Thứ Năm , 25 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / THIÊN SỨ GIẢI CỨU?

THIÊN SỨ GIẢI CỨU?

sahdu

HỘI TRUYỀN GIÁO SANNYASI 

Trong chuyến truyền giáo tại Benares cho những người hành hương tìm sự xá tội bằng cách tắm tại dòng sông thánh Ganges, Sundar tin chắc rằng có nhiều người chú tâm nghe dù đôi khi gặp ngăn trở bằng bạo lực. Nhân dịp này, có vài người nói rằng họ không đủ lời lẽ để đối đáp cùng ông nhưng trên mạn ngược bên bờ sông có một Sannyasi, một thánh nhân như ông thừa sức để biện luận. Ông tò mò tìm đến. Khi đã gặp nhau rồi, thánh nhân đó trước hết lấy ngón tay che miệng Sundar rồi sau đó để trong miệng mình ngụ ý nói rằng lời nói của hai người như nhau. Mấy người đi theo hết sức ngỡ ngàng. Thánh nhân Sannyasi rao truyền về Chúa Jesus như Sundar đã nói với họ một giờ trước đây.  Sundar nghỉ lại một đêm với thánh nhân Sannyasi trong cái chòi tồi tệ bên bờ sông và khám phá ra rằng không phải chỉ có một mình ông mặc áo cà sa đi giảng đạo Chúa tại Ấn độ mà Ðức Chúa Trời đã dùng đời sống của những thánh nhân như Sannyasi rao truyền danh Chúa.

Trên toàn quốc có nhiều thánh nhân như Sannyasi, làm môn đồ của Chúa Jesus một cách kín đáo. Họ xác nhận chính thánh Thô-ma (sứ đồ của Chúa Jesus) vào thế kỷ thứ nhất đã xây dựng đời sống đức tin cho họ. Số lượng của họ có thể lên tới  40 000 môn đệ.

Sundar cũng có dự các thánh lễ với họ tại một nơi mà bên ngoài xem như là một miếu thờ Ấn độ giáo.  Bên trong các nghi lễ Cơ đốc như báp têm, tiệc thánh, thánh ca bằng các bài thơ Ấn độ và thờ phượng thì hoàn toàn theo lối Ðông Phương. Ðặc biệt khi cầu nguyện, họ nằm mọp xuống trên sàn nhà trước nơi thánh, nơi mà Ấn độ giáo thường để tượng thần.

Sundar cố gắng thuyết phục họ nên tuyên bố công khai họ là Cơ đốc nhân. Họ đoan chắc với ông rằng họ đã từng làm việc cách hữu hiệu hơn khi họ là môn đồ bí mật, được người ta chấp nhận như là các Sadhu bình thường nhưng lôi kéo tâm hồn người ta đến với đức tin thật trong tư thế sẵn sàng chờ ngày khi tình thế cho phép môn đệ có thể lộ diện công khai.

Nhiều người khác, ngoài Sundar, cũng có gặp hội truyền giáo Sannyasi. William Carrey, nhà truyền giáo vĩ đại nhất hậu bán thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 đầu tiên xây dựng công việc truyền giáo Tin lành tại Bengal có xác nhận cũng có gặp hội truyền giáo Sannyasi.

SUNDAR SINGH CHẾT? (1912) 

Sáu người trong số bạn bè của Sundar nhận được điện tín cùng một ngày, phát xuất cùng một nguồn và người ký tên là Smith: “Sundar đã ngủ yên trong Chúa!”

Lời lẽ này làm cho mọi người tin rằng Sundar Singh đã chết. Sau khi tìm hiểu các thánh nhân ẩn tu Maharishi và khám phá về những bí mật của hội truyền giáo Sannyasi, Sundar tìm đến Canon Sandys thuộc Calcutta, để mong được đi British Columbia.  Có một kế hoạch gửi người Cơ đốc Ấn độ đến rao giảng cho 4 000 người Sikh đang sống bằng nghề gỗ tại đây. Ai có thể tốt hơn Sundar Singh, là một người Sikh đã từng đương đầu với những điều kiện gian lao khó khăn nhất? Dầu vậy chính phủ Canada cuối cùng từ chối cấp chiếu khán nhập cư và một lần nữa Sundar lại phải trở về Ấn độ.

Trên chuyến hành trình từ Calcutta về Bombay, Sundar nhớ lại lần trước cũng bị bác đơn xin đi Palestine và khi ông rời Bombay hướng về miền Bắc lòng ông tràn đầy ước mơ và ôm ấp giấc mơ ấy. Tại trường Cao đẳng St John ở Lahore, ông đã đọc đi đọc lại cuốn sách: “Noi gương theo Ðấng Christ” của Kempis. Ðời sống của ông không phải là không thể giống Chúa.  Con cáo và con chó rừng đều có hang để ở, nhưng Sundar giống như Chúa Jesus chẳng có chỗ mà gối đầu. Ông dứt khoát từ chối mang theo tiền, vì chính Chúa Jesus cũng bảo các sứ đồ Ngài làm như vậy. Sự bị chối bỏ, sự khổ nạn, sự đi lại rày đây mai đó phản ảnh chức vụ của Chúa Jesus tại Palestine.  Lòng mong ước sâu đậm nhất của ông là cùng đồng chịu đau thương, thống khổ với Chúa Jesus Christ.  Ý nghĩ này chiếm hữu ông cho đến nỗi những bạn thân của ông biết rằng ông rất thỏa lòng tử đạo vì Chúa. Một vài người còn tìm thấy nỗi buồn của ông khi ông đã trải qua tuổi ba mươi và bị bắt buộc phải sống lâu hơn Chúa của mình.

visit_nepal_buddhist_temple_in_muktinath

Khi Sundar đến gần Hardwar, một thành phố thánh của Ấn độ giáo gần Dehra Dun, Sadhu gặp một người Anh cũng như ông đi về miền Bắc. Người ngoại quốc này cho biết mình là một y sĩ và bảo Sundar rằng ông đang trên con đường tiến đến tham gia vào giáo lệnh của tu viện Công giáo La Mã tại vùng Tây bắc. Cấp bằng y sĩ của ông có thể chẳng liên hệ với ngành thuốc.  Một vài người sau này gặp lại ông, nhận biết ông là một thầy tu.  Trong khi họ cùng đi đường, Sundar tiết lộ chương trình của mình.

Sundar nghĩ rằng như Thầy của mình, trước khi đi vào chức vụ phải kiêng ăn. Sự thiếu sót này, ông muốn bù đắp lại, mà cũng chẳng phải sự bắt buộc mù quáng về câu chuyện Chúa Jesus, nhưng để làm sống lại phần tâm linh và để tăng thêm sức lực cho ý thức về sự hiệp một của Ðức Chúa Trời.  Người bạn đồng hành cố gắng thuyết phục ông đừng theo đuổi ý tưởng đó. Thật hiển nhiên rằng từ nhiều năm nay Sundar Singh đã tiêu hao quá nhiều sức lực và chẳng còn sức nào để chịu đựng nổi sự kiêng ăn bốn mươi ngày đêm như Chúa Jesus. Sundar từ chối nghe theo lời bàn và khi họ phân rẽ nhau, Sundar đi vào khu rừng rậm trải ra giữa Hardwar và Dehra Dun.

Sau đó vị “y sĩ” đó, người bạn đường, gửi sáu điện tín yêu cầu trưởng ty Bưu điện gần đó chuyển đi.

Họ công bố Sundar đã chết.

Ðược tin này các bạn của ông đều bàng hoàng.  Những lời cáo phó xuất hiện trên các báo chí. Người ta bắt đầu lạc quyên lập quỹ cho việc kỷ niệm tại hai nơi Simla và Calcutta.  Các buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức. Quốc gia Ấn như mất đi một người con thân yêu. Thư từ điện tín, điện thoại những lời thăm dò bủa ra tại Bưu điện nhưng thật ra chẳng tìm đâu được câu trả lời thỏa đáng. Mọi sự bàn tán cũng chỉ căn cứ vào mấy bức điện tín gởi từ Bưu điện do một người mặc áo choàng đen thanh nhã kia. Còn quá sớm để Sundar đến được Tây tạng và trong mọi trường hợp, các bạn bè đều biết chuyến hành trình của ông bắt đầu vào mùa hè. Nếu Sundar còn sống, ông có thể bày tỏ để các bạn bè đừng sốt ruột và ngăn ngừa báo chí ồn ào.

Ðột nhiên tin tức bay đến Dehra Dun.

Một vài nông dân, dọn đường ngang qua rừng để đốn tre tình cờ gặp được một người đàn ông nằm chết trên một con đường nhỏ. Họ làm một ổ rơm với các thanh tre làm cáng khiêng Sundar về một giáo khu Tin lành thuộc Annfield. Chẳng ai nhận ra con người có thân xác gầy còm tiều tụy đó cho đến khi tìm thấy cuốn Kinh Thánh Tân Ước có ghi tên Sundar Singh nằm trong túi áo cà sa vàng đã bạc màu.

Nhiều ngày qua Sundar được chăm sóc và sức khỏe trở lại bình phục, có thể nói năng và cho biết việc đã xảy ra làm sao. Bansi, cậu con trai của Mục sư Dharamjit, chăm chú nghe và lấy tin thông báo cho mọi người.

Sundar kể lại ông tìm được một nơi thuận tiện và ông biết rằng mình có thể sẽ không đếm được bao nhiêu ngày, nên ông đã dùng bốn mươi viên sỏi để cứ mỗi buổi sáng ném đi một viên. Thoạt tiên, trầm tư thật dễ dàng, rồi những ngày trôi qua, sự yếu sức bao phủ làm mờ tâm trí. Các cảm giác về sinh lý không còn nhạy bén nữa, trong khi tri thức thuộc linh hoạt động mạnh mẽ, một cảm giác bình an và phước hạnh tuyệt diệu xâm chiếm tâm hồn ông. Tuy nhiên cơ quan thính giác của ông bị ảnh hưởng mà mắt ông lại sáng hơn. Những thú rừng đến đánh mùi hôi người ông ngay cả một con báo cũng đến ngồi nghỉ bên cạnh chỗ nằm của Sundar mà chẳng làm hại chút gì. Ông trở nên quá yếu không còn sức để ném các viên sỏi qua một bên. Rồi một ngày, tất cả đều tối tăm.

Không ai biết Sundar đã kiêng ăn trong bao nhiêu ngày. Ngay cả chính ông cũng không nhớ nữa. Các bác nông phu đã không quan tâm nhận diện bao nhiêu hòn sỏi còn lại khi bắt gặp ông nằm ngất xỉu. Chắn chắn không được bốn mươi ngày. Có thể ngắn hơn, tuy nhiên Sundar Singh luôn luôn xác nhận sự hoàn toàn cô lập và sự thấm thấu vào Thần Linh của Ðức Chúa Trời.  Tất cả làm sáng tỏ bao nhiêu nghi ngờ và đem lại cho ông một năng lực mới trọn đời.

Sundar chỉ mới hai mươi bốn tuổi, còn trẻ để quay về để được ca tụng và nhận mọi phúc lợi do thế giới Tây phương hay Ấn độ đem tới.  Nhưng Sundar không thay đổi con người tu sĩ đơn giản hành khất, khiêm nhường và khôn ngoan để biết rằng sự kiêng ăn có thể đã đạt được vài mục đích mà Sundar đã định tâm tìm kiếm.

Ông bình phục nhanh chóng vì ông có một thể chất đặc biệt. Trước tháng Ba, ông đã dự tính một chuyến hành trình hằng năm qua Tây tạng.

Khác với mọi lần, năm nay có nhiều chuyện lạ khác làm cho các bạn bè ông bối rối. Từ ngày ông băng qua những dãy núi, có nhiều điều đáng lo xảy ra. Dân làng từ chối tiếp đón Sundar. Ông như bị chìm trong sông băng giá chảy xiết. Thực phẩm thì khan hiếm. Ông bị ném đá và bị đối xử tồi tệ.  Các đạo sư Larma và những thầy tư tế để cho dân chúng được tự do khủng bố ông. Ðiều này chứng minh rằng câu nói: “Rao giảng Phúc âm ở Tây tạng đồng nghĩa với sự chết” càng trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên sự chết đối với ông không phải là mối kinh hãi vì ông đã nhiều lần sắp chết và thoát chết.

Cuộc hành trình thảm khốc lên đến cực điểm tại thành phố có tên là Razar, một vùng hỗn độn với những căn nhà tồi tàn dơ bẩn và một tu viện có tường cao, kiên cố ngự trị.  Sundar khởi sự rao giảng tại khu chợ trời, tối đến ngủ tại một Serai công cộng, một khu đất không có mái che, nơi dành cho các lái buôn và gia súc cùng trọ với nhau qua đêm cho ấm. Tin tức về sự giảng đạo của Sundar đầu tiên lôi kéo đám đông chú ý nhưng sau một thời gian ngắn tin đó đến tận Larma trưởng giáo khiến vị đạo sư này giận dữ và sợ hãi lẫn lộn.

Vào một buổi sáng, người lính của tu viện chạy đến đám đông, túm lấy Sundar kéo ông đến một phiên tòa. Larma ngồi trong một phòng rộng lớn, các thầy tu mê tín khác vây quanh. Có nhiều mặt nạ hình quỷ thần treo trên tường nhìn xuống. Sundar biết vụ án chỉ có một kết thúc. Hung ác là cái nhãn hiệu của người Tây Tạng, bằng mọi cách, mọi giá phải áp đảo cho đối phương sợ, các thể thức hành hình đều được minh họa rõ tinh thần tôn giáo của họ.

Vụ xử án trở thành vụ hành quyết bằng một trong hai cách: Tử tội bị quấn chặt trong một mảnh da thú tươi và ướt rồi cho đem phơi nắng. Sức nóng của mặt trời làm co rút tấm da và siết chết người bên trong một cách đau đớn chậm rãi. Cách thứ hai là tử tội bị ném vào một cái giếng sâu không nước đã có sẳn một số xác người dưới đáy bị ném xuống trước đây. Tự nhiên kẻ bị ném xuống giếng sẽ chết vì đói khát và nhiễm độc.

Sundar bi họ lôi đến một cái giếng, nắp giếng được mở ra. Sau khi bị đám đông cho nhiều trận đòn: họ đánh đấm cho đến khi rớt xuống giếng sâu. Rồi tiếng chìa khóa trong ổ khóa nghe cót két và nắp giếng đóng kín lại. Mùi hôi thúi tại nơi ghê tởm này làm Sundar buồn nôn. Nơi đây chất chứa xương thịt của những người đã chết hay vừa chết đang tan rữa ra.  Sundar cầu nguyện yếu ớt cho một sự giải cứu.

Sự giải cứu sẽ đến như thế nào, ông không có ý kiến. Một cánh tay bị gãy, vả lại cũng chẳng có cách nào để leo lên miệng giếng. Dù có thể trèo lên được, ông cũng không thể ra khỏi miệng giếng được vì chính Larma trưởng giáo đã lấy chiếc chìa khóa cất dấu kỹ ở đai nịt kêu leng keng dưới áo của ông.

Giờ trôi qua và ngày qua ngày. Ðã ba ngày ba đêm trôi qua trong nơi tối om hôi hám không khí không chịu nổi ngột ngạt nặng mùi tử khí. Thình lình có tiếng động trên miệng giếng.  Tiếng chìa khóa trong ổ khóa và nắp giếng được mở ra nghe cọt kẹt vì bản lề bị ten rỉ lâu rồi. Chốc lát sau, một sợi giây thòng xuống chạm vào mặt Sundar. Ở đầu dây có một cái vòng. Ông xỏ hai chân vào tròng, choàng mình vào, nắm chặc lấy sợi dây và nhận biết được kéo lên một cách chậm rãi. Lên đến trên, ông ngã lăn ra trên đất và hít thở khí trời trong lành của đêm hôm thanh tịnh.  Nhưng khi ông nhìn quanh, ông chẳng thấy người giải cứu mình đâu cả.

SONY DSC

Sundar, người tu sĩ áo cà sa vàng đau đớn vì các vết thương chậm chạp bò đến Serai công cộng không mái che để ráng nghỉ qua đêm. Trời vừa sáng, ông tìm cách tắm gội cho hết mùi hôi hám dính vào áo, rồi trở lại khu chợ trời giảng đạo.

Một tiếng đồng hồ sau, một số thầy tu hung hăng kéo đến tràn vào khu chợ nhỏ xíu đó, bắt Sundar một lần nữa, xô đẩy ông qua đám dân bối rối hoang mang tiến thẳng về tu viện. Sundar lại đứng trong phòng lạnh ngắt như lần rồi trong khi Larma trưởng giáo cứ chất vấn đi đi lại lại. Ai đã giúp ông trốn thoát? Người giúp là đàn ông hay đàn bà? Làm sao họ lấy được chìa khóa? Dĩ nhiên câu hỏi chính là: Làm sao chúng lấy được cái chìa khóa và nó bây giờ đâu rồi? Chỉ có một cái chìa khóa duy nhất cho cái giếng mà Larma trưởng giữ mà thôi.  Larma trưởng kéo vạt áo lên, đứng thẳng dậy và lôi chùm chìa khóa  đeo bên hông của ông.

“Chỉ có một chìa khóa duy nhất cho cái giếng mà thôi. Nó phải ở đây. Ai ăn cắp để thả anh? Làm cách nào?”

Larma có dáng người Mông cổ bỗng nhiên có vẻ bí hiểm.  Ông ta trở nên hung dữ đối với các thầy tu đang đứng chờ nhưng trong lòng ông sợ sệt.

“Kéo người này đi đi… Kéo nó ra xa khỏi thành phố… Thả nó đi…và đừng bao giờ cho nó bén mảng tới Raza nữa!”

Chiếc chìa khóa của cái giếng vẫn còn nằm y nguyên trong chùm chìa khóa của ông.

 

(Còn nữa)
Bài trước:

 

https://huongdionline.com/2016/03/25/thanh-nhan-an-do/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn