Thứ Tư , 24 Tháng Tư 2024
Home / Tin tức / Cuối Năm Mang Nợ?

Cuối Năm Mang Nợ?

(Mục vụ Nhịp Cầu Tình Thương tặng sữa cho các cháu sắc tộc nghèo)

NỢ YÊU THƯƠNG
Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình, ấy là đã làm trọn luật pháp (Rô-ma 13:8).

Tôi có ba người bạn làm kinh doanh. Người thứ nhất, bán thiết bị nhà tắm cao cấp. Người thứ hai, kinh doanh vật liệu xây dựng. Người thứ ba, tổng giám đốc một hãng phân phối thức ăn cho tôm giống, và cá giống. Cuối năm tôi hỏi công việc làm ăn của các bạn thế nào? Câu trả lời chung là, lo thu hồi công nợ cho xong. Nôm na là, cả tháng 12 lo đi đòi tiền. Đòi bằng mọi cách. Đòi mỗi ngày.

Các cơ sở kinh doanh, các công ty ở Việt Nam có cái lệ: làm tất niên cuối năm. Buổi tất niên vui hay buồn, hồ hởi hay chán chường, rôn rả hay thở dài tùy thuộc vào hai yếu tố: Nợ và lãi. Nói về lãi. Làm cả năm đầu tắt mặt tối, cuối năm ngồi tính, mà chẳng dư đồng nào, thì nản lắm. Nếu có lãi, mà người ta vẫn giam tiền không chịu trả, thì lãi cũng chưa phải là lãi. Niềm vui vì thế, cũng chẳng trọn vẹn.

Nói về nợ, cuối năm tính mà không nợ ai, thì khỏe rồi. Còn nếu ai đó nợ mình mà cuối năm vẫn chưa thanh toán, thì ăn tất niên hết ngon. Tôi không hiểu sao cách kinh doanh ở Việt Nam kỳ lạ như thế. Một nền thương mại kiểu đó không lành mạnh, và sẽ không bao giờ phát triển được đâu. Ở Mỹ, mua hàng phải trả tiền liền; không có chuyện cho thiếu, hoặc bán gối đầu.

Ba người bạn của tôi tuổi hãy còn trẻ, mà bạn nào cũng bạc đầu, chỉ vì chuyện kinh doanh hàng ngày. Năm rồi tất cả mọi ngành nghề đều thất bát; mong sao làm mà không lỗ, thanh toán hết công nợ là mừng rồi. Chẳng ai ăn Tết cho nỗi nếu cuối năm mang nợ vào thân. Nợ làm cho người ta lo lắng. Nợ làm cho người ta mệt mỏi.

Tôi không kinh doanh nhưng cuối năm ngồi tính chuyện nợ. Món nợ mà Chúa Giê-su phải gánh thay cho tôi. Món nợ ấy không biết bao giờ trả được. Bạn thử nghĩ, nếu Chúa không gánh thay tội lỗi, tôi vẫn cứ thờ ma lạy quỉ, làm nô lệ cho ham muốn xác thịt, và cuối cùng thì đi hỏa ngục. Nghe đến hỏa ngục là rùng mình rồi.

Tôi hay đọc Kinh Thánh; và rất thích thư Rô-ma. Tôi đọc tới câu nầy: Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt (Rô-ma 1:14). Bạn có biết tại sao Phao-lô viết câu nầy không? Theo ý riêng của tôi, nếu Chúa Giê-su không thương ông, ông đi địa ngục từ lâu rồi, chứ đừng nói làm sứ đồ, và viết Tân Ước.

Kinh Thánh cho biết ở Công Vụ chương 2, ông không những khước từ Chúa Giê-su, mà còn ngăn cản và chém giết một cách tàn nhẫn những người truyền đạo Tin Lành nữa. Về sau, khi ngẫm lại, ông tâm sự với học trò của mình: Đức Chúa Giê-su đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu (I Ti-mô-thê 1:15).

Người biết ơn nhiều là người được tha thứ nhiều. Phao-lô chống Chúa, nhưng được Chúa lấy ân điển mà thương xót ông. Chúa Giê-su đã đến để cứu người có tội, giống như người bệnh cần đến thầy thuốc vậy. Tội lỗi làm cho Phao-lô không nhìn ra Chúa. Ngày nay, cũng chính tội lỗi tiếp tục che mắt nhiều người Gờ-réc lẫn người dã man, người thông thái lẫn người ngu dốt.

Chúa cứu Phao-lô, tức là Chúa xóa tội cho ông. Đó là món nợ cứu rỗi, món nợ yêu thương. Theo kinh nghiệm, ông biết còn nhiều người giống ông; họ quay lưng, họ khước từ, họ chống đối Tin Mừng của Chúa Giê-su. Cách tốt nhất trả nợ cho Chúa là hãy làm chứng về Ngài cho nhiều người khác. Đó là lý do ông nỗ lực truyền giáo khắp nơi.

Bạn và tôi được Chúa Giê-su cứu cũng theo cái cách như vậy. Từ người tội lỗi thành người công bình. Từ người mang trọng án được tuyên trắng án. Từ người chống Chúa thành người theo Chúa. Trước ghét lẽ thật giờ yêu lẽ thật. Cả năm rồi bạn có chia sẻ phúc âm cho ai không? Bạn có mang được người nào về cho Chúa không?

Bởi ân điển Chúa, tôi cố gắng nuôi dưỡng lòng yêu mến Ngài, và yêu mến người hư mất; vậy nên, tôi nỗ lực chia sẻ Tin Mừng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, nguyên năm. Tôi nợ người Kinh, lẫn người H’re, người Bahnar, người J’rai, người K’ho, người Dẻ, người H’lăng, người S’tieng, người H’mong, người Êđê. Tôi xin Chúa cho tôi trả nợ, bằng cách chia sẻ Tin Mừng, và giúp đỡ cho đồng bào tôi; họ còn nghèo lắm, họ còn khổ lắm, còn nhiều người xa cách Chúa lắm.

Tôi cũng cố gắng hạn chế tối đa trong chi tiêu, để không mắc nợ ai. Không nợ đối với tôi là dư. Tôi có kinh nghiệm nầy, khi thiếu tiền, chúng ta sẽ không còn thì giờ để trả món nợ yêu thương cho Chúa. Tôi học theo cách của Phao-lô: Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình, ấy là đã làm trọn luật pháp (Rô-ma 13:8).

Vậy là năm rồi tôi có dư. Dư nhiều à nghen. Của dư tôi nhờ Chúa cất dùm, khi nào gặp Chúa, sẽ lấy. Cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn tấm lòng biết ơn Chúa; và tìm dịp, tìm cách để trả món nợ cứu rỗi cho Ngài, giống như Phao-lô vậy.

Facebook Nhịp Cầu Tình Thương

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn