Thứ Tư , 18 Tháng Chín 2024
Home / Trang Chủ / KỂ CHUYỆN DO THÁI

KỂ CHUYỆN DO THÁI

Hỡi Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên ngươi
Nguyện tay hữu ta quên tài năng nó đi

Thi-thiên 137:5

Tạ ơn Chúa vì chuyến đi Do Thái. Ước mơ đã lâu nhưng không nghĩ rằng ước mơ sẽ thành sự thật. Đức Chúa Trời cũng… vui tính lắm, chờ cho mình leo mòn leo mỏi lên dốc mơ mỏi rời đôi chân thì mới bảo: lên đến đỉnh rồi con, đừng mơ nữa, ta đã biến giấc mơ của con thành sự thật rồi.

Đi cùng đoàn của Mục sư Lê Hồng Phúc gồm 21 người, 8 Texas, 4 California, 4 N. Carolina, 2 Florida, 2 Wichita, Kansas, 1 S. Carolina. Người lớn tuổi nhất là một bà 85 tuổi, có biệt tài làm thơ, đặc biệt hơn, xuất khẩu thành thơ, ngay trên xe bus 🙂 . 7 người ở tuổi 70 hoặc hơn, đi bộ giỏi hơn người dưới 70. Rời New York tối ngày 2, trở lại New York ngày 11 và sau đó ai nấy đi đường riêng mà về xứ mình. Chuyến này Mục sư trưởng đoàn quyết định cắt Biển Chết để có 2 ngày đi Hy Lạp (biển chết mà chi, vì nó chỉ là biển… chết, chẳng có liên quan gì đến Chúa Jesus cả 🙂

Do Thái, được gọi là Đất Thánh, Holy Land, người dân ở đây còn gọi là Bible Land, vì là nơi Chúa Jesus đã sinh ra, lớn lên và sống cả cuộc đời mình, làm trọn mục đích đời mình là giảng đạo cứu người và cuối cùng bị bắt, đóng đinh trên thập tự giá, bị chôn trong mộ và sau 3 ngày sống lại. Người Mỹ ở khắp nơi mơ ước một lần đặt chân đến thủ đô Washington DC thế nào thì dân Chúa mơ ước một lần đặt chân đến Do Thái như thế ấy.

Chắc trước hết phải viết đôi lời về dân Do Thái, một dân tộc kỳ diệu tốn rất nhiều giấy mực để viết và nhiều nước miếng để nói. Không giải thích được, chỉ có thể nói: vì là dân Chúa. Vì là dân tộc của Chúa nên họ mới trở nên kỳ diệu như vậy. Kinh Thánh ghi lại vì sự bội nghịch Chúa, Ngài đã hai lần làm cho họ mất nước, một lần vào thời kỳ Ba-by-lôn năm 722 trước Chúa và lần vào năm 132 trước Chúa. Họ bị đánh giạt đi khắp nơi trên thế giới trong khoảng 2000 năm và một lần bị Đức diệt chủng gọi là Holocaust vào những năm 1939-1945 với khoảng 6 triệu người Do Thái chết trong các trại tập trung và lò hơi ngạt.

Đến năm 1948 người Do Thái mới trở lại phục quốc sau cuộc chiến tranh dữ dội với một lực lượng Ả rập đông gấp trăm lần họ. Sự kỳ diệu là Người Do Thái không chỉ sống sót mà họ còn duy trì được tôn giáo, văn hóa, nòi giống, bản sắc của mình, mà có những ảnh hưởng vượt trội trong cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đóng góp vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Với tổng số khoảng 14,5 triệu người sống rải rác tại 73 nước trên khắp thế giới (trong đó riêng tại Israel là 6 triệu, ở Mỹ 5,6 triệu), người Do Thái chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 0,2% tổng dân số thế giới. Tuy nhiên, trong số những người nhận được giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, kinh tế và y tế từ đầu thế kỷ XX đến nay, các nhà khoa học gốc Do Thái đến từ các quốc gia khác nhau đoạt được khoảng 30% tổng số giải thưởng trên.

Thiên nhiên của Israel hết sức khắc nghiệt. Là quốc gia chỉ có diện tích trên 20,000 km2 (bằng hai phần ba diện tích đảo Hải Nam), mà Israel có tới 60% là sa mạc, lượng mưa trong năm vào khoảng 50mm, tức bằng 1/30 của Việt Nam. Dân số Israel chỉ có 8 triệu người (trong đó có 6 triệu người Do Thái), nhưng lại bị tứ bề bao vây bởi 300 triệu dân Hồi giáo Ả-rập thù địch. Trên vùng đất khô cằn và thiếu nước này, người Do Thái đã cải tạo và biến Israel trở thành “ốc đảo”, là “vườn rau” của châu Âu trong mùa đông với một nền nông nghiệp có năng suất và hiệu quả cao nhất thế giới. Với một số dân làm nông nghiệp ít ỏi (chỉ 2,5% trên tổng số gần 8 triệu dân, Israel không chỉ tự túc “an ninh lương thực”, cung cấp đủ lương, thực phẩm chất lượng cao cho mình, mà mỗi năm nông nghiệp đem về 3,5 tỷ USD từ xuất khẩu.

Đi đến nơi, kinh nghiệm: …đều chúng tôi đã nghe, đều mắt chúng tôi đã thấy, đều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về… Do Thái, thì mới cảm nhận được sự tuyệt vời trong sự tạo dựng, hình thành, chọn lựa và ban phước của Đức Chúa Trời cho dân tộc này. Do Thái, có tất cả, nhưng điều quan trọng, cần thiết nhất thì lại thiếu: từ chối Đấng Mê-si vĩ đại của họ. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình không hề nhận lấy.

Rời New York tối thứ ba ngày 2/4, lên máy bay đúng giờ, nhưng máy bay ra đến phi đạo thì ngừng ở đó… nghỉ ngơi gần 2 tiếng đồng hồ, ngủ một giấc choàng tỉnh dậy vẫn thấy mình đang ở dưới đất 🙂  Đến phi trường Istanbul thì đã trễ chuyến bay kế tiếp đến Tel Aviv, bò lăn bò lê trong phi trường Istanbul cũ vừa xấu vừa dơ mấy tiếng đồng hồ mới lên chuyến bay kế tiếp. Đến Tel Aviv, thủ đô hiện đại, welcome to Israel, chụp vội cái bảng lớn trong phi trường rồi lục tục leo lên xe bus của công ty du lịch đã chờ sẵn. lúc đó thì mới hồi tinh và… sực nhớ ra rằng mình đang ở trong lòng đất nước Do Thái 🙂  Do Thái, Tôi Đến. Không thấy gì hết ngoài một màn tối đen mù mịt, chỉ nghe tiếng đều đều của bánh xe bus lăn nhanh trên đường và tiếng gió bên ngoài cửa sổ.

Sáng mai, sau giấc ngủ mê mệt, mê đến nỗi không hề nghe tiếng… ngáy của người bạn cùng phòng, hay là chính tiếng mình đang… ngáy 🙂 , choàng dậy lúc ban mai, thật ra, nói cho công bằng, phải nhờ tiếng wake-up call của khách sạn kêu inh ỏi bên tai lúc 6 giờ mới dậy nổi 🙂 , mở màn cửa, và ngạc nhiên nhìn thấy biển hồ Ga-li-lê trước mặt một mầu xanh biếc, thì khách sạn có tên là Sea of Galilee mà. Lòng bồi hồi cảm xúc, nhớ ngay đến câu Kinh Thánh Chúa Jesus đi dọc bờ hồ Ga-li-lê, tự hỏi thầm: chỗ mà Chúa đi dọc ấy là chỗ nào, có còn dấu chân đấy không.

Sự cảm nhận đầu tiên ở đất nước này là đá, đá khắp mọi nơi, trên các đỉnh núi cao thấp chạy dài hai bên đường, ngay cả khi xe chạy vào các khu vực phố xá, vẫn không thôi thấy… đá, nhà cửa dinh thự đền đài, cả nhà thờ, đều cất trên đá và bằng đá. Có phải vì vậy mà Đức Chúa Trời từng gọi dân Do Thái là một dân tộc bướng bỉnh, có những cái trán cứng và vêu ra như đá và những tấm lòng bằng…. đá?   Nhớ đến Ê-sai 5:2: Người khai phá ra; cất bỏ những đá; trồng những gốc nho xinh tốt; dựng một cái tháp giữa vườn, và đào một nơi ép rượu. Thương cho Đức Chúa Trời đã phải vất vả cày cục gỡ bỏ những tảng đá để cải tạo đất đai trồng nho, đào thêm một nơi ép rượu với mong ước sẽ gặt thu những trái nho tươi tốt, mà đau lòng vô cùng, lại chỉ thấy toàn là nho hoang. Những tảng đá lớn trong lòng dân tộc này vẫn không cất đi được, những tảng đá che lấp mắt họ không nhìn thấy Đấng Mê-si mà họ khát khao mong đợi, đã đến.

Lại nhớ Lu-ca 19:39-40: Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si ở trong đám dân đông nói cùng Ngài rằng: Thưa thầy, xin quở trách môn đồ thầy! Ngài đáp rằng: Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên. Có phải Chúa muốn nói rằng toàn thể đất nước này sẽ kêu lên, hay là cả thế giới này sẽ kêu lên, kêu lên cách hoan hỉ vì đã nhận ra vị Vua của hoàn vũ, hoặc kêu lên cách hối tiếc vì đã từ khước Ngài.

VÙNG BIỂN HỒ GA-LI-LÊ

Ngày đầu tiên sẽ là vùng Ca-bê-na-um, vùng biển hồ Ga-li-lê mà chúng ta vẫn thường nhớ qua câu chuyện thầy đội cầu xin Chúa Jesus chữa bệnh cho người đầy tớ của mình một cách… khác thường. Và Chúa Jesus đã chữa bệnh long distance (từ xa) cho người đầy tớ ấy 🙂

Nếu có những địa danh trong thời kỳ của Chúa Jesus sau hàng ngàn năm vẫn còn tồn tại thì Ga-li-lê là một. Thiên nhiên sau hàng ngàn năm không thay đổi. Ga-li-lê là có thật từ hàng ngàn năm qua vẫn tồn tại cho dù vật đổi sao dời. Biển hồ Ga-li-lê rộng bao trùm cả vùng Ga-li-lê, xinh đẹp. Đi bất cứ nơi đâu trong vùng người ta đều có thể nhìn thấy biển hồ Ga-li-lê chạy song song với mình, cùng mình, thật êm đềm, thật ân cần. Như ánh mắt của Chúa dõi theo con cái Ngài mọi nơi.

Điểm đầu tiên đến trong chuyến du hành là Núi Phước Lành, câu chuyện trong Ma-thi-ơ 5:1-2: Đức Chúa Jesus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia, khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng… Truyền dạy gì, đó là bài học nổi tiếng về Tám Phước Lành mà con dân Chúa thuộc lòng. Tôi được mời đọc Kinh Thánh trên chỗ mà người ta tin rằng ngày xưa Chúa Jesus đã ngồi giảng Tin lành (vì Chúa đã ngồi, mình không được làm giống, nên phải đứng, bắt chước Phi-e-rơ khi chết xin được đóng đinh ngược đầu 🙂  Đâu đó, trong gió sớm, không khí ấm áp và mầu nắng vàng của Do Thái mùa xuân, người ta như nghe lại tiếng nói của Chúa Jesus đầy năng quyền, dù chỉ là âm ba vang vọng trong gió từ ngàn xưa, nhưng lời Kinh Thánh muôn thuở còn lưu lại trong lòng người.

Sau đó, chúng tôi đến sông Giô-đanh, cũng là một trong những địa điểm của thiên nhiên ngàn năm vẫn tồn tại. Không biết có phải đây là nơi mà Chúa Jesus đã đến cùng với Giăng Báp-tít để làm lễ báp-têm hay không, nhưng là nơi ngày nay dân sự Chúa đi viếng thăm Đất Thánh muốn đến để làm lễ báp-têm lần nữa (nghe thì thấy có vẻ phản… thần học quá, vì có ai làm lễ báp-têm hai lần đâu 🙂  dĩ nhiên cũng không phải làm cho vui, báp-têm không phải để cho vui, hay để được trầm mình dưới nước sông Giô-đanh cho… giống Chúa Jesus ngày xưa, Mục sư làm lễ báp-têm cho 3 tín hữu trong đoàn lần này cũng có cách giải thích rất…hợp lý 🙂  Đoạn sông Giô-đanh chảy qua khu vực này là một đoạn hẹp, bề ngang của nó đủ cho một tay bơi tài tử có thể bơi qua mà không sợ… chết chìm. Trên bờ là hoa lá, quán xá tấp nập (sông Giô-đanh thời kỳ hiện đại có khác), cũng có restroom không được vào nếu không trả tiền 🙂  Tôi đứng tần ngần trên bờ, liên tưởng đến hình ảnh con sông Giô-đanh mênh mông ngày xưa Chúa đã làm phép lạ rẽ nước ra làm đôi chừa một khoảng đất khô cho dân Do Thái đi ngang qua để vào Đất Hứa. Cứ cái kiểu càng ngày càng hẹp này e rằng cho đến một ngày nào đó sông Giô-đanh sẽ… disappear (biến mất) 🙂

Chúng tôi đến một vùng khảo cố mới khám phá (2006) tương truyền là nơi ở của bà Ma-ri Ma-đờ-len, cũng những tảng đá rải rác, đây đó. Mỗi di tích là một hồi tưởng. Ma-ri Ma-đờ-len, người nổi tiếng vì được Chúa đuổi khỏi 7 quỷ dữ cũng là người đàn bà đi theo đoàn truyền giáo của Ngài và quan trọng hơn nữa là người đàn bà đầu tiên trong số các môn đồ nhìn thấy Chúa sống lại và nói chuyện cùng Ngài.

Và cuối cùng trong ngày, buổi chiều, là đi thuyền trên biển hồ Ga-li-lê. Chúng tôi được vào phòng xem phim về việc khảo cổ đào được con thuyền từ thế kỷ thứ 1, dùng làm mẫu cho các con thuyền đi trên biển hồ ngày nay. Sau đó xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Đưa bàn tay chạm mặt nước biển hồ là thấy lòng cảm động. Niềm vui là được mời chia xẻ Kinh Thánh trên thuyền, trên mặt nước biển hồ Ga-li-lê có thật chứ không phải là mơ, dĩ nhiên là những đoạn Kinh Thánh có liên quan đến biển hồ. Chúa Jesus đi dọc bờ biển Ga-li-lê kêu gọi các môn đồ đầu tiên, Chúa Jesus ngủ trong thuyền khi sóng lớn, các môn đồ chèo thuyền qua bên kia bờ không có Chúa, Ngài đi bộ trên mặt nước đến, Phi-e-rơ xuống thuyền đi bộ trên biển đến với Chúa. Mỗi câu chuyện là một bài học. Điều thú vị nhất là trước khi chia xẻ lời Chúa, hát Người Khách Lạ Ga-li-lê. Một người đùa, xin Chúa cho nổi sóng lên để được kinh nghiệm nỗi sợ hãi của các môn đồ ngày xưa. Nhưng biển yên tĩnh khi thuyền trôi. Hãy cứ ở cùng Chúa dù khi biển lặng hay vỗ sóng. Chúng tôi ca hát, nhảy múa, trong giây phút quên đi tuổi già, bệnh tật, nỗi cô đơn thầm kín, để cho niềm vui đơn giản tràn ngập tâm hồn.

GIÊ-RU-SA-LEM

Ngày 2 thứ sáu: Ga-li-lê là nơi Chúa Jesus bắt đầu chức vụ của mình, nhưng Giê-ru-sa-lem mới là nơi mà xảy ra nhiều biến động nhất trong cuộc đời, cuộc sống và sự chết, sự sống lại của Chúa Jesus, là nơi mà dân Chúa được… đạp chân tới. Từ khu vực biển hồ Ga-li-lê chạy xe bus đến Giê-ru-sa-lem vào khoảng trên 1 tiếng đồng hồ. Lại chạy ngang những đồi những núi đá mênh mông. Đâu cũng nhìn thấy đá, cứng cỏi như lòng người. Nhưng thỉnh thoảng, xen lẫn trong đá là những cỏ những lá những hoa mọc ra cách diệu kỳ như minh chứng cho con người biết rằng dù trong những tấm lòng bằng đá, Đức Chúa Trời cũng có cách làm cho đá… mềm, và trồng hoa lên trên những tảng đá ấy.

Vào biên giới Giê-ru-sa-lem, người tour guide (hướng dẫn viên du lịch) cho ngừng xe trên đỉnh núi cao nhất nhìn xuống toàn thành phố Giê-ru-sa-lem phía dưới, đề nghị ăn mừng và chúc mừng bằng Tiệc Thánh. Tôi lại được mời đọc Thi-thiên 126 chúc phước cho thành phố Giê-ru-sa-lem nay vẫn là địa điểm tranh chấp của người Do Thái và Hồi giáo vì ai cũng cho là Đất Thánh của mình. Cảm giác trộn lẫn với mây trời Đất Thánh mênh mang. Jesus, Tôi Đến, Con Đến, Chúng Con Đến, để ít nhất một lần trong đời Theo Dấu Chân Ngài.

Xe chạy ngang qua Ca-na, nơi Chúa Jesus làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu, được nhắc nhở về sự trù phú của Do Thái, về niềm vui, sự thụ hưởng cuộc sống. Ca-na nhỏ bé ngày xưa nay là một thành phố lớn hơn …ngày đó. Xe chỉ chạy ngang mà không ngừng lại, chỉ đủ để hồi tưởng cuộc nói chuyện thú vị giữa bà Ma-ri mẹ Chúa và chính Ngài… hỡi đàn bà kia, ta với ngươi có sự chi chăng 🙂  Hồi đó, khi mới bắt đầu đọc Kinh Thánh, tôi đã rất… bất mãn khi đọc câu này, sao Chúa lại nói chuyện với mẹ mình vậy nhỉ. Đọc lại bản tiếng Anh cho chắc thì vẫn thấy là woman, chứ không phải là mother, như cách một vài bản dịch mới dịch cho… dễ lọt lỗ tai hơn 🙂

Đến làng Na-xa-rét quê hương của ông bà Giô-sép Ma-ri nhưng không phải là nơi sanh ra Chúa Jesus, chỉ là nơi mà Ngài đã lớn lên: Na-xa-rét ngày xưa nhỏ bé tầm thường như lời Na-tha-na-ên… mô tả: há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét sao? nay là một thành phố lớn và hiện đại xây từ trên núi. Chúng tôi xuống xe, đi bộ ngược lên những con dốc vì nhà thờ nằm trên cao (nói chung, chỗ nào của Do Thái cũng phải leo trèo, lên chốn cao hơn 🙂  Nhà thờ Công giáo đầy tượng và tranh vẽ, dọc các bức tường bên ngoài nhà thờ họ vẽ hình bà Ma-ri, mỗi quốc gia đều cử… đại diện đến nhà thờ này, có Ma-ri Việt Nam mặc áo dài, Ma-ri Trung quốc y hệt Phật bà Quan Âm. Chúng tôi làm một cuộc bầu chọn bà Ma-ri nào… đẹp nhất. Vì là người Việt nên chúng tôi đồng ý chấm giải nhất cho bà Ma-ri Việt Nam 🙂

Rời Na-xa-rét xe leo lên núi, tương truyền là nơi ngày xưa khi Chúa Jesus giảng dạy, bị người Do Thái bắt dẫn lên núi định xô Ngài xuống vực nhưng KT chép: Ngài lánh qua và đi khỏi. Rồi người tour guide lại chỉ, có lẽ không phải chỗ này, mà là chỗ kia. Hai ngàn năm qua, bây giờ thì chỉ là có lẽ, có thể thôi, chứ làm sao mà for sure (chắc chắn) được 🙂  Nhưng đâu đó, trên đất đá, trong không gian, người theo Chúa vẫn có thể hình dung ra hình ảnh Chúa Jesus yêu dấu trong lịch sử đã qua nhưng ngàn đời còn đó.

Chúng tôi đến Mi-ghê-đôn, cửa ngõ đầu tiên khi Giô-suê đưa dân Do Thái qua sông Giô-đanh và thung lũng Hạc-ma-ghê-đôn nơi được tiên tri là trận chiến cuối cùng của mọi dân tộc sẽ diễn ra, thây chất thành núi máu chảy thành sông.

Và núi Cạt-mên, nhớ ngay tiên tri Ê-li, vì ngay cửa vào là pho tượng to lớn của ông. Các Mục sư chụp chung một tấm trước tượng Ê-li, vì… nghĩ rằng thân phận mình gần gũi với ông ấy hơn những người kia 🙂  Một Ê-li hào hùng khi một thân một mình đánh nhau với hàng trăm tiên tri Ba-anh và Át-tạt-tê, và cũng rất thê thảm khi chạy trốn Giê-sa-bên, nằm… đau thương dưới gốc cây giếng giêng và nói với Chúa: cho tôi chết cho rồi 🙂

Điểm cuối ngày là thành Sê-sa-rê bên bờ biển Địa Trung Hải, nơi Hê-rốt xây một khu vực ăn chơi cho người La-mã. Là một di tích còn sót lại tương đối đầy đủ để người ta có thể hình dung ra khung cảnh hoành tráng của đế quốc La-mã xưa, ngậm ngùi khi được hướng dẫn viên cho biết rằng: phía trước mặt chúng ta là một hí trường nơi mua vui cho quý tộc La-mã và cũng là một đấu trường nơi ngày xưa người ta đã xua Cơ-đốc-nhân ra cùng với bầy sư tử đói 🙂  Ngày xưa chưa có microphone và hệ thống âm thanh, người ta đã thiết kế sao cho tiếng hát có thể vang vọng, nghe rõ ràng và hay trong một không gian rộng. Vinh dự được mời đứng trên cao hát thử cho mọi người đứng phía dưới xa nghe xem có… hay, hay không.

Tạ ơn Chúa, mọi người đều nói là… hay 🙂

Mục sư Lữ Thành Kiến

(còn 1 kỳ nữa)

 

 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn