Trong Cô-lô-se 2:16-17, sứ đồ Phao-lô tuyên bố, “Vì thế, đừng để ai xét đoán anh em về đồ ăn, thức uống, về ngày lễ, ngày trăng mới, hoặc ngày sa-bát. Những điều nầy chỉ là bóng của những gì sắp đến, còn hình thật là Đấng Christ.” Tương tự, Rô-ma 14:5 có chép, “Người nầy cho rằng ngày nầy tốt hơn ngày kia, còn người khác thì coi mọi ngày đều như nhau; mỗi người hãy tin chắc ở trí mình.” Những câu Kinh Thánh này cho thấy rõ ràng rằng, đối với Cơ Đốc nhân, giữ ngày Sa-bát là quyền tự do của mỗi người, không phải là mệnh lệnh do Đức Chúa Trời bắt buộc. Trong việc giữ ngày Sa-bát, lời Kinh Thánh đã dạy rằng không được xét đoán lẫn nhau, và mỗi người hãy tin chắc ở trí mình.
Trong những chương đầu của sách Công Vụ, hầu hết các Cơ Đốc nhân được nhắc đến đều là người Do Thái. Nhưng khi dân ngoại bắt đầu tin và nhận món quà cứu rỗi qua Chúa Giê-xu, các Cơ Đốc nhân Do Thái bị rơi vào thế khó. Dân ngoại sẽ phải tuân theo những khía cạnh nào của Luật Môi-se và truyền thống Do Thái? Các sứ đồ bèn gặp nhau và bàn luận về việc này trong giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ 15). Quyết định cuối cùng là: “Vậy, tôi xét thấy không nên quấy rối những người trong dân ngoại đang trở về với Đức Chúa Trời; nhưng chúng ta nên viết thư dặn họ giữ mình khỏi bị ô uế bởi các thần tượng và sự gian dâm, cũng đừng ăn thịt thú vật chết ngạt và huyết. ” (Công Vụ 15:19-20). Vậy, giữ ngày Sa-bát không phải là luật lệ các sứ đồ bắt dân ngoại phải tuân theo. Nếu như đó là luật lệ quan trọng thật thì các sứ đồ đã không thể nào quên nhắc đến trong hai câu Kinh Thánh trên.
Một trong những sai lầm khi tranh luận về chủ đề giữ ngày Sa-bát là quan điểm cho rằng ngày Sa-bát là ngày thờ phượng. Một số hệ phái như Cơ Đốc Phục Lâm khẳng định rằng Chúa yêu cầu lễ nhóm của Hội thánh tổ chức vào thứ Bảy, ngày Sa-bát. Thực ra đó không phải là yêu cầu của ngày Sa-bát. Yêu cầu thực sự của ngày Sa-bát là không làm việc trong ngày này (Xuất hành 20:8-11). Không chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng ngày Sa-bát là ngày phải thờ phượng. Đúng là người Do Thái trong Cựu Ước, Tân Ước và thời nay có lấy ngày thứ Bảy làm ngày thờ phượng, nhưng đó không phải là bản chất của luật ngày Sa-bát. Trong sách Công Vụ, các buổi nhóm diễn ra vào ngày Sa-bát là của người Do Thái chứ không phải của cộng đồng Cơ Đốc nhân.
Vậy những Cơ Đốc nhân đầu tiên nhóm lại khi nào? Công Vụ 2:46-47 cho chúng ta câu trả lời, “Ngày nào họ cũng chuyên tâm đến đền thờ; và từ nhà nầy đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành, ca ngợi Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người. Mỗi ngày, Chúa thêm số người được cứu vào Hội Thánh.” Cơ Đốc nhân khi đó gặp nhau thường xuyên vào ngày đầu tuần (Chúa nhật) chứ không phải ngày Sa-bát (thứ Bảy ngày nay) (Công Vụ 20:7; 1 Cô-rinh-tô 16:2). Nhằm tôn vinh ngày Chúa nhật là ngày Đấng Christ đã phục sinh, các Cơ Đốc nhân thời đó đã coi ngày Chúa nhật như là ngày đặc biệt để thờ phượng Chúa Giê-xu Christ. Họ không coi đó như ngày “Sa-bát của Cơ Đốc nhân nói chung.”
Như vậy, nếu thờ phượng vào thứ Bảy (ngày Sa-bát của người Do Thái) thì có sai không? Hoàn toàn không! Chúng ta nên thờ phượng Chúa mỗi ngày chứ không chỉ thứ Bảy hay Chúa nhật! Nhiều Hội thánh ngày nay có cả lễ nhóm vào thứ Bảy và Chúa nhật. Cơ Đốc nhân có sự tự do trong Đấng Christ (Rô-ma 8:21; 2 Cô-rinh-tô 3:17; Ga-la-ti 5:1). Còn nếu một Cơ Đốc nhân muốn giữ ngày Sa-bát, nghĩa là không làm việc vào ngày thứ Bảy, thì có nên không? Nếu như cảm thấy lòng mình thúc giục như vậy thì cứ làm (Rô-ma 14:5). Tuy nhiên những người giữ ngày Sa-bát không nên xét đoán người không giữ (Cô-lô-se 2:16). Hơn nữa, những ai không giữ ngày Sa-bát cũng đừng gây trở ngại cho người giữ. Ga-la-ti 5:13-15 tóm tắt lại vấn đề này: “Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do; chỉ có điều là đừng dùng tự do ấy như một cơ hội để sống cho xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương mà phục vụ nhau. Vì cả luật pháp được tóm tắt trong một lời nầy: ‘Ngươi hãy yêu người lân cận như mình.’ Nhưng nếu anh em cứ cắn nuốt nhau thì hãy coi chừng, kẻo anh em tiêu diệt lẫn nhau.”
Cơ Đốc Phục Lâm là một hệ phái của Cơ Đốc giáo, trong đó có một số với niềm tin rằng các buổi thờ phượng nên được tiến hành vào “ngày thứ bảy” (ngày Sa-bát) thay vì Chúa nhật. Dường như có những “mức độ” khác nhau của giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm. Một số người theo Cơ Đốc Phục Lâm có niềm tin giống hệt như những người theo Cơ Đốc chính thống, chỉ khác là giữ ngày Sa-bát thứ bảy. Tuy nhiên, có những tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm khác đã sa đà vào học thuyết lầm lạc.
Giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm có nguồn gốc từ Thuyết tái Lâm, một phong trào ở thế kỷ 19 dự đoán sự sắp xuất hiện (hoặc tái Lâm) của Chúa Giê-su Christ. Những người Cơ Đốc Phục Lâm còn được gọi là Millerites vì nhóm của họ được thành lập bởi William Miller, một tiên tri giả đã tiên đoán Chúa Giê-su sẽ trở lại vào năm 1843 hoặc 1844. Khi lời tiên đoán của Miller về sự tái Lâm của Đấng Christ không thành hiện thực, những người Millerites đã tan rã trong sự thất vọng và sự kiện này được gọi là “Sự thất vọng lớn”. Nhưng sau đó, một vài người theo Miller đã tuyên bố có khải tượng để giải thích cho lời tiên tri thất bại này. Họ nói, thay vì đến trái đất, Chúa Giê-su đã vào đền thờ trên trời, vì vậy, rốt cuộc, Miller đã đúng, ngoại trừ lời tiên tri của ông có sự ứng nghiệm tâm linh thay vì thuộc thể. Một trong những người tiên kiến đã che chở cho Miller là Ellen G. Harmon, 17 tuổi, người có khải tượng đầu tiên trong số 2.000 khải tượng có mục đích trong một buổi nhóm cầu nguyện ngay sau khi Miller bị thất sủng. Với tầm nhìn của mình, Ellen sớm trở thành tia sáng hy vọng cho những Millerites vỡ mộng. Cô đã thống nhất các phe phái Cơ Đốc Phục Lâm và trở thành người hướng dẫn tinh thần cho một nhóm tôn giáo mới.
Năm 1846, Ellen kết hôn với James White, một nhà thuyết giáo Cơ Đốc Phục Lâm. Chẳng bao lâu họ tin rằng việc giữ ngày Sa-bát là dành cho tất cả các Cơ đốc nhân. Năm 1847, Ellen G. White đã có một khải tượng khác khẳng định niềm tin mới của bà rằng việc giữ ngày Sa-bát là một học thuyết chính. Những người theo thuyết Cơ Đốc Phục Lâm dưới ảnh hưởng của Ellen G. White đã trở thành những Cơ Đốc Phục Lâm. Ellen G. White có nhiều khải tượng và tác phẩm — bà là một nhà văn xuất sắc — đã định hình rất nhiều cho học thuyết của giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm. Ngày nay, hầu hết những người theo Cơ Đốc Phục Lâm vẫn coi Ellen White là một nữ tiên tri của Đức Chúa Trời, mặc dù nhiều lời tiên tri của bà đã không thành hiện thực. Trên thực tế, những người theo Cơ Đốc Phục Lâm xem Khải huyền 19:10 (“sự làm chứng cho Đức Chúa Jesus là đại ý của lời tiên tri”) là một tham chiếu cho các tác phẩm của Ellen G. White.
Năm 1855, những người Cơ Đốc Phục Lâm đã định cư tại Battle Creek, Michigan, Hoa Kỳ, và vào tháng 5 năm 1863, Đại hội những người Cơ đốc Phục Lâm chính thức được thành lập. Trong năm thập kỷ tiếp theo, Ellen G. White đã viết gần 10.000 trang tài liệu tiên tri. Trong số các khải tượng có học thuyết “Cuộc tranh cãi lớn”, là một cuộc chiến vũ trụ được tiến hành giữa Chúa Giê-su và đội quân thiên sứ của Ngài với Sa-tan và đội quân của hắn. Những khải tượng khác đề cập đến thói quen ăn uống lành mạnh, mà bà White gọi là “phúc âm của sức khỏe” (Những lời chứng cho Giáo hội (tạm dịch), Quyển 6, trang 327). Giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm đặt ra những hạn chế đối với việc ăn thịt, và gọi nó là “thức ăn từ thịt”. “Thức ăn từ thịt làm tổn hại cho sức khỏe, và bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến cơ thể đều có ảnh hưởng tương ứng đến tâm trí và tâm linh” (Thánh chức Chữa bệnh (tạm dịch), Chương 24: “Thức ăn từ thịt,” trang 316). Không có gì ngạc nhiên khi sau khi yêu cầu giữ ngày Sa-bát, những người Cơ Đốc Phục Lâm bắt đầu thêm các yếu tố khác của chủ nghĩa hợp pháp vào tín ngưỡng của họ.
Điều thú vị là ngũ cốc dinh dưỡng Kellogg’s Corn Flakes là của một người Cơ Đốc Phục Lâm làm ra: John Harvey Kellogg là một bác sĩ Cơ Đốc Phục Lâm ở Battle Creek, ông muốn sản xuất một món ăn chay “lành mạnh” thay thế cho bữa ăn sáng có thịt “không lành mạnh”. Trong khi đó, bà White liên tục có những khải tượng và bắt đầu dạy các học thuyết không chính thống về giấc ngủ linh hồn và thuyết hủy diệt (mâu thuẫn với Ma-thi-ơ 25:46).
Những học thuyết có vấn đề khác trong giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm gồm có lời dạy rằng Sa-tan là “vật tế thần” và sẽ gánh tội lỗi cho các tín đồ (Cuộc tranh cãi lớn, trang 422, 485) —điều này trái ngược với những gì Kinh Thánh nói về Đấng đã gánh tội lỗi cho chúng ta (I Phi-e-rơ 2:24). Giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm cũng xác định Chúa Giê-su là thiên sứ trưởng Mi-chen (Giu-đe 1:9, Lời Kinh Thánh rõ ràng (tạm dịch), được xuất bản bởi Review and Herald Publishing Association, 1994) —một học thuyết phủ nhận bản chất thật của Đấng Christ và dạy rằng Chúa Giê-su bước vào giai đoạn thứ hai trong công cuộc cứu chuộc của Ngài vào ngày 22 tháng 10 năm 1844, như lời tiên tri của Hiram Edson. Và dĩ nhiên, Cơ Đốc Phục Lâm truyền bá về việc giữ ngày Sa-bát như một giáo lý chính là đi ngược lại với sự dạy dỗ của Kinh Thánh về vấn đề này (xem Rô-ma 14:5).
Giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm là một phong trào đa dạng, và không phải tất cả các nhóm Cơ Đốc Phục Lâm đều tuân theo tất cả các học thuyết được đề cập ở trên. Nhưng tất cả những người theo Cơ Đốc Phục Lâm nên nghiêm túc xem xét những điều sau: một nữ tiên tri được công nhận trong giáo hội của họ là người dạy về học thuyết lầm lạc, và nhà thờ của họ có nguồn gốc từ những lời tiên tri thất bại của William Miller.
Vì vậy, một Cơ Đốc nhân có nên đến nhà thờ Cơ Đốc Phục Lâm không? Do khuynh hướng của những người Cơ Đốc Phục Lâm chấp nhận sự mặc khải ngoài Kinh Thánh và các vấn đề giáo lý được đề cập ở trên, nên chúng tôi đặc biệt khuyến khích các tín đồ không tham gia vào giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm. Một người không thể vừa là người ủng hộ giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm và vừa là một tín đồ. Đồng thời, có đủ nguy cơ tiềm ẩn để cảnh báo chúng ta không nên tham gia vào nhà thờ Cơ Đốc Phục Lâm.
Nguồn: gotquestions.org