BIẾT THÌ SỐNG
Năm nay tôi đã qua tuổi bảy mươi rồi, đã từng sống nhiều nơi, từ Nam chí Bắc, từ Việt Nam đến Hoa Kỳ. Tôi đã từng trải nhiều hoàn cảnh, dễ dàng, khó khăn, buồn vui, dư thiếu. Tôi đã học được nhiều bài học đáng yêu, đáng nhớ. Tất cả các từng trải và bài học nầy đã góp phần làm phong phú thêm vốn liếng hiểu biết hữu ích trong đời sống của tôi. Tôi khám phá thấy những hiểu biết có giá trị nhất là những bài học tôi có thể chia sẻ để giúp đỡ người khác.
Người Việt Nam xưa đã để lại cho đời nhiều bài học quý. Tôi còn nhớ khi còn đi học Trung Học, ở Quảng Nam quê tôi, tôi ở trọ trong nhà của một người bà con, ở đó có một ông cụ già hơn bảy mươi tuổi, đẹp lão và minh mẫn. Tôi nghe ông nói đến một câu tục ngữ và ông nhắc lại câu nói nầy nhiều lần. Ông nói, “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.” Hơn năm mươi năm trôi qua, ông cụ đã chết nhưng mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ lời nói của ông.
Tại sao khôn cũng chết, dại cũng chết mà biết thì sống?
Tôi sưu tầm được trên Internet những lời giải thích sau đây:
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử dạy học trò: “Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, như vậy là biết.”
Người Việt xưa cũng nói: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe…”
Khổng Tử còn nói: “Đừng lo người ta không biết mình, chỉ lo mình không biết người.”
Cuộc đời của người quân tử theo khuôn mẫu của Khổng Tử là như sau:
“Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học (đạo lý); ba mươi tuổi biết tự lập (biết khắc kỷ theo lễ nghĩa); bốn mươi tuổi không nghi hoặc (tức có trí đức, hiểu rõ nhân, nghĩa, lễ); năm mươi tuổi biết mệnh trời (biết được những gì làm được, những gì không làm được); sáu mươi tuổi đã biết theo mệnh trời; bảy mươi tuổi sống tự nhiên theo ý mình mà không vượt ngoài khuôn khổ đạo lý.”
Nói chung, cái biết của Khổng Tử là cái biết về đạo lý lễ nghĩa để tạo lập một xã hội có kỷ cương trật tự.
Cao xa hơn Khổng Tử, Lão Tử phân tích đời sống tới tận nguồn gốc, đi vào một thế giới bao la và huyền nhiệm của vũ trụ. “Đạo khả đạo phi thường đạo.” Bản nguyên của vũ trụ, những gì tạo nên thế giới này là điều vượt ngoài ngôn ngữ luận bàn, không thể nói ra, không thể đặt tên được, chỉ tạm gọi đó là Đạo. Đạo sinh ra vạn vật, Đức bao bọc, nuôi dưỡng cho vạn vật sinh trưởng và phát triển. Ở đây, chữ Đức được dùng với ý nghĩa khác với chữ Đức của đạo Khổng. Đức của đạo Nho mang ý nghĩa thiện ác, còn Đức của đạo Lão không có ý nghĩa thiện ác mà là lực tự nhiên của trời đất. Làm những gì hợp với lẽ tự nhiên của trời đất thì gọi là hợp với Đạo Đức.
Lão Tử chủ trương một đời sống phóng khoáng, không áp đặt kỷ cương lễ nghĩa, cho rằng mọi sự nếu để tự nhiên sẽ đi theo một trật tự nhất định. Đó là cách sống Vô Vi thuận theo những quy luật thiên nhiên của trời đất.
Như thế, cái biết của Lão Tử là cái biết Đạo, tức quy luật của thiên nhiên trời đất mà sống thuận theo đó, tạo lập một thế giới an bình hài hòa cho mình và cho mọi người. Thế giới đó là một “cõi tiên” lý tưởng, một chốn “non bồng, nước nhược”, là những người thanh cao thoát tục, không nhuốm chút bụi trần. Thời xưa có những người đi vào chốn rừng sâu núi thẳm mà người đời cho là “tu tiên” để được trường sinh bất tử.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Lão Tử nói:
Người biết thì không nói, người nói thì không biết (Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri).
Nói chung, đạo Khổng thiên về đời sống thế gian thường nhật, đạo Lão đi vào một thế giới lý tưởng xuất thế gian. Cả hai điều này đều được bao gồm trong đạo Phật, như lời Đức Phật nói: “Phật Pháp bất ly thế gian giác” – có nghĩa pháp Phật không ở ngoài cái biết về thế gian. Nhưng cái Biết trong đạo Phật không chỉ là kiến thức, mà vượt trên giới hạn của kiến thức để trở thành cái Biết vô biên của Trí Tuệ, của Tri Thức chuyển thành Giác Ngộ.
Giác ngộ là mục tiêu đầu tiên trong đạo Phật. Giác có nghĩa là biết, Ngộ là gặp hay nhận ra – có nghĩa giác ngộ là nhận ra chân lý của đời sống đã có sẵn ngay nơi chính mình.
Con người sinh ra ai cũng có bản chất như nhau, nhưng có người chìm đắm trong mê muội khổ đau, người được tự tại giải thoát, chỉ vì khác nhau ở chỗ Biết (giác ngộ) hay Không Biết (vô minh). Dù khôn hay dại, thành công hay thất bại trong cuộc đời, ai rồi cũng đi theo một con đường chung nhất: sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng người đã hiểu được lý Không của đạo Phật thì thấy sinh tử chỉ là hai mặt khác nhau của sự sống, nên thường an nhiên tự tại ở ngay trong sinh tử.
Suốt một nửa đời người tôi cứ sống như mọi người khác, trôi theo hoàn cảnh, trôi theo lịch sử, trôi theo thời gian. Sống ở Việt Nam, giống như đồng bào, tôi chịu ảnh hưởng của triết lý Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Tôi thấy những lời kêu gọi hãy xuất thế, xuất gia, đi tu, tự cứu… Tôi thấy các triết lý do loài người nghĩ ra không có khả năng thay đổi thế giới. Triết lý có vẻ biết được bịnh nhưng không biết cách chữa bệnh. Triết lý chỉ dẫn người ta đến chỗ buồn bã, nặng nề, chán nản, thất vọng. Nan đề tội lỗi của loài người càng ngày càng chồng chất. Vậy giải pháp của loài người đang ở đâu? Ít người nghĩ rằng người Việt chúng ta không cần triết lý, chúng ta chỉ cần chân lý. Chân lý ở đâu?
Đến khi được qua Mỹ và sống ở Mỹ trong khoảng thời gian gần một phần tư thế kỷ, tôi đã nhìn lại và thấy rõ lý do tại sao đời sống ở xã hội Á Đông rất khác với đời sống xã hội Âu Mỹ. Vũ trụ quan hay nhân sinh quan của người Việt và người Mỹ rất khác nhau, hoàn toàn xa cách. Một sự xa cách của Đông và Tây. Một bên nhìn đời sống giống như chiếc bánh xe lăn hoài, không dứt, một bên nhìn đời sống giống như cuộc hành trình có mục đích. Có lúc chấm dứt, có ngày phán xét. Đây là sự xa cách của triết lý Đông Phương và triết lý Tây Phương. Người sống ở Đông Phương hài lòng với triết lý huyền bí hoài cổ, còn người sống ở Tây Phương luôn tìm kiếm đời sống đổi mới để tiến lên. Kết quả của hai hình ảnh xã hội thật khác nhau. Xem trái thì biết cây. Người ở Tây Phương tìm kiếm, nghiên cứu và khám phá khoa học. Trong những thế kỷ gần đây, thế giới biến chuyển cũng nhờ áp dụng những kiến thức và khám phá khoa học. Ánh sáng khoa học đang chiếu sáng như những ngọn đèn dẫn bước nhân loại đi tới. Thay cũ đổi mới. Biến chuyển đời sống. Từ lạc hậu đến văn minh. Từ dại đến khôn, từ tối đến sáng. Cả thế giới đều nhìn thấy giá trị của đời sống văn minh. Ngày nay dân chúng khắp nơi đang noi gương áp dụng đời sống văn minh Tây Phương. Nhờ đó nhiều người đã thoát nghèo, thoát dốt, thoát khổ. Từ buồn đã trở nên vui, từ nghèo đã trở nên giàu.
Trong những năm qua, tôi thấy người Việt đã thay đổi nhiều, càng ngày càng tiến bộ với trình độ và đời sống vững vàng, không thua gì các nước văn minh. Người Việt Nam đã trở nên khôn ngoan, không còn bị coi là tụt hậu nữa.
Tuy nhiên ngày nay, có nhiều điều người Việt Nam vẫn chưa biết. Nhất là những hiểu biết quan trọng trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần. Bao nhiêu câu hỏi vẫn còn đó. Con người từ đâu đến, con người sẽ đi đâu? Làm sao để sống bình an? Làm sao để sống có ý nghĩa? Làm sao để sống hạnh phúc? Làm sao để sống đời đời?
Tôi nghĩ người Việt chúng ta không nên tiếp tục áp dụng triết lý huyền bí, mê tín dị đoan, như ngàn năm trước. Hãy suy nghĩ để đổi mới tốt hơn. Điều gì tốt thì giữ, điều gì không tốt thì bỏ. Thẳng thừng, dứt khoát. Chúng ta cần được thay đổi, thay đổi từ bên trong. Chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ. Chúng ta cần thay đổi cách sống.
Bạn có biết truyền thống Do Thái – Cơ Đốc (Jewish-Christian) hay không? Đây có thể gọi là triết lý Tây Phương. Triết lý nầy đã được thử thách cả ngàn năm và đã trở thành truyền thống giá trị, được áp dụng vào đời sống thể xác lẫn tinh thần của người Âu Mỹ. Triết lý nầy được ghi chép và lưu truyền trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Mời bạn hãy dành thời giờ đọc Kinh Thánh nhé. Nếu bạn chưa đọc Kinh Thánh là bạn còn thiếu sót. Đọc Kinh Thánh mà không áp dụng bạn cũng còn thiếu sót. Cả thế giới Tây Phương người ta đọc và áp dụng Kinh Thánh. Người không đọc Kinh Thánh không thể gọi là người có học.
Kinh Thánh là một tác phẩm lớn gồm 66 sách, được chép lại trong hơn 15 thế kỷ với nhiều tác giả, chúng ta có thể đọc, nghiên cứu và áp dụng các bài học cụ thể của Kinh Thánh trong suốt cuộc đời. Kinh Thánh dạy con người kính sợ Chúa, biết ơn Chúa, sống đẹp lòng Chúa. Kinh Thánh dạy yêu quý thiên nhiên, bảo vệ công lý, bảo vệ môi trường. Kinh Thánh dạy hãy hiếu kính cha mẹ, mọi người hãy yêu thương nhau. Tâm linh chúng ta phải biết khiêm nhường, nhẫn nại, lạc quan, hy vọng. Kinh Thánh ghi lại những chỉ dẫn cần thiết cho đời sống loài người hằng ngày. Chẳng hạn hãy sống vệ sinh. Kinh Thánh đã chỉ thị biện pháp cách ly đối với những người mắc bệnh truyền nhiễm. Rửa tay, tắm sạch. Không say rượu, không ma túy. “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh, nhưng nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” Vâng lời Chúa có kết quả tốt rõ ràng.
Nếu ngươi chăm chỉ nghe lời Đức Chúa Trời ngươi, làm sự ngay thẳng trước mặt Ngài, lắng tai nghe các điều răn và giữ mọi luật lệ Ngài, thì ta chẳng giáng cho ngươi một trong các bịnh nào mà ta đã giáng cho xứ Ê-díp-tô; vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi (Xuất 15:26).
Hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi nào một người đàn bà thọ thai và sanh một con trai, thì phải bị ô uế trong bảy ngày, như trong kỳ kinh nguyệt. Qua ngày thứ tám, người ta phải làm phép cắt bì cho đứa trẻ. Đoạn, người đàn bà phải kiêng trong ba mươi ba ngày đương khi huyết mình được sạch, không nên đụng một vật thánh nào hay là đi tới nơi thánh cho đến kỳ làm thanh sạch được trọn rồi. Còn nếu người sanh con gái, thì sẽ bị ô uế trong hai tuần, như trong kỳ kinh nguyệt; phải kiêng trong sáu mươi sáu ngày hầu cho huyết mình được sạch. (Lê-vi ký 12:2-5).
Vả, người đã bị vít phung rồi phải xé quần áo, đầu trần, che râu lại và la rằng: Ô uế! Ô uế! Trọn lúc nào người có vít, thì sẽ bị ô uế, phải ở một mình ngoài trại quân (Lê-vi ký 13:45-46).
Ai đụng đến một xác chết của người nào sẽ bị ô uế trong bảy ngày (Dân số ký 19:11).
Hãy biểu dân Y-sơ-ra-ên đuổi ra ngoài trại quân hết thảy người phung, người có bịnh bạch trược, và người vì cớ đụng đến một xác chết nào đã bị ô uế. Bất luận nam hay nữ, các ngươi phải đuổi họ ra ngoài trại quân, hầu cho họ không làm cho trại quân bị ô uế, là nơi ta ngự ở trong (Dân số ký 5:2-3).
Kinh Thánh từ lâu đã dạy người Do Thái phải rửa tay, phải chôn chất thải, không đụng đến xác chết, phải sống sạch, tắm rửa, phải giữ vệ sinh. Nhờ giữ theo các luật lệ Chúa dạy, người Do Thái đã biết sống lành mạnh, nhờ đó họ đã tồn tại, không bị diệt chủng giống các dân tộc khác đồng thời.
Mãi đến năm 1873, bác sĩ Armauer Hansen mới tìm ra vi trùng bệnh phung, có thể lây lan. Năm 1847 Bác sĩ Semmelweis mới thuyết phục được giới y khoa biết rằng chính vi trùng của xác chết dính trên tay các bác sĩ đỡ đẻ đã giết chết rất nhiều bà mẹ. Sau ba ngàn năm trăm năm các khoa học gia mới khám phá ra vi trùng, vi khuẩn gây bệnh, và biết bí quyết cách ly, rửa tay, chôn chất thải, cách ly bệnh nhân. Sự cách ly người mắc bệnh khỏi dân chúng đã chận đứng sự lây truyền của bịnh dịch.
Trong không đầy sáu mươi năm, các bệnh nhân mắc bệnh phung ở Na-Uy rớt xuống từ 2,858 chỉ còn 69 trường hợp. Cuối cùng những khám phá lớn của khoa học đã cho phép Na-Uy quét sạch bệnh phung cùi.
Nhiều quốc gia khắp nơi bắt đầu thực hành mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, giữ vệ sinh, cách ly người mắc bệnh dịch. Nếu loài người sớm biết Kinh Thánh và vâng lời Kinh Thánh sẽ cứu được biết bao nhiêu người thoát chết.
Bạn muốn biết bí quyết để được sống lâu hay biết sống như sống những ngày trời trên đất không?
Giống như một cuộc hành trình, muốn đi đến đích, chúng ta phải bắt đầu bước đi. Tôi muốn đưa ra những bước đầu quan trọng để bạn biết rõ hướng đi.
Mời bạn lắng nghe và suy nghĩ câu tuyên bố sau đây:
“Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).
Dựa vào câu Kinh Thánh nầy, tôi thấy quan niệm của người Mỹ là đúng. “It’s not religion but relationship”. Quan niệm nầy có nghĩa là chúng ta không nên phí công phí sức làm đẹp lòng các quy tắc, luật lệ, giáo nghi của các tôn giáo. Tôn giáo không có khả năng thay đổi tâm hồn chúng ta. Tôn giáo không mang lại bình an thật cho đời sống tinh thần của chúng ta. Tôn giáo không giúp ích gì để biến đổi chúng ta. Tôn giáo đã không kết nối được chúng ta với Đức Chúa Trời. Mọi sinh hoạt bên ngoài của tôn giáo đều là hình thức, không kết quả. Xưa nay tôn giáo đã không có quyền năng biến đổi đời sống chúng ta. Tôn giáo lại giống như những xiềng xích trói buộc tâm linh chúng ta.
Chúng ta cần giải phóng linh hồn cho được tự do.
Chúng ta cần xác chứng niềm tin Đức Chúa Trời có một và thật. Chúng ta cần xây dựng mối liên hệ cá nhân với chính Đức Chúa Trời. Chúng ta phải mở lòng ra, phải nhận biết sự thiếu hụt của mình, và trở lại, cầu xin Đức Chúa Trời tha tội, cầu xin Đức Chúa Trời lấp đầy khoảng trống tâm hồn của chúng ta bằng chính sự hiện diện của Ngài.
Bạn phải nối lại mối liên hệ vốn bị đứt đoạn giữa bạn với Đức Chúa Trời. Bạn phải nhận biết Đức Chúa Trời là Cha, là Đấng có một và thật.
BIẾT ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ MỘT VÀ THẬT LÀ QUAN TRỌNG
Tổ phụ dân Do Thái là người đầu tiên phát hiện Đức Chúa Trời là Đấng có một và thật. Danh của Ngài là Đức Giê-hô-va, Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu. Và Con Một của Ngài là Chúa Giê-su nghĩa là “Đấng cứu dân mình ra khỏi tội.”
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
Ở đây Tây Phương rất khác Đông Phương. Đông Phương định nghĩa Ông Trời rất khác với Tây Phương. Ngay cả Danh của Ông Trời cũng khác. Tánh Ông Trời cũng khác. Phật Giáo không biết có Ông Trời hay không, cũng không cần biết đến Ông Trời. Khổng Giáo gọi Ông Trời là Thiên Tử, là Thượng Đế, là ông Vua ở trên trời. Lão Giáo gọi Ông Trời là Đạo, là Đạo Đức. Ấn Giáo thì tin có vô số Ông Trời, nước Ấn được gọi là Thiên đàng của các thần linh. Người Hoa không Thờ Trời, chỉ thờ người, chỉ cố gắng giữ gìn trật tự quân, sư, phụ để yên xã hội. Người Việt tin có Ông Trời nhưng chưa biết làm sao có mối liên hệ với Trời. Người Việt không biết Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương và thánh khiết. Người Việt bình dân còn sợ Trời hành, sợ Ma Quỷ ám. Xã hội Việt Nam có nhiều đất trống cho các tôn giáo, các tín ngưỡng dân gian.
Trong khi đó ở Tây Phương, người ta thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật. Mọi hiểu biết về Đức Chúa Trời được tỏ bày trong Kinh Thánh. Người Tây Phương đã đón nhận Kinh Thánh như là chân lý. Như là “ngọn đèn cho chân tôi, là ánh sáng cho đường lối tôi.” Kinh Thánh là đúng, không sai, không nghi ngờ, không lo sợ! Đó là lý do người ta đọc Kinh Thánh, tra cứu Kinh Thánh, phổ biến Kinh Thánh. Người tin Kinh Thánh còn muốn truyền bá Kinh Thánh như Lời Chúa ra cho cả loài người trên khắp thế giới.
Kinh Thánh nói chung với mọi người nhưng Kinh Thánh cũng nói riêng với mỗi một người, dù người đó ở đâu, thời xưa hay thời nay, không phân biệt trình độ, giai cấp, màu da, dân tộc. Kinh Thánh nói gì?
“Đức Chúa Jêsus đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa, mà không chép trong sách nầy. Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20: 30-31).
“Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-su Christ. Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, Nguyên bổn rằng: Cả Kinh-thánh đều chịu Đức Chúa Trời hà hơi vào có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:14-17).
Tôi đã đọc Kinh Thánh và đã tin những lời giáo huấn của Kinh Thánh. Tin có nghĩa là nhờ cậy và vâng lời. Đời sống của tôi đã thay đổi nhờ Kinh Thánh, số phận của tôi và cả gia đình tôi đã thay đổi nhờ tin và làm theo Kinh Thánh. Kinh Thánh giống như toa thuốc chữa lành. Kinh Thánh giống như một Thư Viện đầy đủ cho mọi ngành giáo dục. Kinh Thánh là học trường đào tạo đời sống tâm linh. Kinh Thánh đem lại sự khôn ngoan. Kinh Thánh là vũ khí chiến thắng tối tăm, chiến thắng sự chết, chiến thắng mọi ách nô lệ. Người Mỹ hay áp dụng câu nói nầy: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh.” Đây là một kinh nghiệm và lối sống khôn ngoan. Hãy chọn thức ăn, thức uống. Hãy biết ngăn ngừa vi trùng xâm nhập để khỏi mắc bệnh, như vậy bạn sẽ không phải tìm phương để chữa bệnh. Hãy sống sạch, vệ sinh, thánh khiết. Sống vui, sống khỏe, sống tin yêu hy vọng. Nhờ đó bạn sẽ sống lạc quan, sống đẹp, có ít bệnh và khi có bệnh bạn sẽ được chữa lành nhanh chóng.
Tôi suy nghĩ đến chữ biết. Bạn chỉ có thể gọi là biết khi bạn thực hành điều bạn biết. Hãy nhận biết điều quan trọng nhất.
BIẾT ĐỨC CHÚA GIÊ-SU LÀ CON MỘT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI GIÁNG THẾ
Bạn đã biết Chúa Giê-su chưa?
Kinh Thánh khẳng định,
“Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-su Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người” (1 Ti-mô-thê 2:5-6).
Chúa Giê-su là trung gian duy nhất giữa bạn và Đức Chúa Trời.
Chính Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta một lời hứa quan trọng như sau:
“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:25-30).
Rất đơn giản. Hãy đến với Chúa, hãy mang ách của Chúa, hãy học theo Chúa…
Để áp dụng nhu cầu thực tế nầy vào trong đời sống bạn, tôi xin báo với bạn một tin vui. Bạn không cần khổ công tu tập hay đi hành hương để tìm Chúa. Chính Chúa đang tìm bạn. Chúa muốn bước vào đời sống bạn và gia đình bạn ngay hôm nay. Chúa phán,
“Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta” (Khải Huyền 3:20).
Bạn đã biết tin vui nầy chưa? Bạn được quyền tự do mời hay không mời. Bạn có muốn mời Chúa ngự vào lòng bạn và bước vào gia đình bạn hôm nay không? Nếu câu trả lời của bạn là có, hãy cầu nguyện theo gợi ý sau:
Kính lạy Chúa, là Cha của con ở trên trời. Xin Chúa tha thứ cho con vì lâu nay con xa cách Chúa, hiểu lầm Chúa, phạm tội với Chúa mà không biết. Con tin Chúa là Đức Chúa Trời có một và thật. Con tin Chúa Giê-su là Con Một của Đức Chúa Trời đã giáng thế để chịu chết đền tội cho con. Ngài đã sống lại và đã thăng thiên ngự bên hữu Đức Chúa Trời. Con xin tiếp nhận Chúa Giê-su là Chúa, là Chủ cuộc đời con. Con xin mời Chúa ngự vào lòng con, mời Chúa bước vào gia đình con. Con cảm tạ Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của con và sẽ làm thành mọi lời hứa của Chúa trong đời sống của con. Xin ý Chúa được nên trên đời sống của con và xin Chúa sử dụng con làm chứng nhân cho Chúa. Kể từ hôm nay. A-men.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE
Bạn muốn được chỉ dẫn thêm con đường sự sống, hãy liên lạc với tôi hay với người nào đang thật lòng tỏ ra yêu mến bạn và muốn giúp bạn đọc Kinh Thánh để biết thêm về Đức Chúa Trời.