Thứ Tư , 24 Tháng Tư 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / NHỮNG NGƯỜI CƯỠI NGỰA TRONG SÁCH KHẢI HUYỀN

NHỮNG NGƯỜI CƯỠI NGỰA TRONG SÁCH KHẢI HUYỀN

NHỮNG NGƯỜI CƯỠI NGỰA TRONG SÁCH KHẢI HUYỀN

 

images

Chúng ta cần cẩn thận lưu ý là Chiên con phải mở các ấn niêm phong. Một trong bốn sinh vật nói tiếng như sấm rằng: “Hãy đến!” (Khải 6:1, 3, 5, 7). Các người cưỡi ngựa phải được sự cho phép của Chiên Con trước khi họ có thể thực hiện những điều ác họ định làm. Điều này hàm ý rõ ràng là Đức Chúa Trời nắm quyền kiểm soát lịch sử và các hoạt động của con người.

Bốn ấn niêm phong đầu tiên tương ứng với bốn người cưỡi ngựa nổi bật trong sách Khải huyền. Mỗi người đang cưỡi một chiến mã với màu sắc khác nhau – trắng, đỏ, đen và màu xanh nhạt (Khải 6: 1-8). Như chúng ta sẽ thấy, màu sắc mỗi con ngựa đều có ý nghĩa biểu tượng cụ thể, chẳng hạn như màu đỏ biểu tượng cho chiến tranh.

Những hình ảnh này có sự tương ứng trong Cựu Ước. Trong Xa-cha-ri 1:8-11 và 6:1-8 màu sắc những con ngựa dường như không có bất kỳ ý nghĩa đặc biệt nào. Nhưng trong Khải Huyền thì khác, những màu sắc đó mang một ý nghĩa đặc trưng. Những con ngựa trong sách Xa-cha-ri được gọi là “bốn gió trên trời”, được gửi đi vào trái đất với một sứ mạng “trải đi qua lại khắp đất” (1:11; 6:5-8). Trong Khải Huyền những con ngựa xuất hiện mang đến tai họa cho trái đất. Sách Xa-cha-ri tập trung vào những con ngựa nhưng trong Khải Huyền các người cưỡi ngựa có ý nghĩa quan trọng hơn. Ở đây màu sắc của những con ngựa bổ túc thêm ý nghĩa cho văn cảnh.

Trong khải tượng của Xa-cha-ri, những con ngựa đi ra  ngang dọc khắp trái đất. Trong một ý nghĩa, chúng tuần tra trên trái đất – giống như là ” đôi mắt” của  Chúa. Một số nhà giải nghĩa Kinh Thánh đã lưu ý rằng các màu sắc tượng trưng cho bốn phương gió thổi – có lẽ là một cách nói bốn góc hoặc toàn bộ trái đất – một hình ảnh quen thuộc trong thời đó. Bốn người cưỡi ngựa trong sách Khải Huyền  cho chúng ta biết những thảm họa và thống khổ mà họ đem đến sẽ xảy ra trên toàn thế giới.

 

Ấn đầu tiên: Ngựa trắng (Ngựa bạch)

Người cưỡi con ngựa trắng có một cái cung; và một vương miện đã được trao, “người đi như kẻ đã thắng lại đến đâu cũng thắng.” (Khải Huyền 6:2). Một số người đã nhầm lẫn hình ảnh này với kỵ mã cưỡi ngựa trắng  trong Khải Huyền 19. So sánh chương 6 và 19 của Khải Huyền cho chúng ta thấy hai kỵ mã này ít có điểm chung, ngoại trừ họ cưỡi  ngựa trắng.

Người cưỡi ngựa trắng trong chương 6 mang ý nghĩa một cuộc chiến tranh xâm lược. Trong khi  người cưỡi ngựa bạch trong chương 19 được mô tả: “Đấng cưỡi ngựa ấy gọi là Đấng trung tín và chân thật; Ngài lấy lẽ công bình mà xét đoán và chiến đấu” (Khải 19:11). Ngài được gọi là “Lời Chúa” và Danh của Ngài là “Vua của các vua và Chúa các chúa” (19:13, 16). Người cưỡi  ngựa trắng không thể nhầm lẫn trong Khải Huyền 19 là Chúa Jesus. Ngài là Đấng Mê-si chiến thắng đã đến để cai trị thế giới.

Còn người cưỡi ngựa trắng trong Khải Huyền 6? Người này đồng hành với ba người cưỡi ngựa khác. Họ đem đến sự hủy diệt và chết chóc. Những con ngựa trắng và người cưỡi nó cần được diễn giải một cách nhất quán. Sẽ không có ý nghĩa khi gán cho người cưỡi ngựa trắng trong Khải Huyền chương 6 là hình ảnh của Chúa Jesus, Đấng đem sự hòa bình đến trên trái đất.

Trong biểu tượng mở rộng của sách Khải Huyền, có thể người cưỡi ngựa trắng của chương 6 đại diện cho những Christ giả. Chúng tuyên bố đại diện cho Chúa Jesus.  Thực ra chúng chinh phục dân cư trên đất bằng sự dối gạt. Chúng ta có thể nói những Christ giả này hàm ý đến tất cả các đấng cứu thế giả mạo – tôn giáo hay thế tục – những người này xuất hiện nhân danh hòa bình và công lý nhưng họ chỉ mang đến chiến tranh và sự chuyên chế tàn bạo.

Như vậy, hai người cỡi ngựa trắng trong hai chương sách khác nhau của Khải huyền tạo nên những điểm then chốt soi sáng cho thần học. Các nhân vật đóng vai vị cứu tinh trong Khải Huyền 6 là một bản sao chép giả mạo về  Chúa Jesus Christ, Đấng cứu thế thật. Người cưỡi ngựa trắng của Khải Huyền 6 đi ra để tiến hành chiến tranh xâm lược, tàn phá và kết quả là gieo rắc sự chết. Nhưng Đấng Cứu Thế cưỡi trên con ngựa bạch của chương 19 đi ra để chiến thắng kẻ thù, Ngài đem đến hòa bình và ơn cứu chuộc.

Khải Huyền có thể được coi như là một câu chuyện về hai thành phố – Babylon lớn và Jerusalem mới – đó cũng là một câu chuyện về hai hệ thống. Có một hệ thống giả mà đại diện của nó là những vị cứu tinh giả mạo – những người nghĩ rằng họ có thể mang lại hòa bình thông qua các cuộc chiến tranh xâm lược (như Đế quốc La Mã đã làm trong thời gian sách Khải huyền được viết). Nhưng sự thật là chỉ có Chúa Jesus có thể mang lại hoà bình bền vững và đời sống vĩnh cửu trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

Có bốn yếu tố  mô tả về người cưỡi ngựa trắng trong Khải Huyền 6: “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa bạch. Người cỡi ngựa có một cái cung; có kẻ ban cho người một cái mão triều thiên, và người đi như kẻ đã thắng lại đến đâu cũng thắng.” (Khải 6: 2).

Trắng được cho là màu của chiến thắng. Rõ ràng, nhiều chiến binh chiến thắng cưỡi ngựa trắng như một biểu tượng của sự đăng quang. Biểu tượng này vẫn còn. Trong những bộ phim cao bồi cũ, người anh hùng mặc quần áo sáng và thường cưỡi một con ngựa trắng.

Các cây cung cũng là một biểu tượng của chiến tranh và xâm lược. Một số người xem đây là hình ảnh tham khảo về người Pa-thi (sống ở Tây Á vào thế kỷ thứ 3). Họ được biết đến với khả năng bắn cung chính xác trong các chiến trận. “Một người Pa-thi bắn cung sẽ là một cú đánh chí mạng kết thúc trận chiến” (William Barclay, Nghiên cứu Kinh Thánh Hằng ngày, Khải Huyền, Tập 2, phiên bản sửa đổi, tr. 4).

f

Người Pa-thi ở trên sườn núi phía đông của Rô-ma, là một đạo quân bất khả chiến bại. Trong một cuộc chiến, quân đội La Mã đã bị tướng Vologeses của người Pa-thi đánh bại vào năm 62 sau Công nguyên ở thung lũng sông Tigris. Thảm họa này vẫn được ghi nhớ trong những ngày mà sách Khải Huyền được viết. Các hội thánh ở khu vực châu Á có thể hiểu được người Pa-thi là xạ thủ bắn cung cưỡi ngựa trắng. Một kỵ sĩ như vậy thì phù hợp với hình ảnh ẩn dụ về sức mạnh quân sự và khả năng chinh phục.

Tuy nhiên, khải tượng và nội dung của sách Khải Huyền  cũng liên quan nhiều đến Cựu Ước. Trong những phần Kinh Thánh này chúng ta tìm thấy những ẩn dụ của các cây cung như một biểu tượng của sự chinh phục (Thi Thiên 46: 9; Giê-rê-mi 49:35; Ê-xê-chi-ên 39:3; Ô-sê 1:5).

Vương miện, mà người cưỡi ngựa trắng đội trong Khải huyền chương 6, cũng là một biểu tượng của sự chinh phục (hay xâm lược) quân sự. Từ Hy lạp “vương miện” được dùng ở đây là stephanos, có nghĩa là vòng hoa trao cho kẻ chiến thắng. Trong khi “vương miện Hoàng gia” được Vua ban tặng là từ diadema.

Như vậy, con ngựa trắng và người cưỡi nó tượng trưng cho tinh thần của xâm lược và quân phiệt. Ý nghĩa của chúng sẽ không giống với con ngựa màu đỏ mang sắc thái đặc biệt của chiến tranh. Như chúng ta biết, phạm trù xâm lược khác với chiến tranh. Sức mạnh kinh tế, tuyên truyền, việc sử dụng tôn giáo, ngoại giao và sự khôn khéo trong chính trị cũng là một phần cho cuộc xâm lược thành công.

(Còn nữa)

Translated by Huong Linh

Nguồn: https://www.gci.org   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn