Thứ Năm , 18 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / CHÚNG TÔI TIN – chương 2

CHÚNG TÔI TIN – chương 2

book

Lời tựa
Từ năm 1933 -1945, Đức quốc xã dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler đã tiến hành khủng bố và tàn sát người Do Thái khắp Châu Âu. Mục tiêu của A. Hitler là xóa sổ người Do thái khỏi địa cầu. Hơn sáu triệu người Do thái đã bị giết trong cuộc đại tàn sát của A. Hitler.
Lúc bấy giờ có một nhóm nhỏ sinh viên học sinh Cơ đốc người Hà lan tìm cách cứu sống những người Do thái. Trong giai đoạn từ 1940-1945, nhóm này đã cứu được khoảng 800 người Do thái. Một số thành viên của nhóm đã bị sát hại vì nỗ lực cứu người Do thái.
Một Ra-bi (thầy dạy luật pháp) của người Do thái được cứu thoát khỏi chết trong cuộc tàn sát Holocaust hỏi một thiếu niên trong nhóm học sinh Hà Lan: “Em biết là em có thể bị sát hại khi tham gia bảo vệ người Do Thái chúng tôi. Động cơ nào thúc đẩy em làm việc đó?” Em học sinh trả lời: “Tôi muốn theo gương Chúa Jesus, là người sẵn sàng chết cho những người xa lạ và những kẻ ghét Ngài.” Vị Ra-bi nói: “Tôn giáo của em thực sự có ý nghĩa.” Em học sinh trả lời: “Cơ đốc giáo không phải là một tôn giáo, nhưng nó là một phong trào cách mạng thuộc linh chống lại quyền lực của sự tối tăm.”
Điều gì đã truyền cảm hứng cho những thanh niên trẻ tuổi kia sẵn sàng hy sinh chính bản thân vì sự sống của người Do Thái?

ĐIỀU CÁC EM TIN 
Các em học sinh người Hà Lan trong câu chuyện trên đã tin vào Kinh Thánh với hết cả tấm lòng. Điều các em tin đã thay đổi tận gốc rễ những suy nghĩ và quan niệm về cuộc sống của bản thân. Tình yêu của các em hướng về người Do thái tự động tuôn chảy khi Lời Chúa hành động bên trong lòng các em.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Chúa Trời dùng những người trẻ tuổi trong kế hoạch của Ngài. Xuyên suốt Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy những người nam, người nữ nói “Vâng” với Đức Chúa Trời khi Ngài kêu gọi họ hành động cho chân lý của Ngài. Họ đã nói “Không” với ma quỉ, và chống cự nó trong quyền năng thần thượng.
• Giô-sép. Năm lên 17 tuổi Giô-sép đã nhận một giấc mơ kỳ diệu từ Chúa. Trong giấc mơ đó chàng thanh niên này sẽ là người lãnh đạo quan trọng trong tương lai. Trải qua một chặng đường dài gian khổ lên voi xuống chó, cuối cùng Giô-sép trở thành thủ tướng của Ai-cập. Chính ông đã cứu dòng dõi Y-sơ-ra-ên khỏi nạn đói.
• Đa-vít. Vào giữa khoảng 15 -16 tuổi, Đa-vít được xức dầu để chuẩn bị làm vua Y-sơ-ra-ên. Đời sống tiếp theo sau đó không dễ dàng gì với người được xức dầu. Đa-vít nhiều lần thoát chết khỏi sự truy sát của Sau-lơ. Khi Sau-lơ chết sỉ nhục trong chiến trận, Đa-vít chính thức cai trị Y-sơ-ra-ên. Dù có khuyết điểm, nhưng Kinh Thánh ghi nhận Đa-vít là một người đi theo tấm lòng của Đức Chúa Trời cho đến khi qua đời.
• Giô-si-a. Giô-si-a được lên ngôi vua trong một thời kỳ u ám của tuyển dân khi mới 8 tuổi. Thế nhưng trong suốt 31 năm trị vì vương quốc, ông đã đã lãnh đạo một phong trào khôi phục đức tin, từ bỏ hình tượng và trở về thờ phượng Đức Chúa Trời.
• Đa-ni-ên. Đa-ni-ên và ba người bạn trẻ Hê-bơ-rơ là những thanh niên phục vụ trong triều đình của vua Ba-by-lôn. Họ đã đứng về phía Đức Chúa Trời bất chấp những sắc lệnh trừng phạt của Nê-bu-cát-nết-sa. Họ đã không thỏa hiệp với tôn giáo và thế giới ngoại bang.
• Ma-ri. Đức Chúa Trời đã chọn Ma-ri (hầu hết những người Chúa chọn đều trẻ tuổi) để sinh hạ Chúa Jesus. Ma-ri đã nói “Vâng” với Đức Chúa Trời trong những thời khắc khó khăn nhất.
• Ti-mô-thê. Sứ đồ Phao-lô đã chọn Ti-mô-thê, người thanh niên trẻ tuổi có ân tứ và huấn luyện anh. Hai người này đã khai sinh ra hàng loạt hội thánh trong các chuyến đi truyền giáo.

Điều gì là những lẽ thật căn bản mà những người trẻ tuổi trên đây tin vào, và rồi cuộc đời họ đã dấn thân cho chính nghĩa của Đức Chúa Trời? Nội dung quyển sách này sẽ trình bày những điều đó.
Mười chương đầu tiên trả lời cho câu hỏi: Tôi tin điều gì? Phần này giải thích về những niềm tin căn bản của đời sống Cơ đốc.
Mười chương tiếp theo trả lời câu hỏi: Tôi phải làm gì? Phần này nhấn mạnh đến nếp sống đạo của Cơ đốc nhân.
Mười chương cuối cùng sẽ trình bày về các phẩm hạnh của đời sống Cơ đốc. Nó trả lời cho câu hỏi: Tôi sẽ trở nên giống như ai?

Hãy nhớ rằng TIN là một từ hành động. Đức Chúa Trời không chỉ muốn bạn tin bằng lý trí, nhưng với tất cả tấm lòng và áp dụng đức tin đó vào đời sống thường nhật. Ngài muốn biến đổi đời sống bạn để hướng tới những việc tốt lành hôm nay và mãi mãi về sau. Ngài muốn cộng thêm vào (extra) đời sống bình thường (ordinary) của bạn, hầu cho bạn có khả năng sống một đời sống phi thường (extraordinary) trong Christ. Những gì Chúa đã hành động với những người trẻ trong quá khứ, thì Ngài cũng muốn hành động như vậy với bạn ngày hôm nay, nếu bạn cũng TIN như họ.
Lời cầu nguyện của tôi là xin Chúa cho bạn nhận thức Ngài yêu thương bạn nhiều dường bao. Cầu xin Chúa ban cho bạn đức tin nơi Ngài cách hết lòng, hầu cho toàn bộ đời sống của bạn: lời nói, tư tưởng, hành động và các mối quan hệ đều phản ánh vẻ đẹp đầy quyền năng của Ngài. Và rồi khi bạn đọc hết trang cuối cùng của quyển sách này bạn sẽ la lớn lên cho thế giới biết: Tôi TIN cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời.

Randy Frazee
General Editor

 

Chương 1 của sách:

https://huongdionline.com/2017/06/06/chung-toi-tin/ 

 

BANG-CHUNG-TOI-THO-TROI-2-1

Chương 2
ÔNG TRỜI RẤT GẦN

CÂU HỎI CHÌA KHÓA
Ông Trời có quan tâm đến tôi không?

Ý TƯỞNG CHÌA KHÓA
Tôi tin Đức Chúa Trời quan tâm và chăm sóc đến đời sống hằng ngày của tôi.

CÂU CHÌA KHÓA
Tôi ngước mắt lên trên núi:
Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu?
Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Chúa Trời,
Là Đấng đã dựng nên trời và đất.
(Thi Thiên 121:1-2)

HƯỚNG ĐI CỦA CẢ CHƯƠNG
TRỜI của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời có một và thật – Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Ngài là Đức Chúa Trời toàn năng, toàn tri đời đời. Nhưng Ngài có tốt lành không? Ngài có liên hệ gì với các tạo vật của Ngài không? Ngài có yêu chúng ta không? Ngài có chương trình cho chúng ta không? Ngài có tham gia can thiệp vận hành các biến cố trong đời sống của chúng ta theo mục đích định sẵn của Ngài không?
Hãy suy xét đến các câu hỏi trên đây khi bạn đọc Kinh Thánh trong chương sách đang khám phá ba cách mà TRỜI bày tỏ cho chúng ta là Ngài rất gần.
* TRỜI Là Đấng Tốt Lành
* TRỜI Có Một Kế Hoạch
* TRỜI Chăm Sóc Chúng Ta.
TRỜI Là Đấng Tốt Lành
Ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra là những tổ phụ vĩ đại của dân Israel trước mang tên là Áp-ram và Sa-rai. Đức Chúa Trời đã hứa với ông Áp-ra-ham rằng ông sẽ là cha của một dân tộc lớn, nhưng làm cha thể nào khi ông không có con nối dõi?

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Khi bạn đọc câu chuyện của Áp-ra-ham, Sa-ra và A-ga, hãy để ý xem những cách nào Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự tốt lành của Ngài cho họ. Những điều nầy đã ảnh hưởng thế nào trên họ?

open-bible-man-cross-26776683

Vả, Sa-rai, vợ của Áp-ram, vẫn không sanh con; nàng có một con đòi Ê-díp-tô, tên là A-ga. Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng: Nầy, Đức Chúa Trời đã làm cho tôi son sẻ, vậy xin ông hãy lại ăn ở cùng con đòi tôi, có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng. Áp-ram bèn nghe theo lời của Sa-rai.
Sau khi Áp-ram đã trú ngụ mười năm tại xứ Ca-na-an, Sa-rai, vợ người, bắt A-ga, là con đòi Ê-díp-tô mình, đưa cho chồng làm hầu. Người lại cùng con đòi, thì nàng thọ thai. Khi con đòi thấy mình thọ thai, thì khinh bỉ bà chủ mình. Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng: Điều sỉ nhục mà tôi bị đây đổ lại trên ông. Tôi đã phú con đòi tôi vào lòng ông, mà từ khi nó thấy mình thọ thai, thì lại khinh tôi. Cầu Đức Chúa Trời xét đoán giữa tôi với ông. Áp-ram đáp cùng Sa-rai rằng: Nầy, con đòi đó ở trong tay ngươi, phân xử thể nào, mặc ý ngươi cho vừa dạ. Đoạn, Sa-rai hành hạ A-ga, thì nàng trốn đi khỏi mặt người.
Nhưng thiên sứ của Đức Chúa Trời thấy nàng ở trong đồng vắng gần bên suối nước, nơi mé đường đi về Su-rơ, thì hỏi rằng: Hỡi A-ga, đòi của Sa-rai, ngươi ở đâu đến, và sẽ đi đâu? Nàng thưa rằng: Tôi lánh xa mặt Sa-rai, chủ tôi. Thiên sứ của Đức Chúa Trời dạy nàng rằng: Ngươi hãy trở về chủ ngươi, và chịu lụy dưới tay người. Thiên sứ của Đức Chúa Trời lại phán rằng: Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều, đông đảo đến đỗi người ta đếm không đặng nữa.  Lại phán rằng:
Nầy, ngươi đương có thai, sẽ sanh một trai,
đặt tên là Ích-ma-ên;
vì Đức Chúa Trời có nghe sự sầu khổ của ngươi.
Đứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng:
tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người địch lại nó.
Nó sẽ ở về phía đông,
đối mặt cùng hết thảy anh em mình.

Nàng gọi Đức Chúa Trời mà đã phán cùng mình, danh là “Đức Chúa Trời hay đoái xem,” vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao? Bởi cớ ấy, người ta gọi cái giếng nầy ở về giữa khoảng của Ca-đe và Bê-re, là giếng La-chai-Roi.
Rồi nàng A-ga sanh được một con trai; Áp-ram đặt tên đứa trai đó là Ích-ma-ên.
Vả lại, khi A-ga sanh Ích-ma-ên cho Áp-ram, thì Áp-ram đã được tám mươi sáu tuổi.
Sáng thế ký 16:1-16

abr

Ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra đã cố gắng giúp Đức Chúa Trời bằng cách đặt ông Áp-ra-ham vào thế có con với cô A-ga. Hậu quả là việc rắc rối lớn đã xảy ra. Nhưng ngay trong câu chuyện nầy, chúng ta thấy khởi đầu của một khuôn mẫu–đó là Đức Chúa Trời đã chuyển những chuyện rắc rối nầy trở thành điều tốt lành. Cô A-ga đã từng trải những hậu quả đau đớn do ông bà Áp-ra-ham thiếu đức tin. Nhưng Đức Chúa Trời đã nghe tiếng khóc của cô và đã giúp đỡ cô. Câu chuyện tiếp tục như sau…

Đức Chúa Trời đến viếng Sa-ra, theo như lời Ngài đã phán, và làm cho nàng như lời Ngài đã nói. Sa-ra thọ thai, sanh một con trai cho Áp-ra-ham trong khi tuổi đã già, đúng kỳ Đức Chúa Trời đã định. Áp-ra-ham đặt tên đứa trai mà Sa-ra đã sanh cho mình là Y-sác. Đúng tám ngày, Áp-ra-ham làm phép cắt bì cho Y-sác theo như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn. Vả, khi Y-sác ra đời, thì Áp-ra-ham đã được một trăm tuổi. Sa-ra nói rằng: Đức Chúa Trời làm cho tôi một việc vui cười; hết thảy ai hay được cũng sẽ vui cười về sự của tôi. Lại nói rằng: Há ai dám nói với Áp-ra-ham rằng Sa-ra sẽ cho con bú ư? Vì tôi đã sanh một đứa trai trong lúc người già yếu rồi.

Đứa trẻ lớn lên, thì thôi bú. Chánh ngày Y-sác thôi bú, Áp-ra-ham bày một tiệc lớn ăn mừng. Sa-ra thấy đứa trai của A-ga, người Ê-díp-tô, đã sanh cho Áp-ra-ham, cười cợt, thì người nói với Áp-ra-ham rằng: Hãy đuổi con đòi với con nó đi đi, vì đứa trai của con đòi nầy sẽ chẳng được kế nghiệp cùng con trai tôi là Y-sác đâu. Lời nầy lấy làm buồn lòng Áp-ra-ham lắm, vì cớ con trai mình. Nhưng Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Ngươi chớ buồn bực vì con trai và con đòi ngươi. Sa-ra nói thể nào, hãy nghe theo tiếng người nói; vì do nơi Y-sác sẽ sanh ra dòng dõi lưu danh ngươi. Ta cũng sẽ làm cho đứa trai của con đòi trở nên một dân, vì nó cũng do nơi ngươi mà ra.
Áp-ra-ham dậy sớm, lấy bánh và một bầu nước, đưa cho A-ga; để các món đó trên vai nàng, và giao đứa trai cho nàng, rồi đuổi đi. Nàng ra đi, đi dông dài trong đồng vắng Bê-e-Sê-ba. Khi nước trong bầu đã hết, nàng để đứa trẻ dưới một cội cây nhỏ kia, đi ngồi đối diện cách xa xa dài chừng một khoảng tên bắn; vì nói rằng: Ôi! Tôi nỡ nào thấy đứa trẻ phải chết! Nàng ngồi đối diện đó, cất tiếng la khóc.
Đức Chúa Trời nghe tiếng đứa trẻ khóc, thì thiên sứ của Đức Chúa Trời từ trên trời kêu nàng A-ga mà phán rằng: Hỡi A-ga! Ngươi có điều gì vậy? Chớ sợ chi, vì Đức Chúa Trời đã nghe tiếng đứa trẻ ở đâu đó rồi. Hãy đứng dậy đỡ lấy đứa trẻ và giơ tay nắm nó, vì ta sẽ làm cho nó nên một dân lớn. Đoạn, Đức Chúa Trời mở mắt nàng ra; nàng bèn thấy một cái giếng nước, và đi lại múc đầy bầu cho đứa trẻ uống. Đức Chúa Trời vùa giúp đứa trẻ; nó lớn lên, ở trong đồng vắng, có tài bắn cung. Nó ở tại trong đồng vắng Pha-ran; mẹ cưới cho nó một người vợ quê ở xứ Ê-díp-tô.
Sáng thế ký 21:1-21

Mặc dù cô A-ga và cậu Ích-ma-ên không phải là nhân vật chính của chuyện kể Kinh Thánh, Đức Chúa Trời vẫn chu cấp cho họ và hứa ban phước cho dòng dõi của họ. Ngài làm vậy vì Ngài là Đấng hay thương xót và là TRỜI rất gần với con người.
Một nhân vật khác là người kinh nghiệm rõ về sự gần gũi với Đức Chúa Trời là vua Đa-vít. Ông là một thi sĩ, ca sĩ, người chăn chiên, chiến sĩ. Ông đã sáng tác nhiều vần thơ và làm nhiều bài hát để bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ của ông với Đức Chúa Trời có một và thật. Những bài thơ của vua Đa-vít đã được chọn làm Thánh Thi trong Kinh Thánh. Ông viết về những ngày chăn chiên, nhưng ngày bị vua Sau-lơ săn đuổi, ông viết về những ngày làm vua và những ngày sắp từ giã cuộc đời. Những bài hát do vua Đa-vít cũng như các tác giả Thi Thiên viết đã diễn tả tâm tình tri ân của họ trong mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời gần gũi thân thương.

Đức Chúa Trời là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.
Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi
Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.
Ngài bổ lại linh hồn tôi,
Dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.
Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết,
Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi:
Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.
Chúa dọn bàn cho tôi
Trước mặt kẻ thù nghịch tôi;
Chúa xức dầu cho đầu tôi,
Chén tôi đầy tràn.
Quả thật, trọn đời tôi
Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi;
Tôi sẽ ở trong nhà Đức Chúa Trời
Cho đến lâu dài.
Thi Thiên 23:1-6.

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Bạn đã kinh nghiệm về Đức Chúa Trời rất gần gũi thân cận như thế nào? Có khi nào bạn thấy Ngài đang soi xét lòng bạn không? Kết quả thế nào?

TRỜI Có Một Kế Hoạch
Trong số tất cả những vị vua kế nghiệp vua Đa-vít, chỉ có một số ít trong số họ là vua thiện, vua hiền. Một trong những vị vua thiện là Ê-xê-chia. Ông đã vâng theo mệnh TRỜI cách can đảm dầu khi không được ủng hộ.
Rồi khi được 38 tuổi, vua Ê-xê-chia bị mắc bệnh gần chết. Ông rất sợ và cầu xin Đức Chúa Trời thương xót. Đáp lại, Đức Chúa Trời đã trả lời ông với một thông điệp chấn động và một kế hoạch thay đổi.
Chúng ta biết từ Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời có một kế hoạch riêng cho từng đời sống chúng ta – thậm chí Ngài đã định trước con số ngày tháng trong cuộc đời chúng ta. Câu chuyện nầy cho thấy thể nào Đức Chúa Trời sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta và nhìn thấy nước mắt của chúng ta. Có thể Ngài không đáp lời cầu xin của chúng ta theo mơ ước của chúng ta nhưng do lòng thương xót và thỉnh nguyện của chúng ta, Ngài sẽ thay đổi kế hoạch vốn có của Ngài cho chúng ta.

Trong lúc đó, Ê-xê-chia bị bịnh nặng gần chết. Tiên tri Ê-sai, con trai A-mốt, đến cùng người, và nói rằng: Đức Chúa Trời phán như vầy: Hãy trối lại cho nhà ngươi, vì ngươi sẽ thác, chẳng sống được đâu. Ê-xê-chia bèn xây mặt mình vào phía vách, và cầu nguyện Đức Chúa Trời, mà rằng: Ôi Đức Chúa Trời! Xin hãy nhớ lại rằng tôi đã lấy sự thành thật và lòng trọn lành, đi trước mặt Chúa, và làm theo điều tốt lành tại trước mặt Ngài. Đoạn, Ê-xê-chia khóc rất thảm thiết.
Ê-sai chưa đi khỏi thành trong, có lời của Đức Chúa Trời phán với người rằng: Hãy trở lại, nói với Ê-xê-chia, vua của dân sự ta rằng: Đức Chúa Trời của Đa-vít, tổ phụ ngươi, phán như vầy: Ta có nghe lời cầu nguyện ngươi, thấy nước mắt của ngươi, nầy ta sẽ chữa lành cho ngươi; đến ngày thứ ba ngươi sẽ đi lên đền của Đức Chúa Trời. Ta sẽ thêm tuổi ngươi mười lăm năm, ta sẽ giải cứu ngươi và thành nầy khỏi tay vua A-si-ri. Vì cớ ta và Đa-vít, kẻ tôi tớ ta, ta sẽ binh vực thành nầy.
Ê-sai bèn biểu: Hãy lấy một cái bánh trái vả. Người ta lấy nó đắp trên mụt ung, thì vua được lành.
2 Các Vua 20:1-7.

Trong khi câu chuyện của vua Ê-xê-chia chú ý đến tuổi thọ và lúc lìa đời của đời sống ông, câu chuyện của tiên tri Giê-rê-mi lại lui về từ trước ngày ông chào đời. Giê-rê-mi là một tiên tri đang sống giữa thời vương quốc bị phân chia. Ông sống ở vương quốc phía nam của Giu-đa và đã nói tiên tri với dân chúng rằng quân Ba-by-lôn sắp chính phục đất nước và bắt dân chúng lưu đày. Trong cả cuộc đời của Vua Ê-xê-chia và Giê-rê-mi, Đức Chúa Trời đã tỏ ra là Đấng gần gủi quan tâm chăm lo cho đời sống chúng ta. Hãy để ý đến các chi tiết rõ nét về các lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời và lời hứa về sự can thiệp và bảo vệ của Ngài đối với vị tiên tri.

Có lời Đức Chúa Trời phán cùng tôi như vầy: Trước khi tạo nên ngươi trong lòng mẹ, ta đã biết ngươi rồi; trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước.
Tôi thưa rằng: Ôi! Hỡi Chúa, nầy tôi chẳng biết nói chi, vì tôi là con trẻ. Nhưng Đức Chúa Trời lại phán: Chớ nói: Tôi là con trẻ; vì ngươi sẽ đi khắp nơi nào ta sai ngươi đi, và sẽ nói mọi điều ta truyền cho nói. Đừng sợ vì cớ chúng nó; vì ta ở với ngươi đặng giải cứu ngươi, Đức Chúa Trời phán vậy.
Đoạn, Đức Chúa Trời dang tay rờ miệng tôi. Đức Chúa Trời lại phán cùng tôi rằng: Nầy, ta đã đặt những lời ta trong miệng ngươi. Hãy xem, ngày nay ta đã lập ngươi trên các dân các nước, đặng ngươi hoặc nhổ, hoặc phá, hoặc diệt, hoặc đổ, hoặc dựng, hoặc trồng.
Giê-rê-mi 1:4-10.
Vậy, ngươi hãy thắt lưng, chờ dậy, bảo cho chúng nó mọi sự mà ta truyền cho ngươi. Đừng sợ sệt vì cớ chúng nó, kẻo ta làm cho ngươi sợ sệt trước mặt chúng nó chăng. 18 Nầy, ngày nay, ta lập ngươi lên làm thành vững bền, làm cột bằng sắt, làm tường bằng đồng, nghịch cùng cả đất nầy, nghịch cùng các vua Giu-đa, các quan trưởng nó, các thầy tế lễ, và dân trong đất. 19 Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi; vì ta ở cùng ngươi đặng giải cứu ngươi, Đức Chúa Trời phán vậy.
Giê-rê-mi 1:17-19.

jer

Việc Đức Chúa Trời kêu gọi Giê-rê-mi là rất cụ thể và rất khó khăn. Ngài dùng ông để cảnh cáo vương quốc Giu-đa phía nam về sự bất trung và gian ác của họ và sự kỷ luật của Ngài đang chờ họ. Ông biết trước họ sẽ không nghe, nhưng ông phải can đảm trung tín trong nhiệm vụ và phải công bố lời nầy.
Có ba lần quân đội Ba-by-lôn tấn công Giê-ru-sa-lem và đã mang đi một số dân chúng qua Ba-by-lôn. Năm 597 BC, sau cuộc lưu đày lần thứ hai, Đức Chúa Trời giao cho Giê-rê-mi nhiệm vụ viết bức thư cho dân chúng bị lưu đày để nhắc nhở họ rằng Ngài sẽ có một chương trình, một kế hoạch tốt cho đời sống của họ, đúng theo như kinh nghiệm của Giê-rê-mi.
Nầy là lời thơ của tiên tri Giê-rê-mi từ thành Giê-ru-sa-lem gởi cho các trưởng lão hiện còn bị phu tù, cùng cho các thầy tế lễ, các tiên tri, và cả dân mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã bắt từ Giê-ru-sa-lem điệu về Ba-by-lôn.
Giê-rê-mi 29:1

Vả, Đức Chúa Trời phán như vầy: Khi bảy mươi năm sẽ mãn cho Ba-by-lôn, ta sẽ thăm viếng các ngươi, sẽ làm trọn lời tốt lành cho các ngươi, khiến các ngươi trở về đất nầy. Đức Chúa Trời phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình. Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu ta, sẽ đi và cầu nguyện ta, và ta sẽ nhậm lời. Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng. Đức Chúa Trời phán: Ta sẽ cho các ngươi tìm được ta, và sẽ đem những phu tù các ngươi trở về. Đức Chúa Trời phán: Ta sẽ nhóm các ngươi lại từ mọi nước và mọi nơi mà ta đã đuổi các ngươi đến, và sẽ đem các ngươi về trong đất mà ta đã khiến các ngươi bị đày đi khỏi đó.
Giê-rê-mi 29:10-14.

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Đức Chúa Trời đã tỏ như thế nào cho dân chúng bị lưu đày ở Ba-by-lôn rằng Ngài vẫn chăm lo cho họ và Ngài muốn điều tốt nhất cho họ. Ngài có an ủi bạn trong lúc khó khăn không?

TRỜI Chăm Sóc Chúng Ta.
Chúa Giê-su, Con Một Đức Chúa Trời đã giáng thế. Ngài đã sinh ra như một người và sống giữa chúng ta. Sự giáng sinh của Ngài đánh tan mọi hồ nghi về TRỜI là Đấng xa xôi. Danh Chúa Giê-su là Em-ma-nu-ên nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.
Khi một đoàn dân đông tụ tập quanh ngọn đồi bên cạnh bờ biển Ga-li-lê, Chúa Giê-su đã dạy đoàn dân mệt mỏi nầy về mối quan tâm gần gũi của TRỜI đối với đời sống của họ.

Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? 26 Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao? 27 Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? 28 Còn về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; 29 nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. 30 Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi! 31 Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? 32 Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. 33 Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. 34 Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.
Ma-thi-ơ 6: 25-34.

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Tại sao Chúa Giê-su dạy chúng ta không nên lo lắng?
Bạn đang có mối lo lắng riêng tư nào không? Lời hứa nào của Ngài đang giúp bạn có được lòng tin và sức mạnh?

Sau khi Chúa Giê-su chịu chết trên thập tự giá, chịu chôn, sống lại và thăng thiên về trời với Cha. Bây giờ Ngài đã ban sai Đức Thánh Linh giáng ngự trong lòng tất cả những ai tin nhận Ngài. Ngài đã giáng ngự trong những đền thờ do con người dựng nên, nay Ngài sống ngay trong lòng người. Đức Thánh Linh biến đổi chúng ta từ trong ra ngoài bằng cách hướng dẫn, thách thức, xác nhận, an ủi và ban quyền năng cho chúng ta. Sách Rô-ma do sứ đồ Phao-lô viết, cho chúng ta biết về quyền năng của Đức Thánh Linh trong đời sống của chúng ta.

Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Thánh Linh là thể nào, vì ấy là theo ý Đức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy.
Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.
Rô-ma 8:26-28.

Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, 39 bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-su Krist, là Chúa chúng ta.
Rô-ma 8:38-39.

Tình yêu thương diệu kỳ TRỜI dành cho dân Ngài thật lớn biết bao! Trong tinh thần của tình yêu nầy, sứ đồ Gia-cơ, người em ruột của Chúa Giê-su, đã viết một bức thư thực tế cho các môn đồ của Chúa Giê-su. Ông nhắc họ rằng Đức Chúa Trời đang chăm lo cho đời sống hằng ngày của họ– mặc dầu họ cũng có vai trò của mình. Đức Chúa Trời luôn có mặt ở đó và chăm sóc chúng ta– dù lúc thuận cũng như lúc nghịch. Chúng ta có thể tìm kiếm Chúa và cầu xin sự khôn ngoan của Ngài. Chúng ta cũng phải cẩn thận không qui trách Chúa về những thử thách và cám dỗ của chúng ta, thay vào đó chúng ta hãy cảm tạ Ngài về những ơn lành Ngài đã ban cho chúng ta.

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Trong khi đọc phân đoạn Kinh Thánh dưới đây, hãy tự hỏi, Đức Chúa Trời bày tỏ mối quan tâm chăm lo cho chúng ta như thế nào khi chúng ta đang trải qua những kinh nghiệm khó khăn trong đời sống?
Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.
Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.
Gia-cơ 1:2-5.

Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết.
Hỡi anh em yêu dấu, chớ tự dối mình: mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào. Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta, hầu cho chúng ta được nên như trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên.
Gia-cơ 1:13-18.

ĐIỀU CHÚNG TA TIN
Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là Đấng có một và thật, Đấng toàn năng và toàn tri. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta khám phá nhiều lần nhiều lúc Ngài là Đấng tốt lành. Lòng của Ngài và ý muốn của Ngài đối với chúng ta luôn luôn là đứng đắn và tốt lành. Kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta đem lại hy vọng, thịnh vượng và có tương lai. Nói tóm lại, Đức Chúa Trời chăm lo cho chúng ta. Khi chúng ta nắm vững những niềm tin chìa khóa nầy, không chỉ có trong tâm trí nhưng cũng có trong lòng mình, thì mỗi ngày chúng ta có thể bước đi với niềm vui, hy vọng, và tin tưởng.

Translated by Hue Nguyen   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn