Một người Việt tại Mỹ viết về Lễ Tạ Ơn:
Hôm nay xem lại bức tranh cũ từ Chủ Nhật, 21 Tháng Năm, 2017 trên mục “The Family Circus” của họa sĩ nổi tiếng Bill Keane, tôi thấy cảnh người mẹ dạy các con phải luôn luôn nhớ các câu “làm ơn – please” và “cám ơn – thank you.” Nhân ngày Lễ Tạ Ơn sắp đến, tôi cũng muốn nói lời cảm tạ đến Thượng Đế, ông bà, cha mẹ, thầy cô, ân nhân và cũng không quên cám ơn ông xã cũng như nước Mỹ mến yêu đã cho tôi cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi cũng xin cảm ơn chân thành đến những người quen, chưa quen, bạn bè “ảo” đã đóng góp ý kiến về những bài viết vừa qua của tôi.
Trở lại chuyện tạ ơn, tôi nhớ trong Kinh Thánh Tân Ước, sách Phúc Âm của Thánh Luca (St. Luke) ở chương 17, câu 17 cũng có nhắc đến 10 người phong cùi được Chúa Jesus trị hết bịnh, nhưng chỉ có một người ngoại Samaritan trở lại cám ơn Chúa. Chúa hỏi còn 9 người kia đâu, sao không trở lại cám ơn Chúa. Bởi thế chúng ta nên luôn luôn cám ơn những ân sủng mà ta nhận được.
Văn hóa Á Đông dường như không thích nói cám ơn, không muốn nhận ơn ai. Bởi thế trước kia quà gởi về Việt Nam đôi khi cho ai không biết có tới tay họ không, vì ít bao giờ được thơ cám ơn. Người da màu bản xứ ở đây cũng rất “hà tiện” từ “cám ơn,” vì dường như gia đình họ cũng không dạy con cái điều nầy. Tôi còn nhớ đã lâu, được đọc một bài trong sách thiền không nhớ rõ địa điểm và tên nhân vật, đại khái chuyện kể về một vị thương gia tặng một số tiền rất lớn cho chùa nhưng không được vị thiền sư nhắc nhở hay cám ơn nên ông có ý nhắc khéo thiền sư thì được thiền sư nói rằng, “Lẽ ra ông phải cám ơn chùa, cám ơn tôi vì nhờ vậy mà ông mới có cơ hội cúng dường, dâng hiến, vậy tại sao tôi phải cám ơn ông?” Thì ra hai nền văn hóa Đông, Tây thật khác biệt. Văn minh Tây phương coi trọng lòng bác ái, giúp đỡ mọi người.
Người Việt Nam chúng ta ở đây bây giờ làm rất nhiều việc tốt trong mùa Lễ Tạ Ơn và Lễ Giáng Sinh. Dịp này các cơ quan từ thiện gởi thư xin giúp đỡ trẻ em, cựu thương bệnh binh, gia đình kém may mắn, người vô gia cư… Với tinh thần yêu thương đồng loại (caritas generis humani) nên người Mỹ đi giúp các quốc gia trên thế giới rất nhiều, phải chăng cách cho không bằng của cho hay thế nào đó mà người Mỹ luôn bị “chán ghét”? Bây giờ chánh phủ Mỹ “co cụm” lại vì không đủ sức lo chuyện “bao đồng” toàn thế giới, thì bị ghét bỏ. Tôi không hiểu tại sao thế giới làm khó với người Mỹ như vậy. Tôi cũng không là người cuồng “fan fanatic” của Tổng Thống Trump, nhưng ông chủ trương lo cho dân Mỹ trước tiên.
Trở lại chuyện ngày Lễ Tạ Ơn, đây là ngày lễ lớn nhất của năm. Theo luật định được ký bởi Tổng Thống Abraham Lincoln thì đó là ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư vào Tháng Mười Một. Thông thường các công sở được nghỉ liên tiếp 4 ngày, trừ nha bưu điện và ngân hàng. Con cháu ở xa thường về sum họp với gia đình cũng như ngày Tết thiêng liêng của chúng ta. Khoảng thập niên 80 thế kỷ trước, vào ngày Thứ Năm tất cả các hàng, tiệm ăn đều đóng cửa cho nhân viên nghỉ, chỉ cửa hàng bách hóa thì chuẩn bị hàng hóa để mở cửa thật sớm 4 hoặc 5 giờ sáng vào ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday), khách hàng sắp hàng từ tối hôm trước để được mua những món hàng vô cùng rẻ. Dần dần thương mại hóa nên bây giờ có nhiều cửa hàng mở cửa vào chiều Thứ Năm, thậm chí có tiệm mở luôn ngày Thứ Năm để thu đô la. Hoặc có những tiệm bán “pre Black Friday” từ những ngày đầu Tháng Mười Một. Xứ sở sống vì thương mại mà các bạn.
Trong năm đầu tiên ở Mỹ, tôi đi làm ở hãng điện tử thành phố West Palm Beach, tiểu bang Florida. Vào dịp Lễ Tạ Ơn, hãng tặng mỗi nhân viên một con gà tây. Các chị Mỹ đen, trắng, Cuban thích lắm. Phần tôi đem về nhà một con gà tây nặng như tảng băng, không biết làm sao nấu vì xoong nồi quá nhỏ. Bà Joyce chủ nhà người Mỹ trắng bảo để đó, xả đá, bà sẽ đến dạy nấu. Tôi như “vịt nghe sấm,” chả hiểu gì cả, nên chờ gà vừa tan đá thì hì hụt chặt đứt từng phần nhỏ cho bà già Mỹ tới làm đỡ cực. Nào ngờ đến ngày Thứ Tư trước ngày lễ bà mang gia vị, stouffing đến, thì “ngỡ ngàng” vì thấy anh gà tây bị chặt từng khúc. Thế là tôi đành phải để đó làm gà tây… 7 món như nấu cà ri, gà nấu cam, nấu rượu vang, kho xả, xé phay, rôti hay nấu ragu. Bao nhiêu món ăn Tây, Tàu, Việt thời “hoàng kim” lúc còn ở Việt Nam tôi moi trong trí nhớ ra để có dịp trổ tài cho chàng thưởng thức trong vòng… 4 tháng, cho đến ngày giã từ vùng Florida hiền hòa xuôi miền Viễn Tây Cali. Ước gì ngày đó có Internet, Youtube như bây giờ thì đỡ thân em. Kể từ đó đến nay đúng 40 năm, mỗi khi thấy gà tây thì anh vội nói “đừng nấu nữa nha em.” Thật là quê xệ.
Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên ở Mỹ, chúng tôi được ông bà sponsor mời đến nhà dự tiệc, ăn gà tây đút lò, cùng khoai tây tán, đậu vert, kèm mứt cranberry, và bánh bí rợ (pumpkin pie). Người Mỹ thích thú với những món ăn truyền thống nầy. Trong lúc người mình nướng gà tây theo kiểu Việt nam, ướp gia vị ngũ vị hương đậm đà, thơm, hạp khẩu vị nên ngon hơn nhiều.
Sau Lễ Tạ Ơn đến ngày Thứ Hai gọi là Cyber Monday là ngày thiên hạ đua nhau mua hàng trên mạng. Nhiều lúc quá “hot,” giờ cao điểm máy điện tử bị đóng băng. Đúng là xã hội tư bản, ai cũng thi nhau mua hàng hiệu, hàng sale, đem về nhà chật, chất đóng, không có chỗ chứa, phải để trong nhà xe, hay thuê phòng chứa đồ (storage). Người ta lại nói đùa chuyện chỉ có ở Mỹ, hàng hóa vài chục đô thì để chật nhà xe, trong lúc xe giá đáng hàng vạn đô thì để ngoài đường phơi sương cùng bụi, bão, tuyết… Sau mùa lễ, những người mua quà, được quà, thì cùng nhau… lại sắp hàng ra các tiệm bách hóa để trả hàng, đổi hàng. Tôi rất thích xem các phóng sự trên TV về các cảnh nhộn nhịp này, thú vui rẻ tiền của tôi.
Tôi mới tìm được thêm một bức hí họa trên tờ The Orange County Register vào ngày Thanksgiving 2006 vẽ cảnh Tổng Thống George W.Bush đang nướng gà tây bị phát cháy, tay đang cầm sách dạy nấu ăn, miệng gọi “Ba – Dad” cầu cứu. Vì thời điểm đó T.T Bush (con) bị báo chí “chọc quê” là ông lệ thuộc vào những người từng phục vụ cho T.T Bush (cha). Chuyện chỉ có tại Mỹ vì dân chúng “chọc phá dí dỏm tổng thống mà không bị ‘ủ tờ.’”
Thân chúc mọi người một mùa Lễ Tạ Ơn tràn đầy ơn phước và nồng ấm bên gia đình, bên bạn bè.
Be thankful, be cheerful, be safety, and be happy.
Happy Thanksgiving 2019. (Lâm Túy-Mĩ)