Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / MỘT KHÁM PHÁ QUAN TRỌNG NHẤT

MỘT KHÁM PHÁ QUAN TRỌNG NHẤT

MỘT KHÁM PHÁ QUAN TRỌNG NHẤT

new-york_plane_682_499948a
Bạn có thích ngồi trên máy bay từ trời cao nhìn xuống các thành phố bên dưới đất không? Tôi rất chăm chú và rất thích kinh nghiệm nầy mỗi khi có dịp. Tôi Bay Trên Bầu Trời Nước Mỹ Ngồi bên cửa sổ máy bay, tôi đã nhìn xuống thành phố Dallas, Houston. Tôi đã nhìn xuống thấy sa mạc vùng Arizona, Nevada. Tôi đã nhìn xuống thành phố New York, thành phố Washington D.C. ở phía Đông. Tôi đã nhìn xuống thành phố Los Angeles, và thành phố Seattle ở phía Tây. Tôi cũng đã nhìn xuống thành phố Toronto ở phía Đông và thành phố Vancouver ở phía Tây nước Canada. Từ trên bầu trời tôi thích nhìn xuống mặt đất. Bạn cũng như tôi, nhưng chúng ta sẽ có cái nhìn khác nếu nhìn từ trên cao, và nhìn xa hơn chúng ta sẽ có cái nhìn bao quát hơn. Càng nhìn xa trông rộng chúng ta càng dễ dàng có nhận định và quyết định khôn ngoan hơn.

Tôi đang bay giữa bầu trời nước Mỹ,

Mà nghe lòng lồng lộng nhớ quê hương…

Tôi đang hầu việc Cha trên đất,

Mà tâm linh mơ tưởng thiên đường…

Tôi nghĩ tại sao có quả đất thay vì không có gì cả? Có quả đất xanh như hòn ngọc giữa không trung thì chắc phải có một nơi nào đó giữa không trung được gọi là thiên đàng. Nếu có thiên đàng thì cũng có địa ngục. Thiên đàng dành cho Trời và địa ngục dành cho Quỷ. Thiên đàng dành cho người lành và địa ngục dành cho người ác. Thiên đàng của người được Trời cứu và địa ngục của người bị hư mất. Có nhiều điều mà hầu hết con người ở dưới đất nầy không thấy, không biết. Chỉ có Trời biết! Hãy hỏi những phi hành gia rằng họ đã thấy gì khi họ nhìn xuống từ trên không trung? Ngày xưa khi các vua chúa Việt Nam nghe nói ở Tây Phương có bóng đèn điện sáng treo chốc ngược giữa trần nhà, thì không ai tin. Việc tin hay không tin nầy của các nhà vua chúa người Việt không thay đổi sự kiện loài người đã khám phá ra điện và sử dụng điện cho lợi ích của loài người. Chúa Giê-su có lần đã nói với một giáo sư người Do Thái, “Nếu ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin thay; huống chi ta nói những việc thuộc về trời, thì các ngươi tin sao được? Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời” (Giăng 3:12).

how-to-become-a-doctor

Tôi nhớ có lần một cặp vợ chồng Bác sĩ người Việt đã về hưu nói chuyện với tôi. Ông bà kể chuyện gia đình và cô con gái đang học Bác sĩ. Một hôm cô gái về nhà và nói với ba mẹ, “Con sắp lấy chồng.” Ông bà vui vì con đã lớn, bây giờ muốn lập gia đình. Ông bà hỏi, “Vậy con lấy ai?” Cô con gái nói về người bạn học cùng trường. Anh sắp tốt nghiệp ngành Y và sẽ làm bác sĩ như cô… Nhưng bầu không khí trở nên nặng nề khi cô gái cho biết bạn cô là một người Jamaica (Trung Mỹ). Ông yên lặng còn bà thì cực lực phản đối. Bà không thể chấp nhận một người con rể khác chủng tộc và khác màu da. Bà nghĩ đến bạn bè của bà, họ sẽ nói gì, nghĩ đến những đứa cháu của mình sẽ có diện mạo ra sao. Rồi nghĩ đến tương lai, bà cảm thấy chịu không được vì biết con cháu mình sẽ khác hẳn con cháu người ta… Cô con gái ôm nỗi buồn vào lòng và chờ đợi. Cho đến một hôm trong lễ tốt nghiệp của mình, cô mời ông bà đi dự lễ. Ông bà nhận lời đi dự ngày vui tốt nghiệp của con. Nhưng vị diễn giả buổi lễ hôm đó lại là một người da đen. Ông là một phi hành gia. Ông đã kể lại chuyến bay vòng quanh thế giới của mình trên không trung, với kinh nghiệm được ngồi trên phi thuyền nhìn xuống quả đất. Ông kể về sự kỳ diệu của thiên nhiên, về vẻ đẹp tuyệt hảo của địa cầu và nói, “Từ trên không gian nhìn xuống, tôi không thấy một biên giới nào cả.” Câu nói của vị diễn giả đã thay đổi cái nhìn của ông bà bác sĩ người Việt. Biên giới là do ta dựng nên. Thế giới không biên giới. Tình yêu cũng không biên giới. Nên cuối cùng ông bà đã đồng ý cho cô con gái lấy chồng, một người chồng khác màu da, khác chủng tộc. Tôi đang sống ở Mỹ, tôi học, tôi quan sát và nhờ đó tôi cũng có cái nhìn khác hơn, xa hơn. Tôi đã ngạc nhiên khi lần đầu được nghe câu hỏi, “Mục đích của đời người là gì?” Và ngay sau đó tôi nghe được câu trả lời, “Mục đích đời người là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và vui hưởng chính mình Ngài mãi mãi.” Cả câu hỏi và câu trả lời nầy tôi chưa bao giờ được nghe nói đến khi còn sống ở Việt Nam. Tôi không biết rằng cả ngàn năm qua, các trẻ em Âu Châu và Mỹ Châu đều đã được học câu hỏi và câu trả lời nầy. Biết cội nguồn và mục đích đời người là quan trọng biết bao. Ở Mỹ tôi thích nhìn lên trời. Bốn phía chân trời. Ở đây bầu trời vẫn một màu xanh lơ. Xa thẳm. Mây vẫn trắng. Giống các bức tranh vân cẩu. Vẫn có ngày, có đêm. Có mặt trời và mặt trăng. Có năm có tháng. Có thành phố, có đồng quê. Ở đây vẫn có các vì sao sáng trong bóng đêm. Có ánh bình minh và cảnh hoàng hôn. Có năm mới, bốn mùa xuân hạ thu đông. Vẫn có đường sá lớn nhỏ. Có hồ nước, sông biển. Có sở thú, vườn hoa, màu sắc. Có những con người. Có các chủng tộc khác nhau. Có các công ty, hãng xưởng. Có luật pháp, kỷ cương. Ở đây tôi còn thấy tuyết, thấy gió lốc “tornedo.” Tôi tự lái xe đi làm. Tôi có thể tự in sách, làm báo. Tôi đi xa bằng máy bay. Tôi thích đến những vùng đất mới. Tôi thấy mình được sống tự do. Tôi đang chia sẻ số phận của quả địa cầu mà tôi đang sống. Tôi đang chia sẻ số phận của nước Mỹ, nơi mà tôi đang sống và làm việc trong cuộc đời còn lại của tôi. Tôi Nghĩ Về Đời Nầy Tôi nghĩ về đời nầy và đời sau.

images

Người Việt hay nói “xem trái biết cây”, nhưng thường ít người biết đời sau là kết quả của đời này, và đời này sẽ chuẩn bị cho đời sau. Đời này rất ngắn nhưng đời sau sẽ rất dài. Kinh Thánh cho thấy hình ảnh sau khi chết, người ăn mày được vào nơi an nghỉ, còn người nhà giàu thờ ơ với người nghèo đó lại vào chốn khổ hình. Quy luật “gieo chi gặt nấy” được Trời thi hành. Người giàu cậy của cải nên khó vào nước Thiên Đàng cũng được Trời thi hành. Chúa Cứu Thế đã đến thế gian giảng Tin Lành cho kẻ nghèo. Ai cũng cần nghe Tin Lành của Chúa. Tuy nhiên không phải kẻ nghèo đều vào thiên đàng, và kẻ giàu đều đi địa ngục. Mà chỉ có người hưởng ứng với Tin Lành nầy và trở lại thờ Trời mới hưởng được nước Trời. Tôi nghĩ đến giàu và nghèo, dư dật hay thiếu hụt, sang hay hèn, học thức hay dốt nát, ngu dại hay khôn ngoan. Người Mỹ tin Trời nên hay nhắc nhau, “Sự tôn kính Đức Chúa Trời là khởi đầu của sự khôn ngoan.” Người Mỹ tin rằng bạn sẽ không bao giờ thiếu thốn hay nghèo đói khi bạn tin và hành động theo sự phán dạy của Đức Chúa Trời. Có bao giờ bạn nghe nói câu nầy không: “Tất cả những gì tôi có là do Đức Chúa Trời giao cho tôi quản lý, tôi là người quản lý trung thành.” Dù bạn đang có nhiều hay có ít, bạn có biết không, đó là do Đức Chúa Trời giao thác cho bạn. Đó là triết lý sống của người tin thờ Trời. Tất cả thành công hay thất bại, khởi đầu hay kết thúc, vui hay buồn trong đời nầy đều khởi đầu và kết thúc của việc tôn kính và tin cậy Đức Chúa Trời. Tôi đang nhìn vào thực tế để suy nghĩ và nhận định về tương lai. Tôi nghĩ đến Đông Phương và Tây Phương. Tôi đã ở với triết lý Đông Phương quá lâu và bây giờ tôi nhìn vào thực tế Tây Phương. Kết quả tôi đang thấy mọi việc xảy ra trên thế giới nầy đều là kết quả của đức tin. “Đức tin là tin điều không thấy và kết quả của đức tin là thấy điều mình tin” (Augustin). Điều quan trọng nhất là bạn tin ai? Bạn nhờ ai? Ở Mỹ bây giờ tôi nhìn thấy khác. Tôi nghĩ khác. Tôi thấy những điều mà trước đây tôi chưa thấy. Tôi nghĩ nhiều điều mà trước đây tôi chưa nghĩ. Tôi nghe những điều tôi chưa hề nghe. Tôi biết điều tôi chưa hề biết. Tôi thấy cả quả đất là công trình sáng tạo tuyệt vời của Đức Chúa Trời. To lớn, màu sắc, sáng, đẹp, kỳ vĩ… Tôi thấy Trời rất gần với người. Từng giây phút, từng ngày đêm, sáng tối. Tôi thấy loài người đều cùng một gốc mà ra. Cùng một dòng máu đỏ, cùng một linh hồn bất tử. Tôi biết rằng chỉ có người quên Trời chứ Trời không quên người. Tôi biết Đức Chúa Trời quan tâm đến bạn và tôi, những người Việt thiểu số ở đất nước nầy. Giống như ngày xưa Đức Chúa Trời đã hiện đến trong khu vườn Ê-đen và hỏi: “A-đam, con ở đâu?” Chúa hỏi A-đam không phải vì Ngài không biết A-đam đang ở đâu, nhưng vì Ngài muốn cho ông một cơ hội để trở lại, để khôi phục mối thông công, để nối lại tình yêu đang đổ vỡ. Đức Chúa Trời cũng đang hỏi bạn, “Việt Nam, con đang ở đâu?” Tôi nhìn xung quanh và tôi nhìn lại mình. Tôi là một người Việt tha hương. Gần một phần tư thế kỷ sống ở Mỹ. Tôi vẫn nói ngôn ngữ Việt. Tôi không quên tiếng mẹ đẻ. Tôi nhớ văn thơ, bài hát, ca dao. Tôi ăn món ăn Việt Nam. Tôi không quên cội nguồn Việt Nam. Tôi yêu người Việt Nam. Tôi muốn người Việt sánh vai ngang bằng thế giới. Tôi sẽ nói gì với đồng bào tôi? Mỗi năm tôi tìm dịp về thăm quê hương. Tôi muốn làm được chút gì cụ thể cho bà con tôi. Tôi muốn tặng sách báo để cho bà con đọc. Tôi muốn tặng một viên gạch, một tấm tôn, một chai nước lạnh. Tôi học được tinh thần người Mỹ thích chia sẻ và tôi cũng muốn chia sẻ những kinh nghiệm từng trải của tôi. Tôi vui vì được gặp bạn qua trang sách nầy. Tôi thích nhắc lại lời của Sứ đồ Phi-e-rơ khi ông nắm tay hữu người què và vừa đỡ dậy vừa nói: “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Naxa-rét, hãy bước đi!” (Công Vụ 3:6). Giá trị của một người không phải là có nhiều tiền hay có ít tiền mà là có cái gì để cho người khác. Nhưng ta không thể cho điều ta không có. Chúa Cứu Thế Giê-su đã ban cho nhân loại mạng sống của Ngài, để chúng ta, những tội nhân, được tự do và có đời sống mới, hạnh phúc đời đời. Chúa khuyên dạy con dân Ngài hãy tập thói quen ban cho. Ban cho có phước hơn là nhận lãnh. Ban cho luôn luôn có lợi vì ban cho thì còn, và cố giữ thì mất, không giữ được. Chúa Giê-su dạy: “Nếu các ngươi cho ai mượn mà mong họ trả, thì có ơn chi? Người có tội cũng cho người có tội mượn, để được thâu lại y số. Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng Rất Cao, vì Ngài lấy nhân từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ. Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy” (Lu-ca 6: 34-38). Tôi học Kinh Thánh, tôi quan sát thế giới xung quanh tôi và tôi có cái nhìn của Chúa trên trời. Tôi muốn được Chúa dùng tôi theo ý muốn của Ngài. Tôi muốn học theo gương Chúa. Tôi thấy mình đã bắt đầu vào tuổi già. Tôi không muốn được phước một mình, hay được cứu một mình. Tôi muốn cả nhà, cả dòng họ, cả dân tộc được cứu, được phước, được hưởng cảnh thiên đàng. Giống như Đức Chúa Trời muốn mọi người trên thế giới được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật. Rồi mai đây tôi sẽ được nhắm mắt giữa các con, các cháu, các người thân của tôi và tôi sẽ được chôn cất đang hoàng ở một nghĩa trang xanh đẹp đã được vợ chồng tôi sắp đặt trước trên đất Mỹ nầy. Tôi muốn được chôn, tôi không muốn được thiêu. Tôi tin quả đất nầy có chỗ để chôn cất tôi đàng hoàng. Thân xác tôi gởi lại trên đất nầy chờ ngày sống lại. Tôi sẽ trở về nhà Cha. Hưởng phước đời đời. Trong khi còn sống đây, tôi phải làm gì? Làm gì để chuẩn bị cho ngày chầu Trời vui vẻ sum vầy? Làm gì để có ích cho Chúa, cho người khác? Làm gì để nhiều người Việt chia sẻ được kinh nghiệm sự sống vĩnh cửu từ Trời ban? Và tôi thấy thời gian trôi qua thật nhanh…

(Còn nữa)

hue-1

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

Trích từ “THỜ TRỜI”

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn