Thứ Sáu , 26 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / Cầu Nguyện Là Trước Hết

Cầu Nguyện Là Trước Hết

Daniel 9:1-4

1 Năm đầu Đa-ri-út con trai A-suê-ru, về dòng người Mê-đi, đã được lập làm vua trị nước người Canh-đê; 2 đang năm đầu về triều người, ta, Đa-ni-ên, bởi các sách biết rằng số năm mà lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng đấng tiên tri Giê-rê-mi, để cho trọn sự hoang vu thành Giê-ru-sa-lem, là bảy mươi năm. 3 Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn nguyện, nài xin, với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm. 4 Vậy, ta cầu nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta, và ta xưng tội cùng Ngài mà rằng: Ôi! Chúa là Đức Chúa Trời cao cả và đáng khiếp sợ! Ngài giữ lời giao ước và sự nhơn từ đối với những kẻ yêu Ngài và giữ các điều răn Ngài.

Khi bất cứ một điều gì xảy ra trầm trọng, đổ vỡ, ảnh hưởng lớn đến con người, người ta hay hỏi: Đức Chúa Trời ở đâu? Những trận động đất, sóng thần làm hàng ngàn, hàng chục ngàn người chết, vụ khủng bố tấn công World Trade Center ở New York năm 2001. Coronavirus cũng vậy. Và Mục sư thường là người phải thay mặt cho Đức Chúa Trời để trả lời câu hỏi ấy. Vậy, trong tình trạng hiện nay các Mục sư sẽ phải trả lời như thế nào? Và các tín hữu nữa, anh chị em sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

Tôi mới về California khoảng 3 tuần trước, gặp bạn cũ, bạn kể chuyện một người bạn khác bị tai nạn xe hai lần, và nói: ông Trời ác lắm nghe mày, không phải một lần, mà hai lần, xe tan nát hết, may mà thân không nát. Tôi thấy mình có bổn phận phải đính chính điều đó. Không, ông Trời không bao giờ ác, ông Trời luôn yêu thương con người, con người làm ác, gánh hậu quả, rồi đổ tội cho ông Trời. Khi người ta hỏi Đức Chúa Trời ở đâu mà để cho sự đau thương xảy ra như vậy, chúng ta sẽ trả lời rằng Đức Chúa Trời vẫn ở đây. Đức Chúa Trời rất đau buồn khi thấy con người trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng Ngài đang chờ đợi. Ngài đang chờ đợi con người ý thức tội lỗi của họ, ý thức được sự bất lực của họ, kêu cầu Ngài, và Ngài sẵn sàng ra tay giải cứu. Kinh Thánh sách Ê-sai 59:1-2 chép: Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.

Đối với chúng ta là con cái Đức Chúa Trời chúng ta tin rằng dù có điều gì xảy ra, Đức Chúa Trời vẫn ở cùng chúng ta. Việc đầu tiên, ưu tiên, quan trọng nhất, cấp thiết nhất mà chúng ta phải làm, là cầu nguyện. Chúng ta không hiểu hết ý Chúa và chương trình của Ngài, nên chúng ta phải cầu nguyện. Sự cầu nguyện phải luôn luôn là ưu tiên hàng đầu, trước khi làm những việc khác, chứ không phải là sau khi.

Tôi muốn biết là anh chị em thường như thế nào khi chúng ta đối diện với thử thách, những tình huống khó khăn. Thường là chúng ta tìm cách tự giải quyết, nếu thấy mình còn giải quyết được. Khi thấy bó tay, thường người ta nói chỉ có Trời cứu, thì lúc đó mình mới vội vã cầu nguyện. Tôi có đôi khi cũng xưng tội với Chúa điều này, tìm cách giải quyết trước. Nhiều người nói rằng chuyện nhỏ thì tự lo, đừng làm phiền Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời chưa bao giờ than phiền rằng các ngươi làm phiền ta, ta bận quá, hãy hỏi ta những chuyện lớn, chuyện nhỏ tự lo. Chẳng những thế, Ngài còn khuyến khích chúng ta hãy cầu nguyện không thôi, luôn luôn, bất cứ việc gì. Chúng ta nhớ câu chuyện người đàn bà góa làm rộn vị quan án tới nỗi ông ta phải xử án cho bà không. Đức Chúa Trời nói rằng nếu các ngươi làm phiền ta như vậy, ta sẽ trả lời cho các ngươi. Kinh Thánh có kể một câu chuyện nào tương tự như thế không. Có đây. A-men?

Khi cơ quan y tế quốc gia CDC khuyến cáo, chính phủ khuyến cáo, là công dân trong một quốc gia, chúng ta phải thực thi nghiêm chỉnh những khuyến cáo ấy, để giữ sự an toàn cho mình và cho người khác. Chúng ta không biết sự nguy hiểm tới đâu, nhưng những cơ quan chuyên nghiệp thì biết. Đức Chúa Trời cũng dạy vâng phục nhà cầm quyền. Rô-ma 13:1-2:  Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình.

Nhưng trước khi nghe, làm theo khuyến cáo của chính phủ, việc đầu tiên mà chúng ta cần phải làm ngay với Đức Chúa Trời là cầu nguyện. Sau khi thông báo tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Donald Trump ngay lập tức kêu gọi ngày cầu nguyện quốc gia vào Chúa Nhật vừa rồi 15/3 và sẽ giữ sự cầu nguyện ấy cho đến khi tình trạng dịch bệnh chấm dứt.

Trở lại với tiên tri Daniel mà chúng ta nghe trong phần Kinh Thánh vừa rồi. Trong hoàn cảnh đau buồn, ông đã cầu nguyện Chúa như thế nào?

Daniel lắng nghe tiếng Chúa

Daniel là một gương mẫu của sự cầu nguyện trong những hoàn cảnh khó khăn. Vào cuối đời, 70 năm sau khi bị bắt lưu đầy sang Babylon, Daniel muốn quay về quê nhà trước khi chết. Ông biết rằng tiên tri Giê-rê-mi đã hứa rằng dân Y-sơ-ra-ên sẽ quay về sau 70 năm lưu đầy và thời gian ấy đang đến. Ông lắng nghe tiếng Chúa phán qua lời tiên tri Giê-rê-mi.

Chúng ta lắng nghe tiếng Chúa ở đâu. Đức Chúa Trời ngày nay sẽ không hiện ra và nói rằng ta ở đây hay ở đó, Ngài đã nói tất cả mọi sự trong Kinh Thánh, lời của Ngài. Bắt đầu chương 9, Daniel đã đọc Kinh Thánh sách Giê-rê-mi, lời hứa của Đức Chúa Trời cho biết rằng sau 70 năm lưu đầy, dân Y-sơ-ra-ên sẽ trở lại quê hương. Ông cầu nguyện dựa trên lời hứa ấy.

9:1-2 Năm đầu Đa-ri-út con trai A-suê-ru, về dòng người Mê-đi, đã được lập làm vua trị nước người Canh-đê; đang năm đầu về triều người, ta, Đa-ni-ên, bởi các sách biết rằng số năm mà lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng đấng tiên tri Giê-rê-mi, để cho trọn sự hoang vu thành Giê-ru-sa-lem, là bảy mươi năm.

Khi dân sự Chúa đang ở trong những hoàn cảnh nguy hiểm, chúng ta hãy giúp nhau tập trung vào lời hứa của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta hàng ngàn lời hứa của Ngài trong Kinh Thánh và chúng ta dựa trên nền tảng vững chắc ấy để cầu nguyện. Chúng ta cũng cầu nguyện dựa trên lời hứa của Đức Chúa Trời. Và chúng ta hoàn toàn tin rằng điều gì Đức Chúa Trời đã hứa Ngài cũng có quyền làm trọn.

Kinh Thánh sách 2 Sử ký 7 chép:13-14 Nếu ta đóng các từng trời lại, không cho mưa xuống, khiến cào cào phá hại thổ sản, và giáng ôn dịch giữa dân sự ta; và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ.

Trong những ngày này, câu Kinh Thánh phổ biến rộng rãi nhất trên mạng là 2 Sử-ký 7:14, nói về lời hứa giải cứu của Đức Chúa Trời. Nhưng chưa đủ, chúng ta phải đọc cả 2 câu 13-14. Câu 13 cho biết rằng hạn hán, cào cào châu chấu phá hoại mùa màng, ôn dịch xảy ra, là những điều sẽ có, không quá ngạc nhiên. Là những điều Đức Chúa Trời cho phép xảy ra, trong chương trình của Ngài, chúng ta nhớ lại dịch lệ cào cào trong tai vạ thứ 8 Đức Chúa Trời giáng trên người Ai-cập nhằm mục đích giải cứu người Y-sơ-ra-ên, đưa họ ra khỏi A-cập. Coronavirus cũng là một dịch lệ xảy ra trong chương trình của Đức Chúa Trời thôi. Điều đó không làm chúng ta ngạc nhiên hay quá sợ hãi. Nhưng điều làm chúng ta ngạc nhiên là lời hứa giải cứu của Ngài. Ngài ban cho lời hứa diệu kỳ là sẽ giải cứu khi dân sự Chúa hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ngài, và xoay bỏ đường tà. Sự giải cứu sẽ đến khi dân sự cầu nguyện. Thưa anh chị em, vì vậy, muốn cho sự giải cứu mau đến, chúng ta hãy cầu nguyện. Là việc làm ưu tiên, trước hết trong mọi sự. A-men? Chúng ta biết chắc là dân sự Chúa ở khắp nơi đang làm việc này, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Thế giới tuyệt vọng trước coronavirus, trông chờ sự giải cứu từ nước Mỹ, quốc gia có nền y học hàng đầu sớm tìm ra vaccine chủng ngừa và thuốc chữa bệnh. Nhưng nước Mỹ lại ngửa mặt trông chờ Đức Chúa Trời. Vị Tổng Thống Hoa Kỳ và nội các cùng chính phủ của ông, bao gồm các khoa học gia lẫy lừng trong lãnh vực y tế, đã hạ mình xuống trước Đức Chúa Trời cầu nguyện trước khi bắt đầu nỗ lực tìm kiếm thuốc men. Hình ảnh cầu nguyện của Tổng Thống và chính phủ cầu nguyện phát tán rộng rãi trên facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác là có thật, không phải là tin giả, là fake news. Tổng Thống cũng phát đi lời kêu gọi Ngày quốc gia cầu nguyện vào Chúa Nhật 15/3 vừa rồi. Có quốc gia nào làm việc ấy không trong hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới đang bị coronavirus tấn công? Trước mắt chúng ta chỉ thấy Hoa Kỳ. Là niềm tin và hy vọng của Hoa Kỳ và cho cả thế giới. Chúng ta trông chờ sự giải cứu của Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện thiết tha của dân sự Ngài.

Và một vài good news đã xảy ra ngay sau lời cầu nguyện. Hoa Kỳ tuyên bố đã tìm ra được vaccine chủng ngừa coronavirus và đã được tiêm chủng trên 4o người tình nguyện hôm thứ hai tuần rồi, và ngày thứ 6 vừa rồi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA cho phép sử dụng một loại thuốc gọi là choloroquine một loại thuốc trị sốt rét trước đây, mà người Việt quen gọi là ký ninh vào tiến trình chữa bệnh coronavirus. Dân sự Chúa tin rằng lời cầu nguyện đang làm lay động cánh tay toàn năng của Đức Chúa Trời.

 

Daniel tập trung sự chú ý của ông vào Chúa

Khi cầu nguyện, Daniel tập trung sự chú ý của ông vào Đức Chúa Trời, 9:3a: Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời. So I turned to the Lord God. Tôi quay mặt lại về hướng Đức Chúa Trời. Quay mặt lại, là một hành động vật lý, quay mặt lại thật, không phải chỉ là nghĩa bóng, như tôi quay mặt lại về hướng thập tự giá đây, quay mặt lại, ngước mắt lên. . Như Thi-thiên 121:1: Tôi ngước mắt lên trên núi, ngước mắt lên… Một tấm lòng hướng về Đức Chúa Trời, một thái độ, nhưng cũng là một hành động vật lý. Anh chỉ em thử di chuyển ánh mắt mình, đừng nhìn vào Mục sư trên bục giảng nữa, nhưng ngước mắt nhìn thập tự giá thử xem. Anh chị em thấy gì, thấy thập tự giá, thấy Chúa Jesus bị đóng đinh ở đó. Khi nhìn thấy Chúa, lòng chúng ta có bình an không?

Một trong những lý do làm cho người ta thương tổn trong những thử thách, là vì chúng ta quá tập trung về thử thách đó. Thay vì tập trung vào nghịch cảnh, hãy tập trung vào Đức Chúa Trời, Đấng có thể thay đổi hoàn cảnh. Gia-cơ 4:8 dạy chúng ta một bí quyết sống chết để chống lại sự tấn công của ma quỷ, rất kỳ diệu mà có thể chúng ta không để ý: Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Khi ma quỷ tấn công, chúng ta sẽ xông vào chúng để đánh lại không? Không, hãy chạy về hướng Đức Chúa Trời, càng gần càng tốt, tốt nhất. Ma quỷ không dám chạy lại gần Đức Chúa Trời đâu. Khi chúng ta chạy lại gần Chúa chừng nào thì ma quỷ sẽ tự động cách xa chúng ta chừng nất. Đức Chúa Trời là nơi an toàn nhất để chống lại ma quỷ.

Chúng ta đọc lại câu chuyện Phi-e-rơ đi bộ trên biển sách Mat 14: 28-30 Phi-e-rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa. Ngài phán rằng: Hãy lại đây! Phi-e-rơ ở trên thuyền bước xuống, đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Đức Chúa Jêsus. Song khi thấy gió thổi, thì Phi-e-rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng: Chúa ơn, xin cứu lấy tôi!

Chúng ta có để ý không. Tại sao Phi-e-rơ có thể đi bộ trên biển mà đến cùng Chúa Jesus, vì ông tập trung đôi mắt ông nhìn vào Ngài. Chúa Jesus ở đó là niềm tin vững chắc giúp ông bước đi trên biển, là điều ông không bao giờ làm được. Ông bước đi trên mặt nước được, là vì ông nghe Chúa hứa, hãy lại đây, ông nhìn thấy Ngài, và tập trung vào lời hứa, cùng với sự hiện diện rõ ràng của Ngài trước mặt. Nhưng tại sao ông bị sụp xuống nước, vì gió nổi lên, sóng lớn tạt ngang, che khuất hình dáng của Chúa, ông không thấy Ngài nữa, ông sợ, và lọt xuống nước. Chúa Jesus đang ở đâu khi Phi-e-rơ lọt xuống nước. Ngài vẫn ở đó thôi, ngay trước mặt, chỉ cách ông một cánh tay. Nhưng vì không tập trung vào Ngài, mà tập trung vào con sóng dữ, Phi-e-rơ lọt xuống nước.

Thưa anh chị em, chúng ta cũng giống Phi-e-rơ, không bao giờ bước đi trên mặt nước được. Trong hoàn cảnh dữ dội, chúng ta không thể chống cự được, chúng ta cũng sợ hãi, là điều đương nhiên, nhưng khi chúng ta tập trung vào lời hứa của Đức Chúa Trời, chúng ta vững tâm bước đi. Khi chúng ta tập trung sự mong đợi của mình vào hoàn cảnh, chúng ta sẽ rất sợ hãi. Buổi sáng, sau khi cầu nguyện tôi mở laptop ra đọc tin tức, sau đó có thì giờ lại mở TV xem tin tức, đầy dẫy hình ảnh mới, thông tin mới về coronavirus, những thông tin ấy làm tôi lo sợ. Nhưng khi khi đến với Chúa, cầu nguyện xin Ngài thương xót, tin cậy Ngài, tập trung vào chính Ngài, tin rằng Ngài có thẩm quyền trên dịch bệnh. Và cứ hết lòng tập trung vào Ngài để cầu nguyện.

Daniel Đã Vật Vã Nài Xin

Kinh Thánh nói rằng Daniel không chỉ cầu nguyện, ông nài nỉ Chúa and pleaded with him. Câu 3: Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn nguyện, nài xin, với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm. Khấn nguyện, nài xin, kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro….

Sự khao khát mãnh liệt bày tỏ điều đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Là cha mẹ, chúng ta phân biệt được sự cần thiết của đứa con khi nó xin mình một cái gì. Nó chỉ nói một lần rồi thôi, chúng ta sẽ không để ý nhiều, nhưng nó xin đi xin lại, nó nhiều lần, tha thiết, đòi cho bằng được…. Khác không? Chúng ta học bài học Áp-ra-ham nài nỉ Đức Chúa Trời tha thứ cho thành Sô-đôm trong Sáng-thế-ký 18 đến 6 lần, ông bắt đầu từ con số 50 cho đến chỉ còn 10 người. Ông không dám xin một lần, ông hạ xuống từ từ từ, 50 xuống 45, 45 xuống 40, 40 xuống 30, 30 xuống 20, 20 xuống 10.

Từ Hebrew Daniel dùng để mô tả sự nài nỉ của ông ta có nghĩa là khẩn cầu. Ông không chỉ xin Chúa cho ông trở lại Giê-ru-sa-lem, cầu nguyện cho nhu cầu của ông, nhưng nhu cầu này lớn quá, là khẩn cầu, khẩn thiết cầu xin. Sự khẩn cầu giống như là sự rung động dữ dội (vật vã, lăn lộn) của thân thể và tình cảm, tha thiết nài xin cho bằng được, mà người theo Chúa thường dùng từ dốc đổ, cầm một bình nước, lật ngược lại, dốc hết xuống, đổ ra hết…. giống trường hợp của người đàn bà cầu xin cho con gái mình bị quỷ ám trong Ma-thi-ơ 15:26-27: Ngài đáp rằng: Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn. Người đàn bà lại thưa rằng: Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống.

Chúng ta có nhớ một trường hợp cầu nguyện vật vã, lăn lộn, dốc đổ nào trong Kinh Thánh không? Đó là Gia-cốp vật lộn với Đức Chúa Trời trong Sáng-thế-ký 32. Một cuộc chiến thuộc linh dữ dội kéo dài từ đêm cho đến rạng sáng mà dường như cũng chưa thỏa mãn, Đức Chúa Trời bảo, thôi hãy để cho ta đi, Gia-cốp vẫn nói: tôi sẽ không để cho Ngài đi đâu nếu Ngài không ban phước cho tôi… Trong cuộc chiến với dịch lệ hiện nay, hãy vật lộn, vật vã với Đức Chúa Trời, và cứ nhất định vật lộn, và nói với Ngài câu nói của Gia-cốp: con sẽ nhất định không buông Ngài ra cho đến khi nào Ngài giải quyết đại dịch.

Đây là hình ảnh của người Do Thái khi họ cầu nguyện, vật vã, tự đấm vào mình, than khóc. Chúng ta có thể không cần thiết một hình thức vật vã hành hạ thân xác như vậy, nhưng có thể tìm thấy một sự đổ vỡ thật từ bên trong tâm hồn mình, khi cầu nguyện với Chúa.

Daniel bày tỏ sự nghiêm trọng của vấn đề

Daniel nói rằng khi cầu nguyện, ông kiêng ăn, mặc bao gai và đội tro trên đầu 9:3b: với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm. Không ai làm thế hôm nay nhưng hàng trăm năm trước tại vùng Trung Đông người ta đã làm như vậy để bày tỏ sự nghiêm trọng của sự việc. Khi một điều gì xảy ra thật nghiêm trọng, người ta thường kiêng ăn để cầu nguyện. Không phải vì một hai bữa ăn, nhưng là từ chối các bữa ăn để toàn tâm vào sự cầu nguyện. Vấn đề không phải là không ăn, nhưng là dùng thì giờ của sự ăn uống vào sự cầu nguyện.

Câu chuyện của hoàng hậu Ê-xơ-tê là một câu chuyện phép lạ của sự kiêng ăn cầu nguyện. Khi vào chầu vua mà không có phép, hoàng hậu Ê-xơ-tê biết rõ sự nguy hiểm bà sẽ đối diện, bà có thể chết nếu vua không đồng ý. Ê-xơ-tê 4:15-16 Bà Ê-xơ-tê bèn biểu đáp lại cùng Mạc-đô-chê rằng: Hãy đi nhóm hiệp các người Giu-đa ở tại Su-sơ, rồi hãy vì tôi mà kiêng cữ ăn trong ba ngày và đêm, chớ ăn hay uống gì hết; tôi và các nàng hầu tôi cũng sẽ kiêng cữ ăn nữa; như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết.

Và sự kiêng ăn cầu nguyện của bà, của các nàng hầu, của Mạc-đô-chê và dân Giu-đa, Đức Chúa Trời đã lay động cánh tay của vua A-suê-ru, ông ta đã đưa cây phủ việt vàng về hướng hoàng hậu, cho phép bà nói lên nguyện vọng của mình. Bà cầu xin vua đến dự bữa tiệc bà khoản đãi, trong bữa tiệc đó, bà đã trình bày nguyện vọng của mình. Đức Chúa Trời cũng làm cho vua A-suê-ru không ngủ được đêm đó, đem các sách sử ký ra đọc. Và Chúa đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên một cuộc tàn sát diệt chủng đẫm máu. Chúng ta tin rằng khi dân sự của Chúa hạ mình, cầu nguyện, kiêng ăn, thì Đức Chúa Trời sẽ giải cứu thế gian khỏi trận dịch lệ kinh hoàng hiện nay không? Có không thưa anh chi em?

Mặc bao gai, đội tro là một hình thức nói lên sự ăn năn của người xưa. Ngày nay chúng ta không cần phải làm như vậy nữa, mua bao gai cũng không phải dễ, mua đồ hàng hiệu dễ hơn, và lò gaz, lò điện lấy củi đâu mà nấu mà có tro. Sự ăn năn thật đến từ trong tâm hồn mình, là một sự thống hối đau thương bên trong mà Đức Chúa Trời có thể thấy và đoái thương. Thi-thiên 51:17 Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.

Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence trong một bài diễn văn mới đây của ông, kêu gọi Americans, “spend more time on your knees than the internet.” Hãy để nhiều thì giờ của quý vị vào việc quỳ gối xuống và cầu nguyện hơn là ngồi trước màn hình với internet.

How about you, my congregation? Quý vị thế nào? Hỡi Hội chúng của Đức Chúa Trời? Từ đây cho đến khi coronavirus hoàn toàn bị xóa sạch trên thế giới, chúng ta hãy để thì giờ cầu nguyện với Đức Chúa Trời nhiều hơn là làm những việc khác. A-men? Tập trung vào chính Ngài, không tập trung vào bất cứ điều gì. Cầu nguyện tha thiết, khẩn thiết, Và Đức Chúa Trời thành tín sẽ giải cứu đúng như lời hứa của Ngài. Chúa ơi Ngài thành tín thay.

MS LỮ THÀNH KIẾN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn