Thứ Sáu , 19 Tháng Tư 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / MỘT TIẾN SĨ KHOA HỌC TIẾP NHẬN CHÚA

MỘT TIẾN SĨ KHOA HỌC TIẾP NHẬN CHÚA

phannhu
Tôi sinh ra và lớn lên trong lòng Miền Bắc. Suốt mười năm học trường phổ thông, tôi luôn luôn được dạy rằng vũ trụ này tự nhiên mà có. Rồi tôi vào học ngành vật lý. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm nghề dạy học. Tôi phải vừa dạy vật lý, vừa thông qua môn học này để giáo dục tư tưởng sinh viên. Tôi dạy học mười ba năm. Năm 1976, tôi được đi làm nghiên cứu sinh ở Hungary.
Có chút bằng cấp nước  ngoài  rồi, tôi  không  dạy học nữa mà xin về làm ở Viện Vật Lý.
Chỗ làm việc của tôi thật lý tưởng. Bây giờ, khi đã tin Chúa, tôi thấy kế hoạch của Ngài đào tạo tôi thật quá kỳ diệu. Không có bàn tay chăm sóc của Ngài thì một thường dân như tôi sao có thể được ưu đãi như thế. Cảm ơn Chúa thật nhiều.
Vì nhiều lý do, năm 1989, nhân một chuyến đi công tác nước ngoài, tôi đã xin ở lại Ðức. Một hôm, ở trại tỵ nạn Heilbronn, tôi gặp nhà truyền đạo Hà Lan Henk Wolthaus. Ông đến trại để phát sách Cơ Ðốc cho mọi người. Sau khi nói chuyện với ông một lát, tôi xin ông một cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Anh (vì ông không có Kinh Thánh tiếng Việt), và một vài cuốn sách nhỏ khác. Tối hôm đó, tôi bắt đầu đọc thử các sách mới xin xem sao.
Không tin.
Ngay từ dòng đầu Kinh Thánh, tôi đã thấy vô lý: “Ban đầu, Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất”. Lương tri tôi bật lò xo. Nhưng rồi tôi nhớ lại, chính Newton cũng cho rằng sở dĩ các thiên thể chuyển động nhịp nhàng được là nhờ “cái hích đầu tiên của Thiên Chúa”, mà ngày trước tôi đã từng phân tích cho sinh viên đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Tự nhiên tôi nghĩ rằng Newton, người phát minh ra định luật hấp dẫn vũ trụ, được coi là phát minh vĩ đại nhất của lịch sử văn minh nhân loại, lại có thể kém như thế ư? Và tôi tự trả lời: không thể được, chắc là mình dốt, không hiểu được ông ta, có lẽ Ðức Chúa Trời có thật. Rồi tôi đọc tiếp câu chuyện Chúa sáng tạo vũ trụ trong sáu ngày. Tất cả như một truyện thần thoại dành cho trẻ con. Khi đọc đến Tân Ước, tôi lại càng thấy nhiều điều không thể chấp nhận được. Có thể tin chăng một bà mẹ đồng trinh sinh con, một người mù được sáng, người cùi được sạch, người què được lành, người chết đã có mùi được sống lại chỉ nhờ những lời phán? Ai có thể đi bộ trên mặt nước, ra lệnh bắt bão tố vô tri phải dừng?
Những phép lạ đầy rẫy trong Kinh Thánh làm cho cái đầu quen suy nghĩ theo kiểu của tôi không sao hiểu nổi.

Rồi nghi ngờ
Ðúng lúc ấy, trong đầu tôi nẩy ra một câu hỏi mà bây giờ tôi biết là chính Chúa đã đến và gỡ mối cho tôi. Câu hỏi đó là: Sức mạnh nào khiến cho hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hầu hết các nhà khoa học vĩ đại mà tôi từng ngưỡng mộ, tin Kinh Thánh? Họ cuồng tín, hay chính mình ngu dốt? Từ những cuốn sách mỏng xin của Henk, tôi  đã  đọc  thấy những câu bất hủ sau đây:

Charles Dickens viết: “Kinh Thánh Tân Ước chính là cuốn sách tốt nhất đã từng hoặc sẽ được biết đến trên thế giới”.
Ngài Isaac Newton, nhà khoa học mà tôi đầy lòng khâm phục, đã kết luận: “Trong Kinh Thánh có nhiều biểu hiện chắc chắn về tính có thực hơn trong bất cứ một câu chuyện nào chống lại sách đó”.
Victor Hugo viết: “Nước Anh có hai cuốn sách, Kinh Thánh và Shakespeare.
Nước Anh sinh ra Shakespeare, còn Kinh Thánh làm nên Nước Anh”.
Albert Einstein, nhà vật lý học được coi là vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã phát biểu: “Khoa học không có tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt”.

Lúc bấy giờ, tôi chưa hiểu được nhiều, nhưng Chúa biết tôi là người từng được học và làm khoa học nên đã dùng tiếng nói của chính các nhà khoa học thật lớn để mở mắt cho tôi. Tôi lại nhớ đến một câu chuyện về Newton. Sau khi ông phát minh ra định luật hấp dẫn vũ trụ kỳ diệu, nhiều người đã hỏi ông làm cách nào ông lại có thể phát minh ra định luật vĩ đại như vậy. Newton vừa cười vừa trả lời: “Ðó là nhờ tôi đã đứng trên vai những người khổng lồ”. Chúa như đang nhắc nhở tôi: “Hãy đứng lên vai những người khổng lồ này thì con sẽ nhận ra Chân Lý của Ta”. Quả nhiên tôi đã bị Ngài bắt phục dễ dàng. Cái tư tưởng được tích lũy công phu và sử dụng trong bao nhiêu năm nay, bị đánh bật khỏi đầu tôi. Xưa nay tôi vẫn nghĩ đơn giản: không có Ðức Chúa Trời vì không ai chứng minh được sự hiện hữu của Ngài. Nhưng bây giờ tôi lại biết đặt câu hỏi mới: “Ai đã chứng minh được Ðức Chúa Trời không hiện hữu?” Tất cả chỉ dựa vào cảm giác của con người; mà cảm giác thì không phải là một cách chứng minh khoa học. Người đứng ở Trái đất nói rằng Mặt Trăng quay quanh Trái Ðất; nhưng quan sát viên đứng ở Mặt Trăng sẽ bảo Trái Ðất quay quanh Mặt Trăng. Ai đúng? Hơn nữa, có nhiều cái hiện hữu mà không thể nhận biết được bằng cảm giác, chẳng hạn như trí khôn con người. Không có và không thể có một máy nào đo được trí khôn. Vì vậy, quan niệm “Có Chúa” hay “Không Có Chúa” là vấn đề Ðức Tin, nằm ngoài phạm vi của khoa học, của cảm giác. Nói theo ngôn ngữ khoa học đây là những tiên đề.

Và đã tin
Thật ra tiên đề Có Chúa dễ tin hơn nhiều. Nhà bác học Newton đã làm một mô hình hệ thống Mặt Trời rất đẹp để ngay trên bàn làm việc. Một hôm, có một người bạn vô thần đến thăm. Ông bạn khen mô hình đẹp quá và hỏi rằng “Ai đã làm nên vậy?”. Newton cười hóm hỉnh trả lời “Tự nhiên mà có đấy thôi”. Ông bạn không tin. Newton trả lời: “Thế thì tại sao cậu lại tin cả cái vũ  trụ vĩ  đại  chuyển động nhịp nhàng  này tự  nhiên mà có, không cần Ðấng Sáng Tạo?”

Tương tự như vậy, nếu đi làm về mà có cơm dẻo canh ngọt trên bàn thì nhất định chúng ta tin rằng phải có một bàn tay khác chăm sóc. Chân lý đó thật quá đơn giản, vậy mà tại sao nhiều người (kể cả tôi trước đây) lại theo tiên đề không Có Chúa. Kinh Thánh có câu trả lời: “vì chúa  đời này (tức ma quỷ) đã làm mù lòng họ.”

Tính muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên, tính di truyền kỳ diệu: hạt giống nào sinh cây trái đó, vẻ đẹp tuyệt vời của những nàng hoa, sự hài hòa và hoàn thiện của cơ thể con người, sự hùng vĩ của bầu trời sao; tất cả những cái đó, cộng với những ý kiến các vĩ nhân mà tôi hằng kính phục, chính là sự minh họa tuyệt vời và là cơ sở để cho tôi tin rằng phải có Ðấng Sáng Tạo. Ðó chính là Ðức Chúa Trời toàn năng, toàn tri, toàn tại.
Dần dần tôi cũng tin Kinh Thánh là Lời hằng sống của Ðức Chúa Trời, vì dù đã được viết bởi hơn bốn mươi tác giả, ở những địa điểm khác nhau, trải ra 1500 năm, nhưng Kinh Thánh là một thể thống nhất. Từ đầu đến cuối đều nói về kế hoạch cứu rỗi của Chúa đối với nhân loại. Thật ra, đây cũng là vấn đề của Ðức Tin, là tiên đề thứ hai cho mọi người tin Chúa.

Một trong những khái niệm khó nhất là khái niệm Ðức Chúa Trời ba ngôi một thể.

Cảm tạ Chúa đã đào tạo tôi thành một người nghiên cứu vật lý, nên điều này đối với tôi lại rất dễ chấp nhận khi so sánh với nước. Nước cũng có ba trạng thái là rắn, lỏng và hơi. Ba trạng thái vật chất ấy đều có cùng bản chất là H2O. Có thể nói ba là một, một nhưng là ba. Ở đâu có một là có cả ba trạng thái. Ðiều thật khó hiểu đã trở thành quá rõ ràng, mặc dù đây chỉ là một sự so sánh rất khập khiễng, một sự minh họa rất đại khái mà thôi.

Khi đã có những niềm tin cơ bản ấy (thừa nhận cả hai tiên đề), thì mọi thắc
mắc về các phép lạ đều được giải đáp dễ dàng. Ðức Chúa Giê-su chính là Ðức Chúa Trời hiện thân làm người như chúng ta. Như vậy, Ngài là Ðấng Sáng Tạo. Chính Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ này, phép lạ vĩ đại nhất, thì những phép lạ khác trong Tân Ước, như đi bộ trên mặt nước, gọi người chết sống lại, đối với Ngài có gì là khó thực hiện.

Những lời dạy của Chúa Giê-xu đã gây cho tôi nhiều xúc động, vì thấy tình yêu thương của Ngài thật vô bờ bến. Ngài cũng phán: “Ta là Ðường Ði, Chân Lý, và Nguồn Sống. Nếu không nhờ Ta, không ai được đến với Cha”. Ngài không tìm đường đi tới hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta, mà chính Ngài là con đường dẫn chúng ta đến sự cứu rỗi linh hồn. Ngài không nói tới một chân lý nào khác, vì chính Ngài là chân lý tuyệt đối duy nhất. Và cũng chính Ngài là nguồn sống, vì tổ phụ A-đam của chúng ta đã nhờ sinh khí của Ngài mà trở thành một loài sinh linh.

Con người tưởng rằng có thể trực tiếp đến với Ðức Chúa Trời, đến với Cha Thiên Thượng. Chúa Giê-xu cho biết: tội lỗi đã tạo ra một hố ngăn cách giữa nhân loại với Ðức Chúa Trời, và bây giờ chính Ngài là chiếc cầu duy nhất bắc qua hố thẳm ấy. Ai không tin nhận Ngài thì không thể đến cùng Ðức Chúa Trời được. Ngài cũng phán: “Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, Ta sẽ vào  ăn  bữa  tối với người đó, chỉ người với Ta”.

Logo HH Media

Thật sự cảm động trước những lời dạy đầy tình yêu thương ấy, tôi đã quỳ gối ăn năn về tội lỗi trong những năm sống vô thần, và thành kính mời Ngài vào làm chủ cuộc đời mình. Từ đó đời tôi hoàn toàn được đổi mới, tràn ngập ánh sáng, bình an và hy vọng.

Thưa quý vị,

Với bài viết ngắn này, tôi không thể nào nói hết được những phước hạnh mà Chúa đã ban cho tôi từ ngày tôi tin nhận Ngài. Trước đây tôi cứ nghĩ chết là hết. Thật ra không phải thế. Kinh Thánh cho biết rằng chết là bắt đầu một cuộc đời mới, như hạt giống chết đi để bắt đầu cuộc đời của một cây xanh. Chúa Giê-su cũng dạy rằng: “Ðức Chúa Trời yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để  cho hễ ai tin Con ấy thì không bị hư vong mà có sự sống đời đời.

Ðể kết thúc, xin cho phép tôi trích dẫn lời của Albert Einstein: “Tôn giáo của tôi là sự hạ mình chiêm ngưỡng Ðấng vốn là thần linh, tối cao, vô hạn, đã tự bày tỏ chính Ngài trong những phần tử vô cùng nhỏ bé của vũ trụ, để cho chúng ta có thể bằng tư duy thiển cận tầm thường của mình cũng nhận biết được Ngài. Chính sự hiểu biết về những quy luật tuyệt vời của vũ trụ vĩ đại và kỳ diệu đã đem đến cho tôi niềm tin sâu sắc về sự hiện diện của một Ðấng quyền năng tối thượng đã sáng tạo nên vũ trụ, cái mà con người không thể nào lãnh hội được bằng lý trí của mình, Ðấng đó chính là Ðức Chúa Trời của tôi.” (Barnett Lincoln-The Universe and Dr. Einstein, p. 95). Ông cũng tuyên bố: “Tôi sẽ đi nhà thờ nào lấy những lời dạy của Chúa Giê-su làm tín điều của mình.” (Knight’s Treasure of Illustrations, p. 217)

Cầu Chúa dùng bài làm chứng ngắn này để góp phần rất nhỏ giúp qua vị tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, mời Ngài vào làm chủ cuộc đời mình và nhận được ơn cứu rỗi, tức là sự sống đời đời mà chính Ngài đã hứa ban tặng. Kinh Thánh dạy rằng: “Ðức Chúa Trời là tình yêu”. Tin nhận Chúa Giê-xu, quý vị sẽ được nếm trải tình yêu thương ngọt ngào ấy như hàng tỉ người và cả chính tôi đã từng kinh nghiệm được. Quý vị sẽ như một người con lạc đường quay trở về nhà cha đẻ của mình, mọi thứ trước đây ở bên phải nay đều ở bên trái và ngược lại (như đại văn hào Nga Lev Tonstoi đã nhận xét). Phước hạnh và tình thương của Chúa sẽ theo quý vị đến hết cuộc đời như Ngài đã hứa. Vui biết mấy, một ngày mai, chúng ta sẽ được gặp nhau ở Thiên Ðàng, cùng nắm tay ca hát tôn ngợi Ðức Chúa Trời yêu quý, Ðấng Sáng Tạo, đã dựng nên trời đất vũ trụ, cũng như cả quý vị và tôi. Thật là một niềm hạnh phúc tuyệt vời! Ước mong sẽ được  trao  đổi  tâm  tình  thêm  với quý  vị  qua  các  phương tiện thông tinhiện có.

Tác giả  Tiến sĩ Phan Như Ngọc

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn