Thứ Năm , 25 Tháng Tư 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Mùa Xuân Nói Về Phước Lộc Thọ

Mùa Xuân Nói Về Phước Lộc Thọ

Phúc Lộc Thọ hay Phước Lộc Thọ (Giản thể: 福禄寿; Phồn thể: 福祿壽; bính âm: Fú Lù Shòu) là thuật ngữ thường được sử dụng trong văn hóa Trung Hoa và những văn hóa chịu ảnh hưởng từ nó, để nói về ba điều cơ bản của một cuộc sống tốt đẹp là: những điều lành (Phúc), sự thịnh vượng (Lộc), và tuổi thọ (Thọ).

PHƯỚC 福
Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi;
Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài
(Thi Thiên 23:6).
Trước khi mơ đến giàu sang, phú quý, vinh hoa, ai trong chúng ta cũng cầu cho mình và người thân của mình một năm mới được phước cái đã. Chữ phước (hay phúc) rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của con người; phước là những điều may mắn, những điều tốt đẹp, những sự tốt lành.
Văn hóa Á Đông chia nhau một ngữ nghĩa chung về phước lành. Giống như màu đỏ chủ đạo của ngày Tết, tượng trưng cho sự may mắn; chữ phước được viết, vẽ, treo, dán, tặng, biếu, chúc khắp nơi trong ngày Tết. Chữ phước xuất phát từ tiếng Trung Hoa, một ngôn ngữ tượng hình. Dù không còn sử dụng chữ Nôm, nhưng tiếng Việt ngày nay hãy còn mượn Hán tự rất nhiều; vậy nên, chúng ta cũng nên biết một ít về Hán tự để làm phong phú ngôn ngữ nói, cũng như ngôn ngữ viết của mình.
Chữ Phước gồm bốn bộ ghép lại. Bên trái là bộ thị (⺭), nghĩa là ước muốn, cầu mong. Bên phải, phía trên là bộ miên (宀), tức là cái mái nhà; dưới là bộ khẩu (口), khẩu là cái miệng; dưới nữa là bộ điền (田), điền là đất, là ruộng. Phước 福 là chữ tượng hình, thay vì ghép chữ theo mẫu tự Latin; thì họ ghép một chữ gồm các bộ, các nét dựa trên ngữ nghĩa tượng hình. Vì vậy chữ tượng hình không những khó nhớ, mà còn rất sâu sắc về hàm ý.
Chữ phước có bốn bộ: Bộ thị (cầu mong), bộ miên (mái nhà), bộ khẩu (cái miệng), bộ điền (ruộng đất); phản ánh một mong ước bình dị nhưng rất thực trong đời sống hàng ngày của một con người: Mong một mái nhà để an cư; mong có một mảnh vườn để trồng trọt; mong những tiếng nói cười trong một gia đình. Ước mơ của người Á Đông cũng chính là ước mơ chung mọi dân tộc trên thế giới.
Đối với chữ phước là chữ họa. Phước mang đến vui mừng, họa mang đến buồn đau. Phước mang đến hy vọng, họa mang lại tuyệt vọng. Phước đến từ Chúa, họa đến từ ma quỉ. Đức Chúa Trời luôn luôn ban phước; và ngược lại, ma quỉ luôn luôn gây tai ương. Đó là lý do, ngay khi tạo dựng xong vũ trụ, muôn loài, muôn vật và con người, Đức Chúa Trời liền chúc phước cho.
Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều (Sáng Thế Ký 1:22). Ước mong chung của con người cũng như của muôn loài là được tồn tại, và phát triển; nhưng để có được điều mong ước đó, thì phải nhờ đến phước Chúa ban cho, là Đấng đã khai sinh ra muôn vật.
Kinh Thánh có tới 399 lần nói đến chữ phước; từ đất đai đến cây cỏ; từ cây cỏ đến loài vật; từ loài vật đến con người. Mọi sự ban phước của Đức Chúa Trời cũng duy nhất chỉ để dành cho con người mà thôi! Đó chính là cái phước lớn nhất mà Chúa vì yêu thương chúng ta, Ngài đã và sẽ tiếp tục ban xuống cho đến khi chung kết cõi đời nầy.
Ngày Tết, tôi muốn nói bốn điều liên quan đến chữ phước, là điều chúng ta cầu xin cho bản thân, cho gia đình, cho dòng tộc, cho bạn bè, cho cộng đồng, cho dân tộc, cho toàn thế giới. Cả bốn điều đều rất quan trọng trong chữ phước.
Thứ nhất, bộ Thị trong chữ phước là cầu thị, là ao ước. Bạn muốn có phước bạn không thể tách rời nguồn phước từ Trời; chỉ duy nhất Đức Chúa Trời mới mang lại ơn phước cho con người. Kinh Thánh khẳng định: Người ở bực cao chúc phước cho kẻ bực thấp, ấy là điều không cãi được (Hê-bơ-rơ 7:7).
Đức Chúa Trời là bực cao nhất. Đức Chúa Trời là nguồn phước duy nhất. Đức Chúa Trời là Thần Linh duy nhất muốn con người được phước. Đức Chúa Trời là Đấng có thẩm quyền duy nhất xuống phước. Bạn không cầu Ngài thì còn cầu ai bây giờ?
Thứ hai, bộ Miên, cái mái nhà. Thật là một hình ảnh tuyệt đẹp. Nhà tượng trưng cho một gia đình. Xã hội bắt đầu từ một gia đình. Có nhiều gia đình mới hình thành nên một xã hội, một quốc gia. Gia đình bắt đầu từ người nam và người nữ. Ngài dựng lên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ (Sáng Thế Ký 5:2).
Từ khi con người sa vào tội lỗi, không biết Đức Chúa Trời là ai; nhầm lẫn giữa đạo đức của con người là ăn ngay ở lành, với đạo cứu rỗi của Chúa Giê-su thì, ngôi nhà của họ đã mất phước từ lâu rồi. Vậy nên, chỉ có trở lại với Đức Chúa Trời, tin nhận Chúa Giê-su, thờ phượng Ngài, bước theo Ngài; nghĩa là trở về dưới mái nhà của Đức Chúa Trời thì sẽ lập tức nhận phước từ Trời.
Thứ ba, bộ khẩu là cái miệng. Đức Chúa Trời sanh chúng ta có cái miệng; trước là để ăn uống, nói năng, truyền đạt, ca hát; nhưng cũng để tôn vinh, chúc tụng Đấng đã cho chúng ta ra đời. Kinh Thánh dạy về cái miệng liên quan đến lời nói rất nhiều. Chúa dạy: Ai muốn yêu sự sống, thấy điều tốt lành, thì hãy gìn giữ miệng lưỡi, đừng nói điều ác (I Phi-e-rơ 3:10).
Hãy chúc phước nhau, chớ rủa sả. Hãy nói những lời êm dịu, ngọt ngào. Hãy dùng thơ thánh ca vịnh mà đối đáp nhau. Hãy khích lệ, hãy nâng đỡ, hãy nói tốt về nhau. Hãy nói lời lành. Ngày Tết chúng ta chúc nhau thế nào, ngày thường cũng vậy. Có một người hỏi tôi sao nói được như vậy mỗi ngày? Được, hãy tập tành. Hãy làm bạn với người hiền. Hãy thuộc nhiều Lời Chúa. Hãy yêu điều công bình. Hãy yêu tội nhân. Hãy yêu anh em mình thấy được.
Cuối cùng, bộ điền là ruộng đất. An cư mới lập nghiệp đó là quy luật muôn đời; ở đâu cũng vậy, từ Á sang Âu, từ Âu qua Mỹ; từ nông thôn lên thành thị. Dân Do Thái từ nô lệ Chúa ban cho vùng đất thánh làm cơ nghiệp. Dân Âu Châu tìm chỗ thờ Chúa, Ngài thương và ban cho vùng bắc Mỹ ngày nay. Từ ngàn xưa, đất đai là cơ nghiệp, muốn dựng cơ nghiệp phải có đất đai.
Kinh Thánh rất nhiều chỗ Chúa hứa về điều nầy. Còn kẻ nào trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ nghiệp (Thi Thiên 37:9b). Có đất đai không hẳn đã giữ được cơ nghiệp. Muốn có cơ nghiệp chỉ có Đức Chúa Trời mới giữ được cho chúng ta. Do Thái lập quốc 1948 là một minh chứng. Cơ nghiệp của người tin Chúa không chỉ ở đời nầy mà còn ở đời sau. Đức Chúa Trời chính là cơ nghiệp của con dân Chúa; và ngược lại, con dân Chúa cũng chính là cơ nghiệp của Ngài.
Tôi nghĩ rằng, năm mới người ta chúc nhau may mắn, chúc tốt lành, chúc mọi điều hanh thông, chúc sức khỏe, chúc bình an vẫn chưa đủ. Phước phải có cả bốn điều trên; nghĩa là phải nhận phước từ Trời mới thật sự là phước lành, phước tứ diện, phía tứ bề. Chỉ có phước Chúa mới sung túc, tràn đầy mà thôi.
Tôi thấy đầu năm nhiều người đi xin phước, mà xin không đúng chỗ, đúng người. Tôi cũng thấy anh chị em con dân Chúa cầu xin phước mỗi ngày chứ không phải đợi đến Tết mới xin. Người không tin Chúa cầu phước, nhưng tôi chắc sẽ không nhận được đâu; con dân Chúa không cần phải xin, vì phước Chúa luôn đuổi theo họ. Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi; Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài (Thi Thiên 23:6).
Đặt mình trong sự che chở của Chúa, thì phước Chúa sẽ tuôn tràn, ngày Tết cũng như ngày thường.
Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó (Giăng 15:7).
Lộc là trung tâm trong bộ tam đa Phúc Lộc Thọ,  biểu tượng cho sự may mắn, hạnh phúc tốt lành trong cuộc sống của người Việt. Chữ Lộc 禄 /lù/: lộc gồm 12 nét, có kết cấu trái phải, gồm bộ Thị (礻) ở bên trái và chữ Lục ( 录) ở bên phải.
Thời phong kiến, ngày Tết, các quan đại thần vào chầu vua, được vua ban lộc đầu năm. Lộc vua bày tỏ tấm lòng rộng rãi, kính trọng, yêu thương của ngài dành cho các đại thần; hầu khích lệ lòng trung thành và ái quốc của quần thần. Nhận lộc vua dĩ nhiên là các quan rất vui sướng, rất hãnh diện.
Lộc nhiều khi là sự ghi ơn của vua, hoặc của dân về sự hy sinh, đóng góp, công khó của các quan trong triều, đã hàng ngày giúp vua lo việc nước, việc triều chính; đem tài năng, trí tuệ, đức độ, có khi cả tánh mạng ra can gián, chết thay cho vua. Đó là nét văn hóa trong sinh hoạt ứng xử cung đình ngày xưa.
Thời kỳ phong kiến đã qua, việc ban lộc từ vua không còn; nhưng trong nhân gian, vẫn rất nhiều người cầu lộc đầu năm. Từ lâu, đối với người Việt, lộc tượng trưng cho tiền tài, bổng lộc, thịnh vượng, đầy đủ, sung túc, phát đạt, công thành. Ngày Tết bà con mình luôn cầu mong phúc, lộc, thọ, khang, ninh.
Mưu cầu hạnh phúc là lẽ thường tình của con người. Cầu mong cho bản thân, gia đình mình được phước, được thịnh vượng thì có gì sai đâu. Cuộc sống vốn nhiều khổ đau, thất bại, túng thiếu, nên dịp Tết có nhiều người cầu lộc. Vấn đề là xin sao cho đúng nhu cầu, đúng nơi, đúng chỗ, đúng người.
Thánh Kinh cho thấy nhiều người đã cầu xin. Đức Giê-hô-va ơi, xin hãy ban cho chúng tôi được thới thạnh (Thi Thiên 118:25b). Tức là xin làm ăn được hanh thông, thuận lợi. Xin cho mưa thuận gió hòa. Xin cho chân cứng đá mềm. Ma quỉ phá hoại làm cho con người thất bại; nhưng Đức Chúa Trời vùa giúp cho những ai cầu khẩn Ngài.
Khi chuẩn bị lên ngôi vua, Sa-lô-môn cầu xin Đức Chúa Trời: Vậy, xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng, để đoán xét dân sự Ngài và phân biệt điều lành điều dữ; vì ai có thể đoán xét dân rất lớn này của Chúa (I Các Vua 3:9).
Người ta cầu tiền tài, cầu chức tước, cầu thịnh vượng, giàu có; Sa-lô-môn cầu sự khôn ngoan, cầu ơn quản trị. Tôi thấy các quan chức đời nầy cai trị bằng quyền lực, chứ ít ai chịu khó nghiên cứu tâm lý của dân chúng, hầu đáp ứng sự khao khát của họ.
Ngành quản trị nhân sự ra đời ở Hoa Kỳ trên dưới 25 năm, người ta nghiên cứu mọi phương cách để tìm ra mẫu số chung, tìm ra bí quyết, tìm ra công thức hầu áp dụng trong quản trị; từ quản trị tư đến quản trị công; từ quản trị vi mô lên quản trị vĩ mô. Chúng ta cũng đồng ý rằng, dân Mỹ giỏi về lãnh đạo; tất cả những nhà lập quốc của Hoa Kỳ đều là những nhà lãnh đạo xuất chúng.
Họ đã viết một bản hiến pháp mà các nhà nghiên sau nầy nói rằng: Đó là tác phẩm của những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Chính hiến pháp nầy đã bảo vệ quyền lợi, tự do, ước muốn, tài sản cho dân Mỹ.
Thời Cựu Ước, Sa-lô-môn đã cầu xin Chúa điều ấy. Ông xin ơn lãnh đạo quốc gia. Đức Chúa Trời vui lòng vì lời cầu xin nầy. Bởi vì ngươi đã cầu xin điều nầy, mà không xin sự sống lâu, không xin sự giàu có, cũng không xin mạng của những kẻ thù nghịch ngươi, nhưng xin sự thông minh để biết xét đoán, nầy ta đã làm theo lời cầu xin của người (I Các Vua 3:11-12a).
Tôi vô cùng thích thú phân đoạn nầy. Tôi ước mong tất cả các nhà cầm quyền, các lãnh đạo đời nầy, và nhất là các nhà lãnh đạo thuộc linh để ý và cầu xin khôn ngoan trong lãnh đạo. Hàng ngày tôi đọc Kinh Thánh, có rất nhiều câu chuyện liên quan đến lãnh đạo, có rất nhiều bài học giúp chúng ta áp dụng để thành công trong cuộc sống.
Tôi yêu lời cầu nguyện chúc phước của Gia-cốp: Cầu xin Đức Chúa Trời cho con sương móc trên trời xuống, Được màu mỡ của đất, Và dư dật lúa mì cùng rượu (Sáng Thế Ký 27:28). Bà con mình đa phần làm nông, thời tiết ảnh hưởng đến năng suất, lời cầu nguyện trên vẫn còn nguyên giá trị.
Tôi thấy nhiều người quanh năm vất vả, nhưng cuối năm vẫn đổ nợ. Tôi thấy nhiều người rất giỏi nhưng cứ thất bại mãi. Người ta đổ cho thời vận, đổ cho số mệnh, đổ cho cung mạng. Chẳng có thời vận, số mệnh, cung mạng nào lớn hơn Đức Chúa Trời.
Chúa Giê-su dạy: Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó (Giăng 15:7). Tin nhận Chúa Giê-su; để Lời Chúa dạy dỗ; để Đức Thánh Linh dẫn dắt; cầu xin mọi điều theo ý Chúa, không theo ý mình, thì Chúa sẽ nhậm lời. Cá nhân tôi thấy rằng, Kinh Thánh đã là nguồn phước sung mãn rồi. Đọc Kinh Thánh để nhận lãnh lẽ thật thì đó chính là lộc từ Trời.
Năm mới, tôi xin Đức Chúa Trời Ba Ngôi, ban cho các tôi tớ, và toàn thể con dân Chúa như câu Kinh Văn nầy: Tôi cầu nguyện cho anh em được thạnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh phần xác cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy (III Giăng 1:2).
🙂

Chữ Thọ Trong tiếng Trung là 寿 shòu có nghĩa là sống thọ, cao tuổi.

Người già cả có sự khôn ngoan,
Kẻ hưởng trường thọ được điều thông sáng
(Gióp 12:12).
Đối với người Việt, nhà nào có quý cụ từ 80 tuổi trở lên vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn thì gọi là đại phước rồi. Càng phước hơn nữa, nếu có cả bốn thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà. Tứ đại đồng đường thì còn hạnh phúc nào bằng nữa; hầu con cháu có cơ hội báo hiếu, phụng dưỡng công lao của ông bà, cha mẹ.
Tuổi trẻ người ta tổ chức sinh nhật; nhưng về già con cháu tổ chức mừng thọ, mừng trung thọ, mừng thượng thọ, mừng đại thọ cho ông bà. Phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn. Phúc lộc dồi dào như nước biển Đông Hải; Nam Sơn có nhiều rừng trúc, đếm không xuể; ý là con cháu mong ước ông bà, cha mẹ trường thọ. Chúc ông bà bách niên giai lão.
Đã là con người, ai cũng ước muốn sống lâu, sống khỏe. Sống trường thọ.
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết tuổi thọ trung bình của con người hiện nay là 72. Cư dân của những nước giàu có, văn minh đương nhiên là sống lâu, sống khỏe hơn những nước nghèo đói, lạc hậu. Đứng đầu là Hong Kong, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Singapore, Ý, Tây Ban Nha, Úc, Ái Nhĩ Lan, Thụy Điển, Pháp sống thọ nhất, trên mức 80 tuổi; cả đàn bà lẫn đàn ông. Việt Nam đứng hạng 84 thế giới, tuổi thọ trung bình chừng 75.
Cho dù là 70, 80, 90, 100, 110, thì tuổi thọ của con người cũng chỉ giới hạn 120 mà thôi. Buồn nhưng phải chấp nhận. Đức Chúa Trời đã hạn định. Trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi (Sáng Thế Ký 6:3b).
Loài người ngày càng tiến bộ. Ngày nay bộ giải mã gien của con người đã hoàn chỉnh, nhưng để tìm ra phương cách kéo dài tuổi thọ thì vẫn chưa bao giờ đạt được. Cái giới hạn 120 mà chưa đạt được nữa là sống lâu hơn. Đó là chưa nói, sống qua tuổi 80 mà còn sung mãn, minh mẫn thì hiếm. Vô cùng hiếm.
Trước thời Nô-ê, tuổi thọ trung bình của con người là 900. Người có tuổi thọ cao nhất là cụ Mê-tu-sê-la. Mê-tu-sê-la hưởng thọ được chín trăm sáu mươi chín (969) tuổi, rồi qua đời (Sáng Thế Ký 5:27). Chính tội lỗi đã làm cho con người phải nhận sự chết; khi bị Đức Chúa Trời đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Càng về sau tội ác càng gia tăng. Tội ác càng gia tăng, tuổi thọ của con người càng giảm dần.
Năm mới, chúng ta chúc cho ông bà, cha mẹ khỏe mạnh, bình an.
Đêm đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Mẹ còn là cả trời hoa,
Cha còn là cả một tòa kim cương
Nhưng thọ hay không, không bởi muốn mà được; bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Sự sống trong tay Chúa. Sự chết trong tay Chúa.
Tôi thấy sự trường thọ phải đi kèm với khỏe mạnh và bình an, mới vui được, mới đáng sống; chứ sống lâu mà mang bệnh tật trong người, sẽ làm khổ thêm cho ông bà, cha mẹ mình. Tôi quan sát thấy một số ít các vị cao niên không những thọ, mà còn khỏe; không những khỏe mà còn tinh anh nữa. Giống như ông Gióp nói:
Người già cả có sự khôn ngoan,
Kẻ hưởng trường thọ được điều thông sáng
(Gióp 12:12).
Sự khôn ngoan mà Gióp nói chính là sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Cho dù có là nhà bác học đi nữa, mà chối bỏ Đấng Tạo Hóa, thì tuổi thọ dương thế cũng chẳng ý nghĩa gì. Hưởng những ngày Trời trên đất phải bằng tấm lòng khôn ngoan nhận biết có Đức Chúa Trời thực hữu; có sự thông sáng trong lòng bằng lời Chúa soi dẫn, sự trường thọ đó mới có ý nghĩa.
Tôi quan sát những vị cao niên mà sợ cho tuổi già của mình. Nhiều vị tiếc rẻ đã dùng cả một đời để làm những việc của đời nầy, mà không hiểu mục đích Chúa muốn. Chúng ta mỗi lần chúc thọ những vị cao tuổi, hãy ngẫm đến thời gian Chúa cho ta sống trên đất. Tôi nhớ đến câu Kinh Thánh: Ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi nhiều hơn; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ đòi lại nhiều hơn (Lu-ca 12:48).
Chúa ban cho tài năng. Chúa ban cho cơ hội. Chúa ban cho phương tiện. Chúa ban cho tiền bạc. Chúa ban cho gia đình. Chúa ban cho công việc. Chúa ban cho cuộc sống. Và ngay cả tuổi thọ, Chúa cũng ban cho. Ai sống thọ, hãy tạ ơn Chúa. Hãy hưởng những ngày Trời trên đất theo sự khôn ngoan mà Kinh Thánh chỉ dẫn. Và nhớ rằng, ai được cho nhiều, sẽ bị Chúa đòi lại nhiều!
Tôi lại nhớ đến câu Kinh Thánh: Hãy nhớ đến người dẫn dắt mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy xem sự cuối cùng của đời họ, và học đòi đức tin họ (Hê-bơ-rơ 13:7). Mục đích lớn nhất của Đức Chúa Trời là cứu rỗi toàn thể nhân loại, thông qua sự chết của Chúa Giê-su; và những người truyền đạo đang thực hiện mục đích đó cho Ngài. Hãy học theo họ. Hãy nhìn sự cuối cùng của đời họ.
Sống lâu, và mang ảnh hưởng của mình để giúp cho con cháu, dòng tộc, thân hữu ăn năn, quay về với Chúa; hiểu biết lẽ thật của Chúa, thì ấy là những người sống có phước, có ích, có ý nghĩa.

Cầu chúc cho các bậc cao niên một năm mới khỏe mạnh, an khang, vui thỏa và sống có ý nghĩa trong những ngày còn lại trên đất. Sống theo Kinh Thánh dạy là cuộc sống có ý nghĩa.

Facebook Nhịp Cầu Tình Thương

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn