Nhật thực và Nguyệt thực
Solar and lunar eclipse. Éclipse de soleil et éclipse de lune.
Mặt trời và mặt trăng không những chỉ dùng để định “ngày và năm” (Sáng 1:14), song cũng cùng làm “dấu hiệu”. Đời xưa, người ta dùng nhật thực hay nguyệt thực là cách tốt nhất để hiểu “dấu hiệu” đó. Không còn gì đáng sợ hơn là nhật thực hoàn toàn; bầu trời thình lình tối tăm, giá lạnh, có một quầng tia sáng quanh mặt trời. Đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra, nên người đã nhứng kiến lẫn người chưa bao giờ chứng kiến đều sợ hãi. Những đời trước đây các dân ngoại kể nhật thực là một điềm báo trước tai họa, thật vậy, chính nhựt thực tự mình cũng là sự tai hại nhứt. Song có lời Chúa phán cho Y-sơ-ra-ên : “Chớ tập theo tục của các dân ngoại, chớ sợ dấu trên trời, mặc dầu dân ngoại nghi sợ các dấu ấy” (Giê 10:2). Đối với các tiên tri người Hê-bơ-rơ, nhật thực là dấu hiệu chỉ quyền phép và thế lực của Đức Chúa Trời, và Ngài cấm họ không được kinh khủng trước những điềm mà người ngoại bang sợ hãi.
Các tiên tri đã tả vẽ rất đúng hiện tượng nhật thực và nguyệt thực. Giô-ên nói đến hai lần (2:10 và 31); lần thứ hai thì rõ ràng hơn: “Mặt trời sẽ biến nên tối tăm, mặt trăng hóa ra máu” mà Phi-e-rơ trích trong ngày lễ Ngũ tuần sau Chúa phục sanh (Công 2:19, 20). Thánh Giăng, cũng thấy khi ấn thứ sáu mở: “Mặt trời bèn trở nên tối tăm như túi lông đen, cả mặt trăng trở nên như huyết” (Khải 6:12).
Khi mặt trăng mới trong cuộc chuyển vận của mình đến đúng giữa mặt trời và trái đất, có bóng tinh cầu đó, “bóng của sự biến cải” (Gia 1:17), rọi trên trái đất, mặt trời hoàn toàn bị che khuất, và hình mặt trăng tối tăm thay thế cho vầng thái dương sáng láng. Khi bóng trái đất ngã trên mặt trăng tròn, và chỉ những tia sáng từ mặt trời đến trái đất đã qua một lớp dầy đặc của từng không khí ta, thì bởi đó tia sáng ấy trở nên giống một màu đỏ sặm như huyết đông lại, nên có chép: “Mặt trăng trở nên như máu”.
Khi Cứu Chúa bị đóng đinh, khắp đất tối tăm (Mác 15:33; Lu 23:45). Đó không phải là nhật thực, song là Đức Chúa Trời tỏ oai quyền Ngài. Vì bấy giờ là ngày lễ Vượt qua, nhằm ngày rằm, lúc ấy trăng tròn.
Nguyễn Thiên Ý
Nhu Liệu Thánh Kinh
————————
Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời và quan sát từ Trái Đất, lúc đó Mặt Trăng che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra tại thời điểm sóc trăng non khi nhìn từ Trái Đất, lúc Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất và bóng của Mặt Trăng phủ lên Trái Đất.[1][2] Trong lúc nhật thực toàn phần, đĩa Mặt Trời bị che khuất hoàn toàn. Với nhật thực một phần hoặc hình khuyên, đĩa Mặt Trời chỉ bị che khuất một phần.
Nếu Mặt Trăng có quỹ đạo tròn hoàn hảo, gần hơn Trái Đất một chút, và trong cùng mặt phẳng quỹ đạo, sẽ có nhật thực toàn phần xảy ra mỗi lần trong một tháng. Tuy nhiên, quỹ đạo của Mặt Trăng nghiêng hơn 5° so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời (xem mặt phẳng hoàng đạo), do vậy bóng của Mặt Trăng lúc trăng non thường không chiếu lên Trái Đất. Để hiện tượng nhật thực cũng như nguyệt thực xảy ra, Mặt Trăng phải đi qua mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất. Hơn nữa, quỹ đạo của Mặt Trăng có hình elip, và nó thường ở đủ xa Trái Đất khiến cho kích cỡ biểu kiến của nó không đủ lớn để che khuất hoàn toàn Mặt Trời lúc nhật thực. Mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng và của Trái Đất mỗi năm cắt nhau tại các điểm nút lên và nút xuống của quỹ đạo; và có ít nhất là 2 và nhiều nhất là 5 lần nhật thực xảy ra trong một năm, cũng không thể có nhiều hơn hai lần nhật thực toàn phần trong cùng một năm. Tuy nhiên, tại một nơi cụ thể trên Trái Đất, hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra là rất hiếm bởi vì bóng của Mặt Trăng trong lúc hiện tượng này xảy ra đổ lên Trái Đất theo một dải hẹp và trong thời gian ngắn, với lần lâu nhất khoảng 7 phút (nhật thực toàn phần ngày 20 tháng 7, 1955).
Hiện tượng che khuất là hiện tượng của tự nhiên. Tuy thế, trong lịch sử cổ đại và quan niệm của một số người hiện đại, nhật thực thuộc về hiện tượng siêu nhiên. Hiện tượng nhật thực toàn phần gây ra sự sợ hãi đối với người dân thời cổ đại do thiếu hiểu biết về thiên văn học, khi Mặt Trời dường như biến mất vào ban ngày và bầu trời tối đen trong vài phút.
Rất nguy hiểm cho mắt khi nhìn trực tiếp vào Mặt Trời. Do vậy để quan sát hiện tượng nhật thực trực tiếp cần sử dụng các loại kính bảo vệ mắt hoặc quan sát gián tiếp hình ảnh lúc nhật thực. Nhưng khi xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần, mắt có thể an toàn quan sát hiện tượng này trong lúc Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời. Những người ưa thích hiện tượng này thường đi du lịch đến những nơi sắp xảy ra để chứng kiến và chụp ảnh.