Thứ Tư , 18 Tháng Chín 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / TỪ THƯƠNG XÓT ĐẾN PHỤC VỤ

TỪ THƯƠNG XÓT ĐẾN PHỤC VỤ

TỪ THƯƠNG XÓT ĐẾN PHỤC VỤ

Mác 1:29-31

Vừa ra khỏi hội đường, Đức Giê-su đi với Gia-cơ và Giăng đến nhà Si-môn và An-rê. Bà gia Si-môn sốt nặng đang nằm trên giường, họ liền cho Ngài hay. Ngài đến gần, cầm tay đỡ bà dậy, cơn sốt liền dứt, rồi bà đứng dậy phục vụ họ.

isai53.5

Trong một lần khảo cổ những ngôi mộ của các Pha-ra-ôn Ai-cập, các nhà khảo cổ tìm thấy một vài bộ xương người nằm rải rác trên đường vào mộ. Người ta cho rằng đó là xương của những người đào mộ tìm vàng bạc châu báu trong mộ, nhưng tìm không được, lâu ngày lạc không tìm đường ra và chết. Vàng bạc châu báu quí giá đã được chôn trong những nơi sâu kín và phức tạp rất khó tìm. Càng quý giá càng chôn sâu, người tìm phải mất nhiều công sức mới tìm được. Các mỏ vàng bạc kim cương cũng vậy, bên ngoài chỉ là những vàng, bạc, kim cương thô, còn nhiều tạp chất, càng đào sâu, càng tìm được những vàng bạc to lớn, quý giá.

Lời Chúa cũng vậy. Mới đọc thì hiểu ít, càng suy gẫm càng hiểu nhiều, càng khám phá những tinh túy trong lời của Ngài, càng tìm được châu ngọc quý giá từ lời ấy. Giô-suê 1:8 đã nói rõ: quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm…

Câu chuyện Chúa Jesus chữa lành bà gia Phi-e-rơ chỉ có 3 câu, nhưng có nhiều sự dạy dỗ quý báu. Đặc biệt là câu 31: Ngài đến gần, cầm tay đỡ bà dậy, bệnh liền dứt, rồi bà đứng dậy phục vụ họ.

Cùng đào vàng, đào tới đâu tạ ơn Chúa tới đó.

NGÀI CÓ NHIỀU CÁCH CHỮA BỆNH

Khi tôi đọc câu Chúa Jesus lại gần, tôi nhớ lại trong suốt 3 năm rưỡi trên đất Ngài đã chữa lành cho không biết bao nhiêu người, nhưng hầu như không lần nào chính xác giống như lần nào, mỗi lần mỗi khác, mỗi cách, tùy theo trường hợp, tùy theo ý Chúa. Ngài thường chữa bệnh bằng những lời phán (người bại ở ao Bê-tết-đa, vài chỗ khác), cũng có khi Ngài cầm tay người chết, người chết ngồi dậy (con gái Giai-ru) Có khi Ngài dùng tay rờ mắt người mù, người mù được sáng, nhưng cũng có khi với người mù khác, Ngài lại dùng nước miếng hòa với bùn bôi lên mắt, người mù sáng từ từ, không sáng liền tức thì. Khi chữa bệnh cho người phung, Ngài chạm vào người họ. Một trường hợp lý thú là Ngài chữa bệnh từ xa, đứng nơi này phán, chỗ khác người bệnh lành, có kiểm chứng đàng hoàng (Giăng 4:46-50) Ngày nay chúng ta thấy Ngài ban cho con người ta khôn ngoan, sự khôn ngoan này là do Chúa cho chứ con người không tự nhiên mà có (Sáng thế 1:26-27), Chúa cho phép trong y học các bác sĩ đã khám phá ra nhiều cách chữa bệnh, nhiều thuốc chữa từng bệnh khác nhau. Tôi trước hết học được bài học: đừng giới hạn sự chữa lành của Chúa theo ý của mình và cách của mình mà Kinh Thánh không có nói tới.

Có ít nhất là ba quan niệm (hoặc nhiều hơn mà tôi chưa biết) về sự chữa lành của Chúa. Một là tin vào sự chữa lành của Chúa có thể đến bằng nhiều cách khác nhau, có thể là chính bàn tay Chúa đưa ra, chạm vào, trực tiếp người bệnh, nhưng cũng có thể là Chúa dùng con người (bác sĩ), những thuốc men để chữa lành. Hai là chỉ chờ đợi Chúa làm phép lạ, bắt Ngài phải tự làm, không chịu đi bác sĩ, không chịu uống thuốc. Một số người nhân danh Chúa “công bố” sự chữa lành. Chúng ta tin thế nào?

Tôi chưa tìm ra trong Kinh Thánh nơi nào bảo rằng khi bệnh tật phải “công bố” sự chữa lành. Nếu ai tìm ra xin chỉ cho tôi. Chúng ta sẽ tin nếu đó là lời của Chúa, chúng ta tin lời của Chúa, không tin lời con người. Chúng ta sẽ nói làm sao với người khác (nhất là người ngoại đạo vốn thường không tin và dễ vấp phạm) nếu sau khi công bố mà bệnh không lành, có khi nặng hơn, rồi chết. Điều đó vẫn thường xảy ra. Có phải tất cả mọi người công bố chữa lành đều được chữa lành hết? Có ai phải chết không? Chúa Jesus không thể bị người ta áp đặt ý muốn họ, nhưng là ý muốn Ngài. Tôi tin Chúa là Đấng Chữa Lành, nhưng bằng nhiều cách Ngài muốn, khi Ngài chữa trực tiếp, khi Ngài dùng một điều gì đó, cả các bác sĩ vì họ là tạo vật do Ngài dựng nên và có quyền trên họ. Ma-thi-ơ 8:8-9: Thầy đội thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành. Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa; tôi biểu tên nầy rằng: hãy đi! thì nó đi; biểu tên kia rằng: Hãy đến! thì nó đến; và dạy đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc nầy! thì nó làm. Ngài có bị bắt buộc phải dùng chỉ một cách là đưa tay ra? Khi được các bác sĩ chữa lành, chúng ta cám ơn họ. Nhưng trước tiên phải tạ ơn Chúa vì chính Ngài đã dùng họ để chữa lành

Chúng ta trở lại với nhóm chữ đầu tiên: Chúa Jesus Lại Gần

CHÚA JESUS LẠI GẦN

Tôi thích chữ này. Chúa Jesus có thể chữa bệnh mà không cần lại gần (Ngài từng chữa bệnh từ xa) Gần hay xa không phải là vấn đề của Ngài. Nhưng Ngài đã lại gần người đàn bà bệnh tật này. Thật cảm động vì một người, chỉ một người, lại là người đàn bà (vốn có một vị trí rất thấp kém trong xã hội thời đó), lại là người đàn bà chẳng có gì đặc biệt, nếu không nói là nghèo, sống trong một làng chài không tiếng tăm, mà Chúa Jesus, Đấng Sáng Tạo Vũ Trụ, toàn năng toàn tri, lại quan tâm cách đặc biệt, đến gần bà. Chúng ta không thể hỏi tại sao Chúa Jesus lại gần người đàn bà, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng Ngài đã nhìn người đàn bà bệnh tật nằm trên giường lâu ngày một cách thương xót (như khi Ngài nhìn đoàn dân đông đói bụng mà động lòng thương xót) và Ngài muốn đến gần như một sự quan tâm sâu sắc hơn. Chúa Jesus đã khởi đầu sự chữa lành cho bà bằng một niềm thương xót, như bản tính yêu thương của Ngài. Và sự thương xót là sự khởi đầu cho một tiến trình của sự chữa lành.

Chúa cho tôi học được ngay tại đây bài học về sự quan tâm cá nhân. Chúa Jesus đã đến thế gian vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, nhưng rõ ràng Ngài đã đến cho từng cá nhân ở trong thế gian. Đặc biệt là những người đau yếu nghèo khó thuộc linh cũng như thuộc thể. Ma-thi-ơ 9:12-13 chép: Đức Chúa Jêsus nghe đều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh. Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội. Chúng ta tạ ơn Chúa vì chúng ta là những người đau yếu bệnh tật, có tội mà Chúa Jesus vì lòng thương xót vô biên của Ngài chữa lành và cứu rỗi. Chúng ta tạ ơn Chúa không phải vì Ngài chỉ đến cứu vớt thế gian, những con người tội lỗi, bệnh tật, đau yếu, mà Ngài đã đến vì cá nhân mỗi chúng ta, tôi và anh chị em, dù chúng ta chẳng đáng để Ngài quan tậm.

Đến gần là một hành động tích cực hơn thay vì chỉ đứng từ xa mà nói. Sự thương xót là yếu tố đầu tiên đã đưa bước chân Chúa Jesus lại gần người đàn bà. Đây cũng là điều mà chúng ta học được từ Chúa Jesus và bắt chước Ngài. Hãy đến với những tội nhân và bệnh nhân bằng sự thương xót. Sự thương xót sẽ khởi đầu một tiến trình hàn gắn, không phải là một bổn phận, trách nhiệm, nhưng bằng tình yêu. Hãy đến gần những bệnh nhân (thuộc thể, thuộc linh) thay vì xa lánh họ vì những bất đồng quan điểm hoặc ngay cả sự tiêu cực. Chẳng có gì cảm động lòng người hơn là khi chúng ta đến với họ bằng mối quan tâm và bày tỏ bằng lòng thương xót.

NGÀI CẦM TAY

Không chỉ lại gần, Chúa Jesus lại gần hơn, cầm tay bà. Mỗi lúc, Chúa càng lại gần thêm. Cầm tay là một sự đụng chạm trực tiếp. Sự đụng chạm trực tiếp luôn luôn mang lại hiệu quả hơn một lời nói suông. Thật sự, việc cầm tay người bệnh không nói một điều gì hơn, nhưng cầm tay người đang bệnh là một biểu lộ tình cảm chân thành. Người bệnh rất có thể cần một sự gặp gỡ, một sự lại gần, sát bên, cầm tay, điều đó ý nghĩa hơn. Người ta cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn. Chúa Jesus là người của đám đông, xung quanh Ngài luôn có những đám đông, thì giờ Ngài là bận rộn, di chuyển nhanh, nhưng không vì thế mà Ngài không dành thêm một ít thì giờ cho một cá nhân đang cần đến Ngài. Thật ngọt ngào. Thay vì chỉ là một sự chữa lành bình thường, Chúa Jesus đã biến không khí bệnh tật thành một không gian đầy tình thương.

Tôi tin là Chúa cũng muốn đến gần và cầm tay (đụng chạm) đến chúng ta hơn là một sự chữa lành bình thường. Chúa muốn đến gần hơn và rờ chạm những vết thương bên ngoài lẫn bên trong nếu có thể được. Những điều này không phải là những suy nghĩ, nhưng nó là sự thật thông qua tình yêu thương của Chúa Jesus đối với loài người bệnh tật (thể xác và tâm linh) Ngài muốn chạm đến họ (hầu hết các sự chữa lành của Ngài đều có sự va chạm, rờ, đụng, ôm, cầm tay, hơn là những lời phán) Ngay cả Ngài muốn đụng chạm đến chúng ta. Rất có thể, sau nhiều năm theo Chúa, chúng ta chỉ theo và nhìn Chúa Jesus xa xa, chưa bao giờ cảm nhận được sự lại gần và kinh nghiệm sự đụng chạm của Ngài. Chúng ta cũng cần một sự đụng chạm.

Ngày xưa khi phương tiện còn thô sơ, không có laptop, không internet, không iPhone, người ta đi thăm nhau. Ngày nay với những phương tiện sẵn có đôi khi người ta lười thăm nhau, vì lý do là bận quá, email, điện thoại, message là được rồi, có còn hơn không. Nhưng thăm viếng, gần gũi, tạo một mối thông công thân mật vẫn là điều tốt nhất trong mối quan hệ, nếu không, Chúa Jesus đã chẳng cần thiết phải day dỗ các môn đồ hãy yêu thương nhau. Tốt nhất, có thể được, hãy đến thăm viếng tại nhà, tại bệnh viện, sự quan tâm thật sẽ dẫn đến việc đó, sự ân cần bởi tình yêu thật sẽ chinh phục tâm hồn bệnh nhân,

Vì Chúa Jesus đã đến gần và cầm tay bệnh nhân, chúng ta cũng hãy đến gần những bệnh nhân và gần nhất có thể, đụng đến họ, hàn gắn, băng bó những vết thương ngoài và trong lòng.

NGÀI ĐỠ DẬY

Chúa Jesus đến, cầm tay, không phải chỉ cầm, mà là để đỡ dậy. Giống như một vài trường hợp khác, Chúa Jesus có thể không cần thiết phải đỡ dậy, là khâu cuối cùng trong tiến trình của sự chữa lành. Càng thấy thêm dụng ý của Chúa. Trong trường hợp người bại ở ao Bê-tết-đa Ngài đã bảo người bại tự đứng dậy, vác giường mình mà đi, dù ông ta đã bại liệt 38 năm. Chúng ta tin rằng bài học của người bại là bài học của quyền năng và đức tin, còn bài học của người mẹ vợ Phi-e-rơ đây là một bài học về tình yêu thương. Tình yêu thương ấy được làm trọn, chúng ta tin rằng khi nghe biết bà gia Phi-e-rơ bệnh, Ngài đã động lòng thương xót và bắt đầu cuộc chữa lành bằng sự xót thương. Chúa đã bước lại gần, gần hơn, cầm tay bà, và đỡ bà dậy. Chúng ta không nghĩ rằng bệnh nhân chỉ có thể đứng dậy khi Chúa đỡ dậy, nhưng sự đỡ dậy của Ngài có một tác động hiệu quả hơn với bà. Bằng bàn tay Chúa, bà có thể ngồi dậy ngay tức thì. Từ nay bà đã có thể kinh nghiệm Chúa riêng tư, chứ không qua đức tin của bất cứ ai.

Trong cuộc sống chúng ta, có những lúc chúng ta ao ước muốn được chữa lành, muốn thay đổi tình trạng hiện tại của mình, nhưng tự mình không thể đứng dậy. Tôi tin rằng chúng ta cần một sự đỡ dậy, không phải từ người, mà là Chúa, từ Chúa. Khi Chúa đến gần chúng ta, cầm tay chúng ta, hãy nói với Chúa rằng Chúa ơi con ao ước con sẽ ngồi dậy được bằng sự nâng đỡ của Ngài. Hãy chạy đến, kêu cầu Chúa, và chính Ngài sẽ đỡ chúng ta dậy bằng lời của Ngài.

Và cũng hãy bắt chước Chúa, đến gần hơn với anh chị em mình, cầm tay họ, và bằng lời của Chúa, hãy nhờ Chúa đỡ họ dậy. Nhiều anh chị em chúng ta đang bị bệnh rét lâu ngày, cần sự chữa lành của Chúa, mà chúng ta vẫn có thể dự phần.

ĐỨNG DẬY PHỤC VỤ

Hiệu quả của một chuỗi hành động của Chúa Jesus là người bệnh đã đứng hẳn dậy khỏi giường bệnh và ngay tức thì bắt tay vào việc phục vụ. Mác và Mat dùng những từ khác nhau để mô tả đối tượng phục vụ, chỗ thì nói là hầu việc Chúa, chỗ nói phục vụ họ. Nhưng nói chung là sự làm việc. Một hiệu quả rõ ràng là ngay tức thì sau khi cơn bệnh vừa hết bà bắt tay ngay vào sự phục vụ. Điều quan trọng ở đây là bà đã làm việc ngay, một bằng chứng cho thấy là đã hoàn toàn được chữa lành. Bà không ngồi dậy cà kê dê ngỗng với người này người kia, bà ngay tức thì làm việc. Một người khỏe mạnh là một người làm việc. Chỉ có những người bệnh tật mới không làm việc. Sự làm việc cho thấy người bệnh đã được chữa lành.

Tôi luôn luôn tin rằng chúng ta được cứu là để phục vụ. Chúa Jesus cứu chúng ta, chữa bệnh cho chúng ta là vì lòng thương xót của Ngài, là ân điển, là cho không, không đòi hỏi một sự báo trả, cho dù chúng ta có tìm cách báo trả thế nào cũng không thể trả cho hết. Nhưng chắc chắn một điều Chúa mong đợi là một đời sống hiệu quả. Chúa không cứu chúng ta, hay chữa lành cho chúng ta chỉ để chúng ta tiếp tục sống một đời sống vô ích và vô nghĩa.

Chúa Jesus đánh ngã Sau-lơ trên đường đi Đa-mách và làm cho ông bị mù, rồi sau đó chữa lành và phục hồi ông, để làm gì? Để ông tiếp tục làm lại việc ông đã làm trước đó là lại tiếp tục bắt bớ Hội Thánh và sống một đời sống luật pháp của người Pha-ri-si. Không, Chúa đã chủ định dùng cuộc đời của ông để đem Tin lành đến cho dân ngoại. Công vụ 22:21: hãy đi, vì ta toan sai ngươi đến cùng dân ngoại ở nơi xa. Tôi không dám có ý định so sánh chúng ta với Phao-lô, nhưng chúng ta tin rằng một khi Chúa cứu chuộc và chữa lành ai thì Ngài có chương trình cho họ. Ngài muốn đời sống họ trở nên hữu ích, giúp đỡ cho nhiều người. Một Sau-lơ tai họa đã biến thành một Phao-lô phước hạnh, mà chúng ta hết thảy đều mang ơn ông cho đến ngày hôm nay.

Chúng ta từng nghe những câu chuyện về những người nghiện, gái mãi dâm ở Việt Nam, Chúa đã cứu họ thế nào. Sau khi được cứu thì họ không trở lại đường cũ, nhưng đi một con đường khác, đi nói về Chúa cho người khác, để những người khác sẽ trở nên giống họ.

Bà gia Phi-e-rơ sau khi được chữa lành đã làm gì? Kinh Thánh không nói là bà đã làm gì, chỉ nói là đã đứng dậy để phục vụ. Điều tôi muốn nói với ông bà anh chị em là đơn giản: được cứu là để phục vụ. Một người đàn bà vô danh, trong một làng chài bé nhỏ bên bờ biển hồ, có thể làm được gì to tát? Trong tình huống đó, có lẽ là bà xuống bếp, bắt tay vào việc nấu nướng, dọn ăn cho Chúa và các môn đồ, chỉ có thế. Đó là một sự hầu việc. Không nhất thiết phải là một việc to lớn, đơn giản là hầu việc. Chúa Jesus không đòi chúng ta phải làm một việc lớn lao. Ngài đơn giản muốn chúng ta hãy bắt đầu hầu việc trong hoàn cảnh hay khả năng mà chúng ta có thể làm. Hãy trở nên ích lợi hơn, tôi tin đó là điều Chúa muốn nói với tất cả chúng ta. Trong nhà Chúa có nhiều việc làm, như Rô-ma 9:21 chép: Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng khác để dùng việc hèn hạ sao. Sang hèn không quan trọng, lớn nhỏ không quan trọng, dùng được là quan trọng.

Sau khi được cứu, được chữa lành, chúng ta đã Làm Gì chưa? Chúng ta đã có bao giờ để Chúa dùng mình như một chiếc bình, bất cứ là bình loại gì?

Tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ, câu chuyện truyền thuyết thôi. Ngày kia Chúa Jesus đi ngang Giê-ru-sa-lem, nghe tiếng kêu, Ngài quay lại nhìn một người đàn ông đang ngất ngưởng bên men rượu. Anh ta lè nhè hỏi: Ngài không nhớ tôi sao? Tôi là người bại ở ao Bê tết đa 38 năm được Ngài chữa lành đây. sau khi được chữa lành tôi đã sống đời sống như thế này đây. Đi ngang qua một con đường khác, Chúa lại nghe tiếng gọi, một người đàn ông đang ôm ấp một phụ nữ làm tiền trong một góc khuất: Ngài không nhớ tôi sao, tôi chính là người mù đã được Ngài chữa cho sáng mắt, bây giờ tôi sống cuộc đời vui thú này đây. Chúa đi ngang qua, còn nghe những tiếng kêu khác, nhưng Ngài đi luôn không ngó lại.

Ngày kia Chúa Jesus đi ngang Giê-ru-sa-lem, nghe tiếng kêu, Ngài quay lại nhìn một người đàn ông đang ngất ngưởng bên men rượu. Anh ta lè nhè hỏi: Ngài không nhớ tôi sao? Tôi là người bại ở ao Bê tết đa 38 năm được Ngài chữa lành đây. sau khi được chữa lành tôi đã sống đời sống như thế này đây.

Thử tưởng tượng Chúa nghĩ gì khi Ngài đi ngang qua những điều đó? Ngài có buồn không? Còn chúng ta thì sao?

Rất có thể, chúng ta không phải là những người quá tệ hại như vậy, nhưng rất có thể là: chúng ta chẳng làm gì cả sau khi được Chúa cứu hay chữa lành những bệnh tật nặng nề, chúng ta chỉ đến đền thờ ngồi đó, nghe rồi ra về, và nghĩ rằng thế cũng tốt. Anh chị em nghĩ rằng Chúa nghĩ gì về tình trạng của chúng ta?

klu

Mục sư Lữ Thành Kiến

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn