Thứ Ba , 23 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / PHƯỚC HẠNH THAY CHO ….

PHƯỚC HẠNH THAY CHO ….

PHƯỚC HẠNH THAY CHO QUỐC GIA NÀO CÓ GIÊ-HÔ-VA LÀM ĐỨC CHÚA TRỜI MÌNH

Tác giả: Jim Denison

*

flag

Trong ngày lễ Độc Lập, khắp nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ đều ngập tràn cờ Mỹ. Tuy nhiên lá cờ sắc xanh đỏ chúng ta tự hào giăng lên này đã từng có nguy cơ không hiện hữu. Ban đầu khi một tiểu bang nào đó gia nhập Hiệp Chủng Quốc thì lá cờ có thêm một sao và một vạch. Đến năm 1794 nó đã có mười lăm sao và mười lăm vạch – cũng chính lá cờ này đã thành nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ Francis Scott Key sáng tác bài ca nổi tiếng “Lá cờ đầy sao.”  Đến năm 1817 thì cờ Mỹ đã có tới 20 sao và 20 vạch. Nhưng cuối cùng một Đạo Luật Về Quốc Kỳ năm 1818 đã ấn định lá cờ Mỹ sẽ chỉ có mười ba vạch để vinh danh mười ba thuộc địa đầu tiên.

Những yếu tố yêu nước khác của lá cờ này cũng hàm chứa nhiều điều thú vị. Cuộc bỏ phiếu chính thức trong kỳ họp lần thứ hai của Quốc Hội đã thông qua nghị quyết độc lập cho quốc gia, tách khỏi đế chế Anh vào ngày 2 tháng 7 năm 1776. Thế thì họ làm sao thông báo cho Vua George của Anh lúc đó?  Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Thomas Jefferson được chỉnh sửa rồi cuối cùng được thông qua vào ngày 4 tháng 7, tức là hai ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập.

Lúc ban đầu Benjamin Franklin muốn dùng hình ảnh gà tây làm biểu tượng cho đất nước, vì gà tây là con vật đặc trưng trong nội địa, hữu ích và cũng là thực phẩm ngon miệng nữa. Ông cho rằng chim đại bàng là “loài chim có đặc tính xấu xa” vì nó là giống chuyên ăn thịt thối rữa và đoạt mồi của những con chim khác. May mắn thay John Adams, Thomas Jefferson và những thành viên khác của ủy ban đã thắng phiếu hơn Franklin trong chuyện chọn biểu tượng quốc gia.

Những chùm pháo bông đã bay rực trời vào ngày 4 tháng 7 năm 1777 và tiếp diễn vào ngày này trong những năm sau đó. John Adams là người đưa ra ý tưởng này, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập, ông viết rằng ngày này “đáng được ăn mừng huy hoàng và diễu hành rực rỡ với những màn biểu diễn và sự kiện thể thao, với pháo súng và chuông vang, với lửa trại và ánh sáng từ đầu lục địa này trải đến bờ bên kia, từ bây giờ cho đến mãi mãi”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ngày này “đáng được ghi nhớ như là ngày của sự giải cứu qua những hành động tôn kính từ lòng mộ đạo của người dân đối với Đức Chúa Trời Toàn Năng”.

Những khi hồi tưởng ngày kỷ niệm độc lập của đất nước, hãy cùng khám phá sự kết hợp giữa ăn mừng và ghi nhớ, pháo hoa và sự trung tín này. Đây là tuần lễ chúng ta thường xuyên ca bài hát, “Chúa ban phước cho nước Mỹ”. Vậy làm thế nào Chúa trả lời sự khấn nguyện của chúng ta? Làm thế nào Chúa ban phước cho đất nước Mỹ? Thi Thiên đoạn 33 câu 12 chính là câu trả lời: “Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!” Câu nói này có ý nghĩa ra sao? Nó có tác dụng gì với chúng ta? Làm sao đất nước chúng ta được Đức Chúa Trời ban phước đây?

Nhận thức Chúa là Đấng Sáng Tạo của chúng ta (Thi 33:1-12)

Tác giả Thi Thiên muốn chúng ta “hãy vui vẻ nơi Đức Giê-hô-va; sự ngợi khen đáng cho người ngay thẳng” (câu 1). Cần chú ý đến thì của câu, đây là lời ra lệnh cho tất cả những ai “ngay thẳng”, tất cả những ai được Chúa mua chuộc bởi ân điển đều thuộc về Ngài. Đây là mệnh lệnh cách trong thì hiện tại, thôi thúc chúng ta tôn vinh Chúa không ngơi nghỉ chứ không chỉ vào mỗi Chúa Nhật mà thôi; tôn vinh Chúa trong phòng riêng kín nhiệm chứ không chỉ ngoài công chúng.

Vì sao chúng ta nên ca ngợi Chúa nhiều đến vậy? Lời Thánh Kinh khuyên mời chúng ta, “Vì lời Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, các việc Ngài đều làm cách thành tín” (câu 4). Chúa luôn luôn giữa lời hứa của Ngài.

Hãy ca ngợi tình yêu của Chúa: “Ngài chuộng sự công bình và sự chánh trực; đất đầy dẫy sự nhơn từ của Đức Giê-hô-va”. Chúa không chỉ “yêu” sự ngay thẳng và chính trực, mà Ngài còn yêu cả chúng ta nữa. Tình yêu của chúng ta gãy đổ nhưng tình yêu của Chúa trường tồn. Chúng ta yêu có điều kiện nhưng Chúa yêu vô điều kiện.

Hãy ca ngợi quyền năng sáng tạo của Chúa: “Các từng trời được làm nên bởi Đức Giê-hô-va, cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có” (câu 6). Những gì chúng ta trông thấy và không trông thấy đều ra từ Đức Chúa Trời.

Hãy ca ngợi Chúa vì ý chỉ thần thượng của Ngài: “Đức Giê-hô-va làm bại mưu các nước, khiến những tư tưởng các dân tộc ra hư không” (câu 10). Mọi đất nước hiện hữu đều nhờ ý muốn toàn hảo và cho phép của Chúa – Đức Chúa Trời của vũ trụ tể trị và kiểm soát tất cả các quốc gia. Chính vì thế mà tác giả Thi Thiên có thể nói rằng: “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia” (câu 11) .

Kết quả là “Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!” (câu 12). Khi một đất nước khẳng định và phục tùng dưới Lời Chúa, trong tình yêu, quyền năng và thiên mệnh của Chúa thì quốc gia ấy sẽ tôn Chúa làm Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình. Hơn nữa, đất nước đó sẽ nhận lấy tất cả những gì Chúa muốn ban cho. Đất nước đó bao hàm các dân tộc cùng sống chung với nhau được Chúa ban phước lành.

Vậy đoạn Thi Thiên này có đúng với nền tảng của Hoa Kỳ hay không? Chúng ta đã công nhận Chúa là Đấng Sáng Tạo và Đức Chúa Trời của mình chưa? Có nhiều khía cạnh để phân tích câu hỏi này, một trong số đó là nhìn vào những hàng chữ khắc dọc ngang khắp thủ đô Washington. Những dòng chữ khắc đó là minh chứng công khai vững bền cho niềm tin của đất nước này. Chúng ta tìm thấy gì trong đó?

Đài Kỷ Niệm Washington có khắc hàng chữ “Laus Deo” trên dãy đá phía đông, nghĩa là “Chúa Đáng Ngợi Khen”. Trong góc tường nơi đó cũng đặt một quyển Kinh Thánh. Tòa nhà Quốc Hội có khắc trên cửa phía đông Thượng Nghị Viện hàng chữ “Annuit Coeptis” nghĩa là “Chúa ban ân huệ cho những sự hứa nguyện của chúng ta”. Con dấu của Hoa Kỳ cũng có khắc dòng chữ này.

Trong Hạ Nghị Viện thì khắc dòng chữ “In God We Trust – Chúng Ta Tin Cậy Chúa”. Trên tiền tệ và cửa phía nam của Thượng Nghị Viện cũng có dòng chữ này. Tất cả phiên tòa của Tòa Án Tối Cao đều bắt đầu với vị thẩm phán tuyên bố rằng: “Đức Chúa Trời cứu vớt Hoa Kỳ và phiên tòa vinh dự này”. Mười hai hình ảnh khác nhau của Môi-se và Mười Điều Răn được trưng bày khắp trong tòa án. Tháp Chuông Tự Do có khắc dòng chữ trong Lê-vi ký 25:10: “rao truyền sự tự do cho hết thảy dân trong xứ”.

Thế thì nước Mỹ có còn công nhận Giê-hô-và là Đấng Sáng Tạo hay không? Chúng ta có còn công nhận Lời Chúa, tình yêu Chúa, quyền năng Chúa và Ý Chúa hay không? Chúa có còn ban phước cho chúng ta không?

Hãy tin tưởng Chúa Đấng Cứu Chuộc của chúng ta (Thi Thiên 33:13 – 21)

Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho đất nước nào từ thuở ban đầu công nhận Ngài là Đấng Sáng Tạo của họ, tin cậy Ngài là Chúa Cứu Thế của họ cho đến ngày nay. Thi Thiên viết tiếp rằng: “Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống, nhìn thấy hết thảy con cái loài người” (câu 13). Chúa “xem xét hết thảy người ở thế gian” (câu 14) và “xem xét mọi việc của chúng nó” (câu 15). Đức Chúa Trời có vui lòng khi nhìn đất nước và con người Hoa Kỳ hôm nay hay không?

Chúa tìm kiếm những đất nước không tin cậy vào chính họ: “Chẳng có vua nào vì binh đông mà được cứu, người mạnh dạn cũng không bởi sức lực lớn lao mà được giải thoát. Nhờ ngựa cho được cứu, ấy là vô ích, nó chẳng bởi sức mạnh lớn của nó mà giải cứu được ai” (câu 16 và 17). Hoa Kỳ là quốc gia có quân đội hùng mạnh hàng đầu thế giới, là đất nước đầu tiên kiểm soát mọi đại dương. Chúng ta có tin cậy vào sức mạnh Đức Chúa Trời của chúng ta chăng?

Chúa kiếm tìm những đất nước lựa chọn tin cậy vào Chúa: “Kìa, mắt của Đức Giê-hô-va đoái xem người kính sợ Ngài, cố đến người trông cậy sự nhơn từ Ngài, đặng cứu linh hồn họ khỏi sự chết, và bảo tồn mạng sống họ trong cơn đói kém” (câu 18 và 19). Khi chúng ta đang đối mặt với những phần tử Hồi giáo cực đoan, với những biến động kinh tế toàn cầu và những cuộc bầu cử sắp đến, liệu chúng ta có đang hướng về Chúa không?

Tác giả Thi Thiên trông cậy vào Chúa: “Linh hồn chúng tôi trông đợi Đức Giê-hô-va; Ngài là sự tiếp trợ và cái khiên của chúng tôi. Lòng chúng tôi sẽ vui vẻ nơi Ngài, vì chúng tôi đã để lòng tin cậy nơi danh thánh của Ngài” (câu 20 và 21).  Rất nhiều người sáng lập đất nước cũng tin vào Chúa như những dòng chữ khắc trên đá khắp thủ đô đã minh chứng.

Trong nhà thờ nhỏ của Quốc Hội có khung cửa sổ kính màu với hình tổng thống George Washington quỳ gối khấn nguyện dưới hàng chữ: “This Nation Under God – Đất Nước Này  Nằm Trọn Trong Tay Chúa”. Trên kính cửa sổ có lời cầu nguyện ghi rằng: “Chúa ơi, mong Chúa giữ gìn lấy tôi, vì tôi trông cậy nơi Ngài”. Trong Tòa Bạch Ốc, trên lò sưởi của phòng khách tổng thống có dòng chữ của John Adams: “Tôi cầu nguyện Thiên Đàng ban những ân điển tốt đẹp nhất cho Nhà này và những ai tiếp quản nó về sau. Nguyện chỉ những người trung thực và thông thái nhất nắm quyền dưới mái nhà này”.

Đài Tưởng Niệm Washington có 192 tấm bia đá kỷ niệm bên trong. Rất nhiều phiến đá trong đó khắc ghi: “Thánh Thay Đức Chúa Trời; Tìm Kiếm Lời Chúa; Phước hạnh thay cho sự tưởng niệm những người công bình; Nguyện Thiên Đàng tiếp tục ban ơn lành cho Hiệp Chủng Quốc này, Tin Cậy Nơi Chúa, Dạy dỗ con trẻ trong đường lối nó cần theo, để khi trưởng thành nó sẽ không lạc lối.” Trong Đài Tưởng Niệm Jefferson, hàng bia đá thứ ba có lời tuyên bố của vị tổng thống thứ ba rằng: Đức Chúa Trời, vị Chúa ban cho sự sống cũng ban cả tự do nữa. Một khi chúng ta dẹp bỏ niềm tin tuyệt đối rằng sự tự do là món quà Chúa ban tặng, thì thử hỏi quyền tự do của đất nước có còn vững chãi hay không? Quả thật, tôi run sợ thay cho đất nước này khi tôi hồi tưởng rằng Đức Chúa Trời là công chính, rằng sự công bình Ngài không bao giờ ngủ vùi mãi mãi”.

Ngày nay dân chúng Hoa Kỳ có còn tin cậy Giê-hô-va là Cứu Chúa chăng?

images (27)

Kết luận

Thi Thiên 33 kết thúc bằng lời cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nguyện sự nhơn từ Ngài giáng trên chúng tôi, y theo chúng tôi đã trông cậy” (câu 22). Bạn có thể dùng câu này như lời cầu thay cho Hoa Kỳ ngày nay chăng?

Tổng thống James Monroe trong lần thứ nhì đọc diễn viên trước Quốc Hội vào ngày 6 tháng 11 năm 1818 đã khẳng định: “Khi chúng ta nhìn những ơn phước mà đất nước này được hưởng cho đến ngày nay, những cách thức mà chúng ta sở hữu được truyền lại cho thế sau chẳng hề sứt mẻ thì chúng ta lại hướng lòng về nguồn cội mà ơn phước này tuôn ra. Thế nên, hãy để hết thảy chúng ta hợp nhất trong sự tỏ bày lòng biết ơn kính cẩn nhất đến với Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo của Muôn Vật Tốt Lành”. Ngày nay chúng ta cũng hãy học theo cách của tổng thống James Monroe.

 

Translated by Huynh Thi Thanh Thuy

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn