Thứ Năm , 28 Tháng Ba 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Người Chị Em Trung Tín

Người Chị Em Trung Tín

Tôi gởi gắm Phê-bê, người chị em chúng ta cho anh em, người làm nữ chấp sự của Hội thánh Xen-cơ-rê.  Hãy ân cần tiếp rước người trong Chúa chúng ta, một cách xứng đáng với thánh đồ, và hãy giúp đỡ người trong mọi dịp mà người sẽ cần đến anh em; vì chính người đã giúp nhiều kẻ, và cũng giúp tôi nữa.

Rô-ma 16:1-2

Tên Phê-bê có nguồn gốc là Phoibos, là một trong các tên của thần Hy lạp Apollo. Nó có nghĩa là “rạng rỡ, tỏa sáng.” Phê-bê là một người ngoại bang, nhưng không giống như những Cơ đốc nhân có nguồn gốc từ dân ngoại trong hội thánh đầu tiên, bà không từ bỏ tên ngoại giáo của mình khi tiếp nhận Christ và chịu báp-tem. Tại sao phải thay đổi tên khi bà hầu việc Chúa như một dụng cụ sự sáng chiếu ra vinh hiển của Chúa (Ma-thi-ơ 5:16)? Đức Chúa Trời đã thay đổi đời sống của bà, và bà trở nên một phụ nữ giúp đỡ nhiều người khác.

Chúng ta có thể kể ra một số người này.

GIÚP ĐỠ CHO CÁC TÍN HỮU TRONG HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Xen-cơ-rê là một thị trấn hải cảng nhỏ, cách Cô-rin-tô khoảng bảy dặm. Đây là nơi Phê-bê sống và hầu việc Chúa với hội thánh địa phương. Phao-lô viết về Phê-bê, “người làm nữ chấp sự của Hội thánh Xen-cơ-rê” hàm ý rằng bà là một chức viên chính thức của hội thánh địa phương. Đây là địa phương đầu tiên thuộc đế quốc Rô-ma được Phao-lô dùng từ hội thánh để chỉ tập thể các tín hữu ở đó. Chúng ta tìm thấy năm lần từ này được đề cập trong chương sách này.

Từ người phục vụ (servant) có nguồn gốc trong tiếng Hy lạp là diakonos, có nghĩa là người trợ tế/phó tế trong các bản dịch Tiếng Anh. Một số sinh viên nghĩ rằng Phê-bê là một chấp sự/người phó tế đặc trách cho phụ nữ (1 Ti-mô-thê 3:11). Chức vụ này bao gồm: giúp đỡ cho các phụ nữ mới cải đạo nhận thánh lễ báp-tem, thăm viếng những người đau yếu và có những nhu cầu trong hội thánh địa phương, dạy cho các phụ nữ làm thế nào để trở nên một người mẹ và người vợ tốt. Chúng ta phải hiểu rằng vai trò của phụ nữ ở phương Đông bị giới hạn nhiều trong thời kỳ đó. Vì vậy có thể nhận thấy tầm quan trọng trong chức vụ của Phê-bê.

Từ người giúp đỡ trong tiếng Hy lạp cũng có nghĩa là người bảo trợ hoặc người giám hộ. Có lẽ Phê-bê có một vị trí pháp lý tại cảng Xen-cơ-rê và hỗ trợ người nước ngoài về vấn đề pháp lý trước các quan chức La Mã. Điều này giúp cho Phê-bê có cơ hội để làm chứng và bày tỏ về tình yêu của Chúa Giê-su cho nhiều người khác.

Bất chấp tình trạng của các các hội thánh địa phương như thế nào, Phao-lô cho rằng không có ai biết rõ các hội thánh địa phương như ông. Không có gia đình hay hội thánh tư gia nào là hoàn hảo. Nhưng điều này này không phải là cái cớ để chúng ta loại bỏ họ và không làm gì cả.  Chúng ta có thể đi theo tấm gương của Phê-bê và để cho sự sáng của chúng ta được chiếu sáng ra trong hội thánh địa phương.

GIÚP ĐỠ CHO NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO ĐƯỢC CHÚA LỰA CHỌN

Phao-lô nói về Phê-bê, “chính người đã giúp nhiều kẻ, và cũng giúp tôi nữa,” mặc dù ông không nói là giúp như thế nào. Khi đọc Rô-ma chương 16, chúng ta khám phá rằng Phao-lô là người liên kết với nhiều bạn bè cũng như là người chinh phục linh hồn tội nhân. Trong chương này ông đề cập đến hai mươi sáu người trong những mục vụ khác nhau. Phao-lô là sứ đồ trải nghiệm nhiều phép lạ và có ân tứ giảng dạy Lời Chúa, nhưng ông cũng cần các bạn đồng công và những người trợ giúp, trong đó bao gồm các phụ nữ. Phao-lô không phải là mẫu người cô độc hay mẫu người không thích phụ nữ, ông cũng không xem phụ nữ là các thánh đồ hạng hai. Thông qua chương sách này, ông có cái nhìn đúng đắn về tất cả mọi người nam cũng như nữ, và ông thừa nhận rằng ông không thể làm tốt chức vụ của mình nếu như không có họ.

Chúng ta không biết những đóng góp đặc biệt nào mà Phê-bê đã hỗ trợ cho chức vụ Phao-lô, nhưng có khả năng là Phê-bê  đã chuyển thư tín Rô-ma của Phao-lô viết đến cho hội thánh tại Rô-ma. Giống như Ly-đi tại thành phố Phi-líp, Phê-bê rất dũng cảm, nếu không thì bà không thể thực hiện chuyến đi nguy hiểm đó. Vào thời đó không có phụ nữ nào dám đi xa một mình, vì vậy Phê-bê phải đi cùng với những người bảo vệ và hỗ trợ. Thư tín Rô-ma là một tài sản lớn cho hội thánh tại Rô-ma mà Phê-bê có nhiệm vụ của một người bưu tá phải chuyển thư đến đúng địa chỉ an toàn. Chính quyền Rô-ma có hệ thống bưu chính vào thời đó, nhưng chỉ có các quan chức của chính quyền và quân đội mới được sử dụng. Bây giờ mỗi lần đọc thư tín Rô-ma, chúng ta sẽ nhớ đến Phê-bê và công khó của bà.

Có nhiều lý do khi Phao-lô viết thư tín Rô-ma. Ông chưa bao giờ viếng thăm hội thánh ở đó, nhưng ông đã lên kế hoạch cho chuyện này, ngay sau khi làm xong công việc ở Giê-ru-sa-lem (Rô-ma 1:13-15; 15:25-29). Kẻ thù đã gièm pha lẽ thật mà Phao-lô rao giảng (Rô-ma 3:8), vì vậy ông viết thư tín này để giải thích những gì ông tin và giảng dạy. Thư tín Rô-ma là bản tóm tắt đầy đủ nhất của giáo lý Cơ đốc trong Kinh Thánh. Ông giải thích về tội lỗi, sự phán xét, sự xưng công bình, sự nên thánh, và địa vị của tuyển dân Israel trong chương trình của Đức Chúa Trời. Ông cũng giải thích phương cách để Cơ đốc nhân có thể sống và dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời. Các tín hữu trong thế kỷ đầu tiên cần học biết những lẽ thật này, và những bài học này cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay.

Trải qua nhiều thế kỷ, thư tín Rô-ma đã thay đổi hàng triệu đời sống và ảnh hưởng tích cực trên các nền văn hóa. Khi đọc Rô-ma 13:13, Augustine đã gặp được Chúa Giê-su. Và Rô-ma 1:17, “Người công bình sống bởi đức tin” đã thức tỉnh Martin Luther và làm thay đổi chức vụ của ông, mở ra thời kỳ cải chánh cho hội thánh. Khi tình cờ nghe một người đọc lời bình luận của Luther  về thư tín Rô-ma, thì John Wesley đã cảm thấy tấm lòng của ông nóng cháy và ông đã nhận được sự bảo đảm của ơn cứu rỗi. John Bunyan đã tìm thấy sự bình an khi ông tiếp nhận Rô-ma 3:24-25, và nhiều phần khác tương tự trong sách Rô-ma đã đem sự bình an đến cho William Cowper là tác giả các bài Thánh ca.  Các Cơ đốc nhân ngày hôm nay được soi sáng và khích lệ từ thư tín mà Phê-bê đã chuyển đến cho hội thánh tại Rô-ma.

Phê-bê là người trợ giúp của Phao-lô, và cũng vậy các lãnh đạo Cơ đốc ngày nay cần chúng ta giúp đỡ trong sự cầu thay, hỗ trợ các mục vụ của họ trong tình yêu thương.

Các nhà lãnh đạo Cơ đốc và vợ chồng chúng tôi đã làm việc cùng với nhau trong suốt hơn năm mươi năm qua để dâng vinh hiển về Đức Chúa Trời. Chúng tôi bày tỏ sự cảm kích với những người đã trợ giúp chúng tôi bằng nhiều cách khác nhau trong suốt những năm qua. Không có người lãnh đạo nào có thể làm việc một mình. Nơi nào có Phao-lô, thì ở đó cũng có những bạn đồng công khác của ông như Ba-na-ba, Si-la, Bê-rít-sin và A-qui-la, Ti-mô-thê, Tít, Phê-bê và nhiều người khác….

GIÚP ĐỠ DÂN SỰ ĐỨC CHÚA TRỜI HÔM NAY

Những từ Phao-lô viết về Phê-bê trong Rô-ma 16:1-2, “Tôi gởi gắm Phê-bê, người chị em chúng ta cho anh em, người làm nữ chấp sự của Hội thánh Xen-cơ-rê.  Hãy ân cần tiếp rước người trong Chúa chúng ta, một cách xứng đáng với thánh đồ, và hãy giúp đỡ người trong mọi dịp mà người sẽ cần đến anh em; vì chính người đã giúp nhiều kẻ, và cũng giúp tôi nữa,” thực ra là “thư giới thiệu” về Phê-bê cho các tín đồ ở Rô-ma và các hội thánh. Thư tín này rất quan trọng cho các tín hữu vào lúc đó bởi vì nó xác định được những tín đồ chân chính và tránh xa những kẻ gây rối và những người theo dị giáo (Công vụ. 18:27; 2 Cô-rin-tô 8:16-24; 3 Giăng 9-12). Thư tín này cũng mở ra các cơ hội cho những tín hữu mà đang di chuyển từ nơi này sang nơi khác và họ cần tinh thần hiếu khách của con dân Chúa (2 Giăng 7-11). Phê-bê là mẫu người mà Phao-lô không ngần ngại khi giới thiệu bà với các tín hữu tại Rô-ma. Tôi hy vọng chính mình là loại Cơ đốc nhân mà những người khác có thể giới thiệu cho bạn bè của họ.

Từ chìa khóa của Rô-ma 16:2 là tiếp rước hay tiếp nhận. Thư tín này được Phê-bê mang đi giải quyết vấn đề các tín hữu phải tiếp nhận lẫn nhau và không đấu tranh về các vấn đề mang tính cá nhân của họ (Rô-ma 14:1, 3; 15:7). Bất cứ  ai mà Chúa đã tiếp nhận, thì chúng ta cũng phải tiếp nhận họ. Christ đã chết vì chúng ta để chúng ta được hiệp một với Ngài, vì vậy đừng để sự khác biệt cá nhân trở thành những rào cản  ngăn trở anh chị em với nhau trong nhà Chúa. Thay  vì vậy chúng ta phải xây dựng những chiếc cầu hữu nghị trong các mối thông công.

Chúng ta tiếp nhận người khác trong Chúa, không phân biệt chủng tộc, địa vị, trình độ văn hóa, quan điểm chính trị, tính cách cá nhân. Chúng ta tiếp nhận họ (và họ cũng tiếp nhận chúng ta) như là những thánh đồ trong gia đình của Đức Chúa Trời. Chúng ta tiếp nhận họ theo cùng một cách mà Chúa Giê-su đã tiếp nhận chúng ta. Phao-lô thường dùng từ xứng đáng hay đáng kính trọng khi viết về hạnh kiểm của các tín hữu. Phẩm hạnh của Cơ đốc nhân phải xứng đáng với sự kêu gọi của Chúa (Ê-phê-sô 4:1), xứng đáng với phúc âm (Phi-líp 1:27), và xứng đáng với Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 1:10; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:12; 3 Giăng 6). Tôi muốn biết cách mà tín hữu ở Rô-ma đã tiếp nhận Phê-bê. Hãy nhớ rằng bà ấy là một chấp sự với điểm xuất phát là người ngoại, giàu có, một người chuyển thư tín cho sứ đồ Phao-lô. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ cư xử như thế nào với các thánh đồ mà chúng ta không đồng ý với họ về những quan điểm khác biệt của đời sống theo Chúa?

Bất luận tên họ hay giới tính, chúng ta cần học tập từ Phê-bê là người  mang theo “ánh sáng rạng rỡ” vào trong thế giới tối tăm. Bởi vì nếu có thêm ánh sáng, thế giới sẽ trở nên ít tối tăm hơn.

Chúng ta phải lưu phát, chia sẻ Lời Chúa từ tấm lòng của mình đến cho những ai có nhu cầu.

Chúng ta phải là những người phục vụ Đức Chúa Trời và hội thánh của Ngài.

Chúng ta phải giúp đỡ nhiều người, hãy phát huy hết các ân tứ của mình.

Chúng ta phải tiếp nhận, phục vụ người khác và khen ngợi lẫn nhau.

 

Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn