Thứ Năm , 25 Tháng Tư 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / AI LÀ NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CỦA TÔI?

AI LÀ NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CỦA TÔI?

good-samaritan-background-image-c

AI LÀ NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CỦA TÔI? 

Sách Tin Lành Lu-ca là sách có ghi chép những thí dụ nỗi tiếng của Chúa Giê-su mà không thấy chép trong những sách Tin lành khác.

Tôi thích 3 thí dụ khác nhau của Chúa trong sách Lu-ca và đã học được nhiều bài học có thể áp dụng vào đời sống riêng của tôi và của hết thảy chúng ta hôm nay.

Đó là thí dụ về người Sa-ma-ri nhân lành, thí dụ về người nhà nông dại dột và thí dụ về người nhà giàu và La-xa-rơ. 

  1. Bài học về lòng thương xót biến thành hành động cứu giúp.

Thí dụ về người Sa-ma-ri nhân lành có bốn nhân vật.

  1. Người đàn ông đi đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô –một con đường hẹp, gồ ghề, nguy hiểm dài khoảng 20 dặm—”đã lâm vào tay kẻ cướp, bị chúng cướp sạch, đánh đập và bỏ nằm đó trên con đường vắng, nửa sống nửa chết.”
  2. Một thầy tế lễ (Mục sư, Linh Mục) và sau đó là một người Lê-vi (phụ tá Mục sư, Chấp Sự, Trợ tế Linh mục), đi qua thấy người bị nạn và bỏ đi.
  3. Một người Sa-ma-ri đi ngang qua, “thấy và động lòng thương xót” dừng lại và nhanh chóng cứu giúp cứu sống được người bị cướp và đưa đến nhà thương. Điều khó chịu đối các thính giả Do Thái là ở chỗ người có lòng thương xót được Chúa kể ở đây lại là một người Sa-ma-ri, là người dân tộc thiểu số, là con lai của người Do Thái nào đó với dân A-si-ri, là người đang sống tại vùng đất Sa-ma-ri, nằm giữa xứ Giu-đê và Ga-li-lê. Dân Sa-ma-ri và dân Do Thái đã trở thành thù nghịch sau khi dân Do Thái từ Ba-bi-lôn hồi hương năm 500 TC và từ đó họ không hề giao thiệp với nhau. Có người nói dân Do Thái ghét người Sa-ma-ri hơn cả ghét quân La-mã.

Chúng ta có thể cảm thông với lý do hờ hững của thầy tế lễ và người Lê-vi có lẽ đang có nhiệm vụ trong đền thờ. Họ không biết chắc người bị cướp đã chết hay chưa, giả như người đó đã chết mà hai người đụng đến thì sẽ bị ô uế trong 7 ngày (xem Dân số ký 19:11). Chính chức nghiệp, sự bận rộn và sự ích kỷ đã ngăn họ dừng lại và đã thúc hối họ đi qua cho thật nhanh.

Đã nhiều lần, nhiều năm, tôi thấy mình giống như những người nầy đối với người đồng hương, không chỉ về phương thể chất nhưng cũng về phương diện tâm linh nữa. Tôi thấy mình đã đi qua trước biết bao nhiều người thân thuộc và kẻ đồng hương khốn khó.

Ông luật sư đã đặt câu hỏi và ông đã nhận được câu trả lời, điều răn lớn nhất đó là yêu Chúa (Phục truyền 6:5) và yêu người lân cận (Lê-vi 19:18). Ông đã hiểu ý nghĩa yêu Chúa. Nhưng điều  ông không hiểu là kẻ lân cận có nghĩa gì, nhất là cái người lân cận đồng hương bị ô uế kia đã ngả xuống trên con đường về Giê-ri-cô.

Chìa khóa của thí dụ về người Sa-ma-ri nhân lành là tấm lòng thương xót. Thầy tế lễ và người Lê-vi trong câu chuyện đã chú tâm đến việc giữ luật pháp hơn tỏ lòng thương xót, câu nệ luật pháp hơn yêu người lâm cơn hoạn nạn.

Người Sa-ma-ri nhân lành đã và đang là một mô hình lý tưởng về việc yêu người lân cận, yêu người đồng hương. Ông đã làm việc không ai trông đợi, không ai bắt buộc, ông đã làm việc tự nguyện tự giác, và ông đã làm nhiều hơn điều đáng làm—ông không chỉ rịt vết thương, chuyên chỡ nạn nhân đến nhà nghỉ, trả hết chi phí và đồng ý mắc nợ thêm nếu cần. Yêu người lân cận có nghĩa là yêu không giới hạn những người đang cần ta.

Dân tộc Việt Nam nay đã lên 84.700.000 người và tỉ lệ người tin Chúa khoảng 10% nếu tính luôn khối người Công Giáo. Dân tộc Việt Nam đang cần các bạn và tôi.

Thí dụ mới ở Mỹ về một người da đen quan tâm.

 

Có lẽ một số người không quan tâm lắm đến câu chuyện nầy bởi vì nó xa lạ, xưa rồi và không quen thuộc với chúng ta hôm nay. Con đường xuống Giê-ri-cô? Thầy tế lễ và người Lê-vi? Người Sa-ma-ri? Những người nầy, những việc nầy có liên quan gì đến người Việt chúng ta hôm nay?

Trong quyển The Cotton Patch Version of Luke and Acts, Clarence Jordan, một Mục Sư Báp-tít Nam Phương đã áp dụng câu chuyện người Sa-ma-ri nầy với thời kỳ hận thù, phân biệt chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ trong thập niên 1950.

Có một người đi từ Atlanta xuống Albany (Georgia) bị một băng đảng xông vào cướp giựt. Chúng tịch thu ví tiền, bộ đồ vết, đánh đập nạn nhân và cướp xe lái đi, để người đó bất tỉnh nằm bên xa lộ.

Tình cờ có một Mục sư da trắng lái xe đi xuống cùng xa lộ đó. Khi thấy người bị nạn, ông đã đạp ga tăng tốc xe chạy vút qua.

Chẳng bao lâu có một trưởng ca đoàn thánh ca người da trắng đi qua con đường đó và người nầy cũng đạp ga tăng tốc chạy vút qua.

Rồi có một người da đen đến nơi, thấy người bị nạn thì dừng xe lại, cảm động rơi nước mắt. Anh lập tức sáp vào cố găng băng bó vết thương, lấy nước trong bình rửa sạch máu bầm, và bồng nạn nhân đặt ở băng ghế phía sau của chiếc xe mình và lái đi. Anh lái đến Albany và đưa người đó đến bệnh viện. Anh nói với cô y tá, “Cô chăm sóc người đàn ông da trắng tôi gặp trên xa lộ. Đây nầy tôi chỉ có hai đô-la, nhưng cô cứ ghi sổ những chi phí bệnh viện và nếu anh ấy không trả, thì tôi sẽ trả góp mỗi lần tôi lãnh lương.

Câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành có thể áp dụng chung cho mọi người khắp trên thế giới, chúng ta được mời gọi yêu thương không phân biệt, hy sinh đến mức hy sinh, giống như Chúa Giê-su hy sinh vì chúng ta. Ngày nay tại nước Israel, nó có nghĩa là phải tỏ tình yêu đối với người Palestine; ở Mỹ nó có nghĩa là hãy yêu thương cứu giúp những người nhập cư trái phép đến từ Nam Mỹ, hoặc người Hồi Giáo đến từ Trung Đông. Ở Việt nam, nó có nghĩa đó là người các dân tộc thượng du, người bị bệnh SIDA, người tù, người vô gia cư, người thất nghiệp. Nếu các bạn không hiểu lầm, là người miền Nam, tôi muốn yêu và giúp cả người dân miền Bắc. Sau nhiều năm sống trong nghèo khó, thiếu tình thương, người dân miền Bắc cần được thương yêu và cứu giúp nhiều nhất, cả phương diện tâm linh lẫn phương diện thể chất.

Chúa Giê-su đã từng phán, “Nếu các con làm điều đó cho một anh em hèn mọn của ta tức là đã làm cho chính mình ta vậy.”

Tôi muốn gặp gỡ và nói với mọi người Việt Nam, “God loves you and I love you, too.”

Câu chuyện thí dụ Chúa kể nói đến một người nửa sống nửa chết, trong khi đó sứ đồ Phao-lô nói, chúng ta đã từ địa vị hư mất, chết mất mà nay được sống, Chúa Giê-su nói về con ta đã mất mà tìm được, đã chết mà bây giờ được sống.

Mục sư Ravi Zacharias, một diễn giả nỗi tiếng người Mỹ gốc Ấn Độ đã nói, “Jesus did not come to the world to make bad people good but to make dead people live.” (tạm dịch, “Chúa Giê-su đã đến thế gian không phải để làm cho người xấu trở nên tốt nhưng là khiến người chết trở thành người sống”).

Đây chính là nhiệm vụ của chúng ta đối với người đồng hương Việt Nam và mọi người chung quanh chúng ta. Thánh Augustine có lần đã nói, “Without God we can not. Without us God will not.” Câu nầy có nghĩa, ngoài Chúa chúng ta chẳng làm chi được nhưng ngoài chúng ta thì Chúa không muốn làm chi hết. Chúa vui lòng làm việc lớn của Ngài qua chúng ta. Đôi khi chúng ta nhận thức rõ, “Chúa ôi, đại dương Chúa thì mênh mông quá, còn con thuyền của con thì nhỏ bé quá.” Nhưng Chúa không có kế hoạch nào khác để cứu người. Ngài không dùng thiên sứ. Ngài dùng chúng ta. Ngài dùng người Việt để cứu giúp người Việt.

Bản tính Chúa, mạng lịnh Chúa và lời hứa của Chúa không thay đổi, nhưng chúng ta thật quá thờ ơ.

 

  1. Bài Học về Những Người Thờ Ơ:

Trong mùa Giáng sinh, chúng ta thường học về thái độ rất đáng nêu gương của những Bác sĩ Đông Phương là những người hết lòng tìm kiếm Chúa. Họ đã quan sát vũ trụ, xem xét thời triệu, họ thấy ánh sáng soi đường, họ đi tìm và gặp được Chúa. Họ chiêm ngưỡng tôn thờ Chúa và dâng hiến những báu vật cho Chúa. Sau đó họ trở về thành người mới và đi con đường mới của Chúa.

Nhưng cũng tại Giê-ru-sa-lem, ta thấy có một hạng người khác là những thầy tế lễ và những thầy thông giáo. Họ không tham gia giết trẻ em như vua Hê-rốt nhưng họ là đồng minh của vua Hê-rốt. Họ không làm điều gì tàn ác cho xã hội, nhưng họ là một gương xấu chúng ta nên tránh. Thái độ của họ là thái độ thờ ơ, lãnh đạm, bàng quang, không tham gia, không làm gì cả. Họ biết Kinh Thánh, họ trưng dẫn lời tiên tri nói về nơi Chúa Giáng sinh tại Bết-lê-hem. Họ đang ở Giê-ru-sa-lem một nơi có đền thờ, có đủ mọi nghi thức tôn giáo, họ tham gia những sinh hoạt tôn giáo tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. Nhưng nơi Chúa giáng sinh chỉ có cách xa 6 dặm đường mà họ không hề tìm kiếm và đặt chân đến. Họ chọn thái độ thờ ơ, lãnh đạm và không tham gia làm gì cả để thờ phượng, hầu việc Chúa, tìm và cưú người đang hư mất.

Ví dụ: Có một câu chuyện lịch sử thật bi đát đã xảy ra cho thấy thái độ thờ ơ, lãnh đạm nầy đã gây hại biết bao nhiêu cho công việc Chúa. Năm 1271, Giáo Hoàng Gregory X đã nhận được một bức thư chính thức của Hoàng Đế Mông Cổ đang cai trị nước Trung Hoa lúc bấy giờ là Kublai Khan (con cháu Thành Cát Tư Hản). Bức thư có nội dung như sau: “Ngài hãy đến với thầy tế lễ thượng phẩm của Ngài là Chúa Jesus Christ và cầu thay cho chúng tôi. Xin gởi đến cho chúng tôi một trăm người thông thạo tôn giáo của Ngài. Và như thế tôi sẽ chịu báp-tem, tất cả những người lãnh đạo của tôi sẽ chịu báp-tem, rồi các thần dân của họ sẽ chịu báp-tem và sẽ có nhiều Cơ-đốc Nhân ở đây hơn là tại các lãnh thổ của Ngài.”

Thật là một cơ hội truyền giáo quí hơn vàng! Nhưng Giáo Hoàng Gregory X đã không hề trả lời bức thư đó. Ông đã chọn thái độ thờ ơ. Nếu Giáo Hoàng lúc bấy giờ đã không thờ ơ thì cả vùng Á Đông sẽ có khuôn mặt khác hẳn ngày nay đến mức nào.

Nhưng ngày nay chúng ta có khác gì không? Đã bao lần chúng ta đã chọn thái độ thờ ơ. Chúng ta biết điều lành là rao giảng Tin Lành, giới thiệu Chúa Giê-xu cho người đang hư mất, nhưng chúng ta đã không làm hoặc không tích cực làm. Chúng ta đã chọn thái độ thờ ơ.

Chúng ta biết điều lành là thăm viếng kẻ mồ côi, người goá bụa trong cơn khốn khó của họ và giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian (Gia-cơ 1:27), nhưng chúng ta đã không làm gì hết. Chúng ta đã chọn thái độ thờ ơ. Chẳng những chúng ta thờ ơ với số phận đời đời của người khác nhưng chúng ta cũng thường thờ ơ đối với Chúa và công việc Chúa. Chúng ta đã không phát huy sáng kiến làm việc Chúa, không dành thì giờ cho Chúa để tăng trưởng thuộc linh, chúng ta không dâng hiến tài năng của cải cho Chúa: đó là chúng ta đã chọn thái độ thờ ơ. Tôi ước ao trong những ngày tháng năm sắp đến, nương nơi lời Chúa dạy, mỗi người chúng ta sẽ quyết định tránh xa thái độ thờ ơ.

Mới đây tôi có đọc một bài báo trên tờ Christianity Today về Hội Thánh Đại Hàn. Tờ báo nói rằng chỉ đứng sau Bắc Mỹ, Hội Thánh Đại Hàn năm 1991 đã sai phái 1,200 giáo sĩ. Đến năm 2006, Hội Thánh Đại Hàn đã sai phái 13,000 giáo sĩ đi khắp thế giới để giảng Tin lành và hơn một nửa con số đó là phụ nữ.

Hỡi các phụ nữ tín hữu Việt Nam, Chúa muốn dùng quý chị em trong công tác truyền giáo cúu người.

Tôi suy nghĩ muốn biết lý do tại sao nhiều người trong Hội Thánh Việt Nam hay thờ ơ, không giống như người Mỹ, không giống như người Đại Hàn và tôi đã tìm ra được một trong những lý do.

Lý do căn bản là chúng ta không biết và không đánh giá đúng những gì Chúa Cưú Thế đã làm cho chúng ta. Mấy năm trước đây trong chuyến đi giảng Tin Lành tại Lousiana, nơi có dòng sông Mississippi, đang khi ngồi đợi máy bay, tôi đã được câu chuyện sau đây. Tôi nghĩ câu chuyện nầy nói lên thật nhiều về lý do của sự thờ ơ.

Ông John Griffith làm nghề kiểm soát trên một chiếc cầu xe lửa bắt ngang dòng sông Mississippi. Theo lịch mỗi ngày ông phải điều khiển để cầu cất lên cho tàu bè thông thương dọc dòng sông, rồi ông hạ cầu xuống nối nhau để xe lửa đi qua. Vào mùa hè năm 1937 ông John Griffith đưa đứa con trai 8 tuổi tên là Greg đi theo ông lên chỗ làm của ông lần đầu tiên. Ông chỉ cho con ông thấy căn nhà kiểm soát là nơi ông điều hành cây cầu. Đến trưa, ông ăn bữa trưa với con ông trên đài quan sát.

Rồi ông John đã trở lại nhà kiểm soát để đóng cầu trong khi ông vẫn để cậu con trai trên đài quan sát. Đang khi ông nhìn xuống dưới cầu lần nữa xem thử có tàu nào đi ngang qua nữa không, ông đã nhìn thấy một điều làm ông hoảng hốt. Cậu con trai Greg của ông đã té từ đài quan sát và rơi xuống nằm kẹt giữa những cần điều khiển chiếc cầu.

Ông John phải đứng trước quyết định sống chết. Nếu ông kéo cây cần lên, con trai ông sẽ bị nghiền nát chết giữa hàng tấn sắt cầu. Nếu ông không làm gì cả, ông có thể cưú con trai ông, nhưng chiếc xe lửa đầy người ta đang chạy đến sẽ chết hết. Trong giây phút cuối cùng, ông kéo cây cần. Chiếc cầu nối lại, xe lửa đi ngang qua và cậu Greg đã chết.

Câu chuyện kết luận như thế nầy:

Đang khi chiếc tàu lửa xình xịch đi ngang qua cầu, ông John ngước mặt lên, khuôn mặt ông đầy nước mắt. Ông nhìn qua những khung cửa sổ xe lửa. Những hành khách đang đọc báo, những phụ nữ đang nói chuyện vui vẻ với nhau, những trẻ em đang chơi vui. Mọi người sinh hoạt như thường lệ không biết gì về việc mới xảy ra có liên quan đến sự sống chết của họ. Tự trong nơi sâu thẳm của linh hồn đầy đau khổ, ông John Griffith đã la to lên với mọi người trên chiếc xe lửa đang xình xịch đi qua, “Tôi đã hy sinh con tôi cho các người! Các người không quan tâm gì sao?” Không một ai nghe tiếng la của ông hôm đó.

Tôi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ buồn lòng biết bao nếu chúng ta tiếp tục lối sống thờ ơ. Chúng ta thờ ơ với Chúa trong sự biết ơn Ngài, trong sự thờ phượng Ngài và trong sự hầu việc Ngài. Những người đi xe lửa hôm đó có lẽ không biết, nhưng nếu khi nghe báo chí tường thuật về câu chuyện đó họ sẽ nghĩ gì và làm gì. Chúng ta không được biết câu chuyện xảy ra sau đó ra sao. Nhưng tôi biết chắc một điều là có rất nhiều người đã biết rõ Đức Chúa Trời đã hy sinh Con Một Ngài cho họ và họ đã không giữ thái độ thờ ơ. Chúng ta hãy noi theo gương của những sứ đồ Chúa và những tín hữu đầu tiên. Họ đã sốt sắng nóng nảy thờ phượng hầu việc Chúa. Họ không kể mạng sống hay của cải quí hơn ân điển Chúa và họ đã nêu gương hy sinh. Có nhiều người giáo sĩ Mỹ đã hy sinh đến Việt Nam giảng Tin Lành để người Việt Nam tin thờ Chúa. Có một số người Việt Nam đang dâng mình hầu việc Chúa và đang rao báo Tin lành nơi nào có thể giữa những khó khăn.

Tuy nhiên, có nhiều người đang nhận ơn Chúa và biết ơn Chúa thật nhiều nhưng đã không làm gì có ý nghĩa để biểu lộ lòng biết ơn Chúa. Bạn đang chọn thái độ nào? Thái độ của người Sa-ma-ri nhân lành hay của thầy tế lễ và người Lê-vi?

Bạn đang chọn thái độ của các Bác sĩ Đông Phương hay bạn đang chọn thái độ của những thầy tế lễ và thầy thông giáo ở Giê-ru-sa-lem? Bạn chọn thái độ quan tâm hay thái độ thờ ơ?

Thưa quí vị, chúng ta không thể sống thờ ơ. Những người mù lòa và đi trong tăm tối không biết Chúa là ai và Ngài đã làm gì cho đời sống của họ, nhưng chúng ta là con cái sự sáng, chúng ta biết. Thái độ chúng ta phải thay đổi khác.  Đó là thái độ của những người quan tâm.

Năm 1950 ở Hoa Kỳ bộc phát chứng bệnh bại liệt. Năm 1952, Bác sĩ Jonas Salk, một người Mỹ gốc Do Thái đã sáng chế được thuốc chủng ngừa bệnh bại liệt và chẳng bao lâu cả nước Mỹ và thế giới đều sử dụng phương thuốc hiệu quả nầy. Nếu Bác sĩ Salk giữ cho mình, không phổ biến phương thuốc thì bao nhiêu người sẽ tiếp tục bị dịch bệnh bại liệt, không phương cứu chữa. Phương thuốc Tin lành chữa bệnh bại liệt tâm linh cũng như vậy, nếu thờ ơ cất giữ thì không có người nào được cứu chữa. Đây là lý do tôi chọn chuyên lo rao giảng Tin Lành và tôi kêu gọi mọi người tin Chúa hãy tham gia truyền bá Tin Lành cho đồng hương Việt Nam. Đừng thờ ơ nữa, hãy quan tâm.

Kinh Thánh có rất nhiều gương sáng của những người quan tâm. 

III. Gương Sáng Những Người Quan Tâm

 

  1. Gương Quan Tâm của Phao-lô (Rô-ma 9:1-5) 

Trong thư gởi cho người La-mã, sứ đồ Phao-lô đã chia sẻ tâm tình của ông. Ông viết, “Trong Chúa Cứu Thế tôi nói thật, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Đức Thánh Linh rằng lòng tôi rất buồn rầu và đau đớn triền miên. Vì tôi đã từng ước nguyện chính mình chịu dứt bỏ khỏi Chúa Cứu Thế thay cho anh chị em tôi, bà con tôi về phần xác, tức là người Do Thái, dân được nhận làm con nuôi, được vinh quang, có giao ước, được ban cho kinh luật, sự thờ phụng và lời hứa, họ ra từ các tổ phụ, Chúa Cứu Thế về phần xác thì ra từ họ, nguyện Đức Chúa Trời, Đấng trên hết mọi loài, đáng được chúc tụng đời đời. A-men.”

Có ai trong chúng ta dám nói như thế về người bà con Việt Nam của chúng ta không? 

  1. Gương quan tâm của Ti-mô-thê ( Phi-líp 2:19-24)

Viết thư cho người Phi-líp, Phao-lô kêu gọi người tín hữu hãy có đồng tâm tình như Đấng Christ trong sự quan tâm đến người khác và công việc Chúa. Phao-lô cũng nêu lên gương bản thân ông quan tâm đến sự hư mất của nhân loại. Có lẽ sứ đồ Phao-lô đã biết các đọc giả sẽ nói rằng: “Chúng tôi không thể nào theo gương của Chúa Giê-xu và sứ đồ Phao-lô được. Dù sao, Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, còn Phao-lô là sứ đồ Chúa chọn với nhiều kinh nghiệm thiêng liêng!” Vì thế Phao-lô đã nêu ra gương của hai thánh đồ bình thường mà ai nấy đều biết. Đây là những tín hữu không phải là sứ đồ, cũng không phải là người làm phép lạ. Nhưng đây là những người quan tâm đến công việc Chúa. Hội Thánh ngày nay cần những người như thế.

Ti-mô-thê là người chăm lo cho người khác và quan tâm đến nhu cầu của họ trong khi đó nhiều người khác không ai quan tâm. Phao-lô đã nhận xét: “Thật vậy, tôi không có ai như người đồng tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em: ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm lợi của Đấng Christ.”

Có một Mục sư Mỹ đã nhận xét: Trong một ý nghĩa thực tế, tất cả chúng ta hoặc là thuộc về Phi-líp 1:21 hoặc là Phi-líp 2:21. Hãy cùng tôi đọc hai câu nầy.

– Phi-líp 1:21 “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi và sự chết là điều ích lợi cho tôi.”

– Phi-líp 2:21 “Ai nấy đều chăm về lợi riêng của mình, chớ không tìm lợi của Đấng Christ.”

Để có được người như Ti-mô-thê cần có thời gian tập sự và thử thách. Ti-mô-thê đã vừa học vừa làm dưới sự hướng dẫn của Phao-lô. Ông đã trưởng thành theo năm tháng đang khi hầu việc Chúa ở điạ phương. Không có môi trường hầu việc Chúa nào tốt hơn là tập sự hầu việc Chúa tại Hội Thánh địa phương. Nếu một người không trung tín trong việc nhỏ thì không thể đảm nhận trọng trách lớn được. Ti-mô-thê đã là người trung tín và được Phao-lô và Hội Thánh khen: “Nhưng anh em đã biết sự trung tín từng trải của người; và biết người là trung thành với tôi về việc Tin Lành, như con ở với cha vậy.”

Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho Ti-mô-thê và cho ông vinh dự làm người thay thế Phao-lô để đến Phi-líp và cũng sẽ thay thế chức vụ Phao-lô khi vị sứ đồ qua đời.

 

  1. Gương quan tâm của Ếp-ba-phô-đích (Phi-líp 2:25-30).

Phao-lô là người Do Thái chính cống, Ti-mô-thê là người lai Do Thái và Hy Lạp (Công vụ 16:1), còn Ép-ba-phô-đích là người ngoại bang hoàn toàn. Ông là tín hữu của Hội Thánh Phi-líp đã tự nguyện dâng thời giờ, sức khoẻ bản thân để phụ lo công cuộc truyền giáo với sứ đồ Phao-lô. Phi-líp 4:18. Phao-lô khen ngợi ông Ép-ba-phô-đích là “anh em tôi, bạn cùng làm việc và cùng chiến trận với tôi, người cũng là ủy viên của anh em ở kề tôi, đặng cung cấp mọi sự cần dùng cho tôi.” 

Đây là hình ảnh của một người tín hữu quân bình cả thuộc linh lẫn thuộc thể. Đây là người thực hành năm mục đích của Hội Thánh.

Một Mục sư người Mỹ thường kể chuyện về một nhóm tín đồ Mỹ chỉ nghĩ đến việc thông công với nhau và không quan tâm đến việc truyền giáo hay quan hệ với người khác. Trước phòng sinh hoạt họ treo một bản có dòng chữ JESUS ONLY. Nhưng thời gian trôi qua, gió đã làm bay mất mấy chữ trên tâm bản đó và chỉ còn chữ US ONLY. Nhiều Mục sư, tín hữu và Hội Thánh ngày nay giống như vậy.

Giống như Ti-mô-thê, Ép-ba-phô-đích quan tâm đến người khác.

Trước hết ông quan tâm đến tôi tớ Chúa là Phao-lô. Ở Phi-líp ông nghe tin Phao-lô bị tù tại La-mã, ông đã tình nguyện đại diện Hội Thánh đến thăm và ở lại giúp đỡ Phao-lô. Ông cũng mang quà thăm nuôi và liều mình mang quà đến cho Phao-lô đang thiếu thốn. Hội Thánh chúng ta cần những người như thế.

 

Có một Mục sư Mỹ lãnh đạo Hội Truyền Giáo đã nhận xét, “Vấn đề của Hội Thánh chúng ta là chúng ta có quá nhiều khán giả nhưng không có đủ cầu thủ tham gia.” Ép-ba-phô-đích không chỉ dâng tặng phẩm mà ông còn dâng mình mang tặng phẩm đi xa đến hiệp tác với Phao-lô.

 

Thứ hai, ông quan tâm đến Hội Thánh nhà. Sau khi tới La-mã ông mắc bệnh nặng. Thật ra ông đau nặng gần chết. Việc nầy gây trở ngại khiến ông không trở lại Phi-líp sớm làm cho cả Hội Thánh lo lắng. Ông Ép-ba-phô-đích bây giờ không lo đến mình nữa nhưng lại lo cho Hội Thánh đang lo cho ông. Thời xưa không có điện thoại, điện tín, email nhanh chóng như ngày nay. Vì thế sự lo tưởng cho nhau kéo dài thật lâu trước khi biết tin của nhau.  Ông là người của Phi-líp 1:21 chứ không phải là Phi-líp 2:21.

Ép-ba-phô-đích là phước của Phao-lô và là phước của Hội Thánh Phi-líp. Phao-lô khuyên Hội Thánh Phi-líp hãy lấy sự vui mừng trọn vẹn mà tiếp rước người trong Chúa và tôn vinh những người như vậy. Trong Thư  I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12-13, Phao-lô dạy, “Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm.” 

Ép-ba-phô-đích cũng là một ơn phước cho chúng ta hôm nay. Ông đã chứng minh cho chúng biết rằng đời sống vui vẻ nhất là đời sống hy sinh và phục vụ. Đức Chúa Trời tôn quí những người như thế hôm qua và cả hôm nay.

  1. Làm sao để tỏ lòng quan tâm đến người lân cận, đồng hương?

Bài học về lòng vị tha thay vì lòng vị kỷ

Lu-ca đã chép lại thí dụ thứ hai mà tôi thích học đến đó là câu chuyện Người Nhà Giàu Dại Dột (Lu-ca 12:13-21) và câu chuyện về Người Nhà Giàu và La-xa-rơ (Lu-ca 16:19-31). Cả hai thí dụ nầy đều nói về những của cải và tài năng mà chúng ta ai nấy đều có sẵn, có dư nhưng chỉ dùng cho mình, cho gia đình mình bất kể những người xung quanh đang thèm thuồng vì quá cần.

Người nhà giàu được Chúa gọi là kẻ dại không phải vì ông có tài làm giàu, ông siêng năng làm ruộng, ông thành công trong việc làm ăn, sản xuất đúng thời đúng vụ… nhưng ông dại là vì ông chỉ nghĩ đến hiện tại mà quên tương lai, ông chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến người khác, ông chỉ nghĩ đến đời nầy mà không nghĩ đến đời sau, chỉ đầu tư cho trần thế mà không đầu tư cho thiên đàng, ông chỉ lo phần xác mà không lo cho linh hồn, ông chỉ biết có mình mà không tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa trên trời.

Ông nhà nông giàu có nầy đã không biết trung tín quản lý ơn phước dư dật Chúa ban, ông đã không biết sử dụng của cải Chúa ban để chia sẻ cho người khác.

Tôi thật cảm kích trước chuyện dâng hiến của hai người sau đây, một ở Anh và một ở Mỹ.

Khi Mục sư John Wesley còn dạy học ở Đại Học Oxford, ông lãnh lương được 30 Anh kim một năm. Ông sống với 28 bảng Anh và tặng 2 bảng Anh cho người nghèo. Khi thu nhập của ông lên đến 120 bảng Anh một năm, ông vẫn sống với 28 bảng Anh để ông có thể tặng 92 bảng Anh cho người nghèo.

Một người thương gia Mỹ khác đã bán công ty của ông với nhiều triệu đô-la. Một người bạn của ông biết ông đã thường dâng phần mười để yểm trợ các mục vụ Cơ-đốc khác nhau. Muốn biết số tiền ông hiện có là bao nhiêu, người bạn hỏi, “Anh vẫn còn dâng phần mười nữa không?” Người thương gia trả lời, câu trả lời làm cho người bạn ngạc nhiên, “Vâng, nhưng tôi dành phần mười cho tôi. Tôi có thể sống với 10 phần trăm.”

Gần đây chúng ta cũng đã nghe nói nhiều đến hai tỉ phú người Mỹ, là người giàu nhất và người giàu nhì thế giới. Đó la ông bà Bill Gates và ông Buffet. Họ đã học bài học chết giàu là chết dại nên khi còn sống đã dâng 90% tài sản của mình cho công tác từ thiện giúp đỡ thế giới. Điều làm cho nước Mỹ giàu mạnh đó là tấm gương sáng của người Sa-ma-ri Nhân Lành, con người mang tên Giê-su. Con trai của Mục sư Billy Graham không dám xưng mình là người Sa-ma-ri Nhân Lành nhưng đã phục vụ cho tổ chức từ thiện có tên là Cái Ví Tiền của Người Sa-ma-ri (Samaritan’s Purse).

Bài học về con mắt nhìn thấy người nghèo đang nằm trước cửa 

Câu chuyện về người giàu và La-xa-rơ cũng dạy chúng ta phải quan tâm đến người khác. Câu chuyện tiết lộ số phận của cả hai người sau khi chết. Người giàu xuống Âm phủ, người nghèo lên thiên đàng, tại sao? Tại vì người nhà giàu đã không quan tâm đến người nghèo ở trước cổng và làm vậy ông cũng chẳng quan tâm gì đến Chúa và lời dạy của Ngài. Xem I Giăng 3:17.

Một ngày kia chúng ta sẽ được đòi đến để tính sổ về những tài sản mà Chúa đã giao cho chúng ta quản lý.

Mục sư Bruce Larson, trong quyển sách giải nghĩa sách Lu-ca đã kể rằng bác sĩ Albert Schweitzer đã trở lại tin Chúa nhờ đọc câu chuyện Người Giàu và La-xa-rơ. Bác sĩ Albert “tin rằng Phi Châu là người nhà nghèo đang nằm trước cổng Âu Châu. Ông đã từ bỏ giới thượng lưu học thức, nơi ông đã nhận mấy mảnh bằng Ph.D. và năm 1913, ông đã đến lo chăm sóc cho những anh chị em nghèo của ông ở trước cổng nhà tại Lambarene (ngày nay là Gabon)”. Tưởng cũng nên nhớ, nhờ lòng quan tâm của ông trước những người nghèo Phi Châu mà ông đã nhận được giải thưởng Nobel hoà bình.

Mỗi người chúng ta, giống như người nhà giàu, đang có một ai đó đang chờ ở ngoài cổng và đang cần chúng ta cứu giúp.

Bạn có sẵn sàng nghe tiếng Chúa dạy, dừng lại giữa cuộc đời hối hả ganh đua và bận rộn làm ăn nầy, để nghe tiếng kêu, để nhìn khuôn mặt của những người lân cận đang cần chúng ta chia sẻ đức tin, hy vọng và tình thương hôm nay không?

Hãy cùng nhau hiệp tác, chúng ta có thể làm chung những việc lớn mà một người không làm nỗi. Hãy hiệp tác với chúng tôi. Việc lớn nhất của chúng ta hiện nay là góp phần rao báo Tin Lành cứu rỗi để cứu vớt đồng bào Việt Nam khỏi biển tội trầm luân hư mất.

Hãy cùng tôi vâng lịnh Chúa “chèo ra khơi và đánh lưới người.”

Hãy cùng tôi đọc sách Rô-ma 10:11-15 và Nê-hê-mi 2: 17-18.

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

VIETNAMESE MISSION BOARD

 

 

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn