Chủ Nhật , 28 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / Một Vở Kịch Hay

Một Vở Kịch Hay

LÀM VUA NHƯNG MẤT SỰ XỨC DẦU.

Cô giáo Trang đưa các em trong Ban thiếu niên của nhà thờ Tin Lành Bình Trị Đông đi ra sinh hoạt ngoài trời. Tuần nầy nơi đến của các em là Khu du lịch Bình Quới, Sài Gòn. Nơi đây thuộc bán đảo Thanh Đa, nằm ngay trên bờ sông Sài Gòn. Sau khi cắm trại, dựng lều bên cạnh dòng sông, các em sẽ diễn kịch trên một sân khấu nhỏ và tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến vở kịch.Em Vinh bước sang tuổi mười sáu nhưng đã có một chiều cao khá… khiêm tốn là một mét bảy mươi, vì vậy em được chọn đóng vai Sau-lơ. Theo Kinh Thánh trong sách 1 Sa-mu-ên 9:2 thì Sau-lơ cao hơn những người khác một cái đầu. Còn Dũng, mười lăm tuổi khuôn mặt sáng sủa khôi ngô được chọn vào vai Đa-vít. Các em sẽ diễn vở kịch Đa-vít “Thà Chết Cho Sau-lơ” được cô giáo Trang đạo diễn và dàn dựng.Vở kịch lấy tưởng chính từ I Sa-mu-ên 24. Hai diễn viên chính được hóa trang cho có vẻ giống như Sau-lơ và Đa-vít vào thời đó. Sau-lơ ăn mặc theo kiểu hoàng gia, còn Đa-vít là một dũng tướng đang chạy trốn sự truy sát của Sau-lơ, nhưng vẫn giữ được phong thái người hùng cao thượng với nụ cười luôn nở trên vành môi. Trong khi đó Sau-lơ vẻ mặt cau có, toát lên những tia nhìn thù hận như một hoàng đế đã đánh mất sự xức dầu và bị thất sủng.Vở kịch bắt đầu với hình ảnh Đa-vít đang ẩn trốn trong một cái hang đá ở vùng hoang mạc Ên-ghê-đi. Đa-vít ngồi đựa lưng vào vách hang, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ. Chàng trai này đứng lên đi tới đi lui trong hang rồi dừng lại ở cuối hang cùng với bốn thuộc hạ mặt mày bặm trợn. Họ là những vệ sĩ, xuất thân từ thành phần du đãng tình nguyện theo phò Đa-vít. Cả nhóm năm người ngồi xuống nhìn ra ngoài hang, ánh sáng le lói trên đầu họ không soi rõ mặt người và họ thì thào với nhau những gì chỉ có Chúa biết. Thình lình có tiếng bước chân người đi rất gấp bên ngoài hang. Đó là những bước chân của Sau-lơ, nhà vua đang đi tìm chỗ để giải quyết “nỗi buồn muôn thuở”. Sau-lơ nhìn thấy cửa hang trước mặt đủ rộng để cho một người có thể lách vào bên trong, thế là nhà vua luôn ganh ghét này vén vạt áo dài và bước vào. Ông dừng lại một chút để quen với ánh sáng mờ ảo trong hang, bước sâu vào bên trong rồi nhanh chóng ngồi xổm xuống theo kiểu “gió mát đồng quê” an nhiên tự tại, chẳng sợ gì ai. Không xa lắm nơi Sau-lơ đang giải quyết việc riêng, nhóm vệ sĩ thầm thì vào tai Đa-vít: Đây sẽ là ngày cuối cùng của tên hung quân này, rõ ràng là Đức Giê-hô-va đang giao mạng sống ông ta vào tay dũng tướng. Hãy ra lệnh cho chúng tôi trừ khử ông ta.Nhưng Đa-vít đứng dậy, đưa tay ngăn cản bọn thuộc hạ. Anh vừa mới lóe lên một ý tưởng…Đa-vít bước tới sau lưng Sau-lơ ngay sau khi Sau-lơ định quay ra khỏi hang và lấy dao cắt một vạt áo choàng của nhà vua. Sau-lơ hoàn toàn không hay biết. Nhưng chỉ vài phút giây sau đó, Đa-vít tự trách chính mình, anh nói: “Có một điều gì đó không ổn cho hành động này của tôi? Cắt vạt áo choàng của người được Chúa xức dầu có phải là một điều tốt?” Đa-vít quay sang nói với các thuộc hạ:– Cầu xin Đức Giê-hô-va đừng để ta phạm tội với Chúa ta mà tra tay lên Sau-lơ là người được xức dầu.Một vệ sĩ lên tiếng:– Thưa tướng quân, Sau-lơ kia đã đánh mất sự xức dầu rồi. Ông ta vẫn còn ở trên ngôi vua nhưng Thần của Đức Giê-hô-va đã lìa bỏ ông ta.Đa-vít bảo vệ quan điểm của mình và trấn an các thuộc hạ:– Đánh mất hay giữ được sự xức dầu –đó là việc giữa Sau-lơ với Thiên Chúa toàn năng. Còn mối quan hệ giữa chúng ta với ông ấy là chúng ta không nên tra tay vào người đã từng được xức dầu.Đám thuộc hạ không nói gì thêm nữa, Sau-lơ ung dung ra khỏi hang đá, vừa đi vừa huýt sáo vui vẻ cùng với quân lính tiếp tục cuộc truy nã Đa-vít. Đa-vít cũng ra khỏi hang chạy theo Sau-lơ, anh nói lớn:– Thưa bệ hạ, chúa của con ơi.Sau-lơ quay lại nhìn, lập tức Đa-vít cúi xuống lạy:– Bệ hạ hãy nghe con nói, tại sao bệ hạ nghe lời người ta đồn nhảm “Đa-vít tìm cách hại vua?” Bây giờ, xin bệ hạ hãy xem đây: ngày nay chính Đức Giê-hô-va đã phó mạng sống của bệ hạ vào tay con trong hang đá. Các vệ sĩ của con đã yêu cầu giết chết bệ hạ, nhưng con đã bảo vệ bệ hạ và nói với họ rằng, “ta không thể tra tay trên mình chúa ta, vì vua là người được xức dầu của Đức Giê-hô-va”. Vậy xin cha hãy xem cái vạt áo choàng của cha mà con đã cầm trong tay. Vì con đã cắt vạt áo choàng của cha mà không giết cha thì xin cha hãy biết rằng nơi con không có điều ác, hoặc sự phản nghịch. Con đã không phạm tội hại cha, còn cha lại săn tìm mạng sống con. Cầu xin Đức Giê-hô-va xét xử giữa cha và con. Đức Giê-hô-va sẽ báo thù cha cho con, nhưng con tuyệt đối không tra tay vào mình cha, như một câu cổ ngữ đã nói “sự ác do kẻ ác mà ra” nhưng tay con sẽ không đụng đến mình cha. Vua Israel kéo ra đánh ai? Cha đuổi theo ai? Một con chó chết! Một con bọ chét! Thế thì Đức Giê-hô-va sẽ làm thẩm phán giữa cha và con. Ngài sẽ xem xét, biện hộ và giải cứu con khỏi tay cha.Đa-vít vừa nói xong thì lòng Sau-lơ cảm động, nhà vua nói:– Hỡi Đa-vít, con ta, có phải tiếng của con không?Không cần Đa-vít trả lời, Sau-lơ cất tiếng khóc và nói tiếp:– Con thật công chính hơn ta, vì con đã lấy điều thiện báo cho điều ác cha làm với con. Ngày nay con đã chứng tỏ rằng con đối xử tốt với cha, vì Đức Giê-hô-va đã phó cha vào tay con nhưng con không giết cha. Vì có người nào gặp kẻ thù mình mà lại để nó đi bình an vô sự đâu? Nguyện Đức Giê-hô-va lấy điều thiện báo cho con về điều con đã làm cho cha ngày nay. Bây giờ cha biết rằng chắc chắn con sẽ làm vua, và vương quốc Israel sẽ bền lâu trong tay con. Vậy hãy nhân danh Đức Giê-hô-va thề cùng cha rằng con sẽ không diệt dòng dõi cha, và không hủy danh cha khỏi nhà tổ phụ cha.Sau khi Sau-lơ nói các lời ấy, Đa-vít lập lời thề cùng Sau-lơ. Sau-lơ trở về cung vua, còn Đa-vít và các thuộc hạ lui về nơi trú ẩn.*Các diễn viên trong vở kịch đã hoàn thành vai diễn của mình. Cô giáo Trang nhận xét:– Các em đã vào vai rất tốt, các vai phụ như vệ sĩ của Đa-vít và quân lính theo Sau-lơ cũng đã có những diễn xuất rất dí dỏm. Bây giờ các em và cô sẽ thảo luận với nhau những câu hỏi liên quan đến vở kịch vừa rồi.Em Thảo Lưu Ly châm ngòi đầu tiên:– Em có câu hỏi là vua Sau-lơ đã cảm động và tỏ thái độ hối hận trước Đa-vít, nhưng đây có phải là cảm xúc chân thành của ông ta, hay là về sau nhà vua vẫn tiếp tục tìm cách giết chết Đa-vít?Cô giáo Trang nói:– Đây là một câu hỏi rất hay, em nào có câu trả lời?Tiến, trưởng Ban thiếu niên cũng là con trai lớn của Mục sư quản nhiệm phát biểu:– Lịch sử cho chúng ta biết rằng, dù Sau-lơ đã thốt ra những lời lẽ tỏ ý hối lỗi, nhưng giữa Đa-vít và Sau-lơ khó lòng thân thiện như xưa. Đa-vít vẫn phải sống trong vùng đất khô cằn xứ Giu-đa với các thuộc hạ. Không bao lâu sau đó, Sau-lơ tại tiếp tục truy sát Đa-vít. Điều này nói lên một thực tế là cho dù Sau-lơ có vẻ chân thành khi được Đa-vít tha mạng sống, nhưng bản chất của nhà vua vẫn không thay đổi –đó là bản chất ganh ghét người tài giỏi hơn mình, và từ sự ganh ghét đó đã dẫn ông ta đến động cơ giết người có mục đích.Cô giáo Trang bổ túc thêm ý của Tiến:– Trong chương 26 của sách 1 Sa-mu-ên, Sau-lơ lại tìm cách hạ thủ Đa-vít và Đa-vít có cơ hội giết chết Sau-lơ lần nữa, nhưng thay vì giết vua ông lại nói chuyện với vua. Thêm một lần nữa vua Sau-lơ thú lỗi với Đa-vít. Đạo đức Cơ đốc mà các em đã học đó là thà để người khác làm điều ác với mình, chứ mình không làm điều ác cho họ. Đa-vít là mẫu người đó, vì vậy Kinh Thánh nói về ông là một người đi theo tấm lòng của Đức Chúa Trời.Thủy Tiên nêu lên một câu hỏi khác:– Xin cô Trang giải thích thêm cho chúng em về đạo đức Cơ đốc?Cô giáo Trang trầm ngâm suy nghĩ rồi trả lời:– Đạo đức Cơ đốc là tố chất của những người tin kính Chúa tức là những người đi theo lòng và ý của Đức Chúa Trời. Những người chưa nhận biết Chúa thì họ hành xử theo cách của họ. Lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng hay bánh đúc trao đi bánh chì trao lại là tính cách của người ngoại bang. Tào Tháo là một người nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc nói rằng thà là mình làm điều ác với người, chứ đừng để người hạ thủ mình trước, còn đạo đức Cơ đốc thì nói ngược lại. Các em phải thấy rằng bài học nền tảng cho vở kịch mà các em xem vừa rồi là thái độ đúng đắn của Đa-vít đối với Sau-lơ. Các em hãy nghe cô đọc lại đoạn Kinh Thánh này: Đa-vít và A-bi-sai lúc ban đêm, vào giữa quân lính, thấy Sau-lơ đương ngủ, nằm trong đồn, cây giáo cặm dưới đất tại nơi đầu giường. Áp-ne và quân lính nằm ở xung quanh người. A-bi-sai nói cùng Đa-vít rằng: Ngày nay Đức Chúa Trời đã phó kẻ thù nghịch ông vào tay ông. Xin cho phép tôi lấy giáo đâm người chỉ một cái mà cặm người xuống đất; chẳng cần phải đâm lại. Nhưng Đa-vít bảo A-bi-sai rằng: Đừng giết người; ai có thế tra tay trên kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va mà không bị phạt? Người tiếp rằng: Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, Đức Giê-hô-va chắc sẽ đánh người, hoặc khi người đến kỳ định mà chết, hoặc khi người ra trận mà bị diệt vong. Nguyện Đức Giê-hô-va giữ, chớ cho tôi tra tay vào kẻ chịu xức dầu của Ngài! Ta xin ngươi chỉ hãy lấy cây giáo nơi đầu giường người cùng cái bình nước, rồi chúng ta hãy đi (1 Sa-mu-ên 26: 7-11)Như vậy các em thấy rằng cách hành xử của Đa-vít chính là đạo đức Cơ đốc. Đây là điều mà chúng ta phải học tập ngày hôm nay. Dĩ nhiên là một con người bình thường, chúng ta rất khó và thậm chí là không thể hành động giống như Đa-vít. Nhưng các em phải nhớ điều này: Điều chi con người không làm được thì Đức Chúa Trời làm được. Chúng ta không thể hành động giống như Đa-vít, nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Trời trong chúng ta có thể làm điều đó xuyên qua đời sống mỗi chúng ta. Đó chính là tinh hoa của đạo đức Cơ đốc. Một đời sống bao dung, vị tha sẽ không bao giờ được thể hiện nếu đời sống đó chưa có sự sống của Chúa Jesus ở bên trong.Cô giáo Trang dừng lại nhìn lướt qua từng khuôn mặt của các em trong Ban thiếu niên, cô thầm cầu nguyện xin Chúa mở mắt thuộc linh để các em nhận ra lẽ thật này. Tuyền Mắt Nâu hỏi thêm:– Em có một câu hỏi, đó là Sau-lơ tiêu biểu cho hạng người nào?Cô Trang không trả lời ngay, cô ra hiệu bằng mắt cho em trưởng Ban thiếu niên. Tiến liền nói:– Em cho rằng Sau-lơ tiêu biểu cho những người đã từng trải nghiệm sự xức dầu từ Chúa, nhưng ông ta đã đánh mất sự xức dầu này vì cớ bất tuân Lời Chúa. Sau-lơ được xức dầu để làm vua, thế nhưng khi ông lên làm người lãnh đạo thì ông đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Dù phạm tội Sau-lơ vẫn là vua, nhưng thần của Chúa đã không còn ở cùng ông nữa. Trong thực tế của lịch sử hội thánh, chúng ta cũng thấy điều này vẫn đang diễn ra. Một Cơ đốc nhân có thể nhận được sự xức dầu để phục vụ Chúa trong những năm đầu tiên của chức vụ, nhưng rồi sau đó đã không còn sự xức dầu nữa vì tội lỗi đã xen vào. Vậy thì mỗi người trong chúng ta phải cẩn trọng bước đi trong ân điển của Chúa để đừng bao giờ đánh mất sự sống của Chúa Jesus tức là sự xức dầu ở bên trong mỗi chúng ta. Từ sự suy luận này em cho rằng Sau-lơ đại diện cho những Cơ đốc nhân phạm tội nhưng không ăn năn, Sau-lơ chỉ hối hận chứ không ăn năn. Hối hận là hối tiếc về tội lỗi của mình, còn ăn năn là xưng nhận tội lỗi của mình với Đức Chúa Trời và từ bỏ nó. Mỗi người chúng ta phải thấy bài học từ cuộc đời Sau-lơ đó là nếu chỉ hối tiếc về tội lỗi của mình mà không ăn năn từ bỏ nó thì sẽ dẫn đến một kết cục bi thảm giống như Sau-lơ. Cuối cùng Sau-lơ đã phải chết một cách sỉ nhục trong trận chiến với kẻ thù.Tiến vừa dứt lời thì Văn Hùng hỏi thêm:– Một người được xức dầu để làm vua như Sau-lơ lại đem sự hổ thẹn đến trên chức vụ của mình. Em không hiểu tại sao Đức Chúa Trời toàn tri biết trước mọi việc lại bằng lòng chọn Sau-lơ làm vua?Cả nhóm thiếu niên đều ngơ ngác trước câu hỏi này của Văn Hùng. Không em nào có thể trả lời rõ ràng điều này. Cô giáo Trang lên tiếng:– Khi tuyển dân Israel vào xứ Ca-na-an, họ xin Đức Chúa trời ban cho họ một vị vua giống như các dân tộc khác có vua cai trị. Và Đức Chúa Trời sai tiên tri Sa-mu-ên xức dầu cho Sau-lơ làm vị vua đầu tiên của họ, mặc dù việc này không phải là ý muốn của Ngài. Lúc bấy giờ Sau-lơ là người tài năng hơn cả trong dân sự Israel, tư cách và đạo đức của ông không có vấn đề. Nhưng khi đã là vua quyền cao chức trọng, kẻ hầu người hạ thì ông đã không vâng lời Đức Chúa Trời trong hành động tự mình dâng của lễ thiêu rồi sau đó là đối xử với vua dân A-ma-léc và giữ lại những chiên bò tốt nhất không theo chỉ thị của Chúa. Chính vì hành động này ông đã bị Chúa phế bỏ ngay sau đó. Sau-lơ còn bất tuân các mạng lệnh khác của Chúa, tiếp tục phạm sai lầm trong hành động giết chết các thầy tế lễ, thậm chí ông đã đi cầu đồng bóng là việc mà Lời Chúa kết án. Vì thế Đức Chúa Trời đã gạt Sau-lơ sang một bên và xức dầu cho Đa-vít. Lúc bấy giờ Đa-vít là thuộc hạ, rồi sau đó là con rể ở dưới quyền của Sau-lơ. Như thế tuyển dân có hai vị vua: vua Sau-lơ ngồi trên ngai nhưng mất sự xức dầu bị gạt sang một bên, còn Đa-vít được chọn nhưng chưa được tấn phong phải chạy trốn sự truy sát của Sau-lơ. Các em thấy đó, Đức Chúa Trời có thể dùng những hoàn cảnh xảy ra trong lịch sử Israel để dạy dỗ chúng ta ngày hôm nay. Khi dân sự đòi hỏi Sa-mu-ên phải lập cho họ một vua, Chúa đã bày tỏ cho Sa-mu-ên như sau: Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi; ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa. Chúng nó đối ở cùng ngươi y như chúng nó đã thường làm từ khi ta đem chúng nó ra khỏi xứ Ê-díp-tô cho đến ngày nay: chúng nó đã lìa bỏ ta đặng hầu việc các thần khác. Vậy bây giờ, hãy nghe theo lời chúng nó, song chớ quên báo cáo cho chúng nó cách nghiêm trang và tỏ ra cho biết vua cai trị chúng nó đó sẽ đãi chúng nó ra làm sao (1 Sa-mu-ên 8: 7-9). Như vậy các em thấy rằng Chúa đã cảnh báo cho tuyển dân của Ngài về những hiểm họa khi chọn Sau-lơ làm vua, nhưng họ không nghe. Chúa biết Sau-lơ sẽ đi vào con đường tội lỗi, nhưng Ngài vẫn phê chuẩn cho ông ta làm vua, vì dân sự đòi hỏi phải có một vị vua lãnh đạo họ. Chúa cho tuyển dân điều họ cầu xin, mặc dù đó không phải là ý chỉ của Ngài. Chúng ta kết luận gì ở đây? Một người lãnh đạo được đánh giá là tài năng tốt đẹp ở thời gian đầu, nhưng nếu không vâng lời Chúa trong suốt chức vụ của mình thì đó sẽ là một thảm họa giống như trường hợp Sau-lơ.Nói đến đây cô giáo Trang dừng lại, có lẽ đã đến lúc kết thúc buổi sinh hoạt thuộc linh, để dành thì giờ cho các em vui chơi ngoài trời. Ngoài kia là sông Sài Gòn gợn sóng lao xao, từng chiếc xà-lan chậm rãi xuôi dòng, lục bình trôi lơ lửng vô tư không biết về đâu. Được cắm trại bên cạnh một dòng sông thật là thú vị.Sau khi cầu nguyện kết thúc buổi hội thảo về Kinh Thánh, các em ùa ra khỏi lều tham gia chơi thả diều và các sinh hoạt khác. Gió từ hướng sông thổi vào lồng lộng nâng những cánh diều bay cao. Tiếng cười đùa, reo hò của các em vang dậy khi được cùng nhau vui chơi thoải mái ngoài trời. Đã sáu tháng nay, Ban thiếu niên mới được ra khỏi khuôn viên chật hẹp của nhà thờ hít thở không khí trong lành của một vùng ven đô thị.Trở về từ một buổi sinh hoạt ngoài trời, các em trong Ban thiếu niên và cô giáo Trang đều rất vui vẻ. Cô giáo tạ ơn Chúa vì không ngờ vở kịch đơn giản mà cô viết lại có hiệu quả đến vậy. Thật là:

Một sân khấu nhỏ ngoài trời.

Diễn kịch Lời Chúa thấm sâu vô cùng.

Việc học đâu chỉ đóng khung

Lớp trường đôi lúc không bằng đi chơi

Mục sư Phạm Hơn

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn