Thứ Năm , 28 Tháng Ba 2024

An-ne

Sự khóc lóc đến trọ ban đêm. Nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng.

Thi thiên 30:5

An-ne lại trải qua một ngày buồn. Chuyến thăm đền thờ mỗi năm của gia đình luôn luôn là thời gian đầy buồn bã đối với An-ne, dù bà có một người chồng thuộc linh đã hết mực yêu thương mình. An-ne hiếm muộn, còn Phê-ni-na, người vợ thứ của chồng, thì không ngừng châm chọc vào nỗi đau ấy. An-ne không ham thích và cũng không thể hòa nhập với niềm vui của kỳ lễ này. Bà rời khỏi bàn ăn và đến trước lều tạm mà cầu nguyện, nhưng thậm chí tại đây bà cũng không tìm được sự đồng cảm. An-ne khóc mà thầm nguyện xin một đứa con trai, nhưng thầy cả thượng phẩm Hê-li thì nghĩ bà đã say nên quở trách bà. Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng, lắng nghe lời cầu nguyện của An-ne và Ngài bảo đảm sẽ đáp lời cầu nguyện của bà.

Tên An-ne trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “ân điển” hoặc “ân huệ.” Vì giàu lòng ân huệ đối với An-ne Đức Chúa Trời sẽ ban cho bà điều bà ước ao, đêm đau buồn sẽ hóa ánh sáng vui mừng. Vào đúng thời điểm, An-ne thọ thai, sanh một con trai và đặt tên là Sa-mu-ên – “Đức Chúa Trời nhậm lời.” Qua kinh nghiệm này, Đức Chúa Trời đã ban cho An-ne mọi điều bà cầu xin, và Ngài cũng sẽ làm điều tương tự cho chúng ta.

CHÚA BAN CHÚNG TA SỰ NHẪN NẠI ĐỂ CHỊU ĐỰNG

Kinh Thánh gọi Phê-ni-na là “kẻ phân bì” với An-ne (1 Sa-mu-ên 1:6-7), trong tiếng Hê-bơ-rơ từ này gần nghĩa với từ gây cho người khác đau buồn, gây cho người khác đau khổ, thù địch,chống đối. Khi tìm hiểu các từ ngữ mô tả về thái độ và hành vi của Phê-ni-na, chúng ta dễ thấy An-ne không hề có thời gian dễ dàng ở tại nhà. Bằng hành động khiêu khích và chọc tức, Phê-ni-na khiến An-ne trở nên cay đắng trong lòng và chỉ có thể khóc (1 Sa-mu-ên 1:6-7, 10). An-ne nói với thầy tế lễ Hê-li rằng: “tôi vốn một đàn bà có lòng buồn bực” bởi vì bà “đau đớn và ưu phiền quá độ” và chỉ có thể “giãi bày lòng [tôi] ra trước mặt Đức Giê-hô-va” (1 Sa-mu-ên 1:15-16). Hãy tưởng tượng cảnh sống trong áp lực cảm xúc như thế mỗi ngày! “Ở trước mặt Ngài tôi tuôn đổ sự than thở tôi, bày tỏ sự gian nan tôi” (Thi 142:2). Đó chính là cảm xúc mỗi ngày của An-ne.

Cũng như bao phụ nữ Hê-bơ-rơ sau khi đã lập gia đình, An-ne muốn có con cái, đặc biệt là một người con trai để mang họ cha; tuy nhiên dường như Đức Chúa Trời vẫn chưa thấy đúng thời điểm để tử cung bà chịu thai. An-ne đang trong cảnh ngộ giống như Sa-ra, Rê-bê-ca và Ra-chên, những người phụ nữ hiếm muộn mà cuối cùng Chúa sẽ ban những đứa con cho họ. Sau khi hoàn thành công việc mỗi ngày, chắc hẳn An-ne đã dành nhiều thời gian cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho bà điều mà Ngài đã ban cho các phụ nữ trên – đó là một đứa con.

Trong cuộc sống, chúng ta dễ gặp những người gây cho người khác tổn thương và chúng ta cảm thấy rất khó để sống hay làm việc với họ. Phê-ni-na không nhìn thấy tấm lòng tan vỡ của An-ne; bà nhìn An-ne như một người phân bì, một người tranh giành tình yêu thương của Ên-ca-na. Trong gia đình, Phê-ni-na dùng An-ne để tôn mình lên và thổi phồng cái tôi của bà. Phê-ni-na phải là số một. Bà không quan tâm và cũng chẳng muốn chia sẻ điều gì với người khác. Nếu yêu thương Ên-ca-na, chắc hẳn Phê-ni-na sẽ không chất thêm cho chồng mình một gánh nặng. Tuy nhiên, An-ne có thể chịu qua những ngày khó khăn này là bởi ân điển của Đức Chúa Trời.

CHÚA BAN CHÚNG TA ĐỨC TIN ĐỂ CẦU XIN

Ên-ca-na nhìn thấy An-ne thay đổi thái độ nên ông dâng lời cảm tạ. An-ne kể cho Ên-ca-na rằng bà đã cầu nguyện xin một người con, đứa con ấy sẽ hầu việc Đức Chúa Trời, và Chúa đảm bảo rằng Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện của bà. Ên-ca-na đồng ý với quyết định của An-ne nên họ hiệp lòng cầu xin Chúa ban cho họ một người con (1 Phi-e-rơ 3:7). Tại đây, từ “Đức Giê-hô-va vạn quân” hay “Đức Giê-hô-va của vạn quân” xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Thánh (1 Sam 1:3, 11). Đức Giê-hô-va vạn quân nghĩa là Chúa của các đạo binh trên trời và dưới đất, là Vua của cả hoàn vũ. “Đức Giê-hô-va vạn quân ở cùng chúng tôi” (Thi 46:7, 11), và Ngài có thể làm những việc vĩ đại!

Phải chăng An-ne đã mặc cả với Chúa? Tôi không nghĩ thế. Nếu đây là một sự mặc cả thì bà không được hưởng lợi nhiều từ cuộc trao đổi này, bởi vì bà không được giữ đứa con mà phải dâng đứa con ấy cho Chúa. Tôi cho rằng An-ne và Ên-ca-na đã rất lo lắng cho tình trạng thuộc linh của đất nước và họ đã cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ dùng người con đặc biệt của họ để đem Y-sơ-ra-ên trở về với Chúa. Mọi người đều biết việc ác của hai con trai của Hê-li, nhưng Đức Chúa Trời sẽ sử dụng con trai của Ên-ca-na và An-ne để thay đổi mọi việc.

Chúng ta không thể dùng công việc để tạo ra đức tin; nhưng Đức Chúa Trời ban đức tin để chúng ta biết rằng Ngài đẹp lòng với lời cầu xin của chúng ta. Đức tin thật được củng cố bởi lời hứa của Đức Chúa Trời khi Đức Thánh Linh bày tỏ cho chúng ta qua Kinh Thánh. Khi cầu nguyện, chúng ta sẽ càng tin chắc trong lòng bởi vì Kinh Thánh nói rằng: “mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin” (Rô-ma 15:13). Khi Ên-ca-na và An-ne cùng hiệp lòng cầu nguyện xin một điều mà họ biết rằng Chúa đẹp lòng ban cho, khi ấy họ nhận ra rằng Đức Chúa Trời sẽ làm điều diệu kỳ cho dân sự của Ngài.

KHI CHÚA ĐÁP LỜI, NGÀI BAN CHÚNG TA NIỀM VUI ĐỂ NGỢI KHEN NGÀI

Bài ca của An-ne được ghi lại trong 1 Sa-mu-ên 2 là một sự ngợi khen thờ phượng đáng chú ý. Nhiều thế kỷ sau, Đức Thánh Linh đã hướng dẫn mẹ Đức Chúa Giê-su hát lên bài ca ngợi khen dựa trên kiểu mẫu bài ca của An-ne (Lu-ca 1:46-55). Chia tay đứa con trai yêu dấu, song An-ne có thể ngợi khen và tôn vinh Đức Chúa Trời! Vâng, hằng năm An-ne có thể đến thăm Sa-mu-ên tại đền thờ, nhưng làm sao có thể bằng việc nuôi dưỡng cậu bé tại nhà, dạy dỗ, ôm ấp và nhìn cậu bé lớn lên hằng ngày. Cả An-ne và Ma-ri đều trải qua nỗi đau buồn sâu sắc, song họ đều ngợi khen Đức Chúa Trời. An-ne hát rằng: “Đức Giê-hô-va khiến lòng tôi khấp khởi vui mừng,” nhiều thế kỷ sau, Ma-ri hát rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi” (Lu-ca 1:46-47).

Hơn thế nữa, An-ne đã để đứa con thơ dại của mình nơi hang trộm cướp, một nơi mà những con người gian ác không tỏ lòng tôn kính Chúa và lợi dụng dân sự. Họ sẽ làm gì với con của bà? Và nếu Hê-li không thể dạy hai đứa con của ông, làm thế nào ông có thể dạy Sa-mu-ên nên người? Khi tôi và vợ đưa bốn đứa con đến trường công lập mỗi ngày và rồi nhìn chúng đi học đại học, chúng tôi giao phó chúng cho Chúa bảo vệ; và giờ chúng tôi cũng cầu nguyện điều tương tự cho những đứa cháu. Đức Chúa Trời thật đã giữ gìn Sa-mu-ên có tính tình trong sạch và hành động vâng phục thay vì noi theo gương xấu quanh ông, và Ngài cũng có thể làm điều tương tự cho con cháu của chúng ta ngày nay.

Bài ca của An-ne và Ma-ri nhấn mạnh đến ân điển của Đức Chúa Trời: ân điển ấy làm đảo ngược mọi điều! Những ông vua kêu ngạo bị truất ngôi, nhưng người khiêm nhường nhận được của cải. Người thiếu thốn sẽ được no đủ, nhưng người giàu có sẽ ra đi trống không. Thật là một thế giới lạ kỳ? Đó chính là thế giới ân điển của Đức Chúa Trời, bởi ân điển luôn luôn lật đổ sự khôn ngoan và sự phân chia giai cấp của con người.

CHÚA BAN CHÚNG TA TÌNH YÊU ĐỂ DÂNG MÓN QUÀ TRỞ LẠI CHO NGÀI

Ên-ca-na và An-ne cầu nguyện rằng: “Nếu Chúa ban cho chúng tôi một đứa con trai, chúng tôi sẽ dâng đứa con ấy cho Ngài.” Và họ đã làm như lời hứa. Tình yêu của họ đối với Chúa lớn hơn tình yêu của họ dành cho đứa con trai quý báu của mình. Cũng như Đức Chúa Cha, họ đã giao phó đứa con trai duy nhất của mình.

Một nguyên tắc cơ bản trong đời sống Cơ Đốc đó là chúng ta sẽ đánh mất điều mình cố níu giữ cho riêng mình, nhưng chúng ta sẽ không đánh mất điều mình dâng hiến cho Chúa. Đức Chúa Trời ban cho Áp-ra-ham và Sa-ra một đứa con trai, và rồi Ngài yêu cầu Áp-ra-ham phải dâng đứa trẻ trên bàn thờ. Bởi vì vâng lời nên Áp-ra-ham được lại đứa con của mình; nếu Áp-ra-ham không vâng lời thì ông đã đánh mất người con ấy rồi. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời” (Giăng 12:25). Chàng trai trẻ giàu có không từ bỏ sự giàu có của mình để đi theo Đức Chúa Giê-su, và như chúng ta biết, ông đã đánh mất Ngài, đánh mất sự giàu có và chính mạng sống mình. Ông đã được gì? “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu” (Mác 8:35).

Một điều nguy hiểm khi lời cầu nguyện được đáp lời đó là chúng ta để cho món quà trở nên quan trọng hơn Đấng ban tặng món quà ấy, và đây chính là sự thờ phượng hình tượng. Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đều phải được đặt trên bàn thờ để dâng hiến cho Ngài, nếu không điều ấy sẽ trở thành một vật cản trong đời sống mình. Cuộc sống, kế hoạch, những người thân yêu, bạn bè, tài sản, cơ hội, thành tích, khả năng – tất cả sự vinh quang và những điều quý báu trên. Như những hạt giống, chúng ta cần phải được chôn và trải qua sự chết trước khi sản sinh ra bông trái (Giăng 12:24), bởi vì khi cái tôi chết đi thì chúng ta mới khám phá sự sống cho những người khác.

Lời hứa của Đức Chúa Trời đó là “buổi sáng bèn có sự vui mừng.” Có thể đó là buổi sáng sau đêm bạn cầu xin Chúa trong giọt lệ. Hoặc đó cũng có thể là buổi sáng sau đêm dài tranh chiến và hiến dâng, khi bạn đặt tất cả lên bàn thờ cho Chúa sử dụng. Tuy nhiên, sự vui mừng đó sẽ được trọn vẹn trong buổi sáng phục sinh đầy vinh quang, Cứu Chúa của chúng ta trở lại và chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài như vốn có. Trong hiện tại chúng ta vẫn có những buổi sáng vui mừng, vậy hãy vui lên và đừng từ bỏ. “Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng.”

Đức Chúa Trời phán điều đó – và Ngài biết rõ mọi điều!

Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vinh

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn