Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / NGƯỜI LÃNH ĐẠO VÀ VIỆC ĐỌC SÁCH

NGƯỜI LÃNH ĐẠO VÀ VIỆC ĐỌC SÁCH

Để lãnh đạo tốt, bạn chắc chắn phải đọc nhiều.

Mục sư Rick Warren

 Reading

Nếu đã từng đến xứ Israel, bạn biết rằng có một sự tương phản rõ rệt giữa Biển Ga-li-lê và Biển Chết. Biển Ga-li-lê đầy nước và đầy sự sống. Nơi đó có cây cối và thảm thực vật. Nơi đó cũng có dịch vụ câu cá. Nhưng Biển Chết thì đúng như tên gọi của nó – chết. Trong biển đó chẳng hề có cá, và cũng chẳng có sự sống xung quanh nó. Biển Ga-li-lê nằm phía trên của xứ Israel, tiếp nhận nước đổ về từ các dãy núi Li-băng. Các dòng nước đổ về phía trên của biển, và thoát ra ở phía dưới. Dòng nước ấy chảy dọc suốt con sông Giô-đanh, và đổ vào Biển Chết. Biển Chết chỉ nhận nước vào nhưng không bao giờ có nước thoát ra. Và vì thế nước bị tù đọng. Vấn đề là, cần phải có sự cân bằng trong đời sống của chúng ta để giữ cho chính mình tươi mới với cả nhập và xuất. Phải có dòng chảy vào và cả dòng chảy ra.

Có ai đó nói rằng, “Khi đầu ra của bạn vượt quá đầu vào, để duy trì, bạn sẽ đi đến chổ sụp đổ.” Phải có sự cân bằng. Nhiều Cơ đốc nhân nhận vào quá nhiều, nhưng thoát ra không tương ứng. Họ tham gia hết lớp Kinh Thánh này đến lớp Kinh Thánh khác. Họ luôn nhận vào nhưng chẳng tham gia hoạt động phục vụ nào. Nan đề của các mục sư thì ngược lại. Chúng ta luôn phải ban ra, và nếu bạn không nhận vào thì sẽ đi đến chổ khô hạn.

Phao-lô viết lá thư thứ hai cho Ti-mô-thê khi đang ở trong ngục. Cuối thư, ông bảo Ti-mô-thê rằng, “Khi con đến, hãy đem theo áo choàng…cùng những sách vở nữa, nhứt là những sách bằng giấy da.” (II Tim 4:13). Khi còn ở trong ngục, những ngày gần cuối đời, Phao-lô muốn có hai thứ: “áo choàng và sách.” C.H. Spurgeon giải thích phân đoạn này như sau:

Ông (Phao-lô) được hà hơi, nhưng ông vẫn muốn có sách. Ông đã giảng ít nhất là ba mươi năm, nhưng ông vẫn muốn có sách. Ông đã thấy Chúa, nhưng ông vẫn muốn có sách. Ông đã có trải nghiệm rộng khắp hơn hầu hết mọi người, nhưng vẫn muốn có sách. Ông đã được đem lên trời và thấy những điều không được phép nói ra, nhưng ông vẫn muốn có sách. Ông đã viết ra phần lớn của Tân Ước, nhưng ông vẫn muốn có sách.

Oswald Sanders nói thế này trong tác phẩm Lãnh đạo thuộc linh của ông, “Bất cứ ai khao khát tăng trưởng trong tâm linh và trong trí tuệ đều phải luôn luôn đọc sách.” Tôi nhớ mình đã đọc tiểu sử của John Wesley và Jonathan Edwards. Cả hai người này là những cây đa cây đề về mặt trí tuệ. Họ giữ cho chính mình được tươi mới bằng cách đọc sách liên tục khi ngồi ngựa đi từ buổi giảng này sang buổi giảng khác. Bất cứ đi đâu họ cũng mang theo sách. Tôi đã thấy những bức tranh vẽ Wesley cầm sách trên tay và đọc, thậm chí không nhìn xem con ngựa đang đi hướng nào.

Người lãnh đạo là người ham đọc sách. Không phải ai ham đọc sách cũng là lãnh đạo, nhưng là người lãnh đạo thì phải ham đọc sách. Nhiều người đọc sách, nhưng không lãnh đạo. Nếu như bạn phải lãnh đạo, bạn phải đọc để có thể suy nghĩ xa hơn những người đang đi theo bạn.

Đọc sách là rất quan trọng, với ít nhất là bốn lý do như sau:

1.    Đọc để có sự cảm hứng và động lực

Harold Ockenga nói rằng, “Hãy đọc để bơm đầy các giếng cảm hứng của bạn.” William Long, tác giả cuốn Christian Perfection và một số tác phẩm Cơ đốc kinh điển khác, viết thế này, “Đọc những chủ đề khôn ngoan và đạo đức, chỉ đứng sau sự cầu nguyện, là phương cách tốt nhất để làm mới tầm lòng chúng ta. Chúng ta nói về một người khi biết anh ta chơi với ai, nhưng càng biết rõ hơn về anh ta nếu biết anh ta đọc sách gì.” Cá nhân mà nói, tôi ít thấy có điều gì giải thoát tôi khỏi sự uể oải cho bằng đọc được một cuốn sách tốt. Sách làm tuôn chảy trong tôi những sáng tạo. Lý do đầu tiên tôi đọc sách là để có cảm hứng.

2.    Đọc để trau dồi kỹ năng.

Aldous Huxley nói rằng, “Người biết đọc sách là người có năng lực phóng to chính mình, nhân cấp chính mình, khiến đời sống mình trọn vẹn, ý nghĩa và thú vị.” Việc đọc đối với tâm trí cũng giống như việc tập thể dục đối với thân thể. Tâm trí cũng như cơ bắp, càng vận động thì càng khỏe. Bạn sẽ không bao giờ bị kiệt trí cả. Chưa có ai chết vì kiệt trí cả.

Giống như những ngành nghề khác, là một mục sư bạn phải liên tục nâng cấp kỹ năng của mình. Bạn có thể làm điều đó bằng sự đọc. Hãy liệt kê những kỹ năng cần thiết trong chức vụ và đọc về những lĩnh vực đó.

3.    Đọc để học từ người khác

Thật khôn ngoan khi học hỏi từ kinh nghiệm, nhưng càng khôn ngoan hơn khi học từ kinh nghiệm của người khác. Tất cả chúng ta học từ ngôi trường của những cú đấm – thử và sai. Chúng ta không đủ thời gian để tự mình phạm phải mọi sai lầm. Socrates nói, “Hãy dùng thời gian để nâng cấp chính mình bằng những tư liệu của người khác, và bạn sẽ thấy mình dễ chịu hơn bởi những gì người khác đã nhọc công.”

Hãy tận dụng thời gian để đọc những gì người khác đã học, và bạn sẽ học dễ hơn nhiều so với sự nhọc công mà người khác đã trả giá.

Sự thật là, bạn có thể học từ bất kỳ ai. Có thể không đồng ý với mọi việc họ làm, nhưng ai cũng có điều gì đó để dạy bạn. Chúng ta chắt lọc những ý tưởng tốt từ nhiều nguồn khác nhau, tập trung chúng lại theo một dạng thức khác, đó chính là sáng tạo. Điều đúng đã luôn tồn tại. Không có những ý tưởng gọi là thực sự mới. Sáng tạo là lấy những ý tưởng đã có và thể hiện chúng theo một cách mới.

4.    Đọc để bắt kịp thế giới đang thay đổi

Nếu đọc sách là chỉ dấu của sự tăng trưởng cá nhân của người mục sư, thì nhiều mục sư tại Mỹ đã không còn tăng trưởng kể từ khi họ ra trường. Họ không đọc điều gì mới, nhưng mỗi tuần đều phải giảng. Trong xã hội ngày nay, sự lỗi thời đến rất nhanh. Bạn có thể viết một cuốn sách giáo khoa về khoa học, đến lúc nó được xuất bản thì nó đã lỗi thời. Bạn không thể đi suốt chức vụ của mình bằng những gì bạn đã học nơi viện thần học. Bạn phải liên tục lớn lên và liên tục học hỏi.

Với những lý do như thế, tôi muốn chia sẻ một vài cách đọc sách hiệu quả:

–      Phân tích thói quen đọc của mình để xem mình đã đọc gì, và sắp tới cần phải đọc gì.

–      Phải chủ ý lập thời khóa biểu cho việc đọc sách, sau đó đọc từng phần một bất cứ khi bạn ở đâu.

–      Phải cân bằng trong sự đọc. Phải đọc rộng. Đọc cả những người mà bạn không đồng ý với họ. Điều này giúp chúng ta được vươn lên.

–      Đánh dấu vào sách, và ghi chú. Nếu đang dùng phầm mềm đọc sách, hãy dùng chức năng highlight và lưu những ý mình đã đọc.

–      Phải biết những gì không nên đọc. Phải biết những tác giả ưa thích của mình, đọc bìa của cuốn sách, đọc mục lục và tài liệu tham khảo để xem cuốn sách đó có đáng dành thời gian đọc không.

–      Đọc những bài điểm sách và tóm tắt sách để tiết kiệm thời gian.

–      Nên có thư viện riêng, dù cho là bản in hay bản điện tử, để tham khảo và để lại cho hậu thế.

 

Và trên hết, hãy nhớ rằng Kinh Thánh phải có thứ tự ưu tiên số một trong sự đọc của bạn. Có thể bạn đam mê đọc các sách khác mà bỏ quên Kinh Thánh. Hãy dành thời gian cho Lời Chúa trước khi đọc những thứ khác. Đó là ngọn đèn cho chân ta, ánh sáng cho đường lối ta. Dành thời gian để đọc Kinh Thánh nhiều hơn bất cứ thứ gì khác.

Nếu muốn mình là một nhà lãnh đạo có sự chuyển động lành mạnh, hãy liên tục đọc. Đó là cách duy nhất để giữ mình là người đi đầu.

 

Bản dịch của MS Lê Minh Đạt   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn