Thứ Năm , 28 Tháng Ba 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Chúa Giê-su Chưa Từng Dạy Dụ Ngôn Này

Chúa Giê-su Chưa Từng Dạy Dụ Ngôn Này

                                        

Chúa Giê-su Chưa Từng Kể Dụ Ngôn Này

 

Dụ ngôn là một thể loại văn học dưới hình thức những câu chuyện bằng thể loại văn xuôi hoặc thơ nhằm mục đích minh họa cho một một triết lý sống. Dụ ngôn khác với ngụ ngôn ở chỗ nó dùng hình ảnh con người gần gũi trong đời sống làm cốt truyện, trong khi ngụ ngôn thường sử dụng hình ảnh động vật, thực vật, đồ vật vô tri hoặc đối tượng thiên nhiên được nhân cách hóa. Điểm chung của hai thể loại văn học này là đều dùng phương pháp ẩn dụ. Một số học giả chỉ áp dụng thuật ngữ “dụ ngôn” cho các câu chuyện giảng dạy của Chúa Giê-su. Mặc dù thực tế thuật ngữ này không bị giới hạn như vậy.

Cách đây không lâu có một hội thánh Cơ đốc ở Hoa Kỳ nhìn về tương lai. Một số trưởng lão lo lắng cho đời sống tin kính của thanh niên lớn lên trong thời đại đồi bại, vô luân. Họ bắt đầu lên kế hoạch làm thế nào để tạo ra cho giới trẻ khao khát sự công bình của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:6) và củng cố đức tin để có thể kháng cự và chiến thắng sự tấn công dữ dội của ma quỷ (Ê-phê-sô 6:13-18; 1 Phi-e-rơ 5:8).

1.Đầu tiên, họ xác định rằng họ cần một chương trình hiệu quả để dạy Kinh Thánh

Kinh Thánh dẫn tới đức tin (Rô-ma 10:17), làm sạch đường lối của một người trẻ (Thi-thiên 119: 9, 11), đánh bại sự cám dỗ của ma quỷ (Ma-thi-ơ 4:1-11) và cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi lớn trong cuộc sống (2 Phi-e-rơ 1:3). Hội thánh cần những giáo viên hiểu biết, có năng lực, quan tâm đến các lớp thanh thiếu niên (Rô-ma 10:14; 2 Ti-mô-thê 2:2). Vì vậy, họ bắt đầu tìm kiếm một số giáo viên có ân tứ giảng dạy Kinh Thánh. Một giáo viên nói, “Tôi không muốn rời bỏ sự thông công của Ban tráng niên của tôi để dạy trẻ em.” Tuy nhiên ngoài đường, kẻ buôn bán ma túy nói: “Ngay cả lời đe dọa vào tù cũng không ngăn được tôi đem ma túy đến với con cái của bạn”

Một người khác trả lời, “Tôi không hiểu biết đủ để dạy trẻ em về Chúa.” Nhưng những người theo thuyết tiến hóa đã đến các trường trung và đại học để dạy lớp trẻ rằng không có Đức Chúa Trời (Thi thiên 14:1). Một người khác trả lời: “Giới trẻ ngày nay rất khác. Tôi không bao giờ có thể giữ được sự chú ý của chúng.” Nhưng các nhà sản xuất phim tại Hollywood cho biết, “Chúng tôi sẽ nghiên cứu, khảo sát và chi hàng triệu USD để sản xuất bất cứ thứ gì mà giới trẻ cảm thấy hứng thú.”

2.Thứ hai, các nhà lập kế hoạch công nhận rằng “giáo viên không thể dạy, nếu trẻ em không đến nhà thờ.”

Một phụ huynh nói, “Có thể dẫn con nai đến suối nước, nhưng không thể ép nó uống nước.”

Vì vậy, các nhà lập kế hoạch quyết tâm nói chuyện với các bậc cha mẹ về việc cam kết cho con họ tham gia các lớp học Kinh Thánh. Chắc chắn, điều này sẽ dễ dàng hơn.

Xét cho cùng, trách nhiệm lớn nhất của cha mẹ đối với con cái là đảm bảo sự phát triển đời sống thuộc linh của chúng. Cha mẹ nên mong muốn “dạy dỗ con cái  đi theo đường lối mà nó phải đi, và khi nó về già, sẽ không rời bỏ” (Châm ngôn 22: 6). Tham dự các lớp học Kinh Thánh sẽ củng cố nỗ lực của cha mẹ ở nhà khi họ siêng năng dạy lời Chúa cho con cái (Phục truyền. 6: 7). Những người làm cha sẽ ủng hộ vì họ biết rằng không nên “chọc giận con cái mình, nhưng hãy nuôi dưỡng chúng trong sự huấn luyện và khuyên bảo của Chúa” (Ê-phê-sô 6: 4; Sáng thế ký 18:19).

Một số phụ huynh bào chữa cho mình, nói rằng, “Chúng tôi thường xuyên ra khỏi thành phố vào cuối tuần, và mọi người đều mệt mỏi vào các buổi tối trong tuần, rất khó để tổ chức các buổi nhóm học Kinh Thánh.” Nhưng người sản xuất phim khiêu dâm nói, “Chúng tôi sẽ mở cửa rạp chiếu phim hàng đêm cho đến khuya. Theo luật pháp Hoa Kỳ cho phép, chúng tôi sẽ đưa nó lên Internet 24/7 để cung cấp cho con bạn. Chúng tôi sẽ đưa nó vào điện thoại, máy tính bảng và computer của chúng.”

Một phụ huynh khác nói: “Hai buổi nhóm học Kinh Thánh trong một tuần là một cam kết quá lớn” (Trong khi phụ huynh này cam kết cho con học trường công năm ngày một tuần và cho con chơi các môn thể thao bốn đêm một tuần.) Nhưng điền kinh chuyên nghiệp đã thúc đẩy bọn trẻ dành từng phút rảnh rỗi để xem đội bóng yêu thích của chúng và bị ám ảnh về việc trở nên giống những thần tượng của chúng.

3.Thứ ba, những người lập kế hoạch quyết định rằng việc tổ chức các buổi thờ phượng, gặp gỡ giới trẻ, đọc Kinh Thánh, tĩnh tâm và tổ chức các chuyến đi chơi sẽ giúp những người trẻ tuổi trưởng thành trong đức tin của chúng.

Những hoạt động này đòi hỏi người lớn phải tình nguyện đến nhà của các em, lái xe từ nơi này đến nơi khác, chuẩn bị đồ ăn nhẹ cho mình và cho bọn trẻ. Vì đây là một lý do chính đáng, họ nghĩ. Tuổi trẻ là quan trọng cho tương lai của hội thánh. Nhưng các nhà lãnh đạo giáo hội nói, “Thật là quá nhiều mục vụ cho với các diễn giả, phải chia sẻ Kinh Thánh cho quá nhiều người trong khi chúng tôi đang bận rộn. Nếu chúng tôi bắt đầu việc này, thì những người trẻ tuổi chưa chắc đã hưởng ứng. Ngoài ra, việc này còn tốn kém quá nhiều.”

Nhưng các công ty bia và thuốc lá cho biết, “Chúng tôi sẽ quảng cáo các sản phẩm của mình bằng mọi cách có thể. Chúng tôi sẽ thu hút khách hàng từ các bảng quảng cáo. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền cho quảng cáo.”

Một số khác phàn nàn: “Chúng tôi quá bận rộn nên không thể tham dự vào các hoạt động của giới trẻ. Hãy để họ tự tìm việc cần làm. Chúng tôi không muốn bị làm phiền.”

Nhưng trường học đã tổ chức và quảng bá thường xuyên các buổi vui chơi, ca nhạc, khiêu vũ cho giới trẻ.

Những người khác nói: “Tôi không muốn chở thanh thiếu niên đến các buổi họp mặt học Kinh Thánh. Hiện nay giá xăng lên cao quá, cộng với việc tôi phải tính đến độ hao mòn của xe. Nếu xe tôi bị hư hỏng thì sao? Các em có thể làm đổ các thứ nước uống có ga trong nội thất ô tô, hoặc làm xước bên ngoài thành xe.”

Nhưng những người điều hành sòng bạc hứa sẽ đưa đón thanh niên từ những địa điểm thuận tiện khắp thành phố và chở chúng đến các sòng bạc. Một người khác nói với họ, “Tôi không thể tổ chức một buổi nhóm cầu nguyện tại nhà của mình. Tôi không muốn mọi người phải nhìn thấy ngôi nhà riêng tư của tôi. Thêm vào đó, sẽ có nhiều việc để dọn dẹp khi buổi nhóm kết thúc.”

Nhưng giới lãnh đạo thành phố đã để một ban nhạc rock nổi tiếng đến trung tâm dân cư để giải trí cho giới trẻ và thậm chí còn cung cấp một đội dọn dẹp tại đó khi buổi trình diễn nhạc kết thúc.

Vì vậy, những người lớn yên vị trong chỗ của họ, những người trẻ tuổi tự do phóng túng trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Các gia đình đi picnic cuối tuần, và không có buổi nhóm học Kinh Thánh nào cho thanh niên được tổ chức.

Nhưng những nhà giáo dục theo thuyết tiến hóa, kẻ buôn bán ma túy, người tiếp thị các sản phẩm khiêu dâm, nhà sản xuất phim, người chủ casino, và ngành công nghiệp giải trí, nhà sản xuất thuốc lá và rượu đã làm việc chăm chỉ, chi tiền và làm những gì cần thiết để giành được ấn tượng của giới trẻ. Tất cả họ đều tuyên bố thành công lớn, kiếm được nhiều tiền và thêm lên lượng khách hàng trong tương lai.

Những người lập kế hoạch đã được nhắc nhở về dụ ngôn của Chúa Giê-su về người quản lý bất trung. Trong đó Ngài dạy, “Chủ bèn khen quản gia bất nghĩa ấy về việc người đã làm khôn khéo như vậy. Vì con đời nầy trong việc thông công với người đồng đời mình thì khôn khéo hơn con sáng láng” (Lu-ca 16:8).

Và rồi Chủ nhật đến, khi người lớn thắc mắc tại sao các lớp học dành cho thanh thiếu niên lại vắng tanh. Một số phàn nàn, “Hội thánh này chắc chắn đã chết. Không có gì ngoài những mái đầu bạc quanh đây.” Cha mẹ thắc mắc tại sao con cái đã lập gia đình không đưa con cái của chúng về thờ phượng. Những người khác hỏi, “Điều gì đã xảy ra với thế hệ trẻ này?”  Đây thực sự là một câu hỏi nhức nhối cho các bậc phụ huynh.

Bạn nghĩ thế nào về dụ ngôn này?

Mục sư Phạm Hơn biên soạn

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn