Thứ Năm , 18 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / Bạn Biết Gì Về Giê-rê-mi?

Bạn Biết Gì Về Giê-rê-mi?

Ta sẽ nói và làm chứng cho ai, đặng họ nghe ta?

Giê-rê-mi 6:10

Năm 1936, khi ấy tôi chỉ mới học lớp hai nhưng vẫn có thể nhớ rõ nỗi lo âu từ trong gia đình và trên các mặt báo khi một cuộc chiến tranh đang âm ỉ tại Châu Âu. Vì tuổi quá nhỏ nên tôi không thể hiểu được tất cả mọi việc, tuy nhiên tôi vẫn có thể nghe được giọng nói đầy uy hiếp của Adolph Hitler phát ra từ chiếc radio hiệu Zenith đặt trong phòng khách và giọng người dẫn chương trình dịch lại phát biểu từ tiếng Đức sang tiếng Anh: “Hitler nói rằng:…”

Cũng trong khoảng thời gian đó, một cuộc chiến đang diễn ra trong Quốc Hội Anh. Winston Churchill tranh đấu để các lãnh đạo đất nước hành động một cách hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn Thế Chiến II xảy ra. Vào ngày 12 tháng 11 năm 1936, Churchill phát biểu: “Vậy họ [Quốc Hội Anh] cứ đi tiếp con đường nghịch lý lạ thường, họ quyết định rằng họ vẫn chưa nhất quyết, họ kiên quyết rằng họ vẫn đang phân vân, kỷ cương biến thành buông lỏng, cứng rắn biến thành mềm yếu, và toàn quyền trở nên bất lực.” Kết quả sau đó là Churchill chiến thắng và quốc hội chấp nhận thông điệp của ông.

Tuy nhiên quay ngược về thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, tiên tri Giê-rê-mi đã không được thành công như thế. Quân đội Ba-by-lôn hung bạo đã sẵn sàng đánh chiếm vương quốc Giu-đa, trong khi đó Giê-rê-mi đã nói cùng các lãnh đạo Do Thái về giải pháp của Đức Chúa Trời cho nan đề này đó là: hãy ăn năn tội lỗi, hạ mình quay về với Chúa và đầu hàng người Ba-by-lôn. Tuy nhiên các lãnh đạo đất nước đã do dự và rồi không nghe lời Giê-rê-mi. Nhà vua và nội các của ông tranh luận rằng: “Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ không để cho dân ngoại phá hủy thành thánh và đền thờ thánh của Ngài. Thật nực cười nếu đầu hàng người Ba-by-lôn bởi vì Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ tuyển dân của Ngài!” Thái độ lưỡng lự của họ chính là một quyết định và đây là một quyết định sai; chỉ trong vài năm, những điều mà các chính trị gia nói rằng sẽ không xảy ra thì đã xảy ra. Tại sao? Bởi vì họ không lắng nghe thông điệp từ tiên tri của Đức Chúa Trời.

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ sama nghĩa là “lắng nghe, nghe lời, vâng lời” và từ này xuất hiện gần hai trăm lần trong sách tiên tri Giê-rê-mi. Cũng giống như tiên tri Ê-sai, Giê-rê-mi nhanh chóng nhận ra rằng dân Giu-đa có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe (Giê 5:21; so sánh Êsai 6:9-10). Chắc chắn Giê-rê-mi đã kêu khóc mà rằng: “Ta sẽ nói và làm chứng cho ai, đặng họ nghe ta?”

Tuy nhiên Giê-rê-mi không bỏ cuộc. Trong bốn mươi năm, Giê-rê-mi đã trung tín công bố Lời Chúa cho dân tộc Giu-đa, một dân đui mù thuộc linh. Giê-rê-mi đã để lại một gương mẫu để chúng ta vâng theo ý Chúa mặc dù chúng ta không nhìn thấy được kết quả tích cực.

CHÚNG TA PHẢI LẮNG NGHE VÀ VÂNG LỜI KHI CHÚA PHÁN (Giê. 1)

Giê-rê-mi được sinh ra trong một gia đình thầy tế lễ tại thị trấn A-na-tốt, cách thành Giê-ru-sa-lem khoảng năm ki-lô-mét. Khi ông chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành và đã sẵn sàng để bắt đầu hầu việc Chúa với vai trò là một thầy tế lễ, nhưng Đức Chúa Trời kêu gọi ông trở thành một tiên tri. Ê-xê-chi-ên, Xa-cha-ri và Giăng Báp-tít cũng đều xuất thân từ chức tế lễ để trở thành tiên tri. So với tiên tri, chức vụ tế lễ khá dễ dàng bởi vì đã có các nghi thức và tất cả đều được giải thích trong các sách Môi-se. Công việc của một thầy tế lễ đó là bảo tồn quá khứ, trong khi nhiệm vụ của một tiên tri đó là thay đổi hiện tại để đảm bảo cho tương lai. Cả hai công tác trên đều quan trọng, nhưng công việc của thầy tế lễ thì dễ dàng hơn rất nhiều. Nhu cầu của các thầy tế lễ sẽ được đáp ứng bằng các của dâng hiến từ người dân, và họ sẽ không phải can thiệp vào chính trị hoặc phải đứng lên phát ngôn. Người dân tôn trọng thầy tế lễ nhưng thường chối bỏ, thậm chí giết các tiên tri. Trở thành người công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời cho một dân tộc phản loạn là một thử thách đáng sợ cho một chàng trai trẻ đầy nhạy cảm, và không nghi ngờ gì, Giê-rê-mi đã bắt chước Môi-se mà kháng cự sự kêu gọi của Chúa.

Lần đầu tiên Đức Chúa Trời phán cùng ông, Giê-rê-mi lập luận rằng ông còn quá trẻ để đại diện Đức Chúa Trời trước dân sự. Dân chúng, đặc biệt là các lãnh đạo, sẽ không bao giờ nghe lời của một “con trẻ.” Tuy nhiên Đức Chúa Trời đảm bảo vởi Giê-rê-mi rằng trước khi ông được hoài thai trong lòng mẹ, Ngài đã lập và trang bị để ông trở thành một tiên tri của Ngài. Ê-sai được một sê-ra-phim gắp viên than nóng đỏ lấy từ bàn thờ mà để vào miệng, nhưng chính Chúa đã chạm vào miệng Giê-rê-mi và ban cho ông lời để nói. Đức Chúa Trời cũng ban cho ông một lời hứa lớn: “Ta sẽ tỉnh thức, giữ lời phán ta đặng làm trọn. (Giê 1:12). Giống như Sa-mu-ên, không lời nào của Giê-rê-mi rơi xuống đất và bị mất đi (1 Sa. 3:19). Lời nói của chúng ta chỉ như một luồng không khí cộng thêm một chút tiếng động, phát ra rồi nhanh chóng tan biến, nhưng khi chúng ta nói Lời Chúa thì không như thế. “Lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Êsai 55:11). Lời Chúa sẽ không qua đi.

Sứ điệp Đức Chúa Trời ban cho Giê-rê-mi không phải là tin tức vui mừng cho đất nước, bởi vì ông công bố rằng tai họa sẽ ập đến từ phương bắc. Quân đội Ba-by-lôn sẽ đánh chiếm Giu-đa, tàn phá đất đai, phá hủy đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem, họ sẽ bắt hàng ngàn người lưu đày sang Ba-by-lôn. Nếu người Do Thái ăn năn tội lỗi, từ bỏ hình tượng để quay về với Đức Chúa Trời và đầu hàng vua Nê-bu-cát-nết-xa thì thủ đô và đền thờ sẽ được giữ lại; tuy nhiên dân chúng tin vào sự giả dối của các tiên tri giả và mong chờ Đức Chúa Trời sẽ giải cứu Giu-đa khỏi kẻ thù.

Khi Đức Chúa Trời kêu gọi chàng trai trẻ Giê-rê-mi trở thành tiên tri, Ngài đã gọi ông trở thành một người phá hủy, người xây dựng, gieo trồng (Giê 1:10), người thử nghiệm (Giê 6:27), bác sĩ (Giê 8:21-22) và người chăn (Giê 13:17). Hãy suy ngẫm về các công việc trên liên hệ như thế nào đến mục vụ của một tiên tri. Các lãnh đạo sẽ chống đối và tấn công Giê-rê-mi, nhưng Chúa sẽ khiến ông nên một thành vững bền, trụ cột bằng sắt và tường bằng đồng (Giê 1:18). Giê-rê-mi thấy mình giống như chiên con bị dắt đến lò mổ (Giê 11:19) và là một kẻ gây rối mà ai cũng ghét (Giê 15:10). Khi ông than phiền với Chúa và nghĩ đến việc thoái lui (9:2), Chúa đã phán cùng ông rằng công việc sẽ càng khó khăn hơn! “Nếu ngươi chạy thi với kẻ chạy bộ, mà còn mỏi mệt, thì làm sao thi được với ngựa? Khi trong xứ yên lặng, ngươi được an ổn, nhưng khi sông Giô-đanh tràn, thì ngươi sẽ làm thế nào?” (Giê. 12:5).

Điều gì giữ cho Giê-rê-mi tiếp tục chức vụ của mình? Ông đã lắng nghe Lời Chúa, được nuôi dưỡng nhờ Lời Chúa (Giê 15:16), và mạnh dạn công bố lời Chúa cho dân sự. Ông biết rằng mình được Đức Chúa Trời kêu gọi và Chúa sẽ giữ lời hứa Ngài. Ngày nay công tác hầu việc Chúa vẫn diễn ra như thế. Đức Chúa Trời canh giữ Lời Ngài và hoàn thành ý muốn của Ngài dù chúng ta không nhìn thấy. Nhiệm vụ của chúng ta là lắng nghe tiếng Chúa và công bố lẽ thật của Ngài thì Ngài sẽ làm phần việc còn lại. Mục vụ của chúng ta là những công tác của đức tin, và “đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô. 10:17).

CHÚNG TA PHẢI TIN CẬY CHÚA, BỞI VÌ NGÀI LẮNG NGHE CHÚNG TA

Nếu chúng ta lắng nghe cách nhanh chóng khi Chúa phán thì Ngài cũng lắng nghe cách nhanh chóng khi chúng ta cầu nguyện. Giê-rê-mi là một người cầu nguyện, ít nhất mười lăm lần chúng ta đọc thấy ông cầu nguyện cùng Chúa (Giê 1:6; 4:10; 9:1-2; 10:23-25; 12:1-4; 14:7-9, 19-22; 15:10, 15-18; 16:19-20; 17:12-18; 18:19-23; 20:7-18; 32:16-25; 42:1-22). Quả hẳn Giê-rê-mi là một người cầu thay trung tín bởi vì ít nhất ba lần Đức Chúa Trời truyền cho ông thôi cầu thay cho đất nước (Giê 7:16; 11:14; 14:11; và xem 15:1). Giống như các sứ đồ, Giê-rê-mi nhiệt thành cầu nguyện và giảng dạy Lời Chúa (Công 6:4).

Có những thời điểm tâm linh của Giê-rê-mi giống như ở trên một đỉnh núi nhưng rồi bất chợt lao xuống thung lũng tuyệt vọng. Giê-rê-mi thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: “Sao đường lối những kẻ ác được thạnh vượng?” (Giê 12:1-2), ông hỏi Chúa về những kẻ đã nói sai về ông và chống đối ông. Giê-rê-mi ngợi khen Chúa đã giải cứu ông nhưng ngay sau đó lại rủa sả ngày sinh của mình (Giê 20:13-18). Tiên tri đặt câu hỏi với Chúa: “Cớ sao sự đau đớn của tôi cứ còn hoài? Cớ sao vết thương của tôi không chữa được và nó không chịu khỏi? Ngài đối với tôi hẳn như cái khe giả dối, cái suối tắt mạch hay sao?” (Giê. 15:18). Nhiều lần Giê-rê-mi cầu xin Chúa trả thù những kẻ bắt bớ ông (Giê 11:20; 15:15; 20:12). Ông cầu nguyện rằng: “Xin kéo những người ấy như con chiên bị dắt đến chỗ giết” (Giê 12:3). “Xin Ngài làm cho những kẻ bắt bớ tôi bị xấu hổ… cho họ kinh hoàng” (Giê 17:18). Giê-rê-mi nhắc Đức Chúa Trời rằng vì Ngài mà ông chịu sỉ nhục (Giê 15:15), bị tống giam (Giê 20:1-6), bị bắt trái phép (Giê 37:11-21), bị quăng xuống hố (Giê 38:1-13), và bị nhà vua đốt cuộn sách tiên tri quý giá (Giê 36:1-32).

Tuy nhiên qua mọi trải nghiệm trên, dù ông bị sỉ nhục hoặc tổn thương như thế nào nhưng Giê-rê-mi vẫn luôn cầu nguyện cùng Chúa và thành thật nói về cảm giác của mình. Giê-rê-mi rất mạnh mẽ trước dân sự nhưng tan vỡ trước Chúa, và đây là điều chúng ta phải noi theo. “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi” (Thi 46:1), chính vì thế chúng ta có thể chạy đến với Ngài, nương náu nơi Ngài và nhận được sức lực để quay trở về với chiến trận. Nương náu nơi Chúa không có nghĩa là được Ngài nuông chiều. Giê-rê-mi nói rằng: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin vì tôi ghé tai nghe những lời của kẻ cãi lẫy với tôi! (Giê 18:19), và Chúa đã lắng nghe và đáp lời. Ngài cũng sẽ lắng nghe và đáp lời cầu nguyện của chúng ta.

CHÚNG TA PHẢI LẮNG NGHE, THẤU HIỂU NHU CẦU CỦA CÁC THỜI ĐẠI

Tôi tớ kết quả của Chúa phải giống như con cháu Y-sa-ca “hiểu biết thì giờ, và việc dân Y-sơ-ra-ên nên làm” (1 Sử 12:32). Hiểu biết Lời Chúa thôi vẫn chưa đủ; chúng ta cũng phải biết về các thời đại và có thể áp dụng Lời Chúa cho nhu cầu của dân sự. Các tiên tri giả trong thời Giê-rê-mi đã giảng rằng Đức Chúa Trời sẽ đánh bại Ba-by-lôn cùng giải cứu Giê-ru-sa-lem và dân sự, tuy nhiên tất cả những dự đoán của họ đều sai. Giê-rê-mi nói rằng: “Họ rịt vít thương cho dân ta cách sơ sài mà rằng: Bình an! Bình an! mà không bình an chi hết” (Giê 6:14; 8:11). Giê-rê-mi là vị bác sĩ trung thực, một người than khóc cho tổ quốc và dùng đúng phương thuốc để chữa lành cho dân sự. “Trong Ga-la-át há chẳng có nhũ hương sao? Há chẳng có thầy thuốc ở đó sao? Vậy thì làm sao mà bịnh con gái dân ta chẳng chữa lành?” (Giê 8:22).

Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien

 

 

 

 

 

 

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn