Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Một Đời Sống Tỏa Hương Thơm

Một Đời Sống Tỏa Hương Thơm

“Vì chúng tôi ở trước mặt Đức Chúa Trời là mùi thơm của Đấng Christ, ở giữa kẻ được cứu, và ở giữa kẻ bị hư mất: Cho kẻ nầy, mùi của sự chết làm cho chết; cho kẻ kia, mùi của sự sống làm cho sống. Ai xứng đáng cho những sự nầy?”

Khi tôi lớn lên ở vùng phía nam bang Indiana, chúng tôi không biết nhiều về ô nhiễm không khí, mặc dù vậy chúng tôi kinh nghiệm điều này hầu như mỗi ngày. Các nhà máy thép, các nhà máy lọc dầu, và các nhà máy hóa chất đem lại công việc cho xã hội và cũng gây ô nhiễm bầu khí quyển. Chúng ta thường nói đùa với nhau rằng: “Vào một ngày trong lành bạn sẽ thấy chân của mình”, mặc dù không thực sự tồi tệ như vậy. Khi gió đổi chiều, mùi trong không khí cũng thay đổi, vậy nên chúng ta luôn biết gió đang thổi chiều nào.

Bible-3

Dù không để ý được rằng Kinh Thánh đề cập tới hơn một tá các mùi khác nhau, trong thời xưa, ở vùng Cận Đông những loại dầu thơm là rất cần thiết để giữ vệ sinh cá nhân. Ở một vài nơi có bể tắm công cộng, nhưng sau khi tắm rửa người ta thường dùng dầu thơm để che mùi cơ thể. Mọi người cũng đốt trầm để tạo mùi thơm trong không khí. Trong chương trước khi nói về lễ mừng chiến thắng của người La Mã, chúng ta đã biết rằng các Cơ Đốc Nhân phải tỏa “hương thơm thánh khiết,” hương thơm này là “sự chết” với những người chưa tin nhưng là “sự sống” với những người biết Chúa Giê-su Christ. Con dân Chúa phải tỏa mùi hương đặc biệt để thu hút những người khác và trở thành nguồn phước cho mọi người. Chúng ta đã thấy hương thơm của sự thắng (II Cô-rinh-tô 2:15-16) nhưng còn có những mùi thơm khác cần có trong cuộc sống chúng ta.

 

Lời Cầu Nguyện Tỏa Hương Thơm (Thi Thiên 141:2).

Trong đất nước Y-sơ-ra-ên, cả hòm giao ước và đền tạm có một bàn thờ nhỏ trước bức màn và thường chỉ được dùng để xông hương (Xuất Ê-díp-tô 30:1-10, 34-38; 37:25-29). Bàn thờ này được làm từ gỗ cây Si-tim và được phủ bằng vàng ròng. Mỗi buổi sáng và buổi tối, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ đốt loại hương thơm đặc biệt trên bàn thờ này và bàn thờ này không được sử dụng cho mục đích khác. Trong Kinh Thánh, việc xông hương tượng trưng cho việc dâng lời cầu nguyện cho Chúa. Vua Đa-vít cầu nguyện rằng: “Nguyện lời cầu nguyện tôi thấu đến trước mặt Chúa như hương” (Thi Thiên 141:2), và Giăng nói rằng, trên Thiên đàng, lời cầu nguyện của các thánh chính là hương thơm (Khải Huyền 5:8; 8:1-6). Xa-cha-ri là thầy tế lễ hầu việc tại bàn thờ này khi thiên thần xuất hiện và thông báo rằng ông và vợ ông bà Ê-li-sa-bét sẽ có một con trai, là Giăng Báp-tít (Lu-ca 1:5-25).

Đền thờ và hương thơm dạy chúng ta những sự thật quan trọng về lời cầu nguyện. Điều thứ nhất, những lời cầu nguyện của chúng ta phải sử dụng Kinh Thánh. Đức Chúa Trời chỉ Môi-se công thức tạo ra hương thơm thánh và nói rõ rằng không được phép dùng các loại hương thơm khác, và không được dùng loại hương thơm thánh này ở bất kỳ nơi nào khác. Hương này chỉ dùng tại bàn thờ bằng vàng trước bức màn. Vậy “các thành phần” tạo nên lời cầu nguyện thực là gì? Lòng khiêm nhường, lòng trung tín, sự thờ phượng, sự thờ lạy, sự xưng tội, và tuyên bố lời hứa của Chúa chắc chắn rất cần thiết. Thầy thượng tế của người Do Thái chỉ có thể tiến đến trước bức màn là cùng những con dân Chúa ngày nay có thể tiến vào nơi chí thánh và gặp Chúa tại ngôi báu ân điển. Chúng ta được ban cho nhiều quyền phép như vậy đấy!

Thầy tế lễ chỉ có một thời điểm đặc biệt trong ngày được đến gần bàn thờ, còn chúng ta có thể tự quyết định thời điểm mình gặp Chúa qua lời cầu nguyện. Chúng ta phải bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng lời cầu nguyện. Tuy nhiên chúng ta cũng phải cầu nguyện ngay trong ngày nếu đối diện với những tình huống khác thường. Tiên tri Nê-hê-mi là một ví dụ tuyệt vời về việc “cầu nguyện không thôi” và bạn có thể tìm hàng tá những lời cầu nguyện được ghi lại trong các sách của ông. Một điều thiết yếu khác là nhiệm vụ của Đức Thánh Linh. Hương thơm được đốt trên bàn thờ làm bằng vàng, và Đức Thánh Linh chính là “ngọn lửa” châm ngòi cho lời cầu nguyện của chúng ta. Phao-lô khích lệ Ti-mô-thê “hãy nhen lại ơn của Đức Chúa Trời” (II Ti-mô-thê 1:6) được ban cho Ti-mô-thê và theo nghĩa đen điều này có nghĩa là “thổi lửa bùng lên.” Khi thầy tế lễ đến bàn thờ mỗi buổi sáng và tối, đầu tiên ông ta quét dọn tro bụi trên bàn thờ và nhóm lại ngọn lửa, vậy nên chúng ta cần dọn sạch lòng mình và tiến tới phía trước dù ngày hay đêm.

Mỗi lúc tôi chuẩn bị thờ phượng hay tham dự một buổi hiệp nguyện, tôi có thể đóng góp hay không là tùy thuộc vào tình trạng thuộc linh của tôi. Thầy tế lễ không dám mang “ngọn lửa lạ” vào nơi tôn nghiêm mà phải lấy ngọn lửa thánh từ bàn thờ dâng của lễ thiêu (làm bằng đồng thau) là nơi mà lửa không bao giờ tắt. Ngọn lửa này thường đến từ Thiên đàng (Lê-vi Ký 9:24)! Ngọn lửa này thêm sức mạnh cho một buổi hiệp nguyện khi mọi người tham dự có thói quen cầu nguyện và giống như những môn đồ làng Em-ma-út, có tấm lòng nóng nảy (Lu-ca 24:32). Thầy tế lễ được lựa chọn để xông hương mang trong mình một mùi hương thơm ngát từ hương thánh của bàn thờ. Và mọi người biết rằng ông ta vừa đi ra từ nơi tôn nghiêm. Liệu rằng những người khác có thể phát hiện được mùi “hương thánh” trên người chúng ta và biết rằng chúng ta ở cùng Chúa Giê-su?

Thật là ý nghĩa nếu lời cầu nguyện của con dân Chúa được lưu lại trên Thiên đàng như một thức hương có mùi thơm (Khải Huyền 5:8; 8:3-4). Chúng ta sống trên đất này có thể nghĩ rằng những lời cầu nguyện lắp bắp là thất bại, nhưng Cha chúng ta lại coi chúng là quý giá. Những lời cầu nguyện của chúng ta có thể bị coi thường trên đất này nhưng lại là báu vật trên Thiên đàng và mang lại niềm vui cho Chúa. Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của lời cầu nguyện hay tác dụng của lời cầu nguyện trên con dân Chúa và công việc Chúa. Lời cầu nguyện của một đứa trẻ sẽ nhận nhiều sự chú ý trên Thiên đàng cũng như những lời cầu thay của một chiến sĩ cầu nguyện có tuổi.

Hương thơm của sự hiệp một (Thi Thiên 133). 

Psalms_133-1

Sự bất hòa, không hiệp một là vấn đề trong dân sự Chúa từ khi Ca-in giết chết A-bên, A-rôn và Mi-ri-am chỉ trích em mình là Môi-se, và các môn đồ của Chúa chúng ta cũng tranh cãi xem ai trong số họ là lớn nhất. Chúng ta hát, “We are not divided/ All one body we” (Chúng ta hiệp một/ Tất cả chúng ta trong một thân). Điều này đúng theo cách nhìn của Chúa nhưng không phải lúc nào cũng đúng theo cách nhìn của thế gian. Hội Thánh Cô-rinh-tô làm buồn lòng Chúa và Phao-lô bởi Hội Thánh bị phân rẽ theo bốn hướng (I Cô-rinh-tô 1:12). Tôi đã làm Mục sư Quản nhiệm ở ba Hội Thánh và thi hành mục vụ ở nhiều Hội Thánh khác, vì thế tôi kinh nghiệm cả sự sốt sắng hiệp một thánh khiết lẫn luồng gió lạnh lẽo của sự không hiệp một. Nhưng hình tượng trong Thi Thiên 133 chỉ ra rằng sự hiệp một phải đến từ Chúa, bắt đầu bằng từ “anh em” (brethen) trong câu 1. Từ đó ngay lập tức nhắc nhở chúng ta rằng tất cả các Cơ Đốc Nhân đã kinh nghiệm một đời sống tái sinh trong Đấng Christ và cùng thuộc một gia đình. Vì thế, chúng ta phải yêu thương lẫn nhau và làm mọi điều có thể để “dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:3).

Nhưng tôi muốn tập trung vào hương thơm của dầu mà A-rôn đã xức để trở thành thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Hương thơm đến từ sự hiệp một cá nhân không có trong sự thống nhất có tổ chức, vì sự hiệp một đến từ tình yêu trong khi sự thống nhất là kết quả của áp lực từ bên ngoài. Được truyền cảm hứng bởi Thánh Linh, Đa-vít đã chỉ ra rằng dầu quí giá đổ ra trên đầu A-rôn chảy xuống râu A-rôn (Thi Thiên 133:2). Điều này nghĩa là dầu chảy qua mười hai viên đá quí trên bảng đeo ngực của A-rôn, những viên đá này tượng trưng cho 12 chi phái của Y-sơ-ra-ên. Dầu xức hợp nhất những viên đá. Đây là hình ảnh của Hội Thánh: “Đều đã chịu phép Báp-Têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân” (I Cô-rinh-tô 12:13). Dù cho món trang sức được đặt ở đâu một khi nó được đụng tới bởi dầu thì sẽ hiệp một với những viên đá khác. Mỗi viên đá có vẻ đẹp và tính chất riêng của nó, nhưng không có viên đá nào lớn hơn viên nào. Như khi A-rôn đeo tên các chi phái trước ngực và trên vai (Xuất Ê-díp-tô Ký 28) giống như Đức Chúa Giê-su Christ, thầy tế lễ cả thượng phẩm, mang chúng ta trên vai Ngài và trước ngực Ngài. Ngài không bao giờ ngừng yêu thương và chăm sóc chúng ta.

images

Vua Đa-vít là người đã viết đoạn Thi Thiên này, và ông biết về sự hiệp một và sự bất hòa. Khi ông còn trẻ, những anh em của ông không tôn trọng ông trong suốt những năm ông chưa làm vua.Sau-lơ chia đôi đất nước để chống lại ông. Sau khi Sau-lơ chết, Đa-vít trị vì được bảy năm rưỡi ở Hếp-rôn trước khi toàn bộ đất nước được thống nhất. Bởi sự ghen tỵ, tính dâm dục và kiêu ngạo, một vài người con trai của Đa-vít đã tạo ra sự bất hòa trong gia đình ông và trong đất nước. Sự hiệp một thật là tốt lành và vui vẻ giống như sương rơi trên những cánh đồng và vườn cây sinh ra những trái đẹp (Thi Thiên 133:3). Hội Thánh không phải là để tạo một sự thống nhất có tổ chức vì chúng ta đã hiệp một trong Đấng Christ rồi. Nhiệm vụ của chúng ta là phải cố gắng, “Dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:3). Nếu mỗi tín hữu làm trọn nhiệm vụ đó thì lời cầu nguyện của Đấng Christ cho sự hiệp một trong Giăng đoạn 17 sẽ là câu trả lời. (Giăng 17:11,21-23)

Hương Thơm Của Tình Bạn Hữu.

“Dầu và thuốc thơm làm khoan khoái linh hồn;

Lời khuyên do lòng bạn hữu ra cũng êm dịu dường ấy” (Châm Ngôn 27:9).

Thật là một phước hạnh lớn khi có một người bạn để có thể thảo luận những vấn đề quan trọng, cầu nguyện và nhận được những lời khuyên thuộc linh hữu ích. Những lời khuyên như vậy sẽ thay đổi bầu không khí của cuộc sống, như là hương thơm của nước hoa thay đổi không khí trong phòng. Nếu mang đến bầu không khí u ám của sự buồn bã, thất vọng sẽ chỉ làm cho vấn đề xấu hơn, nhưng Chúa có thể sử dụng một người bạn hay an ủi để mang đến một bầu không khí trong lành đầy hương thơm.

Chúa chúng ta nói với các môn đồ của Ngài rằng Ngài coi họ là bạn chẳng phải đầy tớ, “Vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm” (Giăng 15:13-15). Chúa Giê-su chia sẻ bí mật của Ngài với chúng ta vì chúng ta suy gẫm lời Ngài, và Ngài bày tỏ tình bạn hữu của Ngài với chúng ta bằng cách từ bỏ mạng sống Ngài vì chúng ta.

“Sắt mài nhọn sắt.

Cũng vậy người bổ dưỡng diện mạo bạn hữu mình” (Châm Ngôn 27:17).

Tôi cảm ơn Chúa vì Ngài đã cho tôi những người bạn đã khuyên bảo tôi, quở trách tôi, và đôi khi phát vào mông tôi, bởi Chúa sử dụng lời nói của họ như một lưỡi dao sắc nhọn cho chức vụ của tôi. Đôi khi chức vụ của họ là phải đi sâu hơn nữa và lên án tôi, nhưng điều đó luôn luôn giúp ích cho tôi. Chức vụ của họ là mang đến hương thơm của một khu vườn chứ không phải là mang đến lửa và lưu huỳnh của chiến tranh.

Khi tôi còn trẻ con, tôi có những người bạn chơi cùng. Khi tôi đến trường và tôi có bạn cùng lớp. Trong ký túc xá tôi có bạn cùng phòng. Và một ngày nọ tôi nói, “Tôi cần một người bạn đời.” Chúng tôi đã kết hôn hơn 60 năm nay và thi hành chức vụ ở nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ những người tuyệt vời. Lời cầu nguyện chính là điều mà chúng tôi luôn để lại cho họ với hương thơm của Chúa cho dù chúng tôi đi bất cứ nơi đâu thì những người khác cũng cầu nguyện cho chúng tôi.

Một suy nghĩ cuối cùng: có nhiều tuyên bố “one another” (lẫn nhau) trong Tân Ước nhắc chúng ta nhớ rằng mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm với những người cùng niềm tin khác, dù chúng ta là người lạ, tình cờ quen biết, hay bạn lâu năm. “Điều răn mới” chính là chúng ta yêu thương người khác được tìm thấy hàng tá trong Kinh Thánh, và một tuyên bố về “lẫn nhau” biến tình yêu thương thành những chức vụ rõ ràng:“cầu nguyện cho nhau” (Gia-cơ 5:16), “khuyến cáo lẫn nhau” (Hê-bơ-rơ 3:13), khuyên bảo lẫn nhau (Rô-ma 15:14), phục vụ lẫn nhau (Ga-la-ti 5:13), làm gương sáng cho nhau (Rô-ma 14:19) và còn nữa. Tôi nghĩ có hơn hai mươi tuyên bố “lẫn nhau” trong Kinh Thánh bổ sung cho cụm từ quen thuộc “yêu thương lẫn nhau.”

Hương Thơm Của Sự Hy Sinh (Phi-líp 4:18).

Phao-lô ở tù tại Rô-ma. Những người bạn của ông trong Hội Thánh tại Phi-líp đã gửi ông món quà đặc biệt là tiền, giúp nâng đỡ tâm linh và đáp ứng những nhu cầu của ông. Nhưng Phao-lô không xem món quà là sự dâng hiến cho chức vụ của Hội Thánh. Ông xem nó như một, “Một thứ hương có mùi thơm, tức là một của lễ Đức Chúa Trời vui nhận, và đẹp lòng Ngài” (Phi-líp 4:18). Bởi sự dâng hiến rời rộng của họ, những thánh đồ ở Phi-líp đã làm Chúa vui lòng và Ngài ban phước trên đầy tớ của Ngài. Đó chẳng phải là tất cả những gì chúng ta cần sao?

Trong Kinh Thánh, chúng ta thường được kể rằng Đức Chúa Trời “đã ngửi” những vật tế mà con dân Chúa dâng cho Ngài và Ngài vui lòng với sự thờ phượng của họ (Sáng Thế Ký 8:21, Lê-vi Ký 1:9,13,17;26:31). Lẽ dĩ nhiên, đây là ngôn ngữ của con người thường dùng để dạy dỗ những lẽ thật tâm linh, vì Đức Chúa Trời là Thần và không có một thân thể với mũi để phát hiện mùi. Trong Kinh Thánh, hương thơm của lời nói là sự chấp nhận với tình yêu thương trong khi mùi của lời nói là sự trừng phạt và loại bỏ. Một vài bệnh dịch mà Chúa mang đến đất nước Ê-díp-tô gây ra bởi mùi hôi thối (Xuất Ê-díp-tô ký 7:18, 21; 8:14). Ê-sai cảnh báo người dân rằng khi ngày của Chúa đến, “Sẽ có mùi hôi thay vì nước hoa.” (Ê-sai 3:24).

Tôi biết Benjamin Franklin khi còn là một chú bé, đã gợi ý cha mình rằng ông nên xin một thùng lớn đầy thức ăn một lần là đủ cả thay vì mất thời gian cầu nguyện từng bữa một, và cậu bé bị phạt vì điều đó. Cho dù khôn lỏi, nhưng Franklin đã quên một điều. Lời cầu nguyện trước bữa ăn không chỉ cảm ơn Chúa vì thức ăn được ban cho mà còn thánh hóa bữa ăn, biến bữa ăn thành một thời điểm đặc biệt của tình bằng hữu với người khác và với Chúa. Bao nhiêu người hiểu được bữa ăn hàng ngày là “của tế lễ tâm linh” được dâng lên cho Đức Chúa Trời và Ngài dùng chúng như những thầy tế lễ trong đền thờ?

Trong thời Cựu Ước, người theo đạo Do Thái thường nhạo báng dân ngoại vì thờ lạy những thần tượng chết.

“Hình tượng có miệng mà không nói;

Có mắt mà chẳng thấy;

Có tai mà không nghe;

Có lỗ mũi mà chẳng ngửi” (Thi Thiên 115:5-6).

Nhưng Chúa chúng ta là Đấng Sống và nhận biết các của tế lễ mà chúng ta dâng cho Ngài bởi chúng ta yêu Ngài và muốn làm vui lòng Ngài. Phần quan trọng nhất của cuộc đời một người tin Chúa chính là phần mà chỉ Đức Chúa Trời nhìn thấy: sự thờ phượng cá nhân và tình bạn hữu. Nếu chúng ta thực sự thờ phượng Chúa từ trái tim mình, dù chúng ta dâng gì cho Chúa với tình yêu thương gồm cả thời giờ, tài sản, và sự hầu việc Chúa thì sẽ được Ngài chấp nhận và ban phước.

Một trong những tấm gương tuyệt vời nhất của nguyên tắc này là việc bà Ma-ri làng Bê-tha-ni xức dầu cho Chúa Giê-su (Giăng 12:1-8). Ma-ri có thể sử dụng loại dầu thơm đắt tiền đó để chuẩn bị cho việc chôn cất anh trai mình là La-xa-rơ (Giăng 11), nhưng bà để dành nó cho Chúa Giê-su. Bất cứ khi nào chúng ta dâng điều tốt nhất cho Chúa, thì một người nào đó sẽ chỉ trích chúng ta, và đó là điều mà Giu-đa đã làm. “Sao lại phí dầu thơm như vậy?” Hãy thử tưởng tượng rằng nói một món quà cho Chúa Giê-su là lãng phí! Chúa Giê-su quở trách Giu-đa và nói rằng sự thờ phượng của Ma-ri sẽ nổi tiếng khắp thế giới (Mác 14:9). Giăng kể với chúng ta rằng, “Cả nhà thơm nức mùi dầu đó” (Giăng 12:3). Tóc của Ma-ri thấm đẫm dầu, vậy nên cho dù bà đi đến nơi nào trong nhà thì bà cũng mang theo hương thơm của sự thờ phượng cùng bà. Hãy nuôi dưỡng một đời sống tỏa hương thơm tại nhà.  Bởi vì nếu chúng ta trung tín tại nhà mình thì Chúa có thể biến đời sống thành ơn phước khắp thế gian giống như Ngài đã làm cho bà Ma-ri! Sự thờ phượng cá nhân của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến công chúng theo nhiều cách khác nhau mà chúng ta không thể biết hết cho tới khi chúng ta lên Thiên đàng.

Hương Thơm Của Sự Tha Thứ.

Khi tôi nghĩ về vẻ đẹp của hương thơm tha thứ, hai nhân vật trong Kinh Thánh xuất hiện trong đầu tôi – một người đàn ông nổi tiếng trong Cựu Ước và một người phụ nữ vô danh trong Tân Ước, một người là vua còn người kia là dân thường – cả hai người này đều liên quan đến tội lỗi tình dục. Nhưng một khi họ gặp Chúa và kinh nghiệm được sự tha thứ, kết quả chính là hương thơm.

Người đàn ông là Vua Đa-vít. Ông phạm tội ngoại tình với Bát-sê-ba và cố gắng che dấu tội lỗi của mình, khi trải qua nhiều tháng đau khổ và thương tiếc (Thi Thiên 32:3-5). Sau khi con trai ông sinh ra, đứa bé đau ốm và Đa-vít kiêng ăn và cầu nguyện xin đứa bé được cứu nhưng Đức Chúa Trời đem linh hồn nó lên Thiên đàng. Khi ông biết tin này, “Bấy giờ, Đa-vít chờ dậy khỏi đất, tắm mình, xức dầu thơm, và thay quần áo; rồi người đi vào đền của Đức Giê-hô-va và thờ lạy” (II Sa-mu-ên 12:20).

Đa-vít tắm và xức dầu lên mình bằng nước hoa thơm ngát và mặc quần áo mới. Cả ba hành động này được dùng trong Kinh Thánh đều liên quan tới sự tha thứ. Khi Chúa tha thứ chúng ta, Ngài rửa sạch chúng ta, mặc quần áo mới cho chúng ta và xức lên mình chúng ta thứ dầu thơm phước lành. Đứa con trai hoang đàng được mặc bộ quần áo tốt nhất (Lu-ca 15:22). Tiên tri Xa-cha-ri đã vẽ một bức tranh về trải nghiệm này ở chương 3 trong sách của ông, trong đó ông cho chúng ta thấy thầy thượng tế với áo bẩn được nhận áo đẹp (Xa-cha-ri 3:1-5), một bức tranh về sự tha thứ của Chúa với tội lỗi của người Do Thái.

Người phụ nữ vô danh là một gái điếm đây cũng chính là người nghe Chúa giảng và đáp ứng lời kêu gọi của Ngài với tội nhân: “Hãy đến cùng ta… và ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28-30). Bà tin Chúa và được cứu. Bà đã theo Ngài tới nhà Si-môn người Pha-ri-si, nơi đó Chúa Giê-su đang dùng bữa tối, và ở đó bà rửa chân Ngài bằng nước mắt mình, lau chân Ngài bằng tóc mình, và xức dầu chân Ngài bằng dầu thơm (Lu-ca 7:36-50). Nước hoa mà bà từng sử dụng cho điều xấu nay lại được dùng cho Đấng Cứu Thế, và Ngài chấp nhận nó. Đó chính là hương thơm của sự tha thứ. Đức Chúa Giê-su tuyên bố bà đã được tha tội và điều này làm Si-môn choáng váng nhưng lại an ủi người phụ nữ. Sau đó Chúa Giê-su phán, “Đức tin ngươi đã cứu ngươi. Hãy đi cho bình an.” Và vấn đề được giải quyết (Lu-ca 7:50).

Những ai được Chúa tha thứ, chúng ta phải tha thứ. Chủ nhà Si-môn vẫn chưa học được bài học đó. Tội lỗi đã gây ô nhiễm nặng bầu không khí của thế gian này và con dân Chúa chính là những người có thể tạo nên sự khác biệt. Có phải chúng ta đang tỏa hương thơm tha thứ trong nhà mình, trong Hội Thánh, trong tình bè bạn, và trong nơi làm việc không?

images

Warren W. Wiersbe

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn