Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / Trang Chủ / TÌNH YÊU CỦA MÁ

TÌNH YÊU CỦA MÁ

Má tôi dù ở rất xa
Nhưng lòng bà vẫn luôn gần cháu con.

qui

Trong những năm người Pháp còn cai trị Việt Nam, ông nội của tôi đã tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa trong một chiến dịch truyền giảng Tin Lành tại Bình Định.

Ngày đó ông tôi là một thầy thuốc Đông y nổi tiếng tại Đập Đá, An Nhơn. Quê hương của ông được nói đến trong câu ca dao này:

Ai về Đập Đá Gò Găng

Để em kéo sợi đêm trăng một mình?

Ba tôi là đứa con thứ mười một (áp út) của ông bà tôi. Ba lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả thời đó, nên được học hành đàng hoàng hơn hẳn những thanh niên cùng thời. Ba tôi còn là một người đàn ông với những sở thích rất nghệ sĩ như: chơi đàn Violin, Accordion, thổi kèn Harmonica… và  lái xe ô tô.

Khi ba tôi mười chín tuổi, ông nội dẫn ba ra Quảng Ngãi để coi mắt vợ tương lai. Má tôi lúc ấy là một thiếu nữ phơi phới đang lên với những ước mơ lấp lánh như hạt thủy tinh ngời sáng trong đôi mắt. Vào thời đó, dân gian thường nói về chuyện hôn nhân: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ba tôi háo hức lên tàu lửa đi cùng ông nội ra Tư Nghĩa, Quảng Ngãi để “diện kiến” người vợ tương lai. Khi đến nơi, mệt mỏi vì đường xa với đoàn tàu lửa  chạy cà rịch cà tang trên suốt lộ trình, ba tôi nằm ngay trên bộ ván của bà ngoại (ông ngoại tôi đã ra đi khi má tôi lên tám tuổi) giữa phòng khách đánh một giấc ngon lành bất kể trời trăng mây gió. Mọi người trong nhà và hàng xóm hiếu kỳ đứng ngoài hè nhìn vô xem thử chàng trai này mặt mũi ra sao. Bà hàng xóm nhận xét: “Trông nó hiền hậu và sáng sủa đấy chứ. Nếu con bé Út Mai chịu ưng thằng này thì tuyệt lắm đây.”

Má tôi lúc ấy đâu dám nói gì, nhưng nhất cử nhất động của ba tôi không thể nào qua khỏi con mắt “tinh tường” của bà.

Bà ngoại đem bình trà ra mời khách, ông nội bắt đầu câu chuyện với bà ngoại và cậu Ba:

-Chị biết đấy, chuyện tình duyên của con cái chúng ta phải theo nguyên tắc của Kinh Thánh. Áp-ra-ham đã cầu nguyện và tìm kiếm một cô dâu xứng đáng cho con trai của ông là Y-sác. Và rồi gia đình này đã tìm được một nàng Rê-be-ca có đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh, xứng đáng là một người nữ tài đức theo Châm Ngôn chương 31. Tôi cũng theo nguyên tắc đó. Cậu con trai nhà tôi hôm nay đã đến đây không phải ngẫu nhiên, nhưng nó đến từ sự cầu nguyện của tôi và chị, nói rộng ra là lời cầu nguyện của cả hai gia đình chúng ta. Tôi và chị là những môn đồ của Chúa, thì việc dựng vợ gả chồng cho con dĩ nhiên phải đi theo hướng dẫn của Lời Chúa. Người Việt mình có câu ca dao này: Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái ngoan tìm chồng giữa chốn ba quân. Cái “chợ đông” hay “ba quân” của văn hóa Việt Nam phải được điều chỉnh lại trong ánh sáng của Kinh Thánh là trong vòng “cộng đồng cơ đốc”. Vì vậy tôi chỉ có thể tìm kiếm một cô dâu giữa vòng hội thánh mà thôi.  Nếu Út Mai nhà chị không chê thằng con trai của tôi, thì chúng ta sẽ tiến hành lễ cưới cho chúng nó trong năm nay. Ông bà mình thường nói: Cưới vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha. Ý của chị như thế nào?

HTXuanQuang

(Nhà thờ TL  Quảng Ngãi)

Bà ngoại thong thả trả lời:

-Anh nói cũng phải. Chúng ta là cơ đốc nhân, việc cưới xin phải được Thiên Chúa phù trợ, hướng dẫn, ban phước. Người tính không bằng Trời tính mà. Kinh Thánh cũng dạy: Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công (Thi thiên 127:1). Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời trả lời sự sự cầu nguyện của hai gia đình chúng ta. Con bé Út Mai của tôi rất ngoan và khéo léo trong mọi công việc, tôi nói gì nó nghe nấy. Nó giống như Rê-be-ca của Y-sác ngày xưa vậy. Tôi cũng tin anh mặc dù tôi không biết con trai của anh như thế nào, nhưng chắc là nó cũng giống anh thôi. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Hơn nữa nó được anh dạy dỗ, rồi lớn lên trong nhà thờ chắc chắn là có phẩm hạnh tốt rồi. Tôi còn nghe nói thằng này còn có tài sử dụng các loại nhạc khí, nếu đúng như vậy thì đây là ân tứ Chúa ban. Chiều nay anh phải bảo nó biểu diễn cho chúng tôi xem để “mục kích sở thị” mới được.

Cậu Ba cũng góp thêm vài lời vào phần đối thoại giữa ông nội và bà ngoại:

-Những lời của bác và má tôi nói quả không sai. Tôi là anh của Út Mai rất thích thú với câu chuyện của hai bậc cha mẹ. Dù sao thì chúng tôi cũng muốn nghe con trai bác biểu diễn âm nhạc để mở rộng tầm mắt.

Ông nội lắng nghe chăm chú rồi đánh thức ba tôi đang chìm trong giấc mơ hoa:

-Chiều nay con chuẩn bị để biểu diễn âm nhạc cho mọi người nghe nhé.

Ba tôi lồm cồm ngồi dậy, lấy hai tay dụi vào mắt:

-Biểu diễn cái gì, con không mang theo nhạc cụ nào cả.

-Ồ, không có nhạc cụ thì con phải chế ra nhạc cụ mà biểu diễn. Có khó gì đâu trong khi mọi người đều biết con là một nhạc công tài năng mà.

Thế là sau buổi cơm chiều đáng nhớ với thịt gà luộc, cá lóc  nấu canh chua, mọi người trong gia đình bà ngoại và hàng xóm tập trung ở phòng khách nghe ba tôi biểu diễn âm nhạc. Rất đơn giản, ông ra vườn bứt một lá mận rồi đưa lên miệng thổi giống như người ta thổi kèn Harmonica. Hai bàn tay ông chụm lại với chiếc lá bẻ cong, và rồi những nốt nhạc với đầy đủ cung bậc vang lên bài Thánh Ca quen thuộc “Chúa thuộc về tôi, tôi nguyền tin sắt son…”. Những âm điệu thánh thót, trầm bổng du dương trong phòng khách làm mọi người há hốc mồm kinh ngạc. Khi ông thổi tới phần điệp khúc: Này là truyện ký tôi, bản ca của tôi. Ba tôi thêm phần hòa âm mà ông tự sáng tác với những âm thanh cao vút lên tới tận mây xanh… làm cho mọi người nín thở lắng nghe. “Đúng là một thiên tài!” Có tiếng khen ngợi của bác Tám hàng xóm. Má tôi không nói gì, bà chỉ cười tủm tỉm rồi quay mặt đi với vẻ mặt thẹn thùng…Tất cả những cử chỉ và phản ứng của má  không làm sao qua khỏi đôi mắt của bà ngoại. Bà nhìn cô con gái đang tuổi dậy thì vừa mừng vừa lo, không biết nó có chấp nhận anh chồng tương lai nghệ sĩ này không!

Vào lúc đó má hiền lành như một ma-sơ, cha mẹ đặt đâu chỉ biết ngồi đó chứ nào biết tình yêu đôi lứa là gì. Trong tự điển của má tôi không có từ “hẹn hò” mà chỉ có từ “trao duyên gởi phận”. Thôi thì cha mẹ hai bên gia đình đã cầu nguyện và sắp đặt như thế, thì bà cũng đành “nhắm mắt đưa chân” về nhà người ta chứ đâu có dám ý kiến gì. Đồng thời việc này vốn đã được cầu nguyện trình dâng lên Chúa từ rất lâu của cả hai bên gia đình. Và còn một điều nữa, ba tôi xuất hiện với một phong cách lịch lãm, hào hoa đã chinh phục má tôi từ lần đầu gặp gỡ,  làm cho bà rơi vào tâm trạng “tình trong như đã mặt ngoài còn e”!

tinhyeucuama

Chỉ năm tháng sau đó má tôi lên xe hoa về nhà chồng. Đó là một ngày cuối Đông của năm 1957. Hôn lễ của ba má tôi được mục sư Lê Đình Tố làm chủ lễ tại nhà thờ Tin lành Qui Nhơn. Thầy cô truyền đạo Dương Thạnh song ca hát tặng cho đôi tân hôn trong ngày cưới. Chuyện tình yêu của bà chỉ đến sau hôn nhân. Bây giờ bà học tập thích nghi với hoàn cảnh mới trong gia đình nhà chồng và tình yêu đến tự nhiên với chồng con, mà không cần phải cố gắng gì. Má tôi đảm trách mọi việc trong nhà như một “nội tướng” kỳ cựu. Ngoài ra đời sống cầu nguyện bền bỉ của bà mỗi ngày đã ảnh hưởng rất nhiều trên cuộc đời của chúng tôi.

Thế hệ của má và chúng tôi rất khác nhau trong chuyện yêu đương. Còn thế hệ các con của chúng tôi bây giờ dĩ nhiên lại khác nhiều hơn nữa. Mỗi một thời đại đều có những nét đặc trưng riêng của nó. Nhưng tình yêu và hôn nhân trong Chúa không bao giờ thay đổi bất luận với không gian và thời gian nào.

Đất nước đang có chiến tranh, ba tôi vào quân ngũ rồi sau đó xin về vào học ở Thần học viện Nha Trang, má tôi tháp tùng cùng học với chồng. Nhiệm sở đầu tiên ông bà về công tác là hội thánh Bồng Sơn thuộc Bình Định. Tại nơi này tôi mở mắt chào đời vào năm 1961. Khi tôi lọt ra khỏi lòng mẹ, má đùm bọc tôi trên một cái giường mà phía dưới là nước lũ, còn bên ngoài mưa gió bão bùng. Tôi sinh ra trong mùa mưa lũ ở miền Trung (có lẽ vì lý do này mà cả đời tôi luôn sợ nước!), ba tôi lúc ấy bận rộn với các mục vụ, và ông phải nhờ một người bạn đồng công là thầy truyền đạo Nguyễn Ngọc Dư đi tới chính quyền sở tại làm giấy khai sinh cho tôi.

Cuộc sống hôn nhân, gia đình của ba má tôi cũng giống như hầu hết các gia đình của những người hầu việc Chúa vào thời ấy. Ba má tôi bên nhau trên những bước đường công tác và nuôi dạy chúng tôi. Khi tôi bắt đầu vào học Tiểu học, ba má tôi chuyển về Qui Nhơn. Tuổi niên thiếu của chúng tôi đã lớn lên từ thành phố biển này với những kỷ niệm thật êm đềm.

Chỉ trong vòng mười sáu năm sau ngày cưới má tôi sinh ra chín đứa con. Thật là một kỷ lục! (Thực ra thời đó việc này là bình thường). Tôi trở thành chị Ba cho các em của tôi gồm ba trai ba gái. Không cần phải nói nhiều, mọi người đều biết làm chị Ba phải vất vả như thế nào để cùng với má canh chừng đám em ngỗ nghịch. Nhưng má tôi vất vả vạn lần hơn. Qua bao nhiêu năm tình mẹ thương con vẫn như biển rộng sông dài. Khi các con trong gia đình gặp sự cố về hôn nhân, má tôi không tài nào ngủ được và nước mắt bà cứ như một dòng suối chảy mãi…

Sau năm 1975 đời sống vật chất của gia đình tôi như một chiếc xe cứ tuột dốc không phanh. Lúc này ba má tôi chèo chống chiếc thuyền gia đình với bao nhiêu nhiêu vất vả. Thời gian này cũng là lúc má chứng tỏ khả năng của bà trong những năm tháng sóng gió. Má tôi làm nhiều việc khác nhau để có thể bảo đảm cho các anh chị em chúng tôi tiếp tục đến Trường. Nhờ ân điển Chúa, mọi thứ khó khăn rồi cũng đi qua.

Vào năm 2002 ba tôi về nước Chúa sau một cơn bạo bệnh. Má thẫn thờ suốt cả tháng sau đó. Nhưng rồi thời gian cũng làm vơi đi nỗi buồn của bà. Từ đây cuộc hành trình còn lại trên đất bà đã mất đi “một nửa yêu thương”, nhưng bên cạnh bà đã có con cháu vây quanh và một người bạn lớn là Chúa Jesus mãi mãi là nguồn sống của bà.

Cách đây 5 năm, má được vợ chồng cô con gái út bảo lãnh sang định cư ở Oregon. Bây giờ má đã có quốc tịch Mỹ. Thỉnh thoảng bà về thăm Việt Nam.

Tháng rồi, má từ Hoa Kỳ về thăm quê hương, tôi mở máy tính bảng cho bà đọc câu chuyện tình yêu của một tác giả trên songdao.online. Đọc xong, má ngẫm nghĩ rồi nói:

-Đây là chuyện tình của những lứa tuổi thời hiện đại, còn chuyện của má thì khác. Với má thì tình yêu chỉ đến sau hôn nhân, chứ không giống như người ta. Vào cái thời xa xưa ấy, có ai biết hẹn hò, yêu đương, nhớ nhung là gì. Việc hôn nhân là của người lớn. Cha mẹ bảo sao, má chỉ biết nghe vậy. Nhưng bây giờ nhìn lại má biết rằng việc hôn nhân là của Chúa. Ngài đã làm chủ trong hôn nhân của má và ban phước cho má và gia đình trong suốt nhiều năm qua. Dù ở thời đại nào, phước hạnh thực sự chỉ đến khi người ta có Chúa làm Chủ trong cuộc sống lứa đôi của mình. Hôn nhân cũng là một huyền nhiệm theo Kinh Thánh, khi mà hai vợ chồng trở nên một thân trong Chúa. Và mối liên kết đó, không gì phá vỡ được.

sa gio

Má còn nói thêm nhiều điều khác dặn dò chúng tôi phải trân trọng và giữ gìn đời sống hôn nhân của mỗi gia đình. Má đã già rồi, không còn can thiệp hay kiểm soát gì được chuyện của con cái, nhưng bà luôn cầu nguyện cho gia đình của từng đứa con với mong ước các con luôn có một đời sống hôn nhân hạnh phúc theo Kinh Thánh.

 

 

                                                           DAVID LINH ÂN

 

    

2 lời bình

  1. Cầu chuyện rất hay và ý nghĩa. Đức Chúa Trời là Đấng tể trị hôn nhân.

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn