Thứ Hai , 25 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / DỰ PHẦN MỞ MANG CÔNG VIỆC CHÚA

DỰ PHẦN MỞ MANG CÔNG VIỆC CHÚA

 

 

Dự Phần Mở Mang

Công Việc Chúa

photo (9)

 

Sau khi được Chúa chữa lành bệnh ung thư, tôi thấy nhiều việc mới lạ do Chúa mở rộng đã xảy ra trong đời sống của tôi.

 

Gia Đình Đức Tin Việt Nam

 

Năm 2000, một gia đình tín hữu trong Hội Thánh do tôi quản nhiệm ở Dallas, đã mua vé máy bay nhờ tôi về Việt Nam để giảng Tin Lành cho thân nhân của anh chị tin Chúa. Tôi suy nghĩ, về Việt Nam thì được, nhưng làm chứng để cho thân nhân tin Chúa là một việc khác, không biết có kết quả như mong muốn hay không. Nhưng tôi cứ đi, lấy đức tin mà đi. Khi đến nhà thân nhân của anh chị, tôi thấy gia đình và bà con đã tập họp sẵn sàng lắng nghe Tin Lành. Hình ảnh nầy cũng giống như gia đình Cọt-nây và bà con bạn bè đã tụ họp lại trong nhà để nghe sứ đồ Phi-e-rơ rao giảng Tin Lành. Tôi nói về Chúa, tôi kể lại việc Chúa đã thương xót chữa bệnh ung thư cho tôi và xác quyết Chúa vẫn còn đáp lời mọi người kêu xin Ngài. Vì ai kêu cầu Danh Chúa thì được cứu rỗi. Tôi kêu gọi và hôm đó có 10 người quỳ gối cầu nguyện tiếp nhận Chúa.

Lòng tôi vui mừng vô hạn. Thừa thắng xông lên, hôm sau tôi cùng vợ chồng anh tín đồ thuê xe xuống tỉnh Bến Tre để làm chứng cho các thân nhân khác. Chuyến đi bình an, vui vẻ và kết quả. Tổng cộng cả chuyến đi thăm viếng và làm chứng tôi đã hướng dẫn cầu nguyện cho 30 người trong dòng họ anh chị tín đồ tin nhận Chúa. Những người tin Chúa nầy vẫn còn đứng vững. Tôi khám phá ra một điều là gương sáng và lời nói của những Việt Kiều có giá trị làm chứng cho những thân nhân của họ tại quê nhà.

Được sự thúc giục từ Chúa, tôi đã thành lập mục vụ chuyên thăm viếng và truyền giáo cho thân nhân của Việt Kiều đang sống tại Việt Nam.

 

Đặc San Hướng Đi

 

Tiếp theo là việc Chúa hướng dẫn và ban phước cho tôi xây dựng và phát hành được tờ báo Hướng Đi.

BẠN CHỌN HƯỚNG ĐI NÀO?

 

Hướng đi cho cuộc đời

Vui thoả hay lo âu?

Có bao giờ bạn hỏi:

Ta đi đâu? Về đâu?

 

Hướng đi cho cuộc đời

Đau khổ hay tự hào?

Thoả lòng hay bất mãn?

Bạn chọn hướng đi nào?

 

Hướng đi cho cuộc đời

Tăm tối hay vinh quang?

Bạn có quyền lựa chọn

Hoả ngục hay thiên đàng

 

Hướng đi cho cuộc đời

Đi xuống hay đi lên?

Hết lòng tôi tin Chúa

Đi lên và đi lên

 

Hướng đi tôi chọn rồi

Hạnh phúc và bình an

Bạn chần chờ chi nữa

Hãy cùng đi với tôi.

huongdi1

Ở Mỹ có đời sống thật tự do nhưng việc truyền đạo không dễ dàng. Không dễ dàng không phải là vì chính quyền cấm cản hay gây khó khăn nhưng là vì mọi người quá bận rộn làm ăn. Do đời sống cao, ai nấy đều lo đi làm để đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong gia đình, chồng đi làm, vợ cũng đi làm. Có người làm hai jobs. Có người làm luôn ngày thứ Bảy lẫn Chúa Nhật. Nhiều người thích làm overtime để lãnh tiền lương gấp rưỡi. Nhà lầu, xe hơi, các đồ tiêu dùng đủ loại, càng ngày càng hấp dẫn nhiều người mua sắm, nên họ phải đi làm để trả nợ, không còn thì giờ rảnh rỗi, không còn thì giờ lo cho đời sống tinh thần. Đời sống kinh tế đầy đủ dễ dàng quá làm cho người ta cảm thấy không cần gì nữa cả. Nhiều người quên rằng ở đâu trên thế giới nầy, ai sống động và hiện hữu cũng là nhờ Chúa.  Ai cũng cần đến Chúa để sinh tồn, vì Ngài là Đấng duy nhất thoả mãn tất cả những nhu cầu thể xác lẫn tâm linh.

Khi mới đến Mỹ, người Việt, dù thuộc tôn giáo nào hay không tôn giáo, cũng được các nhà thờ Tin Lành hay Công Giáo bảo trợ.  Nhờ đó một số đông người, vì lòng biết ơn cũng đã sốt sắng đi nhà thờ.  Cũng học đạo.  Cũng chịu báp-têm. Nhiều người di tản qua các Trại Tị Nạn, được nghe giảng Tin Lành, cũng đã tiếp nhận Chúa, học giáo lý, chịu báp-têm. Nhưng chỉ những người thật lòng tin thì còn đứng vững, còn những người không thật lòng tin thì bỏ Chúa và bỏ luôn nhà thờ. Khi người Việt đến Mỹ càng đông, các chùa chiền Phật giáo theo đó mọc lên, mang theo truyền thống tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam và một số người chưa hiểu lý do tin Chúa đã trở về đời sống cũ. Rồi những băng CD tân nhạc, những DVD đại nhạc hội, những bộ phim bộ Hồng Kông lồng tiếng Việt, được phổ biến rộng và thu hút hết những giờ rảnh rỗi của các gia đình. Nhiều người không còn thì giờ để nghĩ đến nhu cầu tâm linh. Làm sao để tìm được phương pháp truyền giáo thích hợp cho đồng hương? Làm sao đem Tin Lành đến tận nhà các đồng hương đang sống ở nước ngoài?

Ở Hoa Kỳ, tôi thấy nhiều người Mỹ thích đọc sách, báo.  Hệ thống thư viện hoạt động mạnh và phong phú.  Cha mẹ thường đưa trẻ em đến thư viện để mượn sách về nhà đọc. Vào thư viện thì sách đủ loại và điều kiện mượn sách thật dễ dàng. Ở đây, cho dù các Đài Truyền Hình phát triển mạnh nhưng các nhật báo và tuần báo vẫn sống.  Người Việt thường đi chợ vào cuối tuần, và ai nấy cũng lấy một tờ báo về nhà để đọc tin tức. Người Việt cần sách báo tiếng Việt để đọc nhưng thường không chịu bỏ tiền ra mua.  Các tờ báo tiếp tục phát hành được là nhờ quảng cáo. Phần lớn các báo đều phát không ngoài chợ. Ngành báo chí tiếng Việt dần dần phát triển khi phương tiện computer và design trở nên dễ dàng.  Việc in ấn không cần xin phép. Nhiều tờ báo thi nhau phát hành, không lạ gì khi thấy nhiều tờ báo chỉ đăng toàn quảng cáo, còn bài vở rất ít. Đài phát thanh cũng xuất hiện, chương trình chủ yếu nhờ tiếp vận các đài phát thanh thế giới, như Đài VOA (Hoa Kỳ) và Đài BBC (Anh Quốc) và gần đây, có thêm chương trình truyền hình dây cáp, bằng Việt ngữ 24/24 giờ ngày. Báo chí và các chương trình truyền thanh, truyền hình đã trở thành món ăn tinh thần cho người Việt tha hương.

Đầu năm 2002, tôi nghĩ đến việc phát hành báo để tặng không cho đồng bào. Rút kinh nghiệm qua những lần viết bài đăng trên các tuần báo địa phương và đặc san của Hội Thánh, tôi nghĩ đến một tờ báo chuyên lo công tác truyền giáo. Tôi bắt đầu hỏi ý kiến vài người bạn để biết nên đặt tên cho tờ báo là gì, hình thức nào, phát hành bao lâu một lần. Cuối cùng tôi đã chọn và đặt tên cho tờ báo là Đặc San Hướng Đi, phát hành mỗi năm bốn lần, vào bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, theo hình thức giống như báo Newsweek của Mỹ hay tờ Ca Dao của người Việt tại Dallas. Nội dung đặc san gồm các phần về Văn Hoá, Đức Tin và Đời Sống, mỗi kỳ có một chủ đề mới. Tôi mở ra mục Mục Sư Ơi! để trả lời những câu hỏi do các thân hữu thường đặt ra, và cũng có thêm mục Tìm Bạn Trong Chúa để dành cho những tín hữu muốn tìm bạn lập gia đình trong Chúa. Ngoài ra có một phần nhỏ The Way bằng tiếng Anh để dành phục vụ truyền giáo và bồi linh cho các thanh thiếu niên không đọc được tiếng Việt.

Con trai đầu của tôi tốt nghiệp ngành Computer Science và biết design sách báo, web sites nên đã giúp tôi trong phần kỹ thuật.  Con dâu của tôi phụ giúp làm Thư Ký Toà Soạn. Và nhờ một số anh chị em trong Hội Thánh tình nguyện giúp đỡ, Đặc San Hướng Đi tiếp tục phát hành.

Người Việt hay nói “Vạn Sự Khởi Đầu Nan”. Việc làm báo của tôi lúc đầu thật gian nan. Không phải ai cũng đồng ý và ủng hộ công việc nầy của tôi. Nhưng tôi biết đây là việc đúng nên làm và Chúa đã ban phước cho tôi. Càng ngày càng có thêm người ủng hộ tờ báo. Tôi rất được khích lệ khi có người hỏi, “Báo Hướng Đi mới đã có chưa?” Đặc San Hướng Đi đã đứng vững được những bước đầu. Lúc đầu tôi in 5.000 quyển, sau đó lên 10.000 và ngày nay tăng lên được 18,000, có lúc lên đến 20.000. Tôi mong ước và hy vọng số phát hành báo mỗi năm sẽ càng tăng lên thêm nữa.

Đặc San Hướng Đi đứng vững được là nhờ các Hội Thánh đặt mua mỗi quyển một Mỹ kim.  Được các Hội Thánh và tín hữu làm business bảo trợ, bằng cách đăng quảng cáo thường xuyên. Đặc San Hướng Đi ngày nay được phổ biến rộng rãi khắp các Tiểu Bang ở Hoa Kỳ, lan ra tới Canada, Australia, Mã Lai và một số nước Âu Châu. Gần đây báo Hướng Đi cũng có mặt tại Đại Hàn. Do cước phí cao nên báo gởi đi nước ngoài chưa được nhiều. Tôi sẵn sàng gởi tặng báo cho tín hữu và thân hữu nước ngoài nếu có ân nhân giúp trả bưu phí.

Sau hơn năm năm phát hành, Đặc San Hướng Đi nay đã trở thành tờ báo quen thuộc với các Hội Thánh Tin Lành thuộc các hệ phái khác nhau và đang được các Mục Sư và tín hữu sử dụng làm phương tiện truyền bá Tin Lành. Các Hội Thánh có thể dùng tờ báo để khích lệ các tín hữu lớn lên trong đời sống thuộc linh. Tờ báo đã dự phần thay thế nhiều chứng nhân ra đi, âm thầm đến với từng nhà, từng gia đình đồng bào Việt Nam. Tờ báo cũng tạo cơ hội cho nhiều người Việt tha hương muốn dự phần làm việc lành, cho những đồng bào đang gặp cảnh ngộ khó khăn tại quê nhà. Tiếng Gọi Tình Thương đã trở thành nhịp cầu để bạn đọc giúp đỡ nhiều người khác, nhất là những người góa bụa, già cả neo đơn, những người mắc bệnh ngặt nghèo, đúng theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam.

 

Hội Từ Thiện Hướng Đi 

Từ Đặc san Hướng Đi, Chúa đã mở đường cho tôi và một số tín hữu trong Hội Thánh đã hiệp tác với nhau để xin thành lập một Hội Từ Thiện lấy tên HUONG DI – THE WAY OF VIETNAMESE FAMILY OF FAITH, INC. và đã được chính quyền Tiểu bang Texas chấp thuận vào ngày 17 tháng Hai, 2006, sau đó đã được Cơ Quan Thuế Liên Bang là IRS cấp phép miễn thuế ngày 22 tháng Mười Một năm 2006. Nhờ đó Hội Từ Thiện Hướng Đi có thể làm được một số việc từ thiện có ý nghĩa như xây dựng NGÔI NHÀ TÌNH THƯƠNG, giúp đồng bào nghèo ở Việt Nam trong chương trình HƯỚNG VỀ TÂY NGUYÊN, chương trình GÓI QUÀ CHO NGƯỜI NGHÈO, chương trình KÍNH LÃO ĐẮC THỌ… và những việc lành khác nhằm xoa dịu bớt nỗi khổ đau của một số những đồng hương.

 

Sách Nhỏ Truyền Đạo

Ngoài ra, Chúa cũng dùng tôi viết được một số quyển sách nhỏ nhằm mục đích truyền bá Tin Lành cho đồng bào. Những quyển sách nầy đang được sử dụng rộng rãi trong các Hội Thánh. Tôi đã viết được những quyển sách truyền đạo có đề tài quen thuộc như sau: Tin Lành Cho Người Việt; Người Việt Với Khái Niệm Ông Trời; Đấng Tối Thượng Là Ai?; Con Đường Duy Nhất; Khôn Cũng Chết, Dại Cũng Chết, Biết Thì Sống; Tin Dữ Tin Lành; Người Việt Tha Hương. Tôi cũng mới hoàn thành quyển Con Đường Cứu Rỗi và tôi mong sẽ sớm phát hành. Tôi hy vọng mỗi năm sẽ viết được một quyển sách mới để góp phần chia sẻ đức tin, hy vọng và tình yêu cho đồng bào.

 

Chương Trình Kính Lão Đắc Thọ

Một trong những chương trình xã hội do Hướng Đi khởi xướng mà tôi tâm đắc—đó là Chương Trình Kính Lão Đắc Thọ, đặc biệt phục vụ cho người cao niên. Chương trình nầy thường được tổ chức định kỳ, mỗi khi Đặc San Hướng Đi phát hành số báo mới, (hiện nay thì thưa dần), nhằm vận động cho việc quan tâm hơn nữa đến đời sống những người già cả. Mục đích và sinh hoạt của chương trình nầy phù hợp với truyền thống kính già yêu trẻ của văn hóa Việt và lời dạy của Kinh Thánh, về truyền thống hiếu kính cha mẹ. Kinh Thánh dạy: “Trước mặt người già ngươi hãy đứng lên”. Chương trình cũng giúp chia sẻ thông tin cho người già, về những quyền lợi an sinh xã hội, những phương cách để giữ gìn sức khoẻ, sống lâu, an hưởng tuổi vàng. Chương trình nầy đang lan ra các thành phố lân cận, vì có ý nghĩa, và vì ở đâu cũng có người già. Tôi ước ao chương trình nầy cũng sẽ lan đến Việt Nam.

Ích lợi của chương trình Kính Lão Đắc Thọ là cơ hội để những người lớn tuổi gặp nhau, chia sẻ vui buồn với nhau. Đây cũng là cơ hội để người trẻ học được những kinh nghiệm bản thân quý báu của những người lớn tuổi. Tôi nhớ ông Đỗ, là Hội trưởng Hội Cao Niên Dallas, đã 80 tuổi, nhưng trông có vẻ như một người mới ở tuổi 70, đã chia sẻ kinh nghiệm tập thể dục mà ông gọi là Thể Dục Trường Thọ. Ông đã chia sẻ kinh nghiệm tập thể dục chữa được bệnh đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, rất dễ tập, và có hiệu quả rất hay. Đây là chứng bệnh nhiều người già đang mắc phải.  Nếu chịu khó tập luyện thường xuyên thì bệnh nầy có thể được chữa lành. Tôi đã học được phương cách tập luyện nầy và thấy có kết quả tốt.

Tôi muốn xây dựng chương trình Kính Lão Đắc Thọ theo gương của hai cụ Si-mê-ôn và An-ne trong Kinh Thánh. Khi Chúa Giê-su được cha mẹ đem dâng trên đền thờ theo truyền thống, cả hai ông bà cụ đã xuất hiện trong buổi lễ đó. Họ vui mừng gặp Chúa Cứu Thế và đã nói tiên tri. Cụ Si-mê-ôn đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa qua đời bình an, theo như lời Ngài, vì chính mắt tôi đã thấy sự cứu rỗi của Ngài, mà Ngài đã sắm sửa để làm ánh sáng trước mặt muôn dân” (Lu-ca 2:29-30). Ông cụ Si-mê-ôn đã cầu xin Chúa cho qua đời bình an, vì ông cụ đã gặp được Chúa Cứu Thế và hưởng được sự sống đời đời. Tôi tin rằng tất cả mọi người già Việt Nam đều không thể qua đời bình an, nếu họ chưa gặp được Chúa Cứu Thế, và nhận được ơn cứu rỗi từ Ngài. Tôi hy vọng chương trình nầy sẽ sớm lan về tới đất nước Việt Nam.

Để dễ nhớ chương trình Kính Lão Đắc Thọ, tôi đưa ra mấy lời thoại sau đây: Ông cụ SI-MÊ hỏi, Bà cụ AN-NÈ! Tôi đã cầu nguyện Chúa cho qua đời bình an vì mắt tôi đã thấy Chúa, còn bà cụ thì sao? Bà cụ AN trả lời: Ông SI-MÊ ơi, mắt tôi cũng đã thấy Ngài, tôi chắc chắn sẽ được qua đời bình an.

 

Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam

Vào dịp July 4th hằng năm, khi các tín hữu được nghỉ lễ Độc Lập, được kéo dài thêm một ngày vào ngày thứ Hai trong tuần, các Hội Thánh thuộc Liên Hữu Báp-tít Việt Nam tại Hoa Kỳ đã quyết định chọn dịp nầy để tổ chức Đại Hội Thường Niên. Liên Hữu Báp-tít Việt Nam tại Hoa Kỳ hiện có khoảng 130 Hội Thánh và Mission với khoảng gần 10,000 hội viên. Năm 2000, Đại Hội Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam tổ chức tại Dallas, tôi được mời làm diễn giả. Nhiều người cảm động về câu chuyện mở đầu bài giảng do tôi kể lại và lời kêu gọi của tôi. Tôi đã thiết tha kêu gọi Hội Thánh hãy quan tâm đến đồng bào Việt Nam đang ở ngoài Chúa và đang sống nghèo thiếu cả phần tâm linh lẫn phần thể xác.

Câu chuyện tôi kể là câu truyện rất ngắn với tựa đề “Anh Hai” của tác giả Thanh Thảo, được tuyển đăng trong tập bốn mươi truyện ngắn do Hội Nhà Văn Việt Nam xuất bản ở Việt Nam. Đây là một bức tranh mà nhìn thấy, ai cũng phải xúc động đến rơi lệ.

“Trên một chiếc xe hơi bóng loáng, một người mẹ dỗ dành cho đứa con ăn thêm cái bánh nữa, nhưng đứa bé lắc đầu vì ngán quá. Người mẹ lại nài nỉ con ăn thêm, nhưng đứa bé cương quyết không ăn, nó lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay, chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường sát miệng cống. Chiếc xe rồ máy chạy đi, hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó chạy đến nhặt, mắt hai đứa sáng rực lên dán chặt vào chiếc bánh thơm.

Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng, bảo anh trai:

– Anh Hai, thổi sạch rồi mình ăn.

Thằng anh phùng má thổi bụi đã dính chặt chẳng chịu đi cho, đứa con gái sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó đã làm cái bánh rơi tõm xuống dưới cống hôi hám.

– Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh, con bé nói rồi khóc thút thít.

Thằng anh dỗ dành:

-Ừ tại anh, nhưng kem còn dính đây nầy, cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi.””  (Trích Năm Phút Mỗi Ngày, Đi Tìm Chúa, R. Veritas,  Việt Nam).

– Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh, con bé nói rồi khóc thút thít. Thằng anh dỗ dành: – Ừ tại anh, nhưng kem còn dính đây nầy, cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi

Tôi cũng kể lại câu chuyện về một tù nhân người Bắc Hàn, tên là Hoan, đã trở lại cùng Chúa qua tình thương của một phụ nữ Đại Hàn. Quyền năng Chúa thể hiện trong những lần tiếp xúc và cầu nguyện đã khiến anh được chữa lành và trở lại cùng Chúa. Câu chuyện thật cảm động, đầy nước mắt. Tôi khóc khi kể chuyện nầy. Tôi tin rằng ai cũng xúc động khi đọc hay nghe kể lại câu chuyện của anh Hoan. Người Á Đông dễ cảm xúc trước những kinh nghiệm đau thương, vì ai nấy đều thấy mình đồng cảm, và đồng cảnh ngộ. Câu chuyện nầy được bà Ang Son Yoo kể lại trong quyển Người Đàn Bà Hạnh Phúc, đã được Hướng Đi phát hành. Câu chuyện nầy đáng được phổ biến để mọi người cùng biết và cùng góp tiếng ngợi khen quyền năng biến đổi nhiệm mầu của Chúa chúng ta.

Qua năm 2001, tại Đại Hội Thường Niên tổ chức ở Colorado, tôi được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Ban Chấp Hành Liên Hữu Báp-tít Việt Nam và năm 2004 được bầu lần thứ hai. Trong mấy năm qua, tôi chứng kiến sự ổn định và phát triển của các Hội Thánh trong Liên Hữu. Mỗi đại hội có chủ đề riêng, từ chủ đề Xây Dựng Hội Thánh Tương Lai, đến chủ đề Xây Dựng Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích.  Và năm 2006, đại hội khai triển chủ đề Xây Dựng Hội Thánh Truyền Giáo.

Sau những năm hiệp tác, yên ổn, Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam dần dần ổn định và tiến lên, không phải chỉ là thông công, nhưng là cùng hiệp tác hoạt động. Các Đại Hội hằng năm có thêm sứ giả tham dự.  Tổ chức đi vào nề nếp.  Ngân sách có tăng thêm.  Mỗi năm có thêm những Hội Thánh mới gia nhập.  Có nhiều Mục Sư mới tham gia.  Các nơi thiếu vắng lãnh đạo đã lần lượt mời được Mục Sư. Viện Thần Học Báp-tít (hiện do Mục Sư Trần Đào làm Viện Trưởng) cũng mạnh tiến với nhiều môn học được đưa ra dạy, với các Trung Tâm Thần Học mới được thiết lập, với mục tiêu đào tạo thêm con gặt cho Chúa và nhất là chuẩn bị cho việc đào tạo người lãnh đạo cho Hội Thánh nhà tại Việt Nam.

Sự ổn định và hiệp tác giữa các Hội Thánh là điều kiện cần thiết cho sự phát triển lâu dài trong công việc Chúa giữa cộng đồng Việt Nam. Nhưng Liên Hữu Báp-tít Việt Nam Hoa Kỳ, theo điều lệ, nếu chỉ dừng lại ở mức thông công thường niên giữa các Hội Thánh (Fellowship) như hiện hành, sẽ rất khó để tiến xa thêm nếu không có người lãnh đạo phục vụ trọn thời gian, có trụ sở riêng và nhân viên chuyên môn riêng.

Sau hơn 13 năm sống ở Hoa Kỳ, tôi khám phá một điều sung sướng, là dưới sự lãnh đạo của Chúa Thánh Linh, tôi đang chứng kiến những dấu hiệu về sự mở cửa của Đức Chúa Trời, hết cửa nầy đến cửa khác! Ngài đang muốn dùng người Việt tha hương tham gia vào công tác phổ biến Tin Lành và xây dựng Hội Thánh ở quê hương Việt Nam.

 

Cơ Quan Truyền Giáo Việt Nam

Trong chuyến đi truyền giáo ngắn hạn tại Mã Lai vào hè 2005, tôi được nghe một số anh chị em đã tin Chúa làm chứng về sự biến đổi đang xảy ra trong đời sống của họ. Có người đã đọc xong hết quyển Kinh Thánh, có người dạn dĩ làm chứng đạo cho các bạn cùng sở làm, có người nóng lòng muốn trở về Việt Nam để chia sẻ Tin Lành cho bà con ruột thịt, để thân nhân, gia đình, cũng biết Chúa và kinh nghiệm tình thương của Ngài. Tôi hỏi một anh bạn đang làm nghề sửa xe rằng anh có muốn về Việt Nam mở một garage xe hơi không? Anh trả lời: “Không.  Tôi muốn về mở một Hội Thánh tư gia”. Chắc chắn đây là tín hiệu Chúa đang muốn cứu rỗi thêm nhiều người Việt Nam, nhất là người dân đang sống ở miền Bắc, là nơi 50 năm qua, đạo Chúa bị giới hạn nhiều trong việc chia sẻ đức tin, hy vọng, tình thương.

Với kinh nghiệm hiếm có trong Mission Trip tại Mã Lai, nhân dịp Đại Hội Thường Niên lần 21 tại Seattle, năm 2005, tôi được Chúa thúc giục kêu gọi các Hội Thánh Việt Nam tại Hoa Kỳ hãy nắm lấy thời cơ, hãy đứng lên, hiệp tác với nhau lo truyền giáo và xây dựng Hội Thánh, chẳng những xây dựng và phát triển Hội Thánh ở Hoa Kỳ mà cả ở Việt Nam nữa. Mọi người tham dự đại hội đều hưởng ứng và các sứ giả đại hội đã quyết định thành lập Cơ Quan Truyền Giáo Việt Nam, tiếng Anh gọi là Vietnamese Mission Board. Hiện nay tôi đang là Giám Đốc của Cơ Quan Truyền Giáo Việt Nam nầy. Điều đáng mừng là khi Cơ Quan Truyền Giáo Việt Nam được thành lập, thì Cơ quan Truyền Giáo Quốc Ngoại (Intermational Mission Board) của SBC đã liên lạc để họp bàn hiệp tác nhằm tiến hành công tác truyền giáo và xây dựng Hội Thánh tại Việt Nam. Tinh thần tự lập, tự cường của Hội Thánh người Việt đã ảnh hưởng đến sự quan tâm của những nhà truyền giáo người Mỹ.

 

Bởi Người Việt, Với Người Việt, Cho Người Việt

Là một trong những người lãnh đạo Hội Thánh Báp-tít Việt Nam, tôi luôn luôn nghĩ rằng công tác truyền giáo và xây dựng Hội Thánh vẫn là trách nhiệm hàng đầu của người Việt Nam, với người Việt Nam, cho người Việt Nam. Ý niệm thường xuyên nảy sinh trong đầu óc tôi là người Việt có khả năng và kinh nghiệm để tự lo liệu công tác truyền giáo cho người Việt. Hội Thánh người Việt phải dựa vào sức mình là chính và sẵn sàng hiệp tác với mọi người muốn tham gia cứu người Việt Nam. Tôi thiết nghĩ, với cánh đồng to lớn Việt Nam, một nhóm người, một Hội Thánh hay một giáo phái không thể làm xong nhiệm vụ. Nhiệm vụ nầy các Mục Sư sẽ không bao giờ làm xong, nếu không huy động được toàn bộ lực lượng của tất cả mọi thành phần tín hữu trong tất cả các Hội Thánh Việt Nam, trong nước và ngoài nước. Các Hội Thánh và cơ quan truyền giáo người Mỹ, hay người nước ngoài, có thể hiệp tác làm những partners ủng hộ và cầu nguyện, để chính người Việt tham gia truyền giáo, theo phương cách và kinh nghiệm của người Việt Nam. Người Việt Nam trực tiếp truyền giáo cho người Việt Nam chắc chắn là hiệu quả và đỡ tốn kém hơn nhiều.

Với tinh thần truyền giáo đang lên giữa những người Việt tha hương, tôi ước ao hằng năm sẽ tổ chức Đại Hội Truyền Giáo Việt Nam, vào khoảng đầu năm trước Tết Nguyên Đán, để những tôi con Chúa có tâm huyết truyền giáo cùng họp lại với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp truyền giáo. Qua Đại Hội Truyền Giáo hằng năm nầy, những lời chứng, những tài liệu huấn luyện, những bài giảng bồi linh, những quyển sách mới, những truyền đạo đơn mới, những tài liệu mới sẽ xuất hiện. Những đóng góp nầy sẽ làm phong phú thêm kho tàng văn hóa phẩm của người Tin Lành, đồng thời cổ vũ, khích lệ thêm cho việc truyền giáo của người Tin Lành khắp cả mọi nơi. Truyền giáo là một lối sống của người tin Chúa, nhưng chúng ta cần nhắc nhở và khích lệ nhau thường xuyên, để tiếp tục thi hành công tác mang tầm vóc vĩnh cửu nầy.

 

Tham Dự Hội Nghị Báp-tít Thế Giới         

Tháng Bảy, năm 2005, lần đầu tiên tôi được dịp tham dự Đại Hội Báp-tít Thế Giới tại Birmingham, Anh Quốc. Đây thật là một kinh nghiệm hiếm có trong đời sống tôi. Tôi đã viết bài sau đây đăng trên báo Hướng Đi.

“Khoảng 13,000 người Báp-tít từ 114 quốc gia khắp nơi trên thế giới đã tụ tập đến thành phố Birmingham, Anh Quốc, từ 27-31 tháng 7, 2005, để tham dự Đại Hội 100 năm ngày thành lập tổ chức Baptist World Alliance (BWA), tạm dịch là Hiệp Hội Báp-tít Thế Giới. BWA là liên hữu của 211 hiệp hội và giáo hội Báp-tít quốc gia, tiêu biểu cho hơn 80 triệu người Báp-tít trên thế giới. Số đại biểu đông nhất, ngoài nước Anh, là Hoa Kỳ, với hơn 1,600 người. Kế đó là 600 từ Ấn Độ, 500 từ Nigeria, 460 từ Đại Hàn. Đại biểu của những Hội Thánh đã chịu nhiều đau khổ nhất cũng đến từ Nga, Congo, Rwanda, Liberia, Sierra Leone. Nhờ sự tài trợ của Liên Hữu Báp-tít Việt Nam và Giáo Hội Báp-tít Tiểu Bang Texas, tôi là người Việt duy nhất có cơ hội hân hạnh tham dự Đại Hội lịch sử nầy.

Trước đó tại Luân Đôn, ngày 7 tháng 7, những tên khủng bố đã cho nổ bom trên tàu điện và xe bus gây tử vong cho hơn 50 người và làm bị thương khoảng 700 người. Có mấy người bạn nói với tôi là đến Anh không nên đi xe điện và xe bus. Nhưng khi đến Anh, tôi đã đi xe lửa, xe điện và cả xe bus nữa, giống như mọi người. Có chút ít hồi hộp, nhưng mọi sự bình yên. Xe lửa, xe điện và xe bus là những phương tiện đi lại phổ thông nhất của người Anh.  Mỗi ngày tại thủ đô có khoảng 3 triệu người sử dụng những phương tiện công cộng nầy để đi làm. Giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, các trạm xe đều đầy người đi lại, nhanh nhẹn, vội vã. Dân chúng đi bộ nhiều nên ít có người mập phì. Khí hậu mát mẻ, dù là mùa hè, nên ai nấy mặc đồ đẹp, lịch sự.  Đường sá và nhà chật, nên ngoài đường rất nhiều người đi lại.  Nhiều nhà thấy treo hoa ở cửa sổ.  Bầu trời luôn luôn có mây che. Dân Anh thật bình tỉnh và lịch sự. Phớt tỉnh Ăng-lê mà! Nhưng điều đáng lo đối với người du lịch, kể cả với người Mỹ, là vật giá ở Anh rất đắc đỏ. Một Anh kim ăn 2 Mỹ kim. Giá cả nhà cửa, ăn uống mắc gấp đôi ở Mỹ.

Trước ngày khai mạc đại hội, tôi đáp xe lửa 2 tiếng đồng hồ từ Birmingham đến Luân Đôn để thăm gia đình Giáo sĩ Lê Hồng Phúc. Mục Sư Phúc là Giáo sĩ Báp-tít được cơ quan IMB ở Mỹ cử đến truyền giáo cho người Việt tại Luân Đôn trong mấy năm qua. Gia đình Mục Sư có 2 con trai còn nhỏ và đã gặp không ít khó khăn thử thách bước đầu. Nay thì đời sống đã ổn định và bắt đầu gây ảnh hưởng qua sự phục vụ các đồng hương có nhu cầu. Ông cho biết có khoảng 30,000 người Việt ở Anh, tập trung nhiều nhất ở Luân Đôn.  Đa số là người Việt gốc miền Bắc. Mục Sư Phúc kêu gọi các Mục Sư và tín hữu ở Mỹ có thể đến Anh, vừa tham quan, vừa dự phần truyền giáo cho đồng hương Việt Nam. Bạn có thể tham dự một trong 4 Mission Trips đến Luân Đôn trong một năm. Mục Sư Phúc cũng yêu cầu gởi báo Hướng Đi đến Luân Đôn để tặng các đồng hương.

Đa số là người Việt gốc miền Bắc. Mục Sư Phúc kêu gọi các Mục Sư và tín hữu ở Mỹ có thể đến Anh, vừa tham quan, vừa dự phần truyền giáo cho đồng hương Việt Nam. Bạn có thể tham dự một trong 4 Mission Trips đến Luân Đôn trong một năm. Mục Sư Phúc cũng yêu cầu gởi báo Hướng Đi đến Luân Đôn để tặng các đồng hương.

Trong đêm khai mạc, hàng trăm bảng tên và quốc kỳ các nước có người Báp-tít được diễn hành trong hội trường to lớn của International Convention Center với hơn 13,000 người và 1,000 tình nguyện viên người Anh. Tôi thấy có bảng tên Vatican, Israel nữa mà không hiểu lý do. Rất tiếc, lần nầy vẫn chưa có bảng tên nước Việt Nam. Chủ đề đại hội là “Jesus Christ Living Water” được trình bày và đọc với rất nhiều thứ tiếng khắp năm châu. Tôi thấy có lời chào mừng của Nữ Hoàng Anh, Thủ tướng Anh, Thị Trưởng thành phố Birmingham và cả của Mục Sư Billy Graham. Các nhà lãnh đạo của BWA đều có mặt. Cựu Chủ tịch của BWA là Mục Sư Billy Kim, người Đại Hàn (2000-2005). Tân Chủ tịch BWA là David Coffey, người Anh, nhiệm kỳ 2005-2010. Tổng Thư Ký thường trực là Denton Lotz, người Mỹ, trụ sở của BWA ở 405 North Washington St., Falls Church, VA 22046, Hoa Kỳ. Hiện nay Tổng Thư Ký mới của BWA là Tiến sĩ Alan Stanford, người Mỹ. Ông cũng là người đã cùng tháp tùng phái đoàn BWA đến thăm Việt Nam.

Tổ chức BWA (One Lord – One Faith – One Baptism) có nhiệm vụ liên kết các Giáo Hội Báp-tít trên thế giới, họp Đại Hội 5 năm một lần và các Đại Hội khu vực, mở rộng khải tượng về công việc Chúa khắp thế giới, cung cấp lãnh đạo cho những dịp huấn luyện có tính toàn cầu, ủng hộ tài chánh cho việc huấn luyện các lãnh đạo Báp-tít quốc gia, hổ trợ các giáo sĩ bản xứ truyền giáo. BWA còn làm việc xã hội qua cơ quan Baptist World Aid giúp đỡ các vùng gặp thiên tai, các nước nghèo và đặc biệt là BWA luôn luôn tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền. BWA có các tổ chức Baptist Women, Baptist Men và Baptist Youth of the world. Website của BWA là www.bwanet.org.

Theo con số hội viên của BWA, thì tính đến 1 tháng 5 năm 2005 BWA có 211 hội đoàn và giáo hội Báp-tít quốc gia tham gia, gồm 149,656 Hội Thánh và 34,624,167 hội viên. Năm 2004, Southern Baptist Convention ở Mỹ với số hội viên khoảng 16,000,000 đã rút ra khỏi danh sách hội viên và không còn tài trợ cho BWA nữa, với lý do là sau khi lập ủy ban nghiên cứu trong 5 năm, họ thấy BWA có khuynh hướng tự do và không còn bảo thủ nữa. Đây là điều BWA không đồng ý và được Mục Sư Rick Warren cũng là diễn giả chính của Đại Hội lần nầy gọi là “a silly mistake.” Ông nói, “I thought, This is silly! Why would we separate ourselves from brothers and sisters in the world?” Ông nói tiếp, “When the Southern Baptists pulled out funding, my wife and I wrote a check for 25,000 to BWA..” Ông tuyên bố, “I see absolutely zero reason in separating my fellowship from anybody.”

Tuy nhiên, có 2 giáo hội tiểu bang là Baptist General Convention of Texas (với 5,652 Hội Thánh và 2,372,733 hội viên) và Baptist General Association of Virginia (với 1,419 Hội Thánh và 407,556 hội viên) thuộc SBC nay đã quyết định gia nhập BWA và đã được chính thức nhận làm hội viên của BWA kể từ Đại hội nầy.

Diễn giả chính của Đại Hội là Mục Sư Billy Kim, người Đại Hàn; bà Myra Blyth, người Anh; Solomon Ishola, Tổng thư ký Giáo hội Báp-tít Nigerian; Mục Sư Rick Warren, Quản nhiệm nhà thờ Saddleback ở California; Mục Sư Fausto Vasconcelos, người Brazil và Cựu Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter. Đồng thời cũng có những diễn giả nổi danh khác như Tony Campolo, Steve Chalke, Lauran Bethell chia sẻ với các nhóm nam giới, thanh niên và nữ giới. Đại Hội cũng có những nhóm nhỏ thảo luận các đề tài quan trọng như sự Bách Hại Tôn Giáo, Nạn Buôn Bán Phụ Nữ và Trẻ Em… Ngoài tiếng Anh, các diễn giả các nhóm nghiên cứu Kinh Thánh còn sử dụng tiếng Đại Hàn và Tây Ban Nha.

Được tham dự Đại Hội Báp-tít thế giới lần nầy, tôi có được kinh nghiệm mới và từng trải mới về cái nhìn toàn cầu, sự thông công, quen biết với các dân tộc, các tiếng nói, các màu da. Tôi đã nhìn thấy các sắc phục đầy màu sắc của các nền văn hóa con người khắp nơi trên thế giới tụ họp lại một nơi. Tôi đã gặp gỡ những con dân Chúa chia sẻ cùng một niềm tin, một biểu lộ chung, một lòng biết ơn về những gì Đức Chúa Trời đã làm cho nhân loại chúng ta. Tôi đã chụp hình chung với nhiều người, và cũng làm quen được nhiều người. Tôi ở chung phòng khách sạn với một Mục Sư người Hoa và qua ông tôi cũng quen biết được những lãnh đạo Hội Thánh tại Hongkong, Mã Lai và một Mục Sư ở Quảng Châu, Trung Quốc. Tôi ước ao một ngày gần đây, Giáo Hội Báp-tít sẽ được công nhận và phát triển sâu rộng trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam.

Bài hát “The Messiah” do ban hợp xướng các dân tộc đầy màu sắc, rập ràng, hớn hở, cao vút, kéo dài thêm những giây phút quý báu của đức tin, hy vọng và tình thương trong đêm bế mạc … tuôn dòng nước sống … vẫn còn lưu luyến trong tôi.”

Tôi không ngờ chuyến đi nầy đã mở ra một cánh cửa khác có liên hệ đến Việt Nam.

 

Liên Hệ Với Baptist World Alliance

Đầu năm 2005, tôi được mời dự Hội Nghị các nhà lãnh đạo Báp-tít thuộc Liên Hữu Báp-tít Bắc Mỹ (North Amerian Baptist Fellowship) tại khách sạn Sheraton World Hotel ở Orlando, Florida. Nhờ sự ủng hộ tài chánh của BGCT (Baptist General Convention of Texas) tôi đã dự trọn Hội Nghị khỏi tốn tiền. Nhân cơ hội nầy tôi đã nêu lên yêu cầu, xin Hiệp Hội Báp-tít Thế Giới đến thăm Việt Nam và can thiệp để xin Chính Phủ Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân của Giáo Hội Báp-tít tại Việt Nam. Hiện ở Việt Nam có bốn nhóm Báp-tít chính, với khoảng 25,000 tín hữu, đang cần hiệp lại với nhau và cần được chính quyền công nhận để hoạt động dễ dàng hơn, giống như Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, đã được chính quyền chính thức công nhận tư cách pháp nhân vào năm 2001. Hội nghị đã thảo luận và đã đưa ra một nghị quyết đáp ứng nguyện vọng tha thiết của tôi. Nghị quyết được trình lên Ban Chấp Hành Hiệp Hội Báp-tít Thế Giới.

Đầu năm 2006, tôi lại được dịp đi dự Hội Nghị Thường Niên của Liên Hữu Báp-tít Bắc Mỹ tại Orlando, lần nầy có mặt Tiến sĩ Denton Lotz, là nhà lãnh đạo của BWA. Cùng với Tiến Sĩ Alan Stanford là lãnh đạo của Liên Hữu Báp-tít Bắc Mỹ, Tiến Sĩ Charles Wade và cô Patty Lane thuộc BGCT, chúng tôi đã ngồi thảo luận với nhau về ngày giờ của chuyến viếng thăm Việt Nam tại Hà Nội, vào tháng Năm, 2006. Tiến Sĩ Denton Lotz gợi ý sẽ nhờ Cựu Tổng Thống Jimmy Carter viết một thư giới thiệu gởi đến Thủ Tướng Việt Nam. Tôi thấy các lãnh đạo tôn giáo thế giới bắt đầu quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của Hội Thánh Báp-tít tại Việt Nam. Những việc diễn ra tiếp theo sau đó đáng ghi vào lịch sử, vì tôi đang chứng kiến sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời trong công việc Chúa và trong chức vụ của tôi.

Chiều ngày 22 tháng 2, 2006, theo giờ hẹn trước, tôi đã cùng Tiến Sĩ Denton Lotz và Tiến Sĩ Alan Stanford đến Toà Đại Sứ Việt Nam tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến tiếp đón phái đoàn thật niềm nở. Ông hứa sẽ chuyển thư về Hà Nội ngay. Tôi có cơ hội làm quen với ông Dũng, là Tham Tán Chính Trị của Toà Đại Sứ, ông Dũng ăn nói dễ mến và có vẻ thật lòng muốn xúc tiến mau chóng cho chuyến đi, nhưng mọi sự bây giờ đều tùy thuộc vào thì giờ của các cơ quan ở Việt Nam. Sau khi trao tặng quà lưu niệm, Tiến Sĩ Denton Lotz hỏi về thủ tục xin visa, Đại Sứ Chiến đã vui vẻ hứa là ông sẽ cấp visa cho phái đoàn Mỹ trăm lần nhanh hơn là sứ quán Mỹ tại Việt Nam cấp visa cho người Việt Nam sang Mỹ. Đại sứ cũng nhận thư của Tổng Thống Jimmy Carter gởi Thủ Tướng Việt Nam và hứa sẽ nhanh chóng gởi thư về Hà Nội. Được biết các cơ quan chính phủ Việt Nam sẽ bàn thảo với nhau thật kỹ trước khi trả lời. Phái đoàn Báp-tít Thế giới đi thăm Việt Nam kỳ nầy đa số thành viên là người Mỹ và một số là các lãnh đạo Hội Thánh và cơ quan người Việt. Lại chuyện “Vạn Sự Khởi Đầu Nan…”

Sau hơn hai tháng chờ đợi, chưa nghe tin tức gì từ Hà Nội, cũng không biết lý do, khác hẳn không khí vui vẻ tiếp đón của toà Đại sứ Việt Nam tại Washington D.C., các nhà lãnh đạo Báp-tít thế giới ai nấy đều nóng ruột vì không biết phải chuẩn bị gì, mua vé máy bay trước hay không, nên đặt khách sạn trước hay không… Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra là trong tháng Tư, 2006, Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ Mười diễn ra tại Hà Nội. Chính quyền Việt Nam có lẽ đang bận nhiều việc và cũng chưa rõ sẽ tiếp đón phái đoàn trong tư cách gì trong khi Giáo Hội Báp-tít chưa chính thức được công nhận tại Việt Nam.

Dần dần tin tức từ trong nước cho thấy chính quyền có quan tâm hơn đối với người Báp-tít khi cho phép nhà thờ Báp-tít Ân Điển tại Sài Gòn do Mục Sư Lê Quốc Chánh quản nhiệm được xây dựng mới. Chương trình truyền giảng Tin Lành nhân dịp Lễ Phục Sinh năm 2006 do một nhóm Báp-tít tư gia tổ chức cũng đã nhận được giấy phép chính thức với 1.200 người dự tại nhà hát Trần Hữu Trang ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, Sài Gòn. Được biết trong buổi truyền giảng nầy có được 200 người cầu nguyện tiếp nhận Chúa.

Giáo Hội Báp-tít bắt đầu được công nhận hoạt động trở lại tại Việt Nam. Mùa hè 2006 là thời điểm quan trọng đánh dấu bước khởi đầu mới hứa hẹn nhiều thay đổi trong công tác truyền giáo tại Việt Nam..

 

Cửa Mở Ở Việt Nam

Tháng Năm năm 2006, tôi có dịp về thăm quê hương, cùng đi với phái đoàn Liên Minh Báp-tít Thế Giới do Tiến sĩ David Coffey làm trưởng đoàn. Chúng tôi đã đến thăm gặp Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tại Hà Nội, và sau đó đã vào Sài-Gòn để gặp các lãnh đạo thành phố và hơn 500 anh chị em Báp-tít và bè bạn tại Khách Sạn Majestic. Trước khi vào Nam, phái đoàn Liên Minh Báp-tít Thế Giới đã dành một ngày để tham quan thắng cảnh Vịnh Hạ Long. Tôi cùng đi tham quan và được một nhóm tín hữu Báp-tít ở Hạ Long giúp đỡ, hướng dẫn. Một tín hữu đã thuê ghe, chuẩn bị thức ăn và còn tặng quà áo T-shirt có chữ Hạ Long cho tất cả các thành viên trong đoàn để kỷ niệm. Người tin Chúa đúng là người thích ban cho. Đây là những tín hữu đã tin Chúa từ Hong Kong trở về. Họ gặp không ít khó khăn để giữ đạo và truyền đạo. Nhưng người thật lòng tin không thể mất đức tin. Chúa đang mở cửa cho Việt Nam và khi Ngài mở thì không ai đóng được.

Lần đầu nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên do Đức Chúa Trời ban riêng cho đất nước và con người Việt Nam với hơn 3,000 đảo nhỏ ở vịnh Hạ Long, lòng tôi xúc động vô cùng. Đáng ra với đất nước tươi đẹp như thế, người Việt ở miền Bắc phải giàu có hơn, số người tin phải Chúa nhiều hơn. Nhưng thực tế lại khác. Trên đường từ Hà Nội đến vịnh Hạ Long, xe chở đoàn khách bị bể bánh dọc đường. Trong khi chờ đợi thay lốp xe cả tiếng đồng hồ, tôi và vài người bạn tiếp xúc với người địa phương. Dân chúng nông thôn còn nghèo lắm. Tôi hỏi mấy người phụ nữ có biết đạo Tin Lành không? Câu trả lời là không. Có biết Hội Thánh Báp-tít không? Câu trả lời vẫn là không. Khi xe sửa xong và tiếp tục lên đường, mấy anh em tín hữu cùng đi hứa sẽ trở lại nơi nầy để làm chứng về Chúa cho đồng bào. Khắp cả miền Bắc Việt Nam, người chưa biết Chúa thật nhiều. Ai sẽ đem Tin Lành đến cho đồng bào miền Bắc? Ai sẽ đến để bày tỏ tình thương, cứu giúp, góp phần “xóa đói giảm nghèo” và nói cho đồng bào biết là Đức Chúa Trời thương họ và chúng ta cũng thương họ nữa.

Khắp cả miền Bắc Việt Nam, người chưa biết Chúa thật nhiều. Ai sẽ đem Tin Lành đến cho đồng bào miền Bắc? Ai sẽ đến để bày tỏ tình thương, cứu giúp, góp phần “xóa đói giảm nghèo” và nói cho đồng bào biết là Đức Chúa Trời thương họ và chúng ta cũng thương họ nữa.

Trong một thập niên vừa qua Chúa đã cảm động lòng một số tôi tớ Chúa sống ở miền Nam tỏ lòng quan tâm đến công việc Chúa ở miền Bắc nên đã đích thân ra Bắc kết hiệp những tín hữu từ các nơi trở về để thành lập Hội Thánh. Ngày nay những nhóm Hội Thánh Báp-tít đang có ở miền Bắc được thành hình cũng là nhờ công khó của các Mục sư ở miền Nam ra. Chúng tôi hiện đang liên lạc và hiệp tác với nhiều nhóm Hội Thánh như vậy. Người Việt phải lo truyền giáo cho người Việt không phân biệt Nam Bắc.

Tôi tin rằng để cứu một dân tộc, Đức Chúa Trời có cách của Ngài. Nhưng Ngài cho chúng ta những con người bằng xương bằng thịt, yếu đuối, sợ hãi, giới hạn được vinh dự góp phần với Ngài trong công việc vĩnh cửu. Đức Chúa Trời yêu thương đồng bào Việt Nam, Ngài tạo hoàn cảnh cho người Việt biết đến Chúa. Tôi thấy anh chị em tín hữu trong nước, cả ở miền Nam lẫn ở miền Bắc đã dạn dĩ hơn, can đảm hơn và dấn thân hơn. Tôi thấy cơ hội đang đến. Tôi thấy một cánh cửa đang mở rộng càng ngày càng hơn.

 

Cửa Mở Ở Mã Lai

Trong mấy năm gần đây Ngài đã cho phép hàng trăm ngàn người Việt qua Mã Lai để lao động, đa số là người miền Bắc. Đời sống anh em công nhân thật khổ sở, một số ít người gặp may mắn làm việc trong nhà mát mẻ, còn những công nhân xây dựng thật tội nghiệp. Họ góp tay xây dựng những toà nhà to lớn nhưng hằng ngày họ chịu nắng nóng, thiếu an toàn, ăn uống thiếu thốn, và lều trại ăn ở chật chội thiếu thốn mọi tiện nghi. Lương bỗng công nhân rất thấp. Họ thường bị các môi giới và chủ nhân lừa gạt tiền lương. Nhiều người muốn về nước nhưng không được. Bỏ công ty đã ký kết 3 năm lao động để ra đi tìm việc làm chỗ khác thì không ổn, là bất hợp pháp và bị Cảnh sát Mã Lai bắt bớ, làm tiền. Trở về nhà nửa chừng thì không có cách gì để trả xong món nợ lót đường trước khi đi. Anh em nhiều người đang ở trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tình cảnh anh em công nhân khó khăn, tình cảm thiếu thốn cũng đã nẩy sinh ra những hành động tiêu cực, một số khó khăn do tự anh em gây ra như rượu chè, cờ bạc, trai gái. Thói quen tranh đấu để sống còn có lúc giúp ích, có lúc làm khổ anh em. Nhưng khó khăn cũng là cơ hội. Môi trường làm ăn khắc nghiệt và đời sống tha hương thiếu thốn đã đưa dẫn một số anh em tìm đến mái ấm của nhà thờ. Những buổi giao lưu, những cơ hội bày tỏ tình thương của Hội Thánh đã làm anh em cảm động. Tin Lành được rao giảng và chia sẻ tự do. Nhiều anh em công nhân đã tiếp nhận Chúa. Nhiều người đang theo học những lớp Môn Đồ Hoá do các giáo sĩ hướng dẫn.

Tại Mã Lai trong năm 2003 có 700 công nhân Việt trở lại tin Chúa. Năm 2004 có 3,700. Năm 2005 có 7,500. Năm 2006 con số nầy sẽ tăng lên 15,000.

Một số tân tín hữu đã được hướng dẫn lớn lên làm môn đồ Chúa và trở thành những tín hữu phục vụ. Có anh em gốc ở miền Bắc quen thuộc với Quan họ Bắc Ninh đã sáng tác những bài ca để ngợi khen Chúa qua các làn điệu dân ca. Sự sống thuộc linh tràn ngập trong những buổi nhóm lại của anh chị em công nhân. Tôi nhớ Đoàn Truyền Giáo do tôi và Mục Sư Lê Thanh Liêm hướng dẫn trong mùa hè 2005 đã góp phần thăm viếng tiếp xúc, làm chứng, truyền giảng cho khoảng 1,800 công nhân và kết quả có 281 người mới tiếp nhận Chúa. Nhiều anh em ao ước và hứa nguyện sẽ đem Tin Lành trở về cho gia đình và bà con tại quê hương. Một nhu cầu rõ ràng nhất ở Mã Lai là người tin Chúa thật nhiều nhưng người chăm sóc thì ít. Ở đây đang cần thêm những người chăm sóc, phục vụ. Thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm… Bạn muốn tham gia, xin liên lạc ngay với chúng tôi.

Chúa đang mở cửa giảng Tin Lành cho người Việt Nam. Chúa đã đưa chúng ta qua các nước tự do làm người tha hương có mục đích. Chúa đã đưa Giô-sép xuống Ai-cập có mục đích, Chúa đã đưa Đa-ni-ên qua Ba-by-lôn có mục đích, Chúa đã đưa Ê-xơ-tê lên ngôi Hoàng Hậu có mục đích. Hãy cùng với chúng tôi góp phần hoàn thành mục đích Chúa đang giao cho mỗi người Việt tha hương.

Kinh Thánh khẳng định những nguyên tắc vượt thời gian, “Người trồng kẻ tưới đều bằng nhau, ai nầy sẽ nhận phần thưởng tuỳ theo việc mình đã làm.” “Người chiến đấu ngoài tiền tuyến cũng được thưởng như người hậu cần tại hậu phương.” “Người sai phái cũng được phần thưởng như người đích thân ra đi.” Chúa đang mở cửa cho Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi bước vào khi cửa đang mở, khi còn cơ hội. Cánh đồng lúa đang chín vàng, con gặt còn quá ít. Hãy góp phần quan trọng của bạn vào công tác mở mang nước Chúa trong lòng dân tộc Việt Nam. Bạn có thể ủng hộ bằng sự cầu nguyện, dâng hiến, sai phái người khác hoặc trực tiếp tham gia. Đại mạng lịnh hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành vẫn còn giá trị hôm nay.

 

Trích từ Hồi Ký của Mục sư Nguyễn Văn Huệ

 

MICHIGAN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn