Thứ Năm , 28 Tháng Ba 2024
Home / Trang Chủ / Các Câu Hỏi Về Ngày Sa bát?

Các Câu Hỏi Về Ngày Sa bát?

Trần Đình Tâm
https://gianggiaithanhkinh.net/  

Những câu hỏi với lời giải đáp được căn cứ trên nền tảng Thánh Kinh chứ không theo tín lý của một hệ phái Cơ-đốc nào.

1. Ý nghĩa của ngày Sa-bát là gì?

Sa-bát có nguồn gốc từ ngôn ngữ Hebrew: Shabbat (שַׁבָּת) có nghĩa là ngừng (cease), nghỉ (rest).

Nên nhớ từ ngữ “Sa-bát” không có nghĩa là “ngày thứ bảy”, mà chỉ có nghĩa là ngừng nghỉ. Trong buổi sáng thế, Chúa sáng tạo mọi vật và hoàn tất trong 6 ngày. Mọi vật đều hoàn hảo, không cần phải thêm hay bớt điều gì, nên ngày thứ bảy Chúa ngưng công việc sáng tạo. Sau nầy, khi Đức Chúa Trời thành lập quốc gia Do Thái, vì lợi ích cho dân của Chúa, Ngài ban mệnh lệnh cho dân sự trên nền tảng “6 ngày làm việc và nghỉ ngày thứ bảy” từ cuộc sáng tạo của Ngài: Dân sự phải nghỉ vào ngày thứ bảy sau 6 ngày làm việc. Chúa đặt đó là ngày Sa-bát, vì Sa-bát có nghĩa là “nghỉ”, chứ không có nghĩa là “thứ bảy”.

2. Ngày Sa-bát phải luôn luôn là ngày Thứ Bảy?

Như đã trình bày ở trên, Sa-bát có nghĩa là “nghỉ ngơi” chứ không phải là “Ngày Thứ Bảy”, Kinh Thánh cho biết có 2 “loại” ngày Sa-bát:

+ Ngày Sa-bát thông thường: Luôn luôn là ngày Thứ Bảy trong tuần lễ.

+ Ngày Sa-bát đặc biệt: Có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần. Ngày Sa-bát đặc biệt nầy được Giăng gọi là ngày Sa-bát trọng thể“Vì bấy giờ là ngày sắm sửa về ngày Sa-bát, mà Sa-bát nầy rất trọng thể (special Sabbath), nên dân Giu-đa ngại rằng những thây còn treo lại trên thập tự giá trong ngày Sa-bát chăng, bèn xin Phi-lát cho đánh gãy ống chân những người đó và cất xuống.” (Giăng 19:31)

Ngày Sa-bát đặc biệt được Chúa chỉ định trong Dân Số Ký 28:16: “Ngày mười bốn tháng giêng, phải giữ lễ Vượt Qua cho Đức Giê-hô-va. Qua ngày mười lăm sẽ là ngày lễ; phải ăn bánh không men trong bảy ngàyNgày thứ nhất các ngươi sẽ có sự hội hiệp thánh: chớ nên làm một công việc xác thịt nào.”

Sau ngày lễ Vượt Qua (ngày 14 tháng Nisan), dân Do Thái có chuổi 7 ngày ăn bánh không men (ngày 15 đến 21 tháng Nisan), ngày đầu tiên của chuổi 7 ngày nầy là ngày nghỉ ngơi, không được phép làm việc, nên được gọi là ngày Sa-bát. Đây chính là ngày Sa-bát đặc biệt vì liên quan đến tuần lễ theo sau lễ Vượt Qua. Ngày Sa-bát đặc biệt nầy thường không phải là ngày Thứ Bảy, mà là một ngày khác trong tuần.

Chúa Jesus chịu chết vào ngày Lễ Vượt Qua, qua ngày hôm sau là ngày Sa-bát đặc biệt, Giăng gọi là ngày Sa-bát trọng thể. Ngày Sa-bát nầy không phải là ngày Thứ Bảy.

3. Trong cuộc sáng tạo, Đức Chúa Trời đặt ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát?

Đức Chúa Trời không đặt ngày thứ bảy là ngày Sa-bát sau khi Chúa hoàn thành cuộc sáng tạo. Từ ngữ “Sa-bát” không hề được dùng sau 6 ngày sáng tạo.

Sáng Thế Ký 2:2,3 chép: “Ngày thứ bảy (the seventh day), Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy (the seventh day), Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy (the seventh day), đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.”

Ngay sau khi Chúa sáng tạo mọi vật trong 6 ngày, qua ngày thứ bảy (the seventh day) thì Ngài nghỉ các công việc. Nên chú ý rõ: Kinh Thánh nói “ngày thứ bảy” Chúa làm xong công việc của Ngài chứ không phải “ngày Sa-bát”, và Kinh Thánh cũng KHÔNG nói Chúa đặt “ngày thứ bảy là ngày Sa-bát” ngay sau 6 ngày sáng tạo.

4. Luật về Ngày Sa-bát có từ lúc nào? Và được áp dụng từ lúc nào?

Những người theo quan điểm giữ ngày Sa-bát trích dẫn trong Điều Răn thứ 4: “Vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11) để kết luận rằng Luật về giữ ngày Sa-bát đã có từ ban đầu ngay sau cuộc sáng tạo, họ cho rằng tổ tiên của loài người đã giữ ngày Sa-bát như A-đam, Nô-ê, Áp-ra-ham, Gia-cốp, Giô-sép v.v…

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Đức Chúa Trời ban mệnh lệnh giữ ngày Sa-bát ngay sau cuộc sáng tạo. Vì ngày Sa-bát không hề xuất hiện trong Sáng Thế Ký, do đó không có bằng chứng nào cho thấy các nhân vật sống trong suốt thời kỳ sách Sáng Thế Ký giữ ngày Sa-bát.

Khi ban hành luật nghỉ ngơi vào ngày Sa-bát, Chúa nhắc cho dân sự biết luật Sa-bát đặt trên nền tảng của ngày thứ bảy khi Ngài ngưng nghỉ các công việc của Ngài.

“Ngày Sa-bát” xuất hiện lần đầu tiên trong Xuất Ê-díp-tô Ký 16:23, khi Chúa ban ma-na cho dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng: “Ấy là lời Đức Giê-hô-va đã phán rằng: Mai là ngày nghỉ, tức ngày Sa-bát thánh cho Đức Giê-hô-va, hãy nướng món chi các ngươi muốn nướng, hãy nấu món chi các ngươi muốn nấu; hễ còn dư, hãy để dành đến sáng mai.” Sau đó không lâu, việc giữ ngày Sa-bát mới trở thành Luật Pháp (Điều Răn Thứ Tư). Dân Do Thái bắt đầu giữ ngày Sa-bát kể từ khi có Luật Pháp.

5. Luật giữ ngày Sa-bát được Chúa ban cho ai?

Kinh Thánh khẳng định rất rõ ràng luật về ngày Sa-bát được ban cho dân Y-sơ-ra-ên (Do Thái) chứ không phải cho Hội Thánh ngày nay. Chúa ban 10 Điều Răn cho dân Do Thái tại Si-nai sau khi Môi-se dẫn họ ra khỏi Ai-cập. Trước khi Đức Chúa Trời ban truyền 10 Điều răn, Chúa nhắc lại cho họ nhớ Chúa đã làm gì cho họ:

“Bấy giờ, Đức Chúa Trời phán mọi lời nầy, rằng: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi (dân Do Thái), đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1,2)

Sau đó Chúa ban Điều Răn phải giữ ngày Sa-bát cùng với 9 Điều Răn khác.

Đặc biệt đối với Điều Răn về ngày Sa-bát, Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:15 nhấn mạnh một lần nữa, Điều Răn nầy là dành cho dân Do Thái:

 “Khá nhớ rằng ngươi (Dân Do Thái) đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi dùng tay quyền năng giơ thẳng ra đem ngươi ra khỏi đó; bởi cớ ấy cho nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có dặn biểu ngươi phải giữ ngày nghỉ.”

Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13 nhấn mạnh luật ngày Sa-bát là ban cho dân Do Thái: “Phần ngươi, hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nhất là các ngươi hãy giữ ngày sa-bát ta, vì là một dấu giữa ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng ta, là Đức Giê-hô-va, làm cho các ngươi nên thánh. Vậy, hãy giữ ngày sa-bát, vì là một ngày thánh cho các ngươi.”

Chúa không hề ban luật ngày Sa-bát cho Hội Thánh ngày nay. Bằng chứng là không có câu nào trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ (Thời kỳ Hội Thánh sơ khai) và các thư tín (gồm tín lý dành cho Hội Thánh trải qua mọi thời đại) cho thấy Chúa ban mệnh lệnh giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy.

6. Chúa Jesus có giữ ngày Sa-bát không?

“Đức Chúa Jêsus đến thành Na-xa-rét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc.” (Lu-ca 4:16)

Câu trên cho thấy Chúa Jesus có vào nhà hội vào ngày Sa-bát. Lẽ đương nhiên, Chúa Jesus vào nhà hội vì nhà hội là nơi nhóm họp sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái, và nhà hội mở cửa vào ngày Sa-bát. Mục đích Chúa Jesus đến nhà hội để đọc Kinh Thánh cho dân sự nghe, và từ đó Chúa dùng Kinh Thánh để làm chứng về Ngài đã đến thế gian. Như vậy, Chúa đến nhà hội vào ngày Sa-bát không phải nhằm mục đích giữ ngày Sa-bát như nhiều người gán cho Ngài. Trong thời sơ khai của Hội Thánh cũng vậy, Phao-lô và các sứ đồ khác nhiều lần phải vào nhà hội nhằm ngày Sa-bát, nhưng không phải để tuân giữ Điều Răn giữ ngày Sa-bát mà để rao truyền Đạo Cứu Rỗi cho người Do Thái, vì người Do Thái họp lại vào ngày Sa-bát. Trong suốt các hành trình truyền giáo của Phao-lô, ông không hề dạy bảo con cái Chúa phải giữ Ngày Sa-bát (Đọc sách Công Vụ Các Sứ Đồ và các thư tín của Phao-lô sẽ nhận thấy rõ điều nầy)

Trên một khía cạnh khác, chính Chúa Jesus đã “không giữ ngày Sa-bát” (theo cách nhìn của người Pha-ri-si) khi Chúa chữa cho người mù từ lúc mới sanh được sáng mắt ngay trong ngày Sa-bát. Người Pha-ri-si đã tố cáo Chúa Jesus: “Có mấy người người Pha-ri-si bèn nói rằng: Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu vì không giữ ngày Sa-bát.” (Giăng 9:16). Thật ra, Chúa Jesus tôn trọng ngày Sa-bát, vì lúc đó còn ở trong thời kỳ Cựu Ước (Chúa Jesus chưa chịu chết, chưa sống lại, chưa về trời để ban Đức Thánh Linh thành lập Hội Thánh). Chúa Jesus không hủy bỏ ngày Sa-bát nhưng Chúa làm việc thương xót người khác trong ngày Sa-bát.

Đừng quên Chúa Jesus tuyên bố: “Con Người (chỉ về Ngài) là chủ (Lord) của ngày Sa-bát.” Chúa Jesus là Chúa, Ngài có quyền trên ngày Sa-bát, Chúa Jesus là Chủ của ngày Sa-bát, chứ không phải ngày Sa-bát là chủ, là chúa của Chúa Jesus!

7. Có phải Hội Thánh ngày nay đã hủy bỏ Điều Răn Thứ Tư?

Một số người cho rằng những hệ phái Tin Lành ngày nay nhóm họp thờ phượng Chúa vào ngày Chủ Nhật là mặc nhiên hủy bỏ Điều Răn Thứ Tư. Những người phản đối Hội Thánh nhóm họp ngày Chủ Nhật đã cố ý gán ghép từ ngữ “hủy bỏ” ngày Sa-bát, họ dùng từ “hủy bỏ” để buộc tội và để lên án những ai giữ ngày Chủ Nhật. Hãy suy xét về khía cạnh tín lý (doctrine) một cách thấu đáo, chúng ta sẽ nhận thấy sự nhóm họp thờ phượng Chúa và nghỉ ngơi công việc vào ngày Chủ Nhật không có ý “hủy bỏ” ngày Thứ Bảy như đã bị gán cho, vì Phao-lô nói rõ luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành.” (Rô-ma 7:12)

Hãy lấy ví dụ sau: Sự dâng sinh tế để chuộc tội là Luật Pháp được Chúa ban hành và áp dụng cho người Do Thái. Luật pháp đó là tốt lành và thánh vì Luật pháp chỉ cho con người biết mình có tội: “Nhưng tôi bởi luật pháp mà biết tội lỗi; vì nếu luật pháp không nói: Người chớ tham lam, thì tôi đã không biết sự tham lam.” (Rô-ma 7:7); nhưng Luật Pháp (hay Giao Ước Cũ) không cứu được con người. Do đó, có sự ra đời của Giao Ước Mới, là Giao Ước tốt hơn Giao Ước trước. Giao Ước Mới được thành lập bởi huyết của Chúa Jesus. Thư Hê-bơ-rơ cho thấy sự khác biệt giữa 2 giao ước:

“Vì thế, Đức Chúa Jêsus đã trở nên Đấng bảo lãnh cho một cái giao ước rất tôn trọng hơn cái trước.” (Hê-bơ-rơ 7:22)

“Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn.” (Hê-bơ-rơ 8:6)

“Gọi giao ước đó là mới, thì đã kể giao ước ước trước là cũ; vả, điều chi đã cũ đã già, thì sẽ tiêu mất đi.” (Hê-bơ-rơ 8:13)

“Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau. Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.” (Hê-bơ-rơ 10:9,10)

Như vậy, Giao Ước Mới vượt trội hơn Giao Ước Cũ vì bởi đức tin nơi Chúa Jesus chúng ta được tha tội, được tái sanh, được nên thánh, được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời, mà Giao Ước Cũ không làm được cho chúng ta. Do đó, khi chúng ta tin Chúa Jesus, có nghĩa là chúng ta đã ở trong Giao Ước Mới, nên không cần phải dâng sinh tế như dân Do Thái ở trong Giao Ước cũ.

Tương tự như vậy, luật về giữ ngày Sa-bát thuộc về Giao Ước Cũ. Chúng ta không giữ ngày Sa-bát, không phải vì chúng ta “hủy bỏ” (từ ngữ “hủy bỏ” hiểu theo ý nghĩa của con người, chứ không phải ý nghĩa tín lý) điều răn của Chúa nhưng vì chúng ta đã ở trong một Giao Ước tốt hơn.

8. Hội Thánh đầu tiên có giữ ngày Sa-bát không?

Hội Thánh đầu tiên KHÔNG GIỮ NGÀY SA-BÁT.

Bằng chứng rõ ràng nhất, không ai có thể bác bỏ được, đến từ buổi họp thảo luận giữa các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem (còn gọi là Giáo Hội Nghị tại Giê-ru-sa-lem) được ký thuật trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 15. Xin tóm tắt như sau:

Sau chuyến truyền giáo lần thứ nhất, số người ngoại bang (không phải Do Thái) tin Chúa rất đông (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:27). Tuy nhiên, có một số người Do Thái tin Chúa yêu cầu những người ngoại bang tin Chúa “cần phải làm phép cắt bì và tuân theo luật pháp Môi-se” [It is necessary to circumcise them and to order them to keep the law of Moses.] (Công vụ Các Sứ Đồ 15:5). Nhưng Phao-lô và Ba-na-ba không đồng ý với họ, do đó, Phao-lô, Ba-na-ba cùng với những người Do Thái tin Chúa đó đến Giê-ru-sa-lem và đưa vấn đề nầy ra hỏi các Sứ Đồ và các trưởng lão. Sau một thời gian thảo luận, hội nghị đi đến kết luận: “Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng giữ lấy vậy. Kính chúc bình an.” (Câu 28)

Chúng ta hãy chú ý điều quan trọng sau: Dù hội nghị không trực tiếp đề cập đến ngày Sa-bát, nhưng chúng ta dễ dàng suy luận ra những người ngoại bang tin Chúa lúc đó chưa bao giờ làm cắt bì hay giữ ngày Sa-bát (tất nhiên, vì họ không theo Do Thái giáo). Như vậy, căn cứ vào kết luận của Hội Nghị, những người ngoại bang tin Chúa chưa bao giờ giữ ngày Sa-bát, rồi sau khi tin Chúa, họ không bị bắt buộc phải giữ ngày Sa-bát.

Ngay sau đó, “luật” của hội nghị được đoàn truyền giáo của Phao-lô thực hiện: “Hễ ghé qua thành nào, hai người cũng dặn biểu phải giữ mấy lề luật mà sứ đồ và trưởng lão tại thành Giê-ru-sa-lem lập ra. Ấy vậy, các Hội thánh được vững vàng trong đức tin, và số người càng ngày càng thêm lên.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:4,5)

Tóm lại, Hội Thánh đầu tiên không giữ ngày Sa-bát. Ngược lại, người nào (hay hệ phái Tin Lành nào) bắt buộc người tin Chúa phải giữ ngày Sa-bát bị kể là giống như những người Do Thái tin Chúa được nói đến trong hội nghị Giê-ru-sa-lem, sứ đồ Phi-e-rơ nói với họ: “Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Đức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi?” (Công Vụ Sứ Đồ 15:10).

 

 

Trần Đình Tâm

Ngày 10 tháng 6, 2020
Có thể liên hệ với tác giả qua email: 

[email protected]

 

Phòng Khám Đông Y: Y GIA HƯNG

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn