Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Vâng Theo Những Gì Bạn Khám Phá Được Từ Kinh Thánh

Vâng Theo Những Gì Bạn Khám Phá Được Từ Kinh Thánh

Kinh Thánh Là Quyển Sách Thực Hành

Vâng theo những gì bạn khám phá được

Kinh Thánh không nhằm cung cấp cho tâm trí của bạn những thông tin, nhưng là để thay đổi cuộc sống của chính bạn. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17). Sự vâng lời đưa chúng ta đến mối quan hệ với TRỜI. Đức tin được đòi hỏi. Chúng ta phải đặt mình vào vị trí tiếp nhận điều Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta bởi ân điển. Người Israel phải bước xuống dòng sông Giô-đanh ngập nước trước khi Đức Chúa Trời ngăn dòng chảy của sông (Giô-suê 3:15-16).

j

Trước khi mở lời Chúa, hãy quyết định rằng bạn sẽ vâng theo điều mà bạn tìm thấy trong đó. Hãy cho Cha thiên thượng của bạn một tờ ngân phiếu trống của sự vâng phục. Đức Chúa Trời sẽ không bày tỏ ý muốn của Ngài như một lựa chọn để chúng ta cân nhắc, nhưng là một mệnh lệnh để vâng theo. Nếu bạn không làm điều Đức Chúa Trời phán, bạn sẽ không hiểu điều Ngài phán. Không có người cha nào dẫn dắt đứa con không muốn vâng lời.

Định hướng cho những giả định trước

Khi học hình học tôi đã quen với khái niệm tiên đề. Đó là những giả định trước mà không thể chứng minh được, dẫn dắt những niềm tin dựa vào việc nghiên cứu toán học. Chúng ta không thể chứng minh các đường thẳng song song không bao giờ giao nhau, nhưng chúng ta chấp nhận nguyên lý này trong môn hình học. Mọi tri thức đều được xây dựng trên những giả định trước như thế. Các nhà khoa học tin rằng thế giới vật chất là bền vững và có thể đoán trước được. Nếu không thì các cuộc thí nghiệm sẽ không thể lặp đi lặp lại được.

Việc học Kinh Thánh cũng dựa trên một số giả định trước. Có ba điều đặc biệt quan trọng đối với việc diễn giải lời Chúa.

Tin rằng bạn có thể hiểu Kinh Thánh

Martin Luther và các nhà cải chánh giáo hội rất cương quyết rằng: Kinh Thánh có thể hiểu được. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự mặc khải của Ngài theo cách mà chúng ta có thể khám phá và áp dụng những lẽ thật từ những khám phá ấy. Chúng ta không cần phải dựa vào các tín điều, các hội đồng và truyền thống giáo hội. Mỗi một người tin Chúa đều là một thầy tế lễ cho chính mình trước mặt Đức Chúa Trời và trước lời Ngài.

Vậy chúng ta sẽ bắt đầu việc học Kinh Thánh bằng chính quyển Kinh Thánh – chứ không bằng những lời dạy của giáo hội về một chủ đề nào đó, nhưng bằng chính lời dạy của Kinh Thánh. Chúng ta sẽ nhờ các nhà thần học và lời dạy của Hội Thánh để hướng dẫn chúng ta trong quá trình nghiên cứu Kinh Thánh, tin rằng chúng ta có thể học được từ người khác. Thật vậy, chúng ta có thể học được rất nhiều điều khi chúng ta học Kinh Thánh với những bạn hữu Cơ Đốc khác và kiểm tra cách diễn giải cùng hiểu biết Kinh Thánh của chính mình với họ. Nhưng chúng ta sẽ không để cho ý kiến cá nhân thay thế sự mặc khải của Chúa.

Sử dụng Kinh Thánh Tân Ước để diễn giải Kinh Thánh Cựu Ước

Như chúng ta đã học trong chương một, những người Baptist tin rằng “tiêu chuẩn để diễn giải Kinh Thánh đó là Đức Chúa Giê-su Christ.”3 Chúng ta đồng ý với Giăng rằng Kinh Thánh tồn tại là để dẫn dắt chúng ta đến với niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su (Giăng 20:30-31). Chính vì vậy, Kinh Thánh Tân Ước, nơi bày tỏ Đấng Christ, chính là công cụ để chúng ta diễn giải Cựu Ước là phần chuẩn bị con đường cho Đấng Christ. Như Đức Chúa Giê-su Christ đã nhiều lần phán rằng: Ngài làm trọn Kinh Thánh là sách đã nói cho thế giới biết về việc Ngài đến (xem Ma-thi-ơ 5:17).

Nói cách khác, chúng ta sẽ học Kinh Thánh dựa trên giáo lý thần học mặc khải tịnh tiến. Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta một cách tịnh tiến, những mặc khải về sau được xây dựng trên lẽ thật trước đó. Cũng giống việc giáo viên toán phải dạy về đại số trước khi dạy về hình học, dạy lượng giác học trước khi dạy về vi phân và tích phân, tương tự như thế, Đức Chúa Trời cũng bày tỏ chính Ngài từng chút một cho chúng ta. Dựa trên nền tảng luật pháp trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã phán thông qua các tiên tri của Ngài. Họ tiếp tục tập trung vào Đấng Mê-si, là sự mặc khải của chính Đức Chúa Trời. Kinh Thánh Tân Ước xây dựng trên sự mặc khải này trong một Người qua sự mặc khải bằng từ ngữ. Chính vì vậy Kinh Thánh Tân Ước là công cụ để chúng ta diễn giải sự mặc khải trước đó của Ngài.

Giả định trước có tính định hướng này dẫn chúng ta đến một nguyên tắc quan trọng, nguyên tắc mà chúng ta sẽ đề cập đến một lần nữa trong chương tiếp theo. Bất cứ khi nào một luật pháp trong Cựu Ước được nhắc lại trong Tân Ước, thì luật ấy giữ lại hiệu lực của một luật lệ đối với Cơ Đốc Nhân ngày nay. Chẳng hạn như, bằng việc công nhận Mười Điều Răn, Đức Chúa Giê-su đã khiến đây là điều bắt buộc cho các môn đệ của Ngài (Ma-thi-ơ 19:16-19).

Mặc khác, bất kỳ luật pháp Cựu Ước nào không được nhắc lại trong Tân Ước thì luật ấy giữ lại tính nguyên tắc cho đời sống Cơ Đốc. Chẳng hạn như, theo như Giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem, quy luật ăn uống của người Do Thái là không có tính ràng buộc đối với những người ngoại quốc cải đạo (Công vụ 15:28-29; cũng xem trong 10:9 – 11:18; Ga-la-ti 2:11-14). Tuy nhiên, những luật lệ này vẫn thể hiện nguyên tắc có liên quan đó là Đức Chúa Trời quan tâm đến sức khỏe thuộc thể của chúng ta. Chúng ta sẽ học những luật lệ đó để khám phá những nguyên tắc và lẽ thật để áp dụng cho đời sống khi chúng ta liên hệ với Đức Chúa Trời qua ân điển.

Kinh Thánh là quyển sách chú giải cho chính Kinh Thánh

Giả định trước có tính định hướng thứ ba của chúng ta đó là Kinh Thánh tự giải nghĩa cho Kinh Thánh. Bởi vì lời Chúa là thống nhất, chặt chẽ và hoàn toàn được linh cảm, mỗi một từ ngữ đều là lời của Đức Chúa Trời. Vậy cách tốt nhất để học bất kỳ phân đoạn Kinh Thánh nào đó là diễn giải phân đoạn ấy dưới sự bày tỏ của cả Kinh Thánh. Chúng ta sẽ so sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh, diễn giải một phần bằng toàn thể.

Năm nguyên tắc quan trọng xảy ra từ giả định trước này.

Đầu tiên, diễn giải phân đoạn không rõ nghĩa dưới sự bày tỏ của lẽ thật rõ ràng. Nghiên cứu những phần khác nhau trong Kinh Thánh dưới sự bày tỏ của những sự dạy dỗ rõ ràng. Chẳng hạn như, Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.” (Lu-ca 14:26).

bi

Có phải Đức Chúa Giê-su bác bỏ gia đình? Hoàn toàn không. Phúc âm Ma-thi-ơ giải thích: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta” (Ma-thi-ơ 10:37). Cách giải thích của Lu-ca có nghĩa là chúng ta phải “ghét” gia đình mình theo phương diện đặt Đức Chúa Giê-su ưu tiên hơn và tận tâm hơn so với gia đình. Cách giải thích rõ nghĩa sẽ giúp chúng ta hiểu những phần khó hơn.

Hơn thế nữa, Kinh Thánh Tân Ước chứa đựng những sự dạy dỗ rõ ràng nhằm khẳng định giá trị của gia đình (xem I Cô-rinh-tô 9:5; I Ti-mô-thê 5:8; Ê-phê-sô 5:25). Những phần tham khảo rõ nghĩa sẽ giúp chúng ta hiểu và áp dụng lời dạy của Đức Chúa Giê-su cho cuộc sống mình.

Thứ hai, không xây dựng tín lý dựa trên chỉ một phần Kinh Thánh. Hãy xem xét chủ đề “ngàn năm bình an,” được tìm thấy rõ ràng trong Khải Huyền 20:1-6. Đây hiển nhiên là một chủ đề quan trọng, tuy nhiên phần Kinh Thánh này không nên được đặt thành một chuẩn mực để thử niềm tin của ai đó có chính thống hay không. Có ít nhất tám lý thuyết về chủ đề này do các học giả tin vào Kinh Thánh đặt ra. Dù một người tin vào bất kỳ lý thuyết nào về chủ đề Ngàn năm bình an, thì niềm tin của người đó đối với thẩm quyền Kinh Thánh vẫn sẽ không bị nghi vấn. Chúng ta nên xây dựng những tín lý quan trọng dựa trên những phân đoạn Kinh Thánh bao quát hơn.

Một ví dụ khác đó là câu hỏi của Phao-lô dành cho tín hữu Cô-rinh-tô: “Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp-têm?” (I Cô-rinh-tô 15:29). Chúng ta sẽ không bàn về những cách diễn giải khác nhau cho câu Kinh Thánh này. Chúng ta chỉ cần biết rằng Kinh Thánh không cung cấp thêm những phần tham khảo nào khác về “báp-têm cho kẻ chết.” Đừng xây dựng một giáo lý nào lớn hơn dựa trên một câu Kinh Thánh đơn lẻ này.

Thứ ba, nghiên cứu những câu Kinh Thánh ngắn dựa trên phần Kinh Thánh lớn hơn. Diễn giải một câu Kinh Thánh dựa trên một đoạn, diễn giải một đoạn dựa trên một sách, và diễn giải một sách dựa trên toàn bộ Kinh Thánh. Khi bạn xem xét lời khuyên lớn hơn từ lời Chúa, bạn sẽ để Kinh Thánh tự giải thích cho Kinh Thánh.

Thứ tư, những nguyên tắc được nói đến trong nhiều phần của Kinh Thánh sẽ được áp dụngcho mọi thời đại và các nền văn hóa. Đằng sau sau những phân đoạn Kinh Thánh là nhiều bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Bất cứ khi nào một tuyên bố được tìm thấy trong một số ngữ cảnh khác nhau và được dạy bởi nhiều trước giả Kinh Thánh, khi đó chúng ta biết rằng tuyên bố ấy được định là một lẽ thật xuyên thời gian. Nếu một lẽ thật chỉ được một trước giả dạy dỗ một lần duy nhất, chúng ta biết rằng đó là một bài học cụ thể cho riêng thời kỳ và bối cảnh tại đó. Chúng ta sẽ áp dụng nguyên tắc tìm được cho cuộc sống mình, nhưng không áp dụng như một mệnh lệnh. Theo nghĩa này, điều này giống như một luật pháp trong Cựu Ước không được nhắc lại trong Tân Ước; luật pháp ấy dạy về lẽ thật thuộc linh nhưng không ràng buộc trách nhiệm.

Một ví dụ gây tranh cãi về nguyên tắc này liên quan đến lời dạy của Kinh Thánh về chủ đề đồng tính. Người bảo vệ cho lối sống này tuyên bố rằng những sự cấm đoán thuộc linh là có điều kiện về văn hóa, rằng đó chỉ áp dụng cho thời kỳ và địa điểm tại nơi mà Kinh Thánh nói đến thôi.

Những người diễn giải Kinh Thánh theo phương cách này nên làm theo đúng theo nguyên tắc giải nghĩa mà chúng ta đang nói đến tại đây. Kinh Thánh nói về chủ đề đồng tính bảy lần, xuyên suốt cả Cựu lẫn Tân Ước, trong nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau:

  • Sáng Thế Ký 19 chúng ta thấy những người nam tại thành Sô-đôm đòi “nhận biết” những người khách là thiên sứ đến thăm Lót (19:5), và chúng ta cũng thấy hình phạt mà Đức Chúa Trời giáng trên thành phố này. Dù đề tài đồng tính được đề cập đến trong phân đoạn Kinh Thánh, nhưng lại không nói rõ có phải hình phạt của Đức Chúa Trời là chống lại chính nạn đồng tính, hay là vì đám đông đã cố thực hiện hành vi đồng tính.
  • Lê-vi-ký 18:22 và Lê-vi-ký 20:13 rõ ràng nghiêm cấm hành động đồng tính.
  • Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:17-18 cấm mọi sự dâm ô, dù đó là nam hay nữ.
  • Rô-ma 1:26-27 mô tả các hành động đồng tính là “nghịch với tánh tự nhiên” và “phạm sự xấu hổ.”
  • I Cô-rinh-tô 6:9-10 và I Ti-mô-thê 1:8-11được một số người cho là nói về nạn mãi dâm đồng giới. Tuy nhiên, những câu Kinh Thánh này dường như nghiêm cấm một cách khách quan hành động đồng tính trong bất kỳ bối cảnh nào.

Hơn thế nữa, không có phân đoạn Kinh Thánh cổ xúy cho hành động này. Không một lãnh đạo thuộc linh hoặc chuẩn mực đạo đức nào đã được học từ Kinh Thánh lại có thể được hiểu đúng đắn là họ đang thực hành nếp sống này.

Trọng tâm của vấn đề tại đây là: khi Kinh Thánh nói về một chủ đề nào đó trong nhiều nền văn hóa và bối cảnh khác nhau, thì điều đó áp dụng cho mọi thời đại và hoàn cảnh.

Thứ năm, nếu hai mệnh đề trong Kinh Thánh dường như mâu thuẫn với nhau theo cách nhìn của con người, hãy chấp nhận cả hai. Lẽ thật thiên thượng không bị suy luận con người ràng buộc, và thường phải được thể hiện qua hai mệnh đề dường như mâu thuẫn với nhau. Điều này gọi là tự mâu thuẫn, nghĩa là sự chấp nhận hai nguyên tắc dường như loại bỏ lẫn nhau nhưng đều đúng đắn độc lập với nhau.

Chẳng hạn như, tôi thường được hỏi về sự tự do ý chí và tể trị thiên thượng. Nếu chúng ta hoàn toàn có tự do ý chí, liệu sự hiểu biết và kiểm soát của Đức Chúa Trời đối với tương lai có bị giới hạn? Hoặc, nếu Đức Chúa Trời biết được tương lai, làm thế nào chúng ta có được sự tự do chọn lựa?

Thật vậy, Kinh Thánh thường nêu lên cặp nguyên tắc như thế. Đức Chúa Giê-su đưa ra cả hai nguyên tắc trong cùng một câu: “Con người đi, theo như điều đã chỉ định; nhưng khốn cho người nầy phản Ngài.” (Lu-ca 22:22).

Tóm lại, quyết định của bạn về những giả định trước này sẽ dẫn dắt bạn trong việc diễn giải và áp dụng lời Chúa cách đúng đắn:

  • Tin rằng bạn có thể tự hiểu được Kinh Thánh.
  • Sử dụng Kinh Thánh Tân Ước để diễn giải Kinh Thánh Cựu Ước.
  • Dùng Kinh Thánh để diễn giải Kinh Thánh. Kết quả có được là:
  • Diễn giải những phân đoạn không rõ nghĩa dưới sự bày tỏ của lẽ thật rõ ràng.
  • Không xây dựng tín lý dựa trên một phần Kinh Thánh duy nhất.
  • Nghiên cứu những phần Kinh Thánh ngắn dưới sự bày tỏ của phần Kinh Thánh dài hơn.
  • Những nguyên tắc được nhắc đến ở nhiều phần khác nhau trong Kinh Thánh sẽ được áp dụng cho mọi thời đại và các nền văn hóa.
  • Nếu hai mệnh đề Kinh Thánh dường như mâu thuẫn với nhau theo cái nhìn của con người, hãy chấp nhận cả hai.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien 

ethi

Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

BBVA compass BANK

3111 North Galloway Ave.

Mesquite, TX 75150, USA

Routing# 113010547

Account# 6702149116

 

 

Chân thành cảm ơn.

hue

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn