Thứ Bảy , 20 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / CÁC NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO

CÁC NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO

VÀI NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO TRONG NẾP SỐNG

“Ở dưới luật pháp của Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 9:21)

oswald

Tất cả chúng ta, nhưng có lẽ riêng phần những tín đồ còn thanh niên, lắm lúc lấy làm khó chịu vì không biết chắc cách ăn ở mà chúng tôi đề nghị phải theo là công bình hay không. “Tôi là tín đồ Đấng Christ thì làm điều nầy hay đi lối nầy có được không?”. Đó là câu hỏi mà chúng tôi tha thiết muốn tìm ra một câu giải đáp có uy quyền và thỏa đáng. Làm thế nào để tìm ra? Nhiều người đã dùng hàng loạt những câu chuyện về vật huyền bí, linh thiêng, nhất là những vấn đề trần tục, và thường phó mặc theo những điều tin tưởng của kẻ khác, là những điều mà chính họ không hề biết chắc.

Một thái độ như thế không luôn luôn đưa đến một từng trải thuộc linh vững chắc, lành mạnh bởi vì nó vốn xuất phát phần lớn từ kinh nghiệm của một người khác. Chúng ta phải nhờ sự kê cứu kỹ càng Kinh Thánh, suy nghĩ và cầu nguyện để chính chúng ta đạt đến niềm tin, chớ không nên chỉ miễn cưởng chấp nhận những điều tin tưởng của người khác truyền lại.

Nhưng nói như thế, chúng ta phải chống lại quan niệm cho rằng trong đời sống của người tín đồ Đấng Christ không có chỗ nào cho những vật linh thiêng hay cấm kỵ. Chúng ta có thể gặp những điều đó trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, ví dụ như Mười Điều Răn chẳng hạn. Nếu có ai phản đối rằng chúng ta “không ở dưới luật pháp nhưng dưới ân điển”, rằng những bó buộc của luật pháp không còn áp dụng được đối với tín đồ Đấng Christ, thì câu trả lời là có chín trong mười điều răn của Cựu Ước đã được lập lại trong Tân Ước, và cách áp dụng đã được mở rộng rất nhiều. Hành động giết người đã được tìm thấy trong tấm lòng ghen ghét. Thật ra thì chúng ta không còn “ở dưới luật pháp” để được xưng công nghĩa, nhưng vẫn “ở dưới luật pháp của Đấng Christ” để có một cách sống mới. Phao-lô vốn không bị ràng buộc đối với những điều cấm kỵ cũng như những lời cảnh cáo, khuyên răn của mình, như “hãy lột bỏ”, “hãy kiêng”, “hãy bỏ qua”, là những đặc điểm trong các thư tín của ông.

Kinh Thánh không kể ra chi tiết mọi vấn đề liên quan đến cách ăn nết ở có thể đặt ra và cho chúng ta biết là điều nào được phép làm, nhưng Kinh Thánh nêu lên các nguyên tắc rõ rệt mà nếu chúng ta áp dụng đúng đắn, có thể bao gồm tất cả mọi trường hợp có thể xảy ra. Nếu Đức Chúa Trời đã không chỉ dẫn rõ ràng cho chúng ta như thế, làm sao chúng ta lại phải chịu trách nhiệm vì không làm đúng ý chỉ của Ngài? Điểm thần tình của Giáo lý Cơ-đốc trong Tân Ước là thiết lập những nguyên tắc chỉ đạo rõ rệt chứ không phải đề ra hàng loạt những điều linh thiêng bị cấm kỵ, một hệ thống những luật lệ kiểm soát để bắt buộc người ta phải theo, bởi vì Đức Chúa Trời thích đối xử với những người thuộc về Ngài như những người trưởng thành chứ không phải như trẻ con còn ở dưới quyền của người giám hộ. Vì sự kiện là như thế, cho nên mỗi khi đọc Kinh Thánh, chúng ta phải luôn luôn đặt câu hỏi: “Đoạn Kinh Thánh nầy nêu lên những nguyên tắc thuộc linh gì?”.

Nếu chúng ta muốn được chỉ dạy, điều thiết yếu là phải có lòng thành thật tuyệt đối, vì Đức Chúa Trời chỉ mặc khải ý chỉ Ngài cho những ai đang sẵn sàng thi hành ý chỉ ấy. Phải sẵn lòng tiếp nhận hoàn toàn điều Kinh Thánh dạy như một mệnh lệnh dứt khoát, tối hậu để tin cậy và thực hành. Nếu chúng ta đứng trước một việc nghi ngờ, thì những câu hỏi như: “Làm việc nầy thì có hại gì?” hay “Tại sao những người khác làm được mà tôi lại không?” thì đó là dấu chỉ cho chúng ta biết rằng việc ấy đã bị lên án rồi và chúng ta không cần phải tìm sự chỉ dẫn gì nữa, vì chỉ muốn được phép làm mà thôi. Tâm trí của chúng ta hầu như đã quyết định đầy đủ cả rồi. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, thì sẽ biết…” (Giăng 17:7) là một nguyên tắc có thể áp dụng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Khi nào chúng ta thực sự muốn làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời ngay khi Ngài bày tỏ cho chúng ta biết, chúng ta sẽ chẳng bao giờ bị giữ lâu hơn trong sự tối tăm. Nhưng trái lại, nếu chúng ta không sẵn lòng làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, tức khắc ánh sáng dẫn dắt của Ngài sẽ tắt đi đối với chúng ta.

  1. Sáu câu hỏi vòng loại.

Đặt ra và trả lời 6 câu hỏi tích cực dưới đây, chúng ta sẽ giải quyết ngay được rất nhiều vấn đề thường khiến chúng ta nghi ngờ.

  1. Điều đó có làm sáng danh Chúa chăng?

“Vậy anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31). Nếu mục đích chính yếu của một người là làm sáng danh Đức Chúa Trời, thì đây là trắc nghiệm thứ nhất và quan trọng hơn hết. Nếu việc chúng ta định làm kết thúc ở bản ngã ta và không làm sáng danh Chúa, thì đó là một việc mà chúng ta phải bỏ qua.

  1. Điều đó có ích lợi chăng?

Nó sẽ giúp ích cho tôi trong nếp sống tín đồ, cho sự làm chứng, cho sự hầu việc Chúa chăng? “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều gây dựng” (I Cô-rinh-tô 10:23). Nó sẽ khiến cho đời sống tôi càng trở nên hữu ích hơn cho Đức Chúa Trời và cho người khác chăng?

  1. Điều đó có gây dựng chăng?

Nó có gây dựng tôi trên phương diện xây dựng nhân cách của người tín đồ Cơ-đốc giáo và có giúp tôi góp phần gây dựng Hội Thánh của Đức Chúa Trời chăng? “Để gây dựng anh em, chứ không phải để hủy diệt” (II Cô-rinh-tô 10:8). Đức Chúa Trời đã tập trung tất cả sự chú ý của Ngài vào Hội Thánh Ngài, cho nên chúng ta phải chia xẻ mối bận tâm của Ngài để gây dựng Hội Thánh ấy.

  1. Điều đó có khiến chúng ta trở thành nô lệ cho nó không?

“Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi.” (I Cô-rinh-tô 6:12). Cả đến những việc tự nó là có phép làm cũng có thể trở thành chủ nhân ông đối với chúng ta và vượt quá mức. Như thế, chúng đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến chúng và làm chúng ta xao lãng những việc khác quan trọng hơn. Ví dụ đọc sách của đời có thể bắt phục người đọc sách, khiến người đó không còn thấy thích thú khi đọc Kinh Thánh và các sách thuộc linh. Tình trạng đó cần phải được đề phòng bằng đức tự chủ nghiêm nhặt, cả về phẩm lẫn về lượng của loại sách chúng ta đọc.

  1. Điều đó có khiến tôi vững mạnh hơn để chống lại cám dỗ không?

Nếu chúng ta chỉ cầu nguyện “Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ” thì không ích lợi bao nhiêu nếu chúng ta cố ý đi vào những chổ mà chúng ta sẽ rất dễ dàng bị cám dỗ. Đối với một sĩ quan Cứu Thế Quân, đi vào quán rượu để bán sách “Tiếng reo hò của chiến trận” là một việc hoàn toàn khác biệt với một thanh niên bước vào đó để “ăn mừng” với bạn bè. Bất cứ một chổ nào hay một việc làm nào có thể cám dỗ chúng ta phạm tội thì chúng ta đều nên tránh.

  1. Điều đó là một điểm đặc sắc của thế gian hay của Đức Chúa Trời?

“Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra.” (I Giăng 2:16). Nếu việc định làm có tính cách đặc sắc đối với thế gian nhiều hơn. Thì việc làm đó đã rõ rệt cho chúng ta rồi, bởi vì “Nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy.” (I Giăng 2:15). Thế gian và những vật thuộc về thế gian đều không phải là những đối tượng mà chúng ta cho phép nó thống trị tình yêu của chúng ta.

Nhưng còn có những bạn bè, những cuộc vui, những hoạt động, dầu không phải là tội lỗi, nhưng chúng ta có thể gọi chúng là những “gánh nặng” làm ngăn trở bước tiến của chúng ta trong cuộc chạy đua vào nước thiên đàng, cho nên cũng cần phải tránh đi. Tiến sĩ G. Campbell Morgan nói rằng: “Các chướng ngại vật không nhất thiết phải là thấp kém. Rất có thể là trong bản chất, chúng là những điều cao quí, trí thức, đẹp đẽ; nhưng nếu chúng ta tham dự vào đó mà xao lãng mục tiêu tối hậu của chương trình Đức Chúa Trời đối với chúng ta, nếu chúng ngăn trở chúng ta trong bước tiến, khiến chúng ta thiếu cương quyết, kém vững vàng, thì chúng là những gánh nặng, những chướng ngại vật vậy.”

Các chướng ngại vật không nhất thiết phải là thấp kém. Rất có thể là trong bản chất, chúng là những điều cao quí, trí thức, đẹp đẽ; nhưng nếu chúng ta tham dự vào đó mà xao lãng mục tiêu tối hậu của chương trình Đức Chúa Trời đối với chúng ta, nếu chúng ngăn trở chúng ta trong bước tiến, khiến chúng ta thiếu cương quyết, kém vững vàng, thì chúng là những gánh nặng, những chướng ngại vật vậy

Bây giờ chúng ta hãy xét qua 6 nguyên tắc liên quan đến những điều có thể gây nghi ngờ trong cách ăn nết ở của chúng ta mà Phao-lô đã kể ra theo sự linh cảm của Đức Thánh Linh.. Ông đã đề cập đến một vài vấn đề mà người tín đồ tại La-mã phải đương đầu, nó cũng tương tự như những vấn đề chúng ta vẫn gặp thời nay.

  1. Sáu nguyên tắc chỉ đạo.

Mỗi chân lý và giáo lý thộc linh quan trọng đều được trình bày đầy đủ ít nhất là trong một khúc sách dài của Kinh Thánh. Vấn đề liên hệ đến những điều nghi ngờ đã được trình bày đầy đủ trong thơ Rô-ma 14 và Phao-lô đã đưa ra những nguyên tắc sau đây:

  1. Tự do trong việc phán đoán.

“Người ăn (thịt) chớ khinh dễ kẻ không ăn (nghĩa là chỉ ăn rau mà thôi); và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn” (Rô-ma 14:3). Điều phải giải quyết ở đây là người tín đồ Đấng Christ có được phép ăn thịt cúng cho thần tượng hay không. Các tín hữu được huấn luyện đến nơi đến chốn, biết rõ rằng hình tượng là hư không, cho nên cảm thấy mình được tự do ăn thịt đó; nhưng đối với những tín đồ khác chưa hiểu rõ ràng, điều đó khiến họ vấp phạm, cho nên họ tránh và không bao gời ăn thịt. Đây là một nguyên nhân có tiềm lực gây ra sự bất đồng ý kiến, không phải là một điều nghi ngờ liên hệ đến một giáo lý căn bản, cho nên Phao-lô khuyên nên có một thái độ khoan dung. Trong Hội Thánh Đấng Christ, có thể có những ý kiến bất đồng thực sự. Chúng ta nên chấp nhận và cho là anh em ta cũng có lý nếu họ có những ý kiến trái ngược với ý kiến của chúng ta.

  1. Quyền tin tưởng cá nhân.

“Ai nấy hãy tin chắc ở trí mình” (Rô-ma 14:5). Chúng ta rất dễ bị màu sắc thần học của những kẻ ở chung quanh ta ảnh hưởng đến. Hậu quả là chúng ta rất dễ bị những định kiến về thần học lôi kéo hơn là hấp thụ lời Kinh Thánh. Lời Phao-lô khuyên có ý dạy dỗ chúng ta phải hoàn toàn tin vào tâm trí mình trong việc tra xét những sự việc liên hệ, chớ đừng bao giờ hành động theo người khác, dầu hạnh kiểm người ấy cũng như tính tình người ấy đáng kính phục đến đâu đi nữa. Sự quyết định phải là quyết định của chính ta, bởi vì chỉ một mình chúng ta mới chịu trách nhiệm về các hành động của mình.

  1. Trách nhiệm đối với một mình Đức Chúa Trời mà thôi.

“Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó.” (Rô-ma 14:4). Chúng ta chỉ chịu trách nhiệm đối với một mình Đức Chúa Trời mà thôi, vì“mỗi mgười trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời” (14:12). Dầu nhìn nhận rằng chúng ta là một phần tử của xã hội và có trách nhiệm đối với xã hội, Phao-lô nhấn mạnh rằng cuối cùng chúng ta chỉ phải khai trình công việc mình để tính sổ với một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Bởi vì chúng ta chỉ có một chủ tức là Đấng Christ, cho nên bất cứ một ai khác, dầu là giáo hoàng, giám mục hay mục sư, tự cho là mình có quyền tối cao trên các hành động của chúng ta, đều là những người chiếm đoạt “quyền cao cả tuyệt đối của Đấng Cứu Chuộc”. Sự kiện “chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ” sẽ ảnh hưởng sâu xa đến cách ăn nết ở của tất cả mọi người thành thật muốn làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời.

  1. Đừng lên án người khác nếu họ hành động khác chúng ta.

“Nhưng ngươi, sao ngươi xét đoán anh em mình? Còn ngươi sao khinh dễ anh em mình?” (Rô-ma 14:10). “Vậy chúng ta chớ xét đoán nhau” (14:13). “Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã ấy là việc chủ nó” (14:4). Chúng ta không có quyền phê phán và chỉ trích các hành động của anh em mình. Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có quyền đó, hơn nữa, một ngày kia tất cả chúng ta đều sẽ bị xét đoán, không phải là “chúng ta xét đoán lẫn nhau”, nhưng “đều ứng hầu trước tòa án Đấng Christ”. Vậy chúng ta nên thận trọng để “đừng đặt hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa ngã” (14:13). Chúng ta phải tỏ ra thành thật đối với các hành động của chúng ta.

  1. Kiêng cử để người khác được ích lợi.

“Sự yêu thương chẳng hề làm hại người lân cận” (Rô-ma 13:10). “Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu và kiêng cử mọi sự chi làm dịp cho anh em mình” (14:21). “Chúng tôi chịu mọi sự, hầu cho khỏi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ chút nào” (I Cô-rinh-tô 9:12). Người tín đồ Đấng Christ không chỉ sống theo ý mình mà thôi, nhưng phải luôn luôn nhớ rằng hành vị cử chỉ của mình luôn luôn gây ảnh hưởng trên các anh em yếu đuối hơn. Quyền tự do uống rượu một cách điều độ đã từng là nguồn gốc làm hại cho những người yếu đuối hơn, không thể kiểm soát nổi tính tham ăn tục uống của mình. Chúng ta phải coi chừng, kẻo sự tự do của chúng ta làm vấp phạm các anh em ta. Chúng ta nên vì danh Chúa tự nguyện hy sinh quyền được hưởng thụ của mình vì cớ sự ích lợi của các anh em yếu đuối hơn ta. “Vậy chúng ta là kẻ mạnh phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình” (Rô-ma 15:1).

Chúng ta nên vì danh Chúa tự nguyện hy sinh quyền được hưởng thụ của mình vì cớ sự ích lợi của các anh em yếu đuối hơn ta.
  1. Kiêng cử những điều mình nghi ngờ.

“Nhưng ai có lòng nghi ngại… thì tự định tội rồi… phàm làm điều chi không bởi đức tin thì đều đó là tội lỗi” (14:23). Chính sự kiện chúng ta nghi ngờ cho chúng ta biết rằng việc làm kia rất đáng ngờ. Mọi việc chúng ta làm đều phải được thực hiện trong sự bảo đảm tích cực của đức tin. Sự hiện diện của lòng hồ nghi đòi hỏi chúng ta phải ngưng hành động, phải cầu nguyện, tra xét kỹ càng lời Kinh Thánh, và chỉ có thể tiếp tục nếu chúng ta tin chắc rằng điều mình làm là đúng. Trong việc đó cũng như trong tất cả những việc khác, chúng ta sẽ không bao giờ lỗ lã, nếu chúng ta chịu giao cho Đức Chúa Trời những điều nghi ngờ của chúng ta để Ngài làm lợi cho chúng ta. Tuy nhiên, rất có thể là chúng ta đang có một lương tâm “yếu đuối” cần được Lời Đức Chúa Trời giáo huấn, dạy dỗ. Rất có thể là do truyền thống, do thành kiến mà chúng ta nghi ngờ những điều Kinh Thánh không hề cấm đoán hay lên án.

Chúng ta không nên quên việc cai trị đầy ân điển của Đức Thánh Linh, Đấng đang hành động để dẫn dắt chúng ta vào mọi lẽ thật. C.B. Eavey nói: “Sự dẫn dắt và sửa trị của Đức Thánh Linh trong các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh là nền tảng thật sự cho sinh hoạt đạo đức của người tín đồ Đấng Christ. Đó là một nền luân lý không hề lệ thuộc vào thuyết tin rằng người ta có thể nhờ vào việc làm lành mà được cứu rỗi, không nên mâu thuẩn với luật pháp đời đời của Đức Chúa Trời, nhưng theo đúng tinh thần của luật pháp ấy. Một nền luân lý đích thực phải xuất phát từ nội tâm. Đức Thánh Linh khiến cho những điều dạy dỗ của luật pháp sống trong lòng và kiểm soát các động cơ của tấm lòng. Khi sự dẫn dắt và sửa trị của Đức Thánh Linh được thành thật chấp nhận và hoàn toàn tuân hành, thì tình cảm đạo đức sẽ được thanh lọc hóa khiến cho những hành vi đạo đức vượt hẳn mọi quan niệm chủ trương làm lành để được cứu”.

Pastor Oswald Sanders   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn