Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / BIÊN KHẢO KINH THÁNH

BIÊN KHẢO KINH THÁNH

Tại Sao Bạn Tin Kinh Thánh?

Tiếp cận thật gần       

Đến đây, làm sao chúng ta biết chắc chắn rằng chúng ta có được những gì Đức Chúa Trời là Tác Giả đã viết ra? Như chúng ta đã thấy, không có bản gốc của quyển sách cổ nào còn tồn tại cho đến ngày nay. Hãy tưởng tượng việc lưu trữ các giấy báo dưới tác động của tự nhiên trong một năm, thời gian này ít hơn rất nhiều so với một thế kỷ hay một thiên niên kỷ. Thêm vào đó, không có cách nào phân phối Kinh Thánh ngoài việc phải chép chúng bằng tay. Trước thời kỳ in ấn phát triển, những thầy ký lục là những nhà xuất bản đầu tiên. Làm thế nào chúng ta biết được họ đã sao chép đúng Kinh Thánh?

Công việc của những nhà khảo đính

b 1

“Nhà khảo đính” là các học giả chuyên dành thời gian cho việc nghiên cứu các bản sao của văn học cổ đại, tìm cách phát triển một phiên bản càng gần với bản gốc càng tốt. Chẳng hạn như khi những nhà khảo đính làm việc với những bản chép tay của văn hào Shakespeare, họ tranh luận với nhau phân đoạn nào do chính nhà viết kịch viết, phần nào được quy cho Christopher Marlowe  viết và những việc tương tự như thế. Các học giả nghiên cứu bản sao của các tác phẩm của Plato và Aristotle, quyết định xem bản sao nào là gần nhất với bản chính.

Các nhà khảo đính cũng dành phần công sức tương tự đối với Kinh Thánh. Công việc của họ là phù hợp với khoa học và chính xác. Chúng ta có thể tin tưởng nơi kết luận của họ như là một sản phẩm của học thuật khách quan.

Môn khảo đính học phát huy thế mạnh khi hai trường hợp sau xảy ra: (1) có nhiều bản sao cổ; (2) thời gian càng gần với bản gốc càng tốt. Càng ít bản sao cổ thì càng ít tư liệu cho các học giả sử dụng. Khoảng cách thời gian giữa bản gốc và bản sao gần nhất càng lớn thì khả năng sai sót trong truyền tải không thể khám phá ra được càng lớn.

Kinh Thánh và các tác phẩm văn học cổ

Bản sao của những tác phẩm văn học cổ nổi tiếng nào mà chúng ta có ngày hôm nay? Tác phẩm Chiến Tranh Xứ Gaul do Caesar sáng tác vào khoảng năm 58 đến năm 50 trước Công Nguyên. Bản sao cổ nhất của tác phẩm này được sao chép vào 900 năm sau; chúng ta chỉ có chín hay mười bản chép tay chất lượng tốt. Chúng ta không có bằng chứng độc lập nào chứng minh cho những mô tả của Caesar ngoại trừ quyển sách này. Tacitus là sử gia nổi tiếng nhất của La Mã cổ đại. Bản mô tả của ông về đời sống trong thế kỷ đầu tiên của Đế quốc La Mã được cho là văn kiện lịch sử chính thức nhất mà chúng ta có được. Tuy nhiên, trong số mười bốn sách Lịch sử của ông, chỉ có bốn quyển và một nửa quyển khác còn lại cho đến ngày nay. Các bản sao cổ nhất được sao chép 900 năm sau bản gốc. Lịch sử của Thucydides được viết ra khoảng năm 400 trước Công Nguyên. Bản viết tay trọn vẹn cổ nhất mà chúng ta có là vào khoảng 1300 năm sau đó. Chúng ta chỉ có chừng 5 quyển sách về các tác phẩm của Aristotle (384-322 trước Công Nguyên), bản sao cổ nhất được thực hiện 1.400 năm sau bản chính.

Ngược lại, bản sao Kinh Thánh Tân Ước hoàn chỉnh cổ nhất được thực hiện chỉ 300 năm sau bản chính. Một tờ giấy Papyrus (được biết đến là P52) ghi lại một phần của Giăng 18 có niên đại năm 130 sau Công Nguyên (chỉ khoảng ba mươi lăm năm sau bản chính của Giăng).4

Không một quyển sách cổ nào khác có thể so sánh được với Kinh Thánh về mặt số lượng và chất lượng của các bản chép tay còn tồn tại đến ngày hôm nay. Bằng chứng hoàn toàn có sức mạnh đã chứng minh cho tính đáng tin cậy và thẩm quyền của Kinh Thánh.

Nghiên cứu những bản sao mà chúng ta có

Các sử gia có hơn 5.000 bản chép tay của Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp, và hơn 10.000 bản sao trong các ngôn ngữ cổ khác. Họ phân loại những bản sao theo thời gian, chất liệu giấy, có sử dụng chữ in hoa không. Họ cũng tập họp các bản chép tay theo các khu vực địa lý trung tâm nơi chúng được tạo ra: Alexandria, Ai Cập, Caesarea ở Palestine, An-ti-ốt của Syria, Constantinople và La Mã.

Những nhà khảo đính xem xét một số yếu tố để xác định bản viết tay nào là cổ và gần nhất với bản chính. Họ kiểm tra niên đại của tài liệu – thời đại và thời kỳ mà tài liệu được đưa vào sử dụng lần đầu. Họ khám phá việc lưu hành về mặt địa lý của bản viết tay, mức độ sử dụng, và số lần tài liệu đó được sao chép lại, theo giả định là bản sao càng được công nhận rộng rãi thì càng nhiều khả năng nó được độc giả tin cậy. Họ tìm sự đồng ý giữa bản chép tay và những trích dẫn của các giáo phụ.

Cũng vậy, họ điều tra lịch sử “phả hệ” của truyền thống chép tay. Chẳng hạn như, các học giả biết rằng các tài liệu bắt nguồn từ Alexandria thì có những ưu điểm và khuyết điểm nào đấy. Mỗi một trung tâm của một khu vực địa lý có những kỹ thuật và đặc điểm riêng trong việc sao chép và truyền tải.

Những lỗi không chủ ý

b 2

Hầu hết công việc của những nhà khảo đính đó là nhận diện những lỗi sao chép, lỗi biên tập hoặc lỗi dịch thuật.5 Các học giả đã nhận ra bốn lỗi không chủ ý thông dụng nhất và chờ đợi để phát hiện ra chúng với sự thích thú đặc biệt.

Một số lỗi xảy ra do nhìn sai – không phân biệt được những ký tự tương đồng này và những vấn đề tương đồng khác. Chẳng hạn như trong tiếng Hê-bơ-rơ từ y (yodh) trông rất giống từ w (waw). Cũng vậy, trong tiếng Hy Lạp ký tự in hoa ép-xi-lon (được viết thành chữ E tròn) và ký tự theta (một hình ô van và đường gạch ngang ở giữa) khi viết tay trông rất giống nhau.

Lối viết lược âm bắt đầu khi một người sao chép chỉ viết một ký tự thay cho hai ký tự giống nhau liền kề (giống như từ “maping” thay cho từ “mapping” trong tiếng Anh). Chép thừa chữ cái xảy ra khi người sao chép viết hai lần một ký tự nào đó. Một lỗi liên quan khác là thay đổi trật tự của ký tự và chữ cái.

Loại lỗi thứ hai xảy ra do nghe sai khi người sao chép ghi lại từ một người khác đọc hoặc thậm chí tự đọc nhẩm khi ghi. Từ đồng âm khác nghĩa xảy ra khi người sao chép ghi sai thuật ngữ được phát âm giống nhau (giống như từ twoto trong tiếng Anh).

Một loại lỗi thứ ba đó là lỗi suy nghĩ. Khi sao chép, người sao chép đã ghi nhớ một cụm từ, và đôi khi đã đảo vị trí các từ, ghi sót ký tự hoặc chữ cái. Lỗi này thường rơi vào một số thể loại:

  •  Thay đổi trật tự của ký tự hoặc chữ
  •  Kết hợp ký tự cuối cùng của từ đứng trước với ký tự đầu tiên của từ đứng sau, hoặc kết hợp hai chữ lại với nhau
  •  Tách một chữ thành hai chữ riêng biệt
  •  Sót những chữ đứng giữa hai cụm từ có kết thúc giống nhau (Khi dời mắt từ bản gốc sang bản sao rồi sau đó quay lại nhìn lại bản gốc, mắt của người sao chép dễ đặt ở phần cuối của cụm từ đứng sau và bỏ sót phần ở giữa)
  •  Tương tự, bỏ sót những từ đứng giữa nếu hai cụm từ bắt đầu giống nhau

Lỗi không chủ ý thứ tư là do người sao chép phán đoán sai. Những chữ và ghi chú ở mép của bản sao cũ hơn đôi khi lại được đưa vào văn mạch của bản sao. Đôi khi người sao chép sẽ chép cắt ngang qua hai cột của văn bản thay vì chép từng cột một.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn