Thứ Năm , 28 Tháng Ba 2024
Home / Trang Chủ / Hôn Nhân Trong Xã Hội Do Thái

Hôn Nhân Trong Xã Hội Do Thái

 

Trong xã hội Do Thái, phong tục cưới hỏi bắt đầu với người mai mối. Thường thì ý tưởng mai mối khởi đi từ cha chú rể, nhưng người mai mối cũng cần nhận được sự đồng ý của cô dâu. Sau khi mai mối thành công, luật Do Thái đòi có một số tiền cưới cho nhà gái. Số tiền này thường sẽ tương xứng với thế giá của nhà trai. Suốt thế kỷ thứ nhất, số tiền này khoảng 100 đơ-ni-ê, tương đương với khoảng 100 ngày công lao động.[1] Sau khi trao tiền cưới, chú rể tương lai sẽ tặng quà cưới cho cô dâu tương lai để bày tỏ tình yêu. Nhà gái cũng trao của hồi môn cho cô dâu và đây cũng là một phần thừa kế. Hôn ước được ký gồm những thông tin chẳng hạn như: số tiền cưới, những quyền mà cô dâu có cũng như những yêu cầu hoặc lời hứa của chú rể.
Việc đính hôn diễn ra khi hôn ước được ký. Thời gian đính hôn kéo dài khoảng một năm; người nam và người nữ lúc này có thể sống chung với nhau. Điều này cũng có thể xảy ra trong Kinh Thánh Tân Ước: Giô-sép nghe tin Ma-ri có thai trong khi hai người chưa chung sống với nhau nên Giô-sép định bỏ Ma-ri. Cuối cùng, đám cưới mới diễn ra khi cha của chú rể quyết định thời điểm thích hợp. Trong truyền thống cũng có những trường hợp chú rể đến bắt cô gái đi một cách bất ngờ và lấy cô làm vợ. Truyền thống này đã có từ xưa và cũng được thấy nơi những nền văn hóa khác. Chẳng hạn việc bắt vợ cũng diễn ra trong văn hóa Hy Lạp và La Mã.
Vấn đề quan trọng nhất trong xã hội lúc đó có thể là của hồi môn. Cha cô dâu trao của hồi môn cho chú rể để giúp cô dâu và gia đình mới trong tương lai, nhưng chú rể không được lạm dụng hay lãng phí số tiền này. Trong thời cổ, của hồi môn, nếu là đất đai hay tiền của, chú rể sẽ sử dụng và có trách nhiệm gìn giữ tài sản ấy. Tuy nhiên, của hồi môn thường là những vật dụng cần thiết cho đời sống gia đình, chẳng hạn như bàn ghế, quần áo, chén đĩa… Nếu hai vợ chồng li dị thì của hồi môn được chia cho người vợ hoặc nếu người vợ là người có lỗi thì của hồi môn sẽ thuộc về chồng. Nếu người vợ mất, của hồi môn hoặc được trả về cho nhà vợ hoặc là cho con cái thừa kế[2]. Giá trị của hồi môn tùy thuộc vào vị thế của gia đình người nữ. Nếu gia đình người nữ muốn con mình cưới một người thuộc một gia đình giàu có, thành công, họ sẽ tăng giá trị của hồi môn để người mai mối có thể dễ dàng ăn nói với gia đình nhà trai. Hôn ước có phần tương tự như ngày nay nhưng đặc biệt có đề cập đến giá trị của hồi môn.
Hôn ước cũng dự phòng chi tiết về người thừa kế. Điều này quan trọng giúp cho việc xác định ai là người thừa kế tài sản khi một người qua đời và người kia tái hôn. Ví dụ, nếu người chồng và vợ có hai người con, hôn ước sẽ xác định rằng phân nửa tài sản sẽ dành cho những người con, mỗi người con sẽ được 25% tài sản, số còn lại sẽ dành cho người chồng hoặc người vợ còn sống. Điều này sẽ giúp đảm bảo cho những người con khi bố hoặc mẹ chúng tái hôn. Hôn ước dường như một hợp đồng kinh tế nhưng thực ra mục đích của hôn ước ở đây có ý bảo vệ những người liên hệ và dự phòng những bất trắc có thể xảy ra.
ĐÍNH HÔN
Việc đính hôn là lời hứa kết hôn được thực hiện vào một khoảng thời gian trước lễ cưới. Thuật ngữ “đính hôn” xuất hiện 11 lần trong Kinh Thánh.
Các sách lịch sử không cho thấy nhiều thông tin về tục lệ này. Tuy nhiên, việc đính hôn của Y-sác và Gia-cốp là những trường hợp khá đặc biệt. Mặc dầu Rê-bê-ca đã được hứa hôn với Y-sác ở Mê-sô-bô-ta-mi (lễ cưới chỉ diễn ra khi Rê-bê-ca gặp Y-sác ở Ca-na-an (Sáng thế ký 24:67). Gia-cốp đã đợi bảy năm trước khi cưới cho dù Gia-cốp đã được La-ban hứa gả Ra-chên bảy năm trước (Sáng thế ký 29:15-21). Câu chuyện của Đa-vít và hai người con gái của Sa-un cho thấy tục lệ này rõ hơn. Mê-ráp được hứa gả cho Đa-vít, nhưng khi thời điểm vua Sau-lơ phải gả con gái thì ông lại gả cô cho người khác (I Sa-mu-ên 18:17-19); sau đó, Mi-canh là con gái thứ hai của vua Sau lơ cũng được hứa gả cho Đa-vít với điều kiện Đa-vít phải đánh quân Phi-li-tin để trả thù cho vua. Cuối cùng, Đa-vít cũng chiến thắng và cưới được cô Mi-canh (I Sa-mu-ên 18:26-27).
Theo luật pháp, việc đính hôn được thừa nhận trước pháp luật. Theo Phục truyền 20:7, một người đan ông đã đính hôn, mặc dầu chưa cưới cô gái, nhưng được miễn đi chinh chiến. Phục truyền 22:23-27 cũng giả thiết trường hợp cô gái bị cưỡng đoạt bởi một người đàn ông khác không phải vị hôn phu tương lai. Nếu kẻ phạm tội ấy ở trong thành, người đàn ông đó sẽ bị ném đá; cô gái cũng sẽ bị ném đá vì cô không chịu kêu cứu. Nếu cô bị cưỡng đoạt ở vùng quê thì chỉ có người đàn ông bị ném đá vì ở vùng quê cô gái khó kêu cứu.
Trong I Sa-mu-ên 18:21, ta sẽ thấy công thức của một cuộc đính hôn hợp pháp: “Hôm nay, con sẽ là rể của ta”. Số tiền cưới được thỏa thuận và trao ngay lập tức cho gia đình cô gái lúc đính hôn.
Ta cũng thấy tục lệ đính hôn này tồn tại ở Mê-sô-bô-ta-mi. Trong việc đính hôn có quy định về tiền cưới và từ đó sẽ kéo theo những hệ quả về mặt pháp luật. Giữa việc đính hôn và lễ cưới có một khoảng thời gian trung gian; trong suốt thời gian này, nhà trai hoặc nhà gái sẽ bị thiệt nếu rút lại lời hứa.
LỄ CƯỚI
Thật thú vị khi thấy rằng cả ở Israel lẫn Mê-sô-bô-ta-mi, việc kết hôn chỉ đơn thuần là khế ước xã hội mà không được thánh hóa bởi bất kỳ nghi lễ tôn giáo nào. Ma-la-chi gọi cô dâu là “vợ giao ước với ngươi” (Ma-la-chi 2:14) và từ này cũng thường được sử dụng cho giao ước tôn giáo; nhưng ở đây giao ước chỉ đơn thuần là giao ước hôn nhân.
Đám cưới chắc chắn là một dịp vui mừng. Nghi lễ chính là việc cô dâu tiến vào nhà chàng rể. Cô dâu đội một vòng hoa trên đầu (Ê-sai 61:10 ). Cô dâu trang điểm trang lộng lẫy (Thi Thiên 45:14-15; Ê-sai 61:10), nhưng nàng có đeo một tấm mạng che mặt và chỉ tháo ra trong phòng riêng của cô dâu chú rể. Điều này giải thích tại sao Rê-bê-ca vén khăn lên nhìn Y-sác, hôn phu của mình (Sáng thế ký 24:65 ), và điều này cũng cho biết làm cách nào mà La-ban có thể thay thế Ra-chên bằng Lê-a trong lễ cưới đầu tiên của Gia-cốp (Sáng thế ky 29:23-25). Cô dâu với những người hầu cận (Thi Thiên 45:15) được dẫn tới nhà của chàng rể (Thi thiên 45:16 , Sáng thế ký 24:67). Những bài tình ca được cất lên chúc mừng cô dâu chú rể (Giê-rê-mi 16:9), những ví dụ như thế cũng gặp trong Thi Thiên 45 và trong sách Nhã ca cho dù chúng ta hiểu chúng bằng nghĩa đen hay nghĩa bóng.
Những người Pa-les-tin và Sy-ri-a gốc Ả-rập đã duy trì phong tục tương tự như việc cô dâu tiến vào, những bài ca chúc mừng trong đám cưới và cô dâu đeo mạng che mặt. Trong quá trình cô dâu tiến vào, cô có đeo một thanh kiếm và thỉnh thoảng lại múa kiếm. Một số người so sánh tục lệ này với điệu múa Su-la-mi trong Nhã ca 7:1.
Kế tiếp là một bữa tiệc lớn ( Sáng Thế ký 29, 22;), bữa tiệc diễn ra ở nhà cô dâu, nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ. Quy luật chung chắc chắn là bữa tiệc được tổ chức ở nhà chú rể (Ma thi ơ 22 :2). Tiệc tùng thường kéo dài trong bảy ngày (Sáng thế ký 29:7).
Nguồn: Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam
Mọi thư từ liên lạc hoặc bài vở xin gửi về [email protected]

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn