Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / BIẾT CHẮC ĐƯỢC CHÚA CỨU

BIẾT CHẮC ĐƯỢC CHÚA CỨU

BIẾT CHẮC ĐƯỢC CHÚA CỨU

MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ

john316

– Ông ơi, ông đã tin nhận Chúa chưa?

– Có, tôi có đi nhà thờ.

– Ông có tin Chúa Giê-su đã chết và sống lại vì ông chưa?

– Ô, có, Chúa đang sống trong lòng tôi đây.

– Vậy ông có biết chắc nếu hôm nay qua đời, ông sẽ được lên thiên đàng không?

– Ồ, chuyện nầy thì tôi không biết chắc!

Có phải đây là câu trả lời của bạn không? Không biết chắc được cứu rỗi có thể là tình trạng của nhiều người đang theo đạo Chúa hôm nay. Họ dựa vào kinh nghiệm, cảm giác và hiểu biết riêng nên nghĩ rằng không ai có thể biết chắc sự cứu rỗi của mình. Họ nghĩ mình còn cứ lỡ phạm tội. Họ có thể có tôn giáo (religion) nhưng chưa có mối liên hệ (relationship) với Chúa. Họ nghĩ được cứu rỗi là tốt, nhưng không thể chắc đâu, mình chưa làm gì xứng đáng cả mà. Nếu đây là tình trạng của bạn thỉ tôi nghĩ bạn đang có một tin mừng. Bạn có thể biết chắc sự cứu rỗi của mình. Sứ đồ Giăng nói như vậy, sứ đồ Phao-lô khẳng định như vậy. Chúa Giê-su đã hứa như vậy. Vì công đức của một mình Chúa Giê-su, bạn có thể biết chắc mình được cứu rỗi. Biết chắc được cứu bạn mới có thể yên tâm dạn dĩ để chia sẻ sự cứu rỗi cho ngươi khác. Người tin Chúa cần học đạo, sống đạo và truyền đạo. Ngay hôm nay. Chúng ta cần biết: tin Chúa thì được cứu và hầu việc Chúa thì được thưởng. Đây thật là chủ đề quan trọng.

Thử hỏi nếu một người có theo đạo, làm đủ mọi thứ lễ nghi tôn giáo, nhưng không biết chắc mình có được cứu hay không thì người đó chẳng khác nào người không tin Chúa. Người theo các tôn giáo khác cũng vậy. Họ đâu có biết chắc điều gì. Người không tin Chúa là vô vọng. Nhưng Đạo Chúa là đạo hy vọng. Chúng ta có thể biết chắc sự an ninh cứu rỗi đời đời của mình. Thật rõ ràng: hoặc là được cứu hoặc là không được cứu. Hoặc là được lên thiên đàng, hoặc là bị xuống hoả ngục. Bạn phải biết chắc sự cứu rỗi đời đời của mình.

NGƯỜI TIN CHÚA RỒI CÓ THỂ MẤT SỰ CỨU RỖI KHÔNG?

1. Chủ trương sự cứu rỗi có thể mất.

Một người tin Chúa rồi có thể đánh mất sự cứu rỗi của mình không? Mất sự cứu rỗi nghĩa là không được lên thiên đàng. Không lên thiên đàng thì phải xuống địa ngục. Như vậy đây không phải là vấn đề tầm thường nhưng lại là một câu hỏi quan trọng, có tính thần học và cũng là đề tài bàn cãi lâu đời của các trường phái thần học khác nhau trong Hội Thánh.

Theo dòng lịch sử, chúng ta thấy chủ trương sự cứu rỗi có thể bị mất liên quan đến thần học Arminian. Ông Jacobus Arminius (1560-1609) là nhà thần học cải cách người Hoà Lan sống trong khoảng cuối thế kỷ 16. Ông không đồng ý với sự dạy dỗ của nhà thần học Calvin trong Hội Thánh, đặc biệt ông quan tâm đến các đề tài như sự tiền định, quyền tối thượng của Chúa và sự an ninh đời đời. Ông Arminius tin rằng sự lựa chọn được quyết định bởi cách phản ứng của con người đối với ơn ban cứu rỗi phổ quát của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã nhìn xuyên qua thời gian và Ngài đã nhìn thấy ai trong chúng ta sẽ tin cậy Con Một của Ngài để được cứu rỗi. Rồi Ngài chọn những ai mà Ngài biết cuối cùng sẽ chọn Ngài. Vì sự lựa chọn nầy căn cứ trên sự hưởng ứng của loài người đối với ơn ban của Chúa, nên nó dẫn đến việc một người sẽ đánh mất sự cứu rỗi nếu sau nầy người đó từ chối ơn ban của Chúa.

Trong quan điểm Arminius, sự cứu rỗi còn hay mất tùy thuộc vào việc người tín hữu có còn giữ đức tin hay không. Ít nhứt có bốn nguy cơ gây ra sự bội đạo:

1. Sự bắt bớ đạo bắt ép người tín hữu chối Chúa.

2. Chấp nhận tà thuyết như một đức tin chính.

3. Bị cám dỗ phạm tội.

4. Chán bỏ đức tin.

Kể từ thời Arminius, có nhiều thần học gia đáng kính đã ủng hộ ý kiến của ông, chẳng hạn như ông John Wesley, nhà sáng lập Giáo Hội Giám-lý. Ngày nay chủ trương của thuyết Arminius được dạy dỗ trong các giáo hội Nazarene Church, Wesleyan Church, và các giáo phái khác bao gồm Christian Holiness Association.

Trong vòng ảnh hưởng của Arminius, người ta quen thuộc với ý nghĩ “một tín hữu được tái sinh thực sự có thể đánh mất sự cứu rỗi của mình nếu không còn tin Chúa nữa.” Phân đoạn Kinh Thánh thường được dùng để bênh vực chủ trương nầy được tìm thấy trong sách Hê-bơ-rơ 6:4-6.

“Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, 5 nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, 6 nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường.”

Đây là đoạn Kinh Thánh khó giải và được đưa ra chất vấn nhiều nhất. Họ lý luận rằng một người cố tình xây lưng lại với Chúa, là rõ ràng đã bước ra khỏi nước ánh sáng để trở lại nước tối tăm. Nếu bạn tự do chọn Chúa, sao bạn không thể chọn chống lại Ngài?

Thí dụ về người gieo giống của Chúa trong Lu-ca 8:4-15 đã được dùng để giải thích cho điểm nầy. Người gieo giống trên các loại đất khác nhau tiêu biểu cho các hạng người và phản ứng của họ trước lẽ thật. Đất bên đường được so sánh với những người không tin Chúa. Đất đá sỏi được so sánh với người “tin một thời gian và khi gặp cám dỗ thì sa ngã.” Chúng ta đã gặp những người giống như trong dụ ngôn nầy. “Ô, tôi đã từng tin nhưng bây giờ tôi không tin nữa.” Đối với những người không tin nơi sự an ninh đời đời thì chữ sa ngã hay chữ lui đi ở đây chỉ về sự cứu rỗi bị mất.

Việc mất đi sự cứu rỗi không chỉ ở nơi lòng những người phản lại với Chúa nhưng cũng do nơi những người bị tà giáo dẫn dụ nữa. Chính ông Phao-lô tỏ vẻ ngạc nhiên và quan tâm đến những người Ga-la-ti đã từ bỏ lẽ thật và quay qua “tin lành khác” (Ga-la-ti 1:6).

Ông nói thêm về nhóm người nầy trong Ga-la-ti 5:4-7, “Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi.”

Một hoàn cảnh tương tự cũng thấy trong I Ti-mô-thê 4:1-2, khi Phao-lô dự đoán rằng trong ngày cuối cùng một số tín hữu sẽ bị dẫn dụ theo tà giáo. “Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ, 2 bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì, 3 họ sẽ cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên cho kẻ có lòng tin và biết lẽ thật, tạ ơn mà dùng lấy.”

Trong các sự dạy dỗ trên chúng ta không thấy nhắc đến việc các tín hữu bội đạo hay sa ngã vì lý do đạo đức nhưng là vì theo tà giáo.

Trong một trường hợp khác, ông Phao-lô khuyên tín hữu “hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu rỗi mình.” Phải chăng ông Phao-lô tin rằng việc mất cứu rỗi là một đe dọa thực sự?

“Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình.” Phi-líp 2:12.

Một số người đi đến kết luận về sự cứu rỗi có thể bị mất không đến từ Kinh Thánh nhưng từ thực tế. Họ lý luận rằng nếu một người phá bỏ hợp đồng cứu rỗi thì họ không còn được cứu nữa. Chúa đâu có bị ràng buộc phải cứu những người thể ấy? Một lý luận khác cho là bất công nếu Chúa cứ chia đều phước hạnh cứu rỗi cho những người suốt đời theo Chúa cũng y như cho những người bỏ Chúa. Không lẽ Chúa lại ban thưởng cho người trung tín cũng như người bất trung y như nhau? Kinh Thánh há không nói rằng nếu chúng ta chối Ngài trước thiên hạ thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta trước mặt Cha Ngài trên trời sao (Ma-thi-ơ 10:33)? Nếu một người sẽ được lên thiên đàng bất kể lối sống người đó như thế nào, thì tại sao chúng ta lại cố sống thiện, sống tốt làm gì? Một số người khác lo rằng nếu giảng về sự an ninh cứu rỗi thì có người sẽ không biết sử dụng sự tự do, vì những người đó nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì cũng được lên thiên đàng, họ sẽ không có ý định sống ngay thẳng nữa.

Một số trường hợp trong KinhThánh được nêu lên để suy luận rằng sự cứu rỗi có thể bị mất:

1. Vua Sau-lơ tự tử trong thời Cựu Ước (1 Sa-ma-ên 28:6).

2. Giu-đa Ich-ca-ri-ốt người bán Chúa và tự tử (Công vụ 1:16-19).

3. Ông bà A-na-nia và Sa-phi-ra nói dối chết cùng một ngày (Công vụ 5: 1-11).

4. Hy-mê-nê và Alexander bỏ đức tin (1 Ti-mô-thê 1:19-20).

5. Hy-mê-nê và Phi-lết xây bỏ lẽ thật (2 Ti-mô-thê 2:16-18).

6. Đê-ma “đã bỏ ta rồi vì người ham hố đời nầy” (2 Ti-mô-thê 4:10).

7. Các giáo sư giả (2 Phi-e-rơ 2:1-2).

2. Chủ trương sự cứu rỗi không thể mất.

Khác với ông Arminus, ông Calvin (1509-1564) chủ trương, “người mà Đức Chúa Trời đã chấp nhận trong sự yêu thương, kêu gọi và làm nên thánh bởi Thánh Linh thì sẽ không sa ngã khỏi ân điển nhưng chắn chắn sẽ bền đỗ đến cuối cùng và sẽ được sự cứu rỗi đời đời.” (Westminster Confession of Faith 17.1).

Ông Calvin tin rằng một khi Chúa đã lựa chọn, kêu gọi, và tái sinh các cá nhân, Ngài sẽ không để cho họ sa ngã khỏi ân điển. Sự cứu rỗi không thể mất. Ông Calvin chủ trương rằng bất cứ ai dường như có đức tin mà sa ngã thì những người đó ngay từ đầu đã chưa thực sự có sự cứu rỗi. Ông Calvin cũng nhận biết rằng người tin Chúa suốt đời phải đấu tranh với tội lỗi, cám dỗ, và những cạm bẫy lôi kéo mình khỏi đức tin. Tuy nhiên, sự cứu rỗi của họ không tùy thuộc vào họ nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. Ông Calvin tin rằng, khi một người được cứu, Chúa sẽ không để cho người đó mất sự cứu rỗi. Người tín hữu có thể làm buồn lòng Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:30), tuy nhiên người tin Chúa sẽ không chung cuộc sa ngã hẳn khỏi ân điển Chúa. Đức Thánh Linh là ấn chứng bảo đảm sự cứu rỗi nầy.

Có nhiều câu Kinh Thánh ủng hộ chủ trương sự cứu rỗi không thể mất nầy:

-1 Phi-e-rơ 1:3-5, “Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, 4 là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em, 5 là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt!”

-Rô-ma 8:31-39, “Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta? 32 Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? 33 Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy. 34 Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta. 35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? Có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? 36 Như có chép rằng:

Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày; Họ coi chúng tôi như chiên định đem đến hàng làm thịt.

37 Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần. 38 Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, 39 bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.”

Ngoài ra có nhiều câu Kinh Thánh khác xác định sự cứu rỗi là chắc chắn như:

-Chúa sẽ làm trọn (Phi-líp 1:6).

-Chúa Con cầu thay cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 7:25).

-Chúa Thánh Linh cầu thay cho chúng ta (Rô-ma 8:26, 14:4).

-Chúa mở đường cho chúng ta ra khỏi (1 Cô-rinh-tô 10: 13).

-Chúa nói chiên ta nghe tiếng ta, ta giữ nó và nó sẽ theo ta (Giăng 10: 27-30).

-Phao-lô nói, “Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn, vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó (2 Ti-mô-thê 1:12).

Rõ ràng nhất là những lời khẳng định trong thư 1 Giăng khi sứ đồ Giăng kết luận, “Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời.”

Để biết chắc sự cứu rỗi hoàn toàn cho Chúa thực hiện và ban cho chúng ta như món quà miễn phí, chúng ta hãy suy nghĩ thêm đến những câu KinhThánh sau đây:

-Rô-ma 5:1-2, “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Đấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững; và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời.”

-Rô-ma 3:26, “Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Jêsus.”

-2 Cô-rinh-tô 5:21, “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”

-Giăng 6:40, “Đây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt.”

-Giăng 1:12, “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.”

-Rô-ma 4:5, “còn kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Đấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình.”

Chính thư Hê-bơ-rơ là sách đưa ra những lời cảnh cáo cũng đã viết những lời tích cực sau đây: “Nhưng Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau nầy;Ngài đã Vượt Qua đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy; 12 Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời” (Hê-bơ-rơ 9:11-12).

3. Giải pháp lựa chọn:

Vì cả hai chủ trương được cứu hay không còn được cứu đều cố gắng tìm ủng hộ trong Kinh Thánh, nên chúng ta phải dành thì giờ tra cứu Kinh Thánh và hiểu rõ Kinh Thánh. Không hiểu Kinh Thánh hoặc không có chỗ dựa trong Kinh Thánh chúng ta sẽ hoang mang và không biết chắc, không hy vọng. Tôi xem đây là một khám phá lớn khi sứ đồ Phao-lô tuyên bố: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, hy vọng và tình thương, nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.” Mỗi người theo Chúa hôm nay đều phải tự hỏi tôi đang có đức tin thật, tôi đang có hy vọng thật và tôi đang có tình yêu thương thật trong đời sống của tôi không? Tôi đang tin ai, hy vọng nơi ai và yêu ai?

Giống như người cha, người mẹ răn dạy con không nên chạy ra đường có thể bị xe cán chết. Vì thương con họ không chỉ nói mà còn xây hàng rào xung quanh nhà để con cái không chạy ra ngoài có thể gặp tai nạn. Cha mẹ không có ý đánh mất tự do của con nhưng là để bảo vệ con. Cũng thể ấy, chúng ta nên xem những lời cảnh cáo đó trong Kinh Thánh như hàng rào bảo vệ hơn là một đe dọa khiến bất an. Những lời cảnh cáo trong Kinh Thánh còn nói lên tầm quan trọng và sự nghiêm túc của lẽ thật và sự sống. Chúng ta hãy ở trong Chúa Giê-su vì Ngài vẫn là đường đi, chân lý và sự sống. Chúng ta cần biết chắc mình đã được cứu.

Chúa Giê-su là Đấng chăn chiên lớn đang chăn giữ bầy chiên thật của Ngài. Chúng ta hãy cùng giữ mình và giữ bầy của Chúa, vì “Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo.”

Là tôi con Chúa, chúng ta còn phải xây dựng tốt tinh thần ham học. Có nhiều điều chúng ta cần phải học, học nữa, học mãi. Hãy tập đọc Kinh Thánh và đọc mỗi ngày. Người đọc Kinh Thánh và làm theo Kinh Thánh sẽ không có chỗ để nghi ngờ. Kinh Thánh có dạy chúng ta về cách để biết chắc được cứu rỗi. Đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ yên tâm. Chúng ta cần biết những lời hứa của Thánh Kinh như việc xưng nghĩa, việc liên hiệp với Chúa, việc được nhận làm con nuôi của Chúa, việc nên thánh, việc sống đức tin, việc kiên nhẫn đến cuối cùng và việc Chúa sẽ làm cho chúng ta vinh hiển. Theo Chúa là một hành trình đức tin, mỗi người chúng ta đều đang bước đi trên”thiên lộ” hướng về nhà Cha chúng ta ở trên trời.

Đối với những vấn đề còn tranh luận, tôi luôn tự trang bị cho mình những câu Kinh Thánh hữu ích và thực tế nhất: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ.  Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: Đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: Đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.”

Những điều hôm nay chúng ta chưa biết nhưng nếu cứ trung tín chờ đợi thì Chúa sẽ cho chúng ta biết. Tôi luôn luôn thích và nhớ câu nói của Chúa Giê-su:  “Việc ta làm bây giờ con chưa biết, sau nầy con sẽ biết.”

Tôi thích câu nói của Mục Sư Warren W. Wiersbe, “Chúng ta sống nhờ lời hứa của Chúa chứ không phải nhờ những lời giải thích.”

Mục Sư Warren W. Wiersbe, “Chúng ta sống nhờ lời hứa của Chúa chứ không phải nhờ những lời giải thích.”

Tôi cũng thích câu nói mà những người Báp-tít Mỹ thường nhắc “Once saved always saved.” (Được Chúa cứu thì mãi mãi được cứu rỗi). Tôi tin lời hứa của Chúa. Tôi nhớ có lần Mục Sư Charles Stanley, quản nhiệm của một Hội Thánh 15,000 tín hữu ở Atlanta đã nói: ” Tôi chưa bao giờ gặp một Cơ-đốc nhân mất sự cứu rỗi, tuy nhiên, tôi đã gặp một số người đã mất sự biết chắc.” Tôi thì biết chắc, không nghi ngờ. Chúa là Đấng thành tín. Lời Chúa là thật, sự cứu rỗi Chúa ban là thật. Chúng ta có thể yên tâm về món quà cứu rỗi vô giá Chúa ban. Hãy vui hưởng sự tự do cứu rỗi Chúa ban. Sự cứu rỗi bảo đảm tùy thuộc vào Chúa chứ không phải vào chúng ta. Hãy luôn suy nghĩ và tự hỏi Chúa là ai, Chúa đã làm gì cho chúng ta và Chúa muốn chúng ta làm gì?. Chúng ta còn tiếp tục sống đức tin hôm nay và mãi mãi cho đến khi gặp Chúa.

photo (9)

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Mời bạn nhớ vào xem web site mới mỗi ngày:

www.huongdionline.com

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn