉ có họ mới ăn được còn mình ăn sẽ bị ngứa. Họ còn cạo thân cây lấy mủ hay nhựa cây làm đèn đuốc nên mùi hôi và khói đen rất khó ngửi. Nhưng tôi thích ăn món ngon nhứt của họ là những con cua, con kẹ nhỏ bằng ngón tay bắt từ ao rạch giã nát để nấu canh. Họ thật sự là những người rất nghèo khổ , nhà lá khi mưa thì bị dột, nền nhà bằng đất đen xì. Giường làm bằng những thanh tre đan thưa cả 5 phân mà không có mền chiếu gì cả. Tối ngủ phải chịu khói vì đốt một khúc củi ngay giữa nền nhà để đuổi muỗi. Cơm không có ăn và khi đau ốm cũng không có thuốc nên chỉ ăn lá và vỏ cây rừng chữa bệnh. Có lẽ suốt đời họ chắc không bao giờ được một miếng thịt bò to bằng bàn tay hay thịt heo rừng ! Nghỉ tới họ, tôi ước ao có dịp về thăm lại quê hương để đem cho họ một ít đôi giầy là thứ mà họ rất quý vì đi bộ sâu trong rừng già dễ đạp rễ tre rất đau đớn và những viên thuốc đau bụng vì họ thường ăn những gì hái lượm trong rừng sâu, nước độc.

Ngồi yên trong chòi canh để lắng nghe tiếng heo rừng đi ăn đêm. Bên ngoài trời mưa rạt rào rơi trên mái với những cơn gió hú trên ngọn cây. Thỉnh thoảng mưa dứt thì tôi lại nghe tiếng nước chảy róc rách của con suối nhỏ quanh bờ rào. Mấy ngày qua ở nông trại này tôi chưa thấy một con muỗi, con ruồi hay một con kiến dù phân bò rải rác khắp nơi với những khu rừng và những hồ nước bao bọc . Thật kỳ lạ vì ở đây không ai dùng thuốc diệt ruồi muỗi hay cỏ dại mà nếu có dùng thì bao nhiêu cho đủ với những khu rừng ngút ngàn và hàng chục hồ nước bao la với những bờ bụi mà mỗi lần đứng câu cá tôi phải canh chừng xem có con cá xấu nào núp đâu đó dưới làn nước xanh rêu đang mon men đến gần.

Trước khi ra đây tôi cẩn thận trùm thêm chiếc khăn bông quanh cổ và mặc thêm áo khoác để vừa giữ ấm mùa đông ở Texas vừa để tránh muỗi đốt nhưng không có một tiếng vo ve nào ngoài tiếng mưa nhè nhẹ và gió bay lất phất trên mái tóc khi một mình đi bộ cả cây số bên bìa rừng trong đêm khuya hiu hắt.

Ngồi thu mình trong chòi canh với diện tích vỏn vẹn 3 mét vuông đủ để đặt 2 cái ghế văn phòng cho hai người ngồi, nhìn ra bên ngoài chỉ thấy một mầu đen dầy đặc. Tôi ráng căng mắt để nhìn vào khoảng không bên kia bờ rào là khu rừng cây ngút ngàn hầu mong tìm dấu hiệu di động của những con heo rừng đi ăn đêm. Nhiều lúc buồn ngủ thèm có một chiếc giường dù là lót chiếu hay chiếc võng vải ngả lưng chờ trời sáng vì cứ ngồi co cụm không nhúc nhích như thế này dễ bị đau lưng và tê buốt cả hai chân. Có lúc muốn đi vệ sinh tôi phải rón rén mở cửa bước thật nhẹ xuống cầu thang vì sợ động tĩnh làm heo rừng bỏ chạy. Trong đêm khuya tăm tối lại ở rất xa nhà ông Frank trên đỉnh đồi nếu có kẻ thù hay cọp, beo, trăn, khỉ đột… leo lên được chòi canh này chắc chắn chỉ một mình tôi phải chiến đấu với nó mà không cầu cứu ai được. Đó là cái giá phải trả một khi đối diện với thú dữ . Những suy nghĩ này khiến tôi có cảm tưởng như mình đang đóng vai trò của người lính canh trong cuộc chiến. Những năm tháng hai miền Nam Bắc phân tranh vì là sinh viên nên tôi thoát khỏi nghĩa vụ quân sự và chưa bao giờ có cơ hội cầm súng nhất là chưa bao giờ bước lên chòi canh nhưng mỗi khi xem phim tôi thấy người lính canh thường là tiêu điểm đầu tiên của kẻ địch.

Đêm nay, “kẻ địch” không phải là người mà là những chú heo rừng phá phách đi ăn đêm. Kẻ địch hay những con heo rừng này nếu có đến gần cũng không thể thấy tôi trong chòi canh trên cao cả chục thước vì được che kín mít, chỉ để những miếng kiếng mica sơn đen lỗ chỗ nhỏ bằng bàn tay ngang tầm mắt có thể đóng mở khi cần đưa súng lên bắn. Những con nai, con thỏ, con sóc hay heo rừng quen đến chỗ đặt thùng bắp hột cứ 15 đến 30 phút lại phóng ra hàng chục hột bắp văng tứ tung ra xung quanh. Đó là miếng mồi ngon để người thợ săn bóp cò nếu có con nào bước lại gần để ăn bắp hột.

mot dem 2

Ngồi yên lặng suốt 5 tiếng trong bóng đêm tĩnh mịch, tôi miên man nghĩ đến những bài học Chúa dậy trong Kinh Thánh. Hình ảnh “hột bắp” cũng giống như những “cạm bẫy” của ma quỷ và những ”thú vui tội lỗi” của thế gian mà người thợ săn như sư tử rống đang rình mồi mà Thánh Kinh đề cập: “ Hãy tiết độ và tỉnh thức : kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt đươc.” (I Phierơ 5:8). Bây giờ thì tôi hiểu thật rõ ràng tại sao Lời Chúa dậy chúng ta phải hết sức cẩn thận để không bị làm mồi cho ma quỷ là kẻ thù rất nguy hiểm mà mắt chúng ta không thể thấy được. Ngồi trong phòng tối ngắm nhìn thiên nhiên và thú vật chung quanh, tôi có thể nhắm bắn tất cả những gì tôi muốn cũng giống như ma quỷ có thể bắt chúng ta bất cứ lúc nào nếu chúng ta không cảnh giác đề phòng. Chỉ cần một đêm say rượu lái xe, có thể trên đường về nhà tông vào gốc cây chết thê thảm trong nháy mắt hay rớt xuống hồ nước là số phận chúng ta đã bị định đoạt. Xứ Mỹ được tự do săn bắn trong khu vực địa phận nhà mình hay câu cá trong hồ nước mình mà không cần xin phép. Chỉ giới hạn loại thú gì được săn bắn hay loài cá, kích cỡ và mùa săn theo quy định mà thôi.

Gần sáng, tôi thấy qua ống nhòm mấy con sóc, con thỏ chạy lăn săn nhặt bắp. Với mắt thường tôi có thể thấy 3 con nai cái nhưng tôi không bắn con nào vì mùa săn nai đã hết  từ mấy ngày trước. Tôi không thấy một con heo rừng nào cả dù trong đêm tối thỉnh thoảng có nghe tiếng cào bới đâu đó mà trong đêm không trăng không sao giữa ngút ngàn cây cối dầy đặt không thể biết chính xác chúng đang ở chỗ nào . Nếu nhắm đại và bắn một viên đạn, tiếng súng sẽ xua đuổi chúng và như vây công trình rình canh heo rừng sẽ biến mất. Heo rừng là loài vật rất khôn lanh, chúng thường đi từng đàn và đi ăn vòng quanh địa phận như dân du mục. Chúng đi một vòng có khi cả tháng rồi mới trở lại chỗ cũ. Chúng ăn một chỗ có khi đến 3 hay 4 ngày rồi sau đó sang vùng khác nên nếu biết được đường đi của chúng sẽ dễ dàng săn bắn chúng.

Người dân ở đây không ai muốn heo rừng đến tàn phá đất đai vì chúng cầy bới đất không thể dùng máy cắt cỏ được, đồng thời chúng còn làm cho đường đi trở nên gồ ghề khó đi lại, khi mưa thì sũng nước, lầy lội nên thường họ phải dùng máy cầy để ban lại mặt đất cho bằng phẳng, điều này rất mất thì giờ vì họ ít khi ở nông trại mà thường khóa cửa nhà và khóa cổng để về thành phố nơi họ làm chủ một “business” như giám đốc một công ty, chủ khách sạn, tiệm ăn..vv. Họ thường dùng súng săn công suất lớn hoặc đặt bẫy để giảm bớt lượng heo rừng phá hoai. Mỗi lần ông Frank lên trang trại này, ông thường treo 2 lá cờ một cờ Mỹ và một lá cờ tiểu bang Texas. Gần 8 giờ sáng anh Josch đem xe đến đón để đưa tôi về lại nông trại và chúng tôi cùng chuẩn bị thu xếp hành lý trở về nhà. Trước khi về lại Houston thì ông Frank hạ hai la’ cờ xuống và vì vậy, chỉ cần nhìn cột cờ là có thể biết ông đang ở nông trại hay không.

Mặc dù súng và 8 viên đạn vẫn còn nguyên nhưng tôi vẫn rất vui vì bài hoc nhớ đời về “con sư tử rống rình mồi” học được qua một  đêm không ngủ ngoài bờ rừng heo hút. Với một cây súng săn dài hơn một thước vừa to và nặng như thế này,  chỉ cần bắn một phát đạn vào đầu là dù con heo rừng cân nặng cả trăm pounds cũng sẽ bị vỡ hộp sọ, gục măt xuống đất chết không kịp ngáp. Ma quỷ cũng có thể làm cho ai đó một khi sa ngã rơi vài cái tròng của nó sẽ rất khó vực dậy. Vì thế chúng ta phải hết sức cẩn thận để không cho ma quỷ có cơ hội đó bằng cách mà Kinh Thánh đã đề cập, những tội lỗi, những gì tựa như điều ác, hay những gì làm cho lòng chúng ta xa cách Đức Chúa Trời thì hãy lánh xa.

Mong rằng bài tùy bút này không những giúp ích cho tín hữu là những người đã tiếp nhận Chúa Jesus làm Chúa Cứu Thế , những người đang đi tìm chân lý trên Thiên Lộ Lịch Trình để tránh cạm bẫy của ma quỷ. “Khôn 3 năm dại một giờ”, chỉ vì một phút lỡ lầm hoăc vì một cái gì đó vấn vương mà chúng ta đánh mất cả một Thiên Đàng là Miền Vinh Hiển mà Đức Chúa Trời đã sẵm sẵn cho mỗi chúng ta là những con cái yêu dấu mà Ngài đã đổ huyết bằng chính mạng sống mình để cứu chúng ta ra khỏi hồ lửa và sự chết đời đời.

Bài viết này cũng xin gởi đến quý vị thân hữu là những người chưa một lần tiếp nhân Chúa Jesus làm Chúa và làm Chủ đời sống mình. Các bạn ơi, xin hãy đến với Đấng Vua trên muôn vua và Chúa trên muôn chúa, Đấng Thẩm Phán đời đời để “những ai tiếp nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời…” (Giăng 1:12), và “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đa ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3: 16).

Các bạn hãy đến với Chúa Jesus ngay ngày hôm nay để khỏi bị ma quỷ như “sư tử đang rình mồi” bắt giữ đưa xuống hồ lửa nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng mà không có con đường cứu rỗi nào khác ngoài chính Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ và loài người chúng ta và cũng là Đấng  duy nhất cứu bạn ra khỏi sự chết mất đời đời để đến Thiên Đàng phước hạnh ngàn đời sau. Hãy quyết định ngay và đừng chần chờ để khỏi mất cơ hội.

Houston
TRUNG ĐỖ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn