Thứ Bảy , 21 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Coronavirus “Dạy” Chúng Ta Điều Gì?

Coronavirus “Dạy” Chúng Ta Điều Gì?

Oneway.vn – Sáng nay tôi thức dậy ở Napoli, thành phố thứ ba ở Ý bị đóng cửa.

Mọi hoạt động tụ họp công cộng, bao gồm nhóm họp tại nhà thờ đều đã bị cấm. Đám cưới, đám tang bị hủy bỏ. Trường học, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng tập thể dục đều bị đóng cửa. Vợ chồng tôi vừa trở về sau chuyến mua sắm tạp hóa mất đến hai giờ đồng hồ do lượng người xếp hàng thanh toán quá dài.

Ý với hơn 70.000 ca nhiễm coronavirus gần 8.000 trường hợp tử vong và có lệnh là 60 triệu người dân Ý phải ở yên trong nhà trừ khi thực sự cần thiết phải ra ngoài.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta nên đối phó với cuộc khủng hoảng này như thế nào? Trả lời: với đức tin và không sợ hãi. Chúng ta phải nhìn vào “mắt bão” và hỏi: “Lạy Chúa, Ngài muốn con học điều gì qua đại dịch này?”

Dưới đây là 8 điều mà tất cả chúng ta cần học từ đại dịch coronavirus.

1. Con người thật mong manh

Cuộc khủng hoảng toàn cầu này dạy chúng ta rằng con người yếu như thế nào.

Tại thời điểm này, đã có gần 500.000trường hợp nhiễm coronavirus đã được báo cáo trên toàn thế giới, hơn 21.000 ca tử vong. Chúng ta đang cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây lan. Và tôi đoán rằng chúng ta hầu như tự tin là mình sẽ thành công.

Hãy tưởng tượng có một loại virus thậm chí còn hung dữ và dễ lây lan hơn coronavirus. Nếu phải đối mặt với một mối đe dọa như vậy, liệu chúng ta có thể ngăn chặn sự tuyệt chủng của chính loài người không? Câu trả lời rõ ràng là không. Chúng ta rất dễ quên điều này, nhưng sự thật là con người yếu đuối và mong manh vô cùng.

Lời Kinh Thánh chép: “Đời loài người như cây cỏ; Người sanh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; Gió [hay COVID-19] thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, Chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa.” (Thi thiên 103:15-16)

Làm sao để bài học về sự yếu đuối động chạm chúng ta? Có lẽ bằng cách nhắc nhở chúng ta rằng, đừng coi cuộc sống mình là điều hiển nhiên. “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan.” (Thi thiên 90:12)

2. Chúng ta hoàn toàn bình đẳng

Virus này không quan tâm đến sắc tộc, giàu nghèo hoặc biên giới quốc gia. Nó không phải là virus Trung Quốc; nó là virus của tất cả chúng ta. Nó ở Afghanistan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Pháp, Mỹ 197 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị nhiễm coronavirus.

Tất cả chúng ta đều là thành viên của đại gia đình nhân loại, được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa  Trời (Sáng thế ký 1:17). Màu da, ngôn ngữ, giọng nói và văn hóa của chúng ta không là gì trong mắt một loại virus truyền nhiễm.

Trong mắt thế gian, chúng ta khác nhau; nhưng đối với virus, chúng ta hoàn toàn giống nhau.

Trong nỗi lo sợ, nỗi đau mất người thân, chúng ta hoàn toàn giống nhau, yếu đuối và không tìm thấy giải pháp.

3. Chúng ta không nắm quyền kiểm soát

Tất cả chúng ta đều thích nắm quyền kiểm soát. Chúng ta muốn bản thân là “thuyền trưởng” cuộc đời mình, chủ nhân của số phận mình. Hơn bao giờ hết, thực tế là ngày nay, chúng ta có thể kiểm soát những phần quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta có thể điều khiển hệ thống sưởi ấm và bảo mật từ xa; có thể giao dịch tiền bạc trên khắp thế giới chỉ bằng một cú nhấp chuột; thậm chí có thể kiểm soát cơ thể mình thông qua y học.

Nhưng thật ra cảm giác kiểm soát này chỉ là ảo tưởng, tan như “bong bóng xà phòng” khi coronavirus xuất hiện, phơi bày thực tế phũ phàng rằng chúng ta không hề nắm quyền kiểm soát.

Bây giờ tại Ý, các nhà chức trách đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus này bằng cách  đóng, rồi mở, rồi lại đóng cửa mọi trường học. Liệu họ có kiểm soát được tình hình không?

Còn chúng ta thì sao? Với chai thuốc xịt khử trùng trong tay, chúng ta cố gắng giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh. Việc này không có gì sai. Nhưng liệu chúng ta có kiểm soát được tình hình không?

4. Nỗi đau chúng ta phải chịu khi bị xa lánh

Vài ngày trước, một tín đồ Hội thánh chúng tôi đã đi đến miền bắc nước Ý. Khi trở về Napoli, cô không được ăn tối với các đồng nghiệp. Họ nói rằng tốt hơn cô không nên ăn cùng vì đã đi lên phía bắc, mặc dù nơi cô đến không có bất kỳ dấu hiệu nào của coronavirus. Sự xa lánh này đã làm tổn thương cô ấy.

Một chủ nhà hàng 55 tuổi đến từ trung tâm thành phố Naples đã bị cách ly gần đây. Được thử nghiệm dương tính với COVID-19, anh vẫn cảm thấy khá ổn về thể chất, nhưng lại rất buồn vì phản ứng của những người hàng xóm: Chuyện làm anh đau đớn hơn cả chẩn đoán dương tính với coronavirus là cách người xung quanh đối xử với anh và gia đình anh (theo báo Il Mattino, ngày 2 tháng 3 năm 2020).

Bị xa lánh và cô lập không phải là việc dễ dàng, vì chúng ta được tạo ra không phải để ở một mình. Nhưng nhiều người bây giờ đang phải đối mặt với sự cô lập. Đó là điều mà cộng đồng người bị phong cùi trong thời Chúa Jêsus đã trải nghiệm rất rõ. Họ buộc phải sống một mình, gặp ai thì phải la lên “Ô uế! Ô uế!” (xem Lê-vi-ký 13:45).

5. Sự khác biệt giữa sợ hãi và tin cậy

Bạn phản ứng như thế nào trong cuộc khủng hoảng này? Chúng ta dễ lắm sợ hãi. Cảm giác dường như coronavirus tồn tại ở mọi nơi: trên bàn phím máy tính, trong không khí, trong mọi tiếp xúc vật lý và xung quanh mọi ngóc ngách, rình rập để lây nhiễm cho chúng ta. Có phải chúng ta đang hoảng loạn?

Có lẽ đại dịch đang thách thức chúng ta: hãy phản ứng bằng đức tin và không sợ hãi. Không phải tin cậy vào những điều viển vông hoặc một vị thần mà ta không biết. Nhưng là đức tin chắc chắn vào Đức Chúa Jêsus Christ, Người chăn hiền lành, cũng là Đấng đã phục sinh và hằng sống.

Chắc chắn chỉ có Chúa Jêsus mới nắm quyền kiểm soát tình huống này; chỉ duy Ngài mới có thể dẫn dắt chúng ta vượt qua cơn bão này. Ngài kêu gọi chúng ta tin cậy và không sợ hãi.

6. Chúng ta cần Chúa và sự cầu nguyện

Giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu, làm sao để tạo ra sự khác biệt? Chúng ta thường cảm thấy mình rất nhỏ bé và tầm thường.

Nhưng vẫn có một điều mà chúng ta có thể dự phần: kêu cầu Cha trên thiên đàng.

Xin cầu nguyện cho chính quyền lãnh đạo quốc gia và thành phố chúng ta. Xin cầu nguyện cho các nhân viên y tế trên mặt trận điều trị bệnh. Xin cầu nguyện cho những người nam, người nữ và trẻ em bị nhiễm bệnh, những người sợ ra khỏi nhà, những người sống trong vùng dịch, những người có nguy cơ cao do mắc các bệnh lý nền khác và những người già. Hãy cầu xin Chúa bảo vệ và giữ gìn chúng ta. Hãy cầu xin Chúa bày tỏ cho chúng ta lòng thương xót Ngài.

Hãy cầu xin Chúa Jêsus mau mau trở lại, để Ngài đưa chúng ta đến với quê hương mới mà Ngài đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta, một nơi không còn nước mắt, sự chết, tang tóc, khóc lóc hay đau đớn (Khải huyền 21: 4) .

7. Những điều thuộc về thế gian chỉ là hư không

“Người truyền đạo nói: Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không” (Truyền đạo 1:2). Chúng ta rất dễ đánh mất tầm nhìn giữa guồng quay điên cuồng của cuộc sống. Mỗi ngày đầy ắp những dự án, công trình, nhu cầu, nhà cửa, gia đình, lễ lộc… thật khó khăn để phân biệt đâu là quan trọng và đâu là khẩn cấp. Chúng ta đánh mất chính mình ngay giữa cuộc đời của chúng ta.

Có lẽ đại dịch này muốn cho chúng ta thấy điều gì là quan trọng trong cuộc sống, và điều gì là chỉ phù phiếm. Nó giúp chúng ta phân biệt được điều ý nghĩa và điều vô nghĩa. Có lẽ giải bóng đá Ngoại hạng Anh, hay căn bếp mới, hoặc số lượt thích bài Instagram… không phải là điều cấp thiết cho sự sống còn của tôi. Coronavirus đang dạy chúng ta điều gì mới thực sự quan trọng.

8. Hy vọng của chúng ta 

Câu hỏi quan trọng nhất hiện nay không phải là: “Hy vọng của bạn là gì khi đối mặt với coronavirus?” Bởi vì Chúa Jêsus đến để cảnh báo chúng ta về sự hiện diện của một loại “virus” gây chết người và lan rộng hơn rất nhiều, đã tấn công mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Loại virus này không chỉ gây ra cái chết thể xác, mà còn là cái chết đời đời. Loài người chúng ta đang sống trong sự kìm kẹp của “đại dịch tội lỗi”. Vì thế câu hỏi quan trọng nhất: “Hy vọng của bạn là gì khi đối mặt với virus tội lỗi?”

Kinh Thánh kể câu chuyện về một Đấng bước vào thế giới bị nhiễm virus tội lỗi. Ngài sống giữa những người bệnh, không mặc đồ bảo hộ, Ngài hít thở cùng bầu không khí với chúng ta, ăn cùng một loại thức ăn như chúng ta. Ngài hy sinh trên thập tự giá trong sự cô lập, bị chính những người thân yêu, thậm chí chính Cha Ngài xa lánh, để rồi từ đó Ngài có thể mang đến cho thế giới bệnh tật này phương thuốc chữa trị cho virus tội lỗi. Ngài có thể chữa lành chúng ta và ban cho chúng ta sự sống đời đời.

“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng?” (Giăng 11:25-26)

Bài: Make Oden; dịch: Hồng Nhạn

(nguồn: thegospelcoalition.org

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn