Thứ Năm , 25 Tháng Tư 2024
Home / truyện ngắn / NGƯỜI CÂU CÁ GIỎI

NGƯỜI CÂU CÁ GIỎI

images

Simon cầm cần câu này lên, để cần câu nọ xuống, ngắm nghía từng trục quay, lưỡi câu, suốt hai tiếng đồng hồ mới ra khỏi tiệm Academy và mang về tổng thể mười cần câu.

“Câu dính cá là cái chắc rồi,” anh tự nói với mình rồi thong thả bước ra parking trước cửa tiệm. Anh vừa mở cửa xe, vừa huýt gió lại nhún nhún bờ vai có vẻ đang thích thú và yêu đời lắm. Anh sắp xếp các cần câu nằm gọn gàng trong xe rồi vô xe đề máy dông về nhà.

Người đàn ông già đi đi, lại lại trước sân nhà ngắm mấy chậu kiểng. Trên tay ông đang cầm một cái kéo thật lớn để cắt những lá hư, tỉa nhánh xấu, bỏ vào thùng rác.

– Chào ông chủ buổi sáng.

First gật đầu, vẫn tiếp tục công việc tỉa lá cành. Mặt chẳng biểu lộ chút cảm xúc nào về việc gặp gỡ này. Simon đi nhè nhẹ vào nhà, mở cửa garage và mang từng cần câu một, dựng vào tường cách ngay ngắn.

Cuối cùng First quay lại nói với Simon: “Con thêm thức ăn, nước uống cho mấy ngàn con gà trong nông trại số sáu, số bảy ở Houston chưa?

“Dạ, con có kiểm tra tuần rồi thưa ông.” First lắc đầu nói: “Ta hỏi con tuần này chứ không phải tuần rồi.” Simon hơi tái mặt nhưng vẫn liều lĩnh trả lời: “Vậy ông gọi người mang thức ăn cho gà đến đi, và ngày, tuần nào con làm gì, con sẽ ghi xuống, tính sổ cho ông.”

Người giúp việc há hốc miệng, cố gắng mỉm cười, “Vậy lát nữa để tôi gọi công ty Greens mang thức ăn đến cho gà nhà mình ông nhé.” Người giúp việc tiến lại gần chỗ ông chủ, “Tôi biết ông vì công việc chứ chẳng có chút gì cá nhân ông đâu. Nhưng thưa ông, nông trại nhà mình có nhiều người trông coi sao ông chỉ hỏi một mình cậu Simon vậy?” Ông chủ nhíu mày, “Vậy từ nay về sau anh bạn lo giùm tôi mấy trại gà đó nhé. Nếu thấy được giá thì cứ bán hết trong năm nay.” Người giúp việc, “Dạ!” Simon trố mắt vừa lo sợ, vừa ngỡ ngàng, “Ông chủ cúp việc làm của con rồi sao?” First gật đầu. Simon nhìn nghiêng lên một hướng, như đang cố nén những giọt nước mắt sẽ phải chảy xuống.

First nói tiếp: “Simon lấy tất cả sổ sách, chi, thu của con trong năm qua và năm nay đem giao lại cho anh giúp việc.” Simon lại gần đứng bên ông chủ, “Thưa ông, con đã mất bố mẹ từ lúc nhỏ, được ông đem con về nuôi nấng. Con đội ơn ông và xem ông như một người cha yêu kính nhất của mình. Bây giờ, con đã hai mươi tuổi. Ông không cho con tiếp tục làm việc. Vậy nếu có thể được, con xin ông chia cho con một ít tài sản để con ra riêng lập nghiệp.”

First cau mày, “Chuyện ta bảo con làm thì con làm đi.” Simon mặt buồn thiu, lê từng bước nặng nề vào phòng làm việc, mang sổ sách chi, thu ra giao lại cho người giúp việc.  Người giúp việc lấy máy tính, cộng, trừ, nhân, chia từng tháng và cuối cùng lạc mất đâu bốn chục ngàn đô.  Simon mặt mày xanh mét, nhìn ông chủ. Hai lỗ tai hắn đỏ rực, tim đập thình thịch. Chàng hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra, “Thưa ông chủ, con cảm thấy mình cũng đã trưởng thành, hơn nữa, ông đã nuôi con hai mươi năm nay. Số tiền đó con đã bán đợt gà cuối cùng và tự mua một nông trại nhỏ ở tiểu bang Louisiana. Con định sau này con sẽ về đó sinh sống.” Nói xong, Simon gằm mặt xuống. Người giúp việc nhìn anh sững sờ chẳng nói gì.

Ông chủ gật đầu, “Ta đã biết việc này lâu rồi, ta chỉ muốn chính miệng con nói ra thôi. Nông trại nhỏ ở Louisiana của con, hai tháng nay bị sụp mái nhà, ta đã cho người đến thay mái nhà mới, khai triển rộng gấp đôi và xây dựng lại hệ thống ăn uống tự động cho các chuồng gà tại đó.” Sức nóng từ đâu hai bên lỗ tai Simon chạy dồn xuống mặt làm hai gò má anh ửng đỏ, rồi từ đỏ chuyển tái mét thêm một lần nữa. First nói tiếp: “Các nông trại đó hiện tại đang có người trông coi và đã đổ gà con vào đầy các chuồng.” Simon giật nảy người. First thở phào, “Chúng ta không bàn đến việc này nữa. Về phần con, ngày hôm nay con hãy ra ngoài biển câu một ít cá về làm vài món ngon cho ta đãi khách.” Simon bước lùi ra sau. Chàng ngập ngừng, “Ôi, thưa ông, con chưa bao giờ biết câu cá, nếu khách đến mà không có cá thì sao?” Ông chủ ân cần: “Việc ta bảo con làm hãy làm đi.”

Simon vừa hồi hộp, vừa hi vọng vì chưa thấy ông chủ nổi giận hay phản ứng gì về việc anh tự ý mua nông trại không qua sự chấp thuận của ông chủ. Anh vác cần câu mới toanh, dồn lên xe, chì, lưỡi câu, mồi câu đầy đủ và khởi hành.

Trời nắng chang chang, từ trưa đến chiều tối, một con lòng tong cũng chẳng thấy bóng dáng, nói gì đến cá lớn hay món ngon. Simon mỏi mệt, đau nhức hết cả người. Anh lẩm nhẩm, “Đi luôn thì chẳng biết đi đâu, mà vác mặt về thì chịu trận thêm nữa.”

Người giúp việc đến bên First hỏi nhỏ: “Thưa ông chủ, tôi dọn bàn ở phòng ăn xong rồi, ông có thể mời khách đến dùng ạ.” Ông chủ gật đầu, mời bốn vị khách quí vào bàn ăn bữa tối.

Trong nhà của First, nhạc được mở nhẹ nhàng, êm dịu, hòa lẫn niềm vui, tiếng cười nói xôn xao, đèn và điện sáng rỡ từ trong nhà đến ngoài sân.

Simon dùng ngón tay cọ cọ vào cửa kiếng. Người giúp việc ngước lên nhìn, thấy Simon ra dấu mở cửa giùm. Simon nhè nhẹ bước vào cửa hông nhà bếp, lẻn vào nhà tắm rồi lăn vào phòng ngủ.

Simon ngủ nướng. Alarm mỗi ngày báo thức lúc sáu giờ sáng, nhưng hôm nay Simon uể oải cả người. Nghe tiếng alarm reo, anh vói tay đập một cái bóp để nằm thêm mười phút. Simon nằm trên giường lăn qua, lăn lại, chẳng ngủ được nữa. Anh ngồi dậy cảm thấy chóng mặt lạ thường. Bỗng có tiếng điện thoại reng. Simon vội vàng bắt máy, “Chào ông chủ.” Tiếng ông chủ trong điện thoại, “Con  chạy sang phòng ăn, dùng bữa sáng với ta.” Simon mừng đến run người, “Dạ, ông chờ con vài phút.” Simon hối hả chải răng, thay đồ chạy bay đến phòng ăn để gặp ông chủ.

images-1

Đặt tách trà xuống bàn, First hỏi: “Tối qua con về khuya lắm phải không?” Simon bàng hoàng, thì ra ổng còn quan tâm đến mình, “Dạ! Con về cũng vừa tối và mệt quá nên con ngủ luôn.” Simon hỏi: “Mấy người khách đi rồi hả ông?” First umm! “Họ đi từ lúc hừng đông. Tuần sau họ sẽ trở lại và chở về nhà mình thêm hai mươi chiếc tàu nhỏ để ông cho người ta thuê câu cá.” Nói xong, First nhìn ra mặt hồ tĩnh lặng, “Trong tuần này, con nhớ mua thêm một ít cá thả xuống mấy hồ đằng trước này cho ta nhé. Năm ngoái nhà mình đã thả một số Bass, Catfish và Tilapia. Năm nay chúng nó sinh sản thêm nhiều có thể câu được.” First hớp một ngụm nước trà, “Con thích đi câu cá với ta chứ?” Simon nhìn thẳng vào mặt ông chủ: “Đi nữa hả ông? Con đi gần cả một ngày hôm qua.” First trầm ngâm, “Con hôm qua câu loại cá gì?” Câu hỏi dường như xa lạ đối với Simon, anh ngớ ngẩn nhìn chăm chăm ông chủ trả lời một cách thẳng thừng: “Thưa ông, con móc mồi worm vào lưỡi câu, rồi tung xuống biển con nào ăn thì ăn chứ con ở trên bở, cá dưới nước sao con biết được.”

First gật gù, “Vậy hôm nay con đi với ta ra khơi. Ta sẽ tập cho con cách câu cá. Thật ra, câu cá không dễ nhưng con có thể tập và trở thành người câu cá giỏi. Năm tới ta sẽ mở một công ty cho mướn tàu, thuyền và dụng cụ câu cá. Ta cũng cần một người trẻ, lanh lẹ để giao việc này.”

Simon miễn cưỡng nói: “Vậy ông rủ luôn mấy người giúp việc đi chung cho vui.” First lắc đầu: “Ta cũng nghĩ vậy, nhưng mấy người giúp việc trong nhà này ai cũng giỏi nghề biển. Câu cá là sở trường của họ. Về phần con, bây giờ về phòng thu xép mọi thứ cần thiết và chúng ta ra biển một ngày.”

Simon đi lẹ về phòng. Lướt ngang qua tấm kiếng lớn chỗ tủ để quần áo, anh thấy một chàng trai trẻ nút áo đang chênh lệch, bên cao, bên thấp. Anh cười hổ thẹn, “Chao ôi, từ lúc sáng sớm tới bây giờ tôi ăn mặc thế này sao!” Anh mang hành lý ra xe nhưng trong lòng chẳng có ý muốn đi. Trong xe còn ngổn ngang những âm hưởng ngày hôm qua. Anh quay sang ông chủ hỏi:

“Mình đi xe nào thưa ông?” Giọng First trầm trầm, “À, đi xe truck lớn để kéo theo tàu.”

Leo lên xe, ngồi bên cạnh chủ, Simon vừa có cảm giác ấm áp vừa trầm tư. Ông chủ ghé vào trạm xăng gần nhà cho xe uống no một bụng. Simon chạy vào trong tiệm. Anh lấy một ít thức ăn, nước uống  mang lại chỗ quày tính tiền. Ông chủ cũng vào tính tiền xăng và đứng sau Simon. Ông chủ đưa thẻ tín dụng cho cô tính tiền. Cô tính tiền nói: “Anh thanh niên này đến trước thưa ông.” First bảo: “Cô tính giùm tôi luôn phần tiền của anh ấy.” Cô tính tiền hỏi: “Anh ta là con trai của ông? First gật đầu. Cô tính tiền mỉm cười nói tiếp: “Hèn chi tôi thấy hai người có nét giống nhau.” First cười đáp lại. Còn Simon thì suy nghĩ điều đó trong lòng.

Họ lên xe chạy tiếp. Simon chẳng nói lời nào. First quay sang hỏi: “Con cảm thấy thế nào về công việc câu cá?” Simon nghĩ ngay đến một ngày nắng nóng như lửa đổ, cháy cả da người mà anh ngồi ngoài biển chẳng câu được con cá nào. Anh nghĩ, tại sao không mang chài ra khơi thả một cái, thì thiếu gì cá lớn, cá bé, sao phải ngồi chờ vừa mất thời gian, vừa tốn công sức! First chờ vài giây vẫn chưa nghe Simon trả lời. First tiếp: “Con có thể nói vài điều gì đó tích cực được không?” Simon tự nói với chính mình, “Lại nữa, ông chủ này, bộ ổng có thần trong người hay sao mà đi được đến tim của mình.” Simon ngẩng mặt lên, “Con thấy cũng vui.” First hạ giọng nhỏ nhẹ, “Con cảm thấy vui như thế nào?” Simon, “Dạ, được đi ngắm cảnh thiên nhiên với ông chủ.”  First cười rộn ràng, vói tay lấy miếng napkin quẹt ngang qua miệng, húp một ngụm nước, ông nói: “Có nhiều điều rất thú vị về việc câu cá, không phải ai cũng rành nghề câu cá nhưng câu cá có thể giúp con người học được tính kiên nhẫn, thanh thản, giảm căng thẳng và vui vẻ trong cuộc sống mà không phân biệt là đàn ông hay đàn bà. Câu cá là một nghệ thuật sáng tạo, kinh nghiệm, học hỏi mới có thể trở thành người câu cá giỏi.”

First đằng hắng:

“Muốn bắt hay chinh phục được một con cá, người câu cá phải tìm hiểu những yếu tố cần thiết như, loại cá gì mình muốn bắt? Nơi nào có cá? Loại cá đó thích ăn mồi gì? Chúng thích ăn giờ nào? Cá ở cạn hay sâu? Người câu cá cần phải biết có những phương thức nào để có thể bắt được một con cá. Mồi cá phải thích hợp với từng loại cá. Ví dụ, cá Bell thì người câu có thể gắng một chiếc muỗng sáng óng ánh gần lưỡi câu và móc cá mồi vào lưỡi câu. Cá Bell có thể nhìn thấy chiếc muỗng sáng đó mà rượt theo đớp mồi. Cũng có nhiều loại cá thích ăn mồi tôm như Catfish; Cá thích ăn mồi trùn như Tilapia. Câu cá con cần phải nhạy bén để có thể nhận biết khi nào cá có thể đến ngửi mồi, rỉa mồi hay nuốt mồi vào miệng. Nhiều khi con phải hiểu ý con cá, đôi khi cũng cần lột sẵn vỏ tôm để miếng mồi tôm mềm mại cho cá dễ nuốt. Giống như con đi quen một cô bạn gái người Mỹ chẳng hạn, con cũng phải để ý và tìm hiểu về sở thích, văn hóa của cô ấy. Nếu cô ta không biết tiếng Việt mà con nói tiếng Việt thì bạn gái của con làm sao hiểu được.” Simon cười khúc khích.

First cũng cười nhìn sang Simon hỏi: “Hằng tuần con đi nhà thờ phải không?” Simon quay qua ông chủ, “Dạ.” First mở  bọc khoai tây chiên, cắn lộm ngộm mấy miếng rồi nói tiếp: “Ví như có  một người nào đó mới tin Chúa. Anh ta hay cô ta vào nhà thờ mà con cứ nói huyên thuyên về chuyện tái sanh, mặc khải, nên thánh… thì lời con nói có thể làm bỡ ngỡ người nghe.” Simon cau mày, “Vậy làm sao hiểu được con cá thưa ông?” First cười, “Tùy môi trường, văn hóa của từng loại cá. Vấn đề không phải là con cá mà là con người. Người câu cá cần có tinh thần sẵn sàng, hiểu được nơi nào có cá, nơi nào người ta muốn đến để câu.” First nghiêm túc hỏi: “Con có muốn được trang bị, muốn được học hỏi và sẵn sàng để trở thành người câu cá giỏi không?” Simon, “Thưa ông con muốn học.” First gật đầu, “Nếu con thật sự muốn học thì ta chỉ cho con.”

First thong thả vừa lái xe, vừa bỏ khoai tây chiên liên tiếp vào miệng nhai ngấu nghiến, “Con có thích ăn khoai tây chiên không?” Simon gật đầu, “Dạ thích.” First đưa lên một cọng khoai tây chiên, “Vậy ta móc mồi khoai tây chiên này để câu cá, con nghĩ cá có thích ăn không?” Simon cười, “Dạ không.” First lắng giọng, “Cũng vậy, mỗi nơi, cá thích nghi sự sống có thể khác nhau. Cá nước ngọt, cá nước mặn, cá hồ lớn, cá hồ nhỏ, cá sông, cá biển, cá ăn tùy loại mồi.

First vỗ nhẹ vào vai Simon nói tiếp, “Điều kiện thích nghi cuộc sống của con không phải là ở dưới nước. Con cũng không nhất thiết phải sống dưới nước như cá mới hiểu được môi trường của cá. Con có thể cần được trang bị, đào tạo và huấn luyện qua những lớp câu cá chuyên môn, cần tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm chính mình và lượm lặt kinh nghiệm từ những người khác. Con biết không, có người đi câu hoài nhưng ít khi câu được cá. Vì thế, người câu cá, nhiều khi không nhất thiết hay bắt buộc mỗi khi vụt mồi xuống nước là phải có cá liền. Con  cần tận dụng thời gian và kiên nhẫn, dầu gặp thời hay không gặp thời, con vẫn kiên cường và không nản chí, không bỏ cuộc thì con sẽ thành công.”

Simon tỏ vẻ hồn nhiên thích thú, anh bật hỏi: “Ông ơi, tại sao từ nhỏ ông không dạy con câu cá mà bắt con chăn gà?” First nhẹ lắc đầu, “Chăn gà để con nhận biết sự khó nhọc của đời người là phải làm việc để sinh sống. Hơn nữa, ta cảm thấy chưa đến thời điểm để huấn luyện hay hướng dẫn con trở thành người câu cá giỏi. Ta cũng chẳng muốn giáo huấn người nào không thích câu cá hay bắt buộc người nào phải câu cá, nhưng ta chỉ muốn truyền đạt nghề câu cá cho bất kỳ người nào thật lòng muốn học, muốn đáp ứng điều họ học, vui vẻ thực thi công việc và giúp ích cho người, cho đời. Còn nếu ai cảm thấy việc câu cá là cực hình, hay ép buộc thì lời ta dạy chỉ luống công, vô ích. Ta có thể gọi bất cứ người nào thích hợp để dạy nghề, nhưng ta cũng sẽ chọn một ai đó để lưu nghề, dầu là người nam hay người nữ. Vì thế, có kẻ được gọi nhưng có thể không được chọn.” First mở chai nước, nuốt ực một ngụm rồi hỏi: “Bây giờ con có sẵn sàng tấm lòng để theo ta học nghề câu cá không?” Simon nhìn ông chủ chưa dám mở miệng. First gật gù, “Con không cần phải trả lời ta ngay bây giờ nhưng con nhớ rằng trong vòng ba năm nữa, con sẽ làm được việc lớn, việc khó và có thể làm việc nhiều hơn ta nữa.” Simon nhìn ông chủ, “Thưa ông, ông biết được lòng con!”

Simon và ông chủ đã đến biển sau bốn lăm phút lái xe. First cho xe lui lại phía sau và hạ tàu xuống biển. Simon bôn ba mở cửa xe ra ngoài buộc dây tàu. First cho xe đậu nơi bãi biển và họ bắt đầu ra khơi. Gió biển thổi ào ào từng đợt, những con sóng nghịch ngợm nắm tay thành từng hàng nối tiếp, đua nhau chạy tung tóe vào bờ. Ông lão First tuổi mới sáu mươi lăm chưa già lắm nhưng sức lực bất ổn như khí hậu nơi này mới nắng nóng hôm qua, hôm nay đã đổi gió chuyển sóng. First cho tàu chạy chừng mười phút, ông đã ho một tràng dữ dội chảy cả nước mắt, nước mũi. Simon lo lắng quá đỗi, lại ngồi gần vỗ lưng First, “Ông ơi, ông có sao không? Trời hôm nay hơi lạnh hay mình quay về đi ông, hôm khác đi tiếp!” First vẫy vẫy cánh tay phải, lắc đầu và ho sụt sùi. Simon lấy chai nước cho ông chủ. Thế là họ thả tàu bồng bềnh trên biển nằm ngắm trời.

Simon lấy miếng giấy thấm nước lau mặt cho First. Một lát sau, First khỏe lại và bảo, “Nghề câu cá quả thật là khó khăn, nhiều khi trái gió trở trời cũng có chút nguy hiểm. Người nào yêu nghề thì sẽ không ngại gian khổ, nắng, mưa là chuyện nhỏ. Còn người nào chỉ thích nghề này thì họ dễ dàng nản lòng. Vì yêu nghề là một cam kết, họ chung thủy với nghiệp họ làm. Còn chỉ thích thôi thì có thể bây giờ họ thích, ngày mai họ đổi ý không thích nữa.”

Simon nhìn ông chủ bàng hoàng. First nói, “Con có muốn theo ta học nghề câu cá không?” Simon tỏ vẻ hơi buồn vì ông chủ đã hỏi mình đến ba lần, “Thưa ông, xin chỉ dạy con!” First, “Được! Hãy lại gần đây.” First mở thùng đồ nghề, móc mồi vào năm lưỡi câu tung xuống nước. First kéo lên ba con cá Red Snappers một lượt, mỗi con khoảng năm đến tám ký. Simon nhào lại lấy móc sắc kéo cá vào tàu. First giao cần câu cho Simon và bảo Simon làm y như vậy. Simon thấy cần câu giật mạnh, anh kéo lên lưỡi nào, lưỡi nấy không còn một miếng mồi.  First nói, “Con thả câu sang bên phải một chút, vì bên trái ta mới câu.” Simon nghe lời chủ thả câu bên phải. Tích tắt anh kéo lên được một con cá Mập khoảng mười lăm ký. Simon cười tươi hơn bao giờ hết. Anh tiếp tục, tiếp tục móc mồi vào lưỡi câu vụt ra biển nhưng chẳng có con cá nào nữa.

Đến trưa, họ bày thức ăn, nước uống trên tàu, sóng vẫn lắc lư, hai ông cháu nghiêng qua, ngã lại trên những con sóng vỗ về. Nhìn từ xa về hướng Tây cũng có mấy người đang thả câu. Nhìn vào bờ, họ đã cách bờ khoảng ba dặm. Tự nhiên, máy tàu ngưng chạy. First nhìn Simon. First cởi áo chuẩn bị lặn xuống. Simon đưa tay ra cản ngăn, “Ông để con lặn xuống cho, hình như là bị mắc rong.” Simon cởi bộ đồ ngoài rồi nhảy chủm xuống nước. Anh gỡ những rong, rác và một dây thừng bị quấn vào máy quạt. Simon ngoi lên lấy hơi, lặn xuống ba, bốn lần mới lấy hết mọi thứ vòng quanh chong chóng của máy tàu.  Bỗng chốc, máy chạy lại bình thường nhưng khi Simon ngoi lên thì bàn tay phải của anh đã bị chảy máu. First đưa tay kéo Simon lên tàu, khoát áo cho anh. First bình tĩnh kéo ngăn tủ lấy dụng cụ băng bó tay Simon. Simon vô tình nhìn thấy trong ngăn kéo có một thùng sắt nhỏ. Anh hỏi, “Thùng gì trong đó thấy đẹp vậy ông?” First nói, “Đó là cẩm nang nghề nghiệp câu cá của ông chủ của ta để lại.” First hỏi: “Con có đau lắm không?” Simon thưa, “Dạ không. Nó chỉ tê và con không có cảm giác đau.” Miếng băng, bó thật chặt nhưng máu vẫn rỉ rả thấm ra ngoài. Họ quay mũi tàu lại lái về nơi khởi hành.

First lái xe truck, kéo tàu và chở Simon trên đường về nhà. First nhìn Simon khẽ nói, “Thật vất vả cho con! Simon học được điều gì từ ngày hôm nay?” Simon thưa, “Vâng, con học được rất nhiều điều.”

Thứ nhất: Hai người hơn một! “Một mình sẽ không làm được chuyện lớn. Nếu ai muốn ra khơi thì phải có tàu. Nếu có tàu thì phải cần có xe truck để kéo tàu. Một người không thể hoặc rất khó khăn khi vừa lái xe truck để đưa tàu xuống biển, vừa buộc dây neo cùng một lúc. Cũng giống như làm công xưởng, mỗi người một việc thì mới lắp ráp những thứ công nghiệp một cách máy móc, nhanh, mạnh và số lượng lớn. Con cần có nhiều người khác hợp tác, đồng hành và san sẻ công việc chung. Hai người hơn một rất hữu ích như hôm nay, con yếu đuối thì có ông giúp đỡ.”

First cười khà khà, “Vậy điều thứ hai là gì?” Simon thưa, “Vậy ông nói một điều, con nói một điều.” First ân cần:

Điều thứ hai: Hiểu được con cá! “Lý trí nhạy bén sẽ câu được cá. Con câu cá nơi nước sâu, hay câu nước cạn, câu ngoài khơi, hay câu ở gần bờ. Con cần hiểu về hoàn cảnh và sở thích của cá. Có thể về mùa Hè, cá thường nhanh nhẹn, tích cực hơn mùa Đông.  Mùa Hè, con có thể thả câu, lướt nhanh, thì cá có thể nhảy đến đớp mồi. Còn mùa Thu chuyển Đông như hôm nay, nếu con thả câu, kéo lướt nhanh thì cá có thể sẽ không ăn. Nhiều khi câu cá con phải nhử mồi nhiều lần cá mới ăn. Con cần thời gian, kiên nhẫn, tìm hiểu, phải dùng lý trí để sáng tạo kiến thức. Cái đầu của con và cái đầu của con cá hoàn toàn khác nhau. Con phải khám phá và như một con cá để có thể hiểu được ý cá. Con tận dụng thời gian, đầu tư nhiều vào công việc này con sẽ gặt hái được kết quả tốt.”

First quay sang Simon, “Tới phiên con.” Simon thưa ông, “Con chưa nghĩ ra.” First tiếp tục:

Điều thứ ba: Tốn kém về vật chất! “Con đặt mục đích vào việc câu cá con sẽ phải tốn kém không ít về vật chất. Mục đích của con là bắt được nhiều cá để trở thành người thợ câu cá giỏi. Vậy mục tiêu của con là năm nay con sẽ câu được bao nhiêu tấn cá? Đối tượng hay loại cá nào con sẽ câu? Con sẽ đến biển nào? Con đi đến những nơi nào để tìm và câu cá? Biển cả thì mênh mông, muốn câu được cá thì con phải tìm hiểu nhiều loại cá khác nhau, phải đem theo nhiều loại chì, nhiều loại cần, nhiều loại nhợ câu… Con cần mua thêm sách, báo để đọc và học. Con cần có xe riêng, tốn tiền đổ xăng, ăn uống và chi tiêu.”

First hỏi, “Còn điều thứ tư là gì, con có nghĩ ra câu nào chưa?” Simon cười, “Dạ.”

Điều thứ Tư: Chuẩn bị tinh thần! Con  nghĩ, phải ngủ sớm, thức sớm, có sức khỏe và nghị lực để đi câu, còn nếu thiếu ngủ thì không tập trung để câu cá. Có người đi chưa đến nơi câu đã buồn nôn, nên cần phải chuẩn bị thuốc say sóng, nếu phải ra khơi. Con cũng cần tìm hiểu thời tiết để biết trước sự thay đổi của khí hậu, nhiều khi không chính xác nhưng cũng giúp chúng ta trong việc ra khơi. Con cần phải ăn, ngủ đầy đủ, tinh thần tỉnh táo, minh mẫn để sẵn sàng đi câu cá. Simon nhìn ông chủ, “Đến phiên ông.”

First, “Đến thì đến, ông một bụng nghề nghiệp nè con:”

Điều thứ Năm: Nhạy bén và thay đổi! “Con phải biết khi nào cá đến, ăn hay rỉa mồi. Nếu con không nhạy bén, thì cá có thể đến ăn hết mồi mà con vẫn không hay biết và không câu được cá. Khác nào, một người bán nữ trang đứng đối diện đôi nam nữ đang tìm mua hai chiếc nhẫn cưới mà người bán nữ trang không nhận ra. Vì thế, con cần nhạy bén, thăm dò, và có thể phải thay đổi cách tiếp xúc cho phù hợp như mồi nào thích hợp cho loại cá nào con muốn câu vậy. Còn một điều quan trọng nữa, nếu ta không nói bây giờ có thể ta sẽ quên hoặc không có cơ hội để bày tỏ cho con.”

Điều thứ Sáu: Nhu cầu và tâm lý của cá!

Simon hỏi liền: “Có thiệt không ông, cá cũng có nhu cầu, tâm lý sao?” First bật cười, “Có chứ!”

“Mồi không ngon lành, không thích hợp, cá có thể không ăn. Con phải biết giờ nào cá có thể ăn. Cá ăn lúc sáng sớm, buổi tối, lúc thủy triều dâng lên hay hạ xuống. Con cũng cần phải biết khi nào thuận tiện để có thể thích hợp cho việc câu cá. Con có thể sử dụng những gì mình có, làm sao con biết móc mồi, làm sao con có thể tóm được lưỡi câu… Nhu cầu của cá có thể là cần thức ăn. Con để ý, tìm hiểu để phản ứng hay đáp ứng đúng mức. Nếu cá đã no thì con có mồi ngon lành có thể cũng không câu được cá. Tâm lý của con cá thường thì nhút nhát và nó không muốn bị người ta bắt. Nó không muốn thay đổi vị trí, môi trường hiện tại mà nó đã quen hay đang sở hữu. Vì thế, con cần có thời gian làm quen, siêng năng, tập sự và hiểu được tâm lý mỗi loại cá, tùy theo địa phận, tùy bối cảnh, môi trường, văn hóa, hồ lớn, hồ nhỏ, nước lớn, nước ròng để con có thể tiếp cận và trở nên chuyên nghiệp.”

Simon và ông chủ nói chuyện líu lo như sáo trên xe. Con đường về nhà dường như ngắn hơn một nửa. Thoáng một cái, họ đã về đến nơi. Bốn giờ chiều, mặt trời của Texas đang nằm nghiêng về hướng Tây. Gió vẫn se lạnh. First cho xe chạy thẳng vào parking sau nhà và kéo tàu về lại chỗ của nó. Mấy người giúp việc chạy ra giúp First dọn dẹp đồ đạc và khiêng thùng cá vô nhà. First gọi một người giúp việc chở Simon đi bác sĩ để chữa vết thương. Người giúp việc chở Simon đến một phòng mạch bác sĩ gần nhà. Họ vừa đến thì đúng lúc phòng mạch tới giờ đóng cửa. Người giúp việc phải chở Simon vào bệnh viện. Simon bị cánh quạt của máy tàu cắt nhiều vết đứt, bị dập và sưng bầm, có một chỗ cắt dài phải may đến sáu mũi kim. Bác sĩ Grace phải chích thuốc tê để khâu vết cắt cho Simon.

Lần này Simon cũng về tối nhưng không lẻn vô cửa sau như tối hôm qua. Anh vừa về đến sân đã có người ra mở cửa, hỏi han và lo lắng như cậu Hai trong nhà chủ. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc của mọi người trong gia đình, Simon cảm thấy ấm lòng và tay anh cũng được lành sau một tuần đau đớn. Các vết cắt trở nên những vết sẹo ngang dọc như một kỷ niệm yêu dấu khó quên trong đời anh.

Hôm nay một ngày mới anh dậy sớm, thả bộ một mình. Anh thoáng nhìn ra sân sau, thấy chiếc tàu màu xanh lam như nhắc anh về chiếc hộp sắt trong ngăn tủ. Anh dừng lại muốn tiến đến để mở ra xem trong đó có những gì. Nhưng rồi, lòng anh không cho phép vì mọi thứ trong nhà là của chủ mình. Anh tiếp tục bước đi bên lề đường. Khi quay về, anh cưỡng không lại sự thu hút của chiếc hộp sắc, anh lẻn vào tàu, kéo ngăn tủ ra xem, thì ra chiếc hộp đã biến mất…

First lâm bệnh và nằm ở bệnh viện Texas suốt bảy tháng. First được đưa về nhà tịnh dưỡng vào những ngày cuối đời. Ngày đầu tiên về nhà, First cho người gọi Simon đến gặp mặt. Simon đến ôm chầm chủ mình. Anh cố nén tiếng khóc, nhưng First khoát tay bảo, “Con ngồi xa ta một chút, kẻo lây bệnh.” First ho một đợt, hai đợt rồi ba đợt. First có vẻ như gần đến ngày ra đi. First bảo: “Simon, con là đứa con trai ta yêu quí nhất. Dầu là con nuôi nhưng ta rất thương con. Simon, con có thể gọi ta một tiếng ‘Ba’ không?” Simon  mím môi, nước mắt anh tuôn đổ. Anh quỳ xuống bên cạnh giường, “Vâng, thưa Ba!” First đưa tay chỉ về góc phòng nhỏ, bảo Simon, “Con lại đó lấy cái hộp sắt tới đây cho Ba.” Simon lại nhìn tới, nhìn lui. Đúng rồi, chiếc hộp này anh đã thấy trên chiếc tàu lúc bị tai nạn, giờ nó được nằm nơi đây, nhưng hình như Ba lúc nào đi đâu, ông cũng mang nó theo hay sao! Anh nhìn chăm chăm chiếc hộp, có thể trong này có điều gì bí mật lắm, có thể là kim cương, vàng, hay ngọc của bao nhiêu đời để lại. Anh vừa mừng, vừa lo, vừa hồi hộp mang lại cho First.

Đoạn, First bảo Simon: “Bên trong chiếc hộp sắt này là của báu nhất của đời ta. Mọi thành công ta có được từ trong hộp sắt đó mà ra. Ta giữ nó rất kỹ lưỡng, bây giờ ta giao nó lại cho con. Hi vọng cuối cùng của ta là con sử dụng những gì trong hộp sắt đó để làm hành trang trong đời con. Con hãy nương dựa vào đó mà sống, và hãy sống đắc thắng!” First ho một hồi. Ông có vẻ mệt mỏi với những hơi thở chầm chậm. First khoát tay, “Con đi đi. Con đến Louisiana, nơi nông trại của con một thời gian, ở đó tịnh tâm và học câu cá. Khi nào đến nơi rồi con hãy mở chiếc hộp sắt. Sau khi con xem xét mọi thứ trong đó…” First thở ra một hơi dài, rồi lấy hơi nói tiếp: “Con hãy về đây trông coi công ty này. Ta còn chưa đặt tên, nhưng con có thể lấy chính tên của con để đặt cho công ty. Con có thể thuê thêm người, cho thuê tất cả những tàu, thuyền và hướng dẫn người khác cách câu cá.”

Simon, “Dạ” lui ra sau, trên tay ôm chặt hộp sắt nhỏ nặng nề lê bước ra khỏi phòng. Bên trong có người đang chăm sóc First. Nghe một tiếng ho dài, lòng Simon không nỡ bước đi. Anh ngoái đầu nhìn lại rồi úp mặt vào vách tường khóc nức nở như mưa.

Trời cũng buồn, vài giọt mưa rơi lớt phớt, anh mang hành lý ra xe, lái thẳng về nông trại ở Louisiana. Thật không ngờ, nông trại tội lỗi này lại được thánh hóa.  Nó vừa đẹp, vừa có người chăm sóc đâu vào đấy. Simon lại là ông chủ của các trại gà công nghiệp tại nơi này. Mọi người làm việc đều tôn kính Simon chẳng khác gì những ngày First còn mạnh khỏe. Anh chạnh lòng!

Sau khi Simon được người quản lý đưa đi hết khu này đến khu khác. Trại gà bao la, họ phải chở Simon bằng xe nhỏ. Anh tham quan hết tất cả, tỏ vẻ hài lòng và hãnh hiện… Tối đến, Simon một mình trong căn phòng ngủ, anh trịnh trọng mở chiếc hộp sắc nhỏ nặng kình kịch ra xem. Anh thật bất giờ trong đấy không có một chút vàng, bạc hay kim cương mà toàn là chữ nghĩa màu đen được viết trên những tấm vải bằng da thú, màu vàng rất mỏng và mềm mại. Mỗi mảnh vải, chiều dài chừng tám inches, chiều ngang khoảng năm inches, bên trên cũng như bên dưới đều nẹp miếng que gỗ màu nâu, được dán bằng keo rất chắc, rồi cuốn thành từng cuộn nhỏ nhắn trông thật đẹp mắt. Anh bỡ ngỡ lấy hết những cuộn vải da nhỏ trong đó và xem tận đáy hộp có còn thứ gì khác nữa chăng. Mà không! Chỉ vỏn vẹn mấy câu nói bất hủ của những người thành công nào đó đã để lại. Simon mở ra đọc từng cuộn.

Cuộn thứ nhất: Tôi sẽ thành công!

Hôm nay là thời điểm tốt để tôi đặt bước chân đầu tiên trên con đường thành công. Tôi phải thực hiện ngay bây giờ và không chờ đợi. Tôi sẽ học, hành và đi ra giới thiệu với người khác về công vụ của tôi. Không có một nghề nghiệp nào dễ dàng thành công, hay không gặp những trở ngại, khó khăn, nhưng tôi sẽ quyết chí, luôn suy nghĩ tích cực và không bỏ cuộc. Tôi sẽ kiên trì, tiếp tục làm cho đến khi thành công. Tôi cầu xin Chúa về khải tượng nghiệp vụ của tôi, hầu tôi có thể bước theo khải tượng một cách đúng đắn. Tôi sẽ lập kế hoạch, lên chương trình, định hướng mục tiêu để tôi biết mình phải làm gì. Tôi nhắm mục đích mà chạy… (Phi-líp 3:14). Tôi sẽ thành công.

Cuộn thứ hai: Tôi là người có giá trị!

Tôi là một hữu thể bao gồm thân, hồn, linh đều có giá trị trước mặt Chúa (Lu-ca 9:10-17; Ma-thi-ơ 9:27-33). Tôi giữ gìn thân thể sạch sẽ, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và tôi tin, đây là một trong những nếp sống thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời. Tôi là người có giá trị vì được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa (Sáng-thế-ký 1:26-28). Bởi vậy, tôi quí báu chính tôi và tôn trọng hết mọi người. Đức Chúa Trời đã khiến Con Ngài là Chúa Cứu Thế Jêsus trở nên loài người để chịu chết cho tôi (Giăng 3:16). Tôi là một phần trong công trình sáng tạo của Chúa. Tôi được tạo dựng có ý định. Tôi được hoạch định để quản trị những gì Đức Chúa Trời tạo nên với tư cách người quản lý của Ngài. Tôi có ưu điểm lẫn khuyết điểm và có các tiềm năng. Tôi có nhu cầu sinh hoạt, có mục đích trong đời sống; một nhu cầu về việc sống có ý nghĩa và sự nhận biết mục đích của đời sống chính mình. Nghề nghiệp hoặc sự kêu gọi của tôi là phương tiện chủ yếu qua đó tôi có thể thực hiện vai trò quản trị. Sự hiện hữu của tôi không phải ngẫu nhiên, nhưng tôi được tạo dựng nên một cách có mục đích, vì vậy đời sống tôi có ý nghĩa. Tôi là người có giá trị.

Cuộn thứ ba: Tôi là một hữu thể có ý chí tự do!

Tôi không có điều gì mà không nhận lãnh. Nhưng phần lớn, điều tôi nhận lãnh là quyền năng để làm một điều gì đó chứ tôi không phải là vật chứa hay bình đựng. Tôi có khả năng lựa chọn và quyết định, thể hiện hành động cách có trách nhiệm.  Vì vậy, mặc dầu có tự do, nhưng phải được thi hành với những giới hạn nhất định (Ga-la-ti 5:13-16). Tôi có tự do lựa chọn và có thể chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình. Tôi không hoàn toàn bị quyết định bởi quá khứ, cũng không chỉ hành động bởi bối cảnh rộng lớn của xã hội. Chúa Jêsus tôn trọng sự tự do và khả năng tự quyết định của tôi. Tôi sống tự do trong Chúa.

Cuộn thứ tư:  Tôi là người đặc biệt!

Tôi có một bối cảnh riêng biệt, không giống ai trong cuộc đời. Tôi đang sống giữa mọi người và tôi là một hữu thể mang tính xã hội, với những kinh nghiệm trong quá khứ và hiện tại ảnh hưởng đến hướng đi cuộc đời sau này của tôi. Tôi là một hữu thể thuộc về bối cảnh (Giăng 4:4-7, 39-41; Lu-ca 19:1-10). Tôi sẽ luôn học hỏi,  khám phá vẻ đẹp màu nhiệm của thế giới này, thâu nhận những điều tốt, loại bỏ những thói hư tật xấu, và tăng trưởng con người nơi bề trong thiên tánh của tôi như Chúa đã tạo dựng nên tôi.

Cuộn thứ năm: Tôi là người tội lỗi được Chúa thánh hóa!

Bản chất của tôi là phạm tội, hành vi của tôi là những khuynh hướng lỗi lầm. Tội lỗi cũng là một thế lực hoặc một sức mạnh chống nghịch Đức Chúa Trời để cầm giữ tôi trong tình trạng nô lệ. Do hậu quả của sự sa ngã, tội lỗi thâm nhập vào tất cả những lãnh vực của đời sống tôi và ở mọi mức độ của các mối quan hệ và các mối liên hệ bị gãy đổ (Sáng-thế-ký 3:1, 13; Rô-ma 7:19). Động cơ thiếu trong sạch, không còn sống hòa hợp với chính mình và phục vụ bản ngã, tôi từng trải những tranh chiến và sự phiền muộn. Tôi là người tội lỗi được Chúa thánh hóa.

Cuộn thứ sáu: Tôi sống có hi vọng.

Nhờ công lao cứu chuộc của Chúa Cứu Thế, ân điển chữa lành, giải phóng và khôi phục của Đức Chúa Trời đang được sắm sẵn cho tôi bằng lòng đầu phục quyền tể trị của Chúa Cứu Thế. Những hậu quả hủy diệt của tội lỗi có thể bị đảo ngược, vì Chúa có thể đem đến sự thay đổi và làm tăng trưởng. Trong đời sống được cứu chuộc, tôi vẫn đang sống trong thế giới sa ngã, tôi sống giữa nước Đức Chúa Trời trong hiện tại và nước Đức Chúa Trời hầu đến. Tôi sống năng động. Tôi không chỉ bị quyết định bởi quá khứ của mình, những biến cố trong cuộc đời, những từng trải trong thời thơ ấu, môi trường hay tính di truyền, mặc dầu tôi có thể bị ảnh hưởng bởi tất cả các điều đó. Tôi có khả năng thay đổi và tăng trưởng (Phi-líp 4:13; Rô-ma 8:4; II Cô-rinh-tô 5:17; Ê-sai 1:18). Tôi sống có hi vọng vì tôi có Chúa.

Cuộn  thứ bảy: Tôi sống đắc thắng!

Tôi phải học tập để vượt qua những tranh chiến và căng thẳng ở giữa cuộc đời này bằng cách nhờ cậy Chúa và người khác là những người dự phần cùng cuộc hành trình. Tôi cần liên lạc nối kết, hay dự phần vào một cộng đồng. Mục tiêu của tôi là sống đắc thắng, thánh khiết và hoàn thiện vì Lời Chúa có phán, hứa với tôi rằng:

Ta sẽ đi trước con (Phục-truyền 31:8).

Ta sẽ dắt đưa con (Ê-sai 58:11).

Ta sẽ trả lời con (Giê-rê-mi 33:3).

Ta sẽ thêm sức cho con (Ê-sai 41:10).

Ta sẽ luôn yêu con (Giê-rê-mi 31:3).

Ta sẽ ban phước cho con (Phục-truyền 7:13).

Ta sẽ luôn bên con (Giô-suê 1:9).

Ta ban cho con sự bình an (Giăng 14:27).

Ta sẽ chu cấp cho con (I Ti-mô-thê 6:17).

Ta sẽ không hề bỏ con (Hê-bơ-rơ 13:5).

Ta sống thì con cũng sẽ sống (Giăng 14:19)

Ta sẽ trở lại… Ta ở đâu thì con cũng ở đó (Giăng 14:3).

Dầu làm việc gì tôi cũng vui vẻ và làm hết lòng. Nhờ Chúa, tôi sẽ là người thành công, phước hạnh và sống đắc thắng trên cuộc đời này!

Simon đọc từng chữ một cách cẩn trọng. Đọc xong, anh sấp mình xuống đất cầu nguyện, xin Chúa thánh hóa lòng anh…

Tại Louisiana, mỗi ngày anh ra biển tập câu cá, từ sáng đến chiều. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, anh đều cầu nguyện và lấy những cuộn vải da nhỏ đọc đi, đọc lại cho đến khi thuộc lòng. Anh tham dự nhiều cuộc thi câu cá từ các tổ chức của nhà thờ, tổ chức từ các resort, tổ chức của các cuộc thể thao về câu cá của các thương gia và hầu như lần nào anh cũng đoạt giải. Có lần anh đoạt giải nhất vì câu được một con cá Red Snapper cân nặng ba mươi pounds. Trong khi những người chuyên nghiệp khác cũng câu được nhiều cá nhưng con nào cũng dưới ba mươi pounds. Simon được nhiều người thu hình, phỏng vấn và tán dương nhưng anh khiêm nhường cho rằng, anh là người may mắn.

Thấm thoát đã sáu tháng trôi qua, một buổi sáng trong lành, bầu trời chỉ xanh ngắt một màu. Simon ra bờ biển câu cá. Hai con chim bồ câu trắng chẳng biết từ đâu bay xẹt ngang trước mặt Simon. Anh đứng dõi mắt trông theo, nhìn mãi cho đến khi chúng bay xa tít về hướng Bắc. Anh đang miên man suy nghĩ về một điều gì đó. Bỗng có người gọi tên anh, “Simon, Simon.” Anh quay lại. Người giúp việc tiến đến gần với ánh mắt buồn bã. Simon hỏi, “Thưa ông, đến gặp tôi có việc gì?” Người giúp việc bật khóc, “Cậu về mau kẻo không kịp nữa. Ông chủ sắp trút linh hồn.” Simon buông cần câu ngã chổng kềnh trên mặt cát. Anh nhảy lên xe trên đôi tay còn tanh mùi mồi. Anh phóng thẳng một mạch về Texas.

Chỉ còn chút hơi thở cuối cùng, First vẫn gọi tên Simon, Simon, con trai cưng của ta. Simon lao vào ôm First kêu lên như một đứa trẻ: “Ba!… ‘Ba ơi!’ … Ba à!” Giọng anh đứt quãng.  First bảo: “Hãy kế nghiệp ta, hãy trở thành người câu cá giỏi.” Simon, “Vâng, thưa Ba!” First không còn tự chủ được nữa, cánh tay ông buông thả trên thành giường, cổ nghiêng về một bên, mắt nhắm lại như đang ngủ. Simon lần đầu tiên chứng kiến sự cuối cùng của đời người. Mắt anh đỏ ngầu, lảo đảo bước ra khỏi phòng. Những người giúp việc nhốn nháo, “Cậu Hai? Cậu Hai?” Simon bảo, “Ông đã đi rồi!” … Simon khóc để tang cho First suốt bảy ngày…

Đoạn, Simon đứng dậy đặt thương hiệu “Simon Fisher” sáng bóng trước cửa tiệm. Anh chưng bày những hình ảnh câu cá, các mảnh bằng và trophy anh đã nhận lãnh từ các cuộc thi câu cá. Simon in ra những mảnh giấy nhỏ, giới thiệu về thương hiệu của mình. Hằng ngày đều có nhiều người đến thăm thương hiệu của anh. Simon mở những lớp  dạy câu cá, cho mướn tàu, thuyền và tổ chức những cuộc thi câu cá. Mỗi khi bắt đầu cuộc thi, anh thường động viên những người dự phần suy nghĩ tích cực và sống đắc thắng. Simon thường làm chứng về cuộc đời của First là người thầy, người cha nuôi đầy lòng nhân ái và yêu thương anh. Simon vinh dự nói với nhiều người rằng, anh trở nên kẻ kế tự của First và là người được chọn để kế nghiệp cha mình. Dầu trong cuộc thi có kẻ thắng, người bại nhưng hầu như ai đến với thương hiệu “Simon Fisher” cũng đều nhận lãnh sự bình an và thỏa lòng. Simon cảm nhận được niềm hạnh phúc, phước hạnh trong nghề nghiệp thực tại của mình và cuộc sống.

Simon nói: “Nghề câu cá không phân biệt nam hay nữ. Câu cá là một nghệ thuật, không phải ai cũng biết cách câu cá nhưng ai cũng có thể rèn luyện để trở thành người câu cá giỏi. Đời sống là chuỗi ngày dài không ngừng học hỏi và đeo đuổi cuộc chạy. Tôi tin rằng, tôi sẽ sẵn sàng cuộc chạy cho sự sống thứ hai. Cuộc sống tôi như là một phép lạ nhiệm màu. Tôi ngày trước là một đứa trẻ mồ côi, vấp phạm, lầm lỗi, thất bại, tưởng chừng như là người bất hạnh nhưng lại nhận được sự tha thứ và trọng dụng.” Simon  nhìn mặt từng người trong căn phòng, “Tôi là người được yêu thương nhiều và phải trả món nợ này.” Thưa ông, “Hãy nói cho tôi biết điều gì đã làm cho ông thay đổi con người, địa vị, số phận và được nhiều người quí mến ông?”

Simon mỉm cười.

                                                                             TÔN THIỆN THI

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn VIẾT CHO NIỀM TIN 2014)

 

https://huongdionline.com/2016/10/22/huongdionline-co-gi-dac-biet/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn