Bài trước:
https://huongdionline.com/2020/06/22/hoi-thanh-tham-lang/
Tôi còn nhớ khi ngồi bên ngoài một ngôi chùa Phật Giáo tại Indonesia. Người ta đứng đầy trong sân với nhiều sắc màu được trang trí tỉ mỉ, hằng ngày thực hiện những nghi thức tôn giáo. Trong lúc đó tôi tham gia vào cuộc trò chuyện với một lãnh đạo Phật Giáo và một lãnh đạo Hồi Giáo tại khu vực này. Họ nói rằng mọi tôn giáo đều có nền tảng giống nhau nhưng chỉ khác nhau ở một số điều. Một người nói: “Có thể chúng ta khác biệt quan điểm về những vấn đề nhỏ, nhưng ở những vấn đề cốt yếu thì các tôn giáo của chúng ta đều giống nhau.”
Tôi lắng nghe một lúc và rồi họ hỏi tôi nghĩ gì. Tôi nói: “Có vẻ như các anh đều nghĩ Đức Chúa Trời (hoặc đấng mà các anh đang gọi là chúa) ở trên đỉnh một ngọn núi. Có vẻ như các anh đều nghĩ chúng ta đều ở chân núi, và tôi có thể chọn một con đường để lên đến đỉnh núi, anh có thể chọn một con đường khác nhưng cuối cùng chúng ta đều đến cùng một nơi.”
Họ tươi cười và vui mừng đáp rằng: “Đúng vậy! Bạn hiểu rồi đấy!”
Tôi ngả người về phía trước và nói: “Giờ tôi xin hỏi các anh một câu. Các anh nghĩ gì nếu tôi bảo các anh rằng Đức Chúa Trời mà các anh cho rằng đang ở đỉnh núi đã đi xuống chân núi với chúng ta? Các anh nghĩ gì nếu tôi bảo các anh rằng Đức Chúa Trời không chờ đợi con người tìm đường đến với Ngài, nhưng ngược lại Ngài đã đến với chúng ta?”
Họ suy nghĩ một lúc rồi đáp lại. “Điều đó thật tuyệt.”
Tôi nói: “Tôi xin giới thiệu với các anh về Đức Chúa Giê-su.”
Đây chính là phúc âm. Nếu bạn và tôi hiểu sự cứu rỗi là chọn tìm đến Chúa, chúng ta sẽ thấy mình giữa biển cả tôn giáo vô nghĩa trong thế giới này, những tôn giáo đó kết án con người bằng cách đề cao khả năng của con người có thể tìm đến với Chúa. Ngược lại, khi bạn và tôi nhận biết chúng ta là người ác, đã chết trong tội lỗi và đáng chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời mà không tự tìm cho mình lối thoát, khi ấy chúng ta bắt đầu biết được mình cần Chúa như thế nào.
Hiểu biết về Đức Chúa Trời và về con người sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hiểu biết của chúng ta về Đấng Christ và lý do chúng ta cần Ngài. Ví dụ như nếu Đức Chúa Trời chỉ là một người Cha yêu thương, một Đấng muốn giúp đỡ dân sự của Ngài thì chúng ta sẽ nhìn thấy Đấng Christ chỉ là một mẫu mực về tình yêu thương ấy. Chúng ta sẽ nghĩ Thập giá là một hành động bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời mà tại đó Đức Chúa Trời cho phép quân lính La-mã đóng đinh Con Ngài để con người tội lỗi biết được Chúa yêu họ đến mực nào.
Tuy nhiên đây là hình ảnh đầy khiếm khuyết về Đấng Christ và Thập giá, hình ảnh này đánh mất điều quan trọng của phúc âm. Chúng ta không được cứu khỏi tội lỗi bởi vì Đức Chúa Giê-su bị người Do Thái và các quan chức La-mã xét xử bất công và bị Phi-lát tuyên án tử hình. Chúng ta cũng không được cứu bởi vì quân lính La-mã đã đóng đinh vào tay, chân của Chúa và treo Ngài trên thập giá.
Chúng ta có thật sự nghĩ rằng bản án sai lầm của con người chất trên Đức Chúa Giê-su có thể trả món nợ tội lỗi của toàn thể nhân loại? Chúng ta có nghĩ rằng một chiếc mão gai, những lằn roi, những chiếc đinh nhọn, thập giá và những điều khác liên quan đến việc đóng đinh phạm nhân trên thập tự giá mà chúng ta ca ngợi có đủ năng quyền để cứu chúng ta?
Hãy hình dung Đức Chúa Giê-su trong Vườn Ghết-sê-ma-nê. Khi Ngài quỳ trước Đức Chúa Cha, những giọt mồ hôi và máu từ đầu Ngài chảy xuống. Tại sao Chúa đau đớn tột cùng như vậy? Câu trả lời không phải vì Ngài sợ đóng đinh trên cây thập tự. Chúa không run sợ vì những quân lính La-mã sẽ làm gì đối với Ngài.
Kể từ ngày đó, vô số người nam và nữ trong lịch sử Cơ Đốc Giáo đã chết vì đức tin. Có những người không chỉ bị treo trên thập giá mà còn bị hỏa thiêu. Rất nhiều người đã hát khi đến với thập giá.
Một Cơ Đốc Nhân tại Ấn Độ khi bị lột da sống, anh đã nhìn những người bách hại mình mà nói rằng: “Cảm ơn các anh đã làm điều này. Hãy xé bỏ chiếc áo cũ của tôi, bởi vì tôi sẽ sớm được mặc chiếc áo công chính của Đấng Christ.”
Trước lúc đến chỗ hành hình, Christopher Love đã viết một tờ giấy cho vợ mình nói rằng: “Hôm nay họ sẽ cắt chiếc đầu trên thân thể anh, nhưng họ không thể cắt chiếc đầu thuộc linh của anh, chính là Đấng Christ.” Khi bước ra pháp trường, vợ của ông đã vỗ tay khích lệ còn ông thì hát về sự vinh quang.
Phải chăng những người nam và nữ này trong lịch sử Cơ Đốc đã có nhiều dũng khí hơn chính Đức Chúa Giê-su? Tại sao Chúa lại run sợ trong khu vườn ấy, tại sao Ngài khóc và đầy khổ não? Chúng ta biết chắc rằng Đức Chúa Giê-su không phải là một người hèn nhát trước quân lính La-mã. Ngược lại, Ngài chính là Đấng Cứu Rỗi sẽ nhận lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.
Hãy lắng nghe lời cầu nguyện của Chúa: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con!” Từ “chén” ở đây không nói đến cây thập tự bằng gỗ; từ “chén” ở đây chỉ về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. Đây là chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời.[1]
Đây chính là điều khiến Đức Chúa Giê-su chùn lại tại khu vườn ấy. Tất cả cơn thạnh nộ thánh và sự ghét bỏ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi và tội nhân được lưu lại từ thời khởi thủy sẽ đổ trên Ngài, và Đức Chúa Giê-su đã đổ mồ hôi máu khi nghĩ về điều này.
Những gì xảy ra tại Thập giá không đơn thuần chỉ là những chiếc đinh đóng vào tay và chân của Đức Chúa Giê-su nhưng là cơn thạnh nộ vì tội lỗi của bạn và tôi được đổ trên linh hồn của Chúa. Trong khoảnh khắc thánh ấy, tất cả cơn thạnh nộ về sự công chính và luật pháp của Đức Chúa Trời đối với chúng ta như một dòng nước lũ đổ xuống trên Đức Chúa Giê-su Christ. Có người nói rằng: “Đức Chúa Trời nhìn xuống và không thể chịu được những sự đau đớn mà những quân lính đã gây ra cho Đức Chúa Giê-su nên Ngài quay đi.” Nhưng điều này không đúng. Đức Chúa Trời quay đi vì Ngài không thể chịu được khi nhìn thấy tội lỗi của bạn và tôi chất trên Con Ngài.
Một Mục sư đã tả việc này giống như bạn và tôi đứng khoảng vài trăm mét cách một đập nước cao mười ki-lô-mét và rộng mười ki-lô-mét. Đột nhiên con đập vỡ và dòng nước hung hãn tiến về phía chúng ta. Ngay khi dòng nước dữ dội kịp chạm đến chân của chúng ta, mặt đất nứt ra nuốt tất cả số nước ấy. Tại Thập giá, Đức Chúa Giê-su Christ uống trọn chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời, và khi Ngài đã uống đến giọt cuối cùng, Ngài cầm chiếc chén và la lên rằng: “Mọi việc đã được trọn.”
Đây chính là phúc âm. Đấng Tạo Hóa công chính và đầy yêu thương của cả hoàn vũ đã nhìn thấy những con người tội lỗi vô vọng, Ngài ban Con Ngài, là Đức Chúa Trời trong xác thịt, trên thập giá Ngài đã gánh lấy cơn thạnh nộ đối với tội lỗi và Ngài phục sinh, bày tỏ năng quyền của Ngài chiến thắng tội lỗi để những ai tin cậy nơi Chúa sẽ được mãi mãi hòa thuận cùng Đức Chúa Trời.
Sự bày tỏ trọn vẹn cần được tiếp nhận cách trọn vẹn
Chúng ta đáp ứng với phúc âm này như thế nào? Những lời rao truyền của nền Cơ Đốc Giáo đương đại đột nhiên không còn thích hợp. Hãy tiếp nhận Đức Chúa Giê-su vào lòng. Hãy mời Đức Chúa Giê-su vào đời sống bạn. Hãy cầu nguyện như thế này, ký vào giấy này, hãy đi theo lối này và tiếp nhận Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Rỗi của cá nhân bạn. Dường như việc cố gắng giảm bớt phúc âm này thành một bài trình bày có thể thuyết phục người khác nói hoặc cầu nguyện theo chúng ta không còn phù hợp nữa.
Đó là lý do vì sao những cụm từ hướng dẫn do con người nghĩ ra này không có trong Kinh Thánh. Bạn sẽ không tìm thấy một câu Kinh Thánh nào hướng dẫn người ta phải: “cúi đầu, nhắm mắt và lặp lại theo tôi.” Bạn sẽ không thấy Kinh Thánh nói đến lời cầu nguyện của tội nhân mê tín. Và bạn cũng sẽ không thấy Kinh Thánh nhấn mạnh đến việc tiếp nhận Đức Chúa Giê-su.[2] Chúng ta nhận lấy Con Đức Chúa Trời vô cùng vinh hiển, Đấng đã gánh lấy cơn thạnh nộ vô cùng kinh khủng của Đức Chúa Trời và Đấng đang trị vì là Chúa của mọi loài, và chúng ta đã biến Ngài thành một Đấng Cứu Rỗi yếu ớt, tội nghiệp, Đấng van xin chúng ta tiếp nhận Ngài.
Tiếp nhận Ngài? Chúng ta thật sự nghĩ rằng Ngài cần chúng ta tiếp nhận? Chẳng phải chúng ta cần Chúa hay sao?
Tôi mời bạn hãy suy nghĩ về một đáp ứng phải lẽ với phúc âm này. Chắc chắn một lời cầu nguyện là chưa đủ. Chắc chắc việc tham dự nhà thờ vẫn chưa đủ. Chắc chắn phúc âm này đòi hỏi sự đầu phục vô điều kiện trọn vẹn con người và những gì chúng ta có cho Chúa.
Bạn và tôi cần xem xét chúng ta đã bao giờ thật sự tin cậy nơi Đức Chúa Giê-su Christ để nhận được sự cứu rỗi hay chưa? Bởi vì Đức Chúa Giê-su đã phán những điều này tại cuối Bài giảng trên núi, và đây cũng là phần Kinh Thánh khiến chúng ta phải hạ mình nhiều nhất.
Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa,” thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?” Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: “Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!”[3]
Tại đây Đức Chúa Giê-su không giảng cho những người không có niềm tin, những người vô thần, hoặc những người theo thuyết bất khả tri. Ngài cũng không giảng cho những người có tôn giáo khác. Nhưng Chúa đang phán cùng những người mộ đạo tận tâm, những người bị lừa dối để nghĩ rằng họ đang đi trên con đường hẹp dẫn đến thiên đàng nhưng thực tế họ đang đi trên con đường rộng dẫn xuống địa ngục. Theo lời Đức Chúa Giê-su, rồi một ngày trong tương lai, rất nhiều người sẽ sững sờ – mãi mãi kinh ngạc – vì biết rằng họ không được tiếp nhận vào vương quốc của Đức Chúa Trời.
Sự lừa dối thuộc linh là có thật. Là một Mục sư, tôi cảm thấy rùng mình và mất ngủ khi suy nghĩ rất có thể nhiều người ngồi trước mặt tôi vào buổi sáng Chủ Nhật đang nghĩ rằng họ đã được cứu nhưng thật ra không phải. Vô số người đang đi trên con đường tôn giáo mà tại đó những lời hứa nguyện vĩ đại được trả bằng cái giá thấp nhất. Chúng ta đã được dạy rằng tất cả những gì bạn cần làm đó là một lần quyết định trong đời, hoặc thậm chí chỉ là đồng ý với Đức Chúa Giê-su, nhưng sau đó chúng ta không cần quan tâm đến những mệnh lệnh, những chuẩn mực và sự vinh hiển của Chúa. Chúng ta có một tấm vé lên thiên đàng nên có thể sống theo cách mình muốn trên đất này. Tội lỗi của chúng ta sẽ được dung thứ. Rất nhiều lời truyền giảng hiện đại ngày nay đang dẫn dắt người khác đi theo con đường này, người ta đổ xô đi theo, nhưng kết cục là con đường ấy được xây trên cát lún và làm vỡ mộng hàng triệu linh hồn.
Sự công bố phúc âm theo đúng Kinh Thánh kêu gọi một sự đáp ứng khác và dẫn chúng ta đi vào một con đường khác. Tại đây phúc âm đòi khỏi và khiến chúng ta có thể quay mặt khỏi tội lỗi, vác thập tự giá, chết đi chính mình và đi theo Đức Chúa Giê-su. Đây chính là những điều mà Kinh Thánh nói đến. Giờ đây sự cứu rỗi bao gồm sự chiến đấu trong tâm linh chống lại bản chất tội lỗi trong tấm lòng, chống lại những hành động trụy lạc và một sự khao khát ân điển Chúa. Đức Chúa Giê-su không còn là Đấng cần được tiếp nhận hoặc được mời vào lòng, nhưng là Đấng hoàn toàn xứng đáng để chúng ta đầu phục trọn vẹn.
Có lẽ điều này giống như chúng ta phải tìm đường đến với Đức Chúa Giê-su bằng cách trọn vẹn vâng lời Chúa, nhưng không đúng. Ngược lại, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.”[4] Chúng ta được cứu khỏi tội lỗi nhờ món quà ân điển, chúng ta không thể tự cứu mình được nhưng chỉ có Đức Chúa Trời có thể làm điều đó trong chúng ta.
Nhưng món quà ân điển cũng kèm theo món quà tấm lòng mới. Những khao khát mới. Những mong muốn mới. Lần đầu tiên trong đời, chúng ta muốn có Chúa. Chúng ta nhìn thấy mình cần có Chúa và chúng ta yêu Ngài. Chúng ta tìm kiếm Chúa và tìm được, chúng ta khám phá rằng món quà lớn nhất của sự cứu rỗi đó chính là Chúa. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta được cứu không chỉ để được tha thứ tội lỗi hoặc để đảm bảo về chỗ ở đời đời trên thiên đàng, nhưng chúng ta được cứu là để biết Chúa. Chính vì thế chúng ta khao khát Chúa. Chúng ta muốn Chúa hơn bất kỳ điều gì khác. Đây chính là đáp ứng phải lẽ duy nhất đối với sự bày tỏ của Chúa qua phúc âm.
Đây chính là lý do những người nam, người nữ khắp thế giới liều mạng sống họ để được biết về Chúa nhiều hơn. Đây là lý do vì sao chúng ta cần tránh những tranh biếm họa Cơ Đốc rẻ tiền nhưng không đề cao sự bày tỏ của Đức Chúa Trời qua Lời Ngài. Đây là lý do vì sao chúng ta không thể chọn điều gì khác hơn ngoài một phúc âm đặt trọng tâm nơi Đức Chúa Trời, tôn vinh Đức Chúa Trời và từ bỏ chính mình.
DAVID PLATT
Translated by Vinh Hien