Thứ Bảy , 20 Tháng Tư 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / TÔI CÒN MẮC NỢ

TÔI CÒN MẮC NỢ

TÔI CÒN MẮC NỢ

kienlu

Năm nay 66 tuổi rồi, tôi cảm ơn Chúa còn khoẻ, còn sống mạnh, còn được Chúa dùng. Tôi cũng cảm thấy nhẹ gánh, vợ tôi khoẻ, các con tôi đã yên bề gia thất, biết tự lập từ lâu. Các cháu tôi khoẻ, khôn, lớn, đi học, cả gia đình tôi bình an, phước hạnh. Tôi đã trả xong nợ ngôi nhà. Tôi không mắc nợ ngân hàng. Con gái tôi cho tôi chiếc xe tốt. Tôi đang lái chiếc xe nầy hằng ngày. Tôi đang ăn lương hưu từ chính phủ Mỹ và tiền già để dành. Tôi đang còn khoẻ để tiếp tục làm báo Hướng Đi, làm người đào tạo môn đồ và giáo sĩ cho Chúa. Tôi đang còn đi đây đi đó để giảng Tin Lành và còn được đọc sách, viết bài giảng mỗi tuần. Tại đây, trên diễn đàn nầy, tôi rất phấn khởi vì có thêm người nghe tôi, hiểu tôi, đọc bài của tôi, cầu nguyện cho tôi và đang hiệp tác truyền giáo với tôi. Không có gì vui hơn khi tôi có thêm nhiều người đồng tâm tình, đồng hành, đồng công, đồng chí hướng. Tôi cảm ơn Chúa đã cũng chuẩn bị người hiệp tác, kế thừa. Tôi quý mến và muốn giữ lại những di sản tinh thần: những bài học, những người bạn, những người học trò, những người con, những người cộng tác…Nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy mình còn mắc nợ, những món nợ khó trả xong.

Trên thế giới nầy tôi nghĩ không ai lại thích mắc nợ. Nợ chưa trả là một gánh nặng. Ai cũng mệt khi còn mang nợ. Ai cũng vui khi trả được hết nợ. Nhưng có lẽ trên đời không ai là không mắc nợ. Không mắc nợ vật chất, cũng mắc nợ tinh thần.

Người tin Chúa đang có một số món nợ thuộc linh mà tôi thiết nghĩ sẽ không bao giờ trả hết. Phao-lô là người ý thức rõ ràng về việc nầy. Trong bức thư gởi cho người La-mã, ông nói: “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt. 15 Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma” (Rô-ma 1:14-15). Tôi muốn áp dụng câu nầy. “Tôi mắc nợ cả người Kinh lẫn người Thượng trong các dân tộc Việt Nam. Tôi muốn giảng Tin Lành cho mọi người Việt đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Tôi ước ao mỗi người Việt có được một lần nghe giới thiệu đầy đủ về Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-su.”

Món nợ thứ nhất là món nợ rao giảng Tin Lành cho người Việt đang chết mất. Vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Chúa. Theo như đã định cho loài người thì ai nấy phải chết một lần rồi chịu phán xét. Ai cũng phải chết một lần. Người không tin Chúa chết một lần và người tin Chúa cũng chết một lần. Nhưng sau khi chết có số phận khác nhau. Kinh Thánh khẳng định: “Hiện nay chẳng còn có sự định tội nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-su.” Ai có Chúa Con thì có sự sống, ai không có Con Đức Chúa Trời thì chẳng có sự sống. Tin Lành là bạn có thể vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. Tin Chúa thì sống, khước từ Chúa là chết. Hãy trở lại tin Chúa trước khi quá muộn. “Người Việt Hãy Trở Lại Thờ Trời.” Mọi người cần được nghe Tin Lành nầy.

Làm sao để trả món nợ thứ nhất nầy? Câu trả lời là ai tin Chúa cũng rõ cả. Nhưng ít người làm theo. Hãy góp phần tích cực trong việc rao giảng Tin Lành. Đừng quên đây là món nợ chúng ta cần phải trả. Chúng ta có thể bắt đầu bằng nhiều cách. Chúng ta hãy dự phần hiệp tác với những nỗ lực giảng Tin Lành của người Việt cho người Việt hôm nay. Hãy mở miệng làm chứng về Chúa mỗi khi có cơ hội. Hãy cầu nguyện cho việc truyền giáo. Hãy ủng hộ việc đào tạo và sai phái các giáo sĩ. Hãy tài trợ cho các nỗ lực giảng Tin Lành qua các phương tiện hiện đại như làn sóng phát thanh, TV truyền hình, internet, sách báo, phim ảnh… Hãy tiếp tay phân phát sách báo, đặc san, truyền đạo đơn, tin tức giảng Tin Lành … Hãy nói với lòng là tôi đang mắc nợ và tôi muốn trả nợ.

Sách Rô-ma 8:12-14 cho thấy chúng ta còn có món nợ thứ hai. Món nợ thứ hai là chúng ta đang mắc nợ với Chúa Thánh Linh. “Vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng mắc nợ xác thịt đâu, đặng sống theo xác thịt. 13 Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; song nếu nhờ Thánh Linh, làm cho chết các việc của thân thể, thì anh em sẽ sống. 14 Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời.”

Sứ đồ Phao-lô nói rõ rằng người tin Chúa là con cái Chúa không có mắc nợ gì nữa với xác thịt nhưng đang mắc nợ với Chúa Thánh Linh. Chúng ta đáng phải lắng nghe Thánh Linh và làm ngơ với xác thịt. Trái lại chúng ta thường lắng nghe xác thịt và làm ngơ với Chúa Thánh Linh. Chúng ta đang mắc nợ vâng theo sự dẫn dắt mỗi ngày của Chúa Thánh Linh. Giả sử nếu Chúa Thánh Linh không cáo trách chúng ta về tội lỗi? Giả sử nếu Chúa Thánh Linh không mở mắt chúng ta trước chân lý của Lời Chúa? Giả sử nếu Đức Thánh Linh không truyền đạt đức tin cứu rỗi vào trong lòng chúng ta? Giả sử nếu Chúa Thánh Linh không sai người đến nói với chúng ta về Chúa Giê-su cứu rỗi? Và có bao nhiêu giả sử khác… nếu Chúa Thánh Linh không đi bước đầu thuyết phục chúng ta…thì chúng ta vẫn còn đang chết mất. Chúng ta vẫn còn đang mù tối, chúng ta vẫn còn đang lang thang vô vọng.

Làm sao để trả món nợ thứ hai nầy? Tôi cần học biết về Thánh Linh nhiều hơn. Tôi phải giữ thân thể mình là đền thờ Thánh Linh đang ngự một cách tinh sạch. Tôi phải vâng lời Đức Thánh Linh. Tôi không làm buồn Đức Thánh Linh. Tôi phải nghiên cứu học hỏi Thánh Kinh là sách mà Thánh Linh là tác giả. Ngài muốn nói với tôi hôm nay phần lớn qua Thánh Kinh. Tôi sẵn sàng để Chúa Thánh Linh sử dụng đời sống tôi làm theo ý Chúa, làm việc có lợi cho công tác mở mang vương quốc Chúa.

Thứ ba, tôi còn mắc nợ với những anh em yếu đuối hơn. Toàn chương 14 của sách Rô-ma đã được sứ đồ Phao-lô dùng đề cập đến món nợ nầy. Trong Hội Thánh xưa nay chúng ta thấy các tín hữu đối xử khen chê, trách móc, xây dựng, góp ý, phê phán lẫn nhau. Người làm việc nầy bị người khác lên án. Người truyền giảng được người khác ủng hộ, cũng có người chê bai. Phương pháp nầy là hay phương pháp kia là không tốt. Người thì mạnh người thì yếu. Người nói được, người nói không. Người vui hưởng tự do, người còn bị ràng buộc nô lệ cho luật lệ, truyền thống, giáo phái. Làm sao trả món nợ nầy?

Tôi nghĩ người tin Chúa phải biết mình có món nợ yêu thương với anh em yếu đuối hơn và không bao giờ làm hòn đá vấp chân trên linh trình của họ. Phải nhịn nhục, phải khiêm nhường. Chúng ta đang cùng đi tới và hướng đi của chúng ta là đi lên. Tôi nghĩ trong một đạo quân, các binh sĩ yêu thương nhau khi ra trận, nhưng khi về trại không đánh giặc nữa thì họ lại hay cãi nhau. Vì thế tôi nghĩ tốt nhất là tất cả chúng ta cùng nên ra trận chống kẻ thù chung là ma quỷ. Phải thường trực ý thức là chúng ta đang ở trong cuộc chiến thuộc linh. Không quên cảnh giác. Ma quỷ hay lợi dụng sự yếu đuối của chúng ta. Đoàn kết thì mạnh, chia rẽ thì yếu. Hãy lấy sự truyền giáo làm mẫu số chung liên hết chúng ta. Hội Thánh nào thích chung lo truyền giáo thì Hội Thánh đó ít nan đề. Trong Rô-ma 13:8, sứ đồ Phao-lô khuyên, “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ tình thương mà thôi.” Chúng ta có lẽ không bao giờ trả hết nợ yêu thương. Muốn trả nợ yêu thương nầy chúng ta hãy sống vì người khác, hãy coi người khác như tôn trọng hơn mình. Chúng ta hãy noi gương quên mình của Chúa Giê-su vì nhân loại. Hãy càng ngày trở nên giống như Chúa Giê-su hơn.

Thứ tư, chúng ta có món nợ lớn với người Do Thái. Đây là ý tưởng của Phao-lô theo Rô-ma 15:25-27. Phao-lô đã viết: “Ấy cũng là điều đã nhiều lần ngăn trở tôi đi đến thăm anh em. 23 Nhưng bây giờ chẳng còn có chi cầm buộc tôi lại trong các miền nầy nữa; vả lại, đã mấy năm nay, tôi rất ước ao đến cùng anh em; 24 vậy nếu tôi có thể đi xứ Tây Ban Nha được, thì mong rằng sẽ tiện đàng ghé thăm anh em; sau khi được chút thỏa lòng ở với anh em rồi, thì nhờ anh em sai đưa tôi qua xứ ấy. 25 Nay tôi qua thành Giê-ru-sa-lem đặng giúp việc các thánh đồ. 26 Vì người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai vui lòng quyên tiền để giúp những thánh đồ ở thành Giê-ru-sa-lem đang nghèo túng. 27 Họ vui lòng làm sự đó, và cũng mắc nợ các người đó nữa; vì nếu người ngoại đã có phần về của cải thiêng liêng người Giu-đa, thì cũng phải lấy của cải thuộc về phần đời mà giúp cho người Giu-đa. 28 Vậy khi tôi làm xong việc ấy, và giao quả phước nầy cho họ rồi, tôi sẽ ghé nơi anh em đặng đi đến xứ Tây Ban Nha. 29 Tôi biết khi tôi sang với anh em, thì sẽ đem ơn phước dồi dào của Đấng Christ cùng đến.”

Tôi đồng ý với sứ đồ Phao-lô về ý niệm nầy. Chúa Giê-su có lần đã nói: “Vì sự cứu rỗi bởi người Do Thái mà đến.” Chúa Giê-su ám chỉ đến địa vị cao quý của người Do Thái trước mặt Chúa. Đó là giá trị lịch sử khi Chúa chọn Áp-ra-ham để qua dòng dõi ông Đấng Cứu Thế vào đời. Người Do Thái đã để lại cho nhân loại một lịch sử cứu rỗi, một quyển Thánh Kinh, một Chúa Cứu Thế Giê-su và một Hội Thánh được thành lập bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, thủ đô của người Do Thái. Phao-lô đã vận động các phẩm vật cứu trợ cho người Do Thái. Ông nghĩ đến món nợ thuộc linh ông đang mang và ông cố gắng trả nợ. Món nợ thuộc linh không trả nổi thì chúng ta cố gắng trả nợ bằng vật chất.

Chúng ta người Việt đang tin Chúa hôm nay có món nợ đối với các giáo sĩ Tin Lành ở Bắc Mỹ và trên hết là các giáo sĩ người Do Thái như Phao-lô. Dù không có tiền cứu trợ giúp người Do Thái, ngày nay chúng ta cũng có thể ủng hộ cho người Do Thái bằng cách cầu nguyện cho tình hình nước Do Thái, mua các sản phẩm của người Do Thái và tiếp tục học cái khôn của người Do Thái. Chúa Giê-su là một người Do Thái. Ngài ăn thức ăn Do Thái, giữ các lễ Do Thái, nói tiếng Do Thái, Ngài yêu dân Do Thái. Chúa dạy hãy cầu nguyện và chúc lành cho Giê-ru-sa-lem. Hãy yêu thương và biết ơn người Do Thái. Nhờ tin Chúa Giê-su, nay tôi là người bà con với người Do Thái.

Tôi có một lời làm chứng xin kể cùng bạn. Tôi vui vì bạn tôi, một Mục Sư Việt Nam ở Denver, Calorado đã cho một nhóm người Do Thái ở thành phố đó mượn nhà thờ để họ đến sinh hoạt cuối tuần. Họ đem thức ăn đến ăn và ngủ lại cơ sở nhà thờ. Có cả người nam lẫn người nữ. Người Do Thái tin Chúa Giê-su vẫn có truyền thống giữ luật ngày Sa-bát. Họ nghỉ lễ hoàn toàn từ cuối ngày thứ Sáu đến cuối ngày thứ Bảy hằng tuần. Bạn biết không, tại nhà thờ nầy tôi đã gặp một cặp vợ chồng người Do Thái. Họ giống y chang người Mỹ. Họ nói tiếng Mỹ. Tôi chào hỏi họ và ông ấy nói: “Tôi cảm ơn Hội Thánh người Việt Nam đã cho chúng tôi muợn nhà thờ. Tôi yêu người Việt Nam.” Tôi cảm thấy quý mến và thích gần người Do Thái. Tôi ước ao người Việt hãy lấy vợ lấy chồng người Do Thái. Nhưng nên để ý đến người Do Thái tin Chúa Giê-su. Nhiều người Do Thái cần trở lại tin Chúa, công nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại.

Tôi nhớ đến một lời khuyên và một lời hứa của Chúa:

Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem;
Phàm kẻ nào yêu mến ngươi sẽ được thới thạnh.”

Tôi tin lời hứa của Chúa. Chúa sẽ giữ lời. Bạn muốn Chúa ban phước không?

Tôi bỗng nhớ đến lời của một ông thầy của tôi, Mục Sư Warren W. Wiersbe: “Chúng ta sống nhờ lời hứa của Chúa chứ không phải nhờ những lời giải thích.”

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

[email protected]

(B ạn n ào th ư ơng t ôi, xin ch ỉ d ẫn t ôi s ửa l ại đ ư ợc t ình tr ạng m áy computer m ới c ủa hay nh ảy ch ữ nh ư th ế n ầy khi ến t ôi t ốn nhi ều th ì gi ờ s ửa l ại t ừng ch ữ khi vi ết b ài. T ôi đ ã th ứ t ắt m áy h ết v à m ở m áy l ại nh ưng v ẫn kh ông gi ải quy ết đ ư ợc. Hy v ọng b ạn quan t âm gi úp t ôi ngay.)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn