Nhầm Lẫn Điều Ưu Tiên
Cuối cùng, người có lương tâm yếu đuối nhầm lẫn về điều ưu tiên. Họ tập trung vào những vấn đề bên ngoài chứ không phải những vấn đề bên trong và cuộc sống đời đời. Rô-ma 14:17 nói rằng, “Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy.” Những thánh đồ yếu đuối có một danh sách những luật lệ, và quy tắc liên quan đến việc ăn gì và không được ăn gì, đi đâu và không được đi đâu. Nhưng Phao-lô nói rằng những thứ bề ngoài đó không phải là những điều quan trọng. Chúng là sản phẩm phụ của những gì Chúa đã làm trong tâm hồn của bạn. Vì thế đừng để điều ưu tiên của bạn bị xáo trộn.
Một vài người có ý kiến rằng những người theo những luật lệ cứng nhắc và quy tắc mới là những người có lương tâm mạnh mẽ, và người nào yêu thích sự tự do trong Chúa là những người có lương tâm yếu đuối. Nhưng trái lại là đằng khác! Những người có lương tâm mạnh mẽ thường có lòng khoan dung với những khác biệt mà anh ấy nhìn thấy ở người khác. Người có lương tâm mạnh mẽ thường không dễ bị vấp phạm, hoặc là bị vấp ngã bởi những gì người khác nói và làm. Người có lương tâm yếu đuối là người khi thấy một điều gì đó trong tạp chí mà anh ta không thích là liền cổ xúy bãi bỏ việc đặt mua tạp chí. Cơ Đốc Nhân có lương tâm yếu đuối là loại người mà khi họ nghe thấy một bài hát họ không thích là bỏ nhà thờ đi về hoặc ngừng ủng hộ cho chương trình phát thanh về mục vụ. Người có lương tâm yếu đuối là người nghe một diễn giả sử dụng cách diễn giải khác với cách mà anh ta ưa thích, anh ta sẽ bỏ nhóm. Người như vậy chẳng có gì gọi là thuộc linh cả; anh ta cần phải học tập nhiều hơn để trưởng thành.
Nguyên Nhân Của Một Tâm Linh Yếu Đuối
Đây là đề mục thứ hai của chúng ta: Nguyên nhân gây ra một lương tâm yếu đuối là gì? Tại sao mọi người trong các Hội Thánh lại dễ dàng rơi vào tình trạng chỉ trích người khác, không kiên định và tuân giữ luật pháp cách tuyệt đối? Cái gì gây ra điều này? Tôi nghĩ rằng điều cơ bản là họ chưa trưởng thành. Tôi nghĩ rằng những người này sợ sự tự do. Có lẽ họ đã được nuôi lớn theo cách này. Một vài người được nuôi dưỡng trong những ngôi nhà đầy dẫy những nguyên tắc và họ không có sự tự do của Chúa trong đời sống mình. Một vài người cần được hỗ trợ ngay lập tức. Họ phải được nâng đỡ để giữ vững đức tin. Nói thẳng ra họ chỉ là những đứa trẻ.
Người có lương tâm yếu đuối có vẻ ngây thơ như trẻ con nhưng thực ra họ cư xử như trẻ con. Thật tuyệt vời khi một đứa trẻ bám lấy mẹ nó. Nhưng thật là kinh khủng khi một người 40 tuổi bám lấy một đống những luật lệ, quy tắc. Nói một cách tóm gọn là thiếu sự hiểu biết về thuộc linh.
Trong I Cô-rinh-tô 8 Phao-lô nói rất rõ rằng sự hiểu biết, tình yêu thương và lương tâm phải gắn liền với nhau. Chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết thì chúng ta cũng rèn luyện tình yêu thương, chúng ta trưởng thành trong Chúa và phát triển một lương tâm mạnh mẽ.
Hê-bơ-rơ 5:12-14 đã tóm tắt khá tốt tình huống này: “Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.” Nói cách khác, khi con cái của Chúa được nuôi dưỡng bằng lời Chúa (thức ăn) và tuân theo lời Ngài (rèn luyện) thì người đó sẽ trưởng thành. Lương tâm sẽ trưởng thành khi nó được rèn luyện.
Bạn cản trở lương tâm trưởng thành như thế nào? Theo những gì mà người khác nói bạn phải nói gì, làm gì. Có một danh sách những luật lệ và quy tắc, một vài tiêu chuẩn bên ngoài (khác với tiêu chuẩn của Kinh Thánh) sẽ hướng dẫn bạn để đưa ra quyết định.
Chúng tôi vui mừng là được nuôi dưỡng bốn đứa con. Khi chúng còn nhỏ, chúng tôi cũng có những luật lệ và quy tắc. Chúng tôi phải nói rằng: “Con không được ra đường lớn. Đừng mở cửa hậu, em con có thể bị té xuống cầu thang. Con không được để dao trên bàn. Em con có thể cầm dao và bị thương.” Nhưng khi những đứa trẻ đã lớn, gia đình chúng tôi phải linh hoạt hơn, và chúng tôi bắt đầu quản trị gia đình mình bằng tình yêu thương và những nguyên tắc đạo đức chứ không phải là những luật lệ và quy tắc.
Chúng tôi sống bằng những nguyên tắc đạo đức. Chúng tôi muốn con của mình khôn lớn. Chúng tôi muốn chúng có thể rèn luyện nhận thức của chúng. Chúng ta không thể bắt chúng quyết định ngay. Thật kinh khủng nếu Chúa giao cho chúng ta một cuốn sách luật trong đó viết chúng ta phải xem gì trên TV, phải đọc gì trên báo chí và phải làm cái này, phải làm cái kia. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể trưởng thành. Chúng ta không bao giờ có thể tập luyện các cơ bắp thuộc linh của mình.
Nguyên nhân tạo nên một lương tâm yếu đuối là do thiếu sự hiểu biết (cửa sổ không để ánh sáng đi qua), thiếu sự rèn luyện và sợ hãi sự tự do. Một vài giáo sĩ giữ những người yếu đuối để họ có thể thao túng những người này làm những gì họ muốn. Nhiệm vụ của tôi là một giáo sĩ Cơ Đốc phải giúp bạn trưởng thành, điều đó dẫn chúng ta tới đề mục thứ 3.
Cách Chữa Trị Cho Một Lương Tâm Yếu Đuối
Có cách gì để chữa lành cho một lương tâm yếu đuối không? Tôi sẽ nói với bạn rằng không phải chữa lành là xong. Không phải la mắng chửi rủa, cũng không phải là gõ vào đầu những người yếu đuối!
Nếu như đứa con nhỏ của bạn đang nằm trên giường và nói “Cha ơi có một con gấu nằm dưới giường,” bạn biết rõ rằng không có con gấu dưới giường. Nhưng la hét không giải quyết vấn đề. Bạn sẽ làm gì? Bạn vào trong phòng, mở đèn lên, ôm lấy con. Bạn đảm bảo với con rằng bố và mẹ ở đó. Sau đó con bạn sẽ cười và nói, “Ôi con đoán là chẳng có gấu dưới gầm giường.”
Những “con trẻ” ở trong Hội Thánh có lương tâm yếu đuối cần sự yêu thương, tin tưởng và rèn luyện.
Ê-phê-sô 4:15 cho chúng ta công thức: “Nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật.” Tình yêu thương mà không chân thật là giả dối nhưng chân thật mà không có tình yêu thương thì đó là bạo lực. Chúng ta chẳng muốn cả hai điều này. Nếu bạn có sự hiểu biết mà không có tình yêu thương thì đó là sự chuyên quyền. Nếu tôi biết gì đó mà bạn không biết, tôi có thể đe dọa bạn với điều mà tôi biết. Nhưng tình yêu thương không có sự hiểu biết sẽ gây ra sự vô tổ chức – cho phép bạn làm bất cứ điều gì bạn muốn. Sự hiểu biết và tình yêu thương phải cân bằng.
Trong I Cô-rinh-tô 8 Phao-lô đã nói rất rõ rằng chúng ta phải thật thận trong khi công kích lương tâm của một người nào đó. Lương tâm gắn chặt với những tiêu chuẩn cao nhất mà người đó biết. Chúng ta đừng đổ lỗi người đó hiểu biết ít; chúng ta phải giúp những người đó hiểu biết nhiều hơn. Chúng ta mở lời của Chúa ra và chia sẻ cho họ.
Rô-ma 14 và 15 cho chúng ta 3 chỉ dẫn dành để giúp những người có lương tâm yếu đuối. Đầu tiên, hãy nhận lấy họ. “Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ.” (14:1) Đừng tranh cãi, hãy chấp nhận họ. Đừng tranh cãi về âm nhạc, giải nghĩa Kinh Thánh, hay là những điều thuộc thế gian, chỉ chấp nhận họ là được. Và nhận họ bằng tình yêu thương! Đừng đoán xét người khác. Đừng kết tội người khác. Hãy học để tha thứ cho nhau. Một người trưởng thành có thể hiểu rằng những người khác có thể có những điều khác biệt. Khác biệt với người khác không có nghĩa là xấu hay tốt hơn, nó chỉ có nghĩa là khác với mọi người. Vậy nên hãy chấp nhận họ.
Điều thứ hai, hãy soi sáng cho họ. Phao-lô đã nói với chúng ta rất rõ trong Rô-ma 14:13-23 hãy soi sáng cho họ, nâng đỡ họ, và giúp họ trưởng thành.
Và điều thứ ba, Rô-ma đoạn 15 nói rằng chúng ta nên làm đẹp lòng họ. “Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình.” (câu 1). Một đứa trẻ nhỏ thì cần phải cung cấp thức ăn cho nó. Đứa trẻ sẽ vui lòng (không làm hư, không nuông chiều nó), và cha mẹ phải nhượng bộ nó. Tại sao? Vì đứa trẻ thiếu sự hiểu biết và cần một thời kỳ chuyển tiếp, một cơ hội để trưởng thành.
Tại sao chúng ta lại phải chấp nhận người có lương tâm yếu đuối? Đó là vì chúng ta có thể mở mang trí óc cho anh ấy. Tại sao chúng ta lại phải làm đẹp lòng anh ta? Đó là vì chúng ta có thể khai mở tâm trí cho anh ấy. Tại sao chúng ta chia sẻ sự chân thật trong tình yêu thương? Bởi vì bằng cách đó chúng ta có thể giúp anh ấy trưởng thành từ một người có lương tâm yếu đuối trở thành người có lương tâm mạnh mẽ.
Tôi nghĩ những sai lầm mà chúng ta đang tạo ra trong các Hội Thánh ngày nay là chúng ta chấp nhận những người có lương tâm yếu đuối nhưng lại cứ để họ yếu đuối như vậy! Điều đó không đúng với Kinh Thánh! Chúng ta phải giúp đỡ họ trưởng thành. Rô-ma 14 đã nói rõ rằng nhiệm vụ của chúng ta là phải yêu thương họ, làm đẹp lòng họ và chấp nhận họ – để làm được điều đó chúng ta không thể tranh cãi với họ và kết án họ nhưng phải giúp họ trưởng thành, sau đó họ sẽ giúp những Cơ Đốc Nhân khác trưởng thành.
Tôi nghĩ rằng có nhiều nan đề trong các Hội Thánh ngày nay là do những người có lương tâm yếu đuối gây ra. Họ chỉ trích, hay gây gổ, không kiên định, thiếu sự hiểu biết. Thật là một bi kịch nếu những người này đứng vào vị trí lãnh đạo bởi vì họ sẽ kìm hãm những người khác trì trệ như những con đỏ.
Trong một gia đình, những đứa trẻ lớn hơn giúp những đứa bé hơn đạt đến sự trưởng thành. Khi chúng ta có trong Hội Thánh một Cơ Đốc Nhân có lương tâm yếu đuối thì nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ người đó trưởng thành. Thật là tuyệt diệu khi chúng ta hòa lẫn những người mạnh mẽ và những người yếu đuối trong Hội Thánh, bởi vì những người có lương tâm yếu đuối sẽ vô hình trung nhắc nhở những người có lương tâm mạnh mẽ không được kiêu ngạo, tự đắc mà phải mềm mại, yêu thương và kiên nhẫn. Những người có lương tâm mạnh mẽ phải giúp những người có lương tâm yếu đuối lớn lên.
Xin Chúa giúp chúng ta đừng có một lương tâm yếu đuối mà phải lớn lên trong Ngài, để có một lương tâm mạnh mẽ và giúp đỡ người khác trưởng thành và mạnh mẽ trong Chúa.
(Còn nữa)
WARREN W. WIERSBE
Translated by Hoa Da Quy