Thứ Năm , 25 Tháng Tư 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / TỰ DO KHỎI TỘI LỖI

TỰ DO KHỎI TỘI LỖI

MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP

VUI HƯỞNG SỰ TỰ DO CỦA BẠN

Bài 5

Tự Do Khỏi Tội Lỗi

warren

 

 

Mỗi Cơ Đốc Nhân đều có cuộc chiến tranh với ba kẻ thù: thế gian, xác thịt, và ma quỷ. Cả ba kẻ thù này đều đến từ cuộc đời của chúng ta. Trong Ê-phê-sô 2:1-3, Phao-lô đã mô tả cuộc đời của chúng ta: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác.”
Trước khi tin nhận Chúa, tôi sống theo sự thống trị của thế gian này. Tôi bị kiểm soát bỡi quyền lực của Satan và tôi đã sống để thỏa mãn các dục vọng của xác thịt. Khi tôi trở thành Cơ Đốc Nhân, tôi đã được giải cứu khỏi những kẻ thù này, nhưng chúng vẫn còn là kẻ thù! Kẻ thù còn sống và vẫn muốn tấn công tôi, đánh bại tôi. Bạn và tôi đang đối diện với cuộc chiến để chiến thắng những kẻ thù này. Thật vui khi chúng ta biết rằng Chúa Jesus Christ đã cung ứng phương tiện và sức mạnh để chúng ta đạt được chiến thắng. Qua Chúa Jesus Christ, chúng ta có thể tự do khỏi tội lỗi của xác thịt. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ sống đời sống trọn vẹn vô tội, bởi vì “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình,và lẽ thật không ở trong chúng ta.” (1Giăng 1:8) Nhưng chúng ta có thể sống đắc thắng tội lỗi nếu chúng ta vâng theo các chỉ dẫn Chúa ban cho chúng ta trong Rô-ma 6.
Chủ đề của Rô-ma 6 là làm thể nào để ngưng làm những việc xấu, làm thế nào để đắc thắng trên xác thịt. Trong chương này Phao-lô đã cho chúng ta ba lời chỉ dẫn đơn giản: biết, kể, và phó thác. Trong mười câu đầu ông nói về những điều chúng ta phải biết. Trong câu 11 ông dạy chúng ta phải kể những gì chúng ta biết. Và trong câu 12-23, ông dạy chúng ta phải phó thác (Know, Reckon, Yield.)
Phao-lô chỉ dẫn tâm trí: biết.
Phao-lô chỉ dẫn quả tim: kể.
Phao-lô chỉ dẫn ý chí: phó thác.
Chúng ta phải biết gì?
Trong ba chương đầu của sách Rô-ma, Phao-lô đề cập đến tội lỗi và đã kết luận rằng cả thế gian đều bị định tội trước mặt Đức Chúa Trời. Câu trả lời là gì? Câu trả lời là sự cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Jesus Christ, và điều này đã được thảo luận trong Rô-ma 4 và 5. Trong chương 4, ông đề cập đến tổ phụ Áp-ra-ham và chứng tỏ rằng Áp- ra-ham đã được cứu rỗi cùng một cách y như mọi người khác, đó là được cứu bởi đức tin. Trong chương 5, ông trở lại với A-đam và chỉ ra rằng chúng ta bị bại hoại như thế là vì sự sa ngã của A-đam. Trong A-đam, chúng ta đều sa ngã; trong Đấng Christ, chúng ta được sống lại.
Tới đây có người có thể nêu lên sự phản đối (ở đâu cũng có người phản đối). Phao-lô nói, “nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa.” (câu 20) Người phản đối nói, “Nếu chúng ta nhờ ân điển bởi đức tin được cứu và không bởi việc làm, thế thì tại sao chúng ta không tiếp tục sống trong tội để ân điển được gia tăng?” Chúng ta càng phạm tội, ân điển Chúa càng gia tăng và Chúa càng được vinh hiễn. Mục sư W. W. Wiersbe kể:
“Tôi thường nghe những người không chịu tin giáo lý về sự nhẫn nại của các thánh đồ tức là giáo lý tin rằng một khi bạn được cứu, mãi mãi bạn sẽ được cứu. Họ viết cho tôi và nói, “Mục sư ơi, nếu ông bảo người ta được cứu mãi mãi thì họ sẽ ra đi và cứ phạm tội.” Đây cũng là sự phản đối mà Phao-lô đã giải đáp trong Rô-ma chương 6. Ông dạy chúng ta cần phải biết ba lẽ thật căn bản. Chúng ta cần phải biết về tội lỗi, biết về công việc của Christ trên thập tự giá, và biết về chính chúng ta.
Biết về tội lỗi.
Chúng ta cần biết vài điều về tội lỗi. Trong đoạn này, Phao-lô nói gì về tội lỗi? Ông nói rằng tội lỗi bắt chúng ta làm nô lệ. Tội lỗi luôn luôn bắt đầu bằng sự tự do nhưng nó sẽ dẫn đến nô lệ. Bạn có thể chơi đùa với tội lỗi bây giờ hoặc bạn có thể đang bàn luận với tội lỗi. Bạn là Cơ Đốc Nhân, là tín đồ của Chúa, nhưng bạn có những ý tưởng tội lỗi đang vương vấn bên trong tâm trí của bạn. Tôi muốn cảnh giác bạn rằng tội lỗi xen vào lúc đầu như một người khách, rồi tội lỗi trở thành một người bạn – bạn sẽ thích người bạn mới đó. Rồi tội lỗi trở thành một đầy tớ. Nó hứa sẽ phục vụ bạn và đem lại sự vui thích cho bạn. Nhưng đầy tớ đó sẽ trở thành ông chủ, ông chủ đó sẽ thành tên độc tài, và tên độc tài đó sẽ trở thành kẻ tiêu diệt. Tội lỗi luôn luôn bắt đầu bằng tự do và kết thúc với sự tiêu diệt và ách nô lệ.
“Vì chưng chúng ta ngày trước cũng ngu muội, bội nghịch, bị lừa dối, bị đủ thứ tình dục dâm dật sai khiến, sống trong sự hung ác tham lam, đáng bị người ta ghét và tự chúng ta cũng ghét lẫn nhau.” (Tít 3:3) Đó là cách sống của chúng ta trước khi chúng ta được tái sanh. Người ta hay có ý nghĩ là tội lỗi đang phục vụ họ, nhưng không phải vậy. Họ đang phục vụ cho tội lỗi! Phao-lô đã nói rất rõ rằng Cơ Đốc Nhân “đã được thoát khỏi tội lỗi” (Rô-ma 6:7) và “chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa” (Rô-ma 6:6)
Bạn và tôi cần xử lý nghiêm đối với tội lỗi. Đó là điều trước tiên Phao-lô muốn chúng ta biết. Ông muốn chúng ta biết rằng tội lỗi là tay độc tài kinh khủng sẽ thống trị đời sống chúng ta, nếu chúng ta cho phép nó.
Biết về việc làm của Đấng Christ.
Thứ hai, ông muốn chúng ta biết vài điều về việc Đấng Christ đã làm trên thập tự giá. Xem Rô-ma 6:2-10, “Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa? Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Jêsus Christ, tức là chịu phép báp-têm trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau: Vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi. Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ cùng sống với Ngài, 9 bởi biết rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài. Vì nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả; nhưng hiện nay Ngài sống, ấy là sống cho Đức Chúa Trời.”
Có sự nhấn mạnh khác biệt giữa Rô-ma chương 5 và Rô-ma chương 6. Trong Rô-ma 5, Phao-lô đề cập đến sự thay thế (substitution) – Đấng Christ chết cho tôi. Nhưng trong Rô-ma 6, ông đề cập đến sự hiệp nhất (identification) tôi đã chết với Ngài. Trong Rô-ma 5, Phao-lô nói Chúa Jesus đã chết cho tội lỗi, nhưng trong Rô-ma 6, ông nói Chúa Jesus đã chết đối với tội lỗi. Điều khác nhau ở đây là gì? Theo chương 5 Chúa Jesus đã chết để giải quyết sự hình phạt của tộ lỗi, nhưng theo chương 6 Chúa Jesus đã chết để bẻ gãy quyền lực của tội lỗi. Chương 5 đề cập sự xưng nghĩa tức địa vị của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Chương 6 đề cập đến sự nên thánh, sự đắc thắng của chúng ta qua Chúa Jesus Christ. Chúng ta có mối liên hệ mới hoàn toàn với tội lỗi bởi vì công việc của Chúa Jesus Christ.
Khi bạn tin cậy Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa, thì Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã báp-tem chúng ta vào trong thân thể của Đấng Christ. Sự báp-tem nầy không xảy ra sau sự quy đạo nhưng xảy ra đồng thời với sự quy đạo (1 Cô-rinh-tô 12:13). Mỗi một tín hữu có ân tứ của Chúa Thánh Linh, và mỗi một tín hữu đã được hiệp nhất với Chúa Jesus Christ trong sự chết, sự chôn, sự phục sinh, và sự thăng thiên của Ngài. Đây là chân lý đẹp đẽ của Rô-ma 6. Đó là lý do tại sao Phao-lô nói, “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng?” (1,2) Cuối cùng, chúng ta đã có kinh nghiệm trong Chúa Jesus Christ, làm sao chúng ta có thể tiếp tục sống trong tội lỗi được?
Trước hết, chúng ta đã chết đối với tội lỗi (c2) Theo Rô-ma 6:7, người cũ đã đóng đinh: “Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi.” Tội lỗi không chết đối với tôi, nhưng tôi đã chết đối với tội lỗi. Tội lỗi vẫn sống mạnh, nhưng chúng ta đã chết đối với tội lỗi bởi vì chúng ta đã chịu chôn với Đấng Christ và đã sống lại với đời sống mới. Chúng ta đã lại đóng đinh với Đấng Christ.
Chúng ta đã được giải phóng khỏi tội lỗi. “Vậy anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên tôi mọi của sự công bình rồi.” (câu 18) “Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng” (câu 22)
Hãy thông hiểu địa vị mới của bạn trong Chúa Jesus Christ. Khi Chúa Jesus đã chết, bạn đã chết trong Ngài và với Ngài. Khi Chúa Jesus đã được chôn, đời sống cũ của bạn đã được chôn trong Ngài và với Ngài. Khi Ngài đã sống lại, bạn đã được sống lại với Ngài trong đời sống mới. Bạn ở trong Chúa Jesus Christ, và bạn có mối liên hệ mới với tội lỗi. Bạn đã chết đối với tội lỗi. Con người cũ đã bị đóng đinh. Bạn được giải phóng khỏi tội lỗi, và vì thế bạn có đặc ân sống đời sống đắc thắng tội lỗi.
Biết về chính mình bạn.
Thứ ba, bạn phải biết một số điều về chính bạn. Bạn phải chọn người chủ của mình. Mục đích đời sống chúng ta không phải tìm sự tự do của chúng ta nhưng tìm người chủ của chúng ta. Nếu bạn tìm được người chủ đúng, bạn sẽ có lại tự do đúng. Nếu tội lỗi là chủ của bạn, thì bạn sẽ phục vụ tội lỗi và bạn có đời sống thất bại, tuyệt vọng, và trống rỗng. Nhưng nếu Chúa Jesus Christ là chủ của bạn, thì bạn sẽ có một đời sống đắc thắng, một đời sống sống động, tươi mới. Bạn có thể bước đi trong sự tươi mới của đời sống, trong đời sống vui vẻ, đắc thắng kỳ diệu. Bạn phải chọn ông chủ của bạn.

Nhưng nếu Chúa Jesus Christ là chủ của bạn, thì bạn sẽ có một đời sống đắc thắng, một đời sống sống động, tươi mới. Bạn có thể bước đi trong sự tươi mới của đời sống, trong đời sống vui vẻ, đắc thắng kỳ diệu. Bạn phải chọn ông chủ của bạn.
Biết chúng ta phải kể như.
Phao-lô tiếp tục nói trong Rô-ma 6:11, “Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” Mười chín lần trong sách Rô-ma, Phao-lô đã dùng chữ được dịch là kể, hay coi như cũng có thể dịch là tính toán như, kể ra như. Đây là lời chỉ dẫn thứ hai Phao-lô đã chỉ cho chúng ta: kể như. Kể như có nghĩa gì? Kể như có nghĩa tự nhận cho chính mình điều Chúa nói là thật trong Kinh Thánh. Chẳng hạn tôi mắc nợ bạn $100.00 và tôi viết một cái check gởi đến bạn. Bạn nói cái check đẹp quá, bạn bỏ cái check trong túi và không bao giờ rút tiền ra. Bạn đã không kể như mình đã có tấm check. Nhưng khi bạn đến ngân hàng và ký tên vào tấm check để nhận tiền, bạn đã kể mình có tấm check. Bạn tin giá trị tấm check, bạn tin có tiền trong ngân hàng, và bạn đến ngân hàng rút tiền đó ra.
Làm thế nào bạn kể như bạn đã chết với Chúa Jesus Christ trên cây thập tự? Kinh Thánh nói bạn đã chết. Nếu tôi hỏi bạn, “Có bao nhiêu cây thập tự giá trên đồi Gô-gô-tha?” Bạn nói, “Có ba cây thập tự.” Làm sao bạn biết điều đó? Bởi Kinh Thánh chép như vậy. Làm sao bạn biết trên Gô-gô-tha có hai tên cướp cùng chết một lần với Chúa Jesus? Bởi vì Kinh Thánh nói như vậy. Vâng, cùng quyển Kinh Thánh nói hai tên cướp đã chết với Chúa Jesus cũng đã nói rằng bạn đã chết với Chúa Jesus! Nếu bạn thực sự tin điều này, bạn cũng phải tin điều kia. Kể như hay coi như chỉ có nghĩa là tin điều Kinh Thánh nói đó là thật – thật trong đời sống tôi.
Kể như không phải là cố tạo ra một kinh nghiệm. Kể như chỉ là tin điều Đức Chúa Trời nói trong Rô-ma 6 là thật. Tội lỗi không chết đối với tôi, nhưng tôi đã chết đối với tội lỗi. Tôi không cố gắng tạo ra một khinh nghiệm cảm xúc. Tôi chỉ tin điều Đức Chúa Trời đã phán. Đó là kể như, coi như. Kể như chỉ có nghĩa là tôi đang hành động trong đức tin. Tôi đã hiệp nhất với Đấng Christ. Lời Chúa là thật. Công việc của Đấng Christ đã hoàn tất. Vì thế, điều Đức Chúa Trời nói trong lời Chúa là thật trong đời sống của tôi.
Bạn có đang kể mình như đã chết thật đối với tội lỗi (tiêu cực) nhưng đã sống lại với Đức Chúa Trời qua Chúa Jesus Christ Chúa chúng ta (tích cực) hay chưa? Chữ chìa khóa ở đây là chữ “Chúa”. Jesus Christ không chỉ là Cứu Chúa, nhưng Ngài cũng là Chúa Tể. Bạn có đang kể như vậy không?
Chúng ta hãy ôn lại những gì chúng ta đã học. Lời khuyên đầu tiên của Phao-lô trong Rô-ma 6 là biết. Chúng ta phải biết về tội lỗi (vốn bắt chúng ta làm nô lệ), biết về công việc của Chúa Jesus (Ngài đã giải phóng chúng ta), biết về chính chúng ta (chúng ta phải chọn chủ của mình).
Lời khuyên thứ hai của Phao-lô là kể như. Đây là công việc của quả tim, tôi tin cho tôi là những gì lời Chúa nói là thật trong đời sống tôi.

*Soạn theo sách “Enjoy Your Freedom” của Warren W. Wiersbe (Back to the Bible).

Người dịch: Mục sư Nguyễn Văn Huệ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn