Thứ Sáu , 19 Tháng Tư 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Mục Đích Của Các Trước Giả Viết Kinh Thánh?

Mục Đích Của Các Trước Giả Viết Kinh Thánh?

Vâng Theo Những Gì Bạn Khám Phá Được Từ Kinh Thánh

Những câu hỏi về bối cảnh

Giờ đây chúng ta đã sẵn sàng bắt đầu nêu lên những câu hỏi về một phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta muốn nghiên cứu. Cũng như bất kỳ thể loại văn học nào, chúng ta cần phải biết một số thông tin trước khi có thể hiểu được ý định truyền đạt của tác giả.

Ai là tác giả?

Đầu tiên, ai là tác giả của phần Kinh Thánh mà bạn sẽ nghiên cứu? Bạn có thể học được gì từ bối cảnh và kinh nghiệm của tác giả đó? Điều gì đang xảy ra trong thời gian viết nên quyển sách mà bạn sẽ đọc?

Chắc chắn bạn đã trải qua cảm giác bực dọc khi nói chuyện điện thoại mà chỉ lắng nghe từ phía bên kia đầu dây. Từ đầu dây bên này, bạn có thể hiểu từng lời mà bên kia nói. Nhưng nếu bạn không biết về con người mà bạn đang trò chuyện, bạn sẽ dễ diễn giải sai ý người đó nói.

Biết về trước giả và hoàn cảnh của người đó sẽ giúp làm sáng tỏ hơn cho bản văn. Chẳng hạn như, nhiều tín hữu hiểu rõ giá trị của sách Phi-líp là một chuyên luận về niềm vui. Phao-lô khích lệ chúng ta: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn” (Phi-líp 4:4). Niềm vui của ông khi viết cho những người bạn tại Phi-líp là rõ ràng và đầy khích lệ.

Philippians 4-4 Rejoice In The Lord Always red

Nhưng khi chúng ta tìm hiểu về hoàn cảnh của Phao-lô trong thời điểm viết bức thư này, thông điệp của bức thư càng trở nên ý nghĩa. Phi-líp là thành phố đầu tiên Phao-lô bị giam trong chức vụ của ông. Thực ra, ông và Si-la đã bị đánh dữ dội trước khi bị giam vào ngục (Công vụ 16:16-24). Giờ đây vị sứ đồ đang bị giam trong một ngục khác, lần này là ở tại Rô-ma. Ông không biết được mình sẽ được tha hay đối mặt với án tử hình. Viết bức thư này từ ngục giam hiện tại đến nơi mà lần đầu tiên ông đã bị giam, dù vậy Phao-lô đã tỏ bày niềm vui trong Đức Chúa Giê-su Christ.

“Niềm vui trong nhà giam” là một tựa đề rất phù hợp cho thư tín này. Biết về tác giả và hoàn cảnh của tác giả càng khiến thư tín này rõ ràng đối với chúng ta.

Ai là người nhận?

Câu hỏi thứ hai theo sau câu hỏi thứ nhất: Tác giả viết tác phẩm này cho ai? Độc giả đầu tiên là người tin Chúa hay không tin Chúa? Bị bắt bớ hay được an toàn? Một Hội Thánh, một nhóm các Hội Thánh, hay một cá nhân? Bạn có thể biết được gì về hoàn cảnh, nhu cầu và vấn đề của họ?

Tại sao Ma-thi-ơ trích dẫn Kinh Thánh nhiều hơn các trước giả Tân Ước khác? Bởi vì độc giả của ông là người Do Thái, và ông muốn cho họ thấy rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si của họ. Tại sao Mác lại giải thích nhiều về phong tục của người Do Thái (Mác 7:2-4; 15:42) và dịch những từ ngữ tiếng A-ram (3:17; 5:41; v.v…)? Bởi vì ông viết cho người ngoại quốc, có thể hầu hết là ở tại Rô-ma.

Tại sao Lu-ca lại sử dụng nhiều thuật ngữ y học trong sách Phúc Âm của ông và sách Công vụ các sứ đồ, nhiều hơn bất kỳ sách nào khác trong Kinh Thánh? Bởi vì ông là một bác sĩ (Cô-lô-se 4:14). Tại sao Giăng bắt đầu thư tín đầu tiên của mình bằng tuyên bố: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống” (I Giăng 1:1)? Bởi vì từng lời từng chữ mà bạn vừa đọc bác bỏ Thuyết Ngộ Đạo vừa mới chớm nở, một triết lý Hy Lạp phân tách thể xác khỏi tâm linh và dạy rằng Đức Chúa Giê-su không thể vừa là thần vừa là con người được. Và đây là mục đích của Giăng.

Khi bạn biết độc giả của một sách trong Kinh Thánh, bạn sẽ có thể tham gia cùng họ. Khi bạn ngồi cùng với các tín hữu Phi-líp lúc họ lắng nghe bức thư của Phao-lô, bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn về mối liên hệ của bức thư đối với đời sống và nhu cầu của bạn ngày nay.

Mục đích của trước giả là gì?

Việc viết lách trong thế giới cổ đại rất khó khăn mà nếu không có một mục đích nào thúc ép thì khó có thể thực hiện được. Ngày nay chúng ta dễ dàng viết một bức thư ngắn và gửi bằng thư điện tử chỉ trong chốc lát. Các trước giả thời cổ đại phải trả giá rất cao để tạo ra các sách Kinh Thánh mà chúng ta đọc ngày nay.

Do đó, chúng ta cần phải cố gắng tìm hiểu tất cả về mục đích của trước giả trước khi chúng ta diễn giải tác phẩm của trước giả đó. Hầu hết Kinh Thánh được tạo ra để hoàn thành một nhiệm vụ hay một mục đích cụ thể. Nếu chúng ta không hiểu nhiệm vụ đó, chúng ta sẽ đánh mất đi rất nhiều điều mà trước giả muốn chúng ta biết và làm theo.

Thường thì bản văn sẽ làm rõ mục đích đó. Giăng tiết lộ mục đích rõ ràng Phúc âm của ông: “Đức Chúa Jêsus đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa, mà không chép trong sách nầy. Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:30-31).

Giăng muốn dẫn dắt độc giả của mình tin Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si của họ, để họ “nhờ danh Ngài mà được sự sống.” Chúng ta sẽ kỳ vọng tìm thấy nhiều dấu hiệu và bằng chứng cho thần tánh của Đức Chúa Giê-su, và những ví dụ về năng quyền biến đổi của tình yêu Ngài. Đó đích thực là điều Giăng đã cho chúng ta thấy.

Hãy lưu ý rằng Lu-ca ghi rõ mục đích của mình ngay từ đầu quyển sách của ông (Lu-ca 1:1-4), nhưng Giăng chờ đợi cho đến cuối quyển sách mới bày tỏ mục đích của ông. Khi bạn chuẩn bị học một phân đoạn Kinh Thánh, việc nhìn lướt qua toàn quyển sách luôn là một ý hay. Hãy tìm những mệnh đề truyền tải mục đích của quyển sách, và diễn giải câu Kinh Thánh cụ thể dưới sự bày tỏ của mục đích đó. Các sách giải kinh và bách khoa toàn thư có thể giúp khám phá mục đích của quyển sách. Hãy chắc chắn bạn nhận thức về điều này trước khi bắt đầu việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Đây là thể loại văn học nào?

Kinh Thánh chứa đựng rất nhiều thể loại văn học đa dạng trong những trang sách của mình. Không giống như hầu hết các quyển sách khác từ cổ chí kim, Kinh Thánh kết hợp rất nhiều thể loại văn chương khác nhau, bao gồm lịch sử, luật pháp, thơ ca, thư tín, ngụ ngôn, và văn chương về thời cuối cùng của thế giới. Cách mà bạn giải thích thơ văn không giống như cách bạn đọc báo. Khi Robert Frost nói rằng: “Hai con đường rẽ ra trong một rừng cây vàng lá,”4 chúng ta sẽ không dừng lại và hỏi vị trí trên bản đồ.

Hãy xem qua những thể loại văn chương mà chúng ta sẽ tìm thấy trong Kinh Thánh.

Lịch sử là thể loại văn chương của sách Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô ký 1-19, Dân số ký cho đến Ê-xơ-tê, một số phần của các sách tiên tri, các sách Phúc Âm, và Công vụ các sứ đồ. Thể loại này cần được đọc như văn tự sự về sự việc có thật, hãy tìm kiếm những lẽ thật và nguyên tắc trong các sự kiện. Chúng ta nên tránh tìm kiếm những ý nghĩa biểu tượng hoặc ý nghĩa tâm linh trong các sự kiện lịch sử. Ngày Phục Sinh là một sự thật lịch sử, không đơn thuần là sự phục sinh của niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su của các môn đồ.

exodus

Luật pháp đa số được tìm thấy trong Xuất Ê-díp-tô ký 20-40 và Lê-vi ký. Chúng ta cần phải đọc theo hướng khám phá những nguyên tắc cho đời sống ngày nay, ngoại trừ những điều được lặp lại trong Tân Ước và tiếp tục là những điều luật cho đức tin và thực hành Cơ Đốc.

Thơ ca được sử dụng từ sách Gióp đến sách Nhã Ca, và trong nhiều nơi xuyên suốt Kinh Thánh. Chúng ta cần phải hiểu theo nghĩa biểu tượng, không đặt nặng các chi tiết lịch sử phải chính xác hoặc không nói về những lời hứa cụ thể. Chẳng hạn như, tác giả Thi Thiên hứa rằng: “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi; Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi; Mặt trời sẽ không giọi ngươi lúc ban ngày, Mặt trăng cũng không hại ngươi trong ban đêm” (Thi Thiên 121:5-6). Bài thơ này nói về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài và hiển nhiên không có liên quan gì đến việc bị nắng cháy hay chịu tác hại của thời tiết. Hãy giải thích thơ văn theo ý nghĩa biểu tượng và thuộc linh mà tác giả muốn truyền đạt.

Thư tín được tìm thấy trong các sách tiên tri Cựu Ước (xem Giê-rê-mi 29), và trong Tân Ước từ Rô-ma đến Giu-đe và Khải Huyền 2-3. Chúng ta cần phải hiểu thể loại văn chương này theo độc giả và những vấn đề trực tiếp của bản văn. Chúng ta không được áp dụng ý nghĩa của một bức thư cho trường hợp của mình cho đến khi chúng ta đã chắc chắn về việc áp dụng của tác giả cho độc giả của mình.

Văn chương về thời kỳ cuối cùng của thế giới được tìm thấy trong Xa-cha-ri, Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên, Ma-thi-ơ 24-25, Mác 13 và Khải Huyền. Thể loại này chứa đựng nhiều khải tượng và có xu hướng biểu tượng cũng như nói về tương lai. Phương pháp mà bạn chọn để diễn giải những sách này sẽ xác định ý nghĩa mà bạn tìm thấy.

Điều rất quan trọng là cách chúng ta tiếp cận với quyển sách mà chúng ta đang nghiên cứu phù hợp với thể loại văn chương của sách. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể khám phá được ý nghĩa mà bản văn muốn truyền tải, đó cũng là mục đích của toàn bộ việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Kết luận

Bạn sẽ bất ngờ với việc những công tác chuẩn bị trước này giúp ích cho bạn diễn giải phân đoạn Kinh Thánh mà bạn muốn tìm hiểu như thế nào. Tại đây bạn đã đặt nền tảng cho việc nghiên cứu Kinh Thánh hiệu quả.

Các công tác chuẩn bị được đề nghị trong chương này rất quan trọng để hiểu bất kỳ thể loại văn chương nào, đặc biệt là những tác phẩm đã hơn hai mươi thế kỷ. Đó là phép lạ của lời Chúa rằng khi chúng ta đầu tư cho những công tác chuẩn bị đó, Kinh Thánh sẽ trở nên sống động đối với chúng ta như thể chúng ta là độc giả trực tiếp của Kinh Thánh vậy. Đó là bởi vì theo một cái nhìn rất thực, chúng ta thật sự là độc giả trực tiếp của Kinh Thánh.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien 

ethi

Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

BBVA compass BANK

3111 North Galloway Ave.

Mesquite, TX 75150, USA

Routing# 113010547

Account# 6702149116

 

 

Chân thành cảm ơn.

hue

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn