Thứ Tư , 24 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / CON TRAI Y-SÁC HÙNG

CON TRAI Y-SÁC HÙNG

CON TRAI Y-SÁC HÙNG
Đây là bức ảnh chụp con trai Y-sác bé nhỏ khi nằm trong lồng ấp tại phòng cấp cứu.

ysachung 1
Không nhớ rõ được cái cảm giác mà lần đầu tiên trong cuộc đời được gặp con nữa. Nhưng có lẽ rằng: đây là giây phút nghẹn ngào nhất..
Ngồi trong chiếc taxi đi từ bệnh viện Phụ Sản để sang viện Nhi với con, một cảm giác muốn được lặng im. Nhìn ra ngoài cửa kính ôtô, hơi bị quáng mắt một chút, vì cũng lâu rồi tôi mới ra ngoài trời. Năm ngày tôi ở miết trong căn buồng nhỏ của bệnh viện Phụ Sản, ánh đèn điện với bốn bức tường trắng khiến cho tôi ngao ngán. Có chút lạ lẫm với không khí bên ngoài, khắp phố phường người ta đang nhộn nhịp tưng bừng kỉ niệm ngày lễ của Quốc gia, ngày 30/4. Tôi không khó để bắt gặp những cô gái “sặc sỡ” và “phóng khoáng” sánh đôi với những chàng trai sành điệu trên những chiếc xe tay ga. Và rồi nhìn sang bên cạnh, tôi thấy chồng tôi đang chạy xe đi bên. Anh ấy ăn vận bình thường, chạy một chiếc xe số bình thường. Anh ấy vẫn luôn đẹp trong mắt tôi. Tôi mỉm cười. Chúa biết tôi hạnh phúc.
Đoạn đường khoảng 5 km, như thường lệ thì nó rất gần với tôi, nhưng hôm nay tôi cảm thấy sao mà xa.. Có lẽ do tôi đang mong gặp con quá đó thôi. Sinh con đã năm ngày rồi, vậy mà tôi vẫn chưa từng một lần được nhìn thấy con. Nhiều lúc nằm 1 mình trong viện nghĩ đến con mà tôi thấy trách người y tá ấy quá. Tôi nằm trên bàn mổ, trong đầu tôi không nghĩ được gì ngoài việc cầu nguyện cho con, xin Chúa cho con được chào đời bình an. Ngoài việc cầu nguyện và nhớ đến câu nói của  vị Mục sư đã nói trước đó khoảng một tuần: “Cô yêu con của cô, nhưng Đức Chúa Trời còn yêu nó hơn” thì tôi không nghĩ được gì. Tôi cứ cầu nguyện như thế, và rồi khi thấy cơ thế của mình bị hẫng.. tôi yên lặng và chờ đợi.. chờ đợi tiếng khóc của con.. có tiếng của con khóc.. Tôi nói “cảm ơn Chúa”, đưa mắt sang người y tá đang trực huyết áp cho mình tôi hỏi: “chị ơi là tiếng con em khóc phải không?” “đúng rồi em ạ”. Rồi rất nhanh những giọt nước mắt của tôi như vỡ tràn con đê ngăn, chúng cứ thế mà òa ra và lao rất nhanh xuống nệm của chiếc bàn mổ. Như 1 phản xạ rất đỗi Thiên tạo, tôi đã khóc như thế.. khóc trong niềm hạnh phúc.. ” Em ơi em đừng khóc”- người y tá ngăn không cho tôi khóc để duy trì huyết áp của tôi được ổn định. Chị ta đeo  dây nơ xanh vào tay tôi và nói: ” Nguyên Anh, con của em là con trai, mẹ đeo một cái dây, con đeo một cái dây, để sau này ra ngoài mẹ con còn nhận nhau nhé”. Rồi tôi chưa kịp nói gì, một người y tá khác bồng con tôi trong chiếc tã trắng và đi mất. Tôi muốn nhìn theo mà không được. Tôi nhìn người y tá lại đang tiêm thuốc gì đó vào mạch máu của tôi: “chị ơi con em được mấy cân, mà chị ấy đem con của em đi đâu rồi?” “Em bé được đưa về phòng sơ sinh và sẽ được cân tại đó em nhé, ra khỏi phòng hồi sức em sẽ được gặp con”. Tôi yên lặng và theo dõi từng mũi kim khâu chọc vào da thịt tôi. Lát sau người y tá kia quay lại, chị ta ghé sát vào tai tôi; “con em được 1,9 kg, con em rất khỏe mạnh”. Tôi biết con sinh non ở tháng thứ 7 như thế này là sẽ nhỏ lắm, có điều khi biết con chỉ được 1,9 kg tôi cũng buồn. Và rồi cũng rất nhanh sau đó tôi nói: “cảm ơn Chúa, mọi sự Chúa tể trị, Chúa là tốt lành”. Nhưng rồi tôi cũng không suy nghĩ được nhiều nữa. Thuốc gây tê tiêm vào tủy sống của tôi đã ngấm đến tận não, tôi bắt đầu có cảm giác muốn thiếp đi. Đương nhiên là tôi chỉ đồng ý thiếp đi khi biết con mình đã chào đời tình an, và tôi cũng không quên trách “sao người y tá đó nhẫn tâm, không lỡ cho tôi xem mặt con trai của tôi.. chị ta làm sao hiểu được những gì đang là khát khao trong tôi.. những tháng ngày mang thai nặng nề.. rồi bất chợt tôi chuyển dạ và con chào đời ở tháng thứ 7. Làm sao chị ta có thể hiểu được những suy nghĩ của tôi lúc này..” Rồi tôi nhắm mắt lại, người y tá khẽ nhắc: “em không được ngủ nhé, cố giữ cho đến khi chân bị tê và vết mổ đã biết cảm giác đau”.

Ca mổ của tôi cuối cùng cũng xong, tôi được họ chuyển sang  chiếc giường kéo và được kéo đi. Cánh cửa buồng mổ mở ra là tôi nhìn thấy khuôn mặt có chút lo lắng và mong mỏi của chồng. Anh ấy vẫn luôn lạnh mặt như thế, luôn giữ được cảm xúc của mình sau đôi mắt một mí không lấy gì làm đẹp kia. Đôi mắt đã từng lay động tôi bấy lâu nay. Nhưng là vợ chồng, anh làm sao giấu được tôi điều gì nữa. Anh đi theo cùng chiếc giường đang đẩy tôi, tôi thì vẫn đang phải truyền dịch và theo dõi huyết áp. Đôi mắt của tôi nhìn anh đang bắt đầu mờ dần, tôi cảm thấy mình đang lịm dần đi. Người y tá lại khẽ gọi tôi. Lấy hết sự tập trung và sức lực tôi muốn hỏi anh rằng: “anh nhìn thấy con chưa? Con đâu rồi? con thế nào rồi?” Tôi muốn hỏi anh, vậy mà không thể cất tiếng được. Khi đến phòng hồi sức, và sau cánh cửa phòng ấy, tôi không còn thấy được chồng tôi và cũng không nghe thấy gì ở bên ngoài nữa. Phòng hồi sức.. đó là  căn phòng rộng, bốn bức tường trắng đến lạnh người. Ở trong đó tôi bắt đầu đối diện với cơn sốt rét, rồi co giật, tiếp đó là hai chân tê cứng và cuôus cùng là điều mà tôi sợ nhất: đau.. vết mổ của tôi đã bắt đầu đau. Tôi nằm bất động ở trên giường, cảm giác như mình là con chiên, mà người giết thịt là những người bác sĩ kia, họ có thể xử lý tôi bất cứ lúc nào. Hễ nhìn thấy họ tiến lại gần là tôi ứa nước mắt ra, vì tôi biết hễ họ đến là họ sẽ dồn lực vào hai bàn tay mà ấn xuống bụng tôi. cảm giác đó đau đớn biết dường nào. Trong cơn sốt rét, khi đang co giật, một người nằm ở bên giường khác hỏi rồi cho tôi biết: khi tôi vẫn còn đang trong phòng mổ thì chồng tôi đã làm thủ tục cho con tôi chuyển viện rồi. Có lẽ giờ này chồng tôi đang trên xe 105 để đưa con tôi sang viện Nhi Đức ấp lồng. Tôi chỉ còn biết nằm ở đó cầu nguyện cho con..

Anh ấy vẫn luôn lạnh mặt như thế, luôn giữ được cảm xúc của mình sau đôi mắt một mí không lấy gì làm đẹp kia. Đôi mắt đã từng lay động tôi bấy lâu nay
Trời càng lúc càng khuya hơn, những chiếc giường bên cạnh tôi đã lần lượt được chuyển ra phòng thường. Phòng hồi sức lúc này chỉ còn có mình tôi. Cũng đã 12 giờ đêm, tôi không được chuyển đi đâu nữa mà nằm ở đây đến sáng mai. Một mình tôi nằm lại trong căn phòng lạnh lẽo đó, và cơn đau bắt đầu hành hạ tôi. Và cũng rất nhiều suy nghĩ cùng sự lo lắng xảy đến với tôi. Tôi lo lắng tình trạng sức khỏe của con, con sang đó giờ ai sẽ chăm sóc cho con, những người y tá bác sĩ sẽ đối xử với con như thế nào.. Thương con lắm, đang yên ổn trong bụng mẹ thì người ta mổ bụng mẹ và lấy con ra, chắc con thấy lạ lẫm lắm, con đã chuẩn bị để đối diện với thế giới bên ngoai đâu.. rất nhiều rất nhiều suy nghĩ như thế và tôi chỉ còn biết cầu nguyện. Tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi sớm khỏe để có thể chăm sóc cho con, xin Chúa ban sự bình an cho gia đình tôi, xin Chúa ban sức cho con trai bé bỏng, Chúa cho con được ơn trước mặt những người y tá bác sĩ.. Tôi không rõ được những lời cầu nguyện của tôi lúc bấy giờ. Nhưng tôi nhớ rõ rằng tôi quyết giao phó và nhờ cậy Chúa, Chúa có giết tôi và cất đi sự sống của gia đình tôi, tôi cũng sẽ còn cảm ơn Ngài và trông cậy Ngài nữa. Chúa là tốt lành. Rồi trong tiềm thức, tôi thầm kêu tên con trai của mình: Ysác! Cái tên mà vợ chồng tôi đã cầu nguyện với Chúa cho con trai của mình từ trước khi tôi mang thai. Rồi rất nhanh sau đó tôi thấy lòng mình biết ơn Chúa, vì Ysác đã đến với vợ chồng tôi là bởi đức tin và sự cầu nguyện. Bao nhiêu ký ức ùa về cách rất nhanh. Tôi nhớ tôi đã từng bị “u nang buồng trứng” và Chúa đã chữa lành cho tôi, tôi nhớ khi bắt đầu mang thai, thai của tôi bị dọa sẩy, bị bong nhau và có dịch cặn ở nước ối.. Nhưng tất cả Chúa đã chữa lành và gìn giữ tôi bằng sự cầu nguyện của vợ chồng tôi.. Bây giờ tôi lại sinh non ở tháng thứ 7, thiếu mất 7 tuần. Tôi nói “cảm ơn Chúa, mọi chuyện Chúa tể trị, Chúa tốt lành, Chúa yêu Ysác, Chúa yêu vợ chồng con”.
Sáng hôm sau tôi được chuyển ra phòng thường, và tôi nằm đó năm hôm. Ngày nào khi sang với con về, chồng tôi cũng cảm ơn Chúa và kể cho tôi nghe về con. Tôi lấy làm vui và cảm ơn Chúa lắm..
Chồng tôi nói: “con trai mình nhìn giống anh lắm”. Nhiều lúc tôi nhìn chồng và thử hình dung ra mặt của con, nhưng không tài nào tôi hình dung ra.. Nhớ lại đến đây tôi chợt cười và giật mình khi thấy mình đã khóc rất nhiều từ lúc nào. Lau nước mắt tôi nhìn đường rồi nhìn bác tài xế, bác ấy chạy cũng sắp đến viện Nhi rồi. Tôi nhìn chồng, vẫn thấy anh bình lặng như thường lệ. Sắp được gặp con, tôi háo hức hồi hộp đến mức quên mất cả vết mổ chưa cắt chỉ vẫn còn đau như thế nào. Bước xuống ôtô tôi bắt đầu xịu xuống vì đau, chồng tôi phải dìu tôi đi từng bước chậm dãi nhẹ nhàng.
Và tôi cũng đã chờ được đến cái giây phút này, tôi đã gặp được con trai của tôi. Yêu con lắm nhưng cũng thương con lắm.. Con bé xíu.. lọt ở trong cái áo dành cho trẻ sơ sinh mà con vận thì thùng thình, cái bỉm cũng to bằng 2 bằng 3 người con.. tay chân con nhỏ tí xíu mà cả 4 đều bị băng  kín.. Lúc này con đã không còn phải thở oxi và cũng không còn phải chiếu đèn nữa. Chồng tôi nhắc về việc khử trùng tay trước khi chạm vào con. Tôi khử trùng và mở nắp lồng kính, nâng bàn tay bé tí xíu đang quấn băng chằng chịt của con lên cho chạm vào môi mình, tôi gọi: “Ysác ơi mẹ đây, mẹ về với Ysác rồi, mẹ sẽ ở bên chăm sóc con..” Có cái gì đó nghẹn ở cổ làm tôi không nói được nữa. Thấy cúc áo con không đóng, tôi mới mở áo ra: vòm ngực của con lõm xuống, phập phồng phập phồng. Tôi quay đi và bước vội đến bên bồn rửa tay.. cố không cho nước mắt rơi xuống sàn nhà và không để cho chồng thấy mình khóc. Những đêm sau đó gần như cứ nghĩ về con là tôi lại nức nở với Chúa. Tôi không dám phàn nàn Chúa điều gì, nhưng Chúa là nơi tốt nhất để tôi nói lên những suy nghĩ tâm tư cảm xúc của mình.
Tôi về với con một ngày thì con được ra khỏi phòng cấp cứu. Điều mà gia đình tôi cảm ơn Chúa vô cùng đó là: “ngay từ lúc sinh ra và được đưa vào phòng cấp cứu, Chúa cho Ysác khỏe khoắn và rắn rỏi. Nếu như những đứa trẻ khác tím tái thì Ysác lại luôn hồng hào và mặt nó có nét gì đó rất rạng ngời. Tôi tin Đức Chúa Trời đang ở cùng Ysác. Con trai tôi được chuyển vào phòng cấp cứu sau cùng nhưng lại được ra đầu tiên. Khi ra ngoài phòng thường, Chúa cho Ysác ăn ngoan ngủ ngoan và gia đình tôi tràn ngập sự bình an của Chúa. Tôi và con ở viện thêm 2 tuần nữa thì được xuất viện trở về nhà.
Hiện tại mấy ngày nữa là con trai tôi tròn bốn tháng tuổi, Ysác được 5,5kg, cũng đã biết cười đùa và phụng phịu với mẹ. Chúa cho con khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Nó hệt như những gì mà vợ chồng tôi đã từng cầu nguyện trước đây vậy. Chúa đã ban cho vợ chồng tôi điều mà lòng chúng tôi ước ao, và tôi tin Đấng đã khởi làm sự lành trong chúng tôi sẽ làm trọn cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ Ngài tái lâm.
Trong mọi sự thử thách thật tôi tin Chúa sẽ luôn mở đường để cho chúng ta có thể chịu được. Nhiệm vụ của chúng ta là cứ tin nơi Ngài thôi.. không phàn nàn, không kêu ca.. cứ cảm tạ Chúa trọng mọi sự.. hãy cứ làm phần việc của mình, từ chối lo lắng và tin cậy Ngài.. Chúa sẽ làm phần việc của Ngài. Và vì.. dẫu mọi sự có tồi tệ thì Chúa vẫn là tốt lành!

Trong mọi sự thử thách thật tôi tin Chúa sẽ luôn mở đường để cho chúng ta có thể chịu được. Nhiệm vụ của chúng ta là cứ tin nơi Ngài thôi.. không phàn nàn, không kêu ca.. cứ cảm tạ Chúa trọng mọi sự.. hãy cứ làm phần việc của mình, từ chối lo lắng và tin cậy Ngài.. Chúa sẽ làm phần việc của Ngài. Và vì.. dẫu mọi sự có tồi tệ thì Chúa vẫn là tốt lành!
Tôi trông cậy Chúa và rất yên tâm khi cho con cùng đi Thờ Phượng Chúa ngày Chúa nhật. Cũng thường xuyên vợ chồng tôi cho con đi công việc Chúa cùng. Và càng lúc tôi càng kinh nghiệm sự quan phòng của Chúa trên gia đình tôi. Tôi có ghi lại hình ảnh của con từ lúc con sinh ra đến bây giờ. Vì quả thực: nhìn lại hành trình con lớn khôn, lòng tôi sẽ luôn đầy ắp sự tạ ơn Đức Chúa Trời.
Yêu con trai Ysác Hùng, Chúa ban phước cho con!
ysac 2

Đặng Nguyên Anh   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn