Thứ Bảy , 7 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Cưới Vợ Cho Con

Cưới Vợ Cho Con

Buổi sáng của tháng 5, lái xe qua các con đường của Hillsboro, Oregon. Những hàng cây xinh tươi, trật tự được phối cảnh một cách hài hòa trong một bức tranh tổng thể tạo nên một không gian thi vị làm xao xuyến tâm hồn của một người chỉ vừa mới đến Mỹ chưa đầy 2 năm. Mùa này ở Oregon nhiệt độ buổi sáng khá giống Đà lạt những ngày gần Giáng sinh, tôi nhìn nhiệt kế trên chiếc xe Camry: 50 độ F.

Ngày xưa trên đỉnh mù sương

Ngắm xem Đà lạt sớm chiều mưa bay

Bây giờ giữa những đồi xanh

Hạ về tươi sắc cả trời Oregon

Cảm tạ ơn Chúa đã đem tôi đến nơi này.

🙂

BÀI DƯỠNG LINH BUỔI SÁNG

Thi thiên 107:8,15, 21, 31. Nguyện người ta ngợi khen Đức Giê-hô-va vì sự nhân từ Ngài, Và vì các công việc lạ lùng Ngài làm cho con loài người!1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18. Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.-Theo nghiên cứu, những người biết ơn về những gì mình có cho biết rằng họ ngủ ngon hơn, ít triệu chứng bệnh tật hơn và hạnh phúc hơn. Đó là những lợi ích đầy ấn tượng.

Các nhà tâm lý học thậm chí còn đề nghị chúng ta nên giữ thói quen viết “nhật ký biết ơn” để cải thiện sức khỏe, bằng cách liệt kê ra năm điều mình biết ơn mỗi tuần.Kinh Thánh từ lâu đã kêu gọi con người sống biết ơn. Từ thức ăn, nước uống và đời sống hôn nhân (I Ti. 4:3-5) đến vẻ đẹp của sự sáng tạo (Thi. 104), Kinh Thánh kêu gọi chúng ta trân trọng mọi điều như những món quà Chúa ban và tạ ơn Đấng ban cho. Thi Thiên 107 liệt kê năm điều dân Y-sơ-ra-ên nên đặc biệt biết ơn: được giải cứu khỏi sa mạc (c.4-9), giải thoát khỏi cảnh tù đày (c.10-16), chữa lành bệnh tật (c.18-22), an toàn vượt biển (c.23-32), và hưng thịnh trên đất cằn cỗi (c.33-42).

Bài Thi Thiên lặp đi lặp lại: “Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va”, vì tất cả những điều này là dấu hiệu của “lòng nhân từ” Chúa (c.8, 15, 21, 31).Bạn có sử dụng sổ tay không? Hãy thử viết ra năm điều tốt lành mà bạn biết ơn Chúa ngay bây giờ. Đó có thể là bữa ăn mà bạn vừa thưởng thức, cuộc hôn nhân êm ấm, hoặc giống như dân Y-sơ-ra-ên, đó là những lần Chúa đã giải cứu bạn trong đời.

Hãy tạ ơn Chúa về tiếng chim hót ngoài sân, mùi hương nồng nàn từ căn bếp, chiếc ghế thoải mái bạn đang ngồi, nơi bạn đang sống hay tiếng trò chuyện vui vẻ của những người thân yêu. Những điều giản đơn ấy chính là món quà và là minh chứng cho tình yêu không bao giờ vơi cạn mà Chúa hằng ban.

Và chúng ta cũng cảm tạ Chúa về những điều xảy ra dường như rất bất công đối với mình. Hãy đọc câu chuyện của Giô-sép trong Sáng thế ký để thấy điều đó. “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo: (Sáng. 50:20).

Vũ Đức Nghiêm đã viết: Cảm tạ Chúa đã ban cho tôi ngày tháng lao tù…

Sáng nay bạn cảm tạ Chúa về điều gì?

RÊ-BE-CA VÀ Y-SÁC

Bà ơi cháu rất thích nghe  
những câu chuyện kể dưới trăng năm nào
1.
Bà ngoại tôi rất thích các câu chuyện trong Kinh Thánh. Năm ấy bà đã tám mươi tuổi nhưng tâm trí vẫn còn minh mẫn, bà có thể nhớ từng chi tiết trong những câu chuyện. Khi tôi lên mười sáu tuổi, nghỉ hè tôi về thăm bà ở một vùng quê thuộc Huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Biết tôi là một thiếu nữ đang tuổi lớn lên bà kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây với ngụ ý nhắc nhở tôi về chuyện tình duyên. Mặc dù đó là một câu chuyện mà tôi đã được nghe vài lần trong lớp học Trường Chúa Nhật, nhưng qua phong cách kể chuyện và áp dụng ý nghĩa câu chuyện của bà làm tôi nhớ mãi.

Đó là một buổi tối tháng bảy khi đàn gà ngoài vườn đã vào chuồng và vầng trăng non vừa mới hiện ra trên những ngọn tre, bà tôi mở đầu câu chuyện:

Vào khoảng năm 1857 trước Công nguyên, Áp-ra-ham là tổ phụ đức tin của người Do Thái lúc này đã vượt qua một trăm tuổi. Ông biết ngày qua đời của mình chẳng còn bao lâu nữa, vì vậy có một việc mà ông nhứt định phải làm trước khi về với tổ tông: Ông sẽ cưới một người vợ cho Y-sác là đứa con trai mà Đức Giê-hô-va đã ban cho ông theo lời hứa.

Sau bữa ăn chiều, Áp-ra-ham gọi người quản gia trung tín Ê-li-ê-se đến. Ông nằm trên giường và nói chuyện với người quản gia:

– Hỡi Ê-li-ê-se, ngươi là một người mà ta tin cậy hơn ai hết trong ngôi nhà này, bây giờ ta có một việc quan trọng nhờ đến tài năng của ngươi. Việc này ngoài ngươi ra không ai làm được, ngươi phải thề hứa với ta là tuân thủ mọi ý tưởng chỉ đạo của ta. Ngươi có sẵn lòng không?

Ê-li-ê-se lễ phép thưa:

-Thưa ông chủ, phận tôi là kẻ phục vụ cho gia đình ông. Khi ông chủ truyền lệnh tôi nguyện toàn tâm toàn ý thực hiện theo điều ông chỉ dạy.

Áp-ra-ham thở ra một hơi thật dài, mấy hôm nay ông bị mệt mỏi và khó ngủ báo hiệu cho những ngày hoàng hôn của cuộc đời:

– Không bao lâu nữa ta sẽ về với tổ tông, bây giờ ta có việc ủy thác cho ngươi: Ngươi hãy lập tức lên đường về lại quê hương của ta, tại nơi ấy giữa vòng bà con của ta ngươi sẽ tìm kiếm và cưới một thiếu nữ làm vợ cho Y-sác, con trai ta. Vì ta biết rằng tại vùng đất Ca-na-an này không có bất kỳ một thiếu nữ nào xứng hiệp với Y-sác.

Ê-li-ê-se băn khoăn hỏi lại:

– Thưa ông chủ, tôi sẽ làm theo điều ông ủy thác, nhưng nếu cô gái mà tôi tìm được cho Y-sác không chịu theo tôi đi đến xứ này, lúc đó tôi có nên đưa con trai ông về lại Mê-sô-pô-ta-mi là nơi mà ông đã dứt áo ra đi?

– Ngươi đã có một câu hỏi hay, bây giờ ta tỏ cho ngươi biết là Đức Giê-hô-va đã có lời hứa cùng ta: “Ta sẽ ban cho con đất này.” Vậy ngươi hãy chuẩn bị lên đường theo sự ủy thác của ta và bất luận điều gì xảy ra ngươi không được đem con trai của ta trở lại vùng đất Mê-sô-pô-ta-mi. Còn nếu như cô gái mà ngươi tìm được không có tấm lòng cảm động đến nơi đây với con trai ta, thì xem như ngươi cũng đã hoàn thành trọng trách ta giao phó. Nói đến đây Áp-ra-ham dừng lại, ông lim dim đôi mắt già nua yếu ớt, dường như ông linh cảm rằng đây sẽ là công vụ quan trọng cuối cùng mà ông ủy thác cho Ê-li-ê-se.

Ê-li-ê-se lập tức lên đường trở lại Mê-sô-pô-ta-mi sau hơn sáu mươi năm ra đi từ miền đất ấy. Ông cùng với bốn người tùy tùng và mười con lạc đà chở theo những lễ vật quí báu mà Áp-ra-ham đã giao để làm quà sính lễ của Y-sác dành cho nàng dâu tương lai. Nhóm người của Ê-li-ê-se vượt qua những hoang mạc ngút ngàn nắng gió trong suốt nhiều ngày, cuối cùng họ đã về lại quê hương cũ của Áp-ra-ham. Cả đoàn người và lạc đà thấm mệt, họ đóng trại qua đêm rồi chuẩn bị đi vào trong thành của Na-cô. Ngày hôm sau Ê-li-ê-se vẫn còn cho lạc đà quì gối nằm nghỉ bên ngoài thành, gần đó có một cái giếng nước mà các thiếu nữ trong thành thường ra lấy nước vào buổi chiều. Vốn là một người kính sợ Chúa nên trong mỗi chi tiết của chuyến đi này, Ê-li-ê-se đều cầu nguyện tìm kiếm kiếm sự dẫn dắt của Đức Giê-hô-va: Lạy Chúa hằng hữu, là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham chủ con ơi. Xin cho con hôm nay được toại nguyện và xin tỏ lòng nhân từ với chủ của con là Áp-ra-ham. Bây giờ con sẽ đứng đây bên giếng nước, và chỉ lát nữa thôi các cô gái trong thành sẽ ra lấy nước. Khi con nói với cô gái nào rằng: “Xin cô nghiêng vò cho tôi uống một ngụm nước” mà cô ấy trả lời rằng: “Xin mời ông, tôi cũng sẽ cho lạc đà của ông uống nữa” thì đó chính là người mà Chúa đã định cho Y-sác. Qua việc này con sẽ nhận biết rằng Chúa đã tỏ lòng nhân từ đối với chủ con.

Khi Ê-li-ê-se còn đang cầu nguyện thì một thiếu nữ duyên dáng xinh đẹp từ trong thành đi ra đến bên giếng nước. Dáng nàng thanh thanh, với những bước đi uyển chuyển dịu dàng. Dưới ráng chiều khuôn mặt mặt cô gái phúc hậu và rạng rỡ, cô múc đầy vò nước rồi chuẩn bị vào lại trong thành. Ê-li-ê-se hồi họp đến bên cô gái: “Xin cô hãy cho tôi uống một ngụm nước trong vò.” Cô gái lễ phép trả lời: “Xin mời ông, hãy cứ uống bao nhiêu cũng được.” Người quản gia cúi xuống uống những ngụm nước mát mẻ dễ chịu từ vò nước. Ê-li-ê-se thở phào khoan khoái sau khi uống nước, cô gái thanh lịch nói: “Bây giờ tôi cũng sẽ múc nước cho những con lạc đà của ông uống nữa. Chúng nó cũng cần được uống cho đến khi nào đã khát mới thôi.” Cô gái nhanh chóng đổ nước từ vò ra máng và chạy đến bên giếng nước lấy thêm nước cho mười con lạc đà uống thỏa thích. Ê-li-ê-se lặng lẽ quan sát cô gái với một tâm trạng rung cảm, ông thầm dâng lên lời tạ ơn cùng Đức Giê-hô-va, là Đấng đã đáp lời cầu nguyện của ông. Đây chính là người con gái mà Chúa hằng hữu đã định cho Y-sác. Ê-li-ê-se tự nói với chính mình. Chúa ôi, Ngài đã trả lời sự cầu nguyện của con đúng đến từng chi tiết!

Trong những năm tháng tháp tùng chủ Áp-ra-ham trên những chặng đường xa băng qua những sa mạc hoang vu, Ê-li-ê-se đã quan sát và học tập nơi ông chủ của mình tinh thần cầu nguyện tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa hằng hữu qua việc Áp-ra-ham lập bàn thờ tôn cao Chúa tại mỗi nơi dừng chân. Ông biết Đức Giê-hô-va kiểm soát mọi biến cố và hoàn cảnh để làm thành lời hứa của Ngài trên cuộc đời Áp-ra-ham, là người được ban phước.

Sau khi đoàn lạc đà uống nước xong, Ê-li-ê-se lấy từ trong những kiện hành lý mang theo một chiếc khoen vàng hai chỉ, và một đôi xuyến vàng ba lượng, ông trìu mến nhìn cô gái xinh đẹp đang đứng trước mặt rồi trịnh trọng đeo chiếc khoen vào mũi và đôi xuyến vào tay cô gái. Theo phong tục thời bấy giờ, hành động này chính là lời cầu hôn từ gia đình của Áp-ra-ham dành cho cô gái. Liệu cô gái có thể từ chối? Không, cô ấy đã tiếp nhận những sính lễ từ Ê-li-ê-se với một tâm trạng phấn chấn khó tả. Trong lòng cô cảm nhận một sự tin cậy với người mà cô chỉ mới tiếp xúc lần đầu. Điều xảy ra thật kỳ diệu, người quản gia trao sính lễ và cô gái vui mừng tiếp nhận. Cả bên trao và nhận đều trải nghiệm một niềm vui và sự bình an. Rõ ràng là có sự hiện diện của Chúa bình an ở nơi đây. Ê-li-ê-se nói nhẹ nhàng và lịch sự:

Xin cho tôi biết cô là con ai? Trong nhà cha cô có chỗ nào cho chúng tôi nghỉ qua đêm được không?

Cô gái mỉm cười lịch thiệp:

– Tôi là Rê-be-ca, con gái của Bê-tu-ên, cháu nội của Minh-ca và Na-cô. Nhà của chúng tôi có nhiều rơm, cỏ và cũng có chỗ nghỉ qua đêm. Nếu ông không ngại, tôi xin mời ông đến đó.

Ê-li-ê-se cảm kích trước những lời lẽ lễ phép ra từ đôi môi xinh xắn kia, ông cúi đầu và sấp mình xuống thưa với Chúa hằng hữu: Cảm tạ Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham chủ con, Ngài luôn nhân từ và thành tín đối với chủ con! Thật lạ lùng Ngài đã đưa đường con đến đây để chuẩn bị vào nhà người anh em của chủ con.

Vào thời của Áp-ra-ham, những anh chị em cùng bà con trong giòng tộc được phép lấy nhau. Và bây giờ đây, Ê-li-ê-se đang đứng trước ngưỡng cửa gia đình một người anh em với Áp-ra-ham.

Rê-be-ca chạy về nhà thuật lại mọi chuyện xảy ra bên giếng nước cho gia đình nghe. La-ban là anh của cô nhìn thấy chiếc khoen vàng trên mũi và đôi xuyến trên tay em gái mình, anh biết ngay cô em gái đã có người cầu hôn. La-ban liền chạy ra ngoài thành đến bên giếng nước, lúc này Ê-li-ê-se đang đứng cạnh đoàn lạc đà của mình với một tâm trạng vui mừng phấn khởi trước những diễn biến mới xảy ra. La-ban cất giọng nói:

– Xin mời người được Đức Giê-hô-va ban phước, hãy vào nhà chúng tôi. Sao ông lại đứng ở đây? Tôi đã chuẩn bị tất cả mọi thứ cần thiết cho ông, những người tùy tùng và cả các con lạc đà nữa. Xin hãy đến với chúng tôi.

Ê-li-ê-se và cả nhóm của ông cùng đến nhà của La-ban. Họ được gia đình Bê-tu-ên chào đón nồng nhiệt. Đoàn lạc đà được cung cấp cỏ rơm làm đồ ăn sau một chặng đường xa. Nhóm người của Ê-li-ê-se được phục vụ nước rửa chân và thức ăn được dọn lên để chiêu đãi khách. Ê-li-ê-se liếc mắt nhìn vào bàn ăn thịnh soạn với các món ăn truyền thống, ông chậm rãi lên tiếng:
– Cảm ơn gia đình đã tiếp đãi chúng tôi rất chu đáo như thế này. Chúng tôi sẽ không ăn cho đến khi tôi nói được điều quan trọng cần phải nói.

La-ban trả lời:

– Vậy thì xin ông hãy nói đi. Chúng tôi đang có hứng thú muốn lắng nghe những gì ông nói.
Ê-li-ê-se đăm chiêu một chút, rồi ông nói từng lời chậm rãi và trịnh trọng:

– Tôi là người quản gia của Áp-ra-ham. Đức Giê-hô-va đã ban phước dư dật trên chủ của tôi và làm cho ông ấy trở nên thịnh vượng. Ngài ban cho chủ tôi chiên, bò, bạc vàng, tôi trai, tớ gái, lạc đà và lừa. Bà Sa-ra, vợ chủ tôi lúc về già đã sinh cho chủ tôi một con trai và ông đã giao tất cả gia tài mình cho con trai đó. Chủ tôi đã bắt tôi thề rằng: “Ngươi sẽ không cưới cho con trai ta một người vợ trong số các thiếu nữ của người Ca-na-an, nơi ta đang cư ngụ mà phải về nhà cha ta, đến với bà con ta và cưới cho con trai ta một người vợ.” Tôi đã thưa với chủ tôi rằng: “Có thể cô gái ấy sẽ không chịu theo tôi về nơi đây.” Nhưng chủ tôi bảo: “Đức Giê-hô-va là Đấng ta phụng sự sẽ sai thiên sứ theo ngươi và giúp cho chuyến đi của ngươi thành công. Ngươi sẽ cưới cho con trai ta một người vợ trong vòng bà con ta, từ nhà cha ta. Ngươi sẽ không mắc lời thề với ta khi người làm điều này theo chỉ dẫn của ta. Nếu họ không chịu gã con gái họ cho con trai ta lúc đó xem như ngươi đã hoàn thành trách nhiệm”. Kính thưa tất cả quí vị ở đây, tôi luôn ghi nhớ từng lời mà ông chủ Áp-ra-ham của tôi đã nói, vì vậy khi đến giếng nước tại thành này tôi đã cầu nguyện: Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chủ con Áp-ra-ham, xin Ngài giúp cho chuyến đi của con được thành công. Bây giờ con đứng bên giếng nước này, nếu có một cô gái trẻ nào ra múc nước và con nói với cô đó rằng: “Xin cô hãy cho tôi uống một ngụm nước trong vò.” Nếu cô ấy trả lời: “xin mời ông, tôi cũng sẽ lấy nước cho đoàn lạc đà ông uống nữa” thì kể như cô gái ấy chính là người mà Chúa đã định cho con trai chủ của con. Tôi chưa dứt lời cầu nguyện thì kìa Rê-be-ca xuất hiện và rồi mọi sự diễn ra sau đó y theo điều tôi đã cầu nguyện. Thật lạ lùng Đức Giê-hô-va đã trả lời sự cầu nguyện của tôi theo đúng dấu hiệu tôi nài xin. Tôi hỏi cô gái: “Cô là con gái nhà ai?” Rê-be-ca trả lời: “Tôi là con gái Bê-tu-ên, cháu nội của Na-cô và Minh-ca.” Tôi cảm động quá run run lấy ra chiếc khoen đeo vào mũi và đôi xuyến vào tay cô gái. Tôi sấp mình và cúi đầu ca ngợi Đức Giê-hô-va là Đấng đã phù trợ, ban ơn cho tôi làm thành công việc mà chủ tôi ủy thác, chính Ngài đã hướng dẫn tôi chọn cô cháu nội của em trai chủ tôi cho con trai ông ấy. Vậy bây giờ, nếu các ông tỏ lòng ưu ái và chân thành với chủ tôi, xin hãy nói cho tôi biết. Nếu không đồng ý cũng xin cứ nói để tôi liệu bề xoay xở.

La-ba và Bê-tu-ên hội ý nhanh với nhau rồi trả lời:

– Điều xảy ra hôm nay bên giếng nước đến từ Đức Giê-hô-va, chúng tôi không thể nói nên hay là không nên. Kìa, Rê-be-ca đang ở đây, ông hãy dẫn nó đi về làm vợ cho con trai ông chủ của ông theo như lời Chúa đã bày tỏ.

Ê-li-ê-se vui mừng trước lời đáp của gia đình Bê-tu-ên, ông sấp mình xuống thờ lạy Đức Giê-hô-va một lần nữa, rồi lấy thêm các món nữ trang vàng bạc, y phục trao cho Rê-be-ca. Một người con gái chuẩn bị làm dâu chắc chắn phải có trang phục mới và những đồ trang sức kèm theo. Áp-ra-ham đã chuẩn bị tất cả những thứ này cho nàng dâu tương lai. Ê-li-ê-se cũng tặng cho anh và mẹ Rê-be-ca các món quà quí giá. Mọi người đều hoan hỉ ngồi vào bàn ăn uống chung với nhau rất chân tình. Cả nhóm người của Ê-li-ê-se đã qua đêm tại đó. Họ ngủ ngon giấc trong phòng khách của gia đình Bê-tu-ên sau một cuộc hành trình dài, còn Rê-be-ca thì không tài nào ngủ được vì niềm vui đến với nàng quá bất ngờ. Nàng mong sao thời gian trôi thật nhanh để có thể sớm gặp người chồng tương lai.

Sáng hôm sau, Ê-li-ê-se nói với gia đình Bê-tu-ên:

Xin cho chúng tôi nhanh chóng đưa Rê-be-ca trở về với chủ của tôi.

La-ban và mẹ Rê-be-ca đưa ra một yêu cầu:

– Xin cho cháu ở với chúng tôi thêm ít ngày nữa, khoảng chừng mười bữa rồi nó sẽ đi.

Ê-li-ê-se rất lịch thiệp trả lời:

– Xin mọi người đừng cầm giữ tôi, vì Đức Giê-hô-va đã cho chuyến đi của tôi thành công. Chủ của tôi sẽ rất nóng lòng trông đợi tin tức từng ngày. Xin cho tôi được phép đưa cô gái lên đường ngay.

Mẹ Rê-be-ca do dự:

– Tôi sẽ gọi con bé, và hỏi xem ý nó thế nào?

Rê-be-ca được gọi đến, người mẹ hỏi:

– Con có muốn đi với người này hay không?

Cô gái trả lời không do dự:

– Con muốn đi.

Vậy là Rê-be-ca cùng với người vú nuôi và các cô hầu gái tháp tùng đoàn người của Ê-li-ê-se chuẩn bị lên đường. Cả gia đình chúc phước cho Rê-be-ca:

– Rê-be-ca ơi, chúc cho em được trở thành người mẹ của muôn triệu người, và dòng dõi em chiếm được cổng thành quân địch.

Chia tay với gia đình Bê-tu-ên, Ê-li-ê-se dẫn Rê-be-ca cùng đoàn tùy tùng trở về nơi xuất phát. Trên đường thiên lý Ê-li-ê-se tiếp tục ca ngợi Đức Giê-hô-va vì Chúa hằng hữu đã nhậm lời cầu nguyện của ông trong chuyến đi này theo các dấu hiệu ông cầu xin. Rê-be-ca hồi họp và háo hức muốn thời gian trôi qua thật nhanh để gặp tân lang, người được Đức Giê-hô-va ban phước mà cô chưa biết.

Cuối cùng, sau gần một tháng vượt qua hoang mạc và các đồi núi chập chùng, đoàn người của Ê-li-ê-se về đến Ca-na-an. Lúc bấy giờ trời đã về chiều, Y-sác đang ở ngoài đồng suy ngẫm. Đây là thói quen của con trai Áp-ra-ham, người đàn ông này đang suy tư, nghiền ngẫm về những lời hứa mà Đức Giê-hô-va đã bày tỏ cùng cha mình, và chàng đang trông đợi tân nương sẽ đến. Hoàng hôn trên hoang mạc Nê-ghép thật đẹp, từ xa một đoàn lạc đà và người đang đi về hướng của Y-sác. Linh cảm tự nhiên cho Y-sác biết là sắp có tin tốt lành. Và điều trông đợi của chàng trai đã đến.

Từ trên lưng lạc đà Rê-be-ca nhìn thấy Y-sác, cô vội vàng bước xuống hỏi Ê-li-ê-se:

– Người đàn ông phía trước đang vượt cánh đồng để đón chúng ta là là ai vậy?

– Chính là con trai của chủ tôi, cũng là chủ của tôi, Y-sác đó.

Rê-be-ca vội vàng lấy lúp ra che mặt lại. Hành động này mang ý nghĩa thuận phục người chồng mà nàng sắp sửa gặp.

Không thể nói hết được niềm vui của Y-sác và Rê-be-ca khi họ gặp nhau. Cả hai người đều đã chuẩn bị cho tình huống này. Hoàng hôn trên sa mạc thật đẹp, những tia nắng chiều cuối cùng sắp tắt sau những dãy núi xa. Nhưng trong lòng Rê-be-ca một bình minh mới đang ló dạng.

Đức Giê-hô-va đã ban phước dồi dào trên gia đình của Y-sác và Rê-be-ca sau đó.

***

2.

re

Kể xong câu chuyện, bà ngoại nhìn tôi hỏi:

– Con nghĩ thế nào về chuyện nàng Rê-be-ca vu quy trên đây?

Tôi cười tủm tỉm:

– Bà ngoại kể chuyện hay quá, nhưng ý nghĩa của câu chuyện là gì? Bà muốn nhắc con điều gì?

Bà ngoại ôn tồn:

– Này con nghe đây. Rê-be-ca trong câu chuyện này là hình bóng của cô dâu là Hội thánh như Tân phụ đi đến gặp Tân lang của mình. Còn Y-sác là hình bóng của Đấng Christ như Tân lang đi ra đón Tân phụ của mình. Người quản gia trong câu chuyện có thể xem như hình bóng của Đức Thánh Linh là Đấng “không nói tự mình nhưng nói mọi điều mình đã nghe” nơi Tân lang và thuyết phục được lòng Tân phụ, ông cũng là người đem Tân phụ đến với Tân lang. Và Áp-ra-ham là hình bóng về vị vua kia muốn tổ chức tiệc cưới cho con trai mình (Ma-thi-ơ 22:2).

Tôi ngẩn người nghe câu giải thích của ngoại, vì không ngờ kiến thức Thần học của bà quá cao siêu, tôi hỏi thêm bà:

– Câu chuyện này áp dụng như thế nào cho tương lai của con?

– Cháu đã hỏi một câu rất thông minh. Nghe đây, Y-sác tương lai của con phải đến từ Chúa. Bà muốn nói là chuyện tình duyên của con phải nằm trong sự kiểm soát và ban ơn của Chúa giống như câu chuyện của Rê-be-ca vậy. Con có đủ hiểu biết để chọn lựa bước đi trong sự sắp xếp thần thượng của Đấng là Chủ hôn nhân. Ngoại sẽ cầu nguyện cho con về việc này. Phần con hãy hợp tác với người quản gia Ê-li-ê-se, là hình bóng về Đức Thánh Linh, chính Chúa Thánh Linh sẽ hướng dẫn và dạy dỗ cho con mọi sự, mà gia đình và hội thánh không thể nào dạy hết được.

Tôi chia tay với bà ngoại trong mùa hè năm ấy, và cho đến bây giờ sau khi đã học xong Đại học tôi vẫn còn đang chờ đợi người quản gia tài giỏi như Ê-li-ê-se một chiều nào đó tình cờ gặp tôi bên giếng nước tình duyên. Hoặc nếu may mắn hơn, xin Chúa cho tôi gặp trực tiếp Y-sác của mình để không phải thông qua một người thứ ba. Bất luận thế nào tôi vẫn tin cậy là chính Chúa sẽ ban cho tôi điều tốt nhất.

TƯỜNG VI   

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn