Thứ Bảy , 20 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / MÙA VỌNG

MÙA VỌNG

MuaVong

Tên Gọi

Mùa Vọng là mùa trông đợi.  Tên gọi Mùa Vọng được dịch từ chữ advent trong tiếng Anh; chữ này xuất phát từ chữ adventus trong tiếng Latin, có nghĩa là đến. Chủ từ của động từ đến là Chúa; do đó, Mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa đến.

Thời Gian

Theo niên lịch Cơ Đốc, Mùa Vọng khởi đầu vào Chúa Nhật thứ tư trước ngày kỷ niệm Chúa giáng sinh và kết thúc vào đêm 24 tháng 12. Ngày bắt đầu Mùa Vọng do đó có thể nằm trong khoảng thời gian từ ngày 27 tháng 11 đến ngày 3 tháng 12.  Nếu ngày 25 tháng 12 trùng vào thứ Bảy, Mùa Vọng khởi đầu vào Chúa Nhật 27 tháng 11.  Nếu ngày 25 tháng 12 trùng vào Chúa Nhật, Mùa Vọng khởi đầu vào Chúa Nhật 3 tháng 12.

Nguồn Gốc

Mùa Vọng có nguồn gốc từ Thánh Kinh Cựu Ước.  Người Do Thái trông đợi Đấng Cứu Thế đến để cứu họ khỏi thống khổ.  Thái độ trông chờ đó được thể hiện qua Ngũ Kinh, các sách lịch sử, Thi Thiên và các sách tiên tri. Trong thời gian sống tại Ai Cập, người Do Thái trông chờ Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ.  Khi ra khỏi Ai Cập, người Do Thái phải chờ suốt cả một thế hệ trước khi được Chúa cho phép vào Đất Hứa.  Nhiều lần trong lịch sử Do Thái, quốc gia Do Thái bị ngoại bang xâm chiếm. Sống dưới ách cai trị tàn ác của người ngoại quốc, dân Do Thái trông chờ Đấng Cứu Thế đến giải phóng đất nước, cứu họ khỏi lầm than.  Lúc sống tại Ba-by-lôn, người Do Thái trông mong Chúa cứu họ thoát cảnh lưu đày.

Ý Nghĩa

Chữ adventus trong tiếng Latin được dịch từ chữ Παρουσία trong tiếng Hy Lạp, từ ngữ này có nghĩa là hiện diệnhay đến.  Chữ Παρουσία được dùng 24 lần trong Thánh Kinh Tân Ước; trong đó 17 lần chữ này mang ý nghĩa liên hệ đến sự tái lâm của Đức Chúa Jesus.

Trong tiếng Việt, Mùa Vọng còn được gọi là mùa trông chờ hay mùa đợi trông; là mùa người tin Chúa được nhắc nhở việc trông chờ Chúa đến.

Trong niềm tin Cơ Đốc, Đức Chúa Jesus đến với nhân loại qua vài hình thức.  Cách đây hơn 2000 năm, Chúa đã đến thế gian qua hình hài một em bé tại Bết-lê-hem.  Trong suốt 2000 năm qua, Chúa đến với nhiều người trong thân vị của Đức Thánh Linh.  Trong tương lai, Chúa sẽ đến bằng sự tái lâm trong vinh quang của Ngài.  Vào Mùa Vọng, người tin Chúa trông chờ Chúa đến trong hai ý nghĩa. Thứ nhất: trông chờ sự tái lâm của Chúa.  Thứ hai: trông chờ ngày kỷ niệm sự giáng sinh của Chúa.

Truyền Thống

Trong Mùa Vọng, tại nhà thờ hoặc nhà riêng của tín hữu thường trưng bày một vòng nguyệt quế hoặc một  vòng lá trường xuân chính giữa có năm cây nến; trong đó có ba cây màu tím, một cây màu hồng, và một cây lớn ở chính giữa màu trắng.   Bốn cây nến màu tượng trưng cho hy vọng, bình an, vui mừngtình yêu.  Cây nến màu trắng trượng trưng cho Chúa.

Vào Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng, cây nến màu tím đầu tiên được thắp lên.  Chúa Nhật thứ hai, hai cây nến màu tím được thắp.  Vào Chúa Nhật thứ ba, hai cây nến màu tím và một cây nến màu hồng được thắp sáng.  Cây nến màu hồng, tượng trưng cho niềm vui, dựa theo Phi-líp 4:4.  Chúa Nhật thứ tư, cả bốn cây nến màu được thắp sáng.  Đến ngày lễ giáng sinh, chỉ có cây nến trắng, biểu tượng cho Chúa, được thắp sáng.  Tất cả cây nến màu đều tắt. Chúa đến mang lại hy vọng, bình an, vui mừng và tình yêu; nhưng sự hiện diện của Ngài cao quý hơn tất cả những điều đó.  Tuy nhiên, cũng có nơi, cả năm cây nến đều được thắp sáng vào dịp lễ giáng sinh.

Xuất Xứ

Phong tục trang hoàng vòng nguyệt quế và đốt nến vào Mùa Vọng bày tỏ sự trông chờ Chúa do các tín hữu Tin Lành Lutheran tại Đức thực hiện từ thế kỷ 16.  Sau đó một số giáo phái Tin Lành khác áp dụng.  Sang thế kỷ 20, Giáo hội Công giáo cũng áp dụng truyền thống này.

Kỷ Niệm

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị, trông đợi và kỳ vọng.  Tại các nhà thờ, tín hữu thường được nhắc nhở về sự trở lại của Chúa. Nhiều phân đoạn Kinh Thánh và bài giảng về sự tái lâm được trình bày trong những tuần lễ này.  Một số chủ đề khác cũng được nhắc trong Mùa Vọng là niềm hy vọng của người tin Chúa, quyền tể trị của Chúa, và sự phán xử công bình của Chúa.

Điều quan trọng khi kỷ niệm Mùa Vọng không phải là nghi thức mà là tấm lòng.  Vào Mùa Vọng, các tín hữu được kêu gọi chuẩn bị tấm lòng và tâm trí cho Chúa hướng dẫn; vui lòng để Chúa sử dụng khả năng và cuộc đời của mình; khiêm cung trở thành phương tiện để thực hiện công việc Chúa trao phó.

Lời cầu nguyện được nhiều tín hữu cầu nguyện trong Mùa Vọng là Maranatha!“Lạy Chúa Jesus!  Xin hãy đến!”  Lời cầu nguyện này đã được Sứ đồ Phao-lô ghi lại trong I Cô-rinh-tô 16:22 và Sứ đồ Giăng ghi lại Khải Huyền 22:20.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn