Thứ Bảy , 7 Tháng Mười Hai 2024

Hãy Cho Họ Ăn

CHÍNH CÁC NGƯƠI HÃY CHO HỌ ĂN

“Đức Chúa Jêsus vừa nghe tin ấy, liền bỏ đó xuống thuyền, đi tẽ ra nơi đồng vắng. Khi đoàn dân biết vậy, thì từ các thành đi bộ mà theo Ngài. Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông-đúc, động lòng thương-xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành.

Đến chiều tối, môn-đồ tới gần Ngài mà thưa rằng: Ở đây vắng-vẻ, và trời tối rồi, xin thầy cho dân chúng về, để họ đi vào các làng đặng mua đồ-ăn. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Không cần họ phải đi; chính các ngươi hãy cho họ ăn. Môn-đồ thưa rằng: Chúng tôi có đây năm cái bánh và hai con cá mà thôi. Ngài phán rằng: Hãy đem đây cho ta. Ngài bèn truyền cho chúng ngồi xuống trên cỏ, đoạn, lấy năm cái bánh và hai con cá đó, ngửa mặt lên trời mà tạ ơn; rồi bẻ bánh ra đưa cho môn-đồ, môn-đồ phát cho dân-chúng. Ai nấy đều ăn no, còn bánh thừa lại thâu được đầy mười hai giỏ.Số người ăn ước chừng năm ngàn, không kể đàn-bà con-nít” (Ma-thi-ơ 14:13-20; Đọc thêm Mác 6:30-44; Lu-ca 9:10-17; Giăng 6:1-14)).

BỐI CẢNH CÂU CHUYỆN

-Câu chuyện trên đây được tái diễn trong Ma-thi-ơ 15:32-39 với cảnh Chúa Giê-su ban phát bánh cho bốn ngàn người ăn, chỉ với bảy bánh và vài con cá lúc ban đầy. Những ký thuật này bày tỏ lòng thương xót và sự quan tâm của Chúa Giê-su đối với những người đang có nhu cầu.
Bối cảnh câu chuyện giúp chúng ta xác định ý nghĩa hành động của Chúa Giê-su trong câu chuyện này.
Đầu tiên chúng ta thấy rằng xã hội mà Đế quốc La Mã cai trị vào thế kỷ thứ nhất được đánh dấu bằng sự bất bình đẳng về nguồn cung cấp thực phẩm. Người dân thường thiếu ăn và phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày để có đủ thức ăn. Đế chế này có cấu trúc xã hội rất phân cấp với một nhóm thiểu số giới tinh hoa cầm quyền được hưởng sự phong phú và chất lượng tốt về thực phẩm. Nhưng phần lớn dân chúng không đủ thực phẩm. Lời cầu nguyện trong bài cầu nguyện mẫu của Chúa dạy các môn đồ là xin Chúa cho chúng tôi đủ bánh ăn hàng ngày phản ánh tình trạng này (Ma-thi-ơ 6:11).

Hành động của Chúa Giê-su (có thể xem là một phép lạ) ở đây trong Ma-thi-ơ 14:13-21 làm nổi bật ý muốn của Chúa là nuôi sống những người đói khát và dự đoán thời đại sắp tới mà Chúa sẽ là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào, cả về thuôc linh lẫn thuộc thể. Điều này trái ngược với chính quyền La-mã khi cai trị tuyển dân Israel, những vua quan cai trị đương thời không làm được điều này. Lời hứa của Chúa Giê-su là, “kẻ trộm đến để cướp phá và hủy diệt, nhưng ta đến hầu cho chiên được sự sống và sự sống sung mãn” (Giăng 10:10). Chúng ta lưu ý các chi tiết sau:

– Chúa Giê-su tuyên bố rằng mọi người sẽ bị phán xét dựa trên việc họ có cung cấp thức ăn cho người đói hay không (Ma-thi-ơ 25:32-42)..

  • Đám đông đi cùng Chúa Giê-su đến nơi hoang vắng. Lúc đầu Ngài đã bày tỏ lòng thương xót qua việc chữa lành người bệnh (Ma-thi-ơ 14:14). Và bây giờ đoàn dân vẫn còn tập trung chung quanh Chúa Giê-su cho đến chiều tối. Rõ ràng là họ không chuẩn bị thức ăn để mang theo. Các môn đồ nêu rõ đây là nơi vắng vẻ, họ đề nghị Chúa Giê-su cho đám đông đi đến các làng chung quanh để mua thức ăn. Chúa Giê-su không nghĩ như vậy, Ngài trao cho các môn đồ một thách thức là “chính các ngươi hãy cho họ ăn.”

– Họ đưa ra năm cái bánh và hai con cá. Hãy xem Chúa Giê-su sẽ làm gì? Ngài nắm quyền kiểm soát và tổ chức bữa ăn. Ngài ban phước cho thực phẩm rồi đưa nó cho các môn đồ để phân phát cho đoàn dân đông. Các từ ngữ: “lấy bánh, ban phước, bẻ ra, trao cho các môn đồ, tất cả, ăn” tái diễn thêm lần nữa trong Ma-thi-ơ 26:26-27 trong bữa ăn tối cuối cùng của Chúa với nhóm các sứ đồ. Cả hai bữa ăn này có phần giống nhau là để thụ hưởng và phân phát phước lành của Chúa.

– Câu 20 ký thuật: “Ai nấy đều ăn no, còn bánh thừa lại thâu được đầy mười hai giỏ”. Trước đó nhiều năm Thi thiên 107:9 ca ngợi hành động của Đức Chúa Trời: “Vì Ngài làm cho lòng khao-khát được thỏa-thích, Khiến cho hồn đói được đầy dẫy vật tốt.” Chúa can thiệp vào khẩu phần ăn chỉ dành cho một người, và rồi nhân lên để có thức ăn dồi dào. Không chỉ đám đông năm ngàn người đàn ông cộng với phụ nữ và trẻ em được ăn no, mà còn có thức ăn thừa mười hai giỏ đầy. Chúa Giê-su chứng minh quyền làm chủ của Ngài đối với các nguồn thực phẩm này cũng giống như Ngài chứng minh uy quyền của Ngài đối với bệnh tật, tội lỗi, ngày Sa-bát, sự chữa lành…trong suốt hơn ba năm trên đất thi hành chức vụ.

– Kinh Thánh xác định rõ ràng ý muốn của Chúa là những người đói được nuôi dưỡng. Suốt bốn mươi năm trong sa mạc Chúa cung cấp thức ăn cho tuyển dân (Xuất Ê-díp-tô ký 16). Ê-xê-chi-ên lên án các nhà lãnh đạo hoặc “người chăn chiên” của Israel vì đã không nuôi dưỡng bầy chiên (Ê-xê-chi-ên 34:1-10). Tiên tri Ê-sai tuyên bố ý muốn của Chúa là mọi người phải nên “chia bánh cho người đói” (Ê-sai 58:7,10).

– Ê-sai dự đoán một thời đại tương lai khi “Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ ban cho mọi dân-tộc, tại trên núi nầy, một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon, đồ béo có tủy, rượu ngon lọc sạch…Trong ngày đó, người ta sẽ nói rằng: Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta; chúng ta đã mong-đợi Ngài, và Ngài sẽ cứu chúng ta. Ấy là Đức Giê-hô-va; chúng ta đã mong-đợi Ngài, chúng ta sẽ nức lòng mừng-rỡ và đồng vui về sự cứu-rỗi của Ngài!” (Ê-sai 25:6, 9). Một trong những lý do khiến thời đại tương lai thường được mô tả theo nghĩa là có thực phẩm dồi dào, vì hiện tại không có nguồn thực phẩm như vậy.

– Câu chuyện Chúa Giê-su ban phát thức ăn dư dật xảy ra ở nơi hoang vắng này được ghi lại trong bốn sách Phúc âm. Bối cảnh cũng gợi lên câu chuyện tuyển dân xuất hành ra khỏi Ai-cập và các phép lạ Chúa nuôi dưỡng họ trong đồng vắng. Nó cũng gợi lên sự nguy hiểm và an toàn khi Chúa Giê-su tránh ra sau khi Hê-rốt và Hê-rô-đia giết Giăng Báp-tít (Ma-thi-ơ14:1-12), giống như Môi-se rút lui khỏi Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15). Chúa Giê-su tránh xa khỏi tầm hủy diệt của vua Hê-rốt là người cai trị được đế quốc La-mã dựng nên. Ngài đến trần gian để chứng minh cách sử dụng một quyền lực khác phản ánh vương quốc của Ngài.

– Chúa Giê-su thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời là những người đói sẽ được ăn. Các tiên tri Ê-xê-chi-ên và Ê-sai dự đoán phước lành dồi dào của thức ăn ngon vào thời điểm vương quốc của Chúa được thiết lập trọn vẹn. Và Chúa Giê-su nhắc lại phép lạ của Ê-li khi làm cho thức ăn và dầu của bà góa ở Sa-rép-ta tăng lên (1 Các Vua 17:10-16). Ê-li-sê cũng vậy, khi ông làm cho bình dầu của bà góa tăng lên, và khi nuôi sống một trăm người với số thực phẩm khiêm tốn lúc ban đầu (2 Các Vua 4:1-7, 42-44).

BÀI HỌC ÁP DỤNG

– Câu chuyện được ghi trong Giăng 6:9-11, đề cập đến sự dâng hiến của một cậu bé gồm năm ổ bánh lúa mạch và hai con cá, nhấn mạnh thêm chủ đề về Chúa sử dụng những gì ít ỏi mà chúng ta có để đạt được những kết quả đáng chú ý. Một bé trai xuất hiện trong câu chuyện này khuyến khích các em thiếu nhi cũng có thể đóng góp phần của mình vào chương trình của Chúa.

– Chúa Giê-su có thể đáp ứng nhu cầu của chúng ta và vượt quá mong đợi của chúng ta theo những cách mà chúng ta có thể không bao giờ dám tưởng tượng, giống như Ngài đã có thể cho 5.000 người ăn chỉ bằng khẩu phần ăn của một bé trai.

Câu Kinh Thánh “chính các ngươi hãy cho họ ăn” thúc giục mọi người đánh giá các nguồn lực mà họ có, bất kể chúng có tầm quan trọng như thế nào, và cống hiến chúng để phục vụ người khác, tin vào sức mạnh biến đổi trong sự nhân lên của Chúa.

Khi các môn đồ đề nghị Chúa Giê-su hãy để cho dân chúng đi vào các làng chúng quanh để mua đồ ăn. Lúc này Chúa phán: “Họ không cần phải đi đâu cả”. Tuyên bố này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các nhu cầu trong chính cộng đồng, làm nổi bật giải pháp tiềm năng xuất hiện thông qua hành động đức tin của các môn đồ.

“Chính các ngươi hãy cho họ ăn”. Lời kêu gọi này đóng vai trò như một lời nhắc nhở sâu sắc về vai trò của những tín nhân phải là những người tham gia tích cực vào công việc của Chúa. Cơ đốc nhân được giao phó trách nhiệm bày tỏ lòng trắc ẩn và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.

Trong công tác truyền giáo, một người có thể góp vào các mục vụ bằng cách dâng hiến thì giờ, tiền bạc hay cộng tác vào những công việc cần thiết như chăm sóc người mới tin, người cao tuổi, dạy thiếu nhi, hỗ trợ cho những nhà truyền giáo đi ra gieo trồng hội thánh mới. Hãy nghĩ xem chỉ cần một khẩu phần ăn của một thiếu nhi có thể đem đến sự no đủ cho năm ngàn người trong sự nhân bội của Chúa. Có thể là bạn chỉ cần đóng góp cho Hội truyền giáo mỗi ngày một đô-la. Số tiền dâng hiến ấy sẽ làm nên điều khác biệt, có ý nghĩa cho công tác mở rộng nước Trời trên đất. Hội Truyền Giáo Quê Hương hướng về người Việt, vì người Việt và bởi người Việt đã và đang cậy ân điển Chúa để đem tin mừng nước Trời đến với người Việt Nam ở trong nước. Quí vị có thể tham dự với chúng tôi trong các mục vụ của Hội truyền giáo để cùng nhau hoàn thành đại mạng lệnh của Chúa Giê-su trên đất trước khi Ngài trở lại. Các thông tin về Hội Truyền Giáo Quê Hương được đăng tải trên báo Hướng Đi.

Trong bối cảnh đương đại, các cá nhân thường vật lộn với những thách thức to lớn của xã hội như đói nghèo, và đau khổ về mặt cảm xúc. Ma-thi-ơ 14:16, “Chính Các Ngươi Hãy Cho Họ Ăn” đóng vai trò như một lời nhắc nhở sâu sắc rằng mỗi người đều được kêu gọi đóng góp một phần trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của đồng loại và tin cậy rằng Chúa có thể nhân lên những nguồn lực hạn chế của mình.

Câu chuyện này là niềm cảm hứng vượt thời gian, mời gọi những người tin Chúa thể hiện lòng trắc ẩn, sự hào phóng và đức tin trong nỗ lực giảm bớt đau khổ và mang lại sự thay đổi tích cực trên thế giới. Chúng ta cũng thấy rằng Chúa không bị giới hạn bởi hoàn cảnh hay nguồn lực của chúng ta. Chúa đã nhân số lượng thức ăn ít ỏi để thỏa mãn cơn đói của hàng ngàn người hiện diện, vì vậy chúng ta tin rằng Ngài có thể cung cấp cho nhu cầu của chúng ta một cách dồi dào, ngay cả khi điều đó có vẻ như không thể được theo cái nhìn của con người. Chúa không chỉ có khả năng cung cấp cho chúng ta mà Ngài còn sẵn lòng làm như vậy. Hành động thương xót mà Chúa Giê-su thể hiện trong phần Kinh văn này nhắc nhở chúng ta về sự chăm sóc của Chúa dành cho con cái Ngài vượt trên cả mong đợi để đáp ứng mọi nhu cầu. Do đó, chúng ta có thể tin cậy vào lòng thành tín và sự chu cấp của Chúa, biết rằng Ngài luôn ở đó để chăm sóc chúng ta, bất kể hoàn cảnh nào chúng ta phải đối mặt. Câu Kinh Thánh này cũng dạy chúng ta phải áp dụng đức tin và trông cậy vào Chúa để Ngài chu cấp mọi nhu cầu của chúng ta trong những thời khắc khó khăn. Chúng ta có thể tìm thấy sự bình an và sự đảm bảo rằng Ngài sẽ nâng đỡ và đáp ứng các nhu cầu chúng ta ở bất cứ nơi đâu bằng cách nương tựa vào sự chu cấp của Ngài. Hãy nhớ rằng Cựu ước cho chúng ta biết Danh Ngài là Giê-hô-va di-rê (Sáng thế ký 22:14).

– Chúng ta đọc lại 2 Các vua 4:42-44, nơi Ê-li-sê cho một đám đông ăn với một lượng thức ăn ít ỏi. “Có một người ở Ba-anh-Sa-li-sa đến, đem cho người của Đức Chúa Trời hai mươi ổ bánh lúa mạch, và lúa còn gié để trong bị mình, làm của lễ đầu mùa gặt. Ê-li-sê biểu kẻ tôi tớ mình rằng: Hãy đem phát cho các người ăn. Kẻ tôi tớ người thưa rằng: Chi! Tôi phải phát đồ này cho một trăm người sao? Nhưng Ê-li-sê đáp: Hãy phát cho họ các bánh đó, hầu cho họ ăn đi; vì Đức Giê-hô-va có phán như vầy: Người ta sẽ ăn và còn dư lại. Ấy vậy, người đặt các bánh đó trước mặt họ; họ ăn, và còn thừa lại, y như lời của Đức Giê-hô-va đã phán.” Câu chuyện này là tiền đề minh họa cho sự cung cấp kỳ diệu của Chúa Giê-su trong Tân Ước và bày tỏ sự nhất quán của Đức Chúa Trời trong việc đáp ứng nhu cầu của dân Ngài dù là trong Cựu ước hay Tân ước.

– Sứ đồ Phao-lô viết trong thư Phi-líp 4:19, “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy-đủ mọi sự cần-dùng của anh em y theo sự giàu-có của Ngài ở nơi vinh-hiển trong Đức Chúa Giê-su Christ” củng cố khái niệm này bằng cách đảm bảo với các tín nhân về cam kết không lay chuyển của Chúa trong việc cung cấp cho họ một cách dồi dào từ các nguồn tài nguyên vô hạn của Ngài.

– Sự phong phú của Chúa giống như có một khoản thặng dư bất ngờ trong ngân sách eo hẹp. Nó luôn có ở đó khi chúng ta tin và hành động theo. Hãy suy ngẫm về cách bạn có thể nắm bắt lời hứa này trong cuộc sống của chính mình. Bạn có để sự cung cấp kỳ diệu này của Chúa hướng dẫn bước đi tiếp theo của mình không?

– Chúng ta cũng không nên bỏ qua sự liên kết tương phản giữa cảnh hóa bánh cho năm ngàn người ăn này ở một nơi hoang vắng với cảnh trước đó là tiệc sinh nhật của vua Hê-rốt (Ma-thi-ơ 14:6). Trong bối cảnh của ngày kỷ niệm sinh nhật của một vị vua giàu có, được chính quyền La mã dựng lên cai trị tuyển dân. Trong bữa tiệc đó Giăng Báp-tít bị chặt đầu. Cái đầu của ông được phục vụ một cách quái dị trên một chiếc đĩa như một món ăn khác cho bữa tiệc (Ma-thi-ơ 14:11). Quyền lực của đế quốc La mã thật nguy hiểm đối với các tiên tri dám phản đối họ. Chúa Giê-su không tổ chức một bữa tiệc mang đến cái chết thảm khốc của một tiên tri, nhưng là một bữa tiệc mang lại sự sống thể hiện sự nhân từ thương xót của Ngài.

Mục sư Phạm Hơn

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn