Thứ Bảy , 20 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / Đứa Con Da Đen Của Mẹ Tôi

Đứa Con Da Đen Của Mẹ Tôi

Tôi rất thích một câu nói “Vì Thượng Đế không có mặt ở khắp mọi nơi, nên Ngài đã sinh ra các bà mẹ.” Vì vậy, các bà mẹ đều sẵn sàng, thậm chí vui vẻ hy sinh vì con, như Đức Chúa Trời chịu đóng đinh trên cây thập tự giá để dẫn dắt các con cái của Ngài vào đường cứu rỗi. Mẹ tôi cũng vậy!
Năm ấy, tôi mười sáu tuổi, đất nước còn chìm trong chiến tranh, ranh giới thiện ác nhập nhằng, hỗn độn, chẳng biết ai là ta ai là thù. Ngoại tôi thường nói: “Đó là thời buổi ma quỷ sống lẫn lộn với loài người…”, nên làng quê tôi không còn yên ấm, thanh bình, đám thanh niên trai tráng, người lánh mặt đi làm ăn xa, người đi theo lý tưởng của mình, chỉ còn đám đàn bà, trẻ con, người già là cam chịu ở lại giữ nhà. Cha tôi cũng vậy, ông ra đi để mẹ tôi ở nhà, vừa nuôi con, vừa chăm sóc mẹ già.
Một đêm trăng tròn vành vạnh, như muốn dát vàng hết cả mái nhà tranh của mẹ con tôi. Mẹ hối hả dục tôi đưa ngoại xuống hầm, tôi cố tìm cho mình một chỗ nằm trong hầm, có chút ánh vàng huyền hoặc lọt vào đủ cho tuổi 16 mơ mộng. Nằm một lúc, tôi nghe rõ tiếng chân người lạo xạo đến gần, cánh cửa nhà tôi bật tung ra, ánh trăng ùa vào, theo sau là năm cái mặt nạ đen ngòm ma quái, hơi men nồng nặc. Chúng dí sát họng súng trước ngực mẹ tôi, gầm gừ hỏi:
-Chồng con bà đâu?
Mẹ tôi luống cuống, nhưng câu trả lời chắc nịch:
-Cha con ông ấy đi làm ăn xa
-Láo! Tao mới thấy con gái mày sáng nay
Bốp…Bốp…Hai cái bạt tai nảy lửa, mẹ tôi xiêu vẹo. Bốp… Bốp… Hai cái bạt tai nữa giáng tiếp lên mặt mẹ, mắt tôi nổ đom đóm, mẹ tôi đổ gục xuống, một dòng máu đỏ rỉ ra trên khóe miệng. Tiếng một gã đàn ông có vẻ là chỉ huy cất lên man rợ:
-Thưởng cho hai thằng này, tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh…
Gã vừa dứt lời, hai cái mặt nạ lao vút lên người mẹ tôi. Nhưng, một bàn tay hộ pháp đã ngăn lại
-Để tao… tao muốn biết “thần dược” của tao hiệu nghiệm cỡ nào…
Vừa nói, hắn vừa nhảy phắt lên người mẹ tôi, hai cánh tay như hai cái gọng kềm xiết chặt thân hình tả tơi của mẹ. Bốn cái mặt nạ còn lại cười hô hố ré lên:
-Đã quá Anh Sáu , “Thần dược” linh nghiệm không chê được…
Tai tôi ù đi, người tôi như đông cứng lại. Tôi ôm chặt lấy ngoại, mặc những dòng nước mắt tuôn xối xả và nỗi uất nghẹn đang chực vỡ òa. Tôi muốn lao lên sống chết cùng mẹ, nhưng lời mẹ dặn tôi vang lên lanh lảnh:
-Thời buổi loạn lạc mà con, sống chết chẳng biết đâu mà lần, người nào sống được thì cố mà sống, nếu lỡ mẹ có bề gì… con phải cố sống để làm chỗ dựa cho em, cho ngoại…
Lời mẹ dặn hôm nào như một lời trăn trối, tôi ôm em, ôm ngoại, cắn răng chịu đựng nỗi đau xé lòng. May mà, cái bệnh già của ngoại làm cho Ngoại chẳng nghe, chẳng thấy gì cả. Trên nắp hầm, dưới ánh trăng vàng, mẹ tôi oằn mình đau đớn. Thứ ánh vàng, tưởng như chỉ là chất men cho các thi nhân làm nên những bài thơ tuyệt tác. Nhưng, trong cái đêm hôm ấy, ánh trăng vàng lại là chứng nhân, soi rõ một tội ác kinh hoàng, khắc vào lòng tôi, một đứa trẻ nỗi căm thù sâu nặng.
Ít lâu sau, cha tôi về, mẹ bàn với cha đưa cả nhà lên thành phố. Cha đồng ý, sắp xếp cho cả nhà xong lại vội vã ra đi. Trước lúc cha đi, ông nói với tôi:
-Con lớn rồi, thế là đã có người bảo vệ cho mẹ và ngoại, cha không phải lo nữa
Tôi lặng thinh như một người câm, quay lưng dấu đôi dòng nước mắt tủi nhục. Cha đi chẳng được bao lâu, thì cái bụng của mẹ tôi lớn dần. Ngoại vui mừng khi biết mẹ có thai, tôi náo nức vì sắp được làm chị, mẹ cũng lăng xăng sắm sửa, chuẩn bị đồ đạc đón em.
Hôm ấy, trời mưa to, mẹ chuyển dạ. Tôi lấp ló ngoài cửa, nghe tiếng mẹ thét lên hãi hùng, trong lúc các y bác sĩ đồng thanh la lớn “ Mỹ đen”. Tôi lẩm bẩm “Sao lại thế… mẹ ơi!”, bàn tay tôi níu chặt lấy cánh cửa phòng sinh, từ từ gục xuống…Tiếng em khóc oe oe như nhát dao đâm vào trái tim tôi ứa máu…
Mấy ngày sau, mẹ tôi mới hồi tỉnh, người đi ra, kẻ đi vào, ném cái nhìn khinh khỉnh về phía mẹ tôi, như nhìn một người đàn bà lăng loàn trắc nết. Thương mẹ quá, tôi ôm chầm lấy mẹ:
-Mẹ ơi! Mẹ không thể nuôi thằng bé da đen này được…
Mẹ hoảng hốt:
-Kìa con, em chẳng có tội gì…
Tôi bực bội:
-Không, nó có tội, nó làm cho người ta khinh bỉ mẹ con mình, rồi đây… nó sẽ còn phá tan hạnh phúc của cha mẹ…
Tôi vùng vằng, mẹ ôm em đau đớn:
-Đừng nghĩ thế con, Chúa đã định đoạt cho mẹ được làm mẹ của em cũng như làm mẹ của con, con đừng lo, mọi chuyện đều có bàn tay của Chúa sắp đặt…
Tôi hét lên:
-Con chỉ biết, mẹ con mình đang bị sỉ nhục… Con không tin … Con không tin có Chúa, có Trời…
Mẹ vội vàng lao đến bịt miệng tôi lại, tôi vùng chạy. Đêm hôm ấy, tôi thao thức mãi không chợp được mắt, hình ảnh mẹ tôi đau đớn trong đêm trăng hôm nào như cuốn phim quay chậm, đè lên trái tim tôi. Tôi nhìn vào chiếc nôi be bé đặt ở góc phòng, thằng em da đen đang say ngủ, nước da đen nhẻm với cặp môi dày như cái gai làm tôi khó chịu. Tôi quyết định phải nhổ cái gai này, cái gai đã đâm xuyên vào tim mẹ, cái gai sẽ đâm nát hạnh phúc của cha, cái gai sẽ phá vỡ mất của tôi một gia đình ấm áp…Tôi se sẽ tiến đến chiếc nôi nhấc thằng em da đen lên, đi một mạch đến nhà thờ. Đường đêm vắng tanh, tôi đặt em xuống gốc cây hoa sứ rồi vội vàng bỏ chạy về nhà, nhưng vừa đến cửa , tôi đã nghe tiếng mẹ khóc rền rĩ “Con ơi! Đứa con tội nghiệp của mẹ” Tôi hoảng hốt quay lại nhà thờ, gốc cây hoa sứ trống tênh làm tôi cuống cuồng chạy quanh nhà thờ “Có ai thấy em tôi không… một thằng bé da đen dưới gốc cây hoa sứ..”. Chẳng ai trả lời tôi cả, chỉ có tiếng chuông nhà thờ ngân vang như tiếng khóc ai oán của mẹ.
Từ ngày mất em, mẹ tôi ngơ ngẩn, suốt ngày lang thang tìm em, ngoại nhớ em ngã bệnh rồi mất. Cha về, thấy cảnh nhà tan tác, sau giờ làm việc, cha lại mượn rượu quên sầu. Trong chốc lát, tôi đã mất tất cả, mẹ câm lặng không tránh móc tôi nửa lời, chỉ ôn tồn vỗ về:
-Thôi con, chuyện đã rồi, tất cả đều là ý Chúa…
Tôi ôm mẹ nức nở:
-Mẹ ơi! Là tội lỗi của con…Con đã cãi ý Ngài…
Sài Gòn quả là rộng lớn. Thế nhưng, hầu như mọi người đều biết mẹ tôi, một người phụ nữ bán vé số mới ngoài 40 tuổi, nhưng lại hom hem như bà già sáu mươi, trước ngực mẹ đeo tấm bảng, có dòng chữ tô đậm “Tôi tìm con tôi, một đứa bé lai Mỹ đen bị thất lạc lúc được 10 ngày tuổi…”. Bằng cách đó, suốt bao nhiêu năm, mẹ tôi lang thang khắp ngõ ngách Sài Gòn tìm em. Có người khuyên:
-Bà tìm làm gì nữa, một đứa bé da đen mất đi là phước cho bà, có nó, bà thêm nhục mà thôi…
Mẹ tôi giận lắm, nhưng chỉ biết kêu lên:
-Chúa ơi! Đó là con tôi… là con tôi…
Dường như mẹ tôi đã quên mất, đó là hậu quả đau đớn sau lần mẹ bị cưỡng hiếp, nhưng tôi thì luôn luôn ghi nhớ, tôi nhớ tiếng cười ma quái của bọn đầu thú mặt người, tôi nhớ hình ảnh nhàu nhĩ, bất động của mẹ tôi trong cánh tay thô lỗ, khát máu của gã ác ôn. Mỗi lần gặp một đứa trẻ da đen nào trên đường phố là mẹ tôi vui lắm, bà tìm cách lân la trò chuyện, hỏi thăm xem mấy tuổi, sinh quán ở đâu. Những ngày chủ nhật, mẹ lại tìm đến viện mồ côi, để được ôm ấp, nựng nịu những em bé da đen. Tiếc là, chẳng có đứa bé nào có sáu ngón tay như em tôi, để mẹ được nhận là con của mẹ sinh ra.
Trong lúc, mẹ tôi lùng sục khắp nơi tìm con, tôi lại nung nấu ý định tìm gã đàn ông đã giáng bất hạnh xuống đầu mẹ tôi để rửa hận. Tìm không được, tôi đâm ra ghét cay ghét đắng tất cả những người Mỹ da đen. Tôi đi học nhảy, xin vào làm ở vũ trường để tiếp cận họ. Có người bị tôi dùng mỹ nhân kế, chuốc rượu cho đến say mềm, rồi vất ra đường, hả hê vui cười khi biết họ bị bọn kẻ cướp, móc túi, trấn lột hết tiền bạc, giấy tờ… Có người còn bị đánh đập dã man vì chống cự lại… Có lúc, tôi bỏ thuốc xổ, thuốc ngủ quá liều vào ly nước uống của họ, khiến họ phải vật vờ lê lết trong bệnh viện… Mẹ tôi biết rõ những việc tôi làm, bà ôn tồn khuyên nhủ:
-Con à! Mẹ đã xin Chúa tha tội cho những kẻ đã làm hại mẹ ngay từ khi em con chào đời… Khi con biết tha thứ cho người khác, con sẽ được Chúa thương xót. Con hãy nhìn tấm gương của Chúa Giê-Xu, dù bị những tên lính La Mã đóng đinh, chịu cực hình đau đớn, nhưng trước khi tắt thở Ngài vẫn nói: “Lạy Cha, xin tha thứ chọ họ, vì họ không biết việc họ làm….”. Hãy tha thứ, con sẽ có cuộc sống bình an và nhận được ơn phước của Chúa…
Mặc mẹ nói gì thì nói, tôi không thể chấp nhận được rằng, họ không biết việc họ làm… tôi muốn họ phải biết việc họ làm và nhận sự trả giá, đó mới là công bằng…Chiến tranh kết thúc, người Mỹ rút về nước, tôi như điên lên vì không còn cơ hội để rửa hận, không còn cơ hội để trực tiếp ra tay giết chết kẻ thù. Nhưng mẹ tôi lại vui mừng khôn xiết, bà nói:
-Tạ ơn Chúa, Ngài đã nghe lời cầu xin của con, Ngài đã thương xót con.
Sau năm năm đất nước hòa bình, gia đình tôi mới có điều kiện về thăm quê. Làng xóm bấy giờ đã nhộn nhịp, những mầm xanh của sự sống đã hồi sinh nhưng nỗi buồn vẫn đau đáu trong đôi mắt mẹ, khi mẹ bước vào nếp nhà tranh, nơi ghi dấu một tội ác kinh hoàng. Cha tôi vốn là người bao dung, để xua đi những ám ảnh đen tối, ông sơn phết lại căn nhà, bà con làng xóm vui vẻ kéo đến giúp cha, tiếng cười, tiếng chuyện trò rôm rả, như muốn đồng lòng cùng cha cởi bỏ nỗi đau trong lòng mẹ. Xong việc, mẹ tôi vào bếp làm vài món nhấm để cha đãi bạn bè, họp mặt với anh em. Bữa tiệc hôm ấy, có ông Sáu Phi, một ông lão to cao, mang hai giòng máu Việt Phi, nghe đâu cha ông là một người lính viễn chinh Pháp, mẹ ông mất ngay khi sinh ra ông, chẳng biết ông từ đâu phiêu bạt đến làng quê này đã mấy chục năm, sinh sống bằng nghề bắt rắn. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi lại chạy đến nhà ông, xin rượu thuốc về xoa bóp cho Ngoại. Ông có mái tóc xoăn tít, hàm răng trắng bóng dưới cặp môi dày đen như mực trông rất dữ tợn nhưng ông lại rất hiền. Có lần, Ngoại tôi bị thổ tả tưởng chết, ông nghe tin mang thuốc đến túc trực cả đêm chăm sóc, người dân quê tôi cũng rất quý ông, nhưng con người, quả là chẳng ai hoàn hảo, tôi ghét ông nhất, mỗi khi trông thấy ông nhậu với mấy gã đàn ông bặm trợn, hung dữ thỉnh thoảng lại xuất hiện trong làng.
Hôm ấy, ông đến nhà tôi với một chai rượu thuốc. Cha tôi đùa:
-Từng này mồi, có một chai nhỏ sao đủ?
Ông cười khà khà:
-Vậy thôi! Thế thái nhân tình đã đổi thay, mình cũng phải thay đổi chứ!
Tôi chẳng hiểu gì sấc, nên tò mò hỏi:
-Là sao ông? Ông đừng nói với con là ông bỏ rượu rồi nghen!
Ông gật gù:
-Con nhỏ này thông minh nghen, ngày xưa ông buộc phải uống rượu, còn bây giờ ông uống rượu vì vui, vì anh em, bà con chòm xóm.
Một người khác chen vào:
-Ông nói thiệt đi, ông bỏ rượu từ khi có thằng con quý tử…
Cha tôi ngạc nhiên:
-Ông Sáu Phi có thằng con trai?
Vài người trả lời thay ông:
-Ông ấy là nhà sáng chế ra “ thần dược” phục hồi sinh lực mà… sáu mươi tuổi vẫn làm ra được một thằng con trai ngon lành.
Tôi sửng sốt nhìn ông Sáu Phi, nhìn chai rượu đặt trên bàn được gọi là “thần dược” rồi liếc nhìn bàn tay của ông, bàn tay có thêm một ngón thứ sáu nhỏ xíu, loắt choắt mà bấy lâu nay tôi đã quên béng. Sự thật đến quá bất ngờ làm tôi lúng túng, mặt tôi nóng bừng lên, trước mắt tôi hiện lên hình ảnh, mẹ bẹp dí dưới thân hình hộ pháp, bên tai tôi vang lên ỉnh ỏi những tràng cười ma quái, hàm răng trắng bóng của ông Sáu lúc đó nhe ra như một con ác quỷ, càng làm lòng tôi dậy sóng căm hờn. Tôi lẳng lặng đi xuống bếp, tìm một con dao mũi sắc nhọn, dấu vào gốc cây trước cổng nhà. Đêm nay, tôi sẽ rửa được mối hận mang nặng trong lòng tôi suốt 15 năm, để lấy lại công bằng cho mẹ… Thế mà bấy lâu nay, tôi cứ giáng tội ác lên đầu những người Mỹ da đen, mà không nhận ra kẻ thù ở ngay bên cạnh mình. Tôi tìm mẹ, muốn chia sẻ với mẹ rằng, cuối cùng tôi cũng đã tìm được kẻ thù, nhưng mẹ tôi đang say sưa nhìn ngắm tấm ảnh cậu bé da đen, con trai ông Sáu Phi, hẳn cậu bé cũng lại được hình thành từ một tội ác tày trời?…Tôi thầm cảm ơn những lời cầu nguyện của mẹ với Chúa… Chúa đã thương xót con, nếu không… con vẫn còn mù quáng gây thêm tội lỗi với những người Mỹ da đen vô tội …
Đêm xuống dần, đã 12 giờ khuya, khách ra về gần hết, nhưng câu chuyện của cha tôi và gã Sáu Phi vẫn còn giòn giã, dường như cả cha tôi và ông Sáu đều đã ngà ngà say, tôi khấp khởi mừng, đi ra đầu ngõ nấp vào một gốc cây chờ đợi, con dao trong tay tôi sắc lẹm lóe sáng…Tôi thầm nghĩ, chỉ một lát nữa thôi, con dao này sẽ kết thúc cuộc đời tên ác ôn, kết thúc món nợ gã đã vay của mẹ con tôi suốt mười lăm năm trời… Bỗng, một luồng khí lạnh chạy dọc từ bắp chân lên đến bụng tôi đau nhói, tôi hoảng loạn ôm lấy bụng thì cầm phải cái đầu của một con rắn xanh lè sau lớp áo mỏng, lưỡi dao trên tay tôi cuống cuồng đâm loạn xạ vào con rắn… máu của tôi hòa với máu con rắn tuôn xối xả. Tôi chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngã xuống, trong cơn mê, tôi vẫn nhìn thấy một cái đầu tóc xoăn tít với cặp môi dày đen thui…Tôi nghe tiếng ai đó gọi:
-Con ơi! Kẻ thù ghê gớm nhất của con, nó không ở đâu xa, nó chính là lòng thù hận trong lòng con… Hãy thoát khỏi lòng thù hận, học cách tha thứ, con sẽ nhận được ơn phước nhiệm mầu…
Bảy ngày sau tôi tỉnh lại, nghe mẹ kể, chính ông Sáu Phi đã dùng miệng hút nọc độc của con rắn ra khỏi người tôi, còn cậu con trai của ông lại là người truyền máu cho tôi. Cả hai cha con ông đã cứu tôi thoát khỏi bàn tay của tử thần. Tôi lẩm bẩm:
Chúa ơi! Sao lại là cha con ông Sáu Phi? Đây là ý của Chúa sao?
Mẹ tôi trả lời:
-Chúa ở khắp mọi nơi, Chúa nghe được lời con nói, Chúa thấy được việc con làm, đọc được suy nghĩ trong đầu con, nên mọi sắp đặt của Ngài đều nhiệm mầu…
Ôi! Chúa … Xin Ngài tha tội cho con…Từ nay con sẽ vâng theo mọi sắp xếp của Ngài…

ĐỖ THỤY

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn