Thứ Bảy , 7 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Bạn Có Loại Đức Tin Nào?

Bạn Có Loại Đức Tin Nào?

1 Cô-rin-tô 12:8,9 “ Bởi một Đức Thánh Linh cho người này được đức tin…”Một trong các nan đề của đời sống là chúng ta thường cố gắng có đức tin bằng những phương pháp của con người. Nhưng Phao-lô đã liệt kê đức tin là một trong những ân tứ của Đức Thánh Linh.

Trước giả thư tín Hêbơrơ khẳng định: “Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1). Cháu của tôi đã minh hoạ điều nầy bằng một trò chơi. Nó tin rằng khi lớn lên nó sẽ có ria mép và râu cằm. Vì vậy nó bắt đầu tập cạo râu, mặc dầu chưa có râu. Nó đang minh hoạ cho đức tin, cho dù nó chưa thấy râu mọc ra.

Một ngày nọ Chúa Jesus đã nói với các môn đồ về tầm quan trọng của sự tha thứ. Khi các môn đồ hiểu được điều nầy, họ thưa với Chúa: “Xin thêm đức tin cho chúng tôi” (Luca 17:3-5). Họ nhận ra là họ không thể tha thứ cho những người phạm tội cùng họ giống như lời dạy của Chúa Jêsus. Đó không phải là điều tự nhiên. Khuynh hướng tự nhiên của con người là tìm cách trả thù. Nhưng Đức Chúa Trời khẳng định rằng họ phải tha thứ. Vì vậy họ thỉnh cầu: “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng tôi.” Họ chỉ có thể trải nghiệm được điều đó khi học tập vâng lời và tha thứ theo như điều Chúa dạy.

Khi các môn đồ đã mở lòng ra để lắng nghe, Chúa Jêsus nói với họ về ân tứ đặc biệt của đức tin. Ngài đáp: “ Nếu các ngươi có đức tin bằng hột cải, các ngươi khiến cây dâu nầy rằng: Hãy nhổ đi mà trồng dưới biển, thì nó sẽ vâng lời.” Thật là một lời đầy ấn tượng! Chúng ta chắc sẽ làm được biết bao nhiêu việc nếu có đức tin bằng hột giống` của một quả mơ!

PHÂN LOẠI ĐỨC TIN

Từ ngữ cảnh trên đây. Chúng ta có thể phân loại đức tin.

Trước hết, chúng ta nói về đức tin cứu rỗi. Phao-lô viết trong Rô-ma 12:3, “Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phó cho từng người.” Tôi tin rằng “lượng đức tin” mà Phao-lô đã nói ở đây là đức tin cứu rỗi. Nếu mỗi người vận dụng đức tin cứu rỗi, người đó sẽ được cứu khỏi tội lỗi  và nhận được sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời. Hê-bơ-rơ 12:2 nói rằng, Chúa Jêsus là cội rỗi và cuối cùng của đức tin. Đức tin nầy liên quan đến đức tin cứu rỗi.

Làm thế nào bạn nhận được đức tin cứu rỗi? Phao-lô nói rằng: “Đức tin đến bởi việc nghe Lời Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 10:17) Bạn được cứu từ lời hứa: “Vậy, nếu miệng ngươi xưing Jêsus là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu.” (Rô-ma 10:9) Đức tin nầy đem chúng ta đến sự cứu rỗi.

Trong Ê-phê-sô, Phao-lô cũng đề cập đến đức tin cứu rỗi khi ông viết: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu. Điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 2:8) Đức tin cứu rỗi là tin nhận Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa, tin rằng Ngài đã trả giá cho tội lỗi chúng ta. Đức tin ấy xác nhận huyết Chúa Jêsus là của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời và được Ngài chấp thuận. Chúa Jesus đã thay thế cho tội lỗi và sự chết mà lẽ ra chúng ta phải chịu. Bởi niềm tin vào Ngài, sự cứu chuộc của Ngài, chúng ta không bị hư mất nhưng được hưởng sự sống đời đời.

Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người chúng ta một lượng đức tin cứu rỗi. Khi sử dụng đức tin nầy chúng ta được cứu khỏi đời sống tội lỗi. Loại đức tin thứ hai là tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời. Đây là loại đức tin đòi hỏi chúng ta cam kết dâng hiến chính mình cho Lời Đức Chúa Trời. Ngài có cả một ngân hang các lời hứa. Chúng ta phải tin cậy và vui hưởng các lời hứa từ Ngài. Loại đức tin nầy thường thiếu vắng trong đời sống những người theo Chúa.

Mác 16:9-14 cho chúng ta biết các tình huống sau khi Chúa Jêsus sống lại. “Ngài hiện ra cho 11 sứ đồ đang khi ngồi ăn, mà quở trách về sự không tin và lòng cứng cỏi, vì chẳng tin những kẻ từng thấy Ngài đã sống lại.” Các sứ đồ đã không tin lời làm chứng của những người khác. Vì thế Chúa Jêsus đã quở trách họ vì họ đã không tin công việc của Ngài và những lời hứa của Ngài trước đó. (Xem Lu-ca 24:10; Giăng 20: 16-17) Một lần khác, khi Ngài cùng đi với 2 môn đồ trên đường về làng Em- mau, Ngài nói với họ: “Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin Lời các đấng tiên tri đã nói” (Luca 24:25). Họ chậm tin các lời các đấng tiên tri đã nói về Ngài. Còn bạn có nghi ngờ Lời hứa của Ngài chăng?

Đây là loại đức tin giống như con trẻ được gia tăng và lớn lên. Giu-đe đã nói với chúng ta trong câu 20: “ Hỡi kẻ rất yêu dấu, về phần anh em hãy tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của mình.” Phao-lô cũng nói với người Tê-sa-lô-ni-ca về sự gia tăng đức tin (2 Tê-sa 1:3). Loại đức tin nầy phát triển khi chúng ta kinh nghiệm sự thành tín của Đức Chúa Trời. Trải qua một chặng đường dài, chúng ta kinh nghiệm sự chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn của Ngài. Khi đức tin chúng ta trưởng thành, thì những nan đề trong đời sống cũng không còn là vấn đề vì Chúa vẫn đang cai trị trên mọi hoàn cảnh, mọi điều đang ở trong tay toàn năng của Ngài. Ngài sẽ lo liệu mọi sự!

Áp-ra-ham đã có loại đức tin nầy. Rô-ma 4:19 cho chúng ta biết, “người thấy thân thể mình hao mòn, vì đã gần đầy trăm tuổi, và thấy Sa-ra không thể sanh đẻ được nữa, song đức tin chẳng kém.” Lời hứa của Chúa là Ngài sẽ ban cho Áp-ra-ham một đứa con trai. Áp-ra-ham đã không nhìn vào tuổi tác của mình và tình trạng sinh lý của Sa-ra, “không thành vấn đề, nếu Đức Chúa Trời đã hứa thì Ngài sẽ làm điều đó. Không có việc gì quá khó cho Ngài.” Áp-ra-ham đã nói với lòng mình như thế.

Áp-ra-ham đã không lưỡng lự, hồ nghi về lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài có quyền làm cho trọn. Áp-ra-ham chính là tổ phụ đức tin, khuôn mẫu tuyệt vời cho chúng ta.

Loại đức tin thứ 3 là đức tin nhận sự chữa bịnh. Ma-thi-ơ đoạn 9 giới thiệu cho chúng ta về một phụ nữ có loại đức tin này, Khi Chúa Jêsus đang di chuyển giữa đoàn dân đông. Bất thình lình Ngài dừng lại: ‘Ai rờ đến Ta?” Các môn đồ trả lời: “ Thầy thấy đám đông lấn ép mà sao Thầy còn hỏi: Ai sờ đến Ta.” Chúa Jêsus đáp: “Ta biết có quyền năng ra từ Ta.

Khi người phụ nữ biết là không thể che giấu được hành động, bèn đến` sấp mình dưới chân Chúa và tỏ bày mọi sự. Bà ta thú nhận đã bị mất huyết suốt 12 năm, tốn nhiều tiền bạc, trải qua nhiều thầy thuốc nhưng bệnh càng nặng thêm. Bà ta đã nghe nói về Chúa chữa lành và bà tin rằng nếu chỉ cần rờ đến chéo áo của Chúa, bà cũng được chữa lành. Vì vậy bà đã luồn vào trong đám đông, tiếp cận Chúa và tìm cách đụng chạm vào Chúa. Ngay lập tức bà được chữa lành. Chúa Jêsus phán với bà: “Hỡi con gái, đức tin con đã chữa lành con.” Bà đã có loại đức tin để nhận sự chữa lành.

Tôi tin rằng đức tin nhận sự chữa lành thì có liên hệ đến phần Kinh Thánh trong 1Côr 12 gọi là ân tứ đức tin. Ân tứ nầy của đức tin liên quan đến sự chữa lành và các phép lạ. Nó không thể ngẫu nhiên xuất hiện bên cạnh các ân tứ về sự chữa lành mà Phao-lô đã liệt kê trong câu 9. Rất nhiều lần đã có một mối liên hệ khắng khít giữa ân tứ đức tin và các ân tứ chữa lành.

AI CẦN ĐỨC TIN

Chúa Jêsus nói về tiềm năng to lớn của đức tin trong Mác 11. Khi Chúa Jêsus trên đường đến Giê-ru-sa-lem, khi Ngài đói bụng và nhìn thấy một cây vả từ đằng xa, Ngài lại gần tưởng rằng có thể hái được ít quả của nó. Nhưng cây vả chỉ có lá mà không có trái. Chúa đã rủa cây vả đó.

Ngày hôm sau Ngài và các môn đệ đi ngang qua cây vả. Phi-e-rơ nhớ lại nên thưa cùng Chúa rằng: “Thầy xem kìa, cây vả mà Thầy quở đã chết khô rồi.” Chúa phán cùng các môn đồ: “Hãy có đức tin nơi Đức Chúa Trời; Thật, Ta nói cùng các ngươi, ai bảo ngọn núi này: Hãy cất lên và ném xuống biển mà trong lòng không chút nghi ngờ, nhưng tin những gì mình nói sẽ xảy ra thì sẽ đạt được. Vì thế Ta bảo các con, bất cứ điều gì các con cầu nguyện và nài xin, hãy tin mình đã được thì các con sẽ được như vậy.” (Mác 11:22-24)

Thật là một lời hứa ký diệu! Có nhiều người đọc sách Mác 11:21-24 và nghĩ rằng họ có toàn quyền xin bất cứ điều gì họ muốn. Họ rất phấn khởi trước tiềm năng to lớn của đức tin và bắt đầu biện luận là người tín hữu có thể có bất cứ thứ gì họ muốn. Một chiếc xe Mercedes mới, một biệt thự sang trọng, bất cứ thứ gì! Không có giới hạn nào cả.

Tuy nhiên điều quan trọng mà chúng ta cần ghi nhận ở đây. Chúa Jêsus đang nói chuyện với các môn đồ. Và điều gì tạo nên tính kỷ luật cho những người theo Chúa? Chúa cũng phán: “Nếu ai muốn theo Ta, phải tự bỏ mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta” (Luca 9:23)

Đức Chúa Trời không ban đức tin cho chúng ta để chúng ta có thể sống một đời sống xa hoa phù phiếm. Đức tin không phải là ngân phiếu trống mà chúng ta có thể điền vào đó những gì mà xác thịt ưa muốn. Chúa biết những ao ước của xác thịt có thể huỷ diệt đời sống thuộc linh của chúng ta. Chúa đang nói với các môn đồ trong Mác 11 là những người đang từ chối chính họ để vác thập tự giá theo Ngài. Lới hứa tiềm năng nầy được dành cho những môn đồ đó.

Vì thế chúng ta không thể sử dụng loại đức tin nầy để thoả mãn những nhu cầu xác thịt của chúng ta. Đức tin luôn luôn là một chìa khoá để mở ra cánh cửa cho công việc Chúa trong thế giới nầy.

Không một ai có đức tin lớn hơn Chúa Jêsus và cũng không có ai đạt tới sự đầy trọn hoàn hảo như Ngài. Tuy nhiên Ngài đã sớm kết thúc chức vụ trên thập tự giá chứ không phải trong một chiếc xe hơi sang trọng.

THỜI ĐIỂM CHO ĐỨC TIN ĐẶC BIỆT

Có nhiều lần trong cuộc đời chúng ta Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đức tin đặc biệt trong một tình huống duy nhất. Chúng ta biết rõ là Đức Chúa Trời sẽ bảo đảm điều đó cho chúng ta, và chúng ta công bố vì chúng ta biết việc đó sẽ được hoàn thành. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta loại đức tin như thế để chúng ta không còn lo lắng. Chúng ta biết  nan đề không còn nữa, vì Chúa sẽ lo liệu mọi sự.

Giống như những ân tứ khác của Đức Thánh Linh, ân tứ đức tin đặc biệt không có sẵn trong hồ chứa nước mà chúng ta có thể mở van bất cứ lúc nào theo ý muốn. Nó được ban cho chúng ta tuỳ thuộc vào uy quyền tối hậu của Chúa.

Nhiều năm trước đây, sau buổi thờ phượng Chúa sáng chủ nhật, một số bạn trẻ đẩy chiếc xe lăn của một ông lão vào giữa lối đi hai hàng ghế đến trước chỗ tôi đứng. Các thanh niên yêu cầu tôi cầu nguyện cho ông của các em. Tôi nhận ra là các em muốn ông được chữa lành để có thể bước đi được. Vì vậy tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài là Đức Chúa Trời vĩ đại. Ngài có thể làm bất cứ điều gì. Chúng con không còn cách nào khác là xin Ngài cứu giúp chúng con. Xin hãy đụng chạm người này và chữa lành ông ta. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ- danh trên mọi danh.” Trong khi cầu nguyện tôi có một sự thôi thúc mạnh mẽ nhấc ông lão ra khỏi xe lăn và truyền lệnh cho ông ta bước đi.

Giờ đây tôi thừa nhận là tôi đã có tranh luận với Chúa. Tôi nghĩ: Chúa ôi, có phải Ngài đang bảo con làm điều nầy? Có phải điều nầy thật sự đến từ Ngài? Và tôi đã do dự. Tôi không chắc chắn. Thường thì tôi không dám nhấc người ta ra khỏi xe lăn. Tuy nhiên trong trường hợp nầy tôi đã có một cảm xúc mạnh mẽ để làm điều đó. Đức Chúa Trời đã ban cho tôi đức tin để cầu xin sự chữa lành và truyền lệnh cho người đàn ông bước đi.

Khi nói Amen, tôi nhấc ông lão ra khỏi xe lăn và truyền lệnh: Trong danh Jêsus, hãy bước đi. Và người đàn ông nầy đã bước đi. Ông ta bước đi giữa hai hàng ghế và rồi chạy những bước ngắn trở lại. Các cháu của ông quá phấn khích, vui mừng khôn tả. Chúng nó kêu lên: “Ông cụ vẫn còn sợ hãi; và chúng tôi muốn ông cầu nguyện để Chúa cất bỏ nỗi sợ hãi của ông chúng tôi. Ông ta đã không bước đi được hơn 5 năm rồi.” Tôi vui mừng là các em không nói với tôi việc đó trước đây. Ba ngày sau đó, vào một buổi tối thứ 4, tôi đang ở Tucson, tiểu bang Arizona. Tôi đang giảng cho một Hội Thánh mà tôi đã từng quản nhiệm những năm về trước. Sau buổi thờ phượng, một người đàn ông đẩy vợ ông ta trên một chiếc xe lăn đến trước mặt tôi. Cô ấy bị đột quỵ và ông ta muốn tôi cầu nguyện để Chúa chữa lành. Tôi chợt nghĩ đến chủ nhật trước đó. Tôi đặt tay trên người nữ và cầu nguyện cho cô ta. Tôi cố gắng cầu nguyện giống như tôi đã cầu nguyện cho người đàn ông trên xe lăn vào chủ nhật trước. Nhưng lần nầy tâm trí tôi bị phân tán. Tôi nghĩ: Mình phải nói gì đây? Tôi vỗ nhẹ lên vai người phụ nữ, khích lệ cô ta tiếp tục tin cậy Đức Chúa Trời và nhìn chồng của cô ấy đẩy chiếc xe lăn ra khỏi Hội Thánh, con trai của tôi vốn đã nhìn thấy sự chữa lành người đàn ông vào chủ nhật trước, hỏi tôi: “Bố ơi, tại sao bố không nhấc bà ta ra khỏi xe và truyền lệnh cho bà ta bước đi giống như lần trước?” Tôi trả lời: “ Con ơi, Đức Chúa Trời đã không ban cho đức tin cho bố để làm điều đó lần nầy.”

Nếu Đức Chúa Trời đã không ban đức tin cho các bạn để làm một điều đặc biệt nào đó. Tôi khuyên các bạn chớ có mạo hiểm. Sự chữa lành cho người đàn ông vào chủ nhật trước là ân tứ của đức tin vào một thời điểm đặc biệt trong hoàn cảnh đó. Đức tin như thế không luôn luôn đến. Nó không có sẵn sàng trong mọi tình huống. Vì vậy bạn có thể nhận ra nó là một ân tứ từ Đức Chúa Trời. Đức tin là một ân tứ của Đức Thánh Linh được ban cho bạn để hoàn thành công tác của Đức Chúa Trời trong một tình huống đặc biệt. Đức tin loại đó đến từ Đức Chúa Trời. Nó là ân tứ của Đức Thánh Linh và nó rất tuyệt vời khi được biểu lộ ra. Tôi ước ao ân tứ đức tin đó đến thường xuyên hơn. Nhưng Đức Thánh Linh có toàn quyền quyết định trong việc nầy. Ngài ban cho ai tùy ý muốn Ngài. Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời khi Ngài ban cho tôi ân tứ của đức tin.

ĐỨC TIN CHO MỘT TÌNH HUỐNG ĐẶC BIỆT

Đây là một sự thật trong Kinh Thánh cũng như ngày hôm nay. Ngay cả đối với các sứ đồ thì đức tin nầy cũng không có sẵn trong mọi tình huống. Nó đến trong những cơ hội đặc biệt tùy thuộc vào ân ban và sự tể trị của Đức Chúa Trời. Các sứ đồ đã không chữa lành tất cả mọi người mà họ đối mặt.

Phao-lô là sứ đồ có cả ân tứ đức tin và ân tứ làm phép lạ. Tại Hội Thánh Giê-ru-sa-lem ông xác nhận các dấu kỳ phép lạ mà Đức Chúa Trời đã làm qua ông giữa vòng các dân ngoại. Ở tại Ê-phê-sô họ đem đồ dùng cá nhân của Phao-lô đặt trên người bệnh cũng được chữa lành. Tuy nhiên chúng ta đọc thấy trong 1 Ti-mô-thê 5:23 Phao-lô khuyên Ti-mô-thê phải uống một ít rượu vì bao tử của Ti-mô-thê có vấn đề. Trong Philíp 2: 25-27, Phao-lô nói là người bạn của ông là Ê-pháp-ra bệnh nặng gần chết. Còn Trô-phim được Phao-lô để lại Mi-lô vì bị bệnh (2 Ti-mô-thê 4: 20). Và trong trường hợp của Phao-lô, ông bị có một giằm xóc vào thân thể, đã ba lần ông cầu nguyện Chúa cất bỏ nhưng Đức Chúa Trời từ chối. Chúa bày tỏ là ân điển Ngài đã dư dật trong ông (2 Côr 12:7-10 và Ga-la-ti 4:13-14). Ân tứ của đức tin không cho phép bạn đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ điều gì bạn muốn. Đức Thánh Linh phân phát ân tứ cho mỗi người theo ý Ngài muốn. (1 Côr 12:11). Bạn không thể đột nhiên trở thành một người có ân tứ chữa lành rồi đi đây đó và chữa lành bất cứ ai bạn muốn. Đức Chúa Trời đang kiểm soát mọi hoàn cảnh. Ngài bày tỏ quyền năng của Đức Thánh Linh thông qua đời sống chúng ta.

Đức tin cho một tình huống đặc biệt không thể nghiên cứu để nắm bắt được. Tôi đã quan sát nhiều người cố gắng làm như thế. Nó không phải là sự cuồng tín cho đến khi bạn đạt tới một trình độ cao hơn của niềm tin. Nó đến như một ân tứ. Nó chỉ có ở chỗ đó. Thình lình bạn có đức tin để làm điều đó. Nhiều lần bạn tự hỏi: Tôi sẽ làm gì? Nhưng Đức Chúa Trời ban cho bạn đức tin đi trước và làm những gì Ngài thúc đẩy bạn làm.

Đức Chúa Trời có uy quyền tối hậu làm những gì Ngài muốn trong những thời điểm và cơ hội khác nhau để bày tỏ quyền năng, sự vinh hiển và sự khôn sáng của Ngài. Những sự bày tỏ như vậy luôn luôn bất ngờ, làm kinh ngạc nhiều người.

SỰ ĐAU KHỔ VÀ ĐỨC TIN.

Có đức tin lớn không có nghĩa là đời sống sẽ giống như một vườn hoa. Hãy nhớ là Phi-e-rơ được giải cứu qua sự can thiệp của thiên sứ. Gia-cơ bị chém đầu. Điều đó xảy ra không phải tại Gia-cơ ít đức tin; Phi-e-rơ đã bị đóng đinh đầu chúc ngược xuống đất (theo truyền thuyết của Hội Thánh).

Phi-e-rơ đã nói: Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, thì hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hoá thành tín (1 Phi-e-rơ 4:19). Nếu bạn chịu khổ vì làm con của Chúa, bạn phải tin rằng Đức Chúa Trời có một mục đích xuyên qua việc đó. Bạn có thể cầu nguyện: “Lạy Chúa con giao thác chính mình cho Ngài, xin Ngài bày tỏ mục đích của Ngài thông qua những trải nghiệm khó khăn nầy.”

Trước giả thư Hê-bơ-rơ đã viết về những anh hùng đức tin đã không chấp nhận sự giải cứu: Có người đàn bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn. Có kẻ khác chịu nhạo cười roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích lao tù nữa. Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm, lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi ( Hê-bơ-rơ 11:35-37)

Hãy chú ý, những người nầy có phải là anh hùng đức tin không? Vậy thì xe Meredes của họ ở đâu? Các món nữ trang? Đồng hồ Rolex đắt tiền? Dường như có cái gì đó không hợp lý. Nhưng phần mô tả về họ chưa kết thúc:

..Thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất. Hết thảy những người đó dầu nhơn đức tin đã được chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình. Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta, hầu cho ngoài chúng ta , họ không thể nào đạt đến sự toàn hảo (Hê-bơ-rơ 11:38-40).

Ân tứ đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những nan đề, bệnh tật. Nhưng nó sẽ cung ứng điều tốt hơn cho chúng bạn. Một ngày nào đó bạn sẽ được hoàn hảo. Và đó là điều mà chúng ta xứng đáng để chờ đợi.

VINH HIỂN VÀ ĐỨC TIN

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại chọn đức tin làm ống dẫn mà qua đó chúng ta được cứu? Một trong những lý do ấy là để loại trừ sự khoe khoang của chúng ta. Khi chúng ta nhận được một vài điều bởi đức tin. Đó không phải tự chúng ta giành được. Đức tin chỉ ra chúng ta nghèo đói, túng thiếu và chỉ có Đức Chúa trời giàu có và đầy ân điển.

Chúa biết khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là thích sự vinh hiển, ngợi khen và lời cảm tạ từ người khác. Đó là một phần trong bản chất chúng ta, vốn đã có rất sớm từ thời thơ ấu.

Khi đứa con nhỏ của bạn đứng trên bàn và nói: Bố ơi, hãy nhìn xem con nè. Bạn quay lại, nó nhảy từ trên bàn xuống. Nó muốn bạn nói với nó: Ồ, Con thật là tuyệt. Nó muốn bạn khâm phục hành động mà nó cho là dũng cảm. Rồi bạn khích lệ nó nhảy từ một cái bàn cao hơn. Vấn đề ở đây là con người tự nhiên có một khuynh hướng rất mạnh muốn được người khác ngợi khen, khi mà họ hành động của họ không xứng đáng để ngợi khen. Con người tự nhiên không muốn thừa nhận mình thấp hèn, nghèo thiếu.Và để tránh né điều nầy là giả vờ không cần nó. Chúng ta phải chúc mừng cho sự đầy đủ ảo của chúng ta (Đây là khuynh hướng tự nhiên của con người)

Chúa mong ước nhận được sự vinh hiển cho chính công việc Ngài làm. Ngài không muốn chúng ta nhận sự vinh hiển, vì điều đó chỉ thuộc về Ngài. Vì thế Đức Chúa Trời làm công việc của Ngài trong một đường lối, mà con người không thể nhận được cho họ sự vinh hiển.

Đây là lý do mà Chúa ban sự chiến thắng cho Ghi-đê-ôn và toán quân bé nhỏ của ông chiến thắng kẻ thù Ma-đi-an. Đạo quân của Ma-đi-an có trên 135 000 chiến sĩ. Quân đội Y-sơ-ra-ên chỉ có 32 000 người đối mặt với chúng. Nhưng Chúa phán đạo binh đi theo Ghi-đê-ôn vẫn còn đông quá. Ta chẳng phó dân Ma-đi-an vào tay nó đâu, e Y-sơ-ra ên đối cùng Ta tự khoe mà rằng tay tôi đã cứu tôi. Vậy bây giờ ngươi hãy truyền lệnh cho bá tánh: “Những ai sợ hãi hãy trở về nhà đi”. Thế là 22 000 người trở về. Chỉ còn lại 10 000 người. Lúc ấy Chúa lại phán với Ghi-đê-ôn : “Ngươi vẫn còn đông quân lắm. Bây giờ hãy thử chúng một lần nữa”. Lần tuyển lựa nầy tại nơi mé nước chỉ còn lại 300 binh sĩ. Và đó là số quân chính xác mà Chúa cần để đánh bại kẻ thù (Các quan xét 7)

Đức Chúa Trời có mục đích gì khi Ngài sử dụng một toán quân bé nhỏ để bẻ gãy sức mạnh của kẻ thù đông đảo? Đó là sự vinh hiển nầy phải thuộc về Ngài. Con người luôn cố gắng giành sự vinh hiển cho mình. Nhưng Chúa không chấp nhận điều đó.

Điều nầy cũng tương tự khi áp dụng nguyên tắc đức tin, ân tứ đức tin. Nó thực sự không phải là đức tin của tôi. Nếu tôi có đức tin, nó phải được gieo trồng trong tấm lòng của Đức Chúa Trời. Ấy là bởi ân điển, anh em được cứu nhờ đức tin. Và đó không phải đến từ anh em bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời, hầu cho không ai khoe khoang (Ê-phê-sô 2:8-9). Chúa tìm cách loại trừ sự khoe mình của con người.

Chúa đáng được vinh hiển qua những công việc vĩ đại, kỳ diệu của Ngài. Chúng ta phải giữ mình đứng ngoài bức tranh vinh hiển nầy.

LẤP ĐẦY KHOẢNG TRỐNG

Một trong những nhu cầu khẩn cấp của thế giới chúng ta ngày hôm nay là được nhìn xem công việc và quyền năng của Đức Chúa Trời. Có một khoảng trống to lớn trong lòng con người, và chỉ có quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời mới có thể lấp đầy chỗ đó. Bởi vì có những Hội Thánh phủ nhận quyền năng siêu nhiên, nhiều người quay trở lại thuyết thông linh, đi theo ma quỉ, các tín ngưỡng Đông Phương và phong trào Thời đại mới. Họ muốn nhìn xem các bằng chứng về thực tại của thế giới linh.

Qua Đức Thánh Linh, Hội Thánh đầu tiên đã giới thiệu thành công, minh chứng rằng Chúa Jesus sống lại từ kẻ chết. Tôi tin một lần nữa Đức Chúa Trời muốn chứng minh sự thật nầy cho một thế giới đang hoài nghi. Tôi cầu  nguyện là chúng ta tiếp tục bước đi trong đức tin để thế giới nầy có thể nhìn thấy những minh chứng sống động về quyền năng Đức Chúa Trời và được thuyết phục về một Chúa Jesus thực tế, Đấng đã từ kẻ chết sống lại.

Chuck Smith

Translated by Hon Pham

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn