4D là viết tắt của 4 dimensional, có nghĩa là bốn chiều, trong thuật ngữ Kpop, 4D được dùng để miêu tả những ngôi sao điện ảnh, thể thao, ca nhạc…. sở hữu tính cách độc, lạ, nói cách khác là rất cá tính, khác biệt, lập dị so với những ngôi sao khác.
Những người 4 D là mẫu người có tính cách khác thường và khó hiểu. 4-D là một mô hình không gian, bao gồm ba chiều không gian và một chiều thời gian. Một số nhà khoa học cho rằng, bốn chiều này đi song song với nhau. 3-D thì ai cũng biết cả, nhưng 4-D thì rất ít người biết, ít ai nhắc đến chiều thời gian lắm. Người có tính cách 4-D là người khác người thường. Họ có những thứ hơn cả người bình thường.
Cơ đốc nhân có những thử thách 4 D sau đây, khi vượt qua được thì họ là những con người 4 D. Tuy nhiên họ vẫn là những con người bình thường sẵn lòng để Chúa thực hiện những việc “không bình thường” trong đời sống của họ. Sau đây là những căn bản về 4 D cho Cơ đốc nhân.
- ĐÒI HỎI CỦA CHÚA (mạng lệnh từ Chúa)
Ma-thi-ơ 28:19-20 ghi chép lại Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-su: “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.” Chúa Giê-su ban mạng lệnh này cho các sứ đồ ngay trước khi Ngài thăng thiên, và hai câu Kinh Thánh khắc họa cơ bản điều Chúa mong đợi các sứ đồ và tất cả những người theo Ngài sẽ làm trong khi đợi Ngài trở lại.
Điều thú vị là trong tiếng Hi Lạp gốc, mạng lệnh cụ thể nhất trong Ma-thi-ơ 28:19-20 là “khiến muôn dân trở nên môn đồ ta.” Đại Mạng Lệnh dạy chúng ta môn đệ hóa muôn dân trong khi chúng ta còn ở trên đất và trong cuộc sống hàng ngày của mình. Vậy chúng ta môn đệ hóa như thế nào? Bằng cách báp-tem và dạy dỗ họ điều Chúa đã truyền. “Khiến muôn dân trở nên môn đệ ta” là sứ mệnh chúng ta cần phải thực hiện theo Đại Mạng Lệnh. “Trong khi các ngươi đi”, “báp-têm” và “dạy dỗ” là phương cách chúng ta dùng để làm trọn mạng lệnh môn đệ hóa.
Có nhiều người cũng cho rằng Công Vụ 1:8 là một phần của Đại Mạng Lệnh, “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất.” Chúng ta thực hiện Đại Mạng Lệnh bởi năng quyền của Đức Thánh Linh. Chúng ta phải trở thành chứng nhân của Đấng Christ, làm trọn vẹn Đại Mạng Lệnh trong thành phố mình sống (Giê-ru-sa-lem), trong đất nước chúng ta sống (Giu-đe và Samari) và bất cứ nơi nào Chúa sai chúng ta đi (đến tận cùng trái đất).
- ĐỢI CHỜ (kiên nhẫn chờ đợi thời điểm, sự trả lời của Chúa)
Hỡi linh hồn ta, hãy nghỉ an nơi Đức Chúa Trời, vì niềm hi vọng ta đặt nơi Ngài. – Thi. 62 :5
Cha Sa-soon, một phụ nữ Hàn Quốc 69 tuổi, cuối cùng đã nhận được bằng lái xe sau 3 năm cố thi đỗ phần thi viết. Bà muốn được chở cháu mình đi sở thú chơi.
Bà bền bỉ trong những gì thường chỉ thuộc về đời này. Khi muốn có điều gì và không thể có được, chúng ta hay than phiền và đòi hỏi. Cũng có lúc, chúng ta lại bỏ cuộc và ngưng lại nếu những gì chúng ta muốn có lại không có được một cách nhanh chóng. Chúng ta ghét phải nghe từ “Đợi”. Tuy nhiên, nhiều lần Kinh Thánh lại nói Chúa muốn chúng ta trông đợi đúng thời điểm của Ngài.
Trông đợi Chúa có nghĩa là kiên nhẫn chờ đợi Chúa đáp lời cho những nhu cầu của chúng ta. Đa-vít hiểu vì sao chúng ta phải chờ đợi Đức Chúa Trời. Thứ nhất, sự cứu rỗi đến từ Ngài (Thi. 62:1). Ông biết không ai có thể cứu mình. Hy vọng duy nhất đặt nơi Chúa (c.5), vì chỉ Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta (c.8).
Lời cầu nguyện của chúng ta thường quanh quẩn trong việc hối thúc Chúa nhanh chóng ban phước cho những việc chúng ta làm. Nếu câu trả lời của Chúa là: “Hãy kiên nhẫn! Chờ đợi Ta!” thì sao nhỉ? Vậy chúng ta có thể cầu nguyện như Đa-vít: “Đức Giê-hô-va ôi! Buổi sáng Ngài nghe tiếng con; buổi sáng con dâng lời khẩn nguyện và đợi chờ” (Thi. 5:3). Chúng ta có thể tin nơi sự đáp lời của Ngài, ngay cả khi sự trả lời đó không đến đúng thời điểm chúng ta mong đợi.
Khi con cầu khẩn danh Ngài
Và chờ lời đáp chẳng sai của Ngài
Xin cho con vững tâm hoài
Giúp con cảm ái tình Ngài cho con. —Sper
- ĐAU THƯƠNG (chấp nhận đau thương, chịu khổ vì Phúc âm)
Kinh Thánh nói rất nhiều về sự chịu khổ vì Đấng Christ. Trong kỷ nguyên Tân Ước đã được viết ra, những người theo Chúa Giê-su thường bị gia đình và cộng đồng tẩy chay họ. Một số cuộc bách hại tồi tệ nhất đến từ các nhà lãnh đạo tôn giáo (Công-vụ 4:1-3). Chúa Giê-su đã phán với những người theo Ngài, “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy” (Ma-thi-ơ 5:10). Ngài nhắc nhở các môn đồ của Ngài rằng: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi” (Giăng 15:18).
II Ti-mô-thê 3:12 nói, “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-sus Christ, thì sẽ bị bắt bớ”. Cũng như trong thời Kinh Thánh, nhiều Cơ Đốc Nhân ngày nay đã nhận thấy rằng việc tuyên xưng đức tin nơi Đấng Christ có thể dẫn đến hình phạt tù, đánh đập, tra tấn hoặc chết chóc (Hê-bơ-rơ 11:32-38, 2 Cô-rinh-tô 12:10, Phi-líp 3:8; Công Vụ 5:40). Thường thì những người trong chúng ta ở các quốc gia tự do phải run bắn lên khi nghĩ đến nó, nhưng chúng ta cảm thấy tương đối được an toàn. Chúng ta hiểu rằng có hàng ngàn người chịu khổ hàng ngày vì Đấng Christ và chúng ta biết ơn vì chúng ta không phải chịu như vậy. Nhưng liệu chỉ có một loại bách hại mà thôi?
Chúa Giê-su đã tuyên bố rõ ràng điều đó có ý nghĩa gì để bước đi theo Ngài: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu. Nếu ai được cả thiên hạ, mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì? “(Lu-ca 9:23-25). Sự hiểu biết hiện nay của chúng ta về cụm từ “vác thập tự giá mình mà theo ta” thường không đầy đủ. Trong thời Chúa Giê-su thập tự giá luôn tượng trưng cho cái chết, khi một người đã vác thập tự giá, anh ta đã bị kết án phải bị chết trên nó, để theo Ngài, người ta phải sẵn lòng chết. Không phải tất cả chúng ta sẽ bị giam, đánh đập, hoặc bị tra tấn vì đức tin của chúng ta. Như vậy loại cái chết nào Chúa Jesus đã có ý nói đến?
Phao lô giải thích trong Ga-la-ti 2:20: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”. Bước theo Đấng Christ có nghĩa là chúng ta làm chết đi con người củ với những việc làm. Chúng ta để ý chí của chúng ta, các quyền của chúng ta, niềm đam mê của chúng ta và mục tiêu của chúng ta phải bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài. Quyền tự quyết định cuộc đời của chúng ta đã chết trong chúng ta (Phi-líp 3:7-8). Sự chết liên quan đến sự chịu khổ. Xác thịt không muốn chết. Chết bản ngã gây đau đớn và đi ngược với xu hướng tự nhiên của chúng ta để tìm kiếm niềm vui thỏa riêng cho chính mình. Nhưng chúng ta không thể bước theo cả hai — Đấng Christ và xác thịt (Lu-ca 16:13, Ma-thi-ơ 6:24, Rô-ma 8: 8). Chúa Giê-su đã phán: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.” (Luca 9:62).
Phao-lô phải chịu khổ nhiều hơn hết vì Chúa Giê-su. Ông nói điều này với các Cơ Đốc Nhân tại thành Phi-líp: “Vì nhờ Chúa Cứu Thế anh chị em đã được ban ân sủng không những để tin Ngài mà thôi nhưng cũng chịu khổ vì Ngài nữa.” (Phi-líp 1:29). Từ “ân sủng” ở đây có nghĩa là “bày tỏ lòng khoan dung, ban cho vô điều kiện như một món quà.” Phao lô không phải là chịu khổ như một sự nguyền rủa, nhưng như là một lợi ích.
Chịu khổ có thể có nhiều hình thức. Bằng việc chọn vâng theo Chúa Giê-su Christ, chúng ta đang đặt mình vào cuộc chiến (sự xung đột) với thế gian. Ga-la-ti 1:10 nói, “Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.” Bằng cách bám chặt vào những lời dạy của Kinh Thánh, chúng ta tự loại bỏ chính mình, sự nhạo báng, cô đơn, hoặc sự phản bội. Thông thường, sự bách hại tàn độc đến từ những người tự coi mình là thuộc linh, nhưng đã xác định Đức Chúa Trời theo ý tưởng của họ. Nếu chúng ta chọn cách đứng về sự công bình và chân lý theo Kinh thánh, hãy tin chắc rằng chúng ta sẽ chịu sự hiểu lầm, chịu sự nhạo báng, hoặc tồi tệ hơn. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng không có mối đe dọa nào của sự chịu khổ đã ngăn cản các sứ đồ không giảng dạy về Đấng Christ. Thật vậy, Phao-lô nói rằng đánh mất đi mọi thứ thật đáng giá “tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài” (Phi-líp 3:10). Công-Vụ Các Sứ Đồ 5:40-41 miêu tả phản ứng của các sứ đồ sau khi họ bị đánh đập vì rao giảng về Chúa Giê-su: “Các sứ đồ từ tòa công luận ra, đều hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Giê-su.”
Chịu khổ dưới một hình thức nào đó luôn luôn là một phần của việc trở thành một người chân thật bước theo Đấng Christ. Chúa Giê-su nói rằng con đường dẫn đến sự sống thì hẹp (Ma-thi-ơ 7:14). Sự chịu đựng gian khổ của chúng ta cũng là một cách xác định với sự chịu khổ của Ngài theo một cách thu nhỏ.
Chúa Giê-su đã phán rằng nếu chúng ta chối Ngài trước mặt người ta, Ngài sẽ chối bỏ chúng ta trước mặt Cha của Ngài ở trên trời (Ma-thi-ơ 10:33, Lu-ca 12:9). Có nhiều cách tinh vi để chối bỏ Đấng Christ. Nếu những hành động, lời nói, cách sống của chúng ta, hoặc những lựa chọn giải trí không phản ánh ý muốn của Ngài, chúng ta đang chối bỏ Đấng Christ. Nếu chúng ta tuyên bố nhận biết Ngài nhưng sống như thể chúng ta đã không làm, thì chúng ta đang chối bỏ Đấng Christ (1 Giăng 3:6-10). Nhiều người chọn những hình thức đó để chối bỏ Đấng Christ vì họ không muốn chịu khổ cho Ngài.
Thường thì sự chịu khổ lớn nhất của chúng ta đến từ bên trong khi chúng ta chiến đấu để giữ vững đối với một tấm lòng mà nó phải chết đi bản ngã của mình và đầu phục vào sự chiếm hữu của Đấng Christ (Rôma 7:15-25). Trong bất kỳ hình thức nào sự chịu khổ đến, chúng ta nên ôm lấy nó như là một huy hiệu danh dự và một đặc ân mà chúng ta, giống như các sứ đồ, “đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì Danh của Ngài.”
- ĐỒNG TIỀN (sự cám dỗ của Ma-môn)
“Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.” (1 Ti-mô-thê 6:10)
Câu Kinh thánh trên thường được trích dẫn hoặc giải thích sai; chúng ta hoàn toàn không đúng khi nói tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Chúa vẫn yêu người giàu có nhưng Chúa không vui lòng khi chúng ta có lòng tham tiền. Sa-tan mới thật sự là căn nguyên của mọi điều ác. Phao-lô đã cảnh báo rằng “có kẻ đeo đuổi nó (tiền bạc) mà lìa bỏ đức tin” và sau đó họ “chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối” bởi khi đã giàu có rồi, họ phát hiện ra rằng tiền bạc không mang lại hạnh phúc cho họ.
Chúa không chống cự lại người giàu
Chúa Giê-su phán rằng:
“Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời. Các môn đồ nghe điều nầy, thì vô cùng kinh ngạc và nói rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu? Đức Chúa Jêsus nhìn họ và phán: “loài người không thể làm được điều nầy, nhưng Đức Chúa Trời làm được mọi sự.” (Ma-thi-ơ 19:24-26).
Chúa Giê-su không nói rằng người giàu không thể vào nước thiên đàng nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều vì khi họ giàu sang, họ có tất cả những gì họ cần và không cảm thấy cần đến Chúa nữa. Nghĩa là tiền bạc trở thành chúa của họ, đáp ứng mọi nhu cầu và ham muốn, cho họ cuộc sống tiện nghi, thoải mái nhưng:
“Kẻ ham tiền bạc chẳng bao giờ thỏa mãn về tiền bạc; kẻ ham của cải chẳng bao giờ thỏa mãn về lợi nhuận.” (Truyền đạo 5:10)
Trong Hội Thánh, có rất nhiều người giàu có dâng hiến và hỗ trợ cho công việc Chúa. Họ sử dụng khôn ngoan những lợi nhuận Chúa ban cho và để Chúa làm chủ trên của cải của mình. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng Áp-ra-ham là một người giàu có và thịnh vượng nhưng ông đã sử dụng tài chính của mình với một tấm lòng rộng rãi.
Thái độ và tấm lòng khi dâng hiến
Rất nhiều người được Chúa cảm động và dâng hiến cho Chúa nhiều hơn so với số tiền họ đang có hoặc sử dụng.
Đức Chúa Jêsus ngồi đối diện với thùng lạc hiến, và quan sát dân chúng khi họ bỏ tiền vào thùng. Nhiều người giàu bỏ vào rất nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến, bỏ vào thùng hai đồng tiền nhỏ, trị giá một phần tư xu. Ngài gọi các môn đồ đến và bảo: “Thật, Ta bảo các con, bà góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào thùng lạc hiến nhiều hơn tất cả những người khác. Vì những người khác lấy tiền dư bạc thừa mà dâng; còn bà góa nầy, rất nghèo túng nhưng đã dâng hết những gì mình có, là tất cả những gì để nuôi sống mình.” (Mác 12:41-44).
Ai đã dâng nhiều hơn? Người giàu hay người đàn bà góa? Về số tiền thì người giàu có dâng nhiều hơn; nhưng về tấm lòng thì bà góa dâng nhiều hơn. Bà dâng hết số tài sản mình có và có niềm tin rất lớn về sự cung ứng của Chúa cho những nhu cầu của mình. Vì vậy, Chúa không quan trọng bạn dâng cho Chúa bao nhiêu, mà thái độ và tấm lòng bạn dâng hiến thế nào?
🙂
Admin tổng hợp từ bài giảng của Mục sư Nguyễn Đức Nhân
🙂
Các tài liệu được trích dẫn từ:
Odb.org
Gotquestions.org
hoithanhhanoi.com