Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / THẦY ƠI / CẦN CAN ĐẢM ĐỂ LÀ CHÍNH MÌNH

CẦN CAN ĐẢM ĐỂ LÀ CHÍNH MÌNH

Hãy càng hơn nữa mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình.

Phi-líp 2:12

Phao-lô viết cho Hội Thánh Phi-líp rằng: “hãy càng hơn nữa mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình,” Phao-lô nài khuyên Hội Thánh Phi-líp hãy làm công tác mục vụ như thể Đức Chúa Trời đã truyền cho họ chứ không phải bắt chước các Hội Thánh khác. Tuy nhiên, vì Hội Thánh được hình thành từ những cá nhân nên lời khuyên răn của Phao-lô cũng được áp dụng cho từng người một, đồng thời lời khuyên dạy này cũng mô tả một cách tuyệt vời về đời sống và chức vụ của Ê-li-sê. Việc tiếp nối vị trí của một tiên tri lớn như Ê-li không hề dễ dàng, nhưng Ê-li-sê đã làm được. Không phải người kế nhiệm nào cũng thành công, chính vì thế chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Ê-li-sê và khám phám những điều thiết yếu để thành công trong cuộc sống và mục vụ.

CHÚNG TA CẦN CAN ĐẢM ĐỂ LÀ CHÍNH MÌNH

Người thầy của Ê-li-sê, tiên tri Ê-li, là một người có tính cách mạnh mẽ, và bởi vì Ê-li-sê đã cùng sống và phục vụ thầy mình trong khoảng mười năm nên dù cố tình hay vô ý Ê-li-sê rất dễ trở nên một tiên tri nóng cháy. Tuy nhiên ông chọn là chính mình. George W. Truett viết rằng: “Ê-li-sê có một tính cách khác biệt. Ông không phải một người bắt chước. Ông không phải là một tiếng vọng. Ông giữ vững cá tính không thay đổi của mình.”[1]

Một điều rất đáng khích lệ đó là những tính cách trong Kinh Thánh rất đa dạng. Chúa là “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp” (Xuất 3:6) – ba người với những tính cách khác nhau nhưng đều là người tin Chúa và hầu việc Ngài. Khi Đức Chúa Giê-su chọn mười hai môn đồ, Ngài cố ý lựa chọn những con người khác nhau: Giăng với một tâm hồn nhạy cảm, Phi-e-rơ bốc đồng, Thô-ma nghi ngờ, và thậm chí là Giu-đa bất trung. Hãy nhìn quanh thế giới mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng và bạn sẽ tin rằng Ngài yêu thích sự đa dạng.

Những cộng đồng đức tin tuân thủ luật lệ một cách tuyệt đối đã sản sinh ra những Cơ Đốc Nhân giống hệt nhau, tuy nhiên nơi nào có Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động thông qua Lời Chúa thì nơi đó có sự hiệp một giữa những sự khác biệt. Ê-li là một người thích ở riêng một mình, nhưng Ê-li-sê là một người cần được ở cùng những người khác. Để lắng nghe tiếng Chúa, Ê-li đi vào một cái hang, còn Ê-li-sê thì gọi một người hát rong và chờ đợi Chúa phán cùng ông. Ê-li từ giã trần gian một cách đầy ấn tượng trong cơn gió lốc, nhưng Ê-li-sê đơn giản chỉ qua đời và được chôn cất (Về sau, người ta quăng một người chết vào mộ của Ê-li-sê và xác chết đã sống lại.) Cả Ê-li lẫn Ê-li-sê đều độc đáo, cá biệt, và cả hai đều hoàn thành công tác Chúa. Mục vụ của Ê-li gắn liền với bão tố, lửa từ trời và động đất, nhưng công tác của Ê-li-sê thì giống như tiếng nói nhỏ nhẹ.

Nếu chúng ta cùng bước đi với Đức Chúa Giê-su trong đức tin, chúng ta sẽ trở nên giống Ngài càng hơn, tuy nhiên chúng ta vẫn là chính mình và hoàn thành mọi công tác mà Ngài kêu gọi chúng ta thực hiện. Tại sao phải trở thành một bản sao trong khi chúng ta đều có thể là một bản gốc? Đức Chúa Trời tạo dựng mỗi một người đều khác biệt (Thi 139:13-16), Ngài đã cứu mỗi một người trong chúng ta, và Ngài vẽ cho mỗi chúng ta một hành trình đức tin riêng (Ê-phê-sô 2:10). Hãy can đảm để trở thành chính mình, và cùng nhau chúng ta sẽ dâng vinh quang cho Đức Chúa Cha. Vâng, có những nguyên tắc, quy tắc thuộc linh áp dụng cho tất cả mọi người và chúng ta không muốn trở thành người nổi loạn kỳ dị, nhưng công tác mà Đức Chúa Trời muốn thực hiện trong và qua chúng ta đó là một công tác độc nhất cho mỗi một cá nhân.

CHÚNG TA CẦN VÂNG THEO SỰ KÊU GỌI CỦA CHÚA (1 Các vua 19:19-21)

Cũng như bao nhân vật khác trong Kinh Thánh chẳng hạn như: Môi-se, Ghê-đê-ôn, Đa-vít, Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng; Ê-li-sê được Đức Chúa Trời kêu gọi khi ông đang làm việc. Ê-li-sê là người cuối cùng của một nhóm gồm mười hai người đang cày ruộng của cha mình. Điều này cho chúng ta thấy cha của Ê-li-sê là một người khá giả và ông đã dạy con mình biết tầm quan trọng của việc chăm chỉ lao động. Các Ra-bi từng nói rằng: “Người nào không dạy con mình làm việc thì dạy cho chúng biết trộm cướp.” Các Ra-bi có được lời dạy trên là từ Châm ngôn 18:9: “Kẻ thả trôi trong công việc mình, cũng là anh em của kẻ phá hại.” Kinh Thánh không dành một lời tốt nào cho những kẻ lười biếng.

Khi được Đức Chúa Trời kêu gọi một cách đầy bất ngờ và đột ngột, Ê-li-sê đã hoàn toàn dừng lại những công việc trong quá khứ để đi theo Ê-li mà không hề có ý định thoái lui. Ngày nay chúng ta gọi hành động này là “qua sông đốt cầu,” Ê-li-sê đã đốt chiếc cày của mình, ta cũng thấy hình ảnh tương tự khi các môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Giê-su đã bỏ thuyền và lưới cá của họ lại để đi theo tiếng gọi của Chúa. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 9:62).

Từ sự kêu gọi của Ê-li-sê trong 1 Các vua 19 đến sự rời đi đột ngột của Ê-li trong 2 Các vua 2, tên Ê-li-sê không được Kinh Thánh nhắc đến! Từ địa vị là con của một địa chủ giàu có, Ê-li-sê trở thành đầy tớ của một tiên tri kỳ quặc, còn tên của ông thì vắng bóng trong sách sử. Ê-li-sê khởi đầu là một đầy tớ nhưng kết thúc là một lãnh đạo (Ma-thi-ơ 25:21), đây là một khuôn mẫu mà Chúa thường dùng để huấn luyện những tôi tớ của Ngài. Tuy nhiên điều quan trọng đầu tiên đó là vâng theo tiếng gọi của Chúa.

CHÚNG TA CẦN TÔN TRỌNG QUÁ KHỨ (2 Các vua 2:1-8)

Ê-li biết rằng mình sẽ được cất lên trời (2 Các vua 2:5) nên ông muốn gặp gỡ những người thuộc trường tiên tri do Sa-mu-ên sáng lập. Ê-li cho phép Ê-li-sê quyết định có đi theo thầy trong hành trình này hay không, và Ê-li-sê đã khôn ngoan đi theo người thầy của mình. Lãnh đạo mới có thể làm nhiều điều theo những cách mới, tuy nhiên có những điều không được thay đổi mà cần phải được giữ gìn. Lãnh đạo nào không giữ gìn những điều tốt đẹp trong quá khứ thì đánh đổ hiện tại và đe dọa đến tương lai. Ê-li-sê đã quan tâm và chăm sóc cho sinh viên của các trường tiên tri này.

Ngoài ra, mỗi một địa điểm mà hai vị tiên tri này đến thăm đều là một phần quan trọng trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Họ bắt đầu từ Ghinh-ganh là nơi Đức Chúa Trời “đã cất khỏi các ngươi sự xấu hổ của xứ Ê-díp-tô,” nơi mà dân sự đã làm mới lại giao ước với Đức Chúa Trời và kỷ niệm lễ Vượt Qua (Giô-suê 5:1-12). Phép cắt bì – dấu hiệu của giao ước, sự giải cứu khỏi Ai Cập và giao ước tại núi Si-nai là những tài sản quý báu của người Y-sơ-ra-ên, chính vì thế Ê-li-sê cần được nhắc nhở về những điều này.

Từ Ghinh-ganh họ đi đến Bê-tên là nơi thiêng liêng trong ký ức của Áp-ra-ham, Gia-cốp (Sáng 12:8; 13:3; 28:10-22; 35:1-8) và Sa-mu-ên (1 Sa-mu-ên 7:16; 10:3). Tuy nhiên trong đời tiên tri Ê-li-sê, Bê-tên là trung tâm thờ cúng hình tượng một con bò vàng mà vua Giê-rô-bô-am đã dựng ở đây và Đan (1 Các vua 12:26-33). Ê-li cùng tôi tớ của ông rất ghét sự thờ lạy hình tượng, nhưng họ không từ bỏ thành phố này và trong tương lai, vua Giô-si-a sẽ dỡ bỏ mọi hình tượng để kêu gọi dân sự trở về thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi (2 Các vua 23:15-23).

Khi hai vị tiên tri cùng bước đi và trò chuyện với nhau lần cuối, họ đã đến Giê-ri-cô và sông Giô-đanh là nơi Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên đã kinh nghiệm phép lạ kỳ diệu của Đức Chúa Trời (Giô-suê 3:6). Cũng như Giô-suê, Ê-li tin cậy Đức Chúa Trời để Ngài rẽ đôi dòng nước mà ông và Ê-li-sê cùng đi ngang qua bờ bên kia. Ê-li sẽ được cất lên ở một địa điểm gần nơi mà nhiều thế kỷ trước dân Y-sơ-ra-ên đã tiến vào Miền Đất Hứa, và Ê-li-sê sẽ một lần nữa tiến vào vùng đất này như một Giô-suê thứ hai.

Trong thời cổ đại, một số vị vua bắt đầu thời trị vì của mình bằng cách quét sạch tên và những ký thuật về người tiền nhiệm của mình mà quên rằng người kế vị của họ cũng sẽ làm điều tương tự; nhưng Đức Chúa Trời thì không như thế. Quá khứ không phải là một chiếc neo giữ chân chúng ta ở lại nhưng là một bánh lái để dẫn dắt chúng ta, và lãnh đạo nào phớt lờ quá khứ sẽ được người ta nhớ đến là một kẻ thất bại. Có người nói rằng: “Phương pháp thì nhiều nhưng nguyên tắc thì ít; phương pháp luôn thay đổi nhưng nguyên tắc thì không.”

Đức Chúa Trời đã sử dụng Ê-li để chuẩn bị Ê-li-sê cho chức vụ của mình, và chính Đức Chúa Trời, Đấng đã ban phước cho Ê-li giờ đây cũng ban phước cho người kế nhiệm của ông.

CHÚNG TA CẦN ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG VÀO MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI HẰNG SỐNG (2 Các vua 2:9-18)

Ê-li đã dốc toàn bộ cuộc sống của ông cho Ê-li-sê, và ông muốn để lại cho người kế nhiệm một món quà cuối cùng nữa, vậy nên Ê-li hỏi chàng trai trẻ này ước ao điều gì. Câu trả lời của Ê-li-sê thể hiện ông là một người thuộc linh có nhận thức sáng suốt. Cụm từ “thần của thầy cảm động tôi bội phần” không có nghĩa là gấp đôi Thánh Linh, bởi vì Đức Thánh Linh không được đo lường theo cách đó, và lời đề nghị này cũng không có nghĩa là gấp đôi sự nhiệt huyết của Ê-li. Ê-li-sê đang muốn nói về luật thừa kế của người Do Thái mà người con cả được gấp đôi phần tài sản (Phục 21:17). Trọng tâm trong lời cầu xin của Ê-li-sê chính là: “xin hãy cho tôi trở thành người thừa kế thuộc linh của thầy và được vinh dự tiếp tục mục vụ của thầy trong quyền năng của Đức Chúa Trời.” Hơn bất cứ mọi điều, Ê-li-sê mong muốn được Đức Chúa Trời ban phước cho đời sống và chức vụ của ông. Tuy nhiên nếu muốn nhận được phước hạnh thì Ê-li-sê phải để mắt đến người thầy của mình. Khi Ê-li bất chợt được Đức Chúa Trời cất lên, Ê-li-sê đã trông thấy! Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu xin của ông!

Ê-li đã ra đi, nhưng Đức Chúa Trời của Ê-li vẫn ở trên ngai và Ngài là Đấng đáng để con người tin cậy. Trong 2 Các vua 2:12, Ê-li-sê ví sánh Ê-li với đạo quân Y-sơ-ra-ên, và hình ảnh này cũng được dành cho Ê-li-sê khi ông qua đời (2 Các vua 13:14). Vâng, mọi đầy tớ đều quan trọng đối với Đức Chúa Trời, và mỗi một chi thể trong thân đều cần thiết, tuy nhiên dù bạn có thích hay không thì vẫn có một số người quan trọng hơn và giữ công tác mang tính chiến lược hơn để phục vụ Chúa. Ê-li-sê tin cậy Đức Chúa Trời sẽ rẽ nước sông Giô-đanh cho ông giống như Ngài đã làm cho Giô-suê và Ê-li, và quả thật Chúa đã ban thưởng cho đức tin của Ê-li-sê. Đức Chúa Trời sẽ thay đổi đầy tớ của Ngài, tuy nhiên mỗi một đầy tớ đều phải phục vụ bằng đức tin, tin cậy rằng Chúa sẽ dẫn dắt và ban cho năng lực. Ê-li-sê không cố gắng thực hiện một công tác nào vĩ đại hơn những công việc Ê-li đã làm. Ông chỉ bắt đầu mục vụ của mình tại nơi mà Ê-li đã ngưng nghỉ và dâng mọi vinh quang cho Đức Chúa Trời.

CHÚNG TA CẦN CHUẨN BỊ CHO SỰ CHỐNG ĐỐI (2 Các vua 2:23-25)

Không lâu sau khi bắt đầu chức vụ, kẻ thù đã xuất hiện và chế nhạo Ê-li-sê trước mặt dân chúng. Chúng ta không nên bất ngờ trước việc này bởi vì “hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (2 Ti-mô-thê 3:12), và điều này đặc biệt đúng với các lãnh đạo tin kính Chúa.

Những người chối bỏ Kinh Thánh thích dùng phân đoạn Kinh Thánh này để tranh luận rằng nếu Đức Chúa Trời giết chết bốn mươi hai đứa trẻ vô tội chỉ vì trêu ghẹo người thầy truyền đạo này thì Ngài là một bạo chúa xấu xa, tuy nhiên sự việc không như thế. Trước hết, những người này là những chàng trai trẻ có trách nhiệm chứ không phải là các cháu nhỏ. Từ “trẻ con” trong nguyên ngữ cũng được dùng cho Giô-sép, Y-sác và Sa-lô-môn. Những chàng trai trẻ này hiểu họ đang nói và làm gì, và họ đã cố ý làm điều ấy. Việc cùng một lúc có quá nhiều người xuất hiện và cùng nói một điều chứng tỏ đây có thể là một cuộc mít-tinh đã được một số người trưởng thành lên kế hoạch và tổ chức.

Tuy nhiên hãy cân nhắc những điều mà các chàng trai trẻ này đã làm. Đầu tiên, họ chế giễu đầy tớ Chúa bằng việc gọi ông là “lão trọc.” Họ cũng giễu cợt về việc Ê-li được cất lên trời. Chắc chắn những người nhìn thấy phép lạ này đã kể lại cho những người khác, và các chàng trai trẻ này đã nghe được từ cha mẹ của chúng. Bê-tên là trung tâm của sự thờ lạy hình tượng, chính vì thế những con người này cần được nhìn thấy quyền năng của một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Họ cũng cần được nhắc nhớ về giao ước của Đức Chúa Trời với dân sự của Ngài là giao ước không thay đổi cũng không bị hủy bỏ (Lê-vi ký 26; Phục 28-30). Nếu dân sự không vâng giữ luật pháp Chúa thì Ngài hứa sẽ sửa trị họ bằng nhiều cách, kể cả việc sai thú hoang tấn công con cái của họ (Lê-vi ký 26:21-22).

Nếu Ê-li-sê phớt lờ một cuộc công kích công khai đầy trắng trợn của một băng nhóm côn đồ vô lễ này thì có nghĩa ông đã bắt đầu chức vụ của mình trong sự yếu đuối chứ không phải trong sự mạnh mẽ. Thẩm quyền của một tiên tri ở đâu nếu cho phép những đứa trẻ tự phụ xấc xược này gọi mình là “lão trọc”? Có những lúc chúng ta sẽ bỏ qua lời nói của người ngu muội, nhưng cũng có những lúc chúng ta cần phải thi hành thẩm quyền mà quở trách người nói phạm đến Đức Chúa Trời và đầy tớ của Ngài. Tại Phi-líp, Phao-lô đã dùng quyền của cư dân La-mã để bảo vệ phúc âm và Hội Thánh mới thành lập tại đây (Công vụ 16:35-40).

CHÚNG TA CẦN TẤM LÒNG CỦA MỘT NGƯỜI ĐẦY TỚ (2 Các vua 2:19-8:6)

Ngoại trừ thời gian Ê-li đã quá sợ hãi mà cố gắng giải cứu mạng sống mình thì vị tiên tri này luôn là một tôi tớ cho dân Y-sơ-ra-ên, tuy nhiên Kinh Thánh cho biết Ê-li-sê còn phục vụ họ nhiều hơn thế nữa. Sau sự kiện nước sông Giô-đanh rẽ ra hai bên, có ít nhất mười lăm phép lạ khác được quy cho Ê-li-sê, kể cả một phép lạ xảy ra tại mồ của ông sau khi vị tiên tri này đã chết (2 Các vua 13:20-21). Ông chữa lành nguồn nước tại thành Giê-ri-cô và nhờ đó phục hồi khả năng sinh sản của đất. Ông cung cấp nước cho quân đội và thú vật của nhà vua và cũng qua đó giúp họ đánh thắng quân Mô-áp.

Cũng giống như tiên tri Ê-li, Ê-li-sê đã giúp đỡ cho một góa phụ nghèo bằng cách hóa ra nhiều dầu trong bình để bà đổ dầu ấy vào các bình khác, ngoài ra ông cũng chữa lành cho một phụ nữ hiếm muộn để bà sinh một con trai. Khi đứa con trai ấy chết, Ê-li-sê đã khiến cho đứa bé sống lại. Trong trường tiên tri tại Ghinh-ganh, ông đã chữa lành cho món thịt hầm bị nhiễm độc đồng thời hóa bánh và lúa mạch cho hàng trăm người ăn. Một phép lạ vĩ đại của Ê-li-sê đó là chữa cho Na-a-man được lành bệnh phung, tuy nhiên Ê-li-sê cũng đã khiến cho chính đầy tớ của mình là Ghê-ha-xi bị nhiễm bệnh phong bởi vì tội tham lam.

Một trong số các trường tiên tri phải mở rộng cơ sở và trong thời gian thi công một sinh viên đã đánh mất chiếc lưỡi rìu mà người ấy đã mượn, nhưng Ê-li-sê đã khiến cho chiến lưỡi rìu ấy nổi lên mặt nước để có thể lấy lại được. Ông khiến quân đội A-ram bị mù lòa nhưng mở mắt cho người đầy tớ của mình để thấy các đạo quân thiên sứ đang bảo vệ ông. Ông không giết các binh lính bị bắt nhưng đã đối đãi với họ đầy nhân từ và cho họ trở về nhà. Ê-li-sê dự báo về thời gian cơn đói kém sẽ kết thúc tại thành phố Sa-ma-ri lúc này đang bị vây hãm, và lời tiên tri này được ứng nghiệm khi quân đội A-ram kinh hãi trước tiếng động từ trời mà bỏ trốn. Lúc sắp lìa đời, Ê-li-sê đã ban quyền phép để vua Giô-ách có được ba chiến thắng trước người A-ram (2 Các vua 13:14-19). Một xác chết đụng vào hài cốt Ê-li-sê trong mồ thì được sống lại!

Tất cả mọi điều này thể hiện một tấm lòng thương xót và sự quan tâm đến nhu cầu của người khác. Lãnh đạo cần hy sinh và phục vụ bởi vì đây chính là dấu hiệu của một lãnh đạo chân chính. Chúng ta cần trở nên những lãnh đạo phục vụ và là những người tôi tớ ở vị trí lãnh đạo. Có thể bạn và tôi không có năng quyền thi hành các phép lạ giống như các tiên tri và môn đồ, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể dùng những khả năng và nguồn lực của mình để phục vụ người khác và chúng ta có thể cầu nguyện. Trong các cấp bậc lãnh đạo của Hội Thánh ngày nay có quá nhiều người nổi tiếng nhưng lại có quá ít đầy tớ. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy” (Lu-ca 22:27), và Ngài chính là gương mẫu để chúng ta noi theo (Phi-líp 2:1-12).

[1] George W. Truett, The Prophet’s Mantle (Nashville, Tenn.: Broadman Press, 1948).

Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn