Thứ Sáu , 19 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / Hội Thánh Thầm Lặng

Hội Thánh Thầm Lặng

Bài trước đây:
https://huongdionline.com/2020/06/20/nhung-con-nguoi-doi-khat-loi-chua/

 

Những câu hỏi sau đây thường ám ảnh tôi khi đứng trước hàng nghìn tín hữu trong Hội Thánh mà tôi quản nhiệm. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bỏ đi âm nhạc và những chiếc ghế đệm êm ái? Điều gì sẽ xảy ra nếu không còn màn hình chiếu và bục giảng không được trang trí? Điều gì sẽ xảy ra nếu máy lạnh bị tắt và những tiện nghi không còn? Liệu khi ấy Lời Chúa vẫn là đủ đầy cho những người nhóm lại?

Tại Hội Thánh Brook Hills, chúng tôi quyết định cố gắng trả lời cho câu hỏi này. Thậm chí chúng tôi đã bỏ đi tất cả những tiết mục giải trí và mời tín hữu đến chỉ để học Lời Chúa trong nhiều giờ liền. Chúng tôi gọi đây là Hội Thánh Bí Mật.

Chúng tôi lập ra một cuộc hẹn – tối thứ Sáu – từ sáu giờ chiều đến giữa đêm, và trong sáu giờ ấy chúng tôi chỉ học Kinh Thánh và cầu nguyện. Theo thường kỳ, chúng tôi sẽ ngừng những buổi học Kinh Thánh trong sáu giờ này để cầu nguyện cho những anh chị em khắp thế giới đang phải bí mật nhóm lại. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho chính mình để có thể yêu mến Lời Chúa giống như những anh chị em kia.

Chúng tôi không chắc có bao nhiêu người sẽ đến trong buổi tối đầu tiên, nhưng trước khi kết thúc, khoảng một ngàn người đã đến. Chủ đề của buổi học hôm đó là Cựu Ước. Sau lần đầu tiên, chúng tôi quyết định tiếp tục, và bây giờ chúng tôi phải nhận đăng ký trước vì không thể tiếp đón tất cả mọi người muốn tham gia.

Cảnh tượng yêu thích của tôi đó là nhìn thấy phòng nhóm chật kín người với quyển Kinh Thánh ở bên mình, họ học biết về Đức Chúa Trời và những lời phán của Ngài – vào lúc sau nửa đêm (chúng tôi chưa bao giờ kết thúc đúng giờ). Dù rằng chúng tôi vẫn còn những chiếc ghế đệm – dù chúng tôi đã từng bàn về việc dỡ bỏ những chiếc ghế ấy! Dù rằng chúng tôi vẫn giữ lại những tiện nghi trong tòa nhà kể cả nhà vệ sinh. Nhưng tôi hy vọng chúng tôi vẫn đang bước những bước đi khám phá một dân tộc đói khát sự mặc khải của Chúa là như thế nào.

Điều gì ở Lời Chúa khiến người ta khao khát nghe Lời Ngài nhiều hơn? Và đó không chỉ đơn thuần là để lắng nghe, nhưng cũng mong mỏi, học hỏi, ghi nhớ và làm theo Lời Chúa? Điều gì khiến những tín đồ của Đấng Christ trên khắp thế giới sẵn sàng liều mạng sống họ để học biết về Lời Chúa?

Những câu hỏi trên khiến chúng ta quay về với nền tảng của phúc âm. Về bản chất, phúc âm là sự bày tỏ về bản tánh của Đức Chúa Trời, về con người, và làm cách nào chúng ta có thể được hòa hợp với Ngài. Song, Giấc Mơ Mỹ thì nói rằng mỗi cá nhân là vua của cuộc đời mình, vậy chúng ta có xu hướng nguy hiểm là hiểu sai, hạ thấp hoặc thậm chí sửa đổi lại phúc âm để làm cho phù hợp với những suy nghĩ hoặc dục vọng bản thân. Hậu quả là chúng ta rất cần phải suy xét lại bao nhiêu phần trong phúc âm mà chúng ta biết đã bị ảnh hưởng bởi Giấc Mơ Mỹ và bao nhiêu phần vẫn còn đúng với Kinh Thánh. Và trong khi làm công việc này, chúng ta cần phải đánh giá rằng có phải chúng ta đã hiểu sai đáp ứng đúng đắn với phúc âm là gì và rất có thể chúng ta đã bỏ sót món quà lớn nhất của phúc âm đó chính là Đức Chúa Trời.

 

Ngài thật sự là ai

Phúc âm bày tỏ sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Dựa trên Lời Chúa, Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Đấng tể trị mọi loài. Ngài biết tất cả mọi việc, Ngài khiến thế giới duy trì hoạt động của nó và tất cả mọi điều trên thế giới này đều thuộc về Ngài. Chúa là Đấng rất thánh khiết. Ngài là Đấng công bình trong mọi công việc, là Đấng luôn đúng đắn trong cơn giận của Ngài và là Đấng yêu thương tất cả tạo vật của Ngài.[1]

Mặc dù vậy, đôi khi tôi tự hỏi có phải chúng ta đã cố tình hay chỉ là vô tình không thể hiện toàn bộ bản tính của Đức Chúa Trời qua phúc âm. Hãy đến những cửa hàng Cơ Đốc, bạn sẽ thấy vô vàn những quyển sách, bài hát và tranh ảnh về một Đức Chúa Trời là Cha yêu thương. Ngài chính là Cha yêu thương. Nhưng Chúa không chỉ là một người Cha yêu thương, và khi chúng ta giới hạn sự hiểu biết của mình về Đức Chúa Trời thì hình ảnh của chúng ta về Ngài sẽ bị bóp méo.

Vâng, Đức Chúa Trời là một người Cha yêu thương, nhưng Ngài cũng là một Quan Án thịnh nộ. Đức Chúa Trời giận dữ mà ghét bỏ tội lỗi. Ha-ba-cúc đã cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược.”[2] Ở một phương diện nào đó, Đức Chúa Trời cũng ghét tội nhân. Câu hỏi đặt ra là: “Điều gì sẽ xảy ra nếu ‘Đức Chúa Trời ghét tội lỗi nhưng yêu tội nhân’?” Vâng, Kinh Thánh đã cho chúng ta câu trả lời. Một tác giả Thi Thiên đã nói với Chúa rằng: “Kẻ kiêu ngạo chẳng đứng nổi trước mặt Chúa; Chúa ghét hết thảy những kẻ làm ác.”[3] Mười bốn lần trong năm mươi chương Thi Thiên đầu tiên mô tả Đức Chúa Trời là Đấng ghét tội nhân, cơn thạnh nộ của Ngài nghịch cùng những kẻ lừa dối. Trong cùng một chương sách của Phúc Âm Giăng, chúng ta tìm thấy những câu Kinh Thánh nổi tiếng nhất nói về  tình yêu thương của Đức Chúa Trời, nhưng tại đây cũng có những câu Kinh Thánh về cơn thạnh nộ của Chúa thường bị chúng ta bỏ sót nhất.[4]

Phúc âm bày tỏ bản tính đời đời của Đức Chúa Trời mà đôi khi chúng ta không muốn nghĩ đến. Chúng ta ưa thích được ngã lưng trên một chiếc ghế, nói những câu sáo rỗng và hình dung về Đức Chúa Trời là một người Cha luôn giúp đỡ nhưng lại phớt Đức Chúa Trời là một Quan Án công bình, Đấng có thể sẽ kết tội chúng ta. Có lẽ đây là lý do khiến chúng ta chất đầy cuộc sống mình bằng sự giải trí trong xã hội – và trong Hội Thánh. Chúng ta sợ rằng nếu chúng ta dừng lại và thật sự học biết Đức Chúa Trời qua Lời Ngài, rất có thể chúng ta sẽ thấy Ngài đáng kính sợ hơn và Ngài đòi hỏi sự thờ phượng sâu sắc hơn điều mà chúng ta sẵn sàng muốn dâng lên Ngài.

Nhưng đây chính là vấn đề. Chúng ta không sẵn lòng dâng lên Chúa điều Ngài đòi hỏi bởi vì tấm lòng của chúng ta đã quay khỏi Chúa. Phúc âm không chỉ bày tỏ Đức Chúa Trời là ai, nhưng cũng bày tỏ chúng ta là ai.

 

Chúng ta là ai

Một giáo sư lớn tuổi kia dạy môn Tuyên Đạo Pháp thường dắt các sinh viên đến một nghĩa trang vào mỗi một học kỳ. Từ bên ngoài nhìn vào hàng chục tấm bia mộ bên trong, vị giáo sư dành hết sự chân thành của mình yêu cầu học trò hãy nói với những ngôi mộ và gọi những người từ trong lòng đất hãy sống lại và chỗi dậy. Sau đôi chút ngượng ngùng và một vài tiếng cười khúc khích, các học trò bắt đầu thử. Dĩ nhiên họ đều thất bại. Vị giáo sư nhìn các học trò mà nhắc nhở một lẽ thật cốt lõi trong phúc âm: con người đều chết trong tâm linh, cũng giống như những cái xác trong nghĩa trang đều đã chết thể lý, và chỉ có lời phán từ Đức Chúa Trời mới có thể đem họ đến với sự sống thuộc linh.

Đây là sự thật về con người. Khi sinh ra, chúng ta đều có một tấm lòng độc ác và thù ghét Chúa. Sáng thế ký 8:21 nói rằng tấm lòng của con người là ác khi còn trẻ, và lời Đức Chúa Giê-su phán trong Lu-ca 11:13 ngụ ý chúng ta đều biết chúng ta là ác. Nhiều người nói rằng: “Tôi luôn yêu Chúa,” nhưng thật sự không ai làm được điều đó. Có thể chúng ta yêu một ông thần mà chúng ta hình dung trong trí nhưng ghét Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh nói đến.

Vì tấm lòng ác, chúng ta chống nghịch Chúa. Chúng ta nhận lấy luật pháp của Đức Chúa Trời được viết trong Lời Ngài và trong lòng của chúng ta, nhưng chúng ta không làm theo. Đây chính là hình ảnh tội lỗi đầu tiên trong Sáng thế ký 3. Mặc dù Đức Chúa Trời đã cấm ăn trái từ cây biết điều thiện và điều ác nhưng chúng ta vẫn sẵn sàng ăn nó.

Chúng ta đã từ bỏ thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa đối với chúng ta. Đức Chúa Trời gọi mây bão thì có vậy. Ngài phán gió thổi và mưa rơi thì chúng vâng lời Ngài ngay. Ngài phán cùng núi đồi: “Hãy dời qua kia,” Ngài phán cùng bão biển: “Hãy dừng lại,” núi đồi và biển cả đều vâng lệnh Chúa. Tất cả tạo vật đều vâng lệnh Đấng Tạo Hóa… trừ bạn và tôi. Chúng ta cả gan nhìn vào mặt Chúa và nói: “Không.”

Đức Chúa Giê-su phán rằng người nào phạm tội thì làm tôi mọi cho tội lỗi, và Phao-lô tiến một bước xa hơn khi nói rằng chúng ta bị chính ma quỷ bắt làm tôi mọi.[5] Vì là nô lệ cho tội lỗi, chúng ta không nhìn thấy lẽ thật của Đức Chúa Trời. Ê-phê-sô 4:18 nói rằng trí khôn của chúng ta tối tăm và tấm lòng của chúng ta cứng cỏi. Dựa theo 2 Cô-rinh-tô 4:4, chúng ta không thể nhìn thấy Đấng Christ bởi vì đã bị mù lòa thuộc linh.

Kinh Thánh nói chúng ta là kẻ thù nghịch Đức Chúa Trời và là đối tượng của cơn thạnh nộ Chúa. Chúng ta là những người chết trong tâm linh và mãi mãi bị phân cách khỏi Đức Chúa Trời.[6] Điều khủng khiếp đó là chúng ta không thể làm gì để thay đổi địa vị của mình trước Chúa. Người ác không thể chọn điều tốt, nô lệ không thể đem lại sự tự do cho mình, người mù không thể làm cho mình nhìn thấy, điều gây nên cơn thạnh nộ không thể tự làm cho nguôi cơn thạnh nộ và người chết không thể tự làm cho mình sống lại được.

Phúc âm khiến chúng ta đối mặt với tình trạng tội lỗi đầy vô vọng. Nhưng chúng ta không thích nhìn thấy chính mình trong phúc âm nên đã lùi bước. Chúng ta sống trong một vùng đất mà mỗi cá nhân phải tự phát triển chính mình. Hiển nhiên có những điều chúng ta có thể làm để cải thiện bản thân. Chính vì thế chúng ta đã điều chỉnh lại những gì phúc âm nói về con người.

Chúng ta nghĩ rằng con người không độc ác và chắc chắn không chết trong tâm linh. Bạn đã từng nghe về sức mạnh của tư duy tích cực chưa? Tôi có thể là một người tốt hơn và có một cuộc sống tốt nhất ngay bây giờ. Đó là lý do vì sao có Chúa. Đời sống của tôi không đi đúng hướng, nhưng Đức Chúa Trời yêu tôi và có kế hoạch sửa đổi đời sống của tôi. Tôi chỉ cần làm những việc nào đó, đánh dấu vào ô vuông trong tờ phiếu đánh giá, và tôi đã là một người tốt.

Cách chúng ta phân tích tình hình và giải pháp của chúng ta đề ra hoàn toàn phù hợp với một xã hội tôn sùng tính độc lập, tự tôn và tự tin. Vì đã đánh giá khá cao về đạo đức bản thân nên khi thêm vào đó một lời cầu nguyện mang tính tâm linh, đôi khi tham dự nhà thờ và làm theo một vài điều được viết ra trong Kinh Thánh, chúng ta cảm thấy khá yên tâm rằng cuối cùng chúng ta cũng sẽ ổn.

Tuy nhiên hãy lưu ý sự đối lập khi bạn phân tích vấn đề dựa trên Kinh Thánh. Phúc âm hiện đại nói rằng: “Đức Chúa Trời yêu thương bạn và Ngài có kế hoạch tuyệt vời dành cho bạn. Hãy làm theo những bước này để được cứu.” Ngược lại, phúc âm theo Kinh Thánh thì nói rằng: “Bạn là kẻ thù của Đức Chúa Trời, một người chết trong tội lỗi, một người phản nghịch, bạn thậm chí còn không biết mình cần sự sống, huống gì có thể tự đem lại sự sống cho mình. Vậy, bạn hoàn toàn cần Chúa làm điều gì đó cho đời sống bạn, điều mà bạn không bao giờ có thể làm được.”

Phúc âm hiện đại bán được sách và thu hút đám đông. Phúc âm theo Kinh Thánh thì cứu rỗi linh hồn. Vậy điều nào quan trọng hơn?

Qua phúc âm, Đức Chúa Trời bày tỏ con người cần Chúa như thế nào. Ngài cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể làm gì để được đến với Ngài. Chúng ta không thể chế tạo sự cứu rỗi. Chúng ta không thể lập trình sự cứu rỗi. Chúng ta không thể sản xuất sự cứu rỗi. Thậm chí chúng ta không thể khởi xướng sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời phải mở đôi mắt của chúng ta, giải phóng chúng ta, chiến thắng cái ác của chúng ta và làm nguôi cơn thạnh nộ của Ngài. Ngài phải đến với chúng ta.

Và đây chính là vẻ đẹp của phúc âm.

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn