Thứ Sáu , 19 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / Ông Trời Của Người Việt

Ông Trời Của Người Việt

Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng

      Trong tiếng Việt, trời là bầu khí quyển cao xanh bao la trên đầu chúng ta, nơi ta nhìn ra vũ trụ, nơi cung cấp không khí, nắng, mưa, gió, cùng với tứ thời bát tiết giúp cho muôn loài vạn vật tồn tại sinh sôi, bầu trời đó bao trùm mọi phương diện bảo đảm cho sự tồn tại của con người. Đối với người Việt Nam, bầu trời đó là hình ảnh cụ thể biểu hiệu cho Đấng Tối Cao siêu việt tạo dựng và bảo tồn muôn vật trong một trật tự vô hình, trường cữu. Vì vậy, dân ta lấy tên khoảng không bao la dồi dào ân huệ đó để gọi đấng thiêng liêng tạo hoá và cai trị vũ trụ. Tiếng Việt gọi Ngài là Ông Trời thay vì có một tên đặc biệt cho Ngài như các ngôn ngữ khác (như Dieu, God trong tiếng Pháp, tiếng Anh; hay Giàng trong tiếng dân tộc thiểu số Tây Nguyên).

Phải chăng đây là một nét hay của văn hoá Việt Nam? Người Việt chúng ta thường tỏ lòng tôn kính các bậc trưởng thượng bằng cách không gọi thẳng tên riêng, xem đó là huý kỵ. Trong dân gian, người ta không gọi tên nhau mà gọi thứ bậc trong nhà như anh Hai, chị Ba, anh Cả, cô Út, v.v. Ở Miền Trung, người ta lấy tên người con trưởng để gọi người cha trong gia đình, nên nhiều khi người ngoài không biết tên thật của người cha là gì. Có lẽ vì vậy mà tiếng Việt không có tên riêng gọi Đấng Tạo Hoá, mà chỉ gọi Ngài là “Ông Trời”, hay “Trời”, là tên của bầu khí quyển bao trùm trái đất có nhiều đặc tính đại diện cho Ngài.

Người dân Việt chúng ta không ai là không từng nhắc đến Trời, một danh từ cửa miệng mà người ta có thể thốt ra trong bất cứ sinh hoạt nào của đời sống. Trong tâm tư của đồng bào ta, Ông Trời vừa rất xa xôi, vừa rất gần gũi: Ông Trời ở chốn cao xanh không ai thấy được, nhưng bất cứ lúc nào, nơi nào, con người cũng có thể van vái Trời, tạ ơn Trời hoặc trách móc Trời, thậm chí có khi còn đùa cợt nữa.

Nhà biên khảo Hoàng Trọng Miên trong tác phẩm Việt Nam Văn Học Toàn Thư, đã sưu tầm nhiều câu ca dao cho thấy người dân Việt có một niềm tin sâu xa về sự hiện hữu của Trời là Đấng Tạo Hoá, cầm quyền tối cao trên mọi sinh hoạt con người. Dưới đây xin trích dẫn một phần tác phẩm của ông và bổ túc thêm một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khác ở các miền trong nước để chúng ta thấy được quan niệm về Trời trong suy nghĩ của đồng bào ta.

 

  • Trời tạo dựng và bảo tồn muôn vật

Núi kia ai đắp mà cao?

Sông kia biển nọ, ai đào mà sâu?

Gai trên rừng ai vót mà nhọn?

Trái trên cây ai vo mà tròn?

Những câu hỏi trên được đặt ra với hàm ý rằng cái thế giới mang nhiều sắc thái hình thể phong phú nầy không thể nào tự nhiên mà thành, mà phải do Trời tạo nên. Quan sát các loài chim muông sống động, con người tự biết có Trời dựng nên mình:

Con chim nó hót trên cành,

     Nếu Trời không có, có mình làm sao?

     Con chim nó hót trên cao,

     Nếu Trời không có, làm sao có mình?

Con người không biết tương lai mình ra sao, nhưng tin rằng Trời đã sinh ra mình thì Trời cũng cung cấp những nhu cầu để nuôi mình sống còn:

Trời sanh, Trời dưỡng.

      Trời sanh voi sanh cỏ.

      Thiên sanh nhơn, hà nhơn vô lộc,
Địa s
anh mộc, hà mộc vô căn? 
(Trời sinh người, có ai mà không có lộc; Đất sinh cây, có cây nào mà không có gốc?)

Bẩm sinh con người cũng do Trời:

Cha mẹ sanh con, ông Trời sanh tánh.

 

  • Trời tể trị trên cuộc sống con người
  1. Trên mùa màng thời tiết

Người nông dân mong Trời cho mưa thuận gió hoà để đời sống được ấm no:

Lạy Trời mưa xuống,

      Lấy nước tôi uống,

      Lấy ruộng tôi cày,

      Lấy đầy bát cơm.

Khi được mưa thuận gió hoà, họ không quên ơn Trời:

Ơn Trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu,

     Công lênh chẳng quản lâu lâu,

     Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.

Không phải chỉ nông dân, mà ngư dân cũng nhờ cậy ơn Trời:

Ra đi sóng biển mịt mù,

     Trời cho lưới nặng, dô hò ta kéo lên.

Trên duyên phận vợ chồng

Chuyện đôi lứa là do Trời định:

     “Trời đà sở định đôi ta
       Ở gần cũng nhớ, ở xa buồn rầu.”

     “Lời anh thề nước biếc non xanh,

      Theo anh cho trọn tử sanh tại Trời.

Đôi bạn trai gái yêu nhau, để chứng tỏ tình yêu chân thật của mình, chàng trai xin Trời làm chứng:

Qua nói đây chứng có Ông Trời,

      Tình qua thương bậu chẳng đời nào phai.”

Người con gái cũng thề thốt với Đấng biểu hiện nơi trời đất mênh mông:

Trời cao đất rộng, em vọng lời nguyền,

      Đất trời còn đó, em giữ tuyền thuỷ chung.”

Trời giúp người có chí, biết tu tâm dưỡng tánh

Làm trai quyết chí tu thân,

     Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.

     Khi nên Trời giúp công cho,

     Làm trai năm liệu bảy lo mới hào.                            

Khi Trời không cho thì dù gắng công đến mấy cũng chẳng được gì:

     Trời cho hơn lo làm.

     Phú quí tại thiên.
Mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên.

Tuy nhiên, người có chí, siêng năng thường được Trời thưởng:

 Trời nào có phụ ai đâu,

      Hay làm thì giàu, có chí thì nên.”   

Trời theo dõi mọi sinh hoạt của nhân gian

Trời rất công mình. Con mắt vô hình của Trời không bỏ sót hành động của một người nào:     

     Trời cao có mắt.    

     Lưới Trời lồng lộng, thưa mà không lọt.

Người nói sự thật, muốn thuyết phục người ta tin, họ thề,“Có Trời chứng giám.”

Khi chạy đến cửa quan xin được xét xử công minh, người dân cầu xin,“Mong Đèn Trời soi xét.”

Khi thầy thuốc bó tay, bệnh nhân không còn hy vọng gì nữahọ thấy,“Chỉ có Trời cứu.”

Khi sự việc xảy ra ngoài dự liệu của con người, họ bảo, “Người tính không bằng Trời tính.

Khi gặp hoạn nạn, người dân ngửa mặt cầu khẩn:

Nghiêng vai ngửa vái Ông Trời,

     Đương cơn hoạn nạn, độ người trần gian.

Những kẻ vô lại, bất trị, bị nguyền rũa là bọn Trời đánh thánh vật.

Trời không dung tha những kẻ độc ác, thế nào chúng cũng sẽ bị hại:

Trời trả báo: ăn cháo gãy răng,

     Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy hàm.

Nhưng Trời rất nhân từ:

Ở hiền thì lại gặp lành,

      Những người nhân đức Trời dành phúc cho.”  

     “Trời nào phụ kẻ có nhân!

      Người mà có đức muôn phần vinh hoa.” 

Dưới sự cai quản công bình sáng suốt của Ông Trời, dân ta khuyên nhau:

  • Đừng kiêu căng, ỷ mình khoẻ mạnh giàu có:

“Đừng cậy khoẻ, chớ cậy giàu,

Trời kia còn ở trên đầu còn kinh”

“Của Trời, Trời lại lấy đi,

Giương hai mắt ếch làm chi được Trời?”

  • Đừng xảo trá:

Hay gì lừa đảo kiếm lời,

Cả nhà ăn uống, tội Trời riêng mang.”

  • Đừng keo kiệt:

Ở xởi lởi Trời gởi cho,

Ở so đo Trời co lại.

  • Đừng hoang phí:

     “Phí của Trời, mười đời chẳng có”

“Những người đói rách rạc rời,

     Bởi phụ của Trời, làm chẳng có ăn.”

  • Giữ nếp sống ngay thẳng dưới sự cai quản sáng suốt của Trời:

Đèn Trời, trời sáng bốn phương,

Đèn tôi, tôi sáng đầu giường nhà tôi.

Khi gặp nan đề ngoài sức mình, người ta phó mặc cho Trời:

Trời mưa thì mặc trời mưa,

     Tôi không có nón, Trời chừa tôi ra.

Tuy nhiên, vì Trời nhân hiền rộng lượng, nên có khi người ta dám đùa:

Trời đánh còn tránh bữa ăn, 

hay:

Bắc thang lên hỏi Ông Trời,

     Đem tiền cho gái có đòi được không?

hoặc như ông Tú Vị Xuyên khi túng thiếu quá đã kêu lên:

     Lúc túng toan lên bán cả trời,

     Trời cười: thằng bé nó hay chơi!

hoặc người ta bực bội trách móc khi chứng kiến những bất công xã hội:

Trời sao Trời ở chẳng cân,

     Kẻ ăn không hết, người lần không ra!

Tóm lại, người dân Việt tin rằng mọi sự trong đời người từ khi chào đời cho đến khi lìa trần đều do Trời định đoạt:  

    “Sống hưởng lộc Trời,

     Chết về chầu Trời.”

    “Sống gởi, thác về”.

Khi con cái chết sớm, cha mẹ than:

Lá vàng đeo đẳng trên cây,

     Lá xanh rụng xuống, Trời hay chăng Trời!

Văn thơ Việt Nam cũng phản ảnh niềm tin của dân tộc về quyền định đoạt của Trời hay Đấng Tạo Hoá đối với vận mạng con người:

     Gẫm hay muôn sự tại Trời – “Cơ Trời dâu bể đa đoan” – “Đạo Trời báo phục chỉn ghê”  (Nguyễn Du)

Quyền hoạ phúc Trời dành hết cả (Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều)

     Tạo Hoá gây chi cuộc hí trường  (Bà Huyện Thanh Quan)
Nhứt tử do lưu Tạo Hoá quyền  (Phan Thanh Giản)

 

  • Trời nắm giữ cả vận mạng của quốc gia dân tộc

Người Việt tin sự tồn tại của quốc gia dân tộc là do Sách Trời định sẵn.

Như câu thơ phá Tống thời Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…” (Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành là do Sách Trời định sẵn)

Lời quốc ca thời chính quyền Trần Trọng Kim dựa vào bài Đăng Đàn Cung của triều Nguyễn: “Kìa núi vàng bể bạc, Có Sách Trời định phần…”

Thời thế thăng trầm là do Trời:

     Trời làm một cuộc lăng nhăng,

     Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông.

     Trời làm một cuộc lông bông,

     Chó nhảy bàn độc thì ông hoá thằng”

Vua chúa cũng phải nhờ Trời mới thành công:

Lạy Trời cho có gió nồm

     Để cho Chúa Nguyễn dương buồm thẳng ra.”

 

NGƯỜI DÂN VIỆT THỜ TRỜI

  • Bàn Thiên

Nói chung, đồng bào ta xem Trời là Đấng thiêng liêng, quyền phép, đáng được tôn thờ. Khi gặp tai hoạ, khổ nạn họ van vái Trời; khi được may mắn, hạnh phúc, họ không nghĩ do mình tài giỏi mà tin là nhờ Trời cho; khi thời tiết thuận hoà, đời sống ấm no, họ biết ơn Trời. Vì vậy ở nhiều địa phương, người dân lập ra Bàn Thiên hay Bàn Thờ Thiên để thờ Trời. Đây là một nét văn hoá rất đáng yêu của dân ta.

Bàn Thiên là một bệ thờ bằng gỗ hình vuông hoặc chữ nhật rộng khoảng nửa mét vuông đặt trên một cột cao độ 1m50 bằng gỗ hay gạch dựng giữa sân trước mặt nhà, hoặc trên sân thượng ở những nơi thị tứ có nhà lầu. Trên Bàn Thiên, người ta không cúng heo gà, mà chỉ bày hương, hoa, nước lã hay trà hoặc rượu, có nơi thêm gạo, muối. Mỗi tối gia chủ đến thắp nhang khấn nguyện rồi xá bốn phương. Đây là nơi ký thác những nỗi niềm ước vọng trong cuộc đời của người dân, những mối lo âu về thời cuộc hay cơm áo hằng ngày, những tình cảm gắn bó trong gia đình thân thuộc:

Đêm đêm thắp ngọn đèn Trời,

     Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

  • Lễ Tế Giao

Ở trên thượng tầng lãnh đạo đất nước, vua chúa Việt Nam được xem là con của Trời (Thiên tử), vâng mệnh Trời mà trị dân. Vì vậy trong triều đình Việt Nam có lễ Tế Giao là nghi lễ vua chúa với tư cách Thiên tử tế cáo với Trời như bổn phận của con cái đối với cha mẹ, đồng thời cũng để cầu xin sự an lành hạnh phúc cho dân.

Lễ Tế Giao chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa, có từ thời Nhà Lý, được tổ chức mỗi năm hay vài ba năm một lần tuỳ theo triều đại. Từ triều Nguyễn, đàn Tế Giao được lập ở phía Nam kinh đô Huế, được gọi là Đàn Nam Giao. Đàn Nam Giao là một khu đất xây thành ba tầng: tầng trên cùng là Viên Đàn (Đàn tròn) tượng trưng cho Trời, tầng thứ nhì thấp hơn là Phương Đàn (Đàn vuông) tượng trưng cho Đất, tầng dưới cũng hình vuông tượng trưng cho Người. Cả ba họp thành Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân. Xung quanh mỗi đài có chạy lan can quét vôi màu khác nhau: màu xanh biểu hiệu Trời ở tầng trên cùng, màu vàng biểu hiệu Đất ở tầng giữa, và màu đỏ biểu hiệu Người ở tầng dưới (theo thuyết Ngũ Hành). Trên Đàn Tế không có kiến trúc nào, nhưng mỗi năm đến kỳ Tế Giao, người ta dựng nhà lều theo màu và hình thể của mỗi tầng cho vua quan đứng hành lễ. Bên trái của Đàn có một Trai Cung, nơi dành cho vua đến giữ trai giới (ăn chay và kiêng giữ) một ngày trước khi hành lễ. Người trong nước cũng kiêng sát sanh và cấm tra khảo tù nhân trong ba ngày trước lễ. Trước ngày hành lễ, dân chúng đặt hương án hai bên đường cung nghinh nhà vua ngự giá từ cung điện ra Trai Cung.

Sau kỳ trai giới, vào lúc quá nửa đêm, vua trong lễ phục uy nghi tiến lên đài hành lễ, theo sau là các quan mang đèn quạt. Trước hết là lễ rửa tay rồi nghinh Thần (đón rước Trời) ở tầng hai (Phương Đàn), sau đó tiến lên tầng Viên Đàn để hành lễ chính thức. Chỉ có vua và vài nhân vật tối cao trong nước (trong thời Pháp là Toàn Quyền Đông Dương và Khâm Sứ Huế) mới được lên tầng nầy, còn các quan đều phải phủ phục ở hai tầng dưới. Tại đây, vua làm lễ dâng ngọc lụa và thịt trâu thui (phải chăng vì trâu là biểu tượng cho ngành nông nghiệp của cả nước?), tiếp theo là ba lần lễ dâng rượu: sơ hiến, á hiến và chung hiến. Sau khi sơ hiến, vua quì xuống để quan tư chức đọc bài văn tế Trời. Mỗi mục đều có kèm theo những bài hát múa do đoàn lễ nhạc và vũ công trình diễn ở dưới sân. Bên ngoài tường thành Đàn Tế, dân chúng cũng nô nức tham gia cả ngàn người.  Sau khi cúng bái, vua trở xuống Phương Đàn, lạy bốn lạy để tống Thần (tiển biệt Trời) rồi trở về Trai Cung, thay phẩm phục và ra sân làm lễ Khánh Thành trước khi lên xa giá hồi cung vào khoảng 5 giờ sáng. (Theo Đàn Nam Giao và Lễ Tế Nam Giao Xưa của Bùi Đẹp, newvietart.com). 

 

ÔNG TRỜI CỦA NGƯỜI VIỆT và ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA KINH THÁNH  

Niềm tin của người dân Việt về Trời là một niềm tin nguyên sơ không do sách vở hay giáo lý nào truyền dạy. Vậy mà thật lạ lùng, những tin tưởng của người mình về Ông Trời có rât nhiều điểm phù hợp với niềm tin về Đấng Tạo Hoá được mặc khải trong Kinh Thánh. Chính vì sự phù hợp đó mà các nhà truyền giáo ban đầu đã lấy tên Trời của người Việt để gọi Đấng Chủ Tể muôn loài. Nhưng thay vì chỉ gọi Trời cách nôm na như thói quen của người mình, họ đã thêm chữ Đức Chúa là những tiếng xưng hô tôn kính trong tiếng Việt, và gọi Ngài là Đức Chúa Trời.

        Thật ra, không phải chỉ có dân Việt ta mà hầu như mọi dân tộc trên thế giới đều có niềm tin về đấng thiêng liêng tối cao tạo dựng và cầm quyền trên muôn loài. Chỉ trừ các bộ lạc quá sơ khai, cổ lổ, còn dân tộc nào cũng có danh từ chỉ về Đức Chúa Trời, bởi thế Kinh Thánh mới có thể được dịch ra gần 2000 thứ tiếng trên địa cầu.

Sự hiểu biết Đức Chúa Trời dù của dân tộc nào cũng còn thiếu sót rất nhiều. Vì vậy, chúng ta cần được Kinh Thánh soi sáng, giúp chúng ta biết những điều mà với tri thức nguyên sơ, trực giác thô thiển, chúng ta không thể nào biết được.

Kinh Thánh là một cuốn kinh tập họp những lời phán dạy của Đức Chúa Trời qua những nhà tiên tri và những vị sứ đồ được Đức Chúa Trời lựa chọn, uỷ thác, để viết ra trải qua nhiều ngàn năm. Những câu Kinh Thánh (in chữ nghiêng) sau đây cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là:

  • Đấng Tạo Hoá: “Ban đầu Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng thế ký 1:1) “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời, Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm.” (Thi thiên 19:1)
  • Đấng hằng sống: “Ngài là Ðức Chúa Trời hằng sống và Vua đời đời” (Giê-rê-mi 10:10) “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, nghĩa là đầu tiên và cuối cùng”  (Khải huyền 21:16)
  • Đấng toàn năng cầm quyền trên vạn vật: “Con mắt muôn vật đều ngửa trông Chúa, Chúa ban cho chúng đồ ăn tùy theo thì.” (Thi thiên 145:15) “Chúa quản trị trên muôn vật; quyền năng và thế lực ở nơi tay Chúa” (I Sử Ký 29 :12)
  • Đấng cai trị thế giới loài người: “Mưu mô Ngài lớn lao, và công việc thì có phép tắc. Mắt Ngài mở soi trên mọi đường lối con trai loài người, đặng báo cho mỗi người theo đường lối họ, và theo quả của việc làm.” (Giê-rê-mi 32:19)
  • Đấng thánh thiện công bình: “Ấy là Ðức Chúa Trời thành tín và vô tội; Ngài là công bình và chánh trực.” (Phục truyền 32:4) “Ðức Chúa Trời là thiện và ngay thẳng, Bởi cớ ấy Ngài sẽ chỉ dạy con đường cho kẻ có tội.” (Thi thiên 25:8).
  • Đấng yêu thương nhân từ: “Vì sự nhân từ Chúa lớn đến tận trời, sự chân thật Chúa cao đến các tầng mây” (Thi thiên 57:11). “Ai chẳng yêu thì không biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trởi là sự yêu thương” (I Giăng 4:8). “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
  • Đấng tha thứ tội nhân: “y là Ngài thathứ các tội ác ngươi, Chữa lành mọi bịnh tật ngươi,” (Thi thiên 103:3).  “Trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội theo sự dư dật của ân điển Ngài.” (Ê-phê-sô 1:7). Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.(I Giăng 1:9)
  • Đấng cứu rỗi linh hồn: “Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem ta và được cứu! Vì ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác.” (Ê-sai 45:22). “Chúa là Cha tôi, là Đức Chúa Trời tôi, và là tảng đá của sự cứu rỗi tôi.” (Thi thiên 89:26).
  • Đấng phán xét mọi người: “Nầy, Chúa ngự đến với muôn vàn thánh đặng phán xét mọi người.” (Giu đe 1:15) “Lạy Chúa là Đức Chúa Trời toàn năng, những sự phán xét của Ngài đều chân thật và công bình.” (Khải huyền 16:7)

Biết có Đức Chúa Trời và khuyên bảo nhau sống cho thuận đạo Trời để cho đời sống được yên vui thanh thản đã là một điều tốt đẹp rồi. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời còn dành cho chúng ta những điều tốt đẹp hơn vô cùng. Niềm tin về Ông Trời là đáng quí, nhưng chưa đủ. Chúng ta cần được Đức Chúa Trời soi sáng để biết mình cần gì.

Kinh Thánh cho biết, từ thuở ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên loài người không phải để chịu đau khổ mà để sống hạnh phúc trong thế giới Ngài tạo ra. Nhưng vì phạm tội nên tâm linh con người trở nên mù loà và đánh mất hạnh phúc thật chỉ có trong Ngài.

“Loài người dẫu biết Đức Chúa Trời, nhưng họ không tôn thờ Ngài, mà chạy theo những tin tưởng sai lạc khiến lòng họ trở nên u tối…Họ cho mình là khôn ngoan mà thật ra là điên dại, vì từ bỏ vinh quang của Đấng Tạo Hoá hằng sống mà thờ lạy hình tượng loài người hư hoại và cả điểu thú côn trùng…  Đó là vì mọi người đều đã phạm tội, khiến cho ánh sáng thiên thượng trong họ bị lu mờCông giá của tội lỗi là sự chết.” (Rô-ma 1:21-23; 3: 23; 6:23).

Câu Kinh Thánh đó tóm tắt thực trạng của mọi người trên đất. Người ta càng quay vào mình, phụng sự những tham muốn riêng của mình thì càng lìa xa Đấng Tạo Hoá, đi vào bóng tối,  khiến sự sáng của Ngài trong tâm khảm của họ bị lu mờ, cuộc sống họ trở nên khốn khổ. Họ quay qua nhờ cậy thánh thần, ma quỉ, thờ lạy các hình tượng, thậm chí của cả thú vật. Người văn minh hơn thì sùng bái các vĩ nhân, triết thuyết, chủ nghĩa. Với những kẻ ích kỷ, gian ác, truỵ lạc, thì đối tượng tôn thờ là chính bản thân họ. Cuối cùng họ mất Ngài vĩnh viễn. Đó là sự chết, cái giá họ phải trả khi phạm tội với Đấng tạo dựng mình.

Người Việt chúng ta biết Đức Chúa Trời nhân từ, nhưng chưa biết sự thánh khiết uy nghiêm của Ngài giống như “lửa hừng thiêu đốt” (Hê-bơ-rơ 12:29). Ngài đã “định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Đồng bào chúng ta cũng chưa biết được Đức Chúa Trời nhân từ đến độ sai Con Ngài đến thế gian làm người là Chúa Giê-su hiến mình chuộc tội cho chúng ta bằng cái chết đau đớn trên thập tự giá, để gánh thay mọi hậu quả của tội lỗi cho chúng ta. Sau đó Chúa Giê-su đã sống lại trong quyền năng Đức Chúa Trời và trị vì đời đời. Nếu chúng ta ăn năn tin nhận Ngài thì được Đức Chúa Trời ân xá mọi tội lỗiđổi mới tâm tánh và ban cho sự sống đời đời, như lời Kinh Thánh chép: “Huyết Chúa Giê-su Con Đức Chúa Trời làm sạch mọi tội chúng ta.”  “Ai ở trong Chúa Giê-su là người được dựng nên mới.” Chúa Giê-su hứa: “Ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta thì được sự sống đời đời và không bị phán xét, nhưng vượt khỏi sự chết mà vào sự sống.” (Giăng 5:24). Vâng theo lời phán dạy của Chúa, các môn đồ Ngài đã không quản ngại gian khổ, tù tội, chết chóc, đi khắp bốn phương trời rao truyền tin vui đó cho mọi dân tộc, đem an bình hạnh phúc đến cho biết bao người tin!

Mạnh Tử, một vị thầy của Nho Giáo đã có một câu phương ngôn để đời: Thuận Thiên giả tồn, Nghịch Thiên giả vong. Muốn tồn tại thì phải tuân theo qui luật Trời, còn nếu nghịch lại sẽ tiêu vong. Ai không tin luật hấp lực của trái đất, hãy leo lên lầu 10, nhảy ra ngoài lan can thì biết ngay! Về phương diện tâm linh, luật của Đức Chúa Trời cho linh hồn là: “Ai tin Con Đức Chúa Trời thì được sống đời đời. Ai không chịu tin Ngài thì chẳng nhận được sự sống ấy đâu, mà vẫn phải chịu hình án của Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:36). Bạn có quyền tin hoặc không tin, nhưng phải nhớ đó là luật Trời!

Sự sống đời đời là tin tức tốt lành từ trời ban cho chúng ta, đó là ý nghĩa của hai chữ Tin Lành. Thánh Phao-lô nói rằng: “Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.” Đây không phải là tôn giáo mà là quyền phép của Đức Chúa Trời: quyền phép khiến Con Ngài sống lại để trị vì đời đời, quyền phép biến đổi người tin để họ được hưởng thiên đàng đời đời. Chúng ta không phải làm gì hết: không phải cúng quảy, ăn chay tụng niệm, không phải lập công đức, mà chỉ TIN. Không cậy công đức để được cứu, nhưng đời sống được Chúa cứu sẽ là một chuỗi dài của thiện đức, vì tấm lòng đã được Chúa thay đổi trở nên như đứa trẻ, sống an nhiên tự tại trong hồn nhiên tánh, như Chúa đã nói: “Nếu các ngươi không biến đổi và trở nên như đứa trẻ, các ngươi sẽ không bao giờ được vào nước thiên đàng đâu” (Ma-thi-ơ 18:3).

Hồi có chương trình HO (Humanitarian Operation – Chiến dịch Nhân đạo), các cựu tù cải tạo ùn ùn kéo nhau lên Sở Ngoại Vụ lập hồ sơ để được xuất cảnh. Họ không phải làm gì cả. Nước Mỹ không bảo họ phải nộp mười ngàn đô-la, hoặc làm không công một tháng cho toà đại sứ, hay buộc họ phải nói gii tiếng Anh để được nhận vào chương trình. Họ chỉ cần nộp Giấy Ra Trại, là được phỏng vấn để ra đi.

Giả sử có ai đa nghi, chê cười những người xin đi là khờ khạo, cả tin, và không thèm nộp giấy tờ, thì chắc sẽ rất ân hận khi chương trình chấm dứt. Nhưng tất cả những ai tin là chương trình HO do chính phủ Mỹ thành lập để cứu họ và nộp đơn xin đi, thì trong mấy chục năm qua, bản thân họ cùng với gia đình họ đã chứng nghiệm một cuộc đổi đời, và họ không bao giờ phải hối hận vì mình đã tin.

Cũng vậy, những ai đã tiếp nhận chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, giờ đây họ đang vui vẻ ngâm câu ca dao:

Dù ai nói ngược nói xuôi,
Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng.

Với những ai còn lưỡng lự, hoài nghi, không tin, hay coi thường những điều chúng tôi vừa trình bày, mong rằng một ngày nào đó quí vị sẽ ngâm lời ca dao sau đây trước khi quá muộn:

Xưa kia chỉ biết kêu Trời,
Mà nay đã biết gọi Trời là Cha.
Trần gian chẳng phải là nhà,
Đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời
!

Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng

(Muốn tìm hiểu thêm, xin quí độc giả liên lạc với Hội Thánh địa phương gần nhất trong khu vực của bạn)

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn