Thứ Bảy , 27 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / Tấm Gương Của Người Bê-rê

Tấm Gương Của Người Bê-rê

Chúa Bày Tỏ Chân Lý Qua Các Thầy Giảng Dạy Kinh Thánh

“Chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng.” I Cô-rinh-tô 2:13

Kinh Thánh phán dạy trong Ê-phê-sô 4:11-12 rằng, “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ”

Làm thế nào bạn biết khi một người được Chúa ban cho ơn làm thầy dạy Lời Ngài?

Đây là cách giúp bạn nhận ra: Trong khi người đó đang giảng dạy, nếu có những giây phút bạn cảm nhận như Chúa đang phán trực tiếp với mình – dường như bạn là người duy nhất đang hiện diện trong phòng, và người dạy như đang tập trung nói cho riêng bạn. Trong khoảnh khắc ấy, chính Chúa đang phán cùng bạn. Đó là cách bạn nhận ra một người có ơn giảng dạy.

Là người giảng dạy lời Chúa mỗi tuần tại Hội Thánh Saddleback chúng tôi phải cầu nguyện. Giữa một hội chúng đông đảo hàng nghìn người, chúng tôi không tài nào biết được nhu cầu của từng con dân Chúa. Vì thế chúng tôi cầu nguyện: “Chúa ơi, chúng con không biết người nào sẽ đến nhóm tại đây, và những điều đang xảy ra cho họ trong tuần, nhưng Chúa biết. Xin Chúa ban cho chúng con ơn giảng dạy để có thể đáp ứng được một nhu cầu trong đời sống của con dân Chúa.” Và Chúa thật đã làm điều đó. Đó là cách ơn giảng dạy được bày tỏ.Có một thử nghiệm tất cả chúng ta cần phải đặt trên ơn đặc biệt nầy. Rô-ma 12:6 chép rằng: Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin.” Trong bản Anh ngữ GWT “Nếu ai được ban ơn nói điều Chúa bày tỏ, hãy nói phù-hợp với niềm tin.”Nếu một người có ơn giảng dạy, sự giảng dạy đó phải phù-hợp với Kinh Thánh. Tôi không cần biết khả-năng hùng-biện người đó đến đâu. Tôi không cần biết bạn cảm động đến mức nào về sứ điệp đó. Nếu lời giảng không phù hợp với Kinh Thánh, đó không phải là người có ân-tứ giảng dạy.

Kinh Thánh nói rõ về điều nầy trong I Cô-rinh-tô 2:13,“Chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng.”Trước khi giảng dạy, tôi cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin giúp con nhớ những điều Ngài muốn con nhớ, và giúp con quên những điều Ngài không muốn con nói.”

Tôi cũng cầu nguyện cho các bạn: “Chúa ơi, xin giúp Hội Thánh nhớ những điều Ngài muốn họ nhớ, và khiến họ quên những điều dại dột mà con có thể nói ra. Xin giúp con dân Chúa nghe được tiếng phán từ Ngài, chứ không phải từ con.” Chân lý chính là điều Chúa phán dạy chúng ta, chứ không phải là điều một con người nào đó muốn nói.Có phải Đức Chúa Trời phán qua những nhân tố con người, được Ngài ban ơn giảng dạy, như tôi sao? Đúng vậy. Tôi thật sự kinh ngạc vì Ngài đã hành động như vậy! Tại sao Ngài lại phán qua những con người như chúng tôi? Bởi chính vì Ngài quan tâm đến các bạn, Ngài yêu thương các bạn, nên Ngài vui lòng dùng một số người để giảng dạy Kinh Thánh hầu cho các bạn có thể hiểu được chân lý của Ngài.

RICK WARREN

Công vụ 17:11, “Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng.

Thứ nhất, chúng ta để ý đến cụm từ “có ý hẳn hoi”, có nghĩa là cởi mở, mở lòng, chăm chú. Những người ở đây tiếp nhận  Phao-lô với tấm lòng cởi mở, không có thành kiến. Nhiều người khi nghe giảng Tin Lành đã có định kiến trước, do đó họ không tiếp nhận chân lý và đánh mất cơ hội cứu rỗi. Nhưng những người ở Bê-rê sẵn lòng tiếp nhận những lời giảng của Phao-lô, và sau đó tra xét, kiểm chứng theo Kinh thánh, xem lời giảng có thật hay không. Họ là những người khiêm nhường, luôn sẵn sàng học hỏi, thật lòng đón tiếp  Phao-lô và tiếp nhận lời Chúa rất tốt. Trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13 Phao-lô đã viết: “Bởi vậy, chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành động trong anh em có lòng tin.

Khi chúng ta nghe bài giảng, chúng ta phải có đức tin rằng Đức Chúa Trời hằng sống đang hiện diện ở giữa buổi nhóm, bởi vì lời Chúa phán: “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.” (Mat. 18:20). Cũng có nghĩa rằng Đức Chúa Trời hằng sống đang phán dạy  thông qua bài giảng của Phao-lô. Các tín hữu đầu tiên có lòng kính sợ Chúa, và họ tiếp nhận rằng chính Đức Chúa Trời đang dạy dỗ họ  qua chức vụ Phao-lô, chứ không phải đó là lời nói của con người. Ngày hôm nay, những người đang còn ở dưới ảnh hưởng của văn hóa thế tục, có cách nhìn rất xác thịt đối với mục sư, với người dạy dỗ Kinh thánh cho mình. Do đó họ không nhận được sự dạy dỗ của Chúa, và dĩ nhiên là không vâng phục. Những người như thế không thay đổi, theo Chúa nhiều năm cũng không có gì thay đổi. Nhưng khi chúng ta có tấm lòng để học lời Chúa, tiếp nhận người dạy Kinh Thánh cho mình như là người rao truyền Lời của Đức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ nhận được lời Chúa và vui mừng áp dụng Lời đó.

“Mỗi ngày họ cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng.” Nhiều người chỉ hài lòng với bài giảng ngày Chủ nhật, cho rằng thế là đủ. Nhưng những tín đồ ở Bê-rê không thấy đó là đủ, mà họ đọc lời Kinh thánh hàng ngày, tra xét Kinh thánh, suy gẫm lời Chúa, Ngày hôm nay chúng ta nên ghi chép lại những điều Đức Thánh Linh bày tỏ qua lời Chúa, rồi lại viết thu hoạch và áp dụng cho bản thân. Những người ở Bê-rê tìm thấy được chân lý  qua bài giảng của Phao-lô. Chúng ta xem kết quả lời Chúa làm việc ở đây như thế nào? Trong bọn họ có nhiều người tin theo, với mấy người đàn bà Gờ-réc sang trọng, và đàn ông cũng khá đông. Lời Chúa đem đến kết quả rất khác nhau với mỗi hạng người. Điều này phụ thuộc vào tình trạng tấm lòng, và thái độ cá nhân đối với lời Chúa. Một câu Kinh thánh có thể cứu rỗi và thay đổi số phận nhiều người. Nhưng nếu người nào có thái độ thành kiến với lời Chúa, thì hiển nhiên là họ sẽ không nhận được gì, mà lại còn vấp phạm.

Để học được thái độ đúng, chúng ta ghi chép tỉ mỉ khi học Kinh thánh, và trong buổi nhóm thờ phượng, khi nghe giảng, chúng ta cũng ghi chép lại những điều mà Đức Thánh Linh bày tỏ qua bài giảng. Khi đến buổi nhóm, chúng ta phải có lòng kính sợ Chúa. Trước khi học Kinh Thánh chúng ta phải chuẩn bị, đọc kỹ phân đoạn Kinh thánh, và trả lời các câu hỏi. Sau khi học xong, chúng ta phải đọc lại phân đoạn để nắm rõ những ý chính mà tác giả  muốn truyền đạt. Sau đó chúng ta viết thu hoạch, và lắng nghe tiếng Chúa phán với mình. Như vậy chúng ta có thể gặp được Chúa phục sinh qua lời Ngài. Và có như thế đức tin mới tăng trưởng, đời sống  thay đổi, các nan đề  được giải quyết.

 “Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng.” 
Những người ở Bê-rê xác nhận đức tin vững chắc và sáng suốt (1 Giăng 4:1; 2 Cô-rinh-tô 13:5). Họ nghe những lời khẳng định từ Phao-lô và tra xem Kinh Thánh  xem nó có đúng không. Họ nhìn vào Kinh Thánh, họ không muốn tin mù quáng. Ở đây không phải là hoài nghi mà là để tìm kiếm câu trả lời tốt nhất.

Phao-lô và Si-la, đã thoát khỏi sự bắt bớ ở Tê-sa-lô-ni-ca (Công vụ 17:10), đang ở trong hội đường tại Bê-rê. Trong ba chuyến truyền giáo của Phao-lô, Lu-ca ghi lại bài giảng của ông với những người khắc kỷ ở Athens (Công vụ 17:22–31). Xét việc Phao-lô dùng những lời trích dẫn của các triết gia Hy Lạp để nêu lên niềm tin chung của họ về một Đấng sáng tạo, thì thật hợp lý khi nghĩ rằng đây là một tình huống độc nhất và một thông điệp phù hợp.

Thông điệp của Phao-lô trong hội đường ở An-ti-ốt xứ Bi-si-đi có lẽ tiêu biểu hơn. Ông nói về cách Đức Chúa Trời dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh lưu đày để đến Đất Hứa. Ông giới thiệu Đa-vít và Giao ước Đa-vít, trong đó Đức Chúa Trời hứa với Đa-vít sẽ có người thừa kế ngai vàng mãi mãi. Ông giải thích lời tiên tri của Đa-vít rằng Đấng Thánh của Đức Chúa Trời sẽ không thấy sự hư nát. Điều này không thể áp dụng cho Đa-vít vì thi hài của ông vẫn còn trong mồ. Nó phải áp dụng cho người thừa kế của Đa-vít là Đấng đã chết và sống lại – Chúa Giê-su (Công vụ 13:16–41). Nói tóm lại, Chúa Giê-su người Na-xa-rét làm ứng nghiệm những lời tiên tri về Đấng Mê-si-a của người Do Thái.

Tại hầu hết các thành phố mà Phao-lô đến thăm, một số người Do Thái và nhiều người dân ngoại kính sợ Đức Chúa Trời tin ông, trong khi những người Do Thái khác ghen ghét và tìm cách đuổi ông ra khỏi thành phố. Phản ứng của người Bê-rê đối với việc tra xem Kinh Thánh thật độc đáo và đáng ngưỡng mộ (1 Giăng 4:1). Việc nghiên cứu và chấp nhận của họ cho phép câu chuyện về Chúa Giê-su tiếp cận sâu hơn với giới lãnh đạo hội đường, giúp Phao-lô và Si-la có sứ điệp sâu sắc hơn để giảng dạy.

Bạn có hằng ngày tra xem Kinh Thánh không?

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn